Tường thuật nhanh bài pháp thoại trực tuyến trên Zoom 5/5/2024 của Gia Đình Phật Tử VN tại Hải ngoại do TT Thích Nguyên Tạng thuyết giảng với chủ đề “PHÁP MÔN CHUYỂN HÓA PHIỀN NÃO THÀNH AN VUI “..
Lời mở đầu
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Kính bạch TT Giảng Sư Thích Nguyên Tạng,
Thật là một niềm hoan hỷ vô cùng đến với con khi cả mấy tháng qua trong năm 2024 con mới lại được nghe một bài pháp thoại có thể nói mang hết những điều cốt lõi của Đạo Phật mà theo kinh nghiệm của các hành giả tu tập lâu năm cho rằng chỉ cần học và tiêu hoá trọn vẹn 10 bài kinh đầu của Trung Bộ Kinh là có thể chuyển được cái tâm và cái hành của mình trên đường Đạo.
Quả đúng vậy, hôm nay với chủ đề pháp thoại “Pháp môn để chuyển hoá phiền não thành an vui,” TT Giảng Sư đã dùng bài “Kinh Tất Cả Lậu Hoặc “ làm nồng cốt để chỉ ra pháp môn cốt yếu cần thực hành để chuyển hoá mọi phiền não.
Cũng cần nhắc lại bài kinh “ Tất cả Lậu Hoặc “ là bài kinh số 2 thuộc Kinh Trung Bộ - Đại tạng Kinh Việt Nam, được coi là bộ kinh trang bị cho hàng Phật tử kiến thức căn bản để vững tiến trên con đường tu học.
Hơn thế nữa ….Bài tri ân tác pháp của Huynh Trưởng Huỳnh Kim Hoa sau 2 giờ pháp thoại với TT Thích Nguyên Tạng về chủ đề PHƯƠNG PHÁP CHUYỂN HOÁ PHIỀN NÃO THÀNH AN VUI đã nói lên được sự thành công của một nhà hoằng pháp. Có nghĩa là bắt buộc sau buổi nghe pháp thoại rồi người thính pháp ra về mang tâm trạng vui tươi hạnh phúc, thanh thản phấn khởi, và muốn giữ mãi niềm phấn khích này để chia sẻ với người khác.
Phải nói một điều lạ xảy đến với con, sau buổi pháp thoại này con đã tìm thấy nơi Ngài Giảng Sư, với một ngôn ngữ riêng, một cách diễn đạt đặc thù bằng những gợi ý, những hình ảnh và kinh nghiệm thực tế của cuộc sống hằng ngày cùng với những dẫn chứng từ các bậc tôn túc như những kinh nghiệm tu tập của những bậc Thầy mà Ngài Giảng Sư đã tôn kính và học hỏi như “ HT Thích Trí Tịnh, HT Thích Huyền Vi, H T Nhất Hạnh, HT Thích Thanh Từ và HT Viên Minh “ biến thành phương châm, kinh nghiệm sống cho nên sẽ có thể đánh thức những kinh nghiệm tương tự nơi người nghe rất nhiều vì con người ngày nay được tác động trên bình diện cảm xúc nhiều hơn trên bình diện suy tư.
Vì nhiều triết gia từng cho rằng “ có thể nói người thời nay không thích suy tư trừu tượng, lý luận dài dòng.” Và những phương pháp diễn dịch hệ thống xem ra khó lôi cuốn được họ , vì thường họ chỉ thích những gì cụ thể, sống động, những gì gây ấn tượng và cảm xúc nơi bản thân.
Giới phân tích còn cho rằng: đặc biệt con người Việt Nam, nếu không khơi dậy được sự cảm nhận từ trong cõi lòng và không dẫn đến hành động, thì làm sao có thể nói đến việc chia sẻ niềm hạnh phúc vì vậy dạy thật nhiều lý thuyết nhưng lại không mang đến nhiều hiệu quả.
Vì thế con trộm nghĩ thật Phước duyên cho những ai nhất là đoàn sinh trong gia đình Phật Tử nhờ nghe được những bài giảng như hôm nay giáo lý không còn là những chân lý khô khan trừu tượng, cũng không là một hệ thống giáo điều mang tính áp đặt, bởi Phật pháp tạo nên ý nghĩa của cuộc đời người nghe , làm nên giá trị của đời sống và chọn lựa, xác định hướng đi, để tiến bước theo lời dạy của Bậc Toàn Giác như Đức Phật và từ do các đoàn sinh tự họ sẽ biết vì sao phải tin giữ những điều đã được nghe vài đó chính là yếu tố cần thiết nhất sẽ giúp ảnh hưởng đến đời sống tâm linh vậy.
