Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

19. Phẩm "Chân Như" Hay "chơn Như"

07/10/202007:55(Xem: 11486)
19. Phẩm "Chân Như" Hay "chơn Như"

 TỔNG LUẬN
 KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT

 Biên soạn: Cư Sĩ Thiện Bửu

Trang Nhà Quảng Đức bắt đầu online tháng 4/2022

***
buddha-458


 

PHẨM "CHÂN NHƯ" hay "CHƠN NHƯ"

Bắt đầu Q.513 cho đến phần đầu Q.514, Hội thứ III, ĐBN.

(Tương đương phẩm cùng tên là “Chơn Như”, cuối Q.318 cho đến đầu Q.324, Hội thứ I hay cuối Q.446 cho đến Q.448, Hội thứ II, ĐBN)

 

Biên soạn: Lão Cư sĩ Thiện Bửu
Diễn đọc: Cư sĩ Quảng Tịnh, Cư sĩ Quảng Thiện Duyên
Lồng nhạc: Cư sĩ Quảng Phước, Cư sĩ Quảng Thiện Hùng Jordan Le

 

 

 

Gợi ý:

Phẩm “Chơn như” này đề cập hai phần gần như hoàn toàn khác nhau. Phần thứ nhất nói về chơn như các pháp, và phần thứ hai nói về Bồ Tát an trụ (tức thực hiện hạnh nguyện của Bồ Tát đạo). Vậy, phần tóm lược này cũng chia làm hai phần: 1. Chơn như. 2. Bồ Tát an trụ, để tóm lược và thích nghĩa.

 

Tóm lược:

 

1. Chơn Như:

(Bát Nhã khó thấy, khó giác)

 

Bấy giờ, các Thiên tử cõi Dục, cõi Sắc đều cầm các thứ bột hương và nhiều thứ thiên hoa trên trời từ xa rải lên Phật, đảnh lễ hai chân Phật lui đứng một phía, chấp tay cung kính thưa rằng:

- Bạch Thế Tôn! Bát nhã Ba la mật như thế rất là thậm thâm khó thấy khó giác, chẳng thể nghĩ tầm (suy nghĩ), vượt cảnh nghĩ tầm, mầu nhiệm sâu vắng, kẻ trí thông minh mới có thể biết được, chẳng phải các thế gian vội vàng mà có thể tín thọ được. Tức là Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề của tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, đối trong Kinh Bát Nhã thậm thâm đây đều nói lời này: Năm uẩn tức là Nhất thiết trí trí, Nhất thiết trí trí tức là năm uẩn. Nói rộng cho đến Nhất thiết tướng trí tức là Nhất thiết trí trí, Nhất thiết trí trí tức là Nhất thiết tướng trí (cả hai chỉ là một). Chư Phật tức là Nhất thiết trí trí, Nhất thiết trí trí tức là chư Phật. Vì sao? Hoặc năm uẩn như, hoặc Nhất thiết trí trí như, hoặc tất cả pháp như, đều một như không hai không khác. Nói rộng, cho đến hoặc Nhất thiết tướng trí như, hoặc Nhất thiết trí trí như, hoặc tất cả pháp như đều một như không hai không khác. Hoặc chư Phật như, hoặc Nhất thiết trí trí như, hoặc tất cả pháp như đều một như không hai không khác?

Bấy giờ, Phật bảo các Thiên tử rằng:

- Như vậy, như các ngươi đã nói! Thiên tử phải biết: Ta xem nghĩa đây tâm thường vắng lặng chẳng muốn thuyết pháp. Vì sao? Pháp đây rất sâu khó thấy khó giác, chẳng thể nghĩ tầm, vượt cảnh nghĩ tầm, nhiệm mầu vắng lặng, kẻ trí thông lanh mới có thể biết được, chẳng phải các thế gian vội vàng có thể tín thọ được. Nghĩa là Bát nhã Ba la mật thậm thâm là quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề mà chư Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác đã chứng.

Thiên tử phải biết: Chư Phật đã chứng Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề như thế không năng chứng, không sở chứng, không chỗ chứng, không thời chứng. Thiên tử phải biết: Pháp sâu mầu đây hiện hành bất nhị, chẳng phải thế gian có thể so lường được.

Thiên tử phải biết: Hư không sâu thẳm nên pháp đây sâu thẳm. Chơn như cho đến bất tư nghì giới sâu thẳm nên pháp đây sâu thẳm. Vô lượng vô biên sâu thẳm nên pháp đây sâu thẳm. Không đi không đến sâu thẳm nên pháp đây sâu thẳm. Không sanh không diệt sâu thẳm nên pháp đây sâu thẳm. Không nhiễm không tịnh sâu thẳm nên pháp đây sâu thẳm. Không biết không đắc sâu thẳm nên pháp đây sâu thẳm. Không tạo không tác sâu thẳm nên pháp đây sâu thẳm. Ngã cho đến kiến giả sâu thẳm nên pháp đây sâu thẳm. Năm uẩn sâu thẳm nên pháp đây sâu thẳm. Nói rộng, cho đến Nhất thiết tướng trí sâu thẳm nên pháp đây sâu thẳm. Tất cả Phật pháp sâu thẳm nên pháp đây sâu thẳm. (Q.513, ĐBN)

Khi ấy, các Thiên tử lại thưa Phật rằng:

- Đã thuyết pháp sâu thẳm nhiệm mầu đây chẳng phải các thế gian vội vàng năng tín thọ được. Sở dĩ vì sao? Vì pháp sâu mầu đây chẳng vì nhiếp lấy năm uẩn nên thuyết, chẳng vì nới bỏ năm uẩn nên thuyết. Nói rộng, cho đến chẳng vì nhiếp lấy Nhất thiết tướng trí nên thuyết, chẳng vì nới bỏ Nhất thiết tướng trí nên thuyết. Chẳng vì nhiếp lấy tất cả Phật pháp nên thuyết, chẳng vì nới bỏ tất cả Phật pháp nên thuyết. Hữu tình thế gian phần nhiều hành nhiếp lấy chấp ngã ngã sở. Nghĩa là sắc là ngã là ngã sở, thọ tưởng hành thức là ngã là ngã sở. Nói rộng cho đến Nhất thiết trí là ngã là ngã sở; Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí là ngã là ngã sở.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Thiên tử rằng:

- Như vậy, như các ngươi đã nói! Thiên tử phải biết: Nếu đại Bồ Tát vì nhiếp lấy năm uẩn nên hành, vì nới bỏ năm uẩn nên hành. Nói rộng, cho đến vì nhiếp lấy tất cả Phật pháp nên hành, vì nới bỏ tất cả Phật pháp nên hành. Đại Bồ Tát này chẳng tu hành Bát Nhã, tĩnh lự, tinh tiến, an nhẫn, tịnh giới, bố thí Ba la mật. Nói rộng, cho đến chẳng năng tu hành Nhất thiết tướng trí.

Bấy giờ, cụ thọ Thiện Hiện lại thưa Phật rằng:

- Bạch Thế Tôn! Pháp sâu thẳm đây thường tùy thuận tất cả pháp. Nghĩa là thường tùy thuận Bát Nhã, tĩnh lự, tinh tiến, an nhẫn, tịnh giới, bố thí Ba la mật, nói rộng cho đến Nhất thiết tướng trí. Pháp sâu thẳm đây đều không ngăn ngại. Nghĩa là chẳng ngăn ngại sắc thọ tưởng hành thức, nói rộng cho đến Nhất thiết tướng trí.

Pháp sâu thẳm đây lấy vô ngại làm tướng. Vì sao? Hư không bình đẳng vậy, chơn như cho đến bất tư nghì giới bình đẳng vậy; không, vô tướng, vô nguyện bình đẳng vậy, vô sanh vô diệt bình đẳng vậy, vô tạo vô tác bình đẳng vậy, vô nhiễm vô tịnh bình đẳng vậy, nên pháp sâu thẳm đây vô ngại làm tướng.

