Đôi dòng cảm niệm
khi phiên tả bài giảng của TT Nguyên Tạng
về "Đại Sư Thiếu Khang, vị Tổ thứ 5 của Tịnh Độ Tông Trung Hoa"
Nam Mô A Di Đà Phật
Kính bạch Thầy
Con vừa ghi lại buổi pháp thoại Thầy thuyết giảng về "Đại Sư Thiếu Khang, vị Tổ thứ 5 của Tịnh Độ Tông Trung Hoa", con kính gửi Thầy xem lại và chỉnh sửa trước khi online.
Con kính cám ơn Thầy cho phép con phiên tả, vì đây là cơ hội để con chú tâm, nhờ vậy con hiểu thêm được ít nhiều về giáo lý Phật Đà để thêm vào vốn liếng quá ít ỏi của con.
Bạch Thầy, con chợt nhận ra rằng: Thầy đã dùng phương tiện này để dẫn dắt con, thay vì như Tổ Thiếu Khang cho tiền để trẻ niệm A Di Đà, Thầy đã khéo léo bảo con tường thuật để cột tâm con vào một mối không đi lang thang như những khi con ngồi nghe giảng hay tụng kinh. Con kính tri ân Thầy.
Qua hành trạng của vị Tổ thứ năm nay, ngoài câu niệm Phật, con còn thấy được tình của người Mẹ thương con, mà có lẽ được dẫn dắt qua tiểu sử của Ngài để ca tụng về tình Mẹ cao quý mà không bút mực nào tả xiết, chính người Mẹ đã hiểu, thương con và dẫn dắt con vào con đường Đạo.
Ngài còn hướng dẫn chúng con xa lìa đời ác trược, cũng như nhắc nhở chúng con về lòng hiếu thảo, kính dưỡng Mẹ Cha làm con rất cảm động.
Ngoài ra Thầy đã khéo léo nhắc nhở cho chúng con, kể cho chúng con nghe về hành trạng của Chư vị Tổ Sư qua các thời đại. Trong đó Thầy nhắc tới tổ thứ chín là Ngài Phục Đà Mật Đa và Tổ thứ tám là Phật Đà Nan Đề
Khi gặp được Sư Phụ là Phật Đà Nan Đề, Ngài Phục Đà Mật Đa ngồi bật dậy hỏi:
" Cha mẹ chẳng phải thân,
Ai là người chí thân?
Chư Phật phi đạo tôi,
Cái gì là Phật đạo?"
Ở trên cuộc đời này ai là người thân nhất ngoài cha mẹ? trong đạo Phật cái gì là cao nhất? Đạo rốt cuộc là gì?
Tổ Phật Đề Đà Na đáp:
" Lời người cùng thân tâm
Cha Mẹ không thể sánh
Hạnh ngươi cùng đạo nghiệp
Chư Phật chính là tâm
Ngoài cầu Phật có tướng
Cùng người không chút giống
Nếu biết bổn tâm ngươi
Chẳng hợp cũng chẳng lìa"
Nói về thế gian thì Cha Mẹ không có gì sánh bằng, còn xuất thế gian thì thân nhất chính là tâm của mình. Chỗ tột cùng của Đạo chính là tâm. Chư Phật chính là tâm, đó là chỗ rốt ráo cuối cùng.
Ngoài ra con cũng rất cảm động khi thấy Thầy đọc bài kệ khuyến tấn người niệm Phật, nhắc đến mẹ Tâm Thái, người Mẹ suốt đời tần tảo vì con mà đã có lần con nghe Thầy kể, Mẹ phải đi mười cây số mỗi ngày, nhỏ mồ hôi trên cánh đồng để cấy lúa nuôi các con, Mẹ tận tụy xỏ từng cọng chiếu để có tiền nuôi đàn con sớm mồ côi cha từ bé, tất cả tình yêu Mẹ dồn cho các con, Mẹ cũng đã ươm hạt giống Bồ Đề cho các con từ thuở ấu thời. Có lẽ vì bao cảnh đời nghiệt ngã mà Mẹ trải qua để cho Mẹ cảm nhận được Tứ Thánh Đế của Đức Phật, sanh ra cuộc đời này là khổ, để rồi từ đó nhận ra con đường, chấp nhận để rồi xả ly.
Ngồi nghe pháp thoại, con thấy Thầy đọc từng chữ, từng câu của Mẹ Tâm Thái, mắt Thầy nhắm lại như tưởng nhớ tới Người, lúc đó con cảm động nên viết:
Thầy ơi, Thầy niệm Di Đà
Con nghe sao thấy thật là dễ thương
Hình mẹ Tâm Thái tấm gương
Trong Thầy ẩn hiện tình thương Mẹ hiền
A Di Đà Phật triền miên
Niệm đi, niệm mãi oan khiên hết liền
Niệm Phật con thấy Mẹ hiền
A Di Đà Phật gắn liền trong con
Thương Mẹ đức hạnh vuông tròn
Mẹ ơi, ân Mẹ như hòn núi cao
A Di Đà Phật khát khao
Như con khát Mẹ tình nào cho con
Kính Mẹ hạnh nguyện vuông tròn
Thương đời dẫn đạo không mòn Mẹ ơi!
