Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Kinh Bi Hoa (Kinh PDF)

18/08/201408:39(Xem: 27323)
Kinh Bi Hoa (Kinh PDF)

Kinh Bi Hoa
Kinh Bi Hoa
Nguyễn Minh Tiến dịch và chú giải,
Nguyễn Minh Hiến hiệu đính Hán văn


Tôi nghe như thế này:

Có một lúc đức Phật tại thành Vương Xá, núi Kỳ-xà-quật, cùng với sáu mươi hai ngàn vị đại tỳ-kheo. Các vị đều là những bậc A-la-hán đã dứt sạch lậu hoặc, không còn sinh khởi các phiền não, mọi việc đều được tự tại, tâm được giải thoát, trí huệ được giải thoát, như các bậc đại long tượng khéo điều phục. Các ngài đã làm xong mọi việc cần làm, buông bỏ được gánh nặng, tự thân đã được sự lợi ích, dứt hết mọi chấp hữu, đạt trí huệ chân chánh nên tâm được tự tại. Hết thảy các ngài đều đã được giải thoát, chỉ trừ ngài A-nan.

Trong pháp hội có bốn trăm bốn mươi vạn Bồ Tát, đứng đầu là Bồ Tát Di-lặc. Các vị đều đã đạt được các pháp nhẫn nhục, thiền định, đà-la-ni. Các ngài hiểu sâu ý nghĩa các pháp đều là không và hoàn toàn không có tướng nhất định. Các vị đại sĩ như thế đều là những bậc không còn thối chuyển trên đường tu tập.

Bấy giờ lại có vị Đại Phạm thiên vương và vô số trăm ngàn thiên tử ở cõi trời ấy, cùng với vị Thiên vương cõi trời Tha hóa tự tại và số quyến thuộc là bốn trăm vạn cùng đến dự pháp hội.

Lại có vị Hoá Lạc Thiên vương với số quyến thuộc là ba trăm năm mươi vạn cùng đến dự pháp hội.

Lại có vị Đâu-suất Thiên vương với số quyến thuộc là ba trăm vạn cùng đến dự pháp hội.

Lại có vị Dạ-ma Thiên vương với số quyến thuộc là ba trăm năm mươi vạn cùng đến dự pháp hội.

Lại có vị Đao-lợi Thiên vương Thích-đề-hoàn-nhân với số quyến thuộc là bốn trăm vạn cùng đến dự pháp hội.

Lại có vị Tỳ-sa-môn Thiên vương với quyến thuộc mười vạn quỷ thần cùng đến dự pháp hội.

Lại có vị Tỳ-lâu-lặc Thiên vương với quyến thuộc một ngàn quỷ câu-biện-đồ cùng đến dự pháp hội.

Lại có vị Tỳ-lâu-la-xoa Thiên vương với quyến thuộc một ngàn con rồng cùng đến dự pháp hội.

Lại có vị Đề-đầu-lại-trá Thiên vương với quyến thuộc một ngàn càn-thát-bà cùng đến dự pháp hội.

Lại có các vị Nan-đà Long vương, Bà-nan-đà Long vương, mỗi vị đều dẫn theo một ngàn quyến thuộc cùng đến dự pháp hội.

Hết thảy chúng hội như trên đều là những vị đã phát tâm hướng về Đại thừa, đều đã thực hành sáu pháp ba-la-mật.

Bấy giờ, đức Thế Tôn ở giữa đại chúng, vì đại chúng mà thuyết giảng giáo pháp nhiệm mầu, trừ sạch bốn điên đảo, khiến cho được rõ biết các pháp lành, được ánh sáng trí huệ, thấu hiểu Bốn thánh đế, lại vì muốn giúp cho các vị Bồ Tát trong đời vị lai được nhập vào Tam-muội. Nhập Tam-muội rồi sẽ vượt hơn cảnh giới của hàng Thanh văn và Bích-chi Phật, đối với quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề không còn thối chuyển.

