Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bài 19: Bốn đại nguyện của người bồ-tát

03/10/202016:19(Xem: 2283)
Bài 19: Bốn đại nguyện của người bồ-tát


buddha_132

Lý Tưởng của người Bồ-tát

The Bodhisattva Ideal

***

Chương III

 

Bốn đại nguyện của người bồ-tát

 

***

 

Bài 16 - Lời nguyện của người bồ-tát

Bài 17 - Mười đại nguyện của người bồ-tát

Bài 18 - Đại thừa và Tiểu thừa

Bài 19 - Bốn đại nguyện của người bồ-tát

Bài 20 - Tôi cầu mong giải tỏa được mọi khó khăn cho tất cả chúng sinh

Bài 21-  Tôi cầu mong loại trừ được mọi thứ đam mê

 

 

Bài 19

 

Bốn đại nguyện của người bồ -tát

 

            Bốn nguyện ước quan trọng nhất và cũng được xem là "Bốn đại nguyện" chủ yếu của người bồ-tát sẽ được nêu lên dưới đây, bốn đại nguyện này thường được những người Phật giáo tại các nước Viễn-đông mang ra tụng niệm hằng ngày:

 

Tôi cầu mong sẽ giải tỏa được mọi khó khăn cho tất cả chúng sinh.

Tôi cầu mong loại trừ được mọi thứ đam mê.

Tôi cầu mong khắc phục được tất cả mọi hiện tượng (dharma/pháp).

 Tôi cầu mong hướng dẫn tất cả chúng sinh phát huy được Phật tính (xin nhắc lại, Phật tính hay Phật tánh là tiềm năng sâu kín nơi mỗi chúng sinh giúp mình trở thành một vị Phật).

 

            Bốn đại nguyện trên đây được nêu lên trong rất nhiều bài kinh Đại thừa, dường như điều này là một cách nhắc nhở những ai bước theo con đường Đại thừa nên chọn cho mình cách tu tập này. Thật vậy, dưới một góc nhìn nào đó, các lời nguyện ước trên đây nói lên những gì chủ yếu nhất đối với lý tưởng của người bồ-tát, tất nhiên là với điều kiện người tu tập phải tôn trọng lý tưởng đó một cách nghiêm chỉnh và mang ra luyện tập. Hơn thế nữa, người ta cũng có thể xem bốn nguyện ước trên đây không những phản ảnh lý tưởng của người bồ-tát, mà còn biểu trưng cho cốt lõi của cả Phật giáo nói chung. Bốn lời nguyện đó nêu lên ý niệm về những gì mà những người tu tập Phật giáo phải thường xuyên luyện tập (câu này thật hết sức quan trọng, chúng ta thường tu tập bằng cách cầu an cho mình và cầu siêu cho những người thân quá cố. Cách tu tập đó không những trái ngược lại với bốn đại nguyện trên đây mà cả chủ đích của Đại thừa).

 

            Những lời nguyện ước đó tuy mang tính cách cực đoan (giúp đỡ tất cả chúng sinh, hoàn toàn tất cả, cho đến chúng sinh cuối cùng) thế nhưng không được phép xem thường. Khi đã thốt lên: "Tôi cầu mong sẽ giải thoát được tất cả chúng sinh", thì tất cả chúng sinh ở đây phải thật sự là tất cả (không loại trừ một chúng sinh nào). Dầu sao cũng không nên đưa các lời nguyện này vào các puja (nghi lễ) để thường xuyên tụng niệm như một thói quen. Tầm nhìn vũ trụ của Đại thừa hoàn toàn chính đáng (giải thoát "tất cả" chúng sinh), vì thế không nên mang ra tụng niệm một cách hời hợt được. Nếu xướng lên những lời nguyện ấy như là một cách luyện tập riêng tư của mình, thì đấy sẽ là cách tạo ra sự trịnh trọng, nói lên lòng thiết tha của mình. Trái lại nếu cùng xướng lên những lời nguyện đó với toàn thể một đám đông trong một gian phòng thiền, thì ý nghĩa của lời nguyện là phải giúp đỡ tất cả chúng sinh, sẽ không còn giữ được sức mạnh của nó  (lời nguyện không mang tính cách tập thể, cũng không phải là một lời kêu gọi, mà là bổn phận của chính cá nhân mình).     

