Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chữ Hiếu trong đạo Phật qua Kinh Vu Lan và Kinh Báo Ân Cha Mẹ

10/08/201113:48(Xem: 9119)
Chữ Hiếu trong đạo Phật qua Kinh Vu Lan và Kinh Báo Ân Cha Mẹ
chu-hieu
CHỮ HIẾU TRONG ĐẠO PHẬT
QUA KINH VU LAN VÀ KINH BÁO ÂN CHA MẸ
Thích Viên Giác


Hiếu thảo với cha mẹ là một đức tính tốt đẹp được mọi người ca tụng, đức tính ấy được coi như một nền tảng cho mọi đức hạnh, là nhân tố quan trọng để xây dựng đời sống hạnh phúc cho cá nhân, gia đình và xã hội.

Đối với đạo Phật, thực hành hiếu thảo là con đường giải thoát của chánh pháp, là con đường của người Phật tử. Không hiếu thảo với cha mẹ thì không thể gọi là một người Phật tử chân chính được. Bởi vì người Phật tử thì phải thực hành các thiện pháp mà trong kinh "Nhẫn nhục" nói rằng: "Điều thiện tối cao là chí hiếu, điều ác cực ác là bất hiếu". Vì vậy, báo hiếu là bản chất của người Phật tử và đã trở thành truyền thống tốt đẹp của người Phật tử Việt Nam nói riêng, Á Đông nói chung.

Quan niệm về hiếu đạo của đạo Phật được thể hiện rõ nét qua hai cuốn kinh phổ biến là Kinh Vu Lan và Kinh Báo Ân Cha Mẹ, kinh mà không người Phật tử nào không biết, thường được đọc tụng vào dịp tháng bảy, lễ Vu Lan.

Trình bày về quan niệm hiếu của Phật Giáo, chúng tôi dựa vào hai cuốn kinh nay với mục đích:

1. Tìm hiểu chữ "Hiếu" trong đạo Phật.
2. Làm sáng tỏ ý nghĩa hiếu ở trong kinh và phương thức báo hiếu của kinh.
3. Qua đó thấy được sự dị đồng quan điểm hiếu của Phật Giáo và quan điểm hiếu thông thường.

Trước hết, chúng tôi xin đề cập đến kinh VU-LAN-BỔN.


A. KINH VU-LAN-BỔN

I. NỘI DUNG KINH: gồm có 3 phần

1 . Nói về Ngài Mục Kiền Liên, một đệ tử xuất sắc của Đức Phật, sau khi đắc đạo, thấy mẹ của mình sống trong cảnh giới quỷ đói, thân hình tiều tụy khổ sở. Ngài sử dụng năng lực thần thông của mình, đưa bát cơm đến dâng cho mẹ. Mẹ Ngài được cơm, lòng tham khởi lên, tay trái che bát, tay phải bốc ăn, nhưng cơm chưa tới miệng đã hoá ra lửa, nên không ăn được.

2 . Ngài Mục Kiền Liên xin Phật chỉ dạy phương pháp cứu mẹ ra khỏi cảnh khổ Ngạ quỷ. Đức Phật dạy rằng, phải nhờ đến uy lực của tập thể chúng tăng mới cứu được mẹ ông. Vào ngày rằm tháng bảy là ngày chư tăng tập trung tự tứ sau 3 tháng an cư kiết hạ thanh tịnh, hãy sắm sửa vật dụng cúng dường chư tăng, nhờ chư tăng chú nguyện, mẹ ông mới thoát được khổ. Ngài Mục Kiền liền vâng lời Phật dạy, thực hành phương pháp báo hiếu ấy, nên đã cứu được mẹ.

3 . Ngài Mục Kiền Liên xin Phật cho phép các phật tử sau này được thực hành phương pháp báo hiếu cha mẹ bằng cách cúng dường Vu – Lan - Bồn để báo đáp ân cha mẹ. Đức Phật khen ngợi và chấp thuận. Từ đó, ngày rằm tháng bảy là ngày báo hiếu truyền thống của Phật Giáo. Ngài Mục Kiền Liên xin Phật cho phép các phật tử sau này được thực hành phương pháp báo hiếu cha mẹ bằng cách cúng dường Vu – Lan - Bồn để báo đáp ân cha mẹ. Đức Phật khen ngợi và chấp thuận. Từ đó, ngày rằm tháng bảy là ngày báo hiếu truyền thống cuả Phật Giáo.


