Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bài 53: Nirmanakaya hay Thân xác sáng tạo

18/02/202212:48(Xem: 1898)
Bài 53: Nirmanakaya hay Thân xác sáng tạo


buddha_133

Lý Tưởng của người Bồ-tát

The Bodhisattva Ideal

***

Chương VIII

 

Đức Phật và người bồ-tát - vĩnh cửu và thời gian

 

***

 

                        Bài 50 - Đức Phật và người bồ-tát - vĩnh cửu và thời gian

                        Bài 51 - Con đường đúng đắn

                        Bài 52 - Spinoza và Thượng đế; không gian và thời gian 

                        Bài 53 - Nirmanakaya hay Thân xác sáng tạo

                        Bài 54 - Ngũ Phật và Sambhogakaya 

                        Bài 55 - Bản chất của Dharmakaya trong Kinh Hoa Sen

                        Bài 56 - Lãnh vực vô biên và khung cảnh tạm thời.

 

Bài 53

 

Nirmanakaya hay Thân xác sáng tạo

 

            Nirmanakaya hay "Thân xác sáng tạo", còn được gọi là "Thân biến hóa", là tên gọi nói lên sự dấn thân [cụ thể] của Đức Phật trong lãnh vực con người, có nghĩa là trong lãnh vực lịch sử, và trong lãnh vực đó (tức là với thể dạng con người) thì Đức Phật tất phải gánh chịu sự sinh, sự già nua và cái chết. Thế nhưng điều này thì lại khó tin đối với phần đông những người tu tập Phật giáo : làm thế nào mà Đức Phật lại còn phải gánh chịu thêm sự già nua và cái chết như vậy (tức là đối với họ Ngài không hoàn toàn biến mất sau khi thân xác vật chất không còn nữa, dù rằng kinh sách cho biết Đức Phật đã tịch diệt và hòa nhập vào Parinirvana / Đại-bát Niết-bàn). Điều sau đây lại còn khó hiểu hơn nữa [đối với họ] : Đức Phật từng xót thương thế giới đến độ như thế thì không có lý do nào mà Ngài lại không tái sinh trở lại trong thế giới này ? Câu trả lời của Đại thừa là chuyện đó không thể nào lại không có thể xảy ra được (đối với phần đông những người Phật giáo sự hiện hữu của Đức Phật là một sự hiển nhiên, Đức Phật luôn ở bên cạnh họ, dù là dưới hình thức này hay hình thức khác). Người ta thường nói có vô số chư Phật trong khắp các miền vũ trụ, vậy không có lý do gì để không tin là vị Shakyamuni / Thích-ca Mâu-ni lại không tái sinh trong một thế giới mà nơi đó đang cần đến sự xót thương của Ngài ? Trên đây là đại loại các cách trả lời của Đại thừa, và dù cho các cách trả lời đó không hoàn toàn thỏa đáng đi nữa, thế nhưng câu hỏi tự nơi nó và bởi chính nó cũng không hoàn toàn đúng nghĩa (sự hiện hữu của Đức Phật là một cái gì đó thật tự nhiên và chính đáng, không phải là một chủ đề thắc mắc. Chẳng phải Dhamma của Ngài vẫn còn sinh động trong thế giới ngày nay hay sao ? Qua Dhamma đó, người Phật giáo luôn cảm thấy sự hiện diện của Ngài, không những bên cạnh họ mà cả bên trong tâm hồn và sự hiểu biết của họ)    

 

                Theo một cách hiểu nào đó thì đúng ra vấn đề là phải làm thế nào để có thể dung hòa sự dị biệt giữa Phật giáo Theravada và Phật giáo Đại thừa. Phật giáo Theravada khẳng định thật rõ rệt - và điều này thật ra cũng có vẻ phù hợp với quan điểm của chính Đức Phật - là sau khi thân xác vật chất của Ngài tan biến hết (không còn nữa) thì người ta sẽ không còn xác định được (hình dung được) thể dạng hay bản thể của Ngài [sau đó] sẽ là như thế nào. Đó là một trong các câu hỏi không có câu giải đáp (chính Đức Phật cho biết Ngài sẽ "trở thành" hay "không trở thành" như thế nào sau khi tịch diệt trong bài kinh Aggi-Vaccha-gotta Sutta MN 72, bài kinh này sẽ được chuyển ngữ dưới đây trong phần phụ lục. Trong bài kinh này có một câu rất sâu sắc thế nhưng dường như không mấy ai chú ý). Thắc mắc nêu lên là sau cái chết của thân xác vật chất, thì Đức Phật vẫn tiếp tục hiện hữu, thế nhưng hoặc Ngài trở nên vô cảm trước thực trạng của thế giới, hoặc không còn hiện hữu nữa. Thế nhưng Phật giáo Theravada phủ nhận cả hai trường hợp đó bằng cách cho rằng Đức Phật "không còn hiện hữu", cũng "không phải là không còn hiện hữu", cũng "không phải cả hai" (vừa hiện hữu vừa không hiện hữu), cũng không phải là "một trong hai trường hợp đó". Phật giáo Tharavada rất thận trọng không đưa ra một giải đáp [dứt khoát] nào về các câu hỏi mà chính Đức Phật cũng không trả lời (sở dĩ Đức Phật không đưa ra một lời giải đáp mang tính cách khẳng định nào là để giúp các đệ tử của Ngài thoát ra khỏi mọi hình thức bám víu, bởi vì bất cứ một hình thức bám víu nào cũng đều tạo ra sự trói buộc, và bất cứ một sự trói buộc nào cũng đều đưa đến khổ đau. Quan điểm này sẽ được giải thích thêm dưới đây).