 

            Bốn đại nguyện phản ảnh niềm ước vọng tâm linh của thật nhiều người, thế nhưng không có nghĩa là phải tuân thủ đúng như vậy và xem đó là những lời nguyện của mình. Kinh sách khẳng định thật rõ ràng là người bồ-tát hoàn toàn tự do quy định các nguyện vọng riêng cho cá nhân mình (thích hợp với bản tính và những sự mong mỏi của mình). Điều chủ yếu là không được phép chọn các nguyện ước hẹp hòi và nhất thời, các nguyện ước đó phải mang một mục đích tối thượng, bao trùm tất cả. Khía cạnh đặc biệt nhất trong tất cả các lời nguyện ước của người bồ-tát là tính cách toàn cầu. Lòng vị tha đối với cuộc đời tu tập của người bồ-tát không có một giới hạn nào cả. Khi đã ý thức được vai trò quan trọng của lòng vị tha trong việc tu tập, thì chúng ta cũng sẽ hiểu rằng không thể nào áp đặt một giới hạn nào cả cho lòng vị tha đó của mình. Chúng ta không thể thốt lên: "Đấy là tất cả những gì mà tôi có thể làm được cho kẻ khác, tôi không thể làm hơn như thế được". Ngay trong lúc này, rất có thể là mình chưa làm được gì nhiều, thế nhưng trên nguyên tắc chúng ta không được phép đặt ra một giới hạn nào cho những gì mà sự dấn thân của mình đòi hỏi mình phải làm vì kẻ khác, ngay cả trong lúc mà mình vẫn chưa bắt tay vào việc.

 

            Khi thốt lên lời nguyện thứ nhất trên đây đúng theo kinh sách: "Tôi nguyện cầu sẽ cứu độ tất cả chúng sinh", thì câu đó cũng có nghĩa là "Khi nào cảnh huống xảy ra và khi nào tôi đã chuẩn bị xong thì tôi sẽ sẵn sàng hành động vì tất cả các chúng sinh khác, nhưng tôi sẽ không đặt ra một giới hạn nào cho các hành động đó của tôi". Dầu sao chúng ta cũng không thể biết trước được các ước vọng ấy của mình sẽ đưa mình đến đâu, và cũng không thể biết được rồi đây mình sẽ phải làm những gì. Chúng ta chỉ biết là mình đang hướng vào một sự mở rộng tối đa nhằm giúp đỡ chúng sinh nhiều chừng nào tốt chừng đó. Nếu việc loại bỏ cái tôi (cái ngã) không được dừng lại ở một cấp bậc nào đó, thì việc giúp đỡ chúng sinh cũng vậy, cũng sẽ không có một giới hạn nào. Chúng ta không thể hình dung được việc loại bỏ cái tôi (cái ngã) lại có thể dừng lại ở một cấp bậc nhất định nào đó (không thể loại bỏ cái ngã hơn như thế được nữa), cũng vậy những gì mình sẵn sàng thực hiện cho chúng sinh không có một ranh giới nào cả. Một khi đã dấn thân vào con đường tâm linh, thì truớc mặt mình sẽ không còn hiện ra một ranh giới nào, một đối tượng nào hay một chủ đích nào nữa cả. Đấy chính là ý nghĩa đích thật ẩn chứa trong lời nguyện của người Bồ-tát: vượt thoát tất cả mọi ranh giới.  

