Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bông hồng đầu tiên, bông hồng cuối cùng

10/04/201319:26(Xem: 5594)
Bông hồng đầu tiên, bông hồng cuối cùng

Tuyển tập bài viết về Vu Lan - 2010

Bông hồng đầu tiên, bông hồng cuối cùng

Tôn Nữ Thanh Yên

Nguồn: Tôn Nữ Thanh Yên

Hằng năm, vào dịp lễ Vu Lan, chương trình “Bông Hồng Cài Áo” lại rộ lên như một mùa hoa tươi mới thắm thiết, nở từ tâm hồn mỗi người con hiếu hạnh. Hãy thử nhớ lại, lần đầu tiên mình được cài đóa hoa hồng lên áo vào lễ Vu Lan là dịp năm nào, khi lên mấy tuổi..? Tôi không nhớ được… Có lẽ, không mấy ai nhớ rõ điều kỷ niệm ấy. Mà điều gì cố gắng nhớ lại chỉ để tính đếm, chỉ để đánh dấu thì có vẻ hình thức, khiên cưỡng. Vậy thì thôi, hãy để cho hồi ức, hoài niệm của ta bay bổng, mơ màng…
Tôi diễm phúc được sinh ra có đủ cha lành mẹ hiền và anh chị em đông đúc vui vầy. Mẹ tôi thường kể vui rằng ba tôi “mê con” lắm. Từ đứa con đầu lòng đến đứa con út được sinh ra, ba tôi đều bồng ẵm, ngắm nghía, hôn hít đầy vẻ yêu thương và mãn nguyện, rồi nói: “Y như cái hột nổ”. Hột nổ là hạt nếp rang, nở bung như một nụ hoa xinh xắn, nõn nà. Hẳn mẹ tôi cũng đầy vẻ mãn nguyện và yêu thương mỗi lần đón nhận đứa con vừa do mình khai hoa nở nhụy. Từ khi được sinh ra đời, ta đã là một đóa hoa của cha mẹ. Từ ngày đầu tiên làm Con Người, ta đã được cài đóa hoa hồng đầu tiên cho cuộc-đời-diễm-phúc ta có Cha có Mẹ.
Thuở nhỏ, tôi và em gái tôi thường níu tay mẹ đòi đi chùa, nhất là vào dịp lễ Vu Lan. Hai chị em thích thú khi được các anh chị Gia Đình Phật Tử cài hoa hồng lên áo. Chị em tôi còn thích được xem chương trình văn nghệ. Em tôi khóc sướt mướt khi xem vở ca kịch kể về lòng hiếu thảo của chim Anh vũ, một tiền thân của Đức Phật. Còn tôi, rưng rưng nước mắt khi nghe “Một bông hồng cho anh và một bông hồng cho em…Cho những ai đang còn mẹ...”. Không biết đã bao nhiêu lần tôi rơi nước mắt vì xúc cảm bởi ca từ và giai điệu của ca khúc ấy. Một ca khúc bất hủ, lấy cảm hứng từ một tùy bút của một nhà sư có tâm hồn nghệ sĩ-người đương thời là một vị thiền sư Việt Nam nổi tiếng thế giới. Một tùy bút rung động lòng người. Một ca khúc rung động lòng người…mấy mươi năm qua. Và, sẽ là mãi mãi, thường còn như là tình mẹ con, như là niềm hiếu hạnh của con người.
Mẹ tôi là một người đẹp. Đó là một điều hãnh diện của anh chị em tôi. Mẹ tôi lại là một thi sĩ thời danh, làm thơ từ năm mười bốn tuổi với những bài thơ tình diễm lệ và thơ về thế thái nhân tình, và về sau mẹ tôi lấy pháp danh làm bút danh, ký dưới những bài thơ thấm nhuần Phật pháp. Có bài thơ về đề tài Vu Lan, mẹ tôi thác lời một người chị nói với em gái nhỏ:
“Cài một bông hồng lên áo tiên
Sướng không, em chị có me hiền
Em đang dỗi mẹ không trang điểm
Ngày hội mà me nhạt sắc duyên…”