Trên phương diện đó dù chỉ dự thính với tư cách một người thích học pháp con kính xin được chia sẻ bài tường thuật buổi pháp thoại này, một cách thật chi tiết và đúng như những lời giảng của Thầy trong suốt hai giờ đồng hồ, dù rằng sau đó chị MC Từ Đường đã có xin bài giảng của Thầy để phổ biến , nhưng Thầy đã chia sẻ một dàn bài cũng quá đầy đủ rồi (Xem dàn bài chi tiết).
Tuy thông báo có ghi thời gian bắt đầu là 6:00 am nhưng theo chị MC Từ Đường, bài giảng sẽ trễ hơn 15 phút vì dành thời gian này để báo cáo điểm danh số đoàn sinh và huynh trường của mỗi đội tham dự và lý do vắng mặt.
Chị MC cũng cho biết từ 6:15 am đến 7:15 là pháp thoại, sau đó được nghĩ giải lao 15 phút và tiếp theo là phần vấn đáp đến 8:15 am là kết thúc buổi giảng.
Theo đó trừ một vài người dự thính như con, số hiện diện của ban quản trại, huynh trường và đoàn sinh từ Úc châu, Âu châu, và Mỹ quốc có lẽ cũng hơn 50.
Và đúng 6:15 phút , huynh trưởng Nguyên Đề đã bắt đầu chương trình với sự vấn an chào mừng Giảng Sư , sau đó là mục tri ân tổ tiên đất nước ta sống.
Như thường lệ, MC đã giới thiệu tiểu sử rất tóm tắt nhưng đã nói lên được hành trạng của Giảng Sư TT Thích Nguyên Tạng từ ngày thọ sa đi 1985 và thọ đại giới đàn Tỳ kheo 1988. Đến Úc 1998 theo dạng nhà truyền giáo và thành lập trạng nhà Quảng Đức, một trang mạng chuyên về Phật Học và những tin tức hoằng pháp của Giáo Hội Phật Giáo VN trên thế giới.
Sau đó nhường lời lại cho Giảng Sư giới thiệu bài giảng mà trại Phú Lâu Na đã sắp đặt trước 1 tháng để chia sẻ cùng GĐP .
Dàn bài Giảng Sư thông báo gồm 5 phần như sau:
I -Định nghĩa Phiền não là gì ?
II - Có bao nhiêu loại phiền não ?
III- Phiền não xuất phát từ đâu ?
IV-Các pháp môn chuyển hóa phiền não:
V- Pháp Tu theo lời dạy của Chư Tổ, Chư Tôn Hòa Thượng.
(Xem dàn bài chi tiết)
Và bây giờ chúng ta cùng theo Giảng Sư đi vào chi tiết từng phần nhé
Giảng sư đã định nghĩa như sau - Phiền não là trạng thái tâm, những cảm xúc khiến ta bực dọc, bất an, mất sự tự chủ, khi chính phiền não này khi nó nó phát khởi lên sẽ tạo nghiệp và là nguyên nhân dẫn đến khổ đau và đọa lạc trong tam đồ ác đạo.
Chúng ta sẽ cảm phục Giảng Sư thay vì giờ nghĩ giải lao Ngài đã chiết tự lại rất tượng hình, ghi giải thích cách viết chữ Hán ( gốc tượng hình) chữ Phiền và chữ Não mà theo đó chữ Phiền chữ Phiền 煩 ghép từ bộ hỏa (lửa) và bộ hiệt (cái đầu) với ý nghĩa lửa bừng bốc trong đầu.
Và chữ Não 惱, ghép từ bộ tâm và chữ xuyên nghĩa tâm ta luôn dao động, bất an, có nghĩa là khi lòng bất an thì đầu sẽ nghĩ những chuyện không tốt, xấu xa, phiền não.
Giảng sư đã mượn câu thơ của HT Nhất Hạnh để chỉ mình phải thực tập mỗi sáng thức dậy để tránh phiền não được xuất phát từ tập khí, hoặc sáu căn khi tiếp xúc sáu trần
Thức dậy miệng mỉm cười.
Hăm bốn giờ tinh khôi.
Xin nguyện sống trọn vẹn.
Mắt thương nhìn cuộc đời.
Hơn thế nữa, Giảng Sư đã giải thích kỹ hơn về Tập khí còn gọi là “Câu Sanh Phiền não “ mà tất cả đời sống này đều thuộc về Tư hoặc và Ý hoặc cứ nối tiếp nhau khi còn trôi lăn trong sinh tử do vô minh, chấp ngã, chấp pháp. Còn khi lục căn tiếp xúc với lục Trần sinh ra thích, ưa, bỏ , ghét, cho nên trong bài Sám , Ni Sư Trí Hải đã dịch 4 câu kệ như sau
Lục căn lục trần,
Vọng tác vô biên chi tội,
Mê luân khổ hải,
Thâm nịch tà đồ.
