Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Nhân ngày Vu Lan Thắng Hội, bàn về chữ Hiếu

02/09/201720:40(Xem: 6204)
Nhân ngày Vu Lan Thắng Hội, bàn về chữ Hiếu


Cha Me-5
Nhân ngày Vu Lan Thắng Hội, bàn về chữ Hiếu
 
Luật sư Đào Tăng Dực
 


Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Nam Mô Đại Hiếu Mục Kiền Liên Bồ Tác

 

I. Dẫn nhập:

 

Như một người Việt định cư tại Úc Châu và hành nghề luật sư, cách đây khoảng một thập niên, mỗi lần thăm viếng người thân hay bạn bè có con cháu nhỏ, tại vùng Fairfield- Cabramatta, Sydney, nơi nhiều Việt kiều cư ngụ, tôi thường gặp cảnh các em học tiếng Việt, ê a một bài thơ mà chính cá nhân tôi cũng như anh em trong nhà đều được dạy dỗ.

 

Đó là bài “Công đức sinh thành”:

Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Một lòng thờ mẹ kính cha

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.

 

Tôi rất hãnh diện với điều này và thường khoe khoan với bạn bè sắc tộc khác và được họ tán thưởng như một nét đẹp của nền văn hóa Việt Nam.

Bây giờ hiện tượng này hầu như còn rất hiếm hoi hoặc biến mất hẳn. Thay vào đó là các em trẻ học đánh dương cầm, võ thuật, bơi lội …

 

II. Chữ Hiếu tại Quê nhà:

 

Phóng tầm nhìn về quê hương tổ quốc Việt Nam, thì ngoài sự lầm than và độc tài độc đảng, trên bình diện chữ hiếu, bóng ma của cố Tổng Bí Thư CSVN Trường Chinh Đặng Xuân Khu bao trùm toàn thể tâm thức của dân tộc như một cơn ác mộng, với hình ảnh của Trường Chinh đấu tố chính cha mẹ ruột của mình.

 

Lịch sử Việt sẽ mãi mãi lưu truyền câu đối sau đây:

Đấu tố phụ mẫu, tôn thờ Mác-Lê, nhục ấy đời chê thằng họ Đặng

Hãm hại sĩ nông, đảo điên văn hóa, tội kia sách chép đứa tên Khu.

 

 

Dĩ nhiên hiện tượng Trường Chinh Đặng Xuân Khu chỉ là đỉnh của một tảng băng sơn. Toàn diện hung thần của dân tộc nằm nơi ý thức hệ giáo điều Mác Lê vốn là phản đề của mọi bản giá trị văn hóa và đạo đức truyền thống của nhân loại.

 

Chỉ cần nhìn vào tinh thần duy vật chất, cơ hội chủ nghĩa và cá nhân chủ nghĩa của phần lớn các du học sinh từ Việt Nam sang Úc là chúng ta nhận ra ngay hậu quả tai hại của Ý thức hệ ma quái này trên giới trẻ Việt Nam.

 

Thật ra hiếu hạnh với cha mẹ không phải là bản giá trị riêng biệt của Đông Phương hoặc Phật Giáo hay Nho Giáo, mà là bản giá trị chung của nhân loại. Tất cả những trào lưu tư tưởng lớn hoặc tôn giáo lớn và chính đạo khác như Công Giáo, Tin Lành, Ấn Độ Giáo, Chính Thống Giáo, Hồi Giáo đều chủ trương đạo hiếu. Chỉ Ý Thức Hệ Mác Lê, với chủ trương “đạo đức cách mệnh” lạ lùng của người cộng sản, mới sản sinh một quái vật như Trường Chinh Đặng Xuân Khu mà thôi. Có lẽ đây là một nét độc đáo của người CSVN.

 

III. Chữ Hiếu tại các nước Tây Phương:

 

Tuy nhiên, không phải chỉ có tại Việt Nam đạo hiếu mới suy đồi. Trái lại, sự suy đồi của đạo hiếu có tính toàn cầu.