Pháp sâu thẳm đây vô sanh vô diệt. Vì sao? Sắc vô sanh vô diệt vậy, thọ tưởng hành thức vô sanh vô diệt vậy, nói rộng cho đến Nhất thiết trí vô sanh vô diệt vậy; Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí vô sanh vô diệt vậy, nên pháp sâu thẳm đây vô sanh vô diệt.

Pháp sâu thẳm đây đều không có dấu vết. Vì sao? Vì dấu vết sắc bất khả đắc vậy, dấu vết thọ tưởng hành thức bất khả đắc vậy. Nói rộng, cho đến dấu vết Nhất thiết trí bất khả đắc vậy; dấu vết Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí bất khả đắc vậy, nên pháp sâu thẳm đây đều không dấu vết.

 

(Như Lai tùy sanh)

 

Bấy giờ, các Thiên tử cõi Dục, cõi Sắc lại thưa Phật rằng:

- Đại đức Thiện Hiện là chơn Phật tử, tùy Phật sanh. Vì sao? Vì Đại đức Thiện Hiện đối với chỗ thuyết pháp đều tương ưng cùng tánh Không.

Cụ thọ Thiện Hiện bảo các Thiên tử cõi Dục, cõi Sắc rằng:

- Các ngươi nói tôi là chơn Phật tử, tùy Như Lai sanh. Sao là Thiện Hiện tùy Như Lai sanh? Nghĩa là tùy Như Lai như sanh vậy. Vì sao? Như Lai như không đến không đi, Thiện Hiện như cũng không đến đi, nên nói Thiện Hiện tùy Như Lai sanh.

Như Lai như tức tất cả pháp như. Tất cả pháp như tức Như Lai như. Như, như thế không tánh như, cũng không chẳng tánh như. Thiện Hiện như cũng lại như thế, nên nói Thiện Hiện tùy Như Lai sanh.

Như Lai như thường trú làm tướng. Thiện Hiện như cũng lại như thế, nên nói Thiện Hiện tùy Như Lai sanh.

Như Lai như không biếng khác, không phân biệt, khắp chuyển các pháp. Thiện Hiện như cũng lại như thế, nên nói Thiện Hiện tùy Như Lai sanh.

Như Lai như không bị chướng ngại, tất cả pháp như cũng không bị chướng ngại. Hoặc Như Lai như, hoặc tất cả pháp như đồng một như không hai không khác, không tạo không tác. Như, như thế tướng thường như, không lúc nào chẳng như. Vì tướng thường như không lúc nào chẳng như, nên không hai không khác. Thiện Hiện như cũng lại như thế, nên nói Thiện Hiện tùy Như Lai sanh. (Q.513, ĐBN)

Như Lai như đối tất cả xứ không nghĩ nhớ không phân biệt. Thiện Hiện như cũng lại như thế, nên nói Thiện Hiện tùy Như Lai sanh.

Như Lai như không khác biệt, chẳng thể nắm bắt được. Thiện Hiện như cũng lại như thế, nên nói Thiện Hiện tùy Như Lai sanh. Như Lai như chẳng lìa tất cả pháp như. Như, như thế tướng thường như không lúc nào chẳng như. Thiện Hiện như cũng lại như thế, nên nói Thiện Hiện tùy Như Lai sanh. Mặc dù nói tùy sanh mà không chỗ tùy sanh, vì Thiện Hiện như chẳng khác Phật vậy.

Như Lai như chẳng quá khứ chẳng vị lai chẳng hiện tại. Tất cả pháp như cũng chẳng quá khứ, chẳng vị lai, chẳng hiện tại. Thiện Hiện như cũng lại như thế, nên nói Thiện Hiện tùy Như Lai sanh. Quá khứ như bình đẳng nên Như lai như bình đẳng. Như Lai như bình đẳng nên quá khứ như bình đẳng. Vị lai như bình đẳng nên Như Lai như bình đẳng. Như Lai như bình đẳng nên vị lai như bình đẳng. Hiện tại như bình đẳng nên Như Lai như bình đẳng. Như Lai như bình đẳng nên hiện tại như bình đẳng. Hoặc quá khứ như hoặc vị lai như hoặc hiện tại như bình đẳng, hoặc Như Lai như bình đẳng, đồng một như không hai không khác.

Sắc như bình đẳng nên Như Lai như bình đẳng, Như Lai như bình đẳng nên sắc như bình đẳng; thọ tưởng hành thức như bình đẳng nên Như Lai như bình đẳng, Như Lai như bình đẳng nên thọ tưởng hành thức như bình đẳng. Hoặc sắc như hoặc thọ tưởng hành thức như bình đẳng, hoặc Như Lai như bình đẳng, đồng một như bình đẳng không hai không khác. Nói rộng, cho đến Nhất thiết trí như bình đẳng nên Như Lai như bình đẳng. Như Lai như bình đẳng nên Nhất thiết trí như bình đẳng; Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí như bình đẳng nên Như Lai như bình đẳng. Như Lai như bình đẳng nên Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí như bình đẳng. Hoặc Nhất thiết trí như, hoặc Đạo tướng trí như, Nhất thiết tướng trí như bình đẳng, hoặc Như Lai như bình đẳng, đồng một như bình đẳng không hai không khác.

Thiên tử phải biết: Các đại Bồ Tát hiện chứng tất cả pháp như bình đẳng như thế nên gọi là Như Lai. Tôi đối các pháp như như thế rất sanh tin hiểu, nên nói Thiện Hiện tùy Như Lai sanh. (Q.513, ĐBN)

 

(Tất cả pháp như, trước như, sau như, giữa như, chẳng lúc nào chẳng như. Như đó là như thường tại, không hai không khác, chẳng biến dị đổi dời nên gọi là như như. Vì chẳng biến dị đổi dời nên nói là bình đẳng. Người nào có cái thấy biết như vậy thì được thanh tịnh).

 

Chính khi thuyết tướng như như thế, ở thế giới Tam thiên đại thiên đây sáu thứ rung động: Đông vọt Tây lặn, Tây vọt Đông lặn, Nam vọt Bắc lặn, Bắc vọt Nam lặn, giữa vọt bìa lặn, bìa vọt giữa lặn.

Bấy giờ, các Thiên tử cõi Dục, cõi Sắc lần nữa đem các bột hương tuyệt diệu và các thiên hoa phụng rải lên Thế Tôn và Thiện Hiện mà thưa Phật rằng:

- Bạch Thế Tôn! Rất lạ, chưa từng có vậy! Đại đức Thiện Hiện do như nên tùy Như Lai sanh.

Bấy giờ, Thiện Hiện bảo các Thiên tử cõi Dục, cõi Sắc rằng:

- Thiên tử phải biết! Nhưng Thiện Hiện tôi chẳng do sắc nên tùy Như Lai sanh, chẳng do thọ tưởng hành thức nên tùy Như Lai sanh. Chẳng do sắc như nên tùy Như Lai sanh, chẳng do thọ tưởng hành thức như nên tùy Như Lai sanh. Chẳng lìa sắc nên tùy Như Lai sanh, chẳng lìa thọ tưởng hành thức nên tùy Như Lai sanh. Chẳng lìa sắc như nên tùy Như Lai sanh, chẳng lìa thọ tưởng hành thức như nên tùy Như Lai sanh. Nói rộng, cho đến chẳng do Nhất thiết trí nên tùy Như Lai sanh; chẳng do Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí nên tùy Như Lai sanh. Chẳng do Nhất thiết trí như nên tùy Như Lai sanh; chẳng do Đạo tướng trí như, Nhất thiết tướng trí như nên tùy Như Lai sanh. Chẳng lìa Nhất thiết trí nên tùy Như Lai sanh; chẳng lìa Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí nên tùy Như Lai sanh. Chẳng lìa Nhất thiết trí như nên tùy Như Lai sanh; chẳng lìa Đạo tướng trí như, Nhất thiết tướng trí như nên tùy Như Lai sanh. Chẳng do hữu vi nên tùy Như Lai sanh, chẳng do vô vi nên tùy Như Lai sanh. Chẳng do hữu vi như nên tùy Như Lai sanh, chẳng do vô vi như nên tùy Như Lai sanh. Chẳng lìa hữu vi nên tùy Như Lai sanh, chẳng lìa vô vi nên tùy Như Lai sanh. Chẳng lìa hữu vi như nên tùy Như Lai sanh, chẳng lìa vô vi như nên tùy Như Lai sanh. Vì sao? Tất cả pháp này đều vô sở hữu. Các kẻ tùy sanh hoặc bị tùy sanh, do đây tùy sanh và chỗ tùy sanh đều bất khả đắc, vì tất cả pháp tự tánh không vậy. (Q.513, ĐBN)