Lúc bấy giờ, có các vị Bồ Tát như Bồ Tát Di-lặc, Bồ Tát Vô Si Kiến, Bồ Tát Thủy Thiên, Bồ Tát Sư Tử Ý, Bồ Tát Nhật Quang... những vị Bồ Tát đứng đầu như vậy có đến mười ngàn vị, cùng đứng dậy từ chỗ ngồi, trần vai áo bên phải, quỳ gối phải sát đất, chắp tay hướng về phương đông nam, hết lòng hoan hỷ, cung kính chiêm ngưỡng rồi niệm rằng:

“Nam-mô Liên Hoa Tôn Đa-đà-a-già-độ, A-la-ha, Tam-miệu Tam-phật-đà! Nam-mô Liên Hoa Tôn, Đa-đà-a-già-độ, A-la-ha, Tam-miệu Tam-phật-đà! Đức Thế Tôn thật ít có thay! Ngài thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề chưa bao lâu mà đã có thể thị hiện vô số các phép thần thông biến hóa, khiến cho vô số chúng sinh được gieo trồng căn lành, đối với quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề không còn thối chuyển.”

Bấy giờ, trong chúng hội có vị Đại Bồ Tát tên là Bảo Nhật Quang Minh, từ chỗ ngồi đứng dậy trần vai áo bên phải, quỳ gối phải sát đất, chắp tay hướng về đức Phật thưa hỏi rằng: “Bạch Thế Tôn! Do nhân duyên gì mà các vị Bồ Tát như Bồ Tát Di-lặc, Bồ Tát Vô Si Kiến, Bồ Tát Thủy Thiên, Bồ Tát Sư Tử Ý, Bồ Tát Nhật Quang... những vị Bồ Tát đứng đầu như vậy có đến mười ngàn vị, cùng đứng dậy từ chỗ ngồi, trần vai áo bên phải, quỳ gối phải sát đất, chắp tay hướng về phương đông nam, hết lòng hoan hỷ, cung kính chiêm ngưỡng rồi niệm rằng: ‘Nam-mô Liên Hoa Tôn Đa-đà-a-già-độ, A-la-ha, Tam-miệu Tam-phật-đà! Nam-mô Liên Hoa Tôn, Đa-đà-a-già-độ, A-la-ha, Tam-miệu Tam-phật-đà! Đức Thế Tôn thật ít có thay! Ngài thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề chưa bao lâu mà đã có thể thị hiện vô số các phép thần thông biến hóa, khiến cho vô số chúng sinh được gieo trồng căn lành.’

“Bạch Thế Tôn! Đức Phật Liên Hoa Tôn ở cách nơi này gần hay xa? Ngài thành đạo đến nay đã bao lâu? Cõi nước của ngài tên gọi là gì? Lấy gì để trang nghiêm? Đức Phật Liên Hoa Tôn vì sao lại thị hiện đủ các phép biến hóa? Phải chăng khi chư Phật thị hiện vô số các phép thần thông biến hóa trong mười phương thế giới, có các Bồ Tát nhìn thấy được, còn riêng con thì không?”

Bấy giờ, Phật bảo Bồ Tát Bảo Nhật Quang Minh rằng: “Lành thay, lành thay! Thiện nam tử! Câu hỏi của ông thật là quý giá như trân bảo, thật là hiền thiện, thật là khéo biện luận, thật là khéo thưa hỏi! Nay ông có thể thưa hỏi Như Lai về nghĩa nhiệm mầu như vậy, vì muốn giáo hóa cho vô số chúng sinh được gieo trồng căn lành, muốn được hiển bày cảnh giới của đức Phật Liên Hoa Tôn với đủ mọi sự trang nghiêm. Thiện nam tử! Nay ta sẽ thuyết giảng. Ông hãy lắng nghe, lắng nghe. Hãy khéo suy ngẫm! Hãy khéo nhận lãnh!”

Bồ Tát Bảo Nhật Quang Minh khi ấy hết lòng hoan hỷ lắng nghe lời dạy.