 

Như một luật sư hành nghề nhiều thập niên và khách hàng bao gồm không những người Việt mà còn nhiều người Úc da trắng hoặc từ những quốc gia đệ tam khác, từ Âu Châu, Á Châu đến Phi Châu, tôi cảm nhận được sâu sắc điều này.

 

Thật vậy, khi đại diện cho các thân chủ trong những tranh chấp nuôi dưỡng con cái dưới Sắc Luật Gia Đình 1975 (Family Law Act 1975), hoặc trước Federal Circuit Court hoặc trước Family Court, nhất là khi các bậc cha mẹ nhấn mạnh đến “quyền” (rights) của mình như cha mẹ, thì như một luật sư, tôi có trách nhiệm (duty-bound) nhắc nhở các bậc cha mẹ rằng dưới Sắc Luật Gia Đình 1975, cha mẹ không có “quyền” (rights) mà chỉ có “trách nhiệm” (responsibilities) làm mọi cách để con cái có thể có một tương quan ý nghĩa (have a meaningful relationship) với người cha mẹ kia (the other parent), trừ khi trong trường hợp sự an toàn của con cái xảy ra hoặc bị đe dọa (unless the safety of the child is compromised or is at risk).

 

Con cái có nhiều quyền và cha mẹ chỉ có trách nhiệm (The children have rights. Parents have only responsibilities).

 

Tôi bắt đầu hành nghề luật sư từ năm 1990. Khi tôi cố vấn các bậc cha mẹ rằng họ không có quyền đối với con cái và ngược lại con cái của họ có quyền đối với họ, thì từ những người da trắng, đến da đen, da nâu hoặc da vàng đề vô cùng ngạc nhiên. Đến thời điểm ngày hôm nay, cách đây 1 tuần, phản ứng của các thân chủ vẫn còn ngạc nhiên như thế.

 

Tuy mức độ ngạc nhiên bằng nhau giữa các sắc tộc, nhưng mức độ chấp nhận thực trạng pháp lý này của người da trắng hình như cao hơn mức độ chấp nhận của người da màu.

 

Nếu nhìn trên góc cạnh chữ hiếu truyền thống Đông Á, trong đó bao gồm trách nhiệm của con cái đối với cha mẹ, thì tinh thần của Sắc Luật gia đình 1975 của Úc hoàn toàn trái ngược.

 

Câu hỏi chúng ta đặt ra là: tại sao đạo hiếu lại suy đồi, không những tại một quốc gia độc tài cộng sản như Việt Nam, mà ngay cả tại Úc và có thể ngay tại các quốc gia dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên khác?

 

Dĩ nhiên có muôn vàn lý do, nhưng theo tôi sau đây là những lý do chính:

 

1. Sự thoái hóa của các tôn giáo lớn (nhất là tại Tây Phương) làm suy giảm nền tảng siêu hình của đạo hiếu.

 

Đạo hiếu là một bản giá trị xã hội và muốn duy trì nó chúng ta không những cần xây dựng những nền tảng vững chắc về giáo dục, luân lý mà cả siêu hình mới có thể duy trì và củng cố.

Sự du nhập và thống trị của Duy Vật chủ nghĩa Mác Lê tại các quốc gia cộng sản có công năng hủy diệt đạo hiếu đã đành. Tuy nhiên ngay cả tại các nước dân chủ tây phương, sự suy thoái của các định chế tôn giáo, không những vì bước tiến của khoa học mà nguy hiểm hơn, là bước đi hùng mạnh của cá nhân chủ nghĩa (individualism).

 

Lý do là vì các tôn giáo tây phương được điều hành bỡi những định chế nhiều quyền lực. Qua nhiều thế kỷ, tại Pháp và Tây Âu, các định chế này lớn mạnh, liên kết với giới thống trị là vương quyền và quý tộc, tạo ra nhiều sự bất công xã hội, đưa đến những cuộc cách mạng tôn giáo (như Tin Lành hoặc Protestantism) hoặc những cuộc cách mạng toàn diện hơn như cuộc Cách Mạng Pháp 1789 đẫm máu (Robespierre). Tại Nga Sô, Chính Thống Giáo như một định chế thối nát, liên kết với vương quyền và quý tộc, tạo ra nhiều bất công và đưa đến cuộc cách mạng Bolshevik 1917.

