Tuyển tập bài viết về Vu Lan - 2010
Bông hồng đầu tiên, bông hồng cuối cùng
Nguồn: Tôn Nữ Thanh Yên
Hằng năm, vào dịp lễ Vu Lan, chương trình “Bông Hồng Cài Áo” lại rộ lên như một mùa hoa tươi mới thắm thiết, nở từ tâm hồn mỗi người con hiếu hạnh. Hãy thử nhớ lại, lần đầu tiên mình được cài đóa hoa hồng lên áo vào lễ Vu Lan là dịp năm nào, khi lên mấy tuổi..? Tôi không nhớ được… Có lẽ, không mấy ai nhớ rõ điều kỷ niệm ấy. Mà điều gì cố gắng nhớ lại chỉ để tính đếm, chỉ để đánh dấu thì có vẻ hình thức, khiên cưỡng. Vậy thì thôi, hãy để cho hồi ức, hoài niệm của ta bay bổng, mơ màng…
Tôi diễm phúc được sinh ra có đủ cha lành mẹ hiền và anh chị em đông đúc vui vầy. Mẹ tôi thường kể vui rằng ba tôi “mê con” lắm. Từ đứa con đầu lòng đến đứa con út được sinh ra, ba tôi đều bồng ẵm, ngắm nghía, hôn hít đầy vẻ yêu thương và mãn nguyện, rồi nói: “Y như cái hột nổ”. Hột nổ là hạt nếp rang, nở bung như một nụ hoa xinh xắn, nõn nà. Hẳn mẹ tôi cũng đầy vẻ mãn nguyện và yêu thương mỗi lần đón nhận đứa con vừa do mình khai hoa nở nhụy. Từ khi được sinh ra đời, ta đã là một đóa hoa của cha mẹ. Từ ngày đầu tiên làm Con Người, ta đã được cài đóa hoa hồng đầu tiên cho cuộc-đời-diễm-phúc ta có Cha có Mẹ.
Thuở nhỏ, tôi và em gái tôi thường níu tay mẹ đòi đi chùa, nhất là vào dịp lễ Vu Lan. Hai chị em thích thú khi được các anh chị Gia Đình Phật Tử cài hoa hồng lên áo. Chị em tôi còn thích được xem chương trình văn nghệ. Em tôi khóc sướt mướt khi xem vở ca kịch kể về lòng hiếu thảo của chim Anh vũ, một tiền thân của Đức Phật. Còn tôi, rưng rưng nước mắt khi nghe “Một bông hồng cho anh và một bông hồng cho em…Cho những ai đang còn mẹ...”. Không biết đã bao nhiêu lần tôi rơi nước mắt vì xúc cảm bởi ca từ và giai điệu của ca khúc ấy. Một ca khúc bất hủ, lấy cảm hứng từ một tùy bút của một nhà sư có tâm hồn nghệ sĩ-người đương thời là một vị thiền sư Việt Nam nổi tiếng thế giới. Một tùy bút rung động lòng người. Một ca khúc rung động lòng người…mấy mươi năm qua. Và, sẽ là mãi mãi, thường còn như là tình mẹ con, như là niềm hiếu hạnh của con người.
Mẹ tôi là một người đẹp. Đó là một điều hãnh diện của anh chị em tôi. Mẹ tôi lại là một thi sĩ thời danh, làm thơ từ năm mười bốn tuổi với những bài thơ tình diễm lệ và thơ về thế thái nhân tình, và về sau mẹ tôi lấy pháp danh làm bút danh, ký dưới những bài thơ thấm nhuần Phật pháp. Có bài thơ về đề tài Vu Lan, mẹ tôi thác lời một người chị nói với em gái nhỏ:
“Cài một bông hồng lên áo tiên
Sướng không, em chị có me hiền
Em đang dỗi mẹ không trang điểm
Ngày hội mà me nhạt sắc duyên…”
Chị giải thích cho em hiểu mẹ chẳng quản bao khó nhọc lao lực, bao khổ sở lao tâm vì lo lắng, chăm sóc, hy sinh cho con; nên dù đầu bù tóc rối, mặt mũi bơ phờ, nhan sắc phai nhạt mẹ cũng chẳng lấy làm điều… Em ơi, dù mẹ có lam lũ, dù mẹ có xấu xí, tiều tụy đến đâu mẹ cũng là người mẹ đẹp nhất, thơ mộng nhất của mình. Câu cuối của bài thơ đúc kết:
“Mẹ đẹp bông hồng suốt bách niên”.