Đức Thế Tôn liền bảo Bồ Tát Bảo Nhật Quang Minh rằng: “Thiện nam tử! Về hướng đông nam, cách đây một ức trăm ngàn cõi Phật, có cõi Phật tên là Liên Hoa với đủ mọi sự trang nghiêm tốt đẹp, có các loại hương thơm bay khắp nơi, các loài cây quý mọc lên tô điểm cho đủ loại núi quý, mặt đất có màu xanh biếc như lưu ly. Cõi Phật ấy có vô số các vị Bồ Tát trong khắp cõi nước, có tiếng hay lạ thuyết giảng pháp lành vang vọng khắp nơi. Mặt đất mềm mại êm ái như loại vải của chư thiên cõi trời, khi đi bàn chân lún sâu vào đất đến bốn tấc, lúc nhấc chân lên thì mặt đất tự nhiên khép lại và sinh ra đủ các loại hoa sen.

“Cây cối bằng bảy món báu, cao đến bảy do-tuần, trên các cành cây tự nhiên có áo cà-sa cõi trời treo lơ lửng. Nơi cõi Phật ấy thường được nghe tiếng âm nhạc của chư thiên. Trong tiếng chim hót thường vang ra những âm thanh diễn thuyết nhiệm mầu về các pháp căn, lực và giác ý. Những cành lá trên cây chạm vào nhau tạo thành âm thanh hay lạ, hơn cả các loại âm nhạc ở hai cõi trời, người. Hương thơm từ mỗi rễ cây tỏa ra đều thơm hơn cả hương của chư thiên, tỏa khắp quanh đó đến hơn một ngàn do-tuần. Trên cây có những chuỗi ngọc anh lạc của chư thiên treo lơ lửng. Lại có lầu bằng bảy báu cất lên cao đến hơn năm trăm do-tuần, bề rộng ở giữa đến cả trăm do-tuần. Những lan can bao quanh lầu đều được làm bằng bảy món báu. Bốn phía lầu đều có hồ nước lớn, dài tám mươi do-tuần, rộng năm mươi do-tuần. Quanh những hồ nước ấy đều có các bậc thềm làm đường đi lên, chỉ thuần bằng bảy báu. Trong hồ nước lại có bốn loại hoa sen là hoa ưu-bát-la, hoa câu-vật-đầu, hoa ba-đầu-ma và hoa phân-đà-lợi. Mỗi bông hoa có đường kính rộng đến một do-tuần.

“Vào lúc đầu hôm có các vị Bồ Tát sinh ra từ giữa đài hoa, ngồi kết già nơi ấy mà tận hưởng niềm vui giải thoát. Vừa quá nửa đêm, có gió từ bốn phương thổi đến, êm dịu và thơm tho, chạm nhẹ vào thân các vị Bồ Tát. Gió ấy thổi khắp mọi nơi, có thể làm cho những đóa hoa còn đang khép kín phải nở rộ ra. Lúc bấy giờ, các vị Bồ Tát ra khỏi Tam-muội, lại tiếp tục hưởng niềm vui giải thoát. Các ngài rời khỏi đài sen để lên lầu cao, ngồi nơi tòa bằng bảy báu mà lắng nghe chánh pháp nhiệm mầu.

“Bốn phía vây quanh nơi ấy đều có những quả núi bằng loại vàng ròng sắc đỏ tía quý nhất, cao đến hai mươi do-tuần, ngang dọc bằng nhau đến ba do-tuần, trên núi có vô số các loại trân bảo, ngọc lưu ly màu xanh biếc, màu đỏ, ánh sáng lấp ánh xen lẫn nhau.

“Bấy giờ, đức Phật Liên Hoa Tôn dùng ánh hào quang sáng rực hòa cùng ánh sáng của các loại trân bảo chiếu rõ cõi Phật ấy. Ánh sáng nơi cõi Phật ấy là mầu nhiệm, tinh tế bậc nhất nên không còn thấy mặt trời, mặt trăng, cũng không phân biệt được đêm ngày, chỉ xem những cánh hoa khép lại và loài chim đậu lên cành nghỉ để biết ngày giờ. Trên núi báu ấy lại có đài cao xinh đẹp bằng ngọc lưu ly màu xanh biếc, cao đến sáu mươi do-tuần, hai bề ngang dọc bằng nhau là hai mươi do-tuần. Bốn phía quanh đài đều có lan can làm bằng bảy báu. Ngay giữa đài có những giường quý cũng làm bằng bảy báu. Mỗi giường đều có một vị Bồ Tát Nhất sinh, ngồi trên giường lắng nghe và thọ nhận chánh pháp.