Căn trần sáu mối duyên đầu
Khiến xui con tạo biết bao lỗi lầm.
(Trích bài sám Quy Mạng, xem trọn bài này)
Nếu đã nói bài pháp thoại này chứa cốt lõi của Phật Pháp thì phần phân loại có bao nhiêu phiền não đều nằm trong Duy Thức Học theo đó :
-Có 6 căn bản phiền não: tham, sân, si, mạn, nghi và ác kiến (gồm thân kiến, biên kiến, giới cấm thủ, tà kiến, kiến thủ kiến ) .
Cũng cần biết thêm theo kinh dạy, dứt được 3 thứ là thân kiến, nghi và giới cấm thủ, người tu hành đạt được quả vị đầu tiên trong Phật đạo là Dự lưu, tức là Nhập vào dòng Thánh, hay còn gọi là quả vị Tu Đà Hoàn. Điều này cho thấy, để có được sơ ngộ trong Phật đạo (mầm mống đầu tiên của giác ngộ), điều kiện tiên quyết bắt buộc phải có là người tu hành phải được khai mở chánh tri kiến. Chỉ có nhận thức đúng đắn mới đem lại quả trí tuệ, không có con đường nào khác.
Giới cấm thủ, thân kiến và nghi chính là 3 thứ kiến kiết sử, đại diện cho những vướng mắc của Thân (thân kiến) - Tâm (giới cấm thủ) - Trí (nghi) (3 thành tố tạo nên một hữu tình và cũng là 3 nơi chốn mà phiền não và vô minh sinh khởi), đoạn trừ được 3 kiến kiết sử này giống như người đào giếng đã thông được 3 huyết mạch chính yếu của dòng nước ngầm, khơi thông được rồi hệ quả tự nhiên từ đây nước sẽ tuôn trào, vị lai sẽ thành tựu viên mãn.
-Có 20 tùy phiền não: Phẫn, Hận, Phú, Não, Tật, Xan, Cuống, Siễm, Hại, Kiêu, Vô Tàm, Vô Quý, Trạo Cử, Hôn Trầm, Bất Tín, Giải Đãi, Phóng Dật, Thất Niệm, Tán Loạn và Bất Chánh Tri.
Gọi là tuỳ phiền não vì đây là loại phiền não ngủ ngầm nơi tâm, không ai biết được do sự ô nhiễm nhiều đời, nhiều kiếp. Và Giảng Sư chỉ rõ sự khác biệt của PHẪN, HẬN , NÃO như sau nếu Sân được ví như lửa rôm thì Phẫn được ví như lửa củi và Hận là lửa than và Não là tro , do đó ta cần phát hiện ngay khi cơn giận vừa sinh khởi.
Đến dây dường như sang phần Pháp môn để chuyển hoá phiền não này chúng ta sẽ học tất cả những lời dạy của Đức Phật rải rác trong 45 năm hoằng truyền Chánh pháp vì Giảng Sư tóm tắt các pháp môn theo một thứ tự từ:
a)Phật dạy trong Kinh Trung Bộ (Kinh tất cả lậu hoặc): 7 pháp dứt trừ phiền não đó là :
“Này các Tỷ kheo,
- Có những lậu hoặc phải do tri kiến được đoạn trừ;
- Có những lậu hoặc phải do phòng hộ được đoạn trừ;
- Có những lậu hoặc phải do thọ dụng được đoạn trừ;
- Có những lậu hoặc phải do kham nhẫn được đoạn trừ;
- Có những lậu hoặc phải do tránh né được đoạn trừ;
- Có những lậu hoặc phải do trừ diệt được đoạn trừ;
- Có những lậu hoặc phải do tu tập được đoạn trừ.”
(Xem trọn Kinh này)
Từ đây những lời diễn giải sẽ vô cùng hữu ích khi Giảng Sư theo đó tri kiến được đoạn trừ” được xếp hàng đầu như một lời tái khẳng định muốn giải quyết, muốn đoạn tận các lậu hoặc, trước nhất người tu hành cần được trang bị một nhận thức đúng đắn, một tri kiến như pháp vì nếu không được trang bị chánh tri kiến sẽ dễ dàng rơi vào tình trạng không nghĩ/không làm những điều cần nghĩ/cần làm, mà nghĩ/làm những điều không cần nghĩ/ không cần làm..