 

            Đại thừa có vẻ bạo dạn hơn, tìm cách trả lời dứt khoát thắc mắc trên đây (theo Đại thừa thì Đức Phật vẫn tiếp tục hiện hữu sau khi đã hòa nhập vào Parinirvana), mặc dù các câu trả lời [dứt khoát đó] chỉ đơn giản xoay quanh các phương tiện thiện xảo. Thật hết sức quan trọng là phải ý thức được là nếu dựa vào căn bản tu tập do Đại thừa chủ trương và nhất là nếu chỉ biết nghiên cứu (tìm hiểu, phân tích) kinh sách của tông phái này một cách từ chương từng chi tiết một, thì tất sẽ khó tránh khỏi các trở ngại (khó hiểu) trên phương diện triết học (nói một cách khác là trong kinh sách Đại thừa có những sự nghịch lý, hoặc thiếu lôgic). Chẳng hạn như trường hợp Đại thừa cho rằng người bồ-tát không hề mong cầu đạt được sự Giác ngộ nhằm mang lại sự giải thoát cho cá nhân mình, mà chỉ ước mong sẽ quay lại và mãi mãi quay lại [với thế giới này] để giúp đỡ kẻ khác, thì tất chúng ta sẽ có đủ lý do để nghĩ rằng chính Đức Phật cũng sẽ hành xử như vậy. Điều này thật hết sức hiển nhiên.   

 

Kinh Hoa Sen

 

            Đại thừa, chẳng hạn như trong Kinh Hoa Sen, cho biết Đức Phật sở dĩ cho thấy là mình sẽ rút lui sau khi hòa nhập vào Parinirvana (Đại-bát Niết-bàn), là vì Ngài nhận thấy nếu cứ tiếp tục cùng sống với các đệ tử của mình, thì họ sẽ còn tiếp tục tùy thuộc vào mình, đấy là lý do khiến Ngài cố ý buông bỏ thân xác vật chất của Ngài. Thế nhưng chúng ta cũng có thể nghĩ khác hơn : không lẽ Ngài lại buông bỏ hết không tiếp tục hành động, dù bằng cách này hay cách khác, vì lòng từ bi của Ngài hay sao ?  Điều đó nhất định là không. Đức Phật có thể thoát ra khỏi sự hiện hữu vật chất của Ngài, thế nhưng nhất định Ngài vẫn còn tiếp tục hiện hữu dưới các hình thức khác, ở các cấp bậc khác (thiêng liêng và mầu nhiệm hơn). Thật vậy, theo Kinh Hoa Sen thì Ngài vẫn còn đó, thế nhưng thuộc một cấp bậc hiện hữu cao siêu hơn, và Ngài vẫn tiếp tục thuyết giảng Kinh Hoa Sen ở cấp bậc đó (Kinh Hoa Sen xuất hiện sớm nhất là vào thế kỷ thứ I sau Tây lịch tức là sau khi Đức Phật đã tịch diệt hơn sáu thế kỷ, thế nhưng bản kinh này vẫn thuật lại trường hợp Đức Phật thuyết giảng cho các đệ tử thân cận của Ngài trên đỉnh "Linh thứu" (Đỉnh Chim Ưng), bởi vì trên đỉnh núi này có một khối đá lớn giống hình dạng của một con chim ưng).    

 

            Ngay cả lúc còn tại thế Đức Phật cũng từng nêu lên là rất khó thấu triệt được bản thể của Ngài, bản thể đó lại càng trở nên khó thăm dò hơn nữa sau cái chết của thân xác vật chất của Ngài. Nếu nhìn vào các truyền thống (các học phái, tông phái) khác nhau qua một sự phân tích từ chương từng chi tiết một, thì các bạn tất sẽ phải nhận thấy đủ mọi thứ mâu thuẫn trên phương diện trí thức, thế nhưng các bạn nên đặt các sự mâu thuẫn đó vào một khung cảnh mở rộng hơn, tức là thuộc vào lãnh vực tâm linh và siêu-lý-trí (supra-intellectual). Các bạn không thể bảo rằng Đức Phật đã chết (đã hoàn toàn tịch diệt, không còn hiện hữu nữa), dù rằng nhiều người Phật giáo Theravada cũng nói như vậy (cũng cho rằng Đức Phật không biến mất), dù họ hiểu điều đó đi ngược lại với kinh sách của họ (kinh sách Theravada cho rằng Đức Phật đã hoàn toàn hoà nhập vào Parinirvana / Đại-bát Niết-bàn, thế nhưng nhiều người Phật giáo Theravada vẫn van vái, cầu xin và bày ra các thứ lễ lạc để tôn vinh Ngài). Thế nhưng các bạn cũng không thể bảo rằng Đức Phật vẫn còn sống, tương tự như sự khẳng định của một số người tu tập Đại thừa.  Cả hai góc nhìn đó đều là hai cách đẩy mọi sự rơi vào tình trạng cực đoan.

 

Sambhogakaya  hay Thân xác cùng tận hưởng

 