II. Ý NGHĨA CỦA PHƯƠNG PHÁP BÁO HIẾU TRONG KINH:

1 . Ý nghĩa bát cơm hóa lửa:

Mẹ ngài Mục Liên đang sống trong cảnh giới đói khát của Ngạ quỷ do nghiệp nhân tham lam bỏn xẻn, thì quả tương ứng với nhân tham là cảnh thiếu thốn. Kinh Tiểu Nghiệp Phân Biệt nói: "Nếu người tham lam bỏn xẻn, không bao giờ biết bố thí do tánh keo kiệt bám víu vào tài sản của mình, nếu tái sanh làm người sẽ bị nghèo nàn thiếu thốn"…

Trong Phật giáo, hình ảnh ngọn lửa thường được dùng để ám chỉ sức mạnh của các thế lực tối tăm như lòng tham, sân, si… thường gọi là lửa tham, lửa sân, lửa si… Do nghiệp nhân tham lam bỏn xẻn, nên mẹ ngài Mục liên phải sống trong cảnh khốn khổ Ngạ quỷ. Do lòng tham lam vẫn còn chi phối mạnh mẽ tâm thức của bà, nên khi nhận bát cơm, bà đã vội vàng tay trái che bát, tay phải bốc ăn vì sợ kẻ khác cướp mất bát cơm của mình. Sự tham lam ích kỷ đó bùng lên quá mạnh, như một ngọn lửa bùng lên bao phủ tâm thức của bà làm cho bà thấy lửa ở trong bát cơm của mình, lửa ở đây là lửa của tâm thức chứ không phải lửa ở bên ngoài. Cho dù bát cơm không hóa lửa đi nữa bà cũng khó mà hưởng thụ được bát cơm một cách ngon lành, bởi lẽ với tâm lý tham lam bỏn xẻn, bà ăn trong vội vàng, lo lắng khiếp sợ, thì nuốt cơm cũng như nuốt đất mà thôi.

Mặt khác, như đã nói theo định luật chiêu cảm của nghiệp báo, khi dã tạo nghiệp đói, thì dù có cơm canh ngon lành vẫn thấy lửa như thường, cũng giống như một người đã tạo nghiệp ngu si, thì dù có gặp sách vở hay ho, họ cũng coi như giấy lộn mà thôi, bởi lẽ nghiệp nhân và nghiệp quả phải tương đồng.

Ngài Mục Liên không cứu mẹ được, vì sức của một mình ngài không đủ chế ngự và chuyển hoá được ngọn lửa tham của mẹ ngài, hay nói cách khác, thần thông không thể xoá được luật nhân quả. Ngọn lửa xuất hiện ở đâu thì phải diệt ở đó, mẹ ngài đã tạo ra ngọn lửa thì chính bà mới dập tắt được ngọn lửa đó.

2. Ý nghĩa chư tăng chú nguyện:

Đức Phật dạy phương pháp cứu mẹ cho ngài Mục Kiền Liên là phải nhờ vào sức mạnh tâm linh của chư tăng trong ngày Tự Tứ. Điều đó đã nói lên sức mạnh của tập thể bao giờ cũng thù thắng hơn sức mạnh của cá nhân, dù cá nhân đó vĩ đại như Đức Phật.

Sau ba tháng an cư kiết hạ, đến ngày rằm tháng bảy thì giải chế phải làm lễ Tự Tứ. Chữ " Tự Tứ" tiếng Pali gọi là PAVARANA nghĩa là tuỳ ý, tức là xin chư tăng tuỳ ý chỉ trích những lỗi lầm của mình do chư tăng thấy, nghe hay nghi để mình biết mà sám hối, nhờ sám hối nên thân khẩu ý được thanh tịnh thì công đức rất lớn. Đây là cách thức hạ mình cầu xin chỉ lỗi, tương tự như câu nói của Nho là KHIÊM SINH ĐỨC, có lẽ vì vậy mà phải nương nhờ ý lực chú nguyện của chư tăng trong ngày Tự Tứ chứ không phải những ngày khác.

