Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Mẹ, và những tiếp nối

10/04/201318:39(Xem: 3860)
Mẹ, và những tiếp nối

Tuyển tập bài viết về Vu Lan - 2009

Mẹ, và những tiếp nối

Hạnh Chi

Nguồn: Hạnh Chi

Tôi từng được nghe mẩu truyện rất cảm động. Truyện chỉ có hai nhân vật chính.
Một buổi sáng, trước tiệm bán hoa, một thanh niên ngừng xe, định vào tiệm đặt mua một chậu lan, nhờ gửi tặng mẹ ở cách xa anh ta hơn ba trăm cây số. Nhưng bất chợt, anh thấy một cô bé, đứng nép cánh cửa tiệm và đang ôm mặt khóc. Cảm thương, anh đến bên, dịu dàng hỏi:
- Tại sao em khóc?
Cô bé thổn thức:
- Con muốn mua một bông hồng tặng mẹ, nhưng con vừa vào hỏi, một bông là ba đồng, mà con chỉ có một đồng thôi!
Nói rồi, cô bé lại òa lên, nức nở.
Anh thanh niên mỉm cười, cầm tay cô bé, dắt vào tiệm. Anh bảo người bán hàng chọn bông hồng nào đẹp nhất tiệm, trao cho cô bé; xong, anh đặt mua chậu lan tím trong giỏ mây có cột nơ hồng, theo mẫu trình bầy trong cuốn sách. Rồi anh lựa một tấm thiệp, ghi lời thăm hỏi và địa chỉ của mẹ, trao cho người bán hàng, thanh toan tiền bạc rồi vui vẻ bước ra cửa.
Cô bé đứng chờ ngoài đó, lí nhí cám ơn. Anh nhìn quanh, rồi hỏi:
- Em đến đây với ai? Có cần tôi cho quá giang về nhà không?
Mắt cô bé sáng lên, mừng rỡ:
- Con cám ơn chú! Chú đưa con về nhà mẹ nhé.
Theo lời chỉ đường của cô bé, anh dừng xe trước cổng một nghĩa trang. Cô bé không nói gì thêm, chỉ ngước nhìn anh như ngầm ý muốn anh đi theo. Rồi cô dừng trước một ngôi mộ mới lấp đất. Cô nói:
- Thưa chú, đây là nhà của mẹ.
Nói rồi, cô quỳ xuống, cắm bông hồng vào chiếc lọ nhỏ xíu trên mộ, vuốt ve những hàng chữ trên tấm bia, và thổn thức gọi nhỏ :
- Mẹ ơi!
Hai tiếng “Mẹ ơi!” của cô bé chỉ mới gặp chưa đầy 20 phút mà anh tưởng như tiếng gọi của những người thân yêu từng gắn bó nhau hàng vô lượng kiếp! Anh ngồi xuống bên cô bé, cầm lấy tay, và cùng khóc với cô…
Sau đó, anh hấp tấp trở lại tiệm hoa, hủy bỏ hóa đơn gửi hàng và chọn mua bó hồng tươi nhất, vội vã ra xe. Anh quên cả gọi điện thoại cáo bệnh với sở làm. Lòng tràn ngập nôn nao, anh mải mê cầm tay lái suốt buổi, vượt hơn ba trăm cây số, đến gặp mẹ. Khi trao tận tay Mẹ bó hoa còn tươi, anh nhìn thật sâu đôi mắt Mẹ rồi nghẹn ngào:
- Mẹ ơi!
Câu truyện chấm dứt ở hai tiếng ngắn ngủi đó nhưng âm thanh ngân mãi trong tôi cho đến ngày tôi mất mẹ!
Chị em tôi mồ côi cha từ hơn hai mươi năm. Tiếng khóc “Cha ơi” chưa từng dứt trong tâm, lại nối theo tiềng khóc “Mẹ ơi!”. Trong gia đình, tôi thường bị gán cho cái tên “Thương vay khóc mướn” vì trước nỗi thương tâm nào, dù của người hay của vật cũng dễ dàng làm tôi rơi lệ. Với tôi, thời gian không phải là liều thuốc hàn gắn đau thương mà phải là … cái gì đó, thần diệu hơn.
Bao năm, lầm lũi đi tìm “cái gì đó” mà chưa thấy, chỉ thấy tang thương và lệ chảy vẫn tiếp tục thôi. Cho tới ngày giỗ đầu của Mẹ thì nghịch- duyên-đời lại thành thuận-duyên-đạo.