 

            Trong một tập luận của Đại thừa mang tựa "Sự toàn thiện Trí Tuệ" với phiên bản 8000 câu (Prajnaparamita-sutra, còn gọi là Bát-nhã Ba-la-mật-đa Tâm kinh, là một bản kinh quan trọng nhất của Đại thừa, gồm nhiều phiên bản, từ rất ngắn với vài mươi câu dùng để tụng, cho đến thật dài gồm 10000, 18000, 25000 và 100000 câu), từng nhấn mạnh đến vấn đề phải làm thế nào để nhận biết được một người bồ-tát đích thật. Một trong các cách nhận biết đó là mỗi khi nêu lên với người bồ-tát câu hỏi nirvana/niết-bàn là gì, thì tức khắc vì ấy sẽ trả lời đấy là lòng từ bi. Qua một góc nhìn mở rộng hơn, nếu có ai hỏi mình về việc tu tập của mình là gì, và nếu mình trả lời là để phát triển tâm linh của mình, nhưng tuyệt nhiên không đá động gì đến lòng vị tha, thì đấy có nghĩa là mình chưa thật sự bước vào con đường tu tập tâm linh. Chúng ta không nên chỉ biết khám phá con đường đó cho riêng cá nhân mình. Việc tu tập của mình liên hệ và tương tác với các kẻ khác, tạo ra một trách nhiệm chung. Nói một cách khác là chúng ta phải ý thức được là lòng từ bi và trí tuệ phải luôn đi đôi với nhau (trí tuệ giúp mang lại cho mình sự thăng tiến tâm linh, từ bi là phương tiện phát huy cái trí tuệ đo. Cả hai - trí tuệ và từ bi -  cùng mở đường cho chúng ta bước vào thế giới. Sự Giác ngộ tối thượng chỉ có thể đạt được từ bên trong thế giới đó).  

   

            Quả đáng tiếc, qua một số cảnh huống lịch sử, sự dấn thân mang nặng lòng vị tha của Đại thừa thay vì được hiểu là một cách diễn đạt mới hơn về con đường nguyên thủy [của Đức Phật], thì lại được xem như là một con đường khác hẳn (nhà sư Sangharakshita nêu lên "các cảnh huống lịch sử" phải chăng là có ý nói đến tình trạng bảo thủ của Phật giáo Theravada trên đảo Tích- lan, và Đại thừa là một con đường mới lạ tách ra khỏi Giáo huấn nguyên thủy của Đức Phật? Nhà sư Sangharakshita hoàn toàn không tán đồng các quan điểm này và cho rằng Đại thừa là một hình thức mở rộng, trực tiếp bùng lên từ Giáo huấn nguyên thủy của Đức Phật ).

 

            Tuy nhiên, dù là một người bồ-tát hay một người còn đang ước vọng trở thành một người bồ-tát, thì cả hai phải chăng đều cần đến những lời phát nguyện trên đây giúp mình hội đủ sức mạnh thực hiện trọn vẹn con đường hướng vào sự toàn thiện (ba-la-mật)? Trong trường hợp bodhicitta (bồ-đề tâm) chưa thật sự hiện lên với mình như là một sự cảm nhận (an experience), tương tự như sự quán thấy xuyên thấu và siêu việt (vipassana/ transcendent insight. Theo Phật gíáo Theravada thì vipassana là sự quán thấy bản chất vô thường và khổ đau của thế giới, theo Đại thừa là sự quán thấy sự "trống không"/"tánh không"/sunyata và "bản chất đích thật của hiện thực" hay dharmata), thì chúng ta vẫn còn phải cần đến những lời phát nguyện hỗ trợ cho mình (giúp mình duy trì và giữ vững quyết tâm của mình). Khi nào bodhicitta thật sự hiện ra với mình thì khi đó những lời phát nguyện sẽ không còn là một phương tiện hỗ trợ nữa mà trở thành một sự cảm nhận (an experience, tức là một cái gì đó mà mình cảm nhận được nó một cách rất thật và cụ thể).