Với tâm lực thanh tịnh, đầy đủ các đức tính từ bi an lạc, chư tăng hướng tâm mình vào cảnh giới khổ đau của Ngạ quỷ, luồng tâm từ của chư tăng hợp nhất tạo thành một nguồn năng lượng lớn có tác dụng làm dịu mát môi trường nóng bức của cảnh giới Ngạ quỷ, như một luồng gió mát thổi qua buổi trưa hè oi ả, làm cho thâm tâm của mẹ Ngài Mục Liên được nhẹ nhàng thanh thoát và bình tĩnh hơn, do đó đã tạo điều kiện cho thiện tâm của bà phát khởi, chuyển hoá được nghiệp lực của chính bà, từ đó thay đổi được môi trường sống của bà. Không những mẹ ngài Mục Liên được giải thoát, mà tất cả những người sống trong môi trường đó cũng được thừa hưởng luồng gió mát từ tâm ấy, và nếu họ phát khởi thiện tâm thì có thể giải thoát như nhau. Thông thường sự tác động của ngoại cảnh có thể làm thay đổi tâm thức của con người, nhất là đối với những người chưa làm chủ được tâm thức của mình. Khi bị sống trong hoàn cảnh bức xúc áp chế, lòng người trở nên cọc cằn thô lỗ, độc ác ..v.v… Khi hoàn cảnh thay đổi thuận lợi dễ chịu, mát mẻ..v.v… tâm tư của con người được thoải mái, tỉnh táo hơn, và do đó dễ nhận chân ra điều hay lẽ phải. Cũng trên quy luật đó, khi nguồn năng lượng tâm từ chiếu toả vào cảnh giới nóng bức của Ngạ quỷ, tạm thời làm dịu mát và đình chỉ các nỗi đau đớn, đói khát của mẹ ngài Mục Kiền Liên và những ngạ quỷ khác, giây phút đó đã tạo ra cơ hội cho trí tuệ phát sinh và cứu được bản thân của bà.

Tóm lại, sự chú nguyện của chư tăng trong ngày Tự Tứ không phải xóa được luật nhân quả, không phải trực tiếp cứu rỗi tội lỗi của chúng sinh, mà điều đó chỉ có tác dụng trợ duyên, tạo những điều kiện thuận lợi cho chúng sinh phát khởi thiện tâm của chính mình. Thiện tâm của mỗi người mới có thể cứu được chính họ mà thôi.


B. KINH BÁO ÂN CHA MẸ

I. NỘI DUNG KINH : Gồm có 6 phần Gồm có 6 phần

1. Phần duyên khởi : Đức Phật trong lúc du hành gặp một đống xương khô, Ngài liền đảnh lễ sát đất. Đệ tử của Phật là ngài Anan ngạc nhiên hỏi Phật vì lý do gì mà lễ bái đống xương khô ấy. Đức Phật dạy rằng, đống xương khô này hoặc tổ tông kiếp trước, hoặc là cha mẹ nhiều đời của ta nên ta chí thành kính lễ.

2. Đức Phật dạy ân đức cha mẹ có 10 điều :

a . Ân giữ gìn mang thai trong 9 tháng .
b . Ân sinh sản khổ sở
c . Ân sinh rồi quên lo
d . Ân nuốt đắng nhổ ngọt
e . Ân nhường khô nằm ướt
g . A? bú mớm nuôi nấng
h . Ân tắm rửa chăm sóc
i . Ân xa cách thương nhớ
k. Ân vì con làm ác
l. Ân thương mến trọn đời.

3. Đức Phật dạy về sự bất hiếu của con cái :

Ăn nói hỗn hào với cha mẹ, xấc xược với anh em chú bác bà con ..v.v.