Mẹ hiện diện trong cuộc đời tôi. Mẹ sống gần bên tôi một hình ảnh đẹp đẽ, thân thuộc. Từ thuở ấu thơ cho đến tuổi thành niên, tôi chưa lúc nào phải rời xa mẹ lâu ngày. Những năm vì sinh kế, tôi phải di chuyển nhiều lần vào Sài Gòn; nhưng đến Tết, lễ Vu Lan hay sinh nhật mẹ tôi, thì tôi lại thu xếp để về với mẹ. Mùa Vu Lan năm 1985, tôi đang ở nhà chị tôi tại Sài Gòn, do chị tôi khẩn khoản níu chân lại nên tôi không về quê được. Đêm mười bốn tháng Bảy, tôi ngồi tựa bậc cửa, nhìn lên bầu trời sáng vằng vặc một vầng trăng tuyệt đẹp. Tôi nhớ mẹ. Nhớ khuôn mặt kiều diễm, nhớ dáng đi dáng ngồi đoan trang, nhớ giọng nói giọng cười khoan hòa của mẹ tôi… Bao hình dung về mẹ như ùa về dồn dập, tha thiết làm tim tôi se thắt lại. Lặng lẽ từng giọt, từng giọt nước mắt lăn tròn trên hai má tôi. Lần đầu tiên tôi ở cách xa mẹ trong mùa cài hoa hồng. Lần đầu tiên tôi biết cái cảm xúc của một đứa con xa nhà nhớ mẹ, day dứt bần thần. Sáng hôm sau, vì công việc chị tôi và tôi đều không thể rảnh rỗi để đi chùa. Trên đường đi, tôi nhờ chị tôi chở ghé vào một bưu cục. Tôi gởi một bức điện báo và tin tưởng mẹ tôi sẽ nhận được trong ngày hôm ấy. Nội dung bức điện vỏn vẹn một câu: “Mẹ đẹp bông hồng suốt bách niên”.
Đời người mấy ai mong tuổi thọ được kéo dài đến trăm năm?! Nhưng, có lẽ, những ai đã lơ phơ tóc bạc trên đầu, đã trải nghiệm những cái khổ sinh-lão-bệnh, mà người đó lại có diễm phúc còn cha còn mẹ sống trên đời; thì hẳn người con đó hằng cầu Trời khấn Phật cho song thân được sống lâu trăm tuổi… Đã bao mùa Vu Lan đi qua, tôi vẫn còn được cài màu hoa hồng lên áo. Sau năm ba tôi mất, đóa hoa Vu Lan tôi cài có khác đi ở chỗ chiếc nơ thắt hoa không còn là màu đỏ mà đổi sang màu xanh lá. Đóa hoa vẫn là màu hồng, tôi vẫn còn mẹ. Một người bạn tôi vào năm vừa chịu tang mẹ, ngày lễ Vu Lan bạn ấy cài đóa hoa màu trắng lên áo, bùi ngùi nói: “Phải cài hoa trắng, buồn dễ sợ..”. Tôi hiểu tâm trạng của bạn và đã thoáng rùng mình vì ám ảnh màu trắng của đóa hoa mồ côi. Một người bạn khác, mất mẹ đã năm năm, nói như nhắc nhở tôi: “Còn mẹ sống trên đời là một diễm phúc. Được sống chung một nhà với mẹ, được săn sóc phụng dưỡng mẹ lại là diễm phúc hơn nữa”.
Anh chị em tôi hằng cầu mong mẹ tôi an khang, trường thọ. Mỗi dịp Tết, lễ Vu Lan và sinh nhật mẹ, chúng tôi thường tề tựu quanh mẹ, cầu chúc sức khỏe cho mẹ. Kể từ đóa hoa hồng đầu tiên được cài vào ngày chào đời, tôi đã có năm mươi lần cài hoa hồng. Tôi đâu dám chắc mình sẽ còn được cài hoa hồng bao nhiêu lần nữa! Vì mẹ tôi mình hạc xương mai. Sức khỏe vơi dần như ngọn đèn cạn dầu… Tôi không muốn cài hoa màu trắng. Dù một mai mẹ tôi sẽ qua đời, tôi đành chịu tiếng mồ côi, nhưng sẽ không muốn cài lên ngực áo mình trong dịp lễ Vu Lan một đóa hoa màu tang thương. Buồn lắm! Tôi sẽ từ chối và cũng không ai bắt buộc tôi phải cài hoa trắng. Không có luật lệ nào cho tình cảm. Không có hình thức bắt buộc nào cho niềm tưởng nhớ.
Một mai khi mẹ tôi qua đời, dù là thời gian trước Rằm tháng Bảy, thì vào ngày các chùa tổ chức chương trình “Bông Hồng Cài Áo”, tôi vẫn xin cho mình một đóa hoa màu hồng. Đó là đóa hoa hồng Vu Lan cuối cùng tôi cài lên áo. Đó là đóa hoa tượng trưng rằng: Mẹ, bông hồng đẹp nhất của cuộc đời tôi không còn nữa.