Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Kinh Kim Cương Bát Nhã Giảng Nghĩa (PDF)

10/08/201208:02(Xem: 12874)
Kinh Kim Cương Bát Nhã Giảng Nghĩa (PDF)
KINH KIM CƯƠNG BÁT NHÃ
GIẢNG NGHĨA

Lục Tổ Huệ Năng
(Nguyên Hiển dịch)
Nhà xuất bản Phương Đông 2009


kinhkimcangbatnhagiangnghia_huenangnguyenhien

Lời nói đầu

Bản kinh Kim Cương Bát-nhã Ba-la-mật do Lục tổ Huệ Năng giảng nghĩa được tìm thấy trong Tục Tạng Kinh Trung Hoa (Vạn, số 459 A) chưa được dịch ra tiếng Việt.

Hôm nay tôi cố gắng dịch để gửi tặng chư Tăng Ni và Phật tử Việt Nam tại quốc nội cũng như ở hải ngoại nhân mùa Phật Đản Vesak 2008, kèm theo bản dịch Anh ngữ của Thomas Cleary.

Bản dịch chính văn của Kinh Kim Cương Bát-nhã thì Tổ Huệ Năng đã theo bản Hán dịch của Tam tạng pháp sư Cưu-ma-la-thập, phần phân mục này theo Thái tử Chiêu Minh. Nay trong bản dịch tiếng Việt này, phần chính văn Kinh Kim Cương Bát-nhã thì tôi theo bản Việt dịch của Hòa thượng Thich Trí Quang, phần phân mục tôi vẫn giữ theo Thái tử Chiêu Minh.

Sơ dĩ bản dịch Anh ngữ của Thomas Cleary được kèm theo là để giúp quý Tăng Ni Phật tử tiện nghiên cứu các danh từ Phật học Anh ngữ, cũng để giúp các Phật tử Việt Nam ở hải ngoại có thể đọc tụng Kinh Kim Cương bằng Anh ngữ.

Kinh Kim Cương và Pháp Hoa là hai kinh được trì tụng nhiều nhất ở Việt Nam và Trung Hoa. Những sự linh nghiệm xảy ra ở Trung Hoa còn được ghi lại thì Kinh Kim Cương có 113 tờ, so với 37 tờ của Kinh Pháp Hoa ( Vạn, 149/38-150)

Kinh Kim Cương liên hệ trọn vẹn đối với Lục tổ Huệ Năng, từ khi thoáng nghe cho đến khi được trao truyền y bát làm Tổ thứ 6 của Thiền tông Trung Hoa. Thật là thích thú khi được đọc, nghiên cứu những giải thích, giảng nghĩa của Tổ Huệ Năng. Ngộ nhập Kinh Kim Cương tức ngộ nhập Phật tâm, vào Vô thượng chính đẳng Bồ-đề.

Tôi xin chân thành cám ơn Cư sĩ Nguyên Hồng đã đọc lại, hiệu chính bản văn trước khi in. Dịch Hán văn cổ của thế kỷ thứ 8, chắc không sao tránh khỏi khuyết điểm, mong các vị cao minh chỉ giáo để kỳ tái bản được hoàn chỉnh hơn.

Tôi xin đề tặng bản quyền của dịch phẩm này cho Trung tâm văn hóa Phật giáo Liễu Quán Huế.

California, mùa Vesak 2008
Nguyên Hiển


Bài tựa
Kinh Kim Cương Bát-nhã Ba-la-mật
giảng nghĩa

Nguyên tác: Lục tổ Huệ Năng
Việt dịch: Nguyên Hiển


Kinh Kim Cương lấy vô tướng làm tông, vô trụ làm thể, diệu hữu làm dụng. Từ khi Bồ-đề Đạt-ma đến từ Tây Trúc truyền trao ý chỉ kinh này khiến người đời ngộ lý đạo, thấy tính. Chỉ vì người đời không thấy tự tính nên lập pháp môn kiến tính, nếu thấy được bản thể chân như thì chẳng cần lập pháp môn.

Kinh Kim Cương Bát-nhã này được vô số người đọc tụng, vô biên người xưng tán, có hơn tám trăm nhà luận giải. Sự tạo luận tùy theo cái thấy của mỗi người. Năng lực thấy đạo dầu không đồng, nhưng chân lý thì không hai.