Đoạn trừ bằng phòng hộ các căn có nghĩa là phải từ mắt thấy tai nghe mà quan sát, cảnh giác trong tiếp xức .Giảng Sư đã kể chuyện các Ngài Geshe của Tây Tạng khi thọ giới tỳ kheo xong phải nhập thất trong 3 năm , 3 tháng, 3 ngày như câu chuyên Lạt Ma Yeshe (Ngài thành lập Trung Tâm Bảo Tồn Truyền Thống Đại thừa [the Foundation for the Preservation of the Mahayana Tradition (FPMT)] đây là một tổ chức Phật học quốc tế với hơn 100 trung tâm tại 21 quốc gia trên thế giới.) khi tu tại Tu viện Sera Monastic University ở Lhasa, đã không được để bất cứ loài hoa nào được nở trên đất tu viện.
Do Thọ dụng (ăn, mặc, ngủ, thiểu dục tri túc, an lạc vô vi, thân tâm tự tại) đừng khởi tâm tham người tu hành luôn cảnh giác sau một vị ngọt luôn là chất đắng nên phải thoát ra khỏi 2 xu hướng cực đoan: hoặc cung phụng quá mức thân này, được thỏa mãn đầy đủ, hoặc chiều ngược lại là mặc kệ hoặc hành xác đến kiệt quệ,
DO KHAM NHẪN ĐƯỢC ĐOẠN TRỪ ( (thời tiết, đói khát, ruồi mũi, thị phi trong xử thế) Là cách để đối trị với các cảm thọ. Cảm thọ bản chất chỉ là hiệu ứng do duyên. Đủ duyên thì thành, hết duyên tự mất.
Người tu hành cũng nên kham nhẫn, với thời tiết điều kiện môi trường sống vì đó cũng là một nghiệp duyên, “biết người biết ta” .
- DO TRÁNH NÉ MÀ ĐƯỢC ĐOẠN TRỪ (hố sâu, nơi nguy hiểm, người ác, thú dữ)
người tu hành phải biết lựa chọn môi trường thuận lợi, bảo vệ và trưởng dưỡng đạo tâm để đừng trở nên săn, phần, hận và trở thành người ác, nhớ cho rằng “TRÁNH VOI CHẲNG XẤU MẶT NÀO”
-DO TRỪ DIỆT ĐƯỢC ĐOẠN TRỪ (phiền não tham, sân, si, tư hoặc, kiến hoặc)
Với một thái độ rõ ràng, dứt khoát, cương quyết: không chấp nhận, từ bỏ, trừ diệt, diệt tận, không cho tồn tại.những căn bản phiền não vì biết rằng Tham sân si chỉ là những biểu hiện của tâm hư vọng, là cái bóng, là hệ quả, là hiệu ứng của của một nhận thức sai lệch nào đó. Khi đã có chánh tri kiến, những thứ tâm hư vọng này tự mất đi.
-DO TU TẬP ĐƯỢC ĐOẠN TRỪ
a) Dù chia chẻ theo nhiều cách nhưng không ra ngoài 4 niệm xứ: Thân, thọ, tâm, pháp.Do đó cần tu 37 phẩm trợ đạo .
Ngoài ra
-b)Phật dạy pháp tu Bát Chánh Đạo:
1/Chánh Kiến (Right Understand)
2/Chánh Tư Duy (Right thought)
3/Chánh Ngữ (Right Speech)
4/Chánh Nghiệp (Right Action)
5/Chánh Mạng (Right Livelihood)
6/Chánh Tinh Tấn (Right Effort )
7/Chánh Niệm (Right Mindfulness )
8/Chánh Định (Right Concentration)
c) Phật dạy tu Thập Độ Ba La Mật ( Theo Nguyên Thủy)hoặc tu Lục Độ Ba La Mật (Theo PG Phát Triển)
Giảng Sư giải thích chữ Độ là con đò đưa người đến bờ bên kia mà Ba La Mật chính là đáo bỉ ngạn bằng chính trí tuệ của mình.
Theo đó Thập Độ Ba La Mật gồm
1/ Bố thí ba la mật, 2/ Trì Giới ba la mật, 3/ Xuất gia ba la mật, 4/ Trí tuệ ba la mật, 5/Tinh tấn ba la mật, 6/ Nhẫn nhục ba la mật, 7/ Chân thật ba la mật, 8/ Quyết đinh ba la mật, 9/Từ bi ba la mật , 10/ Xả ba la mật.
Và lục độ Ba La mật gồm 1/ Bố thí ba la mật, 2/ Trì Giới ba la mật, 3/Nhẫn Nhục ba la mật, 4/Tinh tấn ba la mật, 5/ Thiền Định ba la mật, 6/ Trí tuệ ba la mật,
Cũng nhân dịp này giảng sư giới thiệu hạnh xả Ba La mật rất quan trọng vì tâm chúng sanh làm bất cứ việc gì cũng thường vướng mắc cho nên Trong kinh ví dụ con rắn Phật dạy “Chánh pháp còn phải bỏ huống chi là phi pháp” và lúc gần nhập đại niết bàn Ngài đã tuyên bố” trong 49 năm ta chưa nói một lời nào” vì sao vậy . Do lời nói chỉ là phương tiện , là vị thuốc chỉ được uống khi mắc bịnh mà thôi, hết bịnh phải ngừng ngay nếu không bị phản ứng .
