- Chương I: Lý tưởng của người Bồ-tát Ngồn gốc và sự hình thành
- Chương II: Sự bừng tỉnh của con tim giác-ngộ (6 bài)
- Chương III: Lời nguyện của người bồ-tát (6 bài)
- Chương IV: Lòng vị tha và chủ trương cá nhân trong cuộc sống tâm linh
- Chương V: Nam Tính và nữ tính trong cuộc sống tâm linh
- Chương VI: Trước ngưỡng cửa Giác ngộ
- Chương VII: Các cấp bậc của người bồ-tát
- Chương VIII: Đức Phật và người bồ-tát - vĩnh cửu và thời gian
Lý Tưởng của người Bồ-tát
The Bodhisattva Ideal
***
Chương V
Nam Tính và nữ tính trong cuộc sống tâm linh
***
Bài 30 - Nam tính và nữ tính trong cuộc sống tâm linh
Bài 31 - Ba lãnh vực tu tập về sự kiên nhẫn
Bài 32 - Kshanti với tư cách là một sự khoan dung
Bài 33 - Kshanti với tư cách là một sự thụ cảm tâm linh
Bài 33 - Virya hay nghi lực hướng vào điều thiện
Bài 34 - Sự tinh tế trong các xúc cảm mộc mạc
Bài 35 - Phật giáo Zen và Phật giáo Shin
Bài 30
Nam tính và nữ tính trong cuộc sống tâm linh
Thời buổi ngày nay, đề cập đến vấn đề nam tính nữ tính, dù là thuộc lãnh vực nào, thì cũng chẳng khác gì bước vào một lãnh địa vô cùng nguy hiểm, dù với tất cả sự thận trọng bằng cách đặt các chữ này (nam và nữ) vào giữa hai ngoặc kép cũng vậy, cũng không sao tránh khỏi cách hiểu quá đỗi từ chương của hai chữ này. Thế nhưng thật ra chúng ta cũng có thể áp dụng ý nghĩa của các chữ ấy (nam tính và nữ tính) vào các paramita (ba-la-mật / sự hoàn hảo) là các phương cách luyện tập của người Phật giáo: đó là kshanti và virya. (kshanti là tiếng Phạn có nghĩa là sự kiên nhẫn (patience), khoan dung (toleration) và tha thứ (forgiveness); và chữ virya thì có nghĩa là sức cố gắng hay nghị lực).
Theo Phật giáo Theravada thì có 10 paramita (dasa paramiyo):
1- Dana parami: sự hào hiệp (generosity)
2- Sila parami: đạo đức (virtue)
3- Nekkhamma parami: sự từ bỏ (renunciation, self-abnegation)
4- Panna: trí tuệ (wisdom / sự hiểu biết minh bạch)
5- Virya parami: nghị lực (energy, diligence / sức cố gắng, sự cường lực)
6- Khanti parami: kiên nhẫn, khoan dung, tha thứ (tolerence, acceptance, forgiveness)
7- Sacca paramita: sự ngay thật (honesty)
8- Adhithana parami: quyết tâm, cương quyết (determination)
9- Metta parami: lòng từ tâm, lòng nhân ái (goodwill)
10- Upekkha parami: sự thanh thản, bình lặng (equanimity, serenity / xả)
Theo Đại thừa thì có 6 paramita:
1- Dana paramita: sự hào hiệp
2- Sila paramita: đạo đức
3- Kshanti paramita: kiên nhẫn, khoan dung, tha thứ
4- Virya paramita: nghị lực, sức cố gắng, sự cường lực.
5- Dhyana paramita: tập trung tâm thần, sự suy tư (concentration, contemplation)
6- Prajna paramita: trí tuệ (wisdom)
Kshanti là gì
Không nên nhầm lẫn giữa chữ kshanti (kiên nhẫn, sức chịu đựng) với chữ shanti có nghĩa là sự an bình (peace / yên lặng, yên tĩnh). Kshanti là một từ đẹp nhất trong trong ngữ vựng Phật giáo. Ý nghĩa của thuật ngữ kshanti rất đa dạng, không có một từ nào trong các ngôn ngữ Tây phương mang ý nghĩa tương đồng với thuật ngữ này trong tiếng Phạn (kinh sách Hán ngữ gọi phẩm tính này "Nhẫn"). Nghĩa từ chương của chữ này là sự kiên nhẫn hay sức chịu đựng (endurance / sức bền bỉ), đó là liều thuốc hóa giải sự giận dữ, tương tự như dana (sự hào hiệp) là liều thuốc hóa giải sự tham lam. Ngoài các ý nghĩa không giận dữ và không hận thù (kiên nhẫn, khoan dung và tha thứ) chữ kshanti còn ẩn chứa cả tình thương yêu, lòng từ bi, sự rộng lượng, dung thứ, chấp nhận và thụ cảm (receptivity / khả năng tiếp nhận hay cảm nhận dưới hình thức xúc cảm). Hơn nữa kshanti còn nói lên cả một sự dịu dàng và hiếu hòa, phản ảnh một sự nhún nhường chân thật.