Bấy giờ, Xá Lợi Tử thưa Phật rằng:

- Bạch Thế Tôn! Các pháp như, nói rộng cho đến bất tư nghì giới đều rất thẳm sâu. Nghĩa là với trong đây sắc bất khả đắc, thọ tưởng hành thức cũng bất khả đắc. Sắc như bất khả đắc, thọ tưởng hành thức như cũng bất khả đắc. Vì sao? Trong đây sắc cho đến thức hãy bất khả đắc, huống có sắc như cho đến thức như khả đắc. Nói rộng, cho đến trong đây Nhất thiết trí bất khả đắc; Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí cũng bất khả đắc. Nhất thiết trí như bất khả đắc; Đạo tướng trí như, Nhất thiết tướng trí như cũng bất khả đắc. Vì sao? Trong đây Nhất thiết trí, Đạo tuớng trí, Nhất thiết tướng trí hãy bất khả đắc, huống có Nhất thiết trí như; Đạo tướng trí như, Nhất thiết tướng trí như khả đắc. (Q.513, ĐBN)

Bấy giờ, Phật bảo Xá Lợi Tử rằng:

- Như vậy, như ngươi đã nói!

Chính khi thuyết tướng như như thế hai trăm Bí sô hết hẳn các lậu, tâm được giải thoát, thành A la hán. Lại có năm trăm chúng Bí sô ni xa trần lìa bẩn, đối trong các pháp được tịnh pháp nhãn. Năm ngàn Bí sô đồng thời chứng được vô sanh pháp nhẫn. Sáu ngàn Bồ Tát hết hẳn các lậu, tâm được giải thoát thành A la hán.

Bấy giờ, Phật bảo Xá Lợi rằng:

- Nay trong chúng đây sáu ngàn Bồ Tát đã ở chỗ năm trăm đức Phật quá khứ, gần gũi cúng dường, chánh tín xuất gia, siêng tu phạm hạnh. Tuy có hành bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự nhưng chẳng nhiếp thọ Bát Nhã thậm thâm với phương tiện thiện xảo, lại khởi lên tưởng khác biệt, hành hạnh khác biệt. Khi tu bố thí, nghĩ như vầy: Đây là bố thí, đây là người nhận, đây là vật thí, ta thường hành thí. Khi tu tịnh giới, nghĩ như vầy: Đây là tịnh giới, đây gây ra tội nghiệp, đây là đối tượng phải hộ trì, ta thường trì giới. Khi tu an nhẫn, nghĩ như vầy: Đây là an nhẫn, đây là chướng ngại của nhẫn, đây là cảnh giới để nhẫn, ta thường an nhẫn. Khi tu tinh tấn, nghĩ như vầy: Đây là tinh tấn, đây là giải đãi, đây là việc đã làm, ta thường tinh tấn. Khi tu tịnh lự, nghĩ như vầy: Đây là tịnh lự, đây là tán loạn, đây là đã tu, ta thường tu định. Người ấy chẳng nhiếp thọ Bát Nhã thâm sâu với phương tiện thiện xảo, chỉ dựa vào tư tưởng khác biệt mà tu hạnh bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự khác biệt. Do tư tưởng khác biệt, hành khác biệt nên chẳng chứng được Bồ Tát không có tư tưởng khác biệt và mất hạnh của Bồ Tát không khác biệt. Do nhân duyên này nên chẳng được vào ngôi vị Bồ Tát Chánh tánh ly sanh. Do không được nhập vào ngôi vị Bồ Tát Chánh tánh ly sanh nên được quả Dự lưu, dần dần mới đến quả A la hán. Thế nên, Xá Lợi Tử! Đại Bồ Tát nào tuy có tu Bồ Tát đạo và có pháp môn giải thoát không, vô tướng, vô nguyện nhưng chẳng nhiếp thọ Bát Nhã thậm thâm với phương tiện thiện xảo liền chứng đắc thật tế thì sẽ rơi vào hàng Thanh văn và bậc Độc giác.

Khi ấy, Xá Lợi Tử thưa rằng:

- Nhân duyên nào nên có các Bồ Tát tu pháp không, vô tướng, vô nguyện, do chẳng nhiếp thọ Bát nhã Ba la mật phương tiện khéo léo bèn chứng thực tế, rơi vào hàng Thanh văn hoặc bậc Độc giác? Trái lại, có các Bồ Tát tu pháp không, vô tướng, vô nguyện, lại nhờ nhiếp thọ Bát Nhã sâu thẳm phương tiện khéo léo nên được vào Bồ Tát Chánh tánh ly sanh, lần hồi tu hành các hạnh Bồ Tát sẽ chứng Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề?

Bấy giờ, Thế Tôn bảo Xá Lợi Tử rằng:

- Nếu Bồ Tát xa lìa tâm Nhất thiết trí trí, chẳng đem đại bi làm làm đầu tu pháp không, vô tướng, vô nguyện, bởi chẳng nhiếp thọ Bát Nhã sâu thẳm phương tiện khéo léo, bèn chứng thật tế, rơi vào hàng Thanh văn hoặc bậc Độc giác. Nếu các Bồ Tát chẳng rời tâm Nhất thiết trí trí, lại đem đại bi làm đầu, tu pháp không, vô tướng, vô nguyện, lại nhờ nhiếp thọ Bát Nhã thậm thâm phương tiện khéo léo, có thể vào được Bồ Tát Chánh tánh ly sanh, lần hồi tu hành các Bồ Tát hạnh, sẽ được Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề.

Xá Lợi Tử! Ví như có chim xí, thân nó to lớn bằng trăm Do tuần, hoặc hai trăm cho đến năm trăm Do tuần mà chẳng có cánh. Chim này hoặc từ cung trời Ba mươi ba gieo mình rơi xuống châu Thiệm bộ. Giữa đường, nó nghĩ như vầy: Ta muốn lên lại trời Ba mươi ba. Ý ngươi thế nào? Chim này có thể trở lại trời Ba mươi ba được không?

Xá Lợi Tử thưa:

- Bạch Thế Tôn! Chẳng được. Bạch Thiện Thệ! Chẳng được.

Phật bảo:

- Xá Lợi Tử! Giữa đường chim này hoặc khởi muốn đây: Tới châu Thiệm bộ sẽ khiến thân ta không tổn không hại. Ý ngươi nghĩ sao? Chim này được toại nguyện chăng?