Giảng Sư cũng rất từ bi khi hát bài:
“ Vào cổng chùa nghe tiếng chuông nhắc mình buông
Lên chánh điện nghe tiếng mõ nhắc mình bỏ,
Chuông mõ, bỏ buông”
Phần tiêp theo của sự tu tập mà chúng con chưa được nghe trong bất cứ bài kinh nào ,vì đây là kinh nghiệm và thể nghiệm của Thầy đã thọ nhận sau rất nhiều năm hoằng pháp, xin cung kính tiếp nhận những phương pháp này
V/ Pháp Tu theo lời dạy của Chư Tổ, Chư Tôn Hòa Thượng
1/ Tổ Sư Viên sỏi trắng của Tổ Thương Na Hòa Tu dạy cho Tổ thứ 4: Ưu Ba Cúc Đa (Upagupta): Tổ Sư Ưu Ba Cúc Đa là vị Tổ thứ tư của Phật Giáo Ấn Độ (cuối thế kỷ thứ nhất sau Phật Niết-bàn), Ngài thuộc giai cấp Thủ Đà La, hạng bần cùng hạ tiện của xã hội Ấn Độ, nhưng Ngài có phước tướng đẹp đẽ trang nghiêm. Vào năm 12 tuổi, Ngài có duyên gặp được Tam Tổ Thương Na Hòa Tu (Sana-vasin), Ngài Ưu Ba Cúc Đa đảnh lễ Tam Tổ và xin Tổ chỉ dạy cho phương pháp tu tập. Tổ Thương Na Hòa Tu dạy rằng: "Ngày nào tâm con nghĩ điều thiện thì bỏ một viên sỏi trắng vào hũ, ngày nào nghĩ điều bất thiện thì bỏ một viên sỏi đen vào hũ".. Ngài Ưu Ba Cúc Đa làm theo lời dạy, thời gian đầu trong hũ nhiều sỏi đen, dần dần thời gian sau sỏi trắng nhiều hơn sỏi đen và cuối cùng là toàn sỏi trắng.
2/ Đại Lão Hòa Thượng Thích Trí Tịnh: áp dụng 14 chữ vàng của Ngài đã tu tập và đoạn trừ phiền não: Làm lành, lánh dữ, Thương người, thương vật, ăn chay, niệm Phật, tụng kinh.
Đặc biệt chữ Niệm Phật là quay về tánh giác của mình, Ông Phật của mình chỉ xuất hiện khi không còn phiền não khởi lên và đó là đích đến cuối cùng của người tu.
Do vậy hãy tận trừ nghiệp chướng ngay trên câu niệm Phật “ Nam Mô A Di Đà Phật “ lục tự Đi Đà
Vì ý nghĩa:
Nam Mô = cung kính, quy mạng, quy y.
A = vô
Di Đà = lượng
Phật = giác, tánh biết
3/Sư Ông Làng Mai Thích Nhất Hạnh: ngài dạy pháp Chánh Niệm “hiện pháp lạc trú” với bài Kinh Người Biết Sống Một Mình:
“Đừng tìm về quá khứ
Đừng tưởng tới tương lai
Quá khứ đã không còn
Tương lai thì chưa tới
Hãy quán chiếu sự sống
Trong giờ phút hiện tại
Kẻ thức giả an trú
Vững chãi và thảnh thơi.
Phải tinh tiến hôm nay
Kẻo ngày mai không kịp
Cái chết đến bất ngờ
Không thể nào mặc cả.
Người nào biết an trú
Đêm ngày trong chánh niệm
Thì Mâu Ni gọi là
Người Biết Sống Một Mình”
(Bản dịch Kinh Người Biết Sống Một Mình của Sư Ông Nhất Hạnh)
https://quangduc.com/a49489/05-kinh-nguoi-biet-song-mot-minh
Quá khứ không truy tìm
Tương lai không ước vọng.
Quá khứ đã đoạn tận,
Tương lai lại chưa đến.
Chỉ có pháp hiện tại,
Tuệ quán chính ở đây,
Không động, không rung chuyển.
Biết vậy, nên tu tập,
Hôm nay nhiệt tâm làm,
Ai biết chết ngày mai?
Không ai điều đình được,
Với đại quân thần chết.
Trú như vậy nhiệt tâm,
Đêm ngày không mệt mỏi,
Xứng gọi Nhất Dạ Hiền,
Bậc an tịnh, trầm lặng.