Không tuân theo lời dạy của cha mẹ, thầy bạn và các bậc trưởng thượng trong gia tộc.

Theo bạn bè xấu ác, từ bỏ gia đình đi hoang, gây tạo tội lỗi làm cho cha mẹ, bà con buồn khổ.

Không lo học tập, xao lãng nghề nghiệp, không tạo dựng được một đời sống vững chắc, làm cha mẹ lo lắng.

Không phụng sự cha mẹ về vật chất, không an ủi về mặt tinh thần, coi thường cha mẹ, coi trọng vợ con.

4. Đức Phật dạy ân đức cha mẹ khó đền đáp dù con cái báo hiếu bằng các cách như:

Vai trái cõng cha, vai phải cõng mẹ, cắt da đến xương, nghiền xương thấu tuỷ, máu đổ thịt rơi cũng không đáp được công ơn cha mẹ

Giả như có ai gặp lúc đói khát, phá hoại thân thể, cung phụng cha mẹ cũng không đáp được công ơn cha mẹ.

Vì cha mẹ mà trăm kiếp nghìn đời, đâm tròng con mắt, cắt hết tâm can, trăm nghìn dao sắc xuất nhập toàn thân cũng không trả nổi công ơn cha mẹ.

Dù vì cha mẹ, đốt thân làm đèn cúng dường chư Phật cũng không đáp được công ơn cha mẹ.

5. Đức Phật dạy về phương pháp báo hiếu :

Ngoài việc cung phụng cha mẹ về mặt vật chất và an ủi tinh thần mà ai cũng biết, chúng ta phải:

Khuyến hoá cha mẹ thực hành thiện pháp .

Phải vì cha mẹ mà thực hành tịnh giới, bố thí, làm các việc lợi ích cho mọi người.

Phải truyền bá tư tưởng hiếu đạo này cho nhiều người được lợi ích.

6. Phần kết thúc và lưu thông:

Đức Phật khích lệ tinh thần báo hiếu.

Đại chúng phát nguyện vâng lời phật dạy.

Đặt tên kinh là Kinh Báo Ân Cha Mẹ.


II. Ý NGHĨA BÁO HIẾU VÀ PHƯƠNG PHÁP BÁO HIẾU TRONG KINH BÁO ÂN CHA MẸ :

1. Ý nghĩa về duyên khởi của kinh :

Duyên khởi của kinh bắt đầu bằng hình ảnh một đống xương khô, là một hình ảnh tạo ấn tượng mạnh cho người đọc, hình ảnh ấy nói lên quan niệm về hiếu đạo một cách rộng rãi và báo trước một phương pháp báo hiếu đặc biệt của Phật giáo, khác với những quan niệm báo hiếu thông thường.

Đối với đạo Phật tất cả chúng sinh đều nằm trong vòng sinh tử luân hồi bất tận. Trong ITIVUTTAKA nói rằng: "Đống xương tàn của một người xuyên qua nhiều kiếp sống trong một chu kỳ, có thể vòi vọi như một ngọn núi". Sự sinh tử tử sinh lặp lại nhiều lần đã để lại trên những chặng đường luân hồi biết bao là xương thịt của mỗi chúng sinh. Căn cứ vào vòng luân hồi lẩn quẩn đó, Đức phật dạy rằng:" Ta thấy tất cả chúng sinh không ai không phải là cha mẹ của nhau, hoặc ở trong quá khứ, hoặc ở hiện tại, hoặc ở tương lai". Cho nên nhìn thấy một đống xương mà liên tưởng đến xương người thân của mình là điều không có gì lạ đối với giáo lý Phật Giáo.

Theo định luật luân hồi và duyên khởi, thì quan niệm về cha mẹ không còn hạn hẹp trong phạm vi gia đình bé nhỏ nữa. Với tầm nhìn sâu rộng giữa không gian vô tận và thời gian vô cùng thì tất cả chúng sinh đã từng làm cha mẹ, bà con quyến thuộc của nhau. Với sự tồn tại chằng chịt tương hệ duyên sinh, Phật Giáo không những đề cao công ơn của cha mẹ mà còn mở rộng phạm vi nhớ ơn và báo ân quốc gia xã hội và tất cả chúng sinh. Mặc dù khái niệm về cha mẹ rộng rãi như vậy nhưng trong kinh chỉ đề cập đến cha mẹ hiện tại của chúng ta, đối tượng mà tất cả những người con hiếu thảo phải đền đáp thâm ân.