            Sambhogakaya có nghĩa từ chương là "Thân xác cùng tận hưởng " (Mutual enjoyment body, nhưng cũng có thể dịch là "Thân xác cùng chia sẻ một niềm vui chung", ý nghĩa của các cách gọi này rất sâu sắc : Đức Phật cùng chia sẻ và chung hưởng với chúng ta sự Giác ngộ của chính Ngài. Tiền ngữ sambhoga trong chữ sambhogakaya có nghĩa từ chương là "cùng ăn uống với nhau", hậu ngữ kaya có nghĩa là "thân xác", tóm lại chữ sambhogakaya có nghĩa là "Thân xác cùng hưởng thụ", và đấy cũng chính là "Thân xác hình tướng của Đức Phật", tức là thân xác mà Đức Phật hiện ra - qua muôn ngàn thể dạng và hình tướng khác nhau - để lúc nào cũng có thể ở bên cạnh chúng ta, cùng chia sẻ với chúng ta sự Giác ngộ của chính Ngài. Kinh sách Hán ngữ dịch chữ Sambhogakaya là "Báo thân" hay "Thụ dụng thân", tiếc thay cách dịch đó không nói lên được ý nghĩa trên đây). Thế nhưng đôi khi chữ Sambhogakaya cũng được dịch là "Thân vinh quang" của Đức Phật, cách dịch này mang nhiều thi vị, thế nhưng không được hoàn toàn trung thực, tuy nhiên cũng có thể là gần với hiện thực hơn chăng ? Đó là thể dạng mang tính cách khuôn mẫu (archetypal) của Đức Phật, khuôn mẫu đó sở dĩ được nêu lên là để các vị bồ-tát cao thâm nhìn vào, đó là các vị bồ tát đã thực hiện được các cấp bậc tri thức cao hơn nhiều so với các cấp bậc vận hành của tri thức chúng ta. Thể dạng khuôn mẫu đó của Đức Phật được xem là thể dạng mà những người bồ-tát [cao thâm] được "thụ hưởng" qua sự quán thấy chính Ngài (trông thấy Đức Phật đang hiện hữu, đang sống thật qua sự quán thấy sâu xa và siêu nhiên của họ), và đấy cũng là thể dạng mà Đức Phật tiếp tục thuyết giảng Kinh Hoa Sen cho đến vô tận, như đã được nêu lên trong bản kinh này (xin nhắc lại, Kinh Hoa Sen là một bản kinh xuất hiện muộn, thế nhưng vẫn tiếp tục thuật lại Đức Phật thuyết giảng cho các đệ tử cao thâm bên cạnh Ngài giống như khi Ngài còn tại thế. Các kinh trong Kim Cương thừa xuất hiện muộn hơn nhiều so với Kinh Hoa Sen, thế nhưng vẫn được những người tu tập theo Kim Cương thừa cho rằng là do chính Đức Phật thuyết giảng).

 

            Sambhogakaya biểu trưng cho nền tảng phong phú của một khuôn mẫu vượt ra ngoài ranh giới lịch sử, dù là qua khía cạnh nào. Qua góc nhìn đó, Đức Phật khuôn mẫu sẽ không còn vướng mắc bởi các kích thước không gian và thời gian, có nghĩa là vượt lên trên lịch sử. Khuôn mẫu đó gộp chung tất cả các sự hoàn hảo của tất cả chư Phật lịch sử và cả hơn như thế nữa (các nhân vật trong lãnh vực huyền thoại chẳng hạn). Nếu các bạn muốn phác họa một con người hoàn hảo, một con người đẹp nhất mà trí tưởng tượng có thể hình dung được, thì rất có thể là các bạn sẽ không thể nào có thể dựa vào một hiện thực sinh động duy nhất được (tức là một con người có thật nào đó). Có thể là các bạn sẽ phải vẽ đôi mắt của người này, mái tóc của người kia, đôi bàn tay của một người khác nữa, thì mới có thể tạo ra một "khuôn mẫu hoàn hảo" về con người [nói chung]. Trái lại Đức Phật khuôn mẫu hay Đức Phật dưới thể dạng Sambhogakaya, biểu trựng cho khuôn mẫu hoàn hảo đó, thế nhưng thuộc một cấp bậc siêu việt hơn nhiều [so với cấp bậc con người của chúng ta].

 

 

Vài lời ghi chú của người chuyển ngữ

 

            Bài giảng trên đây của nhà sư Sangharakshita nêu lên một thắc mắc khá bất ngờ : Đức Phật còn hiện hữu hay đã hoàn toàn tịch diệt như chính Ngài đã nêu lên trong một số bài kinh khi Ngài còn tại thế. Thế nhưng có thể là câu hỏi hay sự thắc mắc này không hề hiện lên trong tâm trí của hầu hết những người Phật giáo, vì đối với họ sự hiện hữu của Đức Phật trong thế giới ngày nay là điều thật hiển nhiên. Thế nhưng thật ra vấn đề tế nhị hơn như thế rất nhiều.

 

            Sự dừng lại, sự chấm dứt, sự buông bỏ, sự tắt nghỉ... luôn bàng bạc trong Giáo huấn của Đức Phật, bởi vì đó chính là sự Giải thoát. Thế nhưng con người thì lại làm ngược lại : không thích dừng lại, không thích chấm dứt, không thích buông bỏ và rất sợ tắt nghỉ. Thế nhưng các thứ ấy lại chính là Sự Thật Cao Quý Thứ Tư gọi là Magga, là Con Đường mang lại Sự Chấm Dứt Khổ Đau. Sự chấm dứt khổ đau cũng được gọi là sự "Tắt nghỉ", và sự tắt nghỉ đó chính là Sự Thật Cao Quý Thứ Ba gọi là Nirodha (extinction, cessation, ceasing...). Sự tắt nghỉ hay dừng lại đó cũng tương tự như một ngọn lửa tắt vì nó không được châm thêm nhiên liệu.

 

            Giáo huấn của Đức Phật dạy chúng ta không nên châm thêm nhiên liên liệu cho ngọn lửa. Thế nhưng nhiên liệu là những thứ gì ? Đó là sự "bám víu" - kể cả "không bám víu" bởi vì "không bám víu" qua một góc nhìn nào đó cũng có thể là một "hình thức bám víu" - vào sự hiện hữu của Đức Phật sau sự tắt nghỉ của thân xác vật chất của Ngài. Đức Phật thuyết giảng sự không bám víu đó trong rất nhiều bài kinh thuộc tất cả các cấp bậc hiểu biết từ thấp đến thật cao. Chúng ta hãy nêu lên một trong số các cập bậc thật cao đó.