Chị giải thích cho em hiểu mẹ chẳng quản bao khó nhọc lao lực, bao khổ sở lao tâm vì lo lắng, chăm sóc, hy sinh cho con; nên dù đầu bù tóc rối, mặt mũi bơ phờ, nhan sắc phai nhạt mẹ cũng chẳng lấy làm điều… Em ơi, dù mẹ có lam lũ, dù mẹ có xấu xí, tiều tụy đến đâu mẹ cũng là người mẹ đẹp nhất, thơ mộng nhất của mình. Câu cuối của bài thơ đúc kết:
“Mẹ đẹp bông hồng suốt bách niên”.
Mẹ hiện diện trong cuộc đời tôi. Mẹ sống gần bên tôi một hình ảnh đẹp đẽ, thân thuộc. Từ thuở ấu thơ cho đến tuổi thành niên, tôi chưa lúc nào phải rời xa mẹ lâu ngày. Những năm vì sinh kế, tôi phải di chuyển nhiều lần vào Sài Gòn; nhưng đến Tết, lễ Vu Lan hay sinh nhật mẹ tôi, thì tôi lại thu xếp để về với mẹ. Mùa Vu Lan năm 1985, tôi đang ở nhà chị tôi tại Sài Gòn, do chị tôi khẩn khoản níu chân lại nên tôi không về quê được. Đêm mười bốn tháng Bảy, tôi ngồi tựa bậc cửa, nhìn lên bầu trời sáng vằng vặc một vầng trăng tuyệt đẹp. Tôi nhớ mẹ. Nhớ khuôn mặt kiều diễm, nhớ dáng đi dáng ngồi đoan trang, nhớ giọng nói giọng cười khoan hòa của mẹ tôi… Bao hình dung về mẹ như ùa về dồn dập, tha thiết làm tim tôi se thắt lại. Lặng lẽ từng giọt, từng giọt nước mắt lăn tròn trên hai má tôi. Lần đầu tiên tôi ở cách xa mẹ trong mùa cài hoa hồng. Lần đầu tiên tôi biết cái cảm xúc của một đứa con xa nhà nhớ mẹ, day dứt bần thần. Sáng hôm sau, vì công việc chị tôi và tôi đều không thể rảnh rỗi để đi chùa. Trên đường đi, tôi nhờ chị tôi chở ghé vào một bưu cục. Tôi gởi một bức điện báo và tin tưởng mẹ tôi sẽ nhận được trong ngày hôm ấy. Nội dung bức điện vỏn vẹn một câu: “Mẹ đẹp bông hồng suốt bách niên”.
Đời người mấy ai mong tuổi thọ được kéo dài đến trăm năm?! Nhưng, có lẽ, những ai đã lơ phơ tóc bạc trên đầu, đã trải nghiệm những cái khổ sinh-lão-bệnh, mà người đó lại có diễm phúc còn cha còn mẹ sống trên đời; thì hẳn người con đó hằng cầu Trời khấn Phật cho song thân được sống lâu trăm tuổi… Đã bao mùa Vu Lan đi qua, tôi vẫn còn được cài màu hoa hồng lên áo. Sau năm ba tôi mất, đóa hoa Vu Lan tôi cài có khác đi ở chỗ chiếc nơ thắt hoa không còn là màu đỏ mà đổi sang màu xanh lá. Đóa hoa vẫn là màu hồng, tôi vẫn còn mẹ. Một người bạn tôi vào năm vừa chịu tang mẹ, ngày lễ Vu Lan bạn ấy cài đóa hoa màu trắng lên áo, bùi ngùi nói: “Phải cài hoa trắng, buồn dễ sợ..”. Tôi hiểu tâm trạng của bạn và đã thoáng rùng mình vì ám ảnh màu trắng của đóa hoa mồ côi. Một người bạn khác, mất mẹ đã năm năm, nói như nhắc nhở tôi: “Còn mẹ sống trên đời là một diễm phúc. Được sống chung một nhà với mẹ, được săn sóc phụng dưỡng mẹ lại là diễm phúc hơn nữa”.
Anh chị em tôi hằng cầu mong mẹ tôi an khang, trường thọ. Mỗi dịp Tết, lễ Vu Lan và sinh nhật mẹ, chúng tôi thường tề tựu quanh mẹ, cầu chúc sức khỏe cho mẹ. Kể từ đóa hoa hồng đầu tiên được cài vào ngày chào đời, tôi đã có năm mươi lần cài hoa hồng. Tôi đâu dám chắc mình sẽ còn được cài hoa hồng bao nhiêu lần nữa! Vì mẹ tôi mình hạc xương mai. Sức khỏe vơi dần như ngọn đèn cạn dầu… Tôi không muốn cài hoa màu trắng. Dù một mai mẹ tôi sẽ qua đời, tôi đành chịu tiếng mồ côi, nhưng sẽ không muốn cài lên ngực áo mình trong dịp lễ Vu Lan một đóa hoa màu tang thương. Buồn lắm! Tôi sẽ từ chối và cũng không ai bắt buộc tôi phải cài hoa trắng. Không có luật lệ nào cho tình cảm. Không có hình thức bắt buộc nào cho niềm tưởng nhớ.
Một mai khi mẹ tôi qua đời, dù là thời gian trước Rằm tháng Bảy, thì vào ngày các chùa tổ chức chương trình “Bông Hồng Cài Áo”, tôi vẫn xin cho mình một đóa hoa màu hồng. Đó là đóa hoa hồng Vu Lan cuối cùng tôi cài lên áo. Đó là đóa hoa tượng trưng rằng: Mẹ, bông hồng đẹp nhất của cuộc đời tôi không còn nữa.