(Bản dịch Kinh Nhất Dạ Hiền Giả của HT Thích Minh Châu)
https://quangduc.com/a27724/kinh-nhat-da-hien-gia-hoa-thuong-thich-minh-chau-dich-viet
4/ Đại Lão HT Thanh Từ: dạy pháp thiền“Tri vọng, biết vọng không theo”
5/ Trưởng Lão HT Viên Minh (Viện Chủ Tổ Đình Bửu Long, Phật Giáo Nam Tông): chủ trương pháp tu“ sống tùy duyên thuận Pháp”, có thể diễn tả qua bài thơ của Nữ Sĩ Minh Đức Hoài Trinh:
“Sống không giận, không hờn, không oán trách
Sống mỉm cười với thử thách chông gai
Sống vươn lên theo kịp ánh ban mai
Sống an hòa với mọi người chung sống
Sống là động nhưng lòng luôn bất động
Sống là thương nhưng lòng chẳng vấn vương
Sống yên vui danh lợi mãi coi thường
Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến”
6/ Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Huyền Vi (1926-2005) Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Hoằng Pháp của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Trước khi viên tịch Ngài để lại bài thơ khuyến tu giúp hành giả tu tập và đoạn trừ phiền não:
“Chớ bỏ trôi qua uổng tháng ngày,
Tu hành gắng lấy, để cầm tay,
Bến mê lánh khỏi trăm phần khó,
Cửa Pháp nương nhờ lắm chuyện may !
Nợ trước bốn ơn, lo gắng trả,
Thân sau ba cõi, nguyện đừng vay,
Vô thường niệm niệm xin ghi nhớ,
Chớ bỏ trôi qua uổng tháng ngày
Khi Thầy ngâm bài thơ khuyến này khiến con nhớ lại thủ bút của Thầy vào năm 2015 trên trang nhà Quảng Đức mà mọi người dường như hiểu ra tiêu chí của Thầy cũng giống như HT Huyền Vi qua câu:
”Nợ trước bốn ơn, lo gắng trả,
Thân sau ba cõi, nguyện đừng vay”
Đến đây đã đến giờ nghỉ giải lao cũng là vừa đúng lúc kết thúc bài pháp thoại thật tuyệt vời mà mọi người dường như còn đang muốn nghe mã.i
Điều thật đáng ngưỡng mộ, thay vì nghỉ Thầy lại tận tình muốn truyền trao thư pháp qua những chữ tượng hình như Phiền, Não , Niệm theo đó ( chữ niệm 正 念, )Trên là chữ Kim là hiện tại , hôm nay dưới là chữ Tâm, với ý nghĩa: đem tâm về với hiện tại, Present moment is wonderful moment) để người nghe hiểu một cách thấu đáo về bài giảng hơn, đó cũng là những cảm nhận mà con đã ghi lại trong phầm mở đầu.
Cũng trong dịp nghỉ giải lao này Đạo hữu Minh Đạo đã có bài thơ tán thán Thầy (xem bài) và đạo hữu Thị Thiện đã đánh đàn với bản nhạc VỀ ĐÂY PHÚ LÂU NA do huynh trưởng Tâm Thọ sáng tác và sau đó được đạo hữu Minh Khoa ngâm lên thật tuyệt vời .
Trên screen của Zoom đã có nhiều bàn tay xin được vấn đáp của các đạo hữu như Thiện Phước, Tâm Bạch, Thị Trực, Minh Đạo, Diệu Hoa .Chúng ta sẽ nghe Giảng Sư trả lời những thắc mắc nhé !
1- Thị Trực đọc hai câu pháp cú về Tâm Phật dạy là:
Tâm dẫn đầu các pháp.
Tâm làm chủ, tâm tạo tác.
Nếu nói hay làm với tâm thiện.
Thì hạnh phúc sẽ theo ta như bóng với hình .
( Câu kinh này Phật dạy nếu ta làm thiện thì ta hạnh phúc).
Một câu kinh Pháp cú khác:
Tâm dẫn đầu các pháp.
Tâm làm chủ, tâm tạo tác.
Nếu nói hay làm với tâm bất thiện.
Thì đau khổ sẽ theo ta như hình với bóng.
(Nếu ta làm ác, làm điều bất thiện thì đau khổ, nghiệp báo sẽ theo mình như hình với bóng).
Như vậy có phải chỉ cần chuyên tâm không ? Tu là chuyển an vui , nhưng nhiệm vụ quá nặng nề , đôi khi trong việc làm lại có kết quả hơn là đối với gia đình
Đáp: trong đời sống hằng ngày, mở mắt ra là có phiền não vì vậy phòng hộ các căn là chuyền hoá tâm mình. Là Phật tử nhất là đoàn sinh của trại Phú Lâu Na , ta phải tự hỏi đã được cái gì hoặc mất cái gì khi chuyển hoá phiền não để được an vui ? Nên nhớ Phật dạy là pháp hành chứ không phải là lý thuyết .