“Thiện nam tử! Cõi Phật ấy có cây Bồ-đề tên gọi là Nhân-đà-la, cao đến ba ngàn do-tuần, đường kính thân cây đến năm trăm do-tuần, cành lá rộng ra đến một ngàn do-tuần. Bên dưới cây ấy có hoa sen, cuống hoa bằng ngọc lưu ly cao năm trăm do-tuần. Mỗi một đóa hoa đều có một triệu cái lá bằng vàng cao đến năm do-tuần, đài hoa bằng mã não, tua hoa bằng bảy món báu, cao đến mười do-tuần, hai bề ngang dọc đều rộng đến bảy do-tuần.

“Bấy giờ, đức Phật Liên Hoa Tôn ngồi trên đóa hoa ấy, chỉ qua một đêm mà thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Bao quanh đóa hoa dưới cội Bồ-đề ấy lại có đủ các loại hoa sen khác, mỗi đóa hoa sen đều có các vị Bồ Tát ngồi trên đó mà nhìn thấy đức Phật Liên Hoa Tôn hiện đủ các phép thần thông biến hóa.”

Khi đức Phật Thích-ca Mâu-ni thuyết dạy việc này xong, Bồ Tát Bảo Nhật Quang Minh liền bạch Phật rằng: “Bạch Thế Tôn! Đức Phật Liên Hoa Tôn dùng tướng mạo gì để thực hiện các phép biến hóa? Xin đức Thế Tôn thuyết dạy.”

Đức Phật bảo Bồ Tát Bảo Nhật Quang Minh: “Thiện nam tử! Đức Phật Liên Hoa Tôn chỉ qua một đêm đã thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Đức Phật ấy vừa quá nửa đêm thì thị hiện các phép thần túc biến hóa, hiện thân cao đến tận cõi trời Phạm thiên, từ tướng nhục kế trên đỉnh đầu phóng ra sáu mươi ức na-do-tha trăm ngàn đạo hào quang, chiếu về phương trên đến vô số cõi Phật nhiều như số hạt bụi nhỏ.

“Bấy giờ, các vị Bồ Tát ở phương trên không còn nhìn thấy mọi hình sắc ở phương dưới, từ các núi Thiết-vi cho đến các núi nhỏ, chỉ còn nhìn thấy các thế giới được chiếu sáng trong ánh hào quang của Phật. Trong các thế giới ấy có các vị Bồ Tát đều được thọ ký, hoặc được các phép Đà-la-ni, Tam-muội Nhẫn nhục, hoặc được tiến lên địa vị Nhất sinh bổ xứ. Các vị Bồ Tát này đều tự thân có hào quang, nhưng do hào quang của Phật nên không thể hiển lộ. Toàn thể chúng hội như vậy đều chắp tay hướng về đức Phật Liên Hoa Tôn mà chiêm ngưỡng tôn nhan. Khi ấy, các vị chỉ còn nhìn thấy ba mươi hai tướng tốt của Phật, chuỗi ngọc anh lạc trên thân và tám mươi vẻ đẹp trang nghiêm thân Phật.

“Các vị Bồ Tát nhìn thấy đức Phật Liên Hoa Tôn cùng với cõi thế giới đủ mọi vẻ trang nghiêm liền sinh lòng vui mừng. Bấy giờ, trong vô số cõi thế giới của chư Phật nhiều như số hạt bụi nhỏ, các vị Đại Bồ Tát được nhìn thấy hào quang biến hóa của đức Phật Liên Hoa Tôn cùng với cõi thế giới ấy rồi, mỗi vị đều tự lìa bỏ cõi nước của mình, tự dùng phép thần túc mà cùng nhau đến hội nơi chỗ đức Phật ấy, đi quanh lễ bái và cúng dường tôn trọng, cung kính ngợi khen.