Xá Lợi Tử thưa:

- Bạch Thế Tôn! Chẳng được! Bạch Thiện Thệ! Chẳng đưọc! Khi chim này đến châu Thiệm bộ, thân nó quyết định có tổn có hại, hoặc đến mất mạng, hoặc khổ gần chết. Vì sao? Vì chim này thân to từ cao mà rơi xuống lại không có cánh vậy. (Q.513, ĐBN)

Phật bảo:

- Xá Lợi Tử! Như vậy, như ngươi đã nói! Xá Lợi Tử! Có các Bồ Tát cũng lại như thế, mặc dù đã trải vô lượng vô số đại kiếp siêng tu bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tiến, tĩnh lự, cũng tu không, vô tướng, vô nguyện giải thoát môn mà chẳng nhiếp thọ Bát Nhã thậm thâm phương tiện khéo léo, bèn chứng thật tế, rơi vào hạng Thanh văn hoặc bậc Độc giác. Vì sao? Vì các Bồ Tát này xa lìa tâm Nhất thiết trí trí, chẳng đem đại bi làm đầu, mặc dù trải qua vô lượng vô số đại kiếp siêng tu bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tiến, tĩnh lự, cũng tu không, vô tướng, vô nguyện giải thoát môn mà chẳng nhiếp thọ Bát Nhã sâu thẳm phương tiện khéo léo, bèn rơi vào hàng Thanh văn hoặc bậc Độc giác. Các Bồ Tát này mặc dù nhớ nhóm giới, nhóm định, nhóm huệ, nhóm giải thoát, nhóm giải thoát tri kiến chư Phật Thế Tôn quá khứ, vị lai, hiện tại cúng dường cung kính, tùy thuận tu hành mà đối trong ấy chấp lấy tướng, nên chẳng thể chính hiểu được công đức chân thật nhóm giới, nhóm định, nhóm huệ v.v… Các Bồ Tát này chẳng chính hiểu công đức Phật, nên dù nghe Bồ Tát đạo và tiếng pháp không, vô tướng, vô nguyện mà nương tiếng đây chấp lấy tướng. Chấp lấy tướng rồi, hồi hướng Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề. Các đại Bồ Tát này hồi hướng như vậy chẳng được Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, rơi vào hàng Thanh văn hoặc bậc Độc giác. Vì sao? Xá Lợi Tử! Các đại Bồ Tát này bởi chẳng nhiếp thọ Bát Nhã sâu thẳm phương tiện khéo léo, mặc dù đem các thứ căn lành đã tu được hồi hướng Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề mà vẫn rơi vào hàng Thanh văn hoặc bậc Độc giác. (Q.513, ĐBN)

Lại nữa, Xá Lợi Tử! Có các Bồ Tát ngay từ sơ phát tâm chẳng rời tâm Nhất thiết trí trí, hằng đem đại bi làm đầu, siêng tu bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tiến, tĩnh lự cũng thường nhiếp thọ Bát Nhã thậm thâm phương tiện khéo léo, mặc dù nhớ nhóm giới, nhóm định, nhóm huệ, nhóm giải thoát, nhóm giải thoát tri kiến chư Phật Thế Tôn quá khứ, vị lai, hiện tại mà chẳng lấy tướng; mặc dù tu không, vô tướng, vô nguyện giải thoát môn cũng chẳng lấy tướng; mặc dù nhớ các thứ công đức mình, người, cùng các hữu tình bình đẳng chung có hồi hướng Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, cũng chẳng lấy tướng.

Xá Lợi Tử! Phải biết đại Bồ Tát này thẳng tới Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, chẳng rơi vào hàng Thanh văn và bậc Độc giác. Vì sao? đại Bồ Tát này ngay từ sơ phát tâm cho đến rốt ráo chẳng rời tâm Nhất thiết trí trí, hằng đem đại bi tâm làm đầu, mặc dù tu bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tiến, tĩnh lự mà chẳng lấy tướng; mặc dù nhớ nhóm giới, nhóm định, nhóm huệ, nhóm giải thoát, nhóm giải thoát tri kiến chư Phật Thế Tôn quá khứ, vị lai, hiện tại cũng chẳng lấy tướng; tu Bồ Tát đạo và pháp không, vô tướng, vô nguyện cũng chẳng lấy tướng. Xá Lợi Tử! Đại Bồ Tát này vì có phương tiện khéo léo, nên dùng tâm ly tướng tu hành bố thí cho đến Bát nhã Ba la mật, nói rộng cho đến dùng tâm ly tướng tu hành Nhất thiết trí, Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí. Do đây quyết định chứng sở cầu Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề. (Q.513, ĐBN)

Khi ấy, Xá Lợi Tử bèn thưa Phật rằng:

- Như con hiểu nghĩa Phật đã nói, nếu đại Bồ Tát ngay từ sơ phát tâm cho đến rốt ráo, thường năng nhiếp thọ Bát Nhã thậm thâm phương tiện khéo léo, đại Bồ Tát này gần kề Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề. Vì sao? Vì đại Bồ Tát này ngay từ sơ phát tâm cho đến rốt ráo trọn chẳng thấy có chút pháp khá được. Nghĩa là hoặc năng chứng, hoặc sở chứng, hoặc chỗ chứng, hoặc thời chứng, hoặc do đây chứng trọn bất khả đắc. Chỗ gọi hoặc sắc, hoặc thọ tưởng hành thức, nói rộng cho đến Nhất thiết tướng trí đều bất khả đắc.

Lại nữa, Bạch Thế Tôn! Có các thiện nam thiện nữ Bồ Tát thừa chẳng thường nhiếp thọ Bát Nhã sâu thẳm phương tiện khéo léo, mà cầu Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề. Phải biết thiện nam thiện nữ kia đối sở cầu Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề nghi hoặc do dự hoặc đắc chẳng đắc. Vì sao? Vì các thiện nam thiện nữ Bồ Tát thừa này chẳng thường nhiếp thọ Bát Nhã thậm thâm phương tiện khéo léo, đối sở tu hành bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tiến, tĩnh lự, Bát nhã Ba la mật đều nắm lấy tướng, nói rộng cho đến đối tu hành Nhất thiết trí, Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí đều nắm lấy tướng. Bởi nhân duyên đây các thiện nam thiện nữ Bồ Tát thừa đều đối Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề nghi ngờ do dự, hoặc đắc chẳng đắc. Vậy nên, bạch Thế Tôn! Nếu đại Bồ Tát muốn được Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề quyết định chẳng nên xa lìa Bát nhã Ba la mật phương tiện khéo léo. Đại Bồ Tát này an trụ Bát nhã Ba la mật phương tiện khéo léo, dùng vô sở đắc mà làm phương tiện, đem tâm vô tướng cùng hành bố thí cho đến Bát nhã Ba la mật, nói rộng cho đến đem tâm vô tướng cùng hành Nhất thiết trí, Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí. Nếu đại Bồ Tát an trụ Bát nhã Ba la mật phương tiện khéo léo, dùng vô sở đắc mà làm phương tiện, đem tâm vô tướng cùng hành cùng tu cùng trụ tất cả Phật pháp như thế tất được Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề. (Q.513, ĐBN)

 

(Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề khó hiểu khó chứng)

 

Bấy giờ, các Thiên tử cõi Dục, cõi Sắc đồng thưa Phật rằng:

- Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề của chư Phật rất khó tin hiểu, rất khó chứng được. Vì sao? Vì các đại Bồ Tát đối tất cả pháp tự tướng cộng tướng lẽ đều chứng biết, mới mong được sở cầu Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, mà các Bồ Tát chỗ biết pháp tướng trọn vô sở hữu, đều bất khả đắc?

Bấy giờ, Phật bảo các Thiên tử rằng:

- Như vậy, như các ngươi đã nói! Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề của chư Phật rất khó hiểu, rất khó chứng được.

Thiên tử phải biết: Ta cũng hiện giác tất cả pháp tướng chứng được Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề mà trọn chẳng đắc thắng nghĩa pháp tướng khá nói gọi đây là năng chứng, đây là sở chứng, đây là chỗ chứng, đây là thời chứng, và khá nói vì do đây mà chứng. Vì sao? Các Thiên tử! Vì tất cả pháp rốt ráo tịnh vậy, hữu vi vô vi rốt ráo không vậy. Do đây, Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề cực khó tin hiểu, rất khó chứng được.

