Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bồ Tát ồn ào

10/04/201318:43(Xem: 5806)
Bồ Tát ồn ào

labode_5Tuyển tập bài viết về Vu Lan - 2009

Bồ-tát ồn ào

Vĩnh Hảo

Nguồn: Người Việt, Friday, June 26, 2009

Có một vị bồ-tát rất tầm thường ở trong nhà của tôi, nhà của các bạn, nhà của mọi gia đình ở xứ này. Vị bồ-tát ấy cũng có mặt ở các văn phòng, hãng xưởng, bệnh viện, trường học, v.v… từ tư nhân đến công quyền. Ở nơi sang trọng thì ăn mặc gọn ghẽ, hình dáng thon thả, nhẹ nhàng; ở nơi xập xệ thì hơi cồng kềnh, luộm thuộm một chút. Nhưng vẫn cái dáng đó, ai nhìn vào cũng nhận ra.
Bồ-tát thường ẩn mặt chứ không đi nghênh ngang trước đám đông. Thường thì nép mình nơi chỗ kín đáo, nơi phòng tối, hoặc góc xó nào đó. Khi xuất hiện để “hành đạo” thì ồn ào, náo động, làm cho mọi người khó chịu, cho nên bồ-tát vẫn thích chọn những lúc vắng người mới xuất đầu lộ diện. Dù được những người giàu có trang bị cho bồ-tát bằng hình thức đẹp đẽ, gọn nhẹ nhất, và dù đã cố gắng nén tiếng dữ lắm, bồ-tát vẫn luôn là kẻ bị mang tiếng là hiếu động, ồn ào. Mang tiếng như thế, bồ-tát vẫn nhẫn nhục chẳng nói chi. Chưa hề kêu ca than oán, cũng chẳng hề giận dữ hay hờn dỗi ai. Bồ-tát không nói, nhưng khi cất tiếng nói lại chính là lúc làm việc giúp người. Giúp người, nhưng tại sao người lại ít có cảm tình với vị bồ-tát này đến thế? Tại sao người ta đều biết, đều gặp bồ-tát mỗi ngày một lần, hoặc vài ngày một lần, hay mỗi tuần một lần, vậy mà vẫn ít thèm để ý, ít trân trọng sự có mặt cũng như mục đích có mặt của bồ-tát này? Chung qui vì sự đóng góp của bồ-tát tuy khá quan trọng cho đời sống chúng ta, nhưng vẫn là cái gì thứ yếu, không trực tiếp tạo ra lợi tức hay là thứ gì có thể tính đếm, ghi vào sổ sách. Thêm vào đó, thời gian bồ-tát làm việc giúp người lại chính là thời gian ồn ào, đinh tai nhức óc nhất. Gì chứ chuyện ồn ào thì ngay trong những xã hội xô bồ nhộn nhịp cũng không ai ưa thích. Người ta có thể thích nghe những bản nhạc kích động qua hệ thống âm thanh khuếch đại, mở hết volume, phóng ra từ mấy cái loa to tổ tướng, nhưng cũng chỉ trong một cái phòng, một vũ trường, hoặc quán cà-phê nào đó của người Việt ở phố Bolsa, chứ chẳng ai chịu nổi âm thanh rè rè một giọng, ồm ồm một điệu của bồ-tát.