“Thiện nam tử! Khi ấy đức Phật Liên Hoa Tôn nhìn thấy các vị Bồ Tát liền hiện tướng lưỡi rộng dài phủ khắp các cõi Tứ thiên hạ với hết thảy chúng sinh đang đi, đứng, ngồi... hoặc có các vị Bồ Tát đang nhập thiền định, vừa ra khỏi định liền đứng dậy giữa đại chúng, đi quanh lễ bái, cúng dường tôn trọng, cung kính ngợi khen đức Phật Liên Hoa Tôn.

“Thiện nam tử! Đức Phật ấy sau khi hiện tướng lưỡi rộng dài như vậy rồi, liền thâu lại như bình thường.

“Thiện nam tử! Sau đó đức Phật Liên Hoa Tôn lại phóng ra hào quang từ các lỗ chân lông trên thân mình. Mỗi một lỗ chân lông đều phát ra sáu mươi ức na-do-tha trăm ngàn đạo hào quang rực sáng. Ánh sáng mầu nhiệm ấy chiếu khắp mười phương, mỗi một phương đều soi thấu vô số cõi Phật thế giới nhiều như số hạt bụi nhỏ. Trong mỗi thế giới ấy đều có các vị Bồ Tát được thọ ký, hoặc được phép Đà-la-ni, Tam-muội Nhẫn nhục, hoặc được tiến lên địa vị Nhất sinh bổ xứ. Các vị Bồ Tát ấy nhìn thấy hào quang của Phật rồi, mỗi vị đều từ bỏ cõi thế giới của mình, nương theo sức thần thông của Phật mà cùng đến hội nơi cõi Phật Liên Hoa Tôn, cùng nhau đi quanh lễ bái và cúng dường tôn trọng, cung kính ngợi khen.

“Thiện nam tử! Lúc bấy giờ, đức Phật ấy sau khi đã hiện phép biến hóa như vậy rồi, liền thâu nhiếp thần lực, rồi vì các vị Bồ Tát và đại chúng mà giảng thuyết chánh pháp, chuyển bánh xe chánh pháp không còn thối chuyển, vì muốn cho vô số chúng sinh được lợi ích lớn, được niềm vui lớn. Ngài thương xót tất cả thế gian nên muốn vì hàng trời, người mà ban cho đầy đủ giáo pháp Đại thừa cao trổi nhất!”




Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
01/11/2012(Xem: 13934)
Khi Phật đã thành đạo và thành lập giáo đoàn với năm vị đệ tử tì kheo đầu tiên tại vườn Nai, mọi người dân Ấn vẫn chưa biết gì về Phật. Đến lúc giáo đoàn đông dần, và các vị đệ tử đầu tiên đã có đầy đủ khả năng và đạo hạnh để tự mình đi hành hóa các nơi, thì người ta mới bắt đầu nghe nói đến “Phật"! Cho đến gần một năm sau, khi Phật thu phục được ba anh em Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp, tiếp đến là Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên, và sau đó không lâu là Đại Ca Diếp, thì tiếng tăm của Phật mới thực sự vang khắp bốn phương, trong triều ngoài nội ai ai cũng biết!
10/08/2012(Xem: 12955)
Kinh Kim Cương lấy vô tướng làm tông, vô trụ làm thể, diệu hữu làm dụng. Từ khi Bồ-đề Đạt-ma đến từ Tây Trúc truyền trao ý chỉ kinh này khiến người đời ngộ lý đạo, thấy tính. Chỉ vì người đời không thấy tự tính nên lập pháp môn kiến tính, nếu thấy được bản thể chân như thì chẳng cần lập pháp môn. Kinh Kim Cương Bát-nhã này được vô số người đọc tụng, vô biên người xưng tán, có hơn tám trăm nhà luận giải. Sự tạo luận tùy theo cái thấy của mỗi người. Năng lực thấy đạo dầu không đồng, nhưng chân lý thì không hai.
26/07/2012(Xem: 12522)
Giáo pháp Thiền giống như một cánh cửa sổ. Trước nhất chúng ta mới nhìn vào chỉ thấy bề mặt phản ánh lờ mờ. Nhưng khi chúng ta tu hành thì khả năng nhìn thấy trở nên rõ ràng.
25/07/2012(Xem: 13139)
Phương Thức Thực Hành Hạnh Bồ Tát (Bodhicharyàvatàra) là Thi phẩm bằng tiếng Phạn của Tôn giả Tịch Thiên (Sàntideva) khi ngài tu học ở Học viện Phật giáo Nalandà, Ấn độ vào thế kỷ thứ bảy Tây lịch. Đây cũng là tác phẩm Tạng ngữ vô cùng quan trọng, áp dụng vào chương trình học tập cho các tu sĩ Tây Tạng.
30/05/2012(Xem: 6691)
LƯỢC SỬ PHẬT GIÁO & HỒI GIÁO TẠI AFGHANISTAN · Địa lý · Sự hiện diện của Phật Giáo vào buổi đầu · Trường phái Nhất Thiết Hữu Bộ và Vương quốc Graeco-Bactrian · Thời đại Kushan · Người White Huns và Turki Shahis · Tây Thổ Nhĩ Kỳ (The Western Turks) · Thời đại Umayyad và sự mở đầu của Hồi giáo · Liên minh Tây Tạng · Đầu thời kỳ Abbasid · Cuộc nổi loạn chống lại đế chế Abbasids · Triều đại Tahirid, Saffarid, và Hindu Shahi · Triều đại Samanid, Ghaznavid, và Seljuk · Triều đại Qaraqitan và Ghurid · Thời kỳ Mông Cổ (Mongol)
12/05/2012(Xem: 7737)
Sinh năm 1952 tại Tây Tạng, Ringu Tulku từng là một giáo sư Đại học về những vấn đề Tây Tạng trong mười bảy năm và là một giáo sư thỉnh giảng tại Đại Học Naropa ở Boulder, Colorado, Hoa Kỳ, trong năm năm. Ngài là giám đốc của bảy trung tâm thiền định ở Âu Châu, Hoa Kỳ, và Ấn Độ. Ngài đã du hành và giảng dạy rộng rãi ở Âu Châu và Hoa Kỳ. Mọi điều tôi huyên thuyên nhân danh Giáo Pháp đã được các đệ tử có thị kiến thuần tịnh ghi lại một cách trung thực. Nguyện rằng ít nhất một mẩu nhỏ trí tuệ của các bậc Thầy giác ngộ đã không biết mệt mỏi dạy dỗ, có thể soi chiếu mớ hiểu biết rời rạc của tôi.
27/03/2012(Xem: 10826)
Bản kinh này do Ban phiên dịch Đại tạng kinh Việt Nam giao cho Đại đức Thích Đồng Ngộ dịch quyển thượng và con dịch quyển hạ vào cuối năm 2007. Vì lý do nào đó, quyển kinh được yêu cầu phải dịch gấp, nên quá trình phiên dịch vấp phải nhiều khó khăn, bản dịch do vậy không được như ý. Nay chúng con có hiệu đính lại, và dù rất cố gắng, chắc cũng còn có chỗ chưa thỏa đáng. Giá như có một hội đồng thẩm định, cùng đọc các bản dịch, rồi hiệu đính thì hay biết mấy! Chúng con xin phổ biến bản dịch này để mong được chư tôn đức bổ chính cho.
16/02/2012(Xem: 7858)
‘Sự quyến rũ của Đạo Phật Trong Thế Giới Mới’ được tuyển dịch từ những bài viết và pháp thoại của nhiều bậc Tôn túc và các học giả Phật Giáo nổi tiếng thế giới...
01/01/2012(Xem: 9091)
Tập sách Lối về Sen Nở bao gồm những bài viết, bản dịch, bài tham luận trong các kỳ hội thảo, đăng rải rác trên các tạp chí, nguyệt san Phật giáo mấy thập niên qua. Nội dung chủ yếu nói về nhân cách của bậc Đạo sư, giáo pháp của Ngài và lợi ích thiết thực khi thực hiện những lời dạy ấy. Tất cả các bài viết được trình bày một cách giản dị, mạnh lạc, rõ ràng, nhằm giới thiệu nội dung Phật học cơ bản được trích dẫn từ một số kinh điển Bắc truyền và Nam truyền.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]