 

Tiếp theo đó, bước tiến của khoa học và cuộc cách mạng kỹ nghệ vào thế kỷ 18 từ từ xoi mòn niềm tin vào các định chế tôn giáo lớn tại Tây Phương. Những khủng hoảng mang tính định chế đang xảy ra tại Hoa Kỳ, Tây Âu, Úc Châu liên hệ đến các định chế tôn giáo dung dưỡng các xâm phạm tình dục trẻ em (child sexual abuse) và các Ủy Ban Điều Tra Đặc Nhiệm các chính quyền (điển hình như Royal Commission into institutional responses to child sexual abuse của chính phủ Liên Bang Úc) thành lập để chế tài các giáo hội Công Giáo, Tin Lành, Anh Giáo, đã tạo ra những khủng hoảng niềm tin tôn giáo, làm mất đi điểm tựa siêu hình của đạo hiếu tại các nước dân chủ Tây Phương.

 

Có nhiều chỉ dẫn cho thấy, ngay cả Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam trong nước, như một định chế dưới sự kềm tỏa của CSVN, cũng đang trải qua những băng hoại cố hữu của những định chế được chính quyền bao che và nhiều vị tu sĩ kém tiêu chuẩn đạo đức.

 

Nơi đây, chúng ta phải phân biệt rõ ranh giới giữa các tôn giáo, vốn là những lý tưởng cao đẹp của nhân loại (như Thiên Chúa Giáo, Phật Giáo, Ấn Độ Giáo, Hồi Giáo), và các giáo hội của loài người điều khiển, vốn hàm chứa nhiều khuyết điểm như những định chế quyền lực, nhất là khi định chế bị băng hoại.

 

2. Duy vật chủ nghĩa (materialism) và 2 hệ lụy của nó là cá nhân chủ nghĩa (individualism) và hưởng thụ chủ nghĩa (hedonism).

 

Không phải chỉ có người cộng sản mới chủ trương duy vật. Thật ra duy vật chủ nghĩa có trước từ ngàn xưa và Karl Marx chỉ vay mượn từ chủ thuyết này mà thôi. Duy vật chủ nghĩa chủ trương rằng trên bình diện đạo đức thì những hưởng thụ vật chất quan trọng hơn những bản giá trị tinh thần và trên bình diện triết học, vạn vật chỉ hiện hữu qua vật chất và những biến thiên khác nhau của vật chất. Ngoài vật chất thì chỉ là hư vô mà thôi.

 

Điều đó đưa đến kết luận đơn giản nơi một số con người duy vật (không phải là mọi người duy vật) là cá nhân của họ là quan trọng nhất. Không có thần linh, thương đế hoặc nhân quả luân hồi. Sống, hưởng thụ cho cá nhân và chết là hết. Không cần giá trị đạo đức nào cả.

 

Không những người cộng sản tại Việt Nam, mà nhiều người tây phương đương đại cũng chủ trương cá nhân hưởng thụ như thế. Thêm vào đó, với đà phát triển kinh tế và kỹ nghệ, mỗi con người cá thể đều trở thành những đơn vị sản xuất (unit of production) ra của cải. Mọi giá trị luân lý và đạo đức đều không thể áp dụng cho đơn vị sản xuất này.