Nói tóm lại là người ta muốn bồ-tát hãy xéo đi chỗ khác, đừng có làm phiền người ta, nhất là khi người ta đang tâm sự (tình yêu, tình nhà, tình nước, tình lận đận, tình cho không…), thảo luận (thời sự, chính trị, kinh tế, tôn giáo…), bàn bạc (áp-phe, vay tiền, chuyện thiên thời hay địa ốc...), lắng nghe (tin tức, thuyết trình, tán gẫu, nói dóc, quảng cáo, ca nhạc…). Người ta cần chú tâm, cần yên tĩnh, cần được ngồi yên một chỗ nào đó, hoặc cần được kẻ khác chú ý trong im lặng, cho nên Bồ-tát xuất hiện chẳng khác nào xua đuổi người ta ra khỏi những khung cảnh thơ mộng và ổn định mà người ta đã chọn lựa. Vậy thì chỗ đứng thích hợp của bồ-tát là một xó, thời gian của bồ-tát là thời gian không người lai vãng.
Chiều lòng những người khó chịu, bồ-tát cam phận, lầm lũi nép vào góc tối, lặng lẽ chờ đợi. Không một lời ta thán. Không tự ái vặt. Cũng không khoác lác kể lể thành tích hoặc tranh công với ai. Chỉ âm thầm chờ đợi thời điểm cần thiết. Khi người ta cần đến, bồ-tát từ nơi tăm tối hăng hái bước ra.
Và đây, những gì bồ-tát đóng góp cho người, cho đời: đi từ đầu nhà đến cuối nhà, chạy từ góc đông qua mé tây, chui xuống gầm giường, rúc vào chân ghế, chân bàn, hùng hục đi tới đi lui, xăng xái lên bắc xuống nam, xoay bên phải quẹo bên trái, không hốc kẹt nào mà không luồn tới, chẳng chỗ khó nào mà bồ-tát bỏ quên. Mồm há thật rộng, chân cuốn như xa luân, lúc tiến lúc thoái, dũng mãnh, kiên cường… chỉ với một ý nguyện to lớn là đón nhận tất cả những ô uế, bụi bặm, rác rưởi của trần gian.
Nguyện rằng dưới bước chân tôi, những gì dơ – xấu sẽ trở thành sạch – đẹp, những gì tanh hôi sẽ biến mất và trở nên thơm tho. Tôi đến với thế gian này, tuy rằng cũng khá làm phiền quý vị nhưng khi tôi rời quý vị để trở về với góc tối của tôi, không gian chung quanh quý vị biến thành cảnh trí thanh khiết, đẹp đẽ, sạch sẽ. Tất cả những gì quý vị trưng bày trang trí trong bất cứ khung cảnh nào, căn phòng nào, dù là trang trí cho nhu cầu thẩm mỹ nghệ thuật hay trưng bày để khoe của, phô trương, đều trở thành vô nghĩa, vô duyên, nếu không có tôi đến để thực hiện ý nguyện và trách nhiệm của tôi. Tôi đến xong rồi đi, chẳng để lại dấu vết gì, nên cũng chẳng ai biết hay nhớ rằng ngay ở những nơi chốn đẹp đẽ sạch sẽ ấy đã có sự xuất hiện tiên phong của tôi. Người ta đến trong cuộc đời này để bày biện và cố tình để lại những dấu vết trong khi tôi đến để xóa dấu vết. Những gì quý, đẹp, sạch, dùng được, đều được ở lại, chỉ riêng tôi là rút vào hậu trường bóng tối. Sẽ không ai còn nhớ đến tôi cho đến khi họ cảm thấy không thể chịu đựng nổi những dấu vết của bụi