Những người thượng căn một lần nghe liền liễu ngộ. Những người độn căn dầu đọc tụng nhiều nhưng không thông đạt Phật ý. Đó là lý do cần giải thích nghĩa lý của Thánh nhân để đoạn trừ nghi lầm. Nếu hiểu được ý chỉ của kinh, không còn nghi lầm, thì không cần giải thích.

Như Lai từ ngàn xưa thuyết giảng thiện pháp là để diệt trừ tâm xấu ác của phàm phu. Kinh là lời dạy của Thánh nhân để người đời nghe lĩnh hội mà vượt qua thân phận phàm phu, thấy thánh đạo, vĩnh viễn diệt trừ mê tâm.

Một quyển kinh văn này, tự tính chúng sinh đều có mà không thấy bởi chỉ đọc tụng lời văn. Nếu ngộ được bản tâm thì biết ngay rằng kinh chẳng ở nơi văn tự. Có khả năng thấy rõ tự tính mới có thể tin rằng tất cả chư Phật đều từ kinh này mà ra.

Nay sợ người đời tìm Phật ngoài thân, hướng ra ngoài mà kiếm kinh, không khai phát nội tâm, không gìn giữ cái ý nghĩa kinh trong tâm của mình, vì vậy mới phải tạo luận, giải quyết nghi lầm để người tu học biết giữ lấy kinh trong tâm của mình, thấu rõ Phật tâm thanh tịnh vô lượng vô biên không thể nghĩ bàn.

Nếu kẻ hậu học đọc kinh còn nghi ngờ, đọc lời giải thích này các nghi vấn sẽ tan dứt. Mong người tu học biết có vàng trong quặng và dùng lửa trí tuệ nấu chảy quặng để được vàng.

Đức Bản sư Thích-ca nói Kinh Kim Cương tại nước Xá-vệ (Shravasti) là do Tu-bồ-đề (Subhuti) thưa thỉnh. Phật từ bi tuyên thuyết, Tu-bồ-đề nghe pháp tỏ ngộ xin Phật đặt tên kinh để người sau theo đó mà thụ trì. Vì vậy trong kinh có nói : “Phật bảo Tu-bồ-đề kinh này tên là Kim Cương Bát-nhã Ba-la-mật (Vajra-Prajñapāramitā), ông nên phụng trì như vậy!”

Như Lai nói Kinh Kim Cương Bát-nhã Ba-la-mật là ẩn dụ cho chân lý. Nghĩa ấy thế nào? Kim cương là báu vật của thế giới, tính cứng sắc bén có thể làm vỡ nát các vật.

Kim loại tuy rất cứng, sừng linh dương có thể phá hoại. Kim cương dụ Phật tính, sừng linh dương dụ phiền não. Kim loại tuy cứng, sừng linh dương vẫn có thể phá hoại. Phật tính tuy kiên cố, phiền não vẫn có thể não loạn. Phiền não tuy cứng chắc, trí Bát-nhã vẫn phá được. Sừng linh dương tuy cứng chắc nhưng sắt thép có thể cắt được.

Người ngộ lý này tức thấy được Phật tính.

Kinh Niết-bàn nói : “Người thấy được Phật tính, không gọi là chúng sinh, không thấy Phật tính, gọi là chúng sinh.” Như Lai ví dụ kim cương vì người đời tính không kiên cố, tuy miệng tụng kinh mà ánh sáng tuệ giác không phát. Nếu ngoài tụng trong hành trì, ánh sáng tuệ giác sẽ phát sinh. Nếu nội tâm không kiên cố thì định tuệ liền mất. Miệng tụng tâm hành định tuệ đồng đẳng, như vậy là rốt ráo.
Vàng ở trong núi, núi không biết vàng là báu. Báu vật không biết núi, núi không biết báu vật. Vì sao? Vì vật là vô tính.

Con người là hữu tính, biết sử dụng của báu. Nếu tìm được thợ mỏ, đục núi phá đá, lấy quặng đúc luyện thành vàng ròng, tùy ý sử dụng không còn nghèo khổ.