 

Thêm vào đó, ngay cả tại các quốc gia dân chủ chân chính như Úc, nếu người dân không cảnh giác đầy đủ, vẫn có nhiều tác nhân hoặc định chế xã hội, có khả năng qua mặt toàn dân và hướng dẫn xã hội theo con đường chủ quan của họ. Trong chiều hướng đó, theo quan điểm của tôi, Sắc Luật Gia Đình 1975 của Úc phát xuất từ cố thủ tướng Gough Whitlam, vốn là một lãnh tụ đảng Lao Động chịu nhiều ảnh hưởng của các phe nhóm ý thức hệ khuynh tả trong nội bộ đảng và khi soạn bộ luật gia đình, đã chủ trương cấp tiến quá đà. Hậu quả là tương quan giữa người cha (bên này) và người mẹ (bên kia), cũng như tương quan giữa cha mẹ (bên này) và con cái (bên kia) chưa phải là những tương quan quân bình thực sự, đem lợi lạc và ổn định xã hội ở mức tối đa có thể (optimum).

 

3. Tuy nhiên nguyên nhân suy đồi đạo hiếu quan trọng nhất tại Việt Nam vẫn là hiện thân của đảng CSVN như là biểu tượng sàm sỡ nhất của vị kỷ chủ nghĩa.

 

Đảng CSVN chủ trương phá bỏ mọi giềng mối luân thường đạo lý miễn là quyền lợi của cá nhân và phe nhóm được bảo vệ, kể cả bán đất đai, sông núi, vùng biển và hải đảo của tổ tiên để lại.

 

Trường Chinh Đặng Xuân Khu đấu tố cha mẹ cho đến chết để lấy lòng tin của đảng hầu tiến thân cho cá nhân mình.

 

Hồ Chí Minh thì giết một trong những ân nhân lớn nhất của mình là Bà Nguyễn Thị Năm (Cát Hạnh Long) để chứng minh quyết tâm làm cách mạng cộng sản, hầu lấy lòng Mao Trạch Đông.

 

Một khi nền đạo đức truyền thống không còn điểm tựa thì đạo hiếu suy đồi.

 

Từ khởi thủy, phong trào Đệ Tam Quốc Tế Cộng Sản của Lê Nin, trong đó có đảng CSVN, đã quyết tâm buông bỏ luật pháp và đạo lý, và đặt nền tảng của đảng trên những bản năng và dục vọng thấp hèn nhất của con người và từ đó, cướp chính quyền hầu cai trị vĩnh viễn bằng bạo lực.

 

Những giá trị đạo đức truyền thống như Trung Hiếu, Lễ Nghĩa không còn chỗ đứng trong trật tự chính trị Mác Lê.

Tuy nhiên, bước đi của duy vật, cá nhân và hưởng thụ chủ nghĩa không nhất thiết là bất khả vãng hồi nếu chúng ta có những sách lược sáng suốt cho một nước Việt Nam hậu cộng sản trong tương lai.

 

IV. Trước sự suy đồi của đạo hiếu, chúng ta phải làm gì?

 

Trước hết, đảng CSVN là chướng ngại lớn lao nhất cho sự tồn vong và phát triển của dân tộc, việc đầu tiên là toàn dân phải đứng lên, đạp đổ bạo quyền và tiến hành 2 công tác song hành:

 

1. Phục hưng văn hóa và đạo đức dân tộc và

2. Xây dựng một nền dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên chân chính

 

Tuy nhiên đó là sách lược tổng quát.

 

Sách lược phục hưng văn hóa và đạo đức dân tộc cần phải minh thị nêu cao các bản giá trị nhân bản và chủ nghĩa vị tha (altruism) mà các tôn giáo lớn của dân tộc chủ trương.

 

Một trong những phương thức là thay đổi toàn diện hệ thống các ngày lễ hiện hành do nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam chủ trương.

Dưới đây là các ngày lễ được nghỉ làm tại Việt Nam:

Tết Dương Lịch-  1 tháng 1

Tết Nguyên Đán-  Cuối tháng Chạp đến mồng 4 tháng Giêng AL

Giỗ Tổ Hùng Vương-  10 tháng Ba AL

Ngày Giải Phóng Miền Nam-  30 tháng Tư

Ngày Quốc Tế Lao Động-  1 tháng 5

Ngày Quốc Khánh-  2 tháng 9

Theo quan điểm của tôi, một số các ngày lễ được nghỉ của quốc gia nêu trên phải được thay đổi hầu xóa bỏ tàn tích của Ý Thức Hệ Mác Lê trong văn hóa dân tộc.