thời gian và bụi từ đất trời. Nhưng tôi cũng không lấy đây làm điều, vì người ta còn nhớ đến thì ước nguyện của tôi vẫn còn có cơ hội để thực thi: làm sạch cuộc đời. Tôi đã hóa thân và có mặt khắp các nơi chốn bằng nhiều hình thức, kiểu dáng, công dụng, để đáp ứng với thị hiếu và khả năng của mọi thành phần xã hội. Tôi và tất cả các hóa thân khác của tôi tự nguyện thâu nhận tất cả những bụi bặm dơ nhớp của trần gian về phần mình để cuộc sống mọi người được vệ sinh, ít bệnh, ít khổ. Tóm lại, phần dơ - xấu: tôi đón nhận; phần sạch - đẹp: nhường dâng cho mọi người.
Hiểu được ý nguyện cao đẹp một cách âm thầm, lặng lẽ của vị bồ-tát này, hẳn là không ai có thể tưởng tượng được là bồ-tát lại mang tiếng là kẻ ồn ào. Có cái gì trái ngược giữa ý nguyện và danh xưng của vị bồ-tát này. Ý nguyện đó có thể nói theo ngôn ngữ Phật giáo là: “Nguyện thay chúng sinh gánh chịu tất cả phiền não, ô trược, cáu bẩn của trần gian khiến cho mọi loài đều được an vui, hạnh phúc.”
Đó là một đại nguyện thường được tán dương và âm thầm thực hiện trong các hạnh của bồ-tát. Đó cũng là câu chuyện của cái máy hút bụi mà nhà nào cũng có.
Bạn đã đối xử với vị bồ-tát “ồn ào” này như thế nào? Có trân trọng không? Có thường đáp lễ bằng cách lau chùi, chăm sóc, làm sạch lại cho bồ-tát không?
Một kẻ muốn làm sạch cho kẻ khác, cho cuộc đời, trước tiên phải sạch nơi chính mình. Bồ-tát ồn ào đã nói với chúng ta như thế. Có nghĩa là chúng ta nên nhớ thay bao (hay hộc) chứa bụi sau khi hút bụi. Nếu chỗ chứa bụi đầy ngập bụi rác, sẽ không có khả năng hút và chứa thêm. Chúng ta cũng đừng quên tháo gỡ những sợi chỉ hay tóc bị cuốn nơi trục lăn, cũng đừng quên vô dầu mỡ, thay giây belt khi bị đứt, vì trục không quay, máy sẽ chẳng hút được gì cả. Phải làm sạch máy hút bụi trước khi hút bụi. Tôi chẳng phải nhân viên quảng cáo của các công ty sản xuất máy hút bụi (như Hoover, Kenmore, Eureka, Bissell, Oreck…).
Tôi chỉ muốn giới thiệu bồ-tát hút bụi đến với bạn để cuộc sống thêm chút thăng hoa, nhất là có thêm bằng hữu để học với nhau những ý nguyện tốt đẹp. Bạn không cần phải gọi máy hút bụi là bồ-tát như tôi. Gọi như thế nào cũng được, nhưng nên nhớ rằng bạn có một người bạn tốt trong nhà. Tuy có lúc ồn ào, nhưng thường khi thì lặng lẽ khiêm cung, chỉ đứng im trong góc xó, mà công hạnh thì không phải là nhỏ đối với đời sống của bạn. Một người bạn tốt như thế mà không biết trân quý thì thật đáng tiếc.



