Vấn Đề Ăn Chay
Ý Nghĩa Của Chữ Ăn Chay
Tâm Diệu
Nguồn: Tâm Diệu
Nguồn: Tâm Diệu
Theo quan niệm dân gian của người Việt Nam chúng ta, khi nói đến ăn chay là ăn những chất thanh tịnh, không ăn thịt cá và các thứ cay nồng thuộc loại ngũ vị tân (hành, hẹ, tỏi, kiệu và hưng cừ). Nếu dùng cá thịt và ngũ vị tân, người ta gọi là ăn mặn. Nhưng thật ra, chữ "Chay" nguyên ủy vốn là chữ "Trai", có nghĩa là thanh tịnh.
Chữ Trai còn có nghĩa là thời thực, tức là ăn trước giờ Ngọ, nếu ăn quá ngọ gọi là phi thời thực. Thời đại Phật Giáo Nguyên Thuỷ và thời đại bộ phái Phật giáo, Trai thực là chỉ bữa ăn trước giờ Ngọ. Thời đại Phật Giáo Phát Triển tức Phật Giáo Bắc Truyền hay Phật Giáo Bắc Tông, phát khởi từ ý tưởng từ bi không giết hại sinh mạng chúng sinh, Trai thực chuyển sang nghĩa Tố thực. Tố thực nghĩa là không ăn thịt. Giờ đây nói ăn chay, trì trai là theo nghĩa này.
Đối nghịch với chữ ăn chay là ăn mặn. Ăn mặn ở đây không có nghĩa là ăn muối nhiều mà là "Ăn Mạng" để chỉ sự ăn sinh mạng các loài động vật. Lâu ngày người ta nói trại ra thành ăn mặn, hay cũng là để tránh chữ ăn mạng (chúng sinh), nghe không được thoải mái.
Đối với người Hoa Kỳ, những người ăn chay gọi chung gồm hai loại là vegetarian và vegan. Từ ngữ vegetarian dùng để chỉ những người không ăn thịt các loài động vật. Thịt động vật được họ định nghĩa là thịt các loài sinh vật có cảm giác và tự cử động được, tức là các sinh vật biết đi, biết bò, biết cọ quậy, biết bay và biết bơi. Nhưng họ có thể ăn trứng và uống sữa. Còn vegan là những vegetarian không ăn trứng, không uống sữa và các thực phẩm làm bằng sữa như bơ, phó mát, tóm lại, vegan không dùng bất kỳ chất gì được lấy ra từ cơ thể loài vật.
Kính thưa quý vị, thưa các bạn,
Hiện nay ở Việt Nam, có một vị giảng sư trong giảng sư đoàn của giáo hội đề nghị chúng ta không nên dùng từ ngữ ăn chay và ăn mặn cũng như từ ngữ Tiểu Thừa và Đại Thừa; vì những từ ngữ này có tính cách chia rẽ, kỳ thị. Chúng tôi đã suy nghĩ mãi mà cũng chưa tìm ra từ ngữ thích hợp để thay thế từ ngữ ăn chay nên vẫn giữ nguyên chữ ăn chay trong bài thuyết trình này.
Gửi ý kiến của bạn