 

Trước hết, các ngày Giải Phóng Miền Nam, Quốc Tế Lao Động và Quốc Khánh cần phải hủy bỏ.

 

Thay vào đó, một chế độ dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên hậu Cộng Sản phải công bố các ngày đại lễ sau đây của dân tộc:

 

Ngày Giáng Sinh (Thiên Chúa Giáo)

Ngày Phật Đản (Phật Giáo)

Ngày Đản Sinh Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ (Phật Giáo Hòa Hảo)

Ngày Vía Đức Chí Tôn (Cao Đài Giáo)

Ngày Vu Lan Thắng Hội (Báo Hiếu cha mẹ)

 

Muốn chấn hưng nền tảng đạo đức của dân tộc đang bị các thế lực duy vật và cá nhân chủ nghĩa xoi mòn, không những Vu Lan Thắng Hội phải được tôn vinh, trong lòng dân tộc, mà nền tảng của các tôn giáo lớn của dân tộc (Phật Giáo, Thiên Chúa Giáo, Hòa Hảo, Cao Đài) cũng phải được bồi đắp.

 

Ngày Đức Chúa Giê Su giáng sinh phải là một đại lễ vì Ngài đã khai sáng một trong những tôn giáo cổ vũ cho công bằng và bác ái, đem tình thương của Thiên Chúa ban phát khắp nhân gian. Giáng sinh cũng có công năng hội nhập Việt Nam vào dòng chảy chính mạch của toàn nhân loại văn minh. Nền đạo đức của người tây phương và chữ hiếu bị suy đồi một phần vì những ngày đại lễ tôn giáo như Giáng Sinh đã mất đi ý nghĩa tôn giáo và thay thế bằng những hình thức mang tính thương mại và duy vật tại trời Tây.

Ngày đản sinh của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni phải là ngày hội lớn của dân tộc. Ngài không những là một giáo chủ của một tôn giáo lớn nhân loại theo nghĩa thông thường, mà còn là một tư tưởng gia kiệt xuất. Đạo giải thoát của ngài xuyên thời gian, vượt không gian. Nếu ánh sáng của khoa học hằng ngàn năm sau chiếu rọi đến khoảng không gian tăm tối nào của vũ trụ, còn vô minh và dục vọng, thì Tứ Điệu Đế và Bát Chính Đạo của Ngài sẽ có công năng hóa giải bằng từ bi và trí tuệ.

 

Ngày đản Sinh của Đức Thầy Huỳnh Phú sổ cần phải được tôn vinh trong lòng dân tộc vì 2 lý do quan trọng. Thứ nhất, lịch sử của dân tộc từ ngày Quang Trung Đại Đế băng hà, đưa đến vương triều Nguyễn Gia Long là một  triều đại yếu hèn và vị kỷ, làm dân tộc vươn vào vòng nô lệ ngoại bang. Nếu luận anh hùng thì theo quan điểm của tôi, Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ hầu như là tấm gương sáng duy nhất kể từ sau Quang Trung Nguyễn Huệ. Ngài lại có công khai sáng Đạo Hòa Hảo, như một tôn giáo của dân tộc, đặt nền tảng trên tứ ân là ơn Cha Mẹ, Ơn Thầy Bạn, Ơn Tổ Quốc và ơn Chúng Sanh. Ngài anh dũng bỏ áo cà sa của tu sỹ và khoát chiến bào để đền ơn tổ quốc. Nghĩa cử này của ngài đối với quốc gia dân tộc thật khó lòng bì kịp. Toàn dân Việt cần phải ngưỡng mộ và tri ân ngài.