Dưới đây là ba ý nghĩa chủ yếu của phẩm tính kshanti:
1- sự kiên nhẫn (sức chịu đựng)
2- sự khoan dung
3- khả năng thụ cảm (sự bén nhạy trong lãnh vực tâm linh)
Ba khía cạnh đó của phẩm tính kshanti sẽ được hình dung qua ba câu chuyện khác nhau, nhằm mục đích gợi lên với chúng ta là phẩm tính kshanti là một cái gì đó không mang tính cách lý thuyết, hay một hình thức tự biện (speculation), mà đúng hơn là một hình thức thực hành liên quan đến cuộc sống thường nhật.
Kshanti dưới hình thức một sự chịu đựng
Kshanti nói lên sự chịu đựng được hình dung qua một câu chuyện trong cuộc sống của Đức Phật. Câu chuyện này được nêu lên trong "Bài kinh gồm 42 tiết mục" (kinh sách tiếng Hán gọi là Tứ thập nhị chương kinh, là bản kinh đầu tiên được xem là của Phật giáo Ấn độ - nhưng không có trong Tam Tạng Kinh - do hai nhà sư xứ Kushan / Quý Sương trong vùng Tây vực, đưa vào Trung quốc năm 67 sau Tây lịch, dưới triều đại Hậu Hán, mở màn cho việc truyền bá Phật giáo trong đế quốc này). Một hôm, Đức Phật đang đi và gặp một người - có thể là một vị bà-la-môn, dầu sao thì chúng ta cũng không thể biết được là ai - vì một lý do nào đó, không thích Đức Phật (Giáo huấn Phật giáo nêu lên nhiều quan điểm đi ngược lại với giáo lý Bà-la-môn), người này bắt đầu gọi Đức Phật bằng đủ mọi thứ tên. Theo kinh điển Pali thì các chuyện đại loại như vậy thường xảy ra [vào thời bấy giờ]. Đức Phật khi còn tại thế không hẳn là một nhân vật nổi tiếng, nhiều người đương thời không thích Đức Phật bời vì Ngài dường như thường khuyên người thế tục nên từ bỏ cuộc sống gia đình để tìm sự giải thoát nơi cõi nirvana (niết-bàn) hơn là chạy theo đồng tiền. Người mà Đức Phật vừa gặp trên đường phỉ báng Ngài với những lời lăng nhục thật tồi tệ. Thế nhưng Đức Phật vẫn cứ đứng yên cho đến khi người này dứt lời. Sau cùng người này cũng ngưng, có lẽ là vì hụt hơi. Lúc đó Đức Phật mới từ tốn hỏi lại người này:
- "Vậy bạn đã nói hết chưa?"
Người này bất thần cảm thấy lúng túng bèn trả lời:
- "Bấy nhiêu đó cũng đủ"
Đức Phật bèn đáp lại:
-"Tốt lắm, vậy ta hỏi lại một câu nhé. Chẳng hạn một hôm có một người bạn thân mang biếu bạn một món quà, thế nhưng bạn lại không muốn nhận. Và nếu bạn không nhận, thì món quà ấy sẽ thuộc về ai?"
Người này đáp lại như sau:
-"Nếu tôi không nhận thì tất nhiên món quà ấy sẽ phải thuộc vào người có ý mang tặng tôi"
Đức Phật lại đáp:
- "Quả đúng là như vậy, bạn vừa tặng cho ta một món quà gồm những lời phỉ báng, thế nhưng ta không nhận, vậy bạn cứ giữ cho bạn nhé!"