Cũng nhân dịp này , TT Giảng Sư dí dỏm nhắc lại lời Sư Ông Nhất Hạnh góp ý không nên hát câu này “ chúng con biết làm gì đây” trong bài hát Kính mến Thầy khi có dịp cung đón thầy:
Hôm nay thầy về đây
Chúng con xin kính chào thầy
Trong giờ phút vui này
Chúng con biết làm gì đây (bỏ câu này)
Chúng con quyết nguyện từ đây (nhạc sĩ sửa lại câu này)
Chúng con nguyện tịnh tấn
Dẹp tan tham sân hận
Ánh Đạo hằng mong tiến đến dần
Dù bao nhiêu gian khổ
Dù gặp nhiều nguy khó
Lý tưởng chúng con vẫn tôn thờ
Thầy là bóng cây che mát chúng con
Thầy là ánh sáng dắt dìu lòng son
Thầy là con thuyền thanh lương
Đưa chúng con đến bờ thơm hương
Thầy theo hạnh nguyện Pháp Vương
Treo gương lành sáng soi mười phương
2- Thiện Phước hỏi , “ kính thưa Thầy xã hội còn nhiều vấn đề mà trách nhiệm không thể buông được , vậy Buông, bỏ trong hạnh Xả Ba La mật ở đây là sao?”
Đáp : Buông chỉ là buông phiền não , còn khi mục tiêu chưa được hoàn thành thì ta vẫn còn phải tiếp tục Đôi khi Buông cũng có nghĩa là hy sinh.
3- Minh Đạo hỏi “ kính bạch Thầy khi sinh hoạt bên ngoài thì người khác đều có thể chỉ dạy, nhưng về nhà con cái lại không chịu tu tập theo lời cha mẹ “.
Đáp Tuỳ theo duyên mà thôi nhưng ít nhất mỗi tuần phải cho các cháu trẻ đến chùa hoặc ít nhất là vào các dịp lễ lớn.
Giảng Sư đã nhắc lại lời HT Khánh Anh rất chí thành khi tuyên dạy “ Khi chùa làm nhiệm vụ giữ tro cốt cho các gia đình Phật Tử chính là giúp cho thế hệ thứ hai biết nhớ đến ngày giỗ của ông bà tổ tiên đó vậy! “
4- Thiện Phước lại hỏi “Thế nào là Phiền não tức Bồ Đề “
Đáp : Trạng thái cảm xúc phiền não vốn dĩ là một hạt giống có sẵn và cần thiết đối với con người. Bởi vì phiền não chính là biểu hiện của sự sống. Con người biết phiền não là con người có nhận thức, có phản ứng tích cực trước những tác động của cuộc sống. Trên thực tế, cũng có những trường hợp vì phiền não mà một người có thêm ý chí và sức mạnh để làm việc, học tập và đạt được thành công ngoài mong đợi.
“Khi mê bùn vẫn là bùn
Ngộ rồi mới biết trong bùn có sen “
Phiền não và Bồ Đề giống như tảng băng khi tan ra sẽ có nước, một khi chấm dứt tiền ngũ thức do mắt, tai mũi lưỡi, xúc chạm thì sẽ đổi thành Thành sở tác trí . Ý thức đổi thành Diệu quan sát trí , Mạt Na thức đổi thành Bình đẳng tánh trí và A lại da thức chính là Đại viên cảnh trí .
5- Tâm Bạch tri ân Giảng Sư đã chỉ pháp môn biến phiền não thành an vui rất tuyệt vời sẵn đây chị cũng báo là câu thơ “Chúng con biết làm gì đây “, gia đình Phật tử Âu Châu đã đổi lại là “GIỮA KHUNG ĐẠO TRÀNG NÀY ĐÂY “nhưng Anh Từ Khoa thì cho biết từ lâu đã sửa là “CHÚNG CON QUYẾT NGUYỆN TỪ ĐÂY.”
6-Diệu Hoa hỏi: Khi thầy giảng Bố thí Ba La Mật có nghĩa là không thấy người cho, không thấy vật cho và không thấy người nhận nhưng sao các Thầy ở chùa thường bảo mỗi khi bố thí phải hồi hướng.
Đáp: trong kho tàng giáo pháp có 2 cấp: Tu Huệ và Tu Phước.
Theo cấp độ tu Phước, hành giả phải hồi hướng để phật tử không thối tâm và đây là một phương tiện để nhắc nhở có phước mới dễ tu nhưng nên nhớ hết phước thì sẽ có họa, dù thời gian có là 8 vạn 4 ngàn năm khi hết phước vẫn đọa lạc làm súc sanh.