2. Ý nghĩa về công ơn cha mẹ của kinh :

Công ơn cha mẹ sinh thành dưỡng dục và giới thiệu con vào đời không thể phủ nhận được. Cha mẹ luôn luôn thương yêu con cái, hy sinh cuộc đời mình cho con cái về mặt tinh thần con cái là niềm vui, là niềm hy vọng của cha mẹ, nên khi nói đến cha mẹ là nói đến công ơn. Ca dao Việt Nam có nói: "Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra". Trong các kinh điển Phật Giáo Nam Tông và Bắc Tông đều đề cao công ơn cha mẹ. Kinh Tăng Chi Phật dạy:" Có hai hạng người, này các Tỳ kheo, ta nói không thể trả ơn được đó là mẹ và cha". Hoặc trong Kinh Đại Tập dạy: "Ở thời không có Phật, thờ kính cha mẹ tức thờ kính Phật". Cha mẹ ở đây đồng nghĩa với Phật, điều đó cho thấy Phật giáo đề cao hiếu đạo tới mức nào.

Chúng ta cũng biết có một số cha mẹ không ngó ngàng gì tới con cái, thậm chí ghét bỏ con cái, nhưng đó chỉ là trường hợp cá biệt. Phần lớn cha mẹ luôn thương yêu con cái, tình thương đó được biểu hiện ra bên ngoài một cách rõ rệt, đó là sự hy sinh tất cả cho con. Tình thương chân chính nào cũng được biểu hiện bằng sự hy sinh. Kinh báo ân cha mẹ đề cập đến sự hy sinh cho con cái và lòng thương của cha mẹ hướng về con cái, vui cái vui của con, buồn cái buồn của con. Trong 10 điều ân đức của cha mẹ đã cho thấy rõ tình thương bao la đó. Những lời kinh hết sức cảm động và chinh phục lòng người như: "Nhổ ngọt không tiếc nuối, nuốt đắng không phiền hà… Miễn sao con no ấm, đói khát mẹ nào từ" (điều 4)

"Mẹ nằm chỗ ướt át, nâng con chỗ ấm khô, đôi vú lo đói khát, hai tay che gió sương, yêu thương quên ngủ nghỉ, sủng ái hết giá lạnh, chỉ mong con yên ổn, mẹ hiền không cầu an" (điều 5)

"Mẹ hiền ân hơn đất, cha nghiêm đức quá trời, che chở ân cao dày, cha mẹ nào tính toán, không hiềm không mắt mũi, không ghét què chân tay, sinh con từ bụng mẹ, con đổi dạ thương ai" (điều 6)

"Con đi đường xa cách, lòng mẹ bóng theo hình, ngày đêm không hả dạ, tối sớm nào tạm quên, khóc như vượn nhớ con, thương nhớ nát can trường … ( điều 8)

" Mẹ già hơn trăm tuổi, còn thương con tám mươi, ân ái có đoạn chăng chỉ hơi thở cuối cùng" (điều 10)

Sự hy sinh cho con cái mà trong kinh đã đề cập, chỉ là những biểu hiện có giới hạn xuất phát từ lòng thương yêu vô hạn. Chính vì lòng thương yêu của cha mẹ đối với con cái là vô hạn, nên chúng ta không thể đáp đền nổi. Cho dù người con thực hành các công đức lớn lao như trong kinh đã đề cập thì cũng không trả được ân đức của cha mẹ. Bởi vì người con có làm gì đi nữa, lòng của người con đối với cha mẹ không thể sánh được lòng của cha mẹ đối với con cái, đúng như ca dao nước ta có câu: "Mẹ thương con biển hồ lai láng, con thương mẹ tính tháng tính ngày". Vì vậy, khi đề cập đến công ơn cha mẹ, các kinh đều cho rằng khó đền đáp nổi, là dựa vào tâm thức của người con đối với cha mẹ có giới hạn. Điều đó là một quy luật tâm lý muôn đời.