Cũng thế, Phật tính ở trong thân tứ đại này. Thân dụ thế giới, nhân ngã dụ núi cao, phiền não dụ quặng mỏ. Phật tính dụ vàng, trí tuệ dụ thợ mỏ, tinh tiến dũng mãnh dụ cho sự công phá đúc luyện.
Trong thế giới của thân có núi nhân ngã, trong núi nhân ngã có quặng mỏ phiền não, trong quặng mỏ phiền não có báu vật Phật tính, trong báu vật Phật tính có thợ trí tuệ.

Dùng thợ trí tuệ công phá núi nhân ngã, sẽ thấy có quặng mỏ phiền não. Dùng lửa giác ngộ luyện rèn, sẽ thấy được Phật tính kim cương của mình trong sạch chiếu sáng.

Vì vậy kim cương được dùng làm ví dụ và đặt tên kinh là như thế.

Nếu chỉ hiểu suông mà không thực hành, tức chỉ có tên không có thực chất. Nếu có trí có hành, tức có tên và bản chất đầy đủ. Không tu là phàm phu, tu là tương đồng với Thánh trí, nên gọi là kim cương.

Bát-nhã là gì? Bát-nhã (Prajñā) là danh từ tiếng Phạn, tiếng Trung Hoa là trí tuệ. Người trí không khởi tâm mê, người tuệ có phương tiện khéo léo. Tuệ là thể của trí, trí là dụng của tuệ.

Nếu trong thể có tuệ thì dụng trí không ngu. Thể mà không có tuệ thì dụng ngu không trí. Vì ngu si chưa ngộ nên tu trí tuệ để diệt trừ, cho nên gọi là Ba-la-mật.

Ba-la-mật (Pāramitā) là gì? Tiếng Trung Hoa nghĩa là đến bờ kia. Đến bờ kia nghĩa là thoát ly sinh diệt. Vì người đời tính không kiên cố, đối với tất cả vạn vật đều khởi ý tưởng sinh diệt, trôi lăn trong các nẻo, chưa đến bờ Chân như, nên gọi là bờ bên này. Điều thiết yếu là có đại trí tuệ đối với tất cả pháp, hoàn toàn xa lìa ý tưởng sinh diệt, tức là đến bờ kia.

Vậy nên nói tâm mê là bờ này, tâm ngộ là bờ kia. Tâm tà là bờ này, tâm chính là bờ kia. Miệng nói tâm hành tức tự Pháp thân có Ba-la-mật. Miệng nói tâm chẳng hành, tức không có Ba-la-mật.

Sao gọi là kinh? Kinh là con đường để thành tựu Phật đạo. Phàm người muốn phát tâm thành tựu Phật đạo, trong tâm phải tu hạnh Bát-nhã cho đến chỗ rốt ráo. Còn như chỉ miệng tụng niệm suông mà tâm không y theo đó hành trì thì tự tâm không có kinh. Thấy đúng, thật hành đúng là tự tâm có kinh. Vì vậy Như Lai đặt tên kinh này là Kinh Kim Cương Bát-nhã Ba-la-mật./.


XEM NỘI DUNG PHIÊN BẢN PDF: KINH KIM CƯƠNG BÁT NHÃ GIẢNG NGHĨA - Lục Tổ Huệ Năng (Nguyên Hiển dịch)


