Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bài 40: Bốn Dhyana Phi Hình Tướng

18/05/202119:38(Xem: 1642)
Bài 40: Bốn Dhyana Phi Hình Tướng


buddha_152

Lý Tưởng của người Bồ-tát

The Bodhisattva Ideal

***


Chương VI

 

Trước ngưỡng cửa Giác ngộ

 

***

 

                        Bài 37 - Trước ngưỡng cửa Giác ngộ

                        Bài 38 - Dhyana paramita hay sự hoàn hảo của thiền định

                        Bài 39 - Dhyana thứ hai

                        Bài 40 - Bốn dhyana phi hình tướng

                        Bài 41 - Các cửa ngõ mở vào sự giải thoát

                        Bài 42 - Prajña paramita hay sự hiểu biết siêu việt về hiện thực

                        Bài 43 - Prajña hay năm thể dạng trí tuệ

 

 

Bài 40

 

Bốn dhyana phi hình tướng

 

 

            Bốn dhyana trong thế giới arupaloka (tiền ngữ "a" nói lên một sự phủ nhận, rupa có nghĩa là hình tướng, loka là cõi, lãnh vực hay thế giới, tóm lại có thể hiểu chữ arupaloka là thế giới phi hình tướng, xin nhắc lại thế giới hình tướng / rupaloka đã được nói đến trong bài 39) là các dhyana (các thể dạng thiền định) thuộc vào cõi phi hình tướng. Rất ít những người hành thiền đạt được các thể dạng cảm nhận này (hầu hết những người hành thiền chỉ đạt được cấp bậc cảm nhận trong thế giới hình tướng, có nghĩa là những gì cụ thể liên quan đến con người của mình, chẳng hạn như sự tập trung tâm thần, niềm phúc hạnh hay sự thanh thản / upeksa. Rất ít người hành thiền có thể đạt được các dhyana trong thế giới phi hình tướng, là các thể dạng cảm nhận thật sâu xa, vượt khỏi các sự cảm nhận cụ thể, liên quan đến thế giới hiện tượng). Tuy nhiên, thiết nghĩ cũng nên giải thích thật ngắn gọn các cảm nhận đó với mục đích nêu lên khả năng biến cải vô cùng sâu sắc mà phép thiền định có thể mang lại cho chúng ta. Người ta có thể bảo rằng các dhyana này (trong thế giới phi hình tướng) phát sinh từ dhyana thứ tư trong thế giới hình tướng    

 

Bầu không gian vô tận

 

            Dhyana thứ nhất [trong bốn dhyana phi hình tướng] được gọi là "bầu không gian vô tận". Như chúng ta đã thấy (trong bài 39), sau khi đã đạt được dhyana thứ tư trong thế giới rupaloka (thế giới hình tướng), thì chúng ta sẽ tách ra khỏi sự ý thức về thân thể của mình và cả mọi sự vật thuộc thế giới bên ngoài. Nhằm giúp mình tạo được dễ dàng hơn cảm nhận vể không gian vô tận đó, các bạn hãy tưởng tượng tất cả các vật thể chung quanh mình đều được mang đi hết, dẹp bỏ hết, từ tranh ảnh đến đèn đuốc, v.v., không để lại bất cứ một thứ gì cả. Vậy cái gì sẽ còn sót lại? Đó là không gian, một không gian hoàn toàn trống không. Và nếu mở rộng thêm nữa bằng cách loại bỏ cả xứ sở này, địa cầu này và cả thiên hà..., thì những gì sẽ còn lại? Chỉ là không gian mà thôi. Sau khi chúng ta rút ra khỏi các cảm nhận của các giác quan mà [trước đây] chúng ta đã phải dựa vào đó để nhận diện mọi sự vật [trong thế giới hiện tượng], thì [duy nhất] những gì còn lại là sự cảm nhận về không gian vô tận, một không gian trải rộng đến vô biên, tỏa ra khắp mọi hướng. Cách nói "khắp mọi hướng" thật ra cũng không được đúng lắm, bởi vì cách nói đó có thể gợi lên hình ảnh một sự tỏa rộng xuất phát từ một điểm mốc nào đó, thế nhưng sự cảm nhận về không gian vô tận không phát xuất từ "vị trí này" hay "vị trí kia" mà chỉ là sự vô tận của không gian, tất cả là không gian, cùng khắp chỉ là không gian.         