    Có một bài kinh thuật lại câu chuyện về một người tỳ-kheo tên là Malunkyaputta, rất hay thắc mắc về những vấn đề siêu hình hoặc viễn vông. Người tỳ-kheo này nêu lên với Đức Phật các thắc mắc như sau : "Vũ trụ có trường tồn hay không trường tồn, có giới hạn hay không giới hạn ; linh hồn (soul) và thân xác là cùng một thứ, hay linh hồn là một thứ và thể xác là một thứ khác ; sau khi chết Như lai / Tathagata còn hiện hữu hay không còn hiện hữu ; sau khi chết Như Lai còn hiện hữu và [đồng thời] cũng không còn hiện hữu ; sau khi chết Như Lại không còn hiện hữu nhưng cũng không phải là không còn hiện hữu". Đoạn trên đây được trích từ bản kinh Cula-Malunkyaputta Sutta / Bài kinh ngắn giảng cho Malunkyaputta - MN 63, Majjhima Nikaya / Trung Bộ Kinh, dựa theo bản dịch của nhà sư Thanissaro Bhikkhu  (độc giả có thể xem thêm về bài kinh này trong một bài viết mang tựa là "Sự yên lặng của Phật" theo địa chỉ liên kết : https://thuvienhoasen.org/a6217/su-yen-lang-cua-phat). Đức Phật gạt bỏ tất cả các thắc mắc đó, không chấp nhận bất cứ một sự thắc mắc nào mà người tỳ-kheo Malunkyaputta nêu lên, kể cả các quan điểm hay vị thế nào liên hệ với các thắc mắc đó. Đức Phật cho rằng tất cả các thắc mắc ấy đều vô ích, đều là các sự bám víu mang lại mọi thứ khổ đau.

 

    Ngoài ra cũng có một bài kinh khác khá tương tự với bài kinh trên đây, mang tựa là Aggi-Vaccha-gotta Sutta / Bài kinh giảng cho một người mang tên Vaccha bằng cách nêu lên một ngọn lửa - MN 72, Majjhima Nikaya / Trung Bộ Kinh. Bài kinh thuật lại câu chuyện Đức Phật thuyết giảng cho một người chất phác về sự dừng lại hay sự tắt nghỉ của một vị Như Lai. Sự tắt nghỉ đó, sự dừng lại đó, cũng tương tự như một ngọn lửa không được châm thêm cỏ lá và củi khô. Ngọn lửa sau khi tắt sẽ đi về hướng nào : Đông ? Tây ? Bắc ? Nam ?, đó là câu hỏi mà Đức Phật nêu lên với một người chất phác tên là Vaccha. Qua bài kinh này Đức Phật cũng phủ nhận tất cả các thắc mắc mang tính cách tự biện và viễn vông.

 

       Sự phủ nhận hoàn toàn đó là một cách cắt đứt mọi sự bám víu hiện lên trong tâm trí một người khất thực không nhà mang tên là Vaccha và cũng có thể là trong tâm trí của hầu hết chúng ta. Sự đứng ra ngoài đó của mọi quan điểm mang tính cách tự biện đã được một nhà sư người Ấn vô cùng lỗi lạc là Nagarjuna (Long Thụ), thế kỷ thứ II sau Tây lịch, nhận thấy và dựa vào đó để thiết lập một học thuyết là Madhyamaka, kinh sách Hán ngữ gọi là "Trung quán luận". Thế nhưng trung quán không có nghĩa là một "vị thế" hay một "sự hiểu biết" ở giữa, nói một cách nôm na là "nửa này nửa kia" hay là "ba phải", không nghiêng vào bên này hay bên kia, mà là một vị thế hay một sự hiểu biết không vướng mắc vào một quan điểm tự biện nào cả. Học thuyết này vừa nói lên sự giải thoát ra khỏi tất cả mọi khái niệm hay quan điểm, nhưng cũng vừa nói lên sự trống không của chúng. Tóm lại đấy là cách giúp chúng ta không bám víu vào bất cứ một thứ gì cả, kể cả sự "hiện hữu" và "không hiện hữu" của Đức Phật sau khi thân xác vật chất của Ngài đã tan biến.  

 

    Tuy nhiên qua một câu thuyết giảng trong bài kinh Aggia-Vaccha-gotta Sutta nói đến trên đây thì Đức Phật cũng hé mở cho chúng ta trông thấy một vị Như Lai sẽ trở thành như thế nào, sau khi vượt ra ngoài tất cả các vị thế và các quan điểm ấy. Vậy chúng ta hãy thử tìm hiểu câu thuyết giảng này trong bản chuyển ngữ của bài kinh trên đây.     

 

Phụ Lục

***

Bài kinh về ngọn lửa

giảng cho một người tên là Vaccha

 

Aggi-Vaccha-gotta Sutta

(Majjhima Nikaya / Trung Bộ Kinh - MN 72)

 

¤¤¤

 

Lời mở đầu của người chuyển ngữ

 

             Chữ aggi trong tựa bài kinh có nghĩa là ngọn lửa, chữ vaccha theo các tự điển tiếng Pali có nghĩa là con bê (calf), với nghĩa bóng là một người ngốc nghếch, thật thà, chất phác, chữ gotta có nghĩa là thị tộc hay gia tộc (clan). Chữ Vaccha-gotta do đó có nghĩa "một người chất phác thuộc một thị tộc [nào đó]", vì vậy tên gọi này có thể chỉ là một biệt danh.

 

            Bài kinh thuật lại câu chuyện về người thật thà này tìm gặp Đức Phật tại tự viện Jetavana gần thị trấn Savatthi để nêu lên các thắc mắc của mình. Đức Phật khuyên người này không nên vướng mắc vào các quan điểm tự biện (speculative) đó, và đã mượn hình ảnh ngọn lửa tắt vì hết nhiên liệu để giảng cho người này thế nào là sự chấm dứt của sự hiện hữu. Những lời Đức Phật thuyết giảng trong bài kinh cũng là những lời giải đáp cho vấn đề Đức Phật còn hay không còn hiện hữu sau khi tịch diệt mà nhà sư Sangharakshita nêu lên trong bài giảng trên đây về khái niệm Sambhogakaya.