A Di Đà Phật muôn nơi
Xa lìa bể khổ qua đời Lạc Bang
Bao năm người đã lang thang
Tìm về bờ giác chốn vàng người đi
Niệm Phật người thoát sân si
Niệm Phật người biết lối đi đường về
Bài pháp thoại về "Đại Sư Thiếu Khang, vị Tổ thứ 5 của Tịnh Độ Trung Hoa" với con thật vi diệu, hình ảnh người Cha, người Mẹ tận tụy suốt đời bên con, không quản nhọc nhằn, dù bao năm tháng cưu mang, nuôi con khổ nhọc, chỉ mong cho con nên người.
Bài tường thuật con viết, con chỉ bỏ đi những chỗ dư thừa và viết lại cho gọn, con viết lại tất cả những bạn đồng tu làm MC, đặt câu hỏi v.v... để mai này khi có ai đó đọc sẽ nhớ lại hình ảnh ngày hôm nay như một kỷ niệm êm đềm, để tìm lại tình Thầy Trò thân thương mà quên đi ngoài kia bao cảnh đời khổ đau hoạn nạn, để cùng cầu nguyện cho thế giới hôm nay, cho Việt Nam ngày mai tươi sáng.
Con nghe pháp thoại, viết bài quên đi cảnh bão lụt nơi quê nhà. Hôm nay con vừa xem, sau 13 ngày nơi làng Nủ, con thấy cảnh một người đàn ông mất cả mẹ và vợ con mình, mắt anh nhìn hoang dại, anh đi tìm kiếm ở trong vùng lầy kia... Người ta mang thức ăn biếu, anh cũng không nhận và chỉ xin bốn chiếc áo quan, và rồi hôm kia anh nằm mộng, thấy bé út 1 tuổi của anh báo mộng, từ mờ sáng tinh sương, anh đã ngồi đó chờ đợi, và rồi người ta đã vớt được thi thể cháu dập nát, cả làng đã mang chiếc quan tài, chiếc áo quan lớn hơn cháu, họ bỏ vào tấm mền mới tinh, in những bông hoa vàng, đỏ bỏ vào chiếc áo quan chôn cháu, cả làng nước mắt đầm đìa. Ôi tình thương của người cha cao quý đã tạo nên sự cảm ứng mà tìm thấy xác con mình bé bỏng, thật linh thiêng!
Giữa cảnh tang thương họ để lên chiếc áo quan một bát cơm và một trái trứng cúng cho cháu, những nắm hương họ đốt lên cho cháu, khói nhang lan tỏa giữa cảnh tan hoang, tạo nên khung cảnh u buồn với những oan hồn vất vưởng ẩn hiện trong lớp khói mây của miền rừng núi, nhưng con tìm thấy trong đó những dòng nước mắt, họ mừng cho anh tìm thấy xác của tất cả thân nhân, anh đã bế đứa con út, dù không còn sự sống. Con tìm thấy tình người trong cảnh tận cùng của khổ đau.
Con theo làn khói nhang của người dân làng Nủ, con niệm Đức A Di Đà, cầu cho mọi tang thương qua khỏi, cho người dân làng Nủ, hơn ba mươi nóc nhà đã vùi sâu theo con lũ. Con cầu cho các hương linh được thoát vòng sanh tử về miền Tịnh Độ. Con kính mong khi Phật tử về Thầy cùng Tăng Đoàn cầu nguyện cho họ mau siêu thoát:
Một lòng con niệm Di Đà
Cho người trần thế chan hòa niềm vui
Bao nhiêu sự khổ thối lui
Bao nhiêu hạnh phúc vui câu Di Đà
Nguyện cho khắp cả mọi nhà
A Di Đà Phật thoát xa nỗi sầu
Offenback, Tây Đức 24/9/2024
🙏🙏🙏🌼🍁🌺🍀🌹🥀🌷🌸🏵️🌼🍁🌺🍀🌹🥀🌷🌸🏵️
Chúng ta thấy rằng cuộc đời của Ngài Thiếu Khang rất là kỳ đặc, sanh ra cho tới năm bảy tuổi Ngài không nói tiếng nào hết, tới năm bảy tuổi bà mẹ mới dẫn Ngài đi chùa, bản tánh của người mẹ rất thương con, dù con không nói được tiếng nào nhưng bà vẫn nói chuyện, vẫn tâm sự với con, dẫn vào Chánh điện lễ Phật chỉ vào tượng Phật hỏi mới biết con mình biết nói, Bà rất cảm động vui mừng vì không ngờ con mình im lặng bảy năm trời hôm nay mới mở miệng nói, mà nói đúng tên Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni vị Giáo chủ của cõi Ta Bà, thật là tuyệt vời. Khi đọc tiểu sử của Ngài Thiếu Khang Thầy nhớ tới câu chuyện của Tổ thứ chín của Thiền tông Ấn Độ là Tổ Phục Đà Mật Đa (Buddhamitra) đệ tử của Tổ Phật Đà Nan Đề, sanh ra sau Đức Phật Thích Ca Mâu Ni khoảng ba trăm năm.
🌼🍁🌺🍀🌹🥀🌷🌸🏵️🙏🙏🙏🌼🍁🌺🍀🌹🥀🌷🌸🏵️
Kính mời xem tiếp bài phiên tả