 

Ngày Vía Đức Chí Tôn, theo quan điểm của tôi phải là một ngày lễ lớn của dân tộc. Cá nhân tôi hân hạnh được tham dự những ngày lễ hội tại các chùa Cao Đài hải ngoại và tuy là người Phật Giáo, nhưng cảm nhận sâu xa tình tự Việt Nam thấm nhuần từng tế bào trong cơ thể khi lắng nghe câu kinh, lời kệ của các tín hữu Cao Đài Giáo. Có thể kết luận không sai lầm rằng, Cao Đài Giáo là tôn giáo thiện lương nhất mà tôi được hân hạnh tiếp xúc. Lý do đơn giản là vì Tôn Giáo thuần dân tộc này đã thành công trong tác động phối hợp và thuần hóa mọi tư tưởng và tình tự của tất cả các tôn giáo và luồng tư tưởng đang luân lưu trong nền văn hóa Việt Tộc. Thêm vào đó, Cao Đài Giáo đang vươn lên và đã là một tôn giáo lớn của đất nước Việt Nam.     

 

V. Ý nghĩa cách mạng của Vu Lan Thắng Hội:

 

Và sau cùng, theo quan điểm của tôi, vượt lên trên tất cả phải là Ngày Vu Lan Thắng Hội, nhằm ngày Rằm Tháng 7 Âm Lịch. Đó là ngày con cái nhớ đến công lao dưỡng dục của các bật sinh thành, là một trong những rường cột của nền văn hóa Đông Á. Đảng CSVN, qua truyền thống Đệ Tam Quốc Tế đã tích cực hủy diệt nền văn hóa và đạo đức truyền thống. Một nước Việt Nam hậu cộng sản sẽ phát động một phong trào phục hưng văn  hóa vĩ đại, trong đó, truyền thống Vu Lan Báo Hiếu sẽ giữ một vai trò quan trọng.

Tính chiến lược của Vu Lan Thắng Hội là đem lại chiều sâu siêu hình nền tảng cho đạo hiếu. Ý nghĩa của Vu Lan Thắng Hội vượt lên trên Ngày của Cha (Father’s Day) hoặc Ngày của Mẹ (Mother’s Day) tại các nước Tây Phương.

Tính cách mạng đột phá của Vu Lan Thắng Hội trên phương diện siêu hình nằm ở 3 mức độ:

 

a. Sự toàn năng của nghiệp lực:

 

Trước hết như chúng ta đều biết, giáo lý Phật không những đem lại tự do tuyệt đối cho từng chúng sinh đối với định mệnh của mình, mà cũng trong tác động đó, trân trọng trao trọng trách quyết định vận mệnh của mình cho mỗi chúng sinh. Đức Phật dạy rằng, bằng tư duy và hành động của chính mình, mỗi chúng sinh tạo nghiệp và nghiệp lực của chính mình chỉ có thể do mình quyết định. Một khi nghiệp lực vận hành thì các thần linh, thượng đế dù quyền lực bao nhiêu cũng phải thúc thủ. Đó là khía cạnh thứ nhất. Cũng chính vì khía cạnh này, khi Ngài Mục Kiền Liên Bồ Tác, dù đạt được nhiều thần thông, cũng không thể cứu mẹ mình được vì ngài phải thúc thủ trước sự vận hành của nghiệp lực. Ngay cả khi ngài khóc lóc nhờ đến Đức Phật, là bật trí tuệ vẹn toàn, giải thoát vô ngại, cũng đành thúc thủ trước nghiệp lực.

 

b. Khả năng chuyển nghiệp của Chư Thánh Tăng:

 

Khía cạnh cách mạng thứ nhì là lời dạy của Phật rằng, nếu Đức Mục Kiền Liên dùng tấm lòng thành, nhờ đến chư tăng từ thập phương Tam Bảo, bao gồm những vị thiền sư trong các chốn thâm sơn cùng cốc, từ núi thẳm rừng sâu cho đến các chùa chiền to nhỏ, thì nhờ nguyện lực, niệm lực và oai thần của các vị này, mới chuyển nghiệp được cho Bà Thanh Đề là mẹ của ngài Mục Kiền Liên. Điều này cho chúng ta thấy Đại Hùng Đại Lực của Chư Tăng, vốn là một trong Tam Bảo của Phật Pháp: Phật, Pháp và Tăng.