 

Bầu không gian của tri thức vô tận

 

            Bản chất của arupa dhyana thứ nhất (sự cảm nhận không gian vô tận) trên đây có thể mang lại cho chúng ta một ý niệm nào đó về "bầu tri thức vô tận" (tri thức đi kèm với không gian giúp mình hình dung ra sự vô tận của không gian). Khi đã cảm nhận được một bầu không gian vô tận thì tất nhiên người ta cũng sẽ tạo được cho mình một sự nhận thức hay ý thức nào đó về không gian vô tận.  Nói một cách khác là khi hướng [sự suy nghĩ của mình] vào không gian vô tận, thì tất nhiên cũng sẽ có một tri thức vô tận (một ý niệm về sự vô tận) đi kèm với nó (hầu giúp mình có thể ý thức được sự vô tận đó của không gian), và đấy là thể dạng chủ quan (tâm thức với tư cách là chủ thể) bên trong thể dạng khách quan (không gian là đối tượng mang tính cách khách quan), và đó cũng là một sự cảm nhận (tri thức cảm nhận được không gian). Do đó nếu muốn cảm nhận được arupa dhyana thứ hai (tri thức vô tận), thì phải tách ra khỏi sự cảm nhận về không gian vô tận để tập trung vào (hướng vào) sự cảm nhận về sự vô tận của tri thức. Đó là sự cảm nhận về một tri thức tỏa rộng ra mọi hướng, tuy nhiên cũng nên hiểu rằng sự tỏa rộng đó không xuất phát từ một điểm nào cả, mà đúng hơn là tri thức trở nên cùng khắp (khi hình dung ra không gian vô tận thì tri thức cũng sẽ đi kèm với với không gian đó để ý thức được sự vô tận của nó; sau đó thì tách sự cảm nhận ấy ra khỏi không gian vô tận để hướng vào tri thức mình để ý thức và cảm nhận được sự vô tận của chính nó. Đấy là cách giúp mình vượt ra khỏi thế giới hiện tuợng, nhận biết bởi lục giác, gồm ngũ giác và tâm thần).   

 

Bầu không gian phi-cảm-nhận nhưng cũng không phải là không-cảm-nhận

 

            Dhyana thứ ba càng trở nên tinh tế hơn nữa, đó là "bầu không gian phi-cảm-nhận thế nhưng cũng không-phải-là-không-cảm-nhận". Với dhyana này chúng ta sẽ bay bổng một cách thật sự, dù mình vẫn còn ở trong thế giới trần tục, chưa phải là thế giới siêu nhiên. Sau khi đã chuyển từ đối tượng vô tận (sự vô tận của không gian) sang chủ thể vô tận (sự vô tận của tri thức) - nếu có thể nói như vậy - thì chúng ta sẽ vượt xa hơn cả hai thứ ấy (tri thức không còn vướng mắc vào sự vô tận của không gian và của cả chính nó, nói một cách khác thì đấy là một cách giải thoát cho tri thức) để đạt được một thể dạng mà trong đó người ta, qua một cách nói nào đó, có thể bảo rằng chẳng có ai (cái tôi tan biến) để mà nói lên là mình cảm nhận hay không cảm nhận, dù là bất cứ một thứ gì . Chúng ta không hoàn toàn vượt khỏi chủ thể và đối tượng, thế nhưng chúng ta cũng không còn cảm nhận mọi sự vật dưới hình thức chủ thể và đối tượng (chủ thể và đối tượng cùng tan biến, tạo ra một sự hòa nhập hoàn toàn với hiện thực, không còn một sự tách biệt nào giữa mình và hiện thực). 