Cụ thọ Thiện Hiện bèn thưa Phật rằng:

- Như Thế Tôn nói Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề chư Phật cực khó tin hiểu, rất khó chứng được. Như con nghĩ nghĩa Phật đã nói, Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề chư Phật cực dễ tin hiểu, rất dễ chứng được. Vì sao? Nếu năng tin hiểu được, không pháp năng chứng, không pháp sở chứng, không có chỗ chứng, không có thời chứng, cũng không do đây mà có sở chứng, tức là có thể tin hiểu được Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề chư Phật. Nếu có chứng biết không pháp năng chứng, không pháp sở chứng, không có chỗ chứng, không có thời chứng, cũng không do đây mà có sở chứng, tức là có thể chứng sở cầu Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề. Vì sao? Vì tất cả pháp rốt ráo đều không. Trong rốt ráo không trọn không có pháp khá gọi năng chứng, khá gọi sở chứng, khá gọi chỗ chứng, khá gọi thời chứng, khá gọi do đây mà có sở chứng. Vì sao? Vì tất cả pháp tánh tướng đều không, hoặc tăng hoặc giảm trọn vô sở hữu, đều bất khả đắc. Do nhân duyên này các đại Bồ Tát sở tu bố thí cho đến Bát nhã Ba la mật trọn vô sở hữu đều bất khả đắc. Nói rộng, cho đến Nhất thiết trí, Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí trọn vô sở hữu đều bất khả đắc. Các đại Bồ Tát sở quán các pháp hoặc hữu sắc hoặc vô sắc, hoặc hữu kiến hoặc vô kiến, hoặc hữu đối hoặc vô đối, hoặc hữu lậu hoặc vô lậu, hoặc hữu vi hoặc vô vi trọn vô sở hữu, đều bất khả đắc. Do nhân duyên đây con suy nghĩ nghĩa thú Phật đã nói, Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề của chư Phật cực dễ tin hiểu, rất dễ chứng được. Các đại Bồ Tát chẳng nên đối trong ấy bảo rằng khó tin hiểu và khó chứng được. Vì sao? Vì sắc, tự tánh sắc không; thọ tưởng hành thức, tự tánh thọ tưởng hành thức không. Nói rộng, cho đến Nhất thiết trí, tự tánh Nhất thiết trí không; Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí, tự tánh Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí không. Nếu đại Bồ Tát năng đối nghĩa "tự tánh không" như thế rất sanh tin hiểu không trái ngược mà chứng, bèn được Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề. Do nghĩa như thế, con nói Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề chẳng khó tin hiểu, chẳng khó chứng được. (Q.513, ĐBN)

 

Khi ấy, Xá Lợi Tử bảo Thiện Hiện rằng:

- Cũng do nhân duyên đây Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề chư Phật cực khó tin hiểu, rất khó chứng được. Vì sao? Vì các đại Bồ Tát quán tất cả pháp trọn không tự tánh, đều như hư không. Ví như hư không chẳng liền nghĩ này: Ta sẽ tin hiểu chứng được Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề. Các đại Bồ Tát cũng lẽ như thế, chẳng liền nghĩ này: Ta sẽ tin hiểu chứng được Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề. Vì sao? Vì tất cả pháp tánh tướng đều không, ngang đồng hư không. Các đại Bồ Tát cần tin hiểu các pháp đều không, ngang đồng hư không, không trái ngược mà chứng, thì mới được Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề. Nếu đại Bồ Tát tin hiểu các pháp ngang đồng hư không bèn đối Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề dễ sanh tin hiểu, dễ chứng được ấy, thời chẳng có đại Bồ Tát nhiều ngang như cát sông Hằng mặc áo giáp đại công đức, phát tới Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, ở thời gian giữa mà bị trụt lui. Nên biết Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề cực khó tin hiểu, rất khó chứng được (1).

Khi ấy, cụ thọ Thiện Hiện thưa Xá Lợi Tử rằng:

- Ý ông hiểu sao? Sắc đối Phật Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề có trụt lui (bị thối chuyển) chăng?

Xá Lợi Tử nói:

- Thiện Hiện! Chẳng có!

- Ý ông hiểu sao? Thọ tưởng hành thức đối Phật Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề có trụt lui chăng?

Xá Lợi Tử nói:

- Thiện Hiện! Chẳng có!

- Ý ông hiểu sao? Lìa sắc có pháp đối Phật Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề có trụt lui chăng?

Xá Lợi Tử nói:

- Thiện Hiện! Chẳng có!

- Ý ông hiểu sao? Lìa thọ tưởng hành thức có pháp đối Phật Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề có trụt lui chăng?

Xá Lợi Tử nói:

- Thiện Hiện! Chẳng có!

- Ý ông hiểu sao? Lìa sắc như có pháp đối Phật Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề có trụt lui chăng?

Xá Lợi Tử nói:

- Thiện Hiện! Chẳng có!

- Ý ông hiểu sao? Lìa thọ tưởng hành thức như có pháp đối Phật Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề có trụt lui chăng?

Xá Lợi Tử nói:

- Thiện Hiện! Chẳng có!

- Ý ông hiểu sao? Nói rộng cho đến Nhất thiết trí đối Phật Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề có trụt lui chăng?

Xá Lợi Tử nói:

- Thiện Hiện! Chẳng có!

- Ý ông hiểu sao? Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí đối Phật Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề có trụt lui chăng?

Xá Lợi Tử nói:

- Thiện Hiện! Chẳng có!

- Ý ông hiểu sao? Lìa Nhất thiết trí có pháp đối Phật Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề có trụt lui chăng?

Xá Lợi Tử nói:

- Thiện Hiện! Chẳng có!

-  Ý ông hiểu sao? Lìa Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí có pháp đối Phật Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề có trụt lui chăng?

Xá Lợi Tữ:

- Thiện Hiện! Chẳng có!

- Ý ông hiểu sao? Nhất thiết trí như đối Phật Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề có trụt lui chăng?

Xá Lợi Tử nói:

- Thiện Hiện! Chẳng có!

-  Ý ông hiểu sao? Đạo tướng trí như, Nhất thiết tướng trí như đối Phật Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề có trụt lui chăng?

Xá Lợi Tử nói:

-  Thiện Hiện! Chẳng có!

- Ý ông hiểu sao? Lìa Nhất thiết trí như có pháp đối Phật Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề có trụt lui chăng?

Xá Lợi Tử nói:

- Thiện Hiện! Chẳng có!

- Ý ông hiểu sao? Lìa Đạo tướng trí như, Nhất thiết tướng trí như có pháp đối Phật Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề có trụt lui chăng?

Xá Lợi Tử nói:

- Thiện Hiện! Chẳng có!

- Lại nữa, Xá Lợi Tử! Nơi ý hiểu sao? Các pháp chơn như nói rộng cho đến bất tư nghì giới đối Phật Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề có trụt lui chăng?

Xá Lợi Tử nói:

- Thiện Hiện! Chẳng có!

- Nơi ý hiểu sao? Lìa các pháp như nói rộng cho đến bất tư nghì giới có pháp đối Phật Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề có trụt lui chăng?

Xá Lợi Tử nói:

- Thiện Hiện! Chẳng có!

Khi ấy, cụ thọ Thiện Hiện bảo Xá Lợi Tử rằng:

- Nếu tất cả pháp vì chắc thật vậy, vì an trụ vậy, trọn vô sở hữu đều bất khả đắc, thời nói những pháp nào khá đối Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề mà có trụt lui?

Xá Lợi Tử nói Thiện Hiện rằng:

- Như Nhân giả đã nói. Trong vô sanh pháp nhẫn đều không có pháp, cũng không có Bồ Tát đối Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề có trụt lui. Nếu vậy cớ sao Phật nói ba thứ bổ đặc già la trụ Bồ Tát thừa (nhất định có thối chuyển, nhất định không thối chuyển hay bất định), chỉ nói có một? Nếu như Nhân giả nói, lẽ ra không có Tam thừa Bồ Tát sai khác (Thanh văn thừa, Độc giác thừa và Vô Thượng thừa), mà chỉ nên có một là Vô Thượng thừa mà thôi?

Khi ấy, Mãn Từ Tử liền nói với cụ thọ Xá Lợi Tử:

- Hãy hỏi Thiện Hiện rằng chỉ cần một thừa Bồ Tát chăng? Sau đó hỏi tiếp: Cần gì phải thành lập ba thừa khác nhau hay chỉ cần có một thừa Chánh đẳng giác mà thôi.