 

            Thật ra Vaccha không hẳn là một người quá đỗi thật thà, mà là một người được sinh ra trong một gia đình Bà-la-môn, từng tu tập theo tín ngưỡng này, thế nhưng sau đó thì bất đồng chính kiên với giáo lý của tín ngưỡng Bà-la-môn bèn bỏ đi lang thang và sống bằng cách khất thực. Một hôm người này tìm gặp Đức Phật và sau khi được nghe Ngài thuyết giảng thì tỉnh ngộ, bèn xin được làm đệ tử của Ngài. Nhân vật Vaccha được nói đến trong nhiều bài kinh, ngoài ra Tạng luật cũng cho biết thêm là người này sau đó đã đạt được cấp bậc a-la-hán. Dưới đây là bản chuyển ngữ của bài kinh này :

 

 

 Aggi-Vaccha-gotta Sutta 

 (MN 72)

 

***

Tôi từng được nghe như vầy, lúc đó Đấng Thế Tôn đang ngụ gần thành Savatthi (Xá vệ) trong khu rừng chồi Jeta (Jetavana), nơi tự viện do Anathapindica (Cấp Cô Độc) xây dựng. Hôm đó có một kẻ lang thang (paribbajaka / wanderer, một người khất thực sống không nhà) tìm Đấng Thế Tôn [để tham vấn], khi đến nơi thì trao đổi vài lời chào hỏi với Đấng Thế Tôn. Sau khi trao đổi những lời chào hỏi thân thiện và lễ độ đó, thì người này ngồi sang một bên. Sau khi an tọa thì người này cất lời hỏi Đấng Thế Tôn : "Thưa Thầy Gotama / Cồ-đàm, có đúng thật là Thầy chủ trương quan điểm : 'Vũ trụ là trường tồn (thường hằng) : duy nhất chỉ có điều đó là chính đáng (thiết thực và đúng thật), ngoài ra các điều khác đều là vô nghĩa (worthless / vô ích,  không thiết thực) hay không ?"  

 

"... Không..." (câu này đã được rút ngắn nhằm tránh bớt sự lập đi lập lại)

 

"Vậy thì có đúng thật là Thầy Gotama chủ trương quan điểm : 'Vũ trụ không trường tồn  : duy nhất chỉ có điều đó là chính đáng, ngoài ra các điều khác đều là vô nghĩa hay khộng ?'"

       

"... Không..."

 

"Vậy thì có đúng là Thầy Gotama chủ trương quan điểm : 'Vũ trụ có giới hạn : duy nhất chỉ có điều đó là chính đáng, ngoài ra các điều khác đều vô nghĩa hay không ?'"

 

"... Không..."

 

"Vậy thì có đúng là Thầy Gotama chủ trương quan điểm : 'Vũ trụ là vô tận : duy nhất chỉ có điều đó là chính đáng, ngoài ra các điều khác đều vô nghĩa hay không ?'" 

 

"... Không..."

 

"Vậy thì có đúng là Thầy Gotama chủ trương quan điểm : 'Linh hồn (soul / jiva, có nghĩa cái tôi mang tính cách cá nhân) và thể xác là cùng một thứ : duy nhất chỉ có điều đó là chính đáng, ngoài ra các điều khác đều vô nghĩa hay không ?'"

 

"...Không..."

 

"Vậy thì có đúng là Thầy Gotama chủ trương quan điểm : 'Linh hồn là một thứ và thể xác là một thứ khác : duy nhất chỉ có điều đó là chính đáng, ngoài ra các điều khác đều vô nghĩa hay không ?'"

 

"... Không..."

 

"Vậy có đúng là Thầy Gotama chủ trương quan điểm : "Sau khi chết một vị Tathagata / Như Lai sẽ còn hiện hữu : duy nhất chỉ có điều đó là chính đáng, ngoài ra các điều khác đều vô nghĩa hay không ?'" 

 

"... Không..."

 

"Vậy thì có đúng là Thầy Gotama chủ trương quan điểm : "Sau khi chết một vị Tathagata sẽ không còn hiện hữu nữa : duy nhất chỉ có điều đó là chính đáng, ngoài ra các điều khác đều vô nghĩa hay không ?'"

 

"... Không..."

 

"Vậy thì có đúng là Thầy Gotama chủ trương quan điểm : 'Sau khi chết một vị Tathagata còn hiện hữu và cũng không còn hiện hữu : duy nhất chỉ có điều đó là chính đáng, ngoài ra các điều khác đều vô nghĩa hay không ?'"

 

"... Không..."

 

"Vậy thì có đúng là Thầy Gotama chủ trương quan điểm : 'Sau khi chết một vị Tathagata không còn hiện hữu cũng không phải là không còn hiện hữu : duy nhất chỉ có điều đó là chính đáng, ngoài ra các điều khác đều vô nghĩa hay không ?'"

 

"... Không..."

 

" Vậy là thế nào, thưa Thầy Gotama, nếu hỏi Thầy là có đúng là Thầy chủ trương quan điểm 'vũ trụ là trường tồn...'..., 'sau khi chết một vi Tathagata không còn hiện hữu cũng không phải là không hiện hữu, duy nhất chỉ có điều đó là chính đáng, ngoài ra các điều khác đều vô nghĩa', và dù là trong trường hợp nào Thầy đều trả lời là '... Không...". Trước các sự nan giải đó phải chăng Thầy Gotama chỉ đơn giản tìm cách tránh né từng quan điểm một, trong số mười quan điểm nêu lên hay không ?"   

 

"Này Vaccha, quan điểm cho rằng 'vũ trụ là trường tồn' là đám bụi rậm của các quan điểm, sa mạc của các quan điểm (có nghĩa là không có quan điểm nào), sự bóp méo các quan điểm, sự hành hạ (writhing / đè bẹp, nghiền nát) các quan điểm, một hình thức gông cùm trói chặt các quan điểm. Đấy chỉ là cách mang lại khổ đau, lo buồn, tuyệt vọng và đớn đau, không hề đưa đến sự tỉnh ngộ, sự chấm dứt thèm khát, sự dừng lại, sự thanh thản, sự hiểu biết trực tiếp, sự Giác ngộ hoàn hảo và sự Giải thoát.

 

    "Quan điểm cho rằng 'vũ trụ không trường tồn'...

    "Quan điểm cho rằng 'vũ trụ có giới hạn'...

    "Quan điểm cho rằng "vũ trụ là vô tận'... 

    "Quan điểm cho rằng linh hồn và thể xác là một thứ'...

    "Quan điểm cho rằng linh hồn là một thứ, thân xác là một thứ khác'...