.“ Ngân hàng phước đức ta xin gửi - Lãi xuất tăng hoài đến kiếp sau “
Riêng với cấp độ Tu Huệ,, tu theo tam luân không tịch của bố thí Ba La Mật, thì tâm vắng lặng thanh tịnh , trong sáng dễ đi đến giải thoát , không còn sinh tử .
Đến đây đã hết giờ huynh trưởng Huỳnh Kim Hoa đã có bài tri ân tạ Pháp dâng lên Giảng Sư thật cảm động. Chúng con như bao người đã rưng rưng khi đồng kính chúc TT Giảng Sư luôn phước trí mãi tròn đầy. Hoằng pháp độ chúng sanh, thấm đạo, tu giải thoát và nhất là sức khỏe dồi dào.
Lời kết
Kính xin dâng TT Giảng Sư lời kính chúc trong bài nhạc Kính mến Thầy:
Thầy là bóng cây che mát chúng con
Thầy là ánh sáng dắt dìu lòng son
Thầy là con thuyền thanh lương
Đưa chúng con đến bờ thơm hương
Thầy theo hạnh nguyện Pháp Vương
Treo gương lành sáng soi mười phương
Nhờ bài pháp thoại này giúp chúng ta hiểu rằng phải làm sao tu tập để có được một cái thấy chính xác và quan trọng, đó là mọi khổ vui của đời sống hiện tại đều do nghiệp thiện ác của mình đã gây tạo trong quá khứ biểu hiện ra thì từ nhận thức này, ta không còn than trời trách người, mà chỉ lo chuyển hóa nghiệp lực của mình.
Để được an vui cần xác định “chuyển hóa và từ bỏ tham, sân, si thì con người sẽ bớt đau khổ”. Bởi đau khổ và những điều không như ý luôn vây quanh đời sống con người nhưng căn nguyên đều phát xuất từ nơi tham sân si của chính mình. Nên bớt tham sân si được chừng nào thì mình bớt khổ chừng nấy.
Tuy nhiên, để chuyển hóa tham sân si, phiền não nói chung là một quá trình dài, đòi hỏi phải có phương pháp, cùng với sự kiên tâm bền chí, nói chung là phải tu tập.
Bất cứ người nào biết quan sát tâm thì đều nhận ra rằng tâm mình luôn dao động, lắm lúc hỗn loạn, rất khó để kiểm soát tâm ý. Năng lực dấy khởi của ý nghiệp rất mạnh, do đó chỉ tập trung chuyển hóa tâm trong vài ngày thì kết quả rất giới hạn, do đó chúng ta cần phát nguyện điều phục và chuyển hóa tâm trong suốt cả đời mình.
Trộm nghĩ với nhưng pháp môn Giảng Sư đã chỉ bày để chuyển hóa phiền não, nhưng tự bản thân người hành giả cần quy hướng Tam bảo và phát nguyện trau dồi đạo đức phẩm hạnh của người Phật tử (Giới-giữ năm giới). Tiếp đến, nương vào một pháp môn tu như niệm Phật, thiền định, trì chú để trụ tâm (Định-tâm an tịnh). Trên nền tảng Giới và Định, tiếp tục phát huy thiền quán, thấy rõ như thật về thân, tâm và thế giới là huyễn có, duyên sinh, vô thường và vô ngã (Tuệ).
Khi Giới-Định-Tuệ được thiết lập thì tham sân si, phiền não dần được chuyển hóa. Giới-Định-Tuệ càng chói sáng thì phiền não càng bị triệt tiêu. Cứ liên tục và bền bỉ tu tập như vậy trong đời sống hàng ngày thì mới chuyển hóa tham sân si và làm chủ được mình.
Niềm an lạc tìm thấy qua hai giờ pháp thoại
Hiểu mọi khổ vui đều do tham ái ô minh
Để được an vui cần chuyển hoá…
nghiệp lực của mình.
Mọi pháp môn đều cần quá trình dài tu tập
Phòng hộ sáu căn chớ buông lung phóng dật!
Nương theo Bát Chánh đạo, Ba La Mật đoạn trừ
Câu niệm Phật, pháp môn viên sỏi trắng, Tổ thứ tư
Tuỳ duyên thuận pháp,
biết vọng không theo … hiện tại lạc trú!
Lời HT Huyền Vi khuyến tu giúp luôn tự nhủ:
“ Nợ trước bốn ơn luôn gắng trả
Thân sau ba cõi nguyện đừng vay “
Kính tri ân Giảng sư xuất sắc biện tài
Kết thúc pháp thoại khiến người người ..
tâm trạng thật thanh thản phấn khởi!
Nguyện kính giữ
“ pháp môn chuyển hoá “ làm tiêu chỉ bước tới!,
Sydney ngày 5/5/2024
Huệ Hương