 

            Theo truyền thống, khi người bồ-tát phát nguyện ước vọng của mình tạo được cho mình sự hiển hiện của bodhicitta, thì Đức Phật trước kết quả đó của người bồ-tát, sẽ báo trước với người này là sau cùng sẽ đạt được Giác ngộ. Nếu không chấp nhận sự kiện đó đúng như vậy (đúng với lời tiên đoán của Đức Phật là người bồ-tát sẽ đạt được Giác ngộ) thì người ta cũng có thể xem sự tiên đoán đó tương tự như tiếng vang, vọng lại từ tổng thể của vũ trụ nhằm hồi đáp lời nguyện ước của người bồ-tát. Lời nguyện của người bồ-tát  hướng thẳng vào vũ trụ và vũ trụ cũng sẽ tạo ra một sự phản hồi trước các tác động tạo ra bởi lời nguyện đó. Nếu vũ trụ đó là một vũ trụ của đạo đức và tâm linh, thì cũng sẽ có một chút "tri thức" phát sinh (một chút giác ngộ hiện ra với người bồ-tát). 

 

            Lời nguyện của người bồ-tát mang tính cách công khai, do đó cũng là thành phần hiển nhiên của hiện thực, và đương nhiên sẽ tạo ra một sự phản hồi (quy luật nguyên nhân - hậu quả). Dưới một góc nhìn nào đó, sự tiên đoán trên đây cũng chỉ là một cách nói lên một sự kiện hiển nhiên nằm bên trong sự vận hành chung của tổng thể vũ trụ, nhằm bảo đảm cho lời nguyện ước đó [sẽ trở thành sự thật]. Đó là một thể loại vũ trụ mà nơi đó lời nguyện ước có thể thực hiện được, và cũng có thể xem điều đó như là một sự tất nhiên một khi lời nguyện ước đã được thốt lên, Đức Phật chỉ nêu lên sự kiện đó mà thôi. Thế nhưng cũng nên hiểu rằng sự tiên đoán đó [của Đức Phật] không có nghĩa là người bồ-tát sẽ chắc chắn đạt được Giác ngộ, và bắt đầu từ thời điểm đó người bồ tát sẽ không còn tự do nữa (không chủ động và hoàn tất được sự thực hiện lời nguyện ước của mình là mãi mãi không chấp nhận sự Giác ngộ để có thể giúp đỡ tất cả và tất cả chúng sinh). Đức Phật với một sự quán thấy vượt khỏi yếu tố thời gian, có thể trông thấy khi nào người bồ-tát sẽ đạt được Giác ngộ, thế nhưng chính người bồ-tát, với một sự nhận thức còn lệ thuộc vào các kích thước thời gian, sẽ còn phải tiếp tục thật sự ra sức thực hiện mục đích đó [một cách cụ thể].    

 