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
01/11/2012(Xem: 13680)
Khi Phật đã thành đạo và thành lập giáo đoàn với năm vị đệ tử tì kheo đầu tiên tại vườn Nai, mọi người dân Ấn vẫn chưa biết gì về Phật. Đến lúc giáo đoàn đông dần, và các vị đệ tử đầu tiên đã có đầy đủ khả năng và đạo hạnh để tự mình đi hành hóa các nơi, thì người ta mới bắt đầu nghe nói đến “Phật"! Cho đến gần một năm sau, khi Phật thu phục được ba anh em Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp, tiếp đến là Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên, và sau đó không lâu là Đại Ca Diếp, thì tiếng tăm của Phật mới thực sự vang khắp bốn phương, trong triều ngoài nội ai ai cũng biết!
26/07/2012(Xem: 12429)
Giáo pháp Thiền giống như một cánh cửa sổ. Trước nhất chúng ta mới nhìn vào chỉ thấy bề mặt phản ánh lờ mờ. Nhưng khi chúng ta tu hành thì khả năng nhìn thấy trở nên rõ ràng.
25/07/2012(Xem: 12933)
Phương Thức Thực Hành Hạnh Bồ Tát (Bodhicharyàvatàra) là Thi phẩm bằng tiếng Phạn của Tôn giả Tịch Thiên (Sàntideva) khi ngài tu học ở Học viện Phật giáo Nalandà, Ấn độ vào thế kỷ thứ bảy Tây lịch. Đây cũng là tác phẩm Tạng ngữ vô cùng quan trọng, áp dụng vào chương trình học tập cho các tu sĩ Tây Tạng.
30/05/2012(Xem: 6648)
LƯỢC SỬ PHẬT GIÁO & HỒI GIÁO TẠI AFGHANISTAN · Địa lý · Sự hiện diện của Phật Giáo vào buổi đầu · Trường phái Nhất Thiết Hữu Bộ và Vương quốc Graeco-Bactrian · Thời đại Kushan · Người White Huns và Turki Shahis · Tây Thổ Nhĩ Kỳ (The Western Turks) · Thời đại Umayyad và sự mở đầu của Hồi giáo · Liên minh Tây Tạng · Đầu thời kỳ Abbasid · Cuộc nổi loạn chống lại đế chế Abbasids · Triều đại Tahirid, Saffarid, và Hindu Shahi · Triều đại Samanid, Ghaznavid, và Seljuk · Triều đại Qaraqitan và Ghurid · Thời kỳ Mông Cổ (Mongol)
12/05/2012(Xem: 7693)
Sinh năm 1952 tại Tây Tạng, Ringu Tulku từng là một giáo sư Đại học về những vấn đề Tây Tạng trong mười bảy năm và là một giáo sư thỉnh giảng tại Đại Học Naropa ở Boulder, Colorado, Hoa Kỳ, trong năm năm. Ngài là giám đốc của bảy trung tâm thiền định ở Âu Châu, Hoa Kỳ, và Ấn Độ. Ngài đã du hành và giảng dạy rộng rãi ở Âu Châu và Hoa Kỳ. Mọi điều tôi huyên thuyên nhân danh Giáo Pháp đã được các đệ tử có thị kiến thuần tịnh ghi lại một cách trung thực. Nguyện rằng ít nhất một mẩu nhỏ trí tuệ của các bậc Thầy giác ngộ đã không biết mệt mỏi dạy dỗ, có thể soi chiếu mớ hiểu biết rời rạc của tôi.
27/03/2012(Xem: 10736)
Bản kinh này do Ban phiên dịch Đại tạng kinh Việt Nam giao cho Đại đức Thích Đồng Ngộ dịch quyển thượng và con dịch quyển hạ vào cuối năm 2007. Vì lý do nào đó, quyển kinh được yêu cầu phải dịch gấp, nên quá trình phiên dịch vấp phải nhiều khó khăn, bản dịch do vậy không được như ý. Nay chúng con có hiệu đính lại, và dù rất cố gắng, chắc cũng còn có chỗ chưa thỏa đáng. Giá như có một hội đồng thẩm định, cùng đọc các bản dịch, rồi hiệu đính thì hay biết mấy! Chúng con xin phổ biến bản dịch này để mong được chư tôn đức bổ chính cho.
16/02/2012(Xem: 7694)
‘Sự quyến rũ của Đạo Phật Trong Thế Giới Mới’ được tuyển dịch từ những bài viết và pháp thoại của nhiều bậc Tôn túc và các học giả Phật Giáo nổi tiếng thế giới...
01/01/2012(Xem: 9027)
Tập sách Lối về Sen Nở bao gồm những bài viết, bản dịch, bài tham luận trong các kỳ hội thảo, đăng rải rác trên các tạp chí, nguyệt san Phật giáo mấy thập niên qua. Nội dung chủ yếu nói về nhân cách của bậc Đạo sư, giáo pháp của Ngài và lợi ích thiết thực khi thực hiện những lời dạy ấy. Tất cả các bài viết được trình bày một cách giản dị, mạnh lạc, rõ ràng, nhằm giới thiệu nội dung Phật học cơ bản được trích dẫn từ một số kinh điển Bắc truyền và Nam truyền.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]