3. Phương pháp báo hiếu trong kinh:

Ngoài những phương pháp báo hiếu cung phụng vật chất và an ủi tinh thần cho cha mẹ mà ai cũng biết, Kinh Báo Ân đề cập đến cách thức báo hiếu đặc biệt của Phật Giáo là giới thiệu chánh pháp để cha cha mẹ đoạn trừ gốc rễ của đau khổ, có ba phương pháp được đề cập:

a. Khuyến cáo cha mẹ thực hành chánh pháp :

Trong Kinh Tăng Chi Đức Phật dạy: "Những ai đền ơn cha mẹ bằng cách nuôi dưỡng, dâng cúng của cải vật chất tiền bạc, thì không bao giờ đủ để đáp đền ân cha mẹ. Nhưng này các Tỳ kheo, ai đối với cha mẹ không có lòng tin Tam bảo, thì khuyến khích cho có lòng tin Tam bảo, đối với cha mẹ sống tà giới, thì khuyến khích vào chánh giới, đối với cha mẹ sinh khởi lòng tham, thì khuyến khích bố thí, đối với cha mẹ tà kiến thì khuyến khích vào chánh kiến, cho đến như vậy, này các Tỳ kheo, là làm đủ và đáp đền đủ cho cha và mẹ".

Theo đạo Phật sự đau khổ thật sự chính là vô minh, lòng tham sân si đó là tác nhân gây đau khổ triền miên từ đời này đến đời khác. Chỉ có chánh pháp, chỉ có trí tuệ mới giúp cho cha mẹ loại trừ gốc rễ đau khổ.

Báo hiếu cho cha mẹ bằng vật chất và tình cảm thông thường chưa phải là biện pháp hoàn hảo, bởi lẽ có khi vì lý do vật chất, có thể làm cho cha mẹ của mình tăng thêm tội lỗi, tăng thêm lòng tham như người xưa thường nói: "Lòng tham của con người vô đáy". Vật chất hay những cảm giác lạc thọ của vật chất chỉ tạo thêm sự thèm khát và không bao giờ thoả mãn, sự đau khổ do đó không bao giờ chấm dứt được.

Người Phật tử thấy được bề sâu của lý nhân quả nghiệp báo cho nên khuyến khích cha mẹ thực hành thiện pháp, tạo cơ hôi cho cha mẹ phát khởi thêm thiện tâm để chuyển báo nghiệp nhân xấu ác, xây dựng cho cha mẹ mình một cuộc sống bảo đảm hạnh phúc lâu dài trong hiện tại và cả tương lai.

b. Vì cha mẹ thực hành tịnh giới, bố thí và các công tác lợi ích cho con người và xã hội:

Sự thực hành thiện pháp của con người như giữ gìn nếp sống đạo đức, mở rộng lòng bố thí, tích cực làm các điều thiện giúp ích mọi người. Trước hết đó như là một phương cách làm gương mẫu để tạo cho cha mẹ được ảnh hưởng thiện duyên của con làm tăng cường và củng cố thiện tâm của cha mẹ. Mình khuyến cáo cha mẹ thực hành thiện pháp mà bản thân mình không thực hành thiện pháp thì sự khuyến cáo của mình sẽ mất tác dụng. Hơn nữa, khi thực hành thiện pháp, người con luôn hồi hướng công đức cho cha mẹ là sử dụng năng lực thiện tâm của mình hướng về cha mẹ, nó có tác dụng hỗ trợ làm cho cha mẹ tăng trưởng thiện tâm.