    "Quan điểm cho rằng sau khi chết, một vị Tathagata sẽ còn hiện hữu'...

    "Quan điểm cho rằng sau khi chết, một vị Tathagata sẽ không còn hiện hữu '

    "Quan điểm cho rằng sau khi chết, một vị Tathagata không còn hiện hữu, nhưng cũng không phải là             không còn hiện hữu.

    "..., tất cả [các thắc mắc ấy] không đưa đến sự tỉnh ngộ, sự chấm dứt thèm khát, sự dừng lại, sự thanh thản, sự hiểu biết trực tiếp, sự Giác ngộ hoàn hảo và sự Giải thoát.

 

"Không lẽ Thầy Gotama chẳng có một quan điểm nào hay sao ?

 

"Quan điểm, này Vaccha, là một cái gì đó mà một vị Tathagatha phải làm cho nó biến mất. Những gì mà một vị Tathagata cần phải trông thấy là : "Đây là hình tướng, đây là nguyên nhân làm phát sinh ra hình tướng ; đây là nguyên nhân đưa đến sự biến mất (chấm dứt) của hình tướng. Đây là cảm giác, đây là nguyên nhân làm phát sinh ra cảm giác ; đây là nguyên nhân đưa đến sự biến mất của cảm giác. Đây là sự cảm nhận... ; đây là các sự tạo tác [tâm thần]... ; đây là tri thức  ;  đây là nguyên nhân làm phát sinh ra tri thức ; đây là nguyên nhân đưa đến sự biến mất của tri thức. Chính vì vậy mà ta bảo rằng : một vị Tathagata - với sự chấm dứt, xóa mờ, từ bỏ mọi giả định (supposition / giả thiết), mọi suy diễn (excogitation / diễn đạt, lập luận), cùng tất cả những gì tạo dựng ra tôi, tạo dựng ra cái của tôi, cùng mọi hình thức ám ảnh mang tính cách tự cao (cho rằng chính đây là "tôi") - sẽ thoát khỏi mọi sự bám víu dai dẳng  hầu đạt được sự Giải thoát". .   

 

"Thế nhưng, thưa Thầy Gotama, một người tu hành mà tâm thức đã được giải thoát như thế thì sẽ xuất hiện trở lại (reappear / tái sinh) nơi nào ?

 

"Xuất hiện trở lại, này Vaccha, điều đó không đúng (doesn't apply / không thích nghi, không chính đáng, không mang ý nghĩa gì cả).

 

"Trong trường hợp đó, thưa Thầy Gotama, thì người ấy với tâm thức đã được giải thoát sẽ không còn xuất hiện trở lại nữa ?".

 

"Không còn xuất hiện trở lại, này Vaccha, điều đó không đúng".

 

"... còn và cũng không còn xuất hiện trở lại"..., " ... điều đó không đúng".

 

"... không xuất hiện cũng không phải là không xuất hiện trở lại"...."... cũng là điều không đúng".

 

 "Vậy là thế nào, thưa Thầy Gotama, khi hỏi Thầy Gotama nếu một người tu hành xuất hiện trở lại..., không xuất hiện trở lại..., xuất hiện và cả không xuất trở lại..., không xuất hiện trở lại nhưng cũng không phải là không xuất hiện trở lại..., tất cả đều là không đúng, dù là trong bất cứ một trường hợp nào cũng vậy. Trước tình trạng đó, thưa Thầy Gotama, tôi thật bối rối, trước tình trạng đó tôi cảm thấy thật hoang mang. Một chút minh bạch mà trước đây tôi nhận thấy khi mới bắt đầu đàm thoại vụt trở thành tối nghĩa". 

 

"Tất nhiên Vaccha không tránh khỏi bối rối. Tất nhiên Vaccha không tránh khỏi hoang mang. Này Vaccha, các hiện tượng đó (các "dhamma" đó) rất khó nhận thấy, rất khó thực hiện (khó nắm bắt, thấu triệt), thật bình lặng, tinh vi, vượt lên trên khả năng phỏng đoán (scope of conjecture), thật tinh tế, chỉ có thể cảm-nhận-được bởi những người sáng suốt (wise). Đối với những người chủ trương các quan điểm khác, tu tập theo các phương pháp khác, hướng vào các sự thỏa mãn khác, các mục đích khác, các vị thầy khác, thì điều đó quả đúng thật là khó hiểu. Đến đây ta sẽ nêu lên một số câu hỏi về vấn đề này. Vậy, này Vaccha, hãy cứ thẳng thắn trả lời ta đúng theo sự suy nghĩ của mình. Vậy Vaccha nghĩ thế nào ? Nếu có một ngọn lửa đang bùng cháy trước mặt, thì Vaccha có nghĩ rằng : 'Ngọn lửa ấy đang bùng cháy trước mặt tôi' hay không ?''

 

"... Thưa có..."   

 

"Và nếu có một người nào đó hỏi Vaccha như thế này : "Ngọn lửa đó đang bốc cháy trước mặt Vaccha là nhờ vào những gì mà nó bốc cháy ?', thì trước câu hỏi đó, Vaccha sẽ trả lời như thế nào ?"

 

"... Tôi sẽ trả lời : 'Ngọn lửa đang cháy trước mặt tôi là nhờ cỏ và củi khô làm nhiên liệu".

 

"Nếu ngọn lửa đang cháy trước mặt Vaccha không còn cháy nữa, thì Vaccha có nhận thấy được là  'Ngọn lửa trước mặt tôi đã tắt' hay không ?"

 

"... Thưa có..." 

 

 "Và nếu có một người nào đó hỏi Vaccha như thế này : 'Nếu ngọn lửa đó đã tắt trước mặt Vaccha, thì nó đi về hướng nào ? Đông ? Tây ? Bắc ? Nam ? Trước câu hỏi đó, Vaccha sẽ trả lời như thế nào ?"