Xá Lợi Tử hỏi Thiện Hiện:

- Chỉ cần một Bồ Tát thừa có được không?

Cụ thọ Thiện Hiện bảo Xá Lợi Tử:

- Ý Tôn giả thế nào? Trong tất cả pháp như có ba hạng người trụ Bồ Tát thừa khác nhau chăng? Nghĩa là có người rơi vào Thanh văn thừa, hoặc có người rơi vào Độc giác thừa, hoặc có người chứng đắc Vô thượng thừa ư?

Xá Lợi Tử nói:

- Thiện Hiện! Chẳng có!

- Ý Tôn giả thế nào? Trong tất cả pháp như có ba thừa Bồ Tát khác nhau không?

Xá Lợi Tử nói:

- Thiện Hiện! Chẳng có!

- Ý Tôn giả thế nào? Trong tất cả pháp như, thật có một thừa Chánh đẳng giác của các đại Bồ Tát chăng?

Xá Lợi Tử nói:

- Thiện Hiện! Chẳng có!

- Ý Tôn giả thế nào? Các pháp như có một hay có hai, có ba tướng không?

Xá Lợi Tử nói:

- Thiện Hiện! Chẳng có!

- Ý Tôn giả thế nào? Trong tất cả pháp như phải có một pháp, hay một Bồ Tát có thể đắc không?

Xá Lợi Tử nói:

- Thiện Hiện! Chẳng có!

Khi ấy, cụ thọ Thiện Hiện nói với Xá Lợi Tử:

- Nếu tất cả pháp là chắc thật, là an trụ, hoàn toàn vô sở hữu và đều bất khả đắc thì tại sao Xá Lợi Tử lại khởi lên ý nghĩ: Đối với quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, Bồ Tát này nhất định có thối thất, hay đối với quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, Bồ Tát này nhất định không có thối thất? Hay đối với quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, Bồ Tát này nói chẳng quyết định? Như vậy, Bồ Tát này là Thanh văn thừa, hay Bồ Tát này là Độc giác thừa, hay Bồ Tát này là Vô thượng thừa? Như vậy, là ba hay là một?

Xá Lợi Tử! Nếu đại Bồ Tát hoàn toàn vô sở đắc đối với tất cả pháp, đối với tất cả pháp như, cũng tin hiểu hoàn toàn và chúng đều vô sở đắc, đối với các Bồ Tát cũng vô sở đắc, đối với quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề của chư Phật cũng vô sở đắc, phải biết đây mới thật là đại Bồ Tát.

Xá Lợi Tử! Nếu đại Bồ Tát này nghe thuyết tướng các pháp như bất khả đắc mà tâm vị ấy chẳng kinh, chẳng sợ, chẳng hoảng hốt, không nghi hối, không lui trụt thì đại Bồ Tát này mau chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, nửa chừng nhất định không thối lui.

Bấy giờ, Xá Lợi Tử thưa Phật rằng:

- Bạch Thế Tôn! Nếu các đại Bồ Tát trọn nên pháp ấy mau chứng Vô thượng Chánh đẳng giác chăng?

Phật bảo Xá Lợi Tử rằng:

- Như vậy, như ngươi đã nói! Nếu đại Bồ Tát trọn nên pháp ấy mau chứng Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, chẳng rơi vào hàng Thanh văn hay bậc Độc giác v.v...

 

2. Đoạn Kinh sau đây tương đương với phẩm “Bồ Tát An Trụ”,

phần sau Q.324 đến đầu Q.325, Hội thứ I, ĐBN.

 

(Bồ Tát muốn chứng Vô Thượng Bồ đề phải trụ vào đâu?

Nên trụ như thế nào cho phải?)

 

Thiện Hiện lại thưa Phật rằng:

- Bạch Thế Tôn! Nếu đại Bồ Tát muốn mau chứng được sở cầu Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề phải trụ vào đâu? Nên trụ như thế nào?

Phật bảo:

- Thiện Hiện! Nếu đại Bồ Tát muốn mau chứng đắc quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, thì phải trụ tâm bình đẳng đối với tất cả hữu tình, không nên trụ tâm bất bình đẳng. Phải khởi tâm bình đẳng đối với tất cả hữu tình, không nên khởi tâm bất bình đẳng. Phải đem tâm bình đẳng nói với tất cả hữu tình, không nên đem tâm bất bình đẳng nói với họ. Phải khởi tâm đại từ đối với tất cả hữu tình, không nên khởi tâm sân giận đối với họ. Phải đem tâm đại bi mà đối với tất cả hữu tình, không nên đem tâm não hại mà đối với họ. Phải đem tâm đại bi mà nói với tất cả hữu tình, không nên đem tâm não hại mà nói với họ. Phải khởi tâm đại hỷ đối với tất cả hữu tình, không nên khởi tâm đố kỵ đối với họ. Phải đem tâm đại hỷ mà nói với tất cả hữu tình, không nên đem tâm đố kỵ mà nói với họ. Phải khởi tâm đại xả đối với tất cả hữu tình, không nên khởi tâm thiên vị đối với họ. Phải đem tâm đại xả mà nói với tất cả hữu tình, không nên đem tâm thiên vị mà nói với họ.

Phải khởi tâm cung kính đối với tất cả hữu tình, không nên khởi tâm kiêu ngạo đối với họ. Phải đem tâm cung kính mà nói với tất cả hữu tình, không nên đem tâm kiêu ngạo mà nói với họ.

Phải khởi tâm chân thật đối với tất cả hữu tình, không nên khởi tâm dối nịnh đối với họ. Phải đem tâm chân thật mà nói với tất cả hữu tình, không nên đem tâm dối nịnh mà nói với họ.

Phải khởi tâm mềm mỏng đối với tất cả hữu tình, không nên khởi tâm cứng cỏi đối với họ. Phải đem tâm hiền hòa mà nói với tất cả hữu tình, không nên đem tâm hung bạo mà nói với họ.

Phải khởi tâm lợi ích cho tất cả hữu tình, không nên khởi tâm vô ích đối với họ. Phải đem tâm lợi ích mà nói với tất cả hữu tình, không nên đem tâm không lợi ích mà nói với họ.

Phải khởi tâm an vui đối với tất cả hữu tình, không nên khởi tâm chẳng an vui đối với họ. Phải đem tâm an vui mà nói với tất cả hữu tình, không nên đem tâm chẳng an vui mà nói với họ.

Phải khởi tâm không trở ngại đối với tất cả hữu tình, không nên khởi tâm có trở ngại đối với họ. Phải đem tâm không trở ngại mà nói với tất cả hữu tình, không nên đem tâm có trở ngại mà nói với họ.

Phải khởi tâm như cha mẹ, như anh em, như chị em, như nam nữ, như bà con thân thuộc đối với tất cả hữu tình, cũng đem tâm này mà nói cho họ.

Phải khởi tâm bè bạn đối với tất cả hữu tình, cũng đem tâm này mà nói với họ. Đối với tất cả hữu tình phải khởi tâm như giáo sư, như thầy mô phạm, như đệ tử, như đồng học, cũng đem tâm này mà nói với họ.

Đối với tất cả hữu tình, phải khởi tâm như bậc Dự lưu, Nhất lai, Bất hoàn, A la hán, Độc giác, Đại Bồ Tát, Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, cũng nên đem tâm này mà nói với họ.

Đối với tất cả hữu tình, phải khởi tâm nên cúng dường, cung kính, tôn trọng, ngợi khen, cũng nên đem tâm này mà nói với họ.

Đối với tất cả hữu tình, phải khởi tâm nên cứu giúp, thương xót, bảo bọc, cũng đem tâm này mà nói với họ.

Đối với tất cả hữu tình, phải khởi tâm rốt ráo Không, vô sở hữu, bất khả đắc, cũng đem tâm này mà nói với họ.