 

Bầu không gian không-có-gì-cả hay không-có-gì-đặc-biệt-cả

 

            Dhyana thứ tư (trong cõi phi hình tướng) là "bầu không gian chẳng-có-gì-cả" hay "chẳng-có-gì-đặc-biệt-cả". Thật hết sức khó để có thể nêu lên bất cứ một thứ gì trong bầu không gian đó, nếu không thì đấy chỉ đơn giản là một thể dạng [tâm thần], hay một sự cảm nhận, trong đó người ta không thể chọn lựa (xác định, nhận định) bất cứ một thứ gì khác hơn với các thứ khác. Trong tình trạng cảm nhận [bình dị] của chúng ta trong lúc này (tức là chưa thực hiện được các cảm nhận thiền định), thì chúng ta không thể nào thoát khỏi sự phân biệt, chẳng hạn như trông thấy một cánh hoa thì đấy không phải là một gốc cây, trông thấy một gương mặt thì đấy không phải là một gian nhà. Thế nhưng sau khi đã cảm nhận được dhyana phi hình tướng thứ tư, thì mọi sự vật sẽ không còn là các "sự vật" mang tính cách cá biệt nữa. Điều đó không có nghĩa là mọi sự vật đều đại loại cùng một thứ như nhau, cùng lẫn lộn với nhau, mà duy nhất chỉ có sự phân biệt là không còn hiện hữu nữa. Tình trạng đó không có nghĩa là một sự vắng mặt hoàn toàn, chẳng có bất cứ một thứ gì, không có "một sự vật" nào cả, mà đúng hơn là sự cá biệt (peculiarity / cá tính, đặc tính) của mọi sự vật đã bị loại bỏ.    

 

                Có nhiều phương cách giúp mình hòa nhập vào các thể dạng arupa dhyana (dhyana phi hình tuớng) và xuyên qua (vượt qua và đi xa hơn) các thể dạng đó. Chúng ta có thể hòa nhập vào thể dạng thứ nhất (trong bốn thể dạng dhyana phi hình tướng) bằng cách tách ra khỏi thể dạng rupa dhyana sau cùng (tức là dhyana thứ tư trong thế giới hình tướng). Chúng ta cố gắng thoát khỏi thể dạng đó bằng cách nhìn vào nó một cách khách quan hơn (nhìn vào dhyana thứ tư trong thế giới hình tướng như là một đối tượng cảm nhận của mình thuộc bên ngoài chính mình). Sau đó chúng ta tiếp tục làm cho cảm tính về sự tách biệt đó trở nên càng lúc càng rõ nét hơn. Sự chuyển đổi thái độ đó (tách rời dhyana thứ tư của thế giới hình tướng để cảm nhận các dhyana của thế giới phi hình tướng) phải nhờ vào một cấp bậc tri thức thấp hơn, tức là sự suy nghĩ trong lãnh vực khái niệm về sự giới hạn của dhyana thứ tư (tức là sự thanh thản / upeksa / "xả" của dhyana thứ tư trong thế giới hành tướng)  bằng cách tự hạ thấp sự cảm nhận của mình xuống cấp bậc dhyana thứ nhất (tức là sự tập trung tâm thần và hợp nhất các luồng năng lực, tạo ra cho mình sự tỉnh giác và minh mẫn). Cung cách suy nghĩ đó có thể thực hiện được (trở lại với thể dạng dhyana thứ nhất để nhận thấy mình còn phải vượt xa hơn sự thanh thản / upeksa của dhyana thứ tư). Thế nhưng qua cách suy nghĩ đó chúng ta có thể sẽ cảm thấy ít nhiều do dự (phân vân), không hoàn toàn tin tưởng là mình đã hoàn toàn hòa nhập trở lại với thể dạng dhyana thứ tư mà mình đã đạt được trước đó. Trên đây là quá trình chủ yếu giúp chúng ta chuyển từ dhyana thứ tư (hình tướng) sang các arupa dhyana (phi hình tướng). Sự hòa nhập hoàn toàn vào dhyana thứ tư (trong thế giới hình tướng, tức là sự thanh thản tuyệt đối) có thể tạo ra cho mình một sự cảm nhận mang một sức thu hút rất mạnh khiến mình không ra thoát khỏi nó. Điều đó khiến mình có xu hướng đồng hóa mình với sự cảm nhận đó (sự thanh thản / upeksa), có thể hiểu là cả một sự bám víu vào nó (khiến mình không còn nghĩ đến là phải tiếp tục hòa nhập xa hơn vào các dhyana của thế giới phi hình tướng).  Nếu muốn hòa nhập với các thể dạng arupa dhyana (các thể dạng dhyana phi hình tướng), thì bằng cách này hay cách khác, phải thoát ra khỏi dhyana hình tướng thứ tư (sự thanh thản / upeksa). Thế nhưng một khi đã hiểu được thể dạng này sở dĩ hiện ra với mình là nhờ vào nguyên lý tương liên giữa nguyên nhân và điều kiện (lý duyên khởi / pratityasamutpada / nguyên lý tương liên, tương tác và tương tạo giữa mọi hiện tượng) thì tất nó sẽ phải tan biến đi khi các nguyên nhân và điều kiện không còn hội đủ (hầu chống đỡ cho sự hiện hữu của nó), cách suy nghĩ đó sẽ giúp chúng ta không còn bám víu vào nó nữa (tức là rời bỏ sự cảm nhận thanh thản  / upeksa / "xả" để có thể đi xa hơn. Chữ "thanh thản" trong tiếng Việt cũng chỉ là một cách tạm dịch, bởi vì không được hoàn toàn sát nghĩa. Các ngôn ngữ Tây phương dịch là equanimity, khá gần với ý nghĩa của chữ upeksa trong tiếng Phạn. Kinh sách Hán ngữ dịch chữ này là "xả" / , chữ "xả" là một động từ, nếu có thể nói như vậy, do đó khiến dễ hiểu lầm là một sự "xả bỏ" "tha thứ", "hỉ xả", v.v., như người ta thường thấy. Trong khi đó chữ upeksa là danh từ hoặc tĩnh từ nói lên một thể dạng cảm nhận thanh thoát, thăng bằng và bền vững của tâm thức, một sự cảm nhận ở một cấp bậc thật cao trong phép thiền định, không phải là chuyện "hỉ xả". Các thuật ngữ tiếng Hán thường gây ra rất nhiều khó khăn và bế tắc trong việc tìm hiểu giáo lý và triết học Phật giáo là vậy. Ngoài ra chữ "hỉ"/ trong kinh sách Hán ngữ cũng là một trường hợp lạm dụng và đã trở thành khách sáo, chẳng hạn như người ta thường dùng chữ "hoan hỉ" như là một cách nói lễ phép khi yêu cầu người khác làm một việc gì đó. Trong khi đó chữ mudita trong tiếng Pali và tiếng Phạn mà kinh sách Hán ngữ dịch là "hỉ", là một trong bốn thể dạng vô biên của tâm thức là apramana còn gọi là Brahmavihara).