   

" Thưa Thầy Gotama, tôi sẽ trả lời : 'Điều đó không đúng thật là như vậy' (that doesn' t apply). Bất cứ một ngọn lửa nào sở dĩ bốc cháy là nhờ vào nhiên liệu là cỏ lá và củi khô được châm thêm, và nếu nhiên liệu đã cháy hết mà không được châm thêm thì ngọn lửa được xem là đã tắt (không còn bị trói buộc bởi cỏ khô và củi nữa, không còn lệ thuộc vào nhiên liệu nữa, có nghĩa là thoát ra khỏi mọi sự bám víu)".

 

"Cũng vậy, này Vaccha, dù là bất cứ một hình tướng nào mà một người nào đó nêu lên để mô tả Tathagata / Như  Lai (chữ Tathagata / Như Lai trong trường hợp này là cách mà Đức Phật tự xưng mình) thì hình tướng đó Tathagata cũng buông bỏ nó, cội rễ của nó đã bị hủy diệt, tương tự như một cây cọ (cây dừa) đã bị bật gốc, mất hết điều kiện (cơ may) để phát triển trở lại. không còn đưa đến sự sinh trong tương lai. Này Vaccha, khi đã không còn được nhận diện như là một hình tướng [cụ thể] nữa, này Vaccha, thì Như Lai sẽ trở thành sâu thẳm, không còn bị ngăn cách bởi bất cứ một ranh giới nào nữa cả (boundless), [do đó] rất khó để thăm dò, tương tự như đại dương (một ghềnh thác, một con suối hay một dòng sông phải tùy thuộc và địa hình, đại dương trái lại là một vùng nước mênh mông, không trông thấy bờ cũng không thăm dò được đáy). 'Xuất hiện trở lại' không đúng là như thế. 'Không xuất hiện trở lại' không đúng là như thế. Cả hai 'xuất hiện' và 'không xuất hiện trở lại', cũng không đúng là như thế (sau khi tịch diệt Đức Phật hòa nhập vào hiện thực và trở thành hiện thực, một hiện thực tuyệt đối, hiện hữu cùng khắp và vô tận, không còn được xác định bởi một hình tướng nào nữa cả, "sự xuất hiện trở lại" hay "không xuất hiện trở lại" hoặc cả hai đều trở thành vô nghĩa. Sự hiện hữu của chúng ta là các ghềnh thác, các con suối, các mương lạch tùy thuộc vào địa hình trên mặt đất. Các hình thức hiện hữu trên mặt đất đó có thể xác định, mô tả và hình dung được).  

 

"Bất cứ một cảm giác nào... Bất cứ một sự cảm nhận nào... Bất cứ một sự tạo tác [tâm thần] nào (lập lại ý của câu trên đây đối với ba cấu hợp thứ hai, thứ ba và thứ tư trong số năm thứ cấu hợp /ngũ uẩn)...tất cả không còn mang một ý nghĩa nào nữa cả.

 

(câu tiếp theo dưới đây là một câu đầy đủ liên quan đến cấu hợp thứ năm là tri thức)

 

"Đối với bất cứ một [thể dang] tri thức nào mà một người nào đó nêu lên để mô tả Như Lai / Tathagata, thì Như Lai cũng sẻ gạt bỏ nó (không chấp nhận nó), cội rễ của nó đã bị hủy diệt, tương tự như một cây cọ đã bị bật gốc, mất hết điều kiện để phát triển trở lại, không còn đưa đến sự sinh trong tương lai. Này Vaccha, khi đã không còn xác định (classification /  quy định, nhận định) được là một [thể dạng] tri thức nào nữa, thì Như Lai sẽ trở thành sâu thẳm, không còn bị ngăn cách bởi bất cứ một ranh giới nào, [do đó] rất khó để thăm dò, tương  tự như đại dương. 'Xuất hiện trở lại' không mang một ý nghĩa nào. 'Không xuất hiện trở lại' không mang một ý nghĩa nào. Cả hai 'xuất hiện' và 'không xuất hiện trở lại' cũng không mang một ý nghĩa nào".

 

Sau khi được nghe những lời giảng đó Vacchagotta, người khất thực lang thang bèn nói với Đấng Thế Tôn như sau : "Thưa Thầy Gotama, điều đó cũng tương tự như một cội cây sala to lớn bên cạnh một xóm làng hay một đô thị : Vì tính cách vô thường  (inconstancy / sự biến đổi) sẽ khiến cành và lá của nó rơi xuống, vỏ của nó rơi xuống, các phần mền nơi thân cây rơi xuống - đến độ không còn cành lá, vỏ cây, các phần mềm - chỉ còn lại phần gỗ cứng. Cũng tương tự như vậy, những lời thuyết giảng của Thầy Gotama, sau khi đã loại bỏ được cành lá, vỏ cây và các phần mềm, duy nhất chỉ còn lại cốt lõi của cội cây" (sau khi các phương tiện thiện xảo rơi xuống thì cội cây cổ thụ sum suê của Đại thừa cũng sẽ trở thành Dhamma của Đức Phật hơn hai mươi lăm thế kỷ trước). 

 

"Tuyệt vời thay, thưa Thầy Gotama! Tuyệt vời thay! Điều đó cũng chẳng khác gì như Thầy dựng lên một vật đã bị đổ xuống, khám phá ra một vật bị che dấu, chỉ đường cho một người đi lạc, thắp lên một ngọn đèn trong chỗ tối tăm giúp những ai có mắt trông thấy được hình tướng. Cũng tương tự như vậy, Thầy Gotama, qua các phương pháp lý luận nêu lên, đã khiến Dhamma trở nên minh bạch hơn (trong trường hợp này chữ Dhamma có nghĩa là bản thể của vạn vật, sự vận hành của hiện thực). Tôi xin Thầy cho phép tôi được quy y nơi Dhamma (trong trường hợp này chữ Dhamma có nghĩa là Giáo huấn của Đức Phật. Xin chú ý chữ Dhamma rất nhiều nghĩa, trong khi đó chữ Pháp trong kinh sách Hán ngữ bắt nguồn từ chữ Luật Pháp không phản ảnh được ý nghĩa vừa bao quát, vừa đa dạng và vừa uyển chuyển của chữ Dhamma trong tiếng Pali hay Dharma trong tiếng Phạn), quy y nơi Tăng đoàn các tỳ-kheo. Xin Thầy Gotama hãy chấp nhận tôi là một đệ tử thế tục đã quy y với Thầy, kể từ hôm nay và cả sau này, trong suốt cuộc đời tôi".