Đối với tất cả hữu tình, phải khởi tâm không, vô tướng, vô nguyện, cũng đem tâm này mà nói với họ.

Thiện Hiện! Đại Bồ Tát nào muốn mau chứng đắc quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, phải dùng vô sở đắc làm phương tiện mà trụ nơi đây.

Lại nữa, Thiện Hiện! Nếu đại Bồ Tát muốn mau chứng được sở cầu Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề nên tự lìa hại sanh mạng, cũng khuyên người lìa hại sanh mạng, hằng chính xưng nêu pháp lìa hại sanh mạng, vui mừng khen ngợi kẻ lìa hại sanh mạng. Nói rộng, cho đến nên tự lìa tà kiến, cũng khuyên người lìa tà kiến, hằng chính xưng nêu pháp lìa tà kiến, vui mừng khen ngợi kẻ lìa tà kiến.

Nên tự tu bốn tĩnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc; cũng khuyên người tu bốn tĩnh lự, bốn vô lượng, bốn vô định sắc, hằng chính xưng nêu pháp tu bốn tĩnh lự, bốn vô lượng, bốn vô sắc định, vui mừng khen ngợi kẻ tu bốn tĩnh lự, bốn vô lượng, bốn vô sắc định. Nên tự viên mãn bố thí cho đến Bát nhã Ba la mật, cũng khuyên người viên mãn bố thí cho đến Bát nhã Ba la mật, hằng chính nêu pháp viên mãn bố thí cho đến Bát nhã Ba la mật, vui mừng khen ngợi kẻ viên mãn bố thí cho đến Bát nhã Ba la mật. Nên tự trụ nội không cho đến vô tánh tự tánh không, cũng khuyên người trụ nội không cho đến vô tánh tự tánh không, hằng chính xưng nêu pháp trụ nội không cho đến vô tánh tự tánh không, vui mừng khen ngợi kẻ trụ nội không cho đến vô tánh tự tánh không. Nên tự trụ chơn như cho đến bất tư nghì giới, cũng khuyên người trụ chơn như cho đến bất tư nghì giới, hằng chính xưng nêu pháp trụ chơn như cho đến bất tư nghì giới, vui mừng khen ngợi kẻ trụ chơn như cho đến bất tư nghì giới. Nói rộng, nên tự trụ tất cả pháp Phật, cũng khuyên người trụ tất cả pháp Phật, hằng chính xưng nêu tất cả pháp Phật, vui mừng khen ngợi kẻ trụ tất cả pháp Phật. (Q.513, ĐBN)

Lại nữa, Thiện Hiện! Nếu đại Bồ Tát muốn mau chứng được sở cầu Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, nên tự thành thục hữu tình, cũng khuyên người thành thục hữu tình, hằng chính xưng nêu pháp thành thục hữu tình, vui mừng khen ngợi kẻ thành thục hữu tình. Nên tự nghiêm tịnh cõi Phật, cũng khuyên người nghiêm tịnh cõi Phật, hằng chính xưng nêu pháp nghiêm tịnh cõi Phật, vui mừng khen ngợi kẻ nghiêm tịnh cõi Phật. Nên tự khởi thần thông thù thắng Bồ Tát, cũng khuyên người khởi thần thông thù thắng Bồ Tát, hằng chính xưng nêu pháp khởi thần thông thù thắng Bồ Tát, vui mừng khen ngợi kẻ khởi thần thông thù thắng. Nên khởi Nhất thiết trí, cũng khuyên người khởi Nhất thiết trí, hằng chính xưng nêu pháp khởi Nhất thiết trí, vui mừng khen ngợi kẻ khởi Nhất thiết trí. Nên tự khởi Đạo tướng trí, cũng khuyên người khởi Đạo tướng trí, hằng chính xưng nêu pháp khởi Đạo tướng trí, vui mừng khen ngợi kẻ khởi Đạo tướng trí. Nên tự khởi Nhất thiết tướng trí, cũng khuyên người khởi Nhất thiết tướng trí, hằng chính xưng nêu pháp khởi Nhất thiết tướng trí, vui mừng khen ngợi kẻ khởi Nhất thiết tướng trí. Nên tự dứt hẳn tất cả tập khí phiền não nối nhau, cũng khuyên người dứt hẳn tất cả tập khí phiền não nối nhau, hằng chính xưng nêu pháp dứt hẳn tất cả tập khí phiền não nối nhau, vui mừng khen ngợi kẻ dứt hẳn tất cả tập khí phiền não nối nhau. Nên tự nhiếp thọ viên mãn lượng sống lâu, cũng khuyên người nhiếp thọ viên mãn lượng sống lâu, hằng chính xưng nêu pháp nhiếp thọ viên mãn lượng sống lâu, vui mừng khen ngợi kẻ nhiếp thọ viên mãn lượng sống lâu. Nên tự quay xe diệu pháp, cũng khuyên người quay xe diệu pháp, hằng chính xưng nêu pháp quay xe diệu pháp, vui mừng khen ngợi kẻ quay xe diệu pháp. Nên tự nhiếp hộ khiến chánh pháp trụ lâu, cũng khuyên người nhiếp hộ khiến chánh pháp trụ lâu, hằng chính xưng nêu pháp nhiếp hộ khiến chánh pháp trụ lâu, vui mừng khen ngợi kẻ nhiếp hộ khiến chánh pháp trụ lâu. (Q.514, ĐBN)

Thiện Hiện! Nếu đại Bồ Tát muốn mau chứng được sở cầu Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, đối pháp như thế đem vô sở đắc mà làm phương tiện nên trụ như thế.

Lại nữa, Thiện Hiện! Các đại Bồ Tát nên học Bát Nhã thậm thâm như thế, phương tiện khéo léo. Nếu học như thế mới có thể an trụ được pháp đáng an trụ. Nếu học như thế, an trụ như thế thời đối năm uẩn không bị ngăn ngại. Cũng đối sáu nội xứ (sáu căn) không bị ngăn ngại. Cũng đối sáu ngoại xứ (sáu trần) không bị ngăn ngại. Cũng đối mười hai xứ, mười tám giới không bị ngăn ngại. Cũng đối sáu đại chủng không bị ngăn ngại. Cũng đối bốn duyên không bị ngăn ngại. Cũng đối vô minh cho đến lão tử không bị ngăn ngại. Cũng đối lìa hại sanh mạng cho đến tà kiến được không ngăn ngại. Cũng đối bốn tĩnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc không bị ngăn ngại. Cũng đối bố thí cho đến Bát nhã Ba la mật không bị ngăn ngại. Cũng đối nội không cho đến vô tánh tự tánh không không bị ngăn ngại. Cũng đối chơn như cho đến bất tư nghì giới không ngăn bị ngại. Nói rộng ra, đối với tất cả pháp Phật cũng không bị ngăn ngại. Cũng đối thọ lượng (sống lâu) không bị ngăn ngại. Cũng đối quay xe chánh pháp không bị ngăn ngại. Cũng đối với sự nhiếp hộ pháp trụ không bị ngăn ngại, Vì sao?

Thiện Hiện! Đại Bồ Tát này từ bản lai đến đây chẳng nhiếp thọ sắc uẩn cho đến thức uẩn. Chẳng nhiếp thọ nhãn xứ cho đến ý xứ. Chẳng nhiếp thọ nhãn giới cho đến ý giới. Chẳng nhiếp thọ sắc giới cho đến pháp giới. Chẳng nhiếp thọ nhãn thức giới cho đến ý thức giới. Chẳng nhiếp thọ nhãn xúc cho đến ý xúc. Chẳng nhiếp thọ nhãn xúc làm duyên sanh ra các thọ cho đến ý xúc làm duyên sanh ra các thọ. Chẳng nhiếp thọ địa giới cho đến thức giới. Chẳng nhiếp thọ nhân duyên cho đến tăng thượng duyên. Chẳng nhiếp thọ vô minh cho đến lão tử. Chẳng nhiếp thọ lìa hại sanh mạng cho đến tà kiến. Chẳng nhiếp thọ bốn tĩnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc. Chẳng nhiếp thọ bố thí cho đến Bát nhã Ba la mật. Chẳng nhiếp thọ nội không cho đến vô tánh tự tánh không. Chẳng nhiếp thọ chơn như cho đến bất tư nghì giới. Nói rộng ra, chẳng nhiếp thọ tất cả pháp Phật từ tứ Thánh đế cho đến Nhất thiết tướng trí. Vì sao? Sắc uẩn cho đến thức uẩn chẳng thể nhiếp thọ, nếu chẳng thể nhiếp thọ thời chẳng phải sắc uẩn cho đến thức uẩn. Nói rộng cho đến Nhất thiết trí, Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí chẳng thể nhiếp thọ, nếu chẳng thể nhiếp thọ thời chẳng phải Nhất thiết trí, Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí.