 

            Theo truyền thống Phật giáo (sự hiểu biết lưu truyền từ lâu đời) thì tám dhyana trên đây (bốn thuộc thế giới hình tướng / rupaloka và bốn thuộc thế giới phi hành tướng / arupaloka) tất cả đều thuộc vào cõi trần tục. Trong số đó không có một thể dạng siêu-tri-thức (supra-conscious state / thể dạng siêu-tinh-tấn, tức là các thể dạng vô cùng sáng suốt tạo ra bởi phép thiền định) nào là sự Giác ngộ cả. Các thể dạng đó vẫn chưa phải là siêu nhiên (trencendent), vẫn chưa tiếp xúc được với hiện thực tối hậu (ultimate reality). Ít ra thì đấy cũng là quan điểm theo truyền thống lâu đời (theo quan điểm từ trước đến nay thì cả tám dhyana đều thuộc vào thế giới trần tục, chưa phải là sự Giác ngộ, thế nhưng theo sự giải thích của nhà sư Sangharakshita trong phần dưới đây thì bốn thể dạng dhyana thuộc thế giới phi hình tướng đã là sự Giác ngộ). Dầu sao [đối với truyền thống hiểu biết từ lâu đời] thì các dhyana đó ít ra cũng không phải là các thể dạng cảm nhận thuộc vào cõi trần tục. Điều đó có nghĩa là các rupa-dhyana (dhyana trong lãnh vực hình tướng) chỉ biểu trưng cho sự hợp nhất và tinh khiết hóa các năng lực tâm lý ở một mức độ thật cao (có thể hiểu như là thể dạng "chánh niệm"), đối với các arupa-dhyana (dhyana phi hình tướng) thì chỉ được xem là "gần-như-siêu-nhiên" (quasi-trenscendent), nếu có thể nói như vậy, dù rằng thuật ngữ này có vẻ khá lạ lùng (paradoxical / kỳ quặc, khó hiểu). Hãy nêu lên thí dụ về "tri thức vô tận" trong dhyana thứ hai (trong thế giới phi hình tường) chẳng hạn, điều đó có nghĩa là gì? Trong kinh điển Pali chính Đức Phật từng nêu lên hai hay ba lần "hiện thực tối hậu" và xem đó là thể dạng "tri thức hoàn toàn tinh khiết, rạng ngời và vô tận". Cũng vậy một số các thiền sư Du-dà (Yoga) từng cho biết hiện thực cũng chính là "tâm thức tuyệt đối" (absolute spirit). Theo sự nhận định này thì có thể hiểu rằng "tri thức vô tận" cũng chính là "hiện thực tuyệt đối", quan điểm đó tỏ ra hợp lý hơn cách xem các thể dạng đó (các dhyana của thế giới phi hình tướng) chỉ đơn giản là một sự thành đạt tâm linh hoàn toàn thuộc vào thế giới trần tục.   

 

            Đến đây chúng ta hãy nêu lên việc "dán nhãn" cho các cảm nhận ("dán nhãn" ở đây có nghĩa là xác định vai trò và vị trí của các thể dạng dhyana trong quá trình hành thiền đưa đến sự Giác ngộ). Cách nay nhiều trăm năm, một số các cảm nhận (các thể dạng dhyana trong phép thiền định) từng được dán nhãn thật rõ ràng, [thế nhưng sau đó] người ta lại thấy xuất hiện các nhãn hiệu khác đáng ngờ vực hơn, khiến chúng ta phải xác định lại việc này, hầu phù hợp hơn với các cảm nhận của chúng ta [ngày nay] (nhà sư Sangharakshita  cho biết Đức Phật từ lúc đầu từng nêu lên "tri thức vô tận " tức là sự tiếp xúc với "hiện thực tối hậu" là sự Giác ngộ, thế nhưng sau đó trên dòng lịch sử diễn tiến của Phật giáo, các người sau lại cho rằng toàn thể tám thể dạng dhyana chưa đúng thật là sự Giác ngộ, mà chỉ là kết quả hay các sự thành đạt "gần như siêu nhiên", điều đó có nghĩa là tất cả các thể dạng dhyana mà người hành thiền đạt đuọc vẫn còn thuộc vào thế giới trần tục. Nhà sư Sangharakshita cho rằng cách "dán nhãn" đó không hợp lý vì chính Đức Phật - như đã được nói đến trên đây - qua kinh điển Pali - từng cho biết "Tri thức vô tận" cũng chính là "Hiện thực tối hậu" tức là sự Giác ngộ. Điều đó phù hợp hơn với các cảm nhận của những người hành thiền ngày nay về bốn thể dạng dhyana trong thế giới phi hình tướng). Qua sự suy diễn đó thiết nghĩ mỗi khi tìm hiểu bất cứ một văn bản Phật giáo nào, thì chúng ta cũng nên thận trọng,về cả hai phương diện: tin tưởng (belief / đức tin hay sự cả tin) và khả năng thụ cảm (receptivity / khả năng nhận thức hay cảm nhận) của mình, và nên xem sự thận trọng đó là thành phần [bất khả phân] của quá trình liên kết giữa việc học hỏi và các cảm nhận tâm linh của cá nhân mình. Nếu gác sang một bên sự cảnh báo (sự nhận định, xác định) của chúng ta về các cảm nhận arupa dhyana (có nghĩa là xem "sự vô tận của tri thức" hay "sự tiếp xúc với hiện thực tối hậu" qua các thể dạng dhyana trong lãnh vực phi hình tướng cũng đã là sự Giác ngộ), thì theo truyền thống (tức là theo sự hiểu biết hậu Đức Phật do người xưa truyền lại) thì người ta có thể bảo rằng sự tiếp xúc của các cấp bậc thật cao trong lãnh vực trần tục với hiện thực tối hậu (tức là sự Giác ngộ) chỉ xảy ra khi tâm thức ở