Mùa Vu Lan-Báo Hiếu PL 2554
Tôn Nữ Thanh Yên



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
12/08/2011(Xem: 4251)
Kinh Vu Lan kể rằng: sau khi đắc quả A La Hán, đạt được tâm bất sinh, Bồ Tát Mục Kiền Liên muốn độ cho mẹ là bà Thanh Ðề, bèn dùng thần thông kiếm tìm mẫu thân...
12/08/2011(Xem: 4082)
LTS: Thời gian trước, một số vị phật tử lớn tuổi, am hiểu cổ học, đưa ra ý kiến nói rằng, người xuất gia không hoặc khó làm đầy đủ câu hiếu để đối với song đường (bố mẹ). Vậy điều đó đúng không? Nếu đúng, thì hàng đệ tử xuất gia của đức Phật có đủ tư cách làm người hướng đạo cho cư sỹ tại gia cũng như mọi giới chăng? Nếu nhận thức trên của các phật tử là chưa thấu đáo, nguyên nhân do đâu?
11/08/2011(Xem: 4102)
Vu lan, tiếng Phạn gọi là Ullambana, còn được biết đến như là ngày lễ “Xá tội vong nhân” hay là ngày “Báo hiếu”, là một trong những lễ hội Phật giáo quan trọng của tín đồ theo đạo Phật ở Á châu. Theo truyền thống Phật giáo Đại thừa, lễ Vu lan được tổ chức vào ngày rằm tháng Bảy âm lịch. Ngày lễ Vu lan bắt nguồn từ sự tích ngài Mục Kiền Liên, một trong mười vị đại đệ tử của Đức Phật Thích Ca, nhờ vào phước đức cúng dường phẩm vật lên chư Tăng trong ngày Tự tứ và sức chú nguyện của Tam bảo mà mẹ của ngài thoát được kiếp khổ ngạ quỷ, sinh về thiên giới.
11/08/2011(Xem: 4228)
T rước 1975, nơi thị xã Nguyên ở, hằng năm cứ vào đầu tháng 7 âm lịch, trên các góc đường của ngã tư lại thấy xuất hiện các anh chị trong Gia Đình Phật Tử làm công tác cài hoa lên áo cho dân phố, nhân mùa Vu Lan về.
11/08/2011(Xem: 7208)
Mùa Vu lan lại trở về, gợi nhắc chúng ta nhớ đến tình thương vô bờ bến của cha mẹ đã dành cho mình. Và đối với người Việt Nam, hiếu thảo là truyền thống quý báu được đặt lên hàng đầu. Tất cả chúng ta đều nhớ như in bài học vỡ lòng đã được dạy dỗ từ tấm bé: “Công cha như núi Thái Sơn. Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Một lòng thờ mẹ kính cha. Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.
10/08/2011(Xem: 9210)