Mặt khác, mối quan hệ tương ứng giữa tâm lý của cha mẹ và con cái, rất tế nhị và đặc biệt. Luồng tâm thức giao cảm giữa cha mẹ và con cái rất dễ dàng ảnh hưởng qua lại lẫn nhau. Cho nên hành vi đạo đức của con rất dễ tác động đến lòng cha mẹ, như đã nói, con cái là niềm vui, là sự hy vọng của cha mẹ, con cái rất được cha mẹ chiều chuộng và làm theo ý thích của con. Tâm lý tuỳ thuận con cái là mảnh đất tốt để những người con gieo hạt giống thiện pháp cho cha mẹ bằng chính hành vi ngôn ngữ của mình.

c. Truyền bá tư tưởng hiếu đạo cho mọi người :

Truyền bá tư tưởng hiếu đạo cho mọi người là một phương pháp bổ sung cần thiết cho các phương pháp trên. Tác dụng của nó trước hết là tăng cường sức mạnh hiếu tâm của chính bản thân mình, được thường xuyên có mặt, tâm lý hiếu cũng như các tâm lý khác đều phát sinh và tồn tại có điều kiện, vì vậy nếu chúng ta không tạo điều kiện hâm nóng thường xuyên bằng những điều kiện thích hợp, lâu ngày tâm lý hiếu bị phai nhạt, có thể nói: "Xa mặt cách lòng". Như vậy truyền bá tư tưởng hiếu đạo, có tác dụng trước hết là củng cố sức mạnh hiếu tâm của người con thường xuyên.

Mặt khác, như đã nói đạo Phật quan niệm tất cả chúng sinh là cha mẹ của mình ngoài việc báo đáp thâm ân cha mẹ của mình hiện nay, người Phật tử còn có nhiệm vụ báo hiếu cho cha mẹ nhiều đời của mình bằng phương thức gián tiếp. Truyền bá tư tưởng hiếu đạo để cho những người con học tập và thực hành phương pháp báo hiếu đúng chánh pháp, đem đến lợi ích cho tất cả những người cha, người mẹ khác trong xã hội. Từ đó xây dựng một nền tảng đạo đức cơ bản cho xã hội con người, tâm hiếu là một tâm lý có tính văn minh, văn hoá. Truyền bá đạo hiếu sẽ tạo nên một truyền thống văn hoá tốt đẹp, để xã hội có điều kiện xây dựng hạnh phúc cho con người.


III. KẾT LUẬN :

Ngày rằm tháng bảy, ngày báo hiếu cha mẹ, đã trở thành truyền thống tốt đẹp của Phật giáo, bắt nguồn từ vị đệ tử ưu tú của Phật, ngài Mục Kiền Liên. Phương pháp báo hiếu như đã trình bày trong kinh Vu Lan,chủ yếu dựa vào năng lực tâm linh thanh tịnh của chư tăng trong ngày tự tứ, năng lực ấy tác động vào tâm thức người cha người mẹ đang đau khổ. Qua ảnh hưởng của năng lực đạo đức ấy mà cha mẹ hiện tại hay quá khứ được siêu thoát và hạnh phúc. Điều đó còn mang ý nghĩa rằng sự hiện hửu của đạo đức sẽ cải tạo được sự lầm lỗi và hoàn cảnh khốn đốn của con người; tạo cho con người một niềm tin và sức sống của chính bản thân mình, xây dựng được cuộc sống an vui.

Để bổ túc cho phương thức báo hiếu của kinh Vu Lan, kinh Báo ân cha mẹ thêm rằng phương pháp báo hiếu cha mẹ có hiệu quả và toàn diện nhất là phải khuyến cáo cha mẹ thực hành chánh pháp, cởi bỏ sự trói buộc của lòng tham, sân, si… vốn đã gây nhiều đau khổ cho cha mẹ mình. Chỉ có chánh pháp mới đem đến an lạc và hạnh phúc lâu dài,như vậy mới gọi là đền đáp thâm ân của cha mẹ.

Qua tư tưởng hiếu đạo của kinh Vu Lan và kinh Báo ân cha mẹ, chúng ta đã thấy tinh thần hiếu đạo là một trong những pháp môn tu tập của người Phật tử. Pháp môn ấy đem lại đạo đức và hạnh phúc cho con người và xã hội.