Trên đây là thái độ hành xử của Đức Phật. Thật hiển nhiên, không mấy ai trong chúng ta có thể hành xử như vậy, có nghĩa là đủ sức trả lời một cách hòa nhã. Nếu bị một người nào đó phỉ báng thì tức khắc chúng ta sẽ trả đủa ngay bằng những lời cay độc tương xứng. Hơn nữa chúng ta lại còn ghi khắc trong tâm những lời phỉ báng độc ác đó để sau này tìm cách trả thù. Vị đại sư Shantideva (shanti có nghĩa là yên lặng hay an bình, deva có nghĩa là thiên nhân hay thánh nhân / deity, kinh sách Hán ngữ "dịch" tên của vị này là Tịch Thiên) mách bảo chúng ta nhiều phương cách luyện tập về sức chịu đựng nêu lên trong phẩm tính kshanti. Chẳng hạn Shantideva cho biết nếu có một người nào đó dùng gậy đánh mình, [thì cứ hãy nghĩ rằng] đấy chỉ là những cảm nhận đau đớn [trên thân thể] chẳng có gì đáng phải nổi điên. Thay vì điên tiết lên thì hãy cứ cố gắng tìm hiểu xem những gì đang xảy ra, chẳng hạn như qua sự nhận xét cẩn thận thì mình nhận thấy có hai thứ cùng xảy ra trùng hợp với nhau: một thứ là cây gậy và một thứ là thân thể của mình. Cảm giác đau đớn là hậu quả phát sinh từ sự gặp gỡ trùng hợp của hai yếu tố đó: cây gậy và thân thể. Đến đây, Shantideva nêu lên một thắc mắc như sau: ai là người lãnh trách nhiệm về sự trùng hợp đó? Quả đúng là người đưa cao cây gậy lên để đánh mình, và người này tất nhiên phải lảnh một phần trách nhiệm, thế nhưng chính mình tạo ra thân thể mình [để người ấy đánh], thân thể ấy từ đâu sinh ra (từ nguyên nhân sâu xa nào làm phát sinh ra thân thể của mình)? Thân thể đó phát sinh từ samskara (xin xem thêm giải thích bên dưới về chữ samskara) trước đây của mình: đó là tình trạng vô minh của mình và những gì mà mình làm duới sự chi phối của nó trong các kiếp sống quá khứ của mình. Quả đúng là có một người cầm một cây gậy, thế nhưng chính mình đem cái thân thể này của mình đến [để người ấy đánh], vì thế cả hai đều cùng chịu trách nhiệm như nhau. Do vậy tại sao mình lại chỉ nổi nóng đối với người cầm gậy, mà không nổi nóng với chính mình (tức là nổi nóng với tình trạng vô minh và lầm lẫn của mình trong quá khứ) là người mang thân thể mình đến [cho người ấy đánh]? Trong tập luận Bodhicaryavatara ("Con đường đưa đến Giác Ngộ", Bodhi có nghĩa là Giác ngộ, carya là phép luyện tập, avatara là cửa ngõ, kinh sách Hán ngữ gọi tập sách này là "Bồ-đề hành luận") Shantideva nêu lên thật nhiều cách suy nghĩ đại loại như vậy giúp chúng ta luyện tập về sức chịu đưng (sức kiên trì, một trong ba thể dạng của phẩm tính kshanti / sự nhẫn nhục).
(Samskara là "sự tạo tác tâm thần", kinh sách Hán ngữ gọi là "hành", có nghĩa là các "sự tạo đựng của tâm thức mang tính cách chủ tâm" / mental formations / volition. Xin nhắc lại chữ samskara nằm trong khái niệm về năm thứ cấu hợp / skandha tạo ra một cá thể con người, kinh sách Hán ngữ gọi là ngũ uẩn: 1-rupa (hình tướng / form), 2- vedana (sự cảm nhận /sensation, feeling), 3- Samjna (sự nhận biết hay nhận thức / perception), 4-samskara (sự tạo tác tâm thần hay tác ý / mental formation, volition - theo nhà sư Sangarakshita thì đó là nguyên nhân tạo nghiệp, đưa đến sự hình thành của thân thể); 5-Vijnana (tri thức / consciousness, là cơ sở tạo ra sự phân biệt giữa chủ thể/đối tượng. Những gì vừa nêu lên khá lý thuyết và khúc triết, đối với những người không thích suy nghĩ nhiều thì chỉ cần hiểu rằng nếu không có nghiệp của mình đưa đến sự hình thành của thân thể mình thì người cầm gậy bùng lên sự tức giận để đánh vào không khí. Luôn nên nghĩ đến nguyên lý tương liên tương tác và tương tạo giữa mọi hiện tượng / pratityasamutpada / lý duyên khởi, bởi vì đó là chiếc chìa khóa mở ra lâu đài Phật giáo).
Bures-Sur-Yvette, 27.02.21
Hoang Phong chuyển ngữ