Trên đường thiên lý, vai phải cõng Mẹ, vai trái cõng Cha, tôi quyết đi tìm cho ra “Cái gì đó”. Với bóng hình Cha Mẹ trên hai vai, tôi đi không mệt mỏi, đi trong nhớ thương, đi trong ân hận.
Hai năm cuối, Mẹ tôi bỗng có dấu hiệu của sự mất trí nhớ. Thỉnh thoảng Mẹ lại nói:“ Cô có tiền, cho tôi mượn hai chục đi xe. Tôi phải về, kẻo chúng nó mong!” Rồi chẳng phải chỉ nói xuông, Mẹ xách túi quần áo, xăm xăm mở cửa bước ra đường.
Tình trạng đó tăng nhanh một cách trầm trọng khiến hai chị em tôi phải thay phiên nhau, canh chừng Mẹ liên tục. Tôi hỏi thăm một người bạn, là bác sỹ tâm thần. Bạn tôi bảo, hãy thử hai cách. Mỗi khi Mẹ chìm vào cơn mê như vậy, hãy ngồi xuống bên, cầm tay, nhẹ nhàng nói với Mẹ, mình là ai, Mẹ là ai, đang ở đâu, để Mẹ trở về hiện tại. Nếu không thành công thì dùng cách thứ hai như các thiền sư khai ngộ cho đệ tử là quát to, cốt Mẹ chú ý tới âm thanh, rồi mới tuần tự nhắc những kỷ niệm nào của gia đình mà đối với Mẹ là đáng nhớ nhất.
Chị em chúng tôi không bao giờ thành công ở cách thứ nhất, vì nếu nhỏ nhẹ từ chối lời yêu cầu thì Mẹ sẽ giận dữ, bảo là chúng tôi ác độc, không cho mượn tiền để Mẹ về nơi có “chúng nó mong”.
Tôi có thể hiểu được, tại sao trong cơn mê Mẹ lại luôn muốn ra khỏi nhà, vì chị em chúng tôi mỗi đứa ở một nơi. Mẹ ở với đứa này, lại nhớ đứa kia! Và trong tâm tưởng Mẹ, luôn có những đứa con, đứa cháu mong Mẹ về.
Nhưng khi thử cách thứ hai là quát to với Mẹ, thấy Mẹ có vẻ sợ hãi thì lòng chúng tôi quặn thắt. Cuối cùng, tôi chọn cách thứ ba, là Mẹ nói gì, cứ im lặng nghe. Mẹ nói xong thì tôi rót nước rồi nương theo vai trò nào Mẹ đang tự biên tự diễn mà dỗ dành. Chẳng hạn như:“ Bà cụ uống nước đi, ăn bánh đi rồi lát có xe đến đón.”; Nhưng nếu bất chợt Mẹ đổi vai, gọi tôi là chị, và xưng em, thì tôi đành nói: “ Ừ, chị đã gọi xe đò rồi. Họ đang trên đường tới. Em cứ vào phòng nghỉ đi, hễ xe tới là chị gọi em liền”.
Thật bất ngờ, tuy chưa từng một ngày được học ngành trị liệu tâm thần nhưng cách thứ ba của tôi đã được Mẹ vui vẻ chấp nhận, không đòi đi nữa mà lại còn cám ơn rối rít: “Cô tốt quá! Cô tên gì? Con cái nhà ai vậy?” Rồi chỉ vài phút sau, Mẹ ra khỏi cơn mê, biết rõ tôi là cô con gái đầu lòng đã đến với cha mẹ ngày 30 tháng 7 của một năm xa xưa!
Những cơn mê như thế cứ đến không hẹn, đi không báo, dẫn Mẹ tôi quẩn quanh giữa mộng và thực cho tới ngày quả tim 86 tuổi bất ngờ đập loạn nhịp.
Mẹ đã thực sự ra đi, đi thật nhanh và thật êm ả như một người thiếp trong giấc ngủ trưa hè. Không biết trong giấc ngủ đó, Mẹ là bà cụ muốn mượn tiền để đi xe về nơi có “chúng nó mong” hay khi ấy Mẹ đang biết rõ Mẹ là người Mẹ thân yêu của sáu chị em tôi? Nếu Mẹ ra đi giữa cơn mê, ngỡ mình là một bà cụ cô đơn, nghèo khổ, phải hỏi mượn tiền người lạ để tìm về nơi có những người thân yêu mong chờ, thì tội nghiệp Mẹ quá!
Nỗi băn khoăn đau đớn đó cứ thầm lặng theo tôi trên đường đi tìm Cha, tìm Mẹ, tìm chính mình, tìm cái chưa từng sanh, chưa từng diệt mà tấm thân tứ đại chỉ là phương tiện cho ta lên đường.