Hiếu thảo với cha mẹ là một đức tính tốt đẹp được mọi người ca tụng, đức tính ấy được coi như một nền tảng cho mọi đức hạnh, là nhân tố quan trọng để xây dựng đời sống hạnh phúc cho cá nhân, gia đình và xã hội. Đối với đạo Phật, thực hành hiếu thảo là con đường giải thoát của chánh pháp, là con đường của người Phật tử. Không hiếu thảo với cha mẹ thì không thể gọi là một người Phật tử chân chính được. Bởi vì người Phật tử thì phải thực hành các thiện pháp mà trong kinh "Nhẫn nhục" nói rằng: "Điều thiện tối cao là chí hiếu, điều ác cực ác là bất hiếu". Vì vậy, báo hiếu là bản chất của người Phật tử và đã trở thành truyền thống tốt đẹp của người Phật tử Việt Nam nói riêng, Á Đông nói chung. Quan niệm về hiếu đạo của đạo Phật được thể hiện rõ nét qua hai cuốn kinh phổ biến là Kinh Vu Lan và Kinh Báo Ân Cha Mẹ, kinh mà không người Phật tử nào không biết, thường được đọc tụng vào dịp tháng bảy, lễ Vu Lan.
10/08/2011(Xem: 4597)
Chứng được sáu phép thần thông, nhớ mẹ Mục Liên Tôn Giả xuống A Tỳ tìm cứu mẫu thân. Phật dạy nương oai thần Tự Tứ, thiết trai cúng dường, đảo huyền thọ khổ chúng sanh được siêu thoát. Lại một lần nữa Đại Lễ Vu Lan Báo Hiếu lại trở về với người con Phật trên khắp năm châu bốn bể, tâm hiếu nguyện cầu lan tỏa bao trùm cả đại địa thời không.
09/08/2011(Xem: 5812)
Rằm tháng Bảy theo tục lệ nhân gian Việt Nam gọi là ngày xá tội vong nhân. Ngày rằm tháng Bảy có nhiều ý nghĩa: Thứ nhất, ngày Phật hoan hỷ. Ngày rằm tháng bảy gọi là ngày đức Phật hoan hỷ, bởi lẽ trong thất chúng đệ tử của Phật, chúng Tỷ-kheo là chúng đệ tử gần gũi nhất, chúng thừa đương Phật pháp để truyền bá giáo hóa cho chúng sinh, chúng mang hình dáng của Phật làm gương mẫu ở thế gian, chúng mà trong ba tháng an cư kiết hạ đã viên măn và kết thúc vào ngày rằm tháng bảy âm lịch. Thông thường, khi chư Tăng thọ giới pháp xong là tu niệm
09/08/2011(Xem: 8431)
Về phương diện đền ơn cha mẹ, Đức Phật có dạy: "Dù là tại gia hay xuất gia, dù là Thanh Văn hay chư Phật đều có bổn phận đền ơn cha mẹ. Vì tâm hiếu là tâm Phật".
09/08/2011(Xem: 7387)
Tôn giả Xá Lợi Phất xuất thân từ giai cấp Bà la môn, nổi tiếng thông tuệ từ khi còn thơ ấu. Ngài là niềm tự hào, là hy vọng của gia đình, dòng tộc và nhất là mẹ ngài, bà Xá Lợi...
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]