Người Phật tử ý thức được tầm ảnh hưởng lớn lao của đạo đức hiếu hạnh ấy,cho nên luôn tìm cách tạo điều kiện cho tư tưởng và hành vi đạo đức ấy được lan rộng; tác động ngày càng mạnh vào đời sống xã hội đang suy giảm đạo đức như ngày nay. Thay đổi cuộc sống khốn khổ do lòng Tham, sân, si tạo nên,trong đó có cha mẹ mình.

Đó chính là cách báo hiếu tốt đẹp mà bản ý của kinh đã đề cập.


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
30/10/2024(Xem: 747)
Văn Hóa và Di Sản Văn Hóa Asean, Giữ Gìn Quá Khứ cho Tương Lai (Asean Culture and Heritage; Preserving the Past for Future)
14/09/2024(Xem: 2068)
Tại sao lại nói “ruột đau chín chiều”? Đó là những chiều nào, hướng nào? Hay đó là chín buổi chiều? Có bao giờ chúng ta tự hỏi tại sao ruột đau không phải ba bốn chiều hay tám chiều mà lại “chín chiều” ?
11/09/2024(Xem: 1733)
Vào lúc 09:30 am ngày 08 tháng 9 năm 2024, chùa Đại Bảo Trang Nghiêm tọa lạc tại số 2553 Darwin Street, thành phố Hayward, tiểu bang California đã trang nghiêm tổ chức Lễ Vu Lan Báo Hiếu năm 2024, Phật lịch 2568. Hòa thượng Thích Từ Lực, Viện chủ chùa Phổ Từ (Hayward), thiền viện Phổ Thiên (Castro Valley) và trung tâm tu học Phổ Trí (Vacaville) quang lâm Chứng minh và ban Đạo từ.
09/09/2024(Xem: 1285)
Lễ Vu Lan PL 2568 (8/9/24) tại Chùa Bảo Minh, Vic, Úc Châu (Photo: Thiện Hưng) | quangduc.com
07/09/2024(Xem: 1493)
Sáng ngày 30 tháng 7 Giáp Thìn (02/9/2024), nhân ngày Khánh đản đức Bồ tát Địa Tạng, chùa Bửu Long ở thôn Lễ Thạnh, xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh đã trang nghiêm tổ chức đại lễ Trai Đàn Chẩn Tế - Kỳ Siêu Bạt Độ, trên là để báo đáp Tứ Trọng Ân, dưới là để cứu vớt những âm linh bị đọa vào Tam Đồ Khổ (ba đường ác lụy: gươm đao, nước và lửa), đồng thời cũng cầu siêu hồi hướng cửu huyền thất tổ, cầu nguyện quốc thái dân an, thiên tai ôn dịch tiêu trừ
04/09/2024(Xem: 913)
Chùa Pháp Tạng là 1 trong 6 ngôi chùa thuộc Tổ chức Quốc tế Bồ Đề Quang - BLI (Bodhi Light International, Inc.) được Thầy Thích Vĩnh Hóa sáng lập, căn bản là Phật giáo Đại thừa Trung Hoa được điều chỉnh cho phù hợp với văn hóa và cảm nhận của thời đại mới.
02/09/2024(Xem: 1093)
Lễ Vu Lan PL 2568 (1/9/24) tại Tu Viện Kim Cang, Victoria, Úc Châu (Photo: Thiện Hưng) | quangduc.com
01/09/2024(Xem: 1031)
Lễ Vu Lan PL 2568 (31/8/24) tại Chùa Pháp Vân, Melbourne, Úc Châu (photo: Quảng Diệu Trí) | quangduc.com
28/08/2024(Xem: 1028)
Vào lúc 09:30 am ngày 25/8/2024, chùa An Lạc tọa lạc tại số 1647 E. San Fernando Street, thành phố San Jose, tiểu bang California đã trang nghiêm tổ chức Lễ Vu Lan Báo Hiếu tại Chánh điện và Lễ Trai đàn Chẩn tế Bạt độ chư Hương linh tại tháp linh cốt.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]