                                                                                    Bures-Sur-Yvette, 02.10.20

                                                                                     Hoang Phong chuyển ngữ




***
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
23/11/2010(Xem: 4980)
Hình ảnh của Bồ Tát Quán Thế Âm trong thân tướng nữ nhân, tay cầm bình tịnh và cành dương liễu, còn được gọi dưới danh hiệu PHẬT BÀ QUAN ÂM NAM HẢI, là 1 hình ảnh rất gần gũi với dân tộc Việt Nam...
20/11/2010(Xem: 3552)
Kính lạy đức Bồ Tát Quán Thế Âm, chúng con xin học theo hạnh Ngài, biết lắng tai nghe cho cuộc đời bớt khổ. Ngài là trái tim biết nghe và biết hiểu.
09/11/2010(Xem: 3513)
Bồ Tát Quán Thế Âm đang thực sự có mặt bên cạnh chúng ta mang sứ mệnh Bồ Tát vào đời để cứu vớt nhân sinh qua cơn khổ nạn hay chỉ là một nhân vật huyền thoại tôn giáo? Với những người mang nặng tinh thần duy lý cho rằng Đạo Phật không hề đặt cơ sở trên những niềm tin mù quáng và do đó, tin vào sự cứu độ của một tha lực bên ngoài –ví dụ như Quán Thế Âm Bồ Tát- theo họ là một hình thức dị đoan mê tín, khó chấp nhận.
06/11/2010(Xem: 18274)
Hành giả Bồ Tát phải tích cực hành Bồ Tát hạnh, nghĩa là mỗi hành động, mỗi lời nói, mỗi ý niệm đều hướng về chúng sinh, vì lợi ích chúng sinh.
26/10/2010(Xem: 2857)
Trong thế giới loài người có một vị Bồ tát ai cũng có thể biết như một vị cứu tinh. Ngài có trái tim yêu thương và hiểu biết, luôn mở rộng tấm lòng nhân ái chẳng nỡ bỏ một ai đau khổ. Ngài chính là Bồ tát Quán Thế Âm. Khi nghe ai trong khốn khổ, khó khăn, tuyệt vọng tâm niệm đến Ngài thì Ngài liền ra tay cứu giúp và nâng đỡ.
22/10/2010(Xem: 7081)
Một trong những phương pháp nghiên cứu mới nhất do Daniel Overmyer đề xướng (1998) trong lãnh vực khoa học nhân văn hiện đang được các nhà học giả áp dụng được gọi là « THF » (Text, History & Field Work), tức là phối hợp sử dụng các sử liệu và văn bản kèm theo với việc đi khảo sát thực tế. Áp dụng phương pháp này, và xem đó như là một phương cách hữu hiệu trong việc nghiên cứu lịch sử tôn giáo Trung Quốc, GS/TS. Chun Fang Yu (Vu Phương Quân), Khoa Trưởng Phân Khoa Tôn Giáo Đại Học The State University of New Jersey, HK, trong một tác phẩm mới nhất của bà, nhan đề « Quán Âm » đã cống hiến cho chúng ta một công trình nghiên cứu xuất sắc và đầy đủ nhất từ trước đến nay liên quan đến Bồ Tát Quán Thế Âm.
21/10/2010(Xem: 4547)
Sau khi thành đạo, Đức Phật đã phổ biến con đường giác ngộ cho nhiều người. Giác ngộ là vô cùng quí báu vì đó là con đường đưa đến sự giải thoát tối thượng của Niết bàn.
03/10/2010(Xem: 3072)
Mọi người Phật tử khi nhắc đến Đức Quán Thế Âm (Avalokites) nghĩa là lắng nghe tiếng kêu của cuộc đời , người Việt Nam dù là Phật tử hay chưa phải là Phật tử đều có một khái niệm chung là vị Bồ tát hay cứu khổ cứu nạn cho mọi người, điều này đã ăn sâu vào trong tiềm thức của mỗi người và Quán Thế Âm trở thành một biểu trưng cho lòng từ bi của Phật giáo. Quán Thế Âm dân gian ta gọi tắt là Quán Am, nhìn chung Ngài là vị Bồ tát thể hiện lòng Bi, một trong hai đức của Phật tánh: Văn Thù biểu trưng cho trí tuệ thì Quán Thế Âm biểu trưng cho đức từ bi của Phật. Đã từ lâu, Đức Quán Thế Âm được nhiều người Việt Nam tôn kính và thờ phụng tin tưởng rất phổ biến , nhất là trong lúc gặp khó khăn hoạn nạn đều hướng về Ngài như là một vị cứu tinh vì danh hiệu Ngài là "Cứu khổ cứu nạn". Những năm gần đây, niềm tin này lại được bộc lộ qua việc thờ Quán Thế Âm ở tại tư gia nhất là" lộ thiên" (ngoài trời nơi sân thượng). Việc thờ Quán Thế Âm là một niềm tin mang tinh thầnTừ bi của Đạo Phật nó còn là biể
03/10/2010(Xem: 3433)
Hành Trì Pháp Quán Thế Âm
26/09/2010(Xem: 9568)
Sự tích 16 vị La-hán được chép trong sách Pháp Trụ Ký. Sách này do vị Đại A-la-hán Nan Đề Mật Đa La (Nandimitra) trước thuật và Tam Tạng Pháp sư Huyền Trang (600-664) dịch ra chữ Hán. Ngài Nan Đề Mật Đa La (còn có tên là Khánh Hữu) người Tích Lan, ra đời khoảng năm 800 năm sau Phật Niết bàn. Theo Pháp Trụ Ký (Fachu-chi), thì Ngài chỉ lược thuật lại kinh Pháp Trụ Ký do Phật thuyết giảng mà thôi...
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]