 

c. Tính phi định chế của Phật Pháp:

 

Điều này cũng chứng minh trí tuệ viên mãn của Đức Phật ngay lúc sinh tiền và hành đạo. Ngài từ chối không thành lập giáo hội, và chỉ nhấn mạnh vào tăng đoàn. Ngài ý thức được rằng, giáo hội là một định chế quyền lực và một khi bị ảnh hưởng bỡi tiến trình định chế hóa cực đoan (extreme institutionalization) sẽ trở thành một định chế quyền lực sa đọa, nguy hiểm cho cả nhà nước (the state) lẫn xã hội dân sự (civil society) của tương lai. Ngài nâng cao vị trí của Tăng Bảo và chủ trương những tăng đoàn nhỏ, độc lập, đạo đức cao vời để truyền trao thông điệp giải thoát cho chúng sinh trong tam thiên đại thiên thế giới.

 

Khi nắm vững 3 khía cạnh cách mạng của ngày Vu Lan Thắng Hội như trên, chúng ta mới nhận ra căn bản siêu hình đúng nghĩa của tác động báo hiếu của Ngài Mục Kiền Liên Bồ Tác.

 

Cũng chính vì thế Vu Lan Thắng Hội phải là một ngày Đại Lễ trong một nước Việt Nam dân chủ hậu cộng sản.


VI. Kết luận:

 

Dân tộc Việt Nam là một dân tộc bất hạnh vì sự du nhập của ý thức hệ Mác Lê hủy diệt nhân tính của nhiều thế hệ con dân Việt. Tuy nhiên, nền văn hóa truyền thống của chúng ta đã được tôi luyện từ nhiều ngàn năm lịch sử. Tôi không nghĩ rằng 70 năm rên xiết dưới ý thức hệ Mác Lê có thể tiêu diệt được tinh hoa tiềm tàng của dân tộc Việt Nam.

 

Nền Văn Hóa Đông Á đủ rộng chỗ cho mọi tư tưởng khai phóng và mọi tôn giáo cao thượng sinh hoạt hài hòa dưới sự che chở của một quan điểm và hệ thống pháp trị hùng mạnh.

 

Cá nhân tôi đã chứng kiến nhiều người Phật Giáo Việt Nam yêu thương người Công Giáo và ngược lại. Tôi có rất nhiều bạn bè Công Giáo, Tin Lành, Hòa Hảo và Cao Đài thân thương. Tôi tin tưởng rằng một khi người Việt Nam vượt lên trên biên giới của tôn giáo mình và nhìn mọi người Việt Nam khác với cặp mắt thương yêu chân thật, thì bóng ma ý thức hệ Mác Lê sẽ chắc chắn cáo chung triệt để trên đất nước Việt Nam.

 

Nam Mô Đại Hiếu Mục Kiền Liên Bồ Tác

 