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
10/08/2011(Xem: 8342)
Hiếu thảo với cha mẹ là một đức tính tốt đẹp được mọi người ca tụng, đức tính ấy được coi như một nền tảng cho mọi đức hạnh, là nhân tố quan trọng để xây dựng đời sống hạnh phúc cho cá nhân, gia đình và xã hội. Đối với đạo Phật, thực hành hiếu thảo là con đường giải thoát của chánh pháp, là con đường của người Phật tử. Không hiếu thảo với cha mẹ thì không thể gọi là một người Phật tử chân chính được. Bởi vì người Phật tử thì phải thực hành các thiện pháp mà trong kinh "Nhẫn nhục" nói rằng: "Điều thiện tối cao là chí hiếu, điều ác cực ác là bất hiếu". Vì vậy, báo hiếu là bản chất của người Phật tử và đã trở thành truyền thống tốt đẹp của người Phật tử Việt Nam nói riêng, Á Đông nói chung. Quan niệm về hiếu đạo của đạo Phật được thể hiện rõ nét qua hai cuốn kinh phổ biến là Kinh Vu Lan và Kinh Báo Ân Cha Mẹ, kinh mà không người Phật tử nào không biết, thường được đọc tụng vào dịp tháng bảy, lễ Vu Lan.
10/08/2011(Xem: 3817)
Chứng được sáu phép thần thông, nhớ mẹ Mục Liên Tôn Giả xuống A Tỳ tìm cứu mẫu thân. Phật dạy nương oai thần Tự Tứ, thiết trai cúng dường, đảo huyền thọ khổ chúng sanh được siêu thoát. Lại một lần nữa Đại Lễ Vu Lan Báo Hiếu lại trở về với người con Phật trên khắp năm châu bốn bể, tâm hiếu nguyện cầu lan tỏa bao trùm cả đại địa thời không.
09/08/2011(Xem: 5138)
Rằm tháng Bảy theo tục lệ nhân gian Việt Nam gọi là ngày xá tội vong nhân. Ngày rằm tháng Bảy có nhiều ý nghĩa: Thứ nhất, ngày Phật hoan hỷ. Ngày rằm tháng bảy gọi là ngày đức Phật hoan hỷ, bởi lẽ trong thất chúng đệ tử của Phật, chúng Tỷ-kheo là chúng đệ tử gần gũi nhất, chúng thừa đương Phật pháp để truyền bá giáo hóa cho chúng sinh, chúng mang hình dáng của Phật làm gương mẫu ở thế gian, chúng mà trong ba tháng an cư kiết hạ đã viên măn và kết thúc vào ngày rằm tháng bảy âm lịch. Thông thường, khi chư Tăng thọ giới pháp xong là tu niệm
09/08/2011(Xem: 7015)
Về phương diện đền ơn cha mẹ, Đức Phật có dạy: "Dù là tại gia hay xuất gia, dù là Thanh Văn hay chư Phật đều có bổn phận đền ơn cha mẹ. Vì tâm hiếu là tâm Phật".
09/08/2011(Xem: 5854)
Tôn giả Xá Lợi Phất xuất thân từ giai cấp Bà la môn, nổi tiếng thông tuệ từ khi còn thơ ấu. Ngài là niềm tự hào, là hy vọng của gia đình, dòng tộc và nhất là mẹ ngài, bà Xá Lợi...
09/08/2011(Xem: 10099)
“Ầu ơ…….. Ví dầu cầu ván đóng đinh, Cầu tre lắc lẻo, gập ghềnh khó đi, Khó đi Mẹ dắt con đi Con đi trường học, Mẹ đi trường đời” Đó là lời hát ru con mà tôi thường hò để dỗ con vào giấc ngủ trong những ngày tháng khi chúng còn trẻ thơ và rồi ngày mỗi ngày lời ru ấy thấm dần, thấm dần đến tận tâm can của tôi! Tôi thật sự đã ngỡ ngàng và bàng hoàng khi phát hiện ra sự khác biệt qúa chênh lệch giữa “Trường học” và “Trường đời”. Có lẽ chỉ những người có thiên chức làm mẹ mới hiểu được rạch ròi về vạn lần đắng cay của “trường đời”.
09/08/2011(Xem: 6588)
Ngày lễ Vu Lan không gì khác hơn là ngày lễ dành cho cha mẹ, ngày nhắc nhở phận làm con là phải biết nhớ về cội nguồn, phải luôn tâm niệm báo đáp công ơn của cha mẹ.
09/08/2011(Xem: 5051)
Khi con bắt đầu lớn khôn nên người, thì lúc đó con mới cảm nhận được tình thương bao la, rộng lớn mà mẹ đã dành cho con - một sinh mạng nhỏ nhoi được lớn khôn và trưởng thành...
08/08/2011(Xem: 4289)
Sanh duyên từ là quán tất cả chúng sanh tưởng như cha mẹ. Cho nên Kinh Phạm Võng nói: "Tất cả người nam là cha ta, tất cả người nữ là mẹ ta.
08/08/2011(Xem: 6531)
Người Phật tử có hiếu, nhân ngày lễ Vu Lan hối tưởng lại công ơn cha mẹ, nếu cha mẹ còn hiện tiền hãy đem hết lòng thương kính, chăm sóc...
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567