Khi thuyết pháp đại Bồ Tát chỗ nên trụ này, ở trong chúng hội hai ngàn Bồ Tát đồng thời chứng được Vô sanh pháp nhẫn. (Q.514, ĐBN)

 

Thích nghĩa:

(1). Phẩm “Chơn Như”, cuối quyển 446 cho đến phần đầu quyền 448, Hội thứ II, thuyết hơi khác với đoạn Kinh này như sau: - "Này Đại đức! Nếu quả vị Giác ngộ tối cao rất dễ tin, dễ hiểu, rất dễ chứng, thì tại sao lại có hằng hà sa số đại Bồ Tát mặc áo giáp đại công đức phát tâm hướng đến quả vị Giác ngộ tối cao, nữa đường lại thối chuyển, mặc dầu các đại Bồ Tát ấy quán tất cả pháp hoàn toàn không có tự tánh, tất cả đều không, giống như hư không. Vì vậy, nên tôi nói: Quả vị Giác ngộ tối cao rất khó tin, khó hiểu, rất khó chứng!"

Câu kinh này của Hội thứ II dễ hiểu hơn câu kinh đã thuyết của Hội thứ III trên.

 

Sơ giải:

 

Phẩm “Chơn Như” của Hội thứ III này tương đương với phẩm cùng tên, gọi là “Chơn Như”, cuối quyển 318 cho đến đầu quyển 324, Hội thứ I. Phần đầu của phẩm này trước hết Kinh nói đến Bát nhã Ba la mật là khó thấy, khó giác. Kế đến Kinh đề cập đến chơn như thật tướng của các pháp. Phần sau Kinh nói về Bồ Tát trụ. Ý nghĩa của Bồ Tát trụ ở đây là Bồ Tát thực thi hạnh nguyện của mình theo Bồ Tát đạo để mang lại phúc lợi cho chúng sanh trong nghĩa thành thục chúng sanh, thanh tịnh Phật độ.

Phẩm này phần chính là thuyết về “Chơn như và Như Lai tùy sanh”, Hội thứ I đã thuyết giảng chỗ thâm yếu này. Nên ở đây chúng tôi không lặp lại nữa. Xin Quý vị quay lại phẩm “Chơn Như” của Hội thứ I, tham cứu nếu muốn!

 

---o0o---

 


 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
27/12/2016(Xem: 14556)
Lịch sử là bài học kinh nghiệm luôn luôn có giá trị đối với mọi tư duy, nhận thức và hành hoạt trong đời sống của con người. Không có lịch sử con người sẽ không bao giờ lớn khôn, vì sao? Vì không có lịch sử thì không có sự trải nghiệm. Không có sự trải nghiệm thì không có kinh nghiệm để lớn khôn.
22/12/2016(Xem: 11052)
Lợi ích của thiền hành Hòa thượng U Silananda Trong các khóa thiền tập của chúng ta, các thiền sinh phải tập chú niệm trong cả bốn tư thế đi, đứng, ngồi, nằm. Họ phải duy trì chánh niệm trong mọi thời khắc, ở mọi tư thế của họ.
14/10/2016(Xem: 6608)
Kỷ Yếu Chùa Pháp Vân, Tân Phú, Sài Gòn (PDF)
08/10/2016(Xem: 28883)
Đây không phải là bộ Tự Điển Anh-Việt VIệt-Anh bình thường, đây cũng không phải là Toàn Tập Thuật Ngữ Thiền. Đây chỉ là một bộ sách nhỏ gồm những từ ngữ Thiền và Phật Giáo căn bản, hay những từ thường hay gặp trong những bài thuyết giảng về Thiền, với hy vọng giúp những Phật Tử và hành giả tu Thiền nào mong muốn tìm hiểu thêm về những bài giảng về Thiền bằng Anh ngữ.
18/08/2016(Xem: 5889)
Tuyển Tập Biên Khảo Nguyễn Vĩnh Thượng 2016
15/07/2016(Xem: 13462)
1. Lời ngỏ. Ban Biên Tập 2. Diễn Văn Khai Mạc Khóa An Cư kỳ 17. TT Thích Tâm Phương 3. Hình ảnh Chư Tôn Đức Tăng Ni 4. Hình ảnh quý Phật tử tùng hạ 5. Bài kệ của Bồ Tát Di Lặc. HT Thích Huyền Tôn 6. Tuyết điểm đầu non. HT Thích Bảo Lạc 7. Hai hình ảnh một chuyến đi (thơ). HT Thích Tín Nghĩa 8. Con đường đi đến giải thoát sanh tử. HT Thích Như Điển 9. Thực hành Bồ Tát Hạnh. HT Thích Trường Sanh 10.Thơm danh Quảng Đức (thơ). HT Thích Giác Lượng 11.Còn mãi ánh trăng. HT Thích Minh Hiếu 12.Tăng trưởng lòng từ bi. TT Thích Nguyên Trực 13.Tri ân Đức Trưởng Lão HT Thích Huyền Tôn. TT Thích Tâm Phương 14.Ngắm Trăng Lăng Già. TT Thích Nguyên Tạng 15.Sức mạnh của Tăng Già. ĐĐ Thích Phổ Huân 16.Nghịch duyên trui rèn. ĐĐ Thích Viên Thành 17.Năm phương pháp diệt trừ phiền giận. ĐĐ Thích Đạo Nguyên 18.An Cư, mùa nạp năng lượng nhiều phước đức. Thích Thị Kỉnh
18/05/2016(Xem: 8160)
Nếp Sống Tỉnh Thức của Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14
02/05/2016(Xem: 8007)
Dòng sông đen ngòm chảy quanh thành phố; lặng lờ trôi bên những lầu đài và những căn nhà tồi tàn xiêu vẹo; luồn dưới những cây cầu nhỏ bắc qua hai bờ rác rến. Ai người thức/ngủ bên sông. Đêm ngày lao xao tiếng nói, giọng cười, và đôi khi là tiếng gầm thét của bão giông, sấm chớp. Lang thang đầu ghềnh, cuối bãi. Vời vợi mắt nhìn trời xanh. Ngồi một chỗ lắng nghe sông dài chuyển động. Quyện theo gió vẫn là hương thơm quen thuộc từ đồng nội kéo về. Ôi, nhớ nụ cười của Cha.
08/04/2016(Xem: 19046)
Nguyệt San Chánh Pháp, bộ mới, số 53, tháng 04 năm 2016, Những ngọn gió cuối mùa (hay đầu mùa?) đi ngang vườn cây vừa đơm lá mới. Những cánh hoa rơi còn vương vãi nơi này nơi kia, dưới những gốc cây lớn, nhỏ. Thỉnh thoảng, bụi và rác tung mù mịt theo gió. Gió qua rồi, rác nằm im, mà bụi hãy còn lơ lửng trong không. Bầu trời cuồn cuộn mây xám như thể chuẩn bị cho một cơn mưa lớn. Nhưng không. Chỉ có những hạt nước, nhỏ như bụi, lất phất rơi xuống thềm rêu xanh.
24/03/2016(Xem: 5966)
Đôi Lời Phật Dạy_Đỗ Đình Đồng tuyển dịch
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]