Sau mỗi xâu chuỗi lần qua, sau mỗi thời kinh vừa dứt, sau mỗi tiếng chuông xả thiền, thì “cái gì đó” đều thấp thoáng, như giải thưởng treo cao, khuyến tấn và chiêu dụ đám học trò chậm lụt ráng tiến bước. Tôi thường tự nhủ, phải cố gắng hơn, kiên trì hơn, phải tin tưởng hơn, là trong bao la vô thanh bất động kia chắc chắn có ẩn tàng thần dược. Nếu không, với những đau thương kinh hoàng trong cõi ta-bà, dồn dập không phút nào, thời nào ngưng, thì nhân loại đã bị hủy diệt lâu rồi!
Thời công phu sáng nay, khi tiếng chuông dứt Chú Lăng Nghiêm vừa điểm, tôi bỗng nghe trong đó ngân dài hai tiếng “Mẹ ơi!” và lòng tôi hân hoan niềm vui trẻ thơ, như thuở nhỏ chờ cửa, thấy bóng Mẹ đi chợ về.
Vâng, phút giây ấy, công phu sáng, Chú Lăng Nghiêm, và tiếng chuông đã quyện vào nhau thành âm thanh mầu nhiệm của hai tiếng “Mẹ ơi!” để tôi cảm nhận rõ hơn chút nữa về “cái gì đó” mà tôi hằng tìm kiếm lâu nay. Lời Thầy thường dạy lại bàng bạc không gian “Ta là tiếp nối của Tổ Tiên, Ông Bà, Cha Mẹ. Các Ngài ở trong ta và ta ở trong các Ngài, như lá vàng rụng xuống thành đất nuôi cây, để cây lại trổ lá. Phải cảm nhận thật sâu sắc được điều đó, ta mới ôm được cả xấu lẫn tốt trong vòng tay để không than khóc vì những mất mát”
Hôm đó, mặt trời thức muộn vì một vài đám mây xám đùa bỡn bay ngang. Nhưng mây chỉ đùa thôi chứ không đọng thành mưa. Khi ông mặt trời vươn vai tỏa sáng cũng là lúc tôi viết xong lá thư cho một người bạn mà tôi từng oán hận, tưởng như không bao giờ còn có thể nhìn mặt nhau. Thư không quá dài, cũng không quá ngắn. Nội dung chỉ đơn sơ:
“Bạn có rảnh, mời ghé Am uống trà. Nước đã sôi, trà đã sẵn. Mà bạn đang bận cũng không sao! Tôi vẫn được uống trà với bạn, vì bạn đang ở trong tôi và tôi đang ở trong bạn, như tôi vừa cảm nhận về Cha Mẹ như thế. Không có gì khó hiểu đâu. Chỉ là sáng nay tưởng sẽ mưa, nhưng mây xám đã bay đi để mặt trời rọi nắng. Mặt trời đâu có hận mây đã che mình; mây cũng đâu có oán mặt trời không cho mây cơ hội thành mưa để được nhảy múa tung tăng. Cái gì cũng đến rồi đi, thành rồi hoại. Chúng ta từng hạnh phúc ngồi uống trà với nhau bên cây ngọc lan thơm ngát, bên bụi quỳnh trắng, nở trăm hoa. Hạnh phúc đó nay không còn thì cũng chỉ là một, trong vô vàn những gì Có rồi Không trên thế gian này mà thôi. Như cây ngọc lan đã biến mất. Như bụi quỳnh chẳng bao giờ còn nở hoa. Ấy thế mà mảnh sân rêu vắng hương sắc cũ có than khóc gì đâu! Tôi quá vô minh mới tự chuốc lấy đau khổ khi không biết rằng, ở một tình cờ nào đó, chẳng ai ngưng được mây rồi sẽ chuyển mầu, thành rào rạt mưa tuôn?”
Thư không bỏ vào phong bì, vì không có nơi gửi, cũng chẳng có người nhận.
Lá thư, người viết và người nhận, nay chỉ còn là một.
Như âm hưởng Tam Không của hạnh Bố Thí Ba La Mật: “không của cho, không người cho, không người nhận, mới thực là cho”.
Hạnh Chi
(Biển Dài, Mùa Vu Lan.
Khóa Địa Tạng Phật Thất 2009)