Luật Sư Đào Tăng Dực

Mùa Vu Lan 2017

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
10/04/2013(Xem: 5662)
Phải, ngọn núi này đã đi vào lòng người như một tuyệt tác không lời nhưng vẫn còn mãi âm vang. Âm vang ấy lưu vọng từ đời này sang đời khác, kiếp này sang kiếp nọ. Con người không thể nghe được bằng tai thường, mà chỉ nghe bằng một thứ tiềm thức sâu thẳm, đầy gợi nhớ, gợi thương, thầm kín mà chẳng bao giờ quên được.
10/04/2013(Xem: 4875)
Bên cạnh chùa có một dòng sông, ngày xưa tôi còn nhỏ con sông rất nhỏ, có thể gọi là con suối. Bắt qua suối là chiếc cầu bằng tre, chông chênh lắt lẻo. Thỉnh thoảng tôi đi qua phía bên kia suối trên chiếc cầu tre gập ghềnh, đung đưa như chiếc võng để qua bên kia buôn làng đồng bào Thượng mua bí ngô,bắp ,măng le, về ăn.
10/04/2013(Xem: 5320)
Một con người xuất khẩu thành thơ, đi mua chịu rượu và đồ nhậu, ghi vào sổ nợ cũng ghi bằng thơ, viết văn và làm thơ với một tốc độ kinh hồn, ông để lại cho nền văn học Việt Nam một số lượng tác phẩm đồ sộ, giá trị. Vậy mà số phận thật hẩm hiu, ông có vợ, có người yêu nhưng không tìm thấy hạnh phúc, ông chia tay với vợ, với người yêu và giong ruỗi đi tìm, đi tìm giai nhân khắp bốn phương trời, tìm trong mộng, trong thi ca và trong cả những ngôi chùa mà ông có duyên đến và được đón nhận, không mặn nồng nhưng vẫn không lạt lẽo.
10/04/2013(Xem: 4760)
Con không thể nào tin rằng mẹ đang muốn con đi làm với mẹ -- Đang là mùa hè, con không phải đi học, và thậm chí chỉ mới 7 giờ sáng! Mẹ, mẹ nghĩ sao vậy? Con biết là tính con cũng hay phá lệ và có những vấn đề trục trặc, nhưng con chỉ mới 14 tuổi thôi!.......
10/04/2013(Xem: 5297)
Giải trừ cái khổ bị treo ngược vừa là ý nghĩa thâm diệu của Vu Lan nhưng cũng vừa là sứ mệnh thiêng liêng trọng đại của hàng đệ tử đức Như Lai. Mùa Vu Lan là mùa báo hiếu. Báo hiếu chỉ có ý nghĩa đích thực khi đại nguyện cứu khổ độ sanh được thể hiện trọn vẹn, bởi thế, ở đâu có khổ đau, ở đó cần đến năng lực từ bi cứu độ.
10/04/2013(Xem: 4307)
Đạo Phật là đạo như thật, người Phật tử tôn trọng sự thật, và sống đúng theo tinh thần sự thật ấy. Mùa hiếu hạnh lại trở về với người con Phật ở khắp quốc độ Ta Bà này, ai mà không có ông bà cha mẹ sanh thành dưỡng dục cho ta nên vóc nên hình, góp mặt với đời xây dựng tương lai kiến tạo nếp sống gia đình lành mạnh an lạc.
10/04/2013(Xem: 4562)
Nắng đã lên cao khi gã tới ven sông. Dọc theo con nước, hàng phượng tím rủ bóng êm đềm, thả rơi trong gió những cánh hoa tím nhạt, điểm lấm tấm trên viền cỏ xanh. Trời trong vắt, chan hòa nắng vàng và lãng đãng mây xanh.
10/04/2013(Xem: 4650)
Làng tôi nghèo. Cả nhà đều nương vào nghề nông để sống. Ấy vậy mà vui , vui nhất là được ăn những hạt gạo trắng trong do tự làm ra, ngát thơm hương lúa. Tôi còn nhớ mỗi bửa cơm chiều , chính mẹ là người xới từng hạt cơm cho cả gia đình. Tuy không thịnh soạn như những món mỹ vị cao lương , nhưng cây cải , cọng rau cũng đủ ấm tình quê chất phác.
10/04/2013(Xem: 4156)
Kinh điển nhà Phật thường nói lòng từ bi của Phật và các vị bồ-tát đối với chúng sinh giống như lòng thương của cha mẹ đối với con cái. Nói ngắn gọn, Phật thương chúng sinh như cha mẹ thương con. Chúng ta được Phật thương như con, và muốn học theo con đường của ngài, nên được gọi là con Phật. Con Phật, muốn được như Phật, phải chuyên tu giới, định, huệ, phá được ngã chấp, pháp chấp, dứt trừ các phiền não, xa lìa mọi mộng tưởng điên đảo, đạt đến trạng thái tịch tĩnh, ái diệt, vô tham…
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]