 

 (Bản kinh trên đây trong Đại Tạng Kinh mang tựa là "Kinh dạy Vacchagotta về lửa", độc giả có thể xem thêm bản dịch này trên nhiều trang mạng, hoặc theo địa chỉ liên kết : https://thuvienhoasen.org/a892/72-kinh-day-vacchagotta-ve-lua-aggivacchagotta-sutta)

 

                                                                                                     Bures-Sur-Yvette, 16.02.22

                                                                             Hoang Phong chuyển ngữ

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
11/10/2014(Xem: 16462)
Vấn vương, vương vấn làm chi Hợp tan, tan hợp chẳng gì bận tâm Con về thăm mẹ lần này Trọng trách con gánh từ rày nghe con Lời xưa con gắng giữ tròn Gieo duyên tạo phước, lái thuyền từ bi.
10/10/2014(Xem: 5799)
Tôi chuyên trì tụng kinh Pháp hoa, nên trông thấy ai cũng nghĩ họ là Quan Âm, cho đến tiếp xúc với các nhà lãnh đạo các tôn giáo khác, tôi cũng nghĩ đó là hiện thân của Quan Âm. Và với độ cảm tâm mãnh liệt về Đức Quan Âm như vậy thì khi tôi nói chuyện với người nào, họ liền có thiện cảm với tôi. Theo tôi, khi chúng ta nghĩ đến Quan Âm, thì Ngài có thể hiện vào thân của đối tác, nghĩa là tác động họ, khiến họ xử sự với ta như Bồ-tát.
27/05/2014(Xem: 7409)
Bốn lời quán nguyện hướng về bốn vị bồ tát lớn: bồ tát Quan Thế Âm, bồ tát Văn Thù, bồ tát Phổ Hiền và bồ tát Địa Tạng là để đánh động những hạt giống vững chãi, thảnh thơi và hiểu biết trong con người của mỗi chúng ta. Ban đầu những vị bồ tát lớn như Quan Thế Âm, Văn Thù Sư Lợi, Phổ Hiền và Địa Tạng có thể được nhìn nhận như những vị bồ tát ở ngoài ta.
21/05/2014(Xem: 14597)
Hầu hết chúng ta lớn khôn đều bắt đầu từ dòng sữa mẹ. Tạo hóa đã ban cho mẹ một bầu sữa ngọt ngào, giúp trẻ sơ sinh có đầy đủ các dưỡng chất và kháng thể mà hiếm có một hợp chất dinh dưỡng nhân tạo nào có thể thay thế được. Và những dòng sữa ấy cũng chính là một phần thân thể của mẹ.
01/05/2014(Xem: 13190)
1. Công đức tôi cúng dường Phật Tăng và những hạnh nghiệp tu tập thanh tịnh của tôi đó, nay xin hồi hướng về đạo Vô thượng Bồ đề, nguyện trải hằng sa kiếp tu hạnh Bồ tát, đặng hóa độ chúng sanh, chớ tôi chẳng vì lợi ích một mình mà cầu mau chứng đạo quả. (Nguyện thứ nhất) Phật Tăng thành niệm cúng dường Tôi nay xin nguyện hướng phương Bồ đề Chúng sanh hóa độ tiến tu Đời đời kiếp kiếp chẳng cho riêng mình
16/04/2014(Xem: 25853)
(Nguyện thứ nhất) Hiệu danh Tự Tại là tôi Bồ Tát là vị, Như Lai là lòng Tu hành đã được viên thông Nguyện đi quảng pháp khắp vùng thế gian
15/04/2014(Xem: 10326)
“Tiếng Gọi Từ Bi” (The Call of Compassion) là chủ đề của Lễ Hội Quan Âm năm 2014 tại Trung Tâm Phật Giáo - Chùa Việt Nam, Houston, Texas. Cú mỗi năm vào cuối tháng 3 tây lịch (nhằm ngày 19 tháng 2 Âm lịch), chùa Việt Nam thường tổ chức ngày lễ vía tưởng niệm công hạnh của Bồ Tát Quan Thế Âm với các sinh hoạt văn hóa dân gian truyền thống cho cộng đồng Phật Giáo Việt Nam tại địa phương và các tiểu bang khác khắp nước Mỹ về tham dự.
23/03/2014(Xem: 32465)
Một thường lễ kính chư Phật Lễ Phật, tâm Phật dung Phật tuệ sanh Kính Phật phước đức an lành Nguyện làm Bồ Tát dưới chân Phật đài.
19/03/2014(Xem: 23853)
Mẹ Hiền Nam Hải Quan Âm Xót thương sanh chúng giáng lâm tại trần Ngai vàng Mẹ cũng chẳng cần Đi tu theo Phật cứu lần chúng sanh Hôm nay mừng Mẹ đản sanh Con hiền quỳ xuống lòng thành kính dâng
09/04/2013(Xem: 19622)
Để ghi lại những công –tác Hoằng-pháp và Giáo-dục trong niên-khóa vừa qua, chúng tôi đã thuyết-pháp và giảng-giải các lớp ở Ấn-Quang cho hàng Phật-Tử tại gia, cũng như tại Viện Đại Học Vạn-Hạnh cho sinh-viên Phật-khoa năm thứ IV (73-74) về môn các tác phẩm Trung-Hoa. Và cũng thể theo lời yêu cầu của đa-số Phật-tử muốn có tài-liệu để học-tập và nghiên-cứu, nên chúng tôi gom góp các bài đã biên-soạn, đúc kết thành một tập sách với nhan đề: “GƯƠNG SÁNG NGƯỜI XƯA”.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]