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
10/08/2011(Xem: 8334)
Hiếu thảo với cha mẹ là một đức tính tốt đẹp được mọi người ca tụng, đức tính ấy được coi như một nền tảng cho mọi đức hạnh, là nhân tố quan trọng để xây dựng đời sống hạnh phúc cho cá nhân, gia đình và xã hội. Đối với đạo Phật, thực hành hiếu thảo là con đường giải thoát của chánh pháp, là con đường của người Phật tử. Không hiếu thảo với cha mẹ thì không thể gọi là một người Phật tử chân chính được. Bởi vì người Phật tử thì phải thực hành các thiện pháp mà trong kinh "Nhẫn nhục" nói rằng: "Điều thiện tối cao là chí hiếu, điều ác cực ác là bất hiếu". Vì vậy, báo hiếu là bản chất của người Phật tử và đã trở thành truyền thống tốt đẹp của người Phật tử Việt Nam nói riêng, Á Đông nói chung. Quan niệm về hiếu đạo của đạo Phật được thể hiện rõ nét qua hai cuốn kinh phổ biến là Kinh Vu Lan và Kinh Báo Ân Cha Mẹ, kinh mà không người Phật tử nào không biết, thường được đọc tụng vào dịp tháng bảy, lễ Vu Lan.
10/08/2011(Xem: 3810)
Chứng được sáu phép thần thông, nhớ mẹ Mục Liên Tôn Giả xuống A Tỳ tìm cứu mẫu thân. Phật dạy nương oai thần Tự Tứ, thiết trai cúng dường, đảo huyền thọ khổ chúng sanh được siêu thoát. Lại một lần nữa Đại Lễ Vu Lan Báo Hiếu lại trở về với người con Phật trên khắp năm châu bốn bể, tâm hiếu nguyện cầu lan tỏa bao trùm cả đại địa thời không.
09/08/2011(Xem: 5127)
Rằm tháng Bảy theo tục lệ nhân gian Việt Nam gọi là ngày xá tội vong nhân. Ngày rằm tháng Bảy có nhiều ý nghĩa: Thứ nhất, ngày Phật hoan hỷ. Ngày rằm tháng bảy gọi là ngày đức Phật hoan hỷ, bởi lẽ trong thất chúng đệ tử của Phật, chúng Tỷ-kheo là chúng đệ tử gần gũi nhất, chúng thừa đương Phật pháp để truyền bá giáo hóa cho chúng sinh, chúng mang hình dáng của Phật làm gương mẫu ở thế gian, chúng mà trong ba tháng an cư kiết hạ đã viên măn và kết thúc vào ngày rằm tháng bảy âm lịch. Thông thường, khi chư Tăng thọ giới pháp xong là tu niệm
09/08/2011(Xem: 7007)
Về phương diện đền ơn cha mẹ, Đức Phật có dạy: "Dù là tại gia hay xuất gia, dù là Thanh Văn hay chư Phật đều có bổn phận đền ơn cha mẹ. Vì tâm hiếu là tâm Phật".
09/08/2011(Xem: 5837)
Tôn giả Xá Lợi Phất xuất thân từ giai cấp Bà la môn, nổi tiếng thông tuệ từ khi còn thơ ấu. Ngài là niềm tự hào, là hy vọng của gia đình, dòng tộc và nhất là mẹ ngài, bà Xá Lợi...
09/08/2011(Xem: 10095)
“Ầu ơ…….. Ví dầu cầu ván đóng đinh, Cầu tre lắc lẻo, gập ghềnh khó đi, Khó đi Mẹ dắt con đi Con đi trường học, Mẹ đi trường đời” Đó là lời hát ru con mà tôi thường hò để dỗ con vào giấc ngủ trong những ngày tháng khi chúng còn trẻ thơ và rồi ngày mỗi ngày lời ru ấy thấm dần, thấm dần đến tận tâm can của tôi! Tôi thật sự đã ngỡ ngàng và bàng hoàng khi phát hiện ra sự khác biệt qúa chênh lệch giữa “Trường học” và “Trường đời”. Có lẽ chỉ những người có thiên chức làm mẹ mới hiểu được rạch ròi về vạn lần đắng cay của “trường đời”.
09/08/2011(Xem: 6574)
Ngày lễ Vu Lan không gì khác hơn là ngày lễ dành cho cha mẹ, ngày nhắc nhở phận làm con là phải biết nhớ về cội nguồn, phải luôn tâm niệm báo đáp công ơn của cha mẹ.
09/08/2011(Xem: 5043)
Khi con bắt đầu lớn khôn nên người, thì lúc đó con mới cảm nhận được tình thương bao la, rộng lớn mà mẹ đã dành cho con - một sinh mạng nhỏ nhoi được lớn khôn và trưởng thành...
08/08/2011(Xem: 4281)
Sanh duyên từ là quán tất cả chúng sanh tưởng như cha mẹ. Cho nên Kinh Phạm Võng nói: "Tất cả người nam là cha ta, tất cả người nữ là mẹ ta.
08/08/2011(Xem: 6518)
Người Phật tử có hiếu, nhân ngày lễ Vu Lan hối tưởng lại công ơn cha mẹ, nếu cha mẹ còn hiện tiền hãy đem hết lòng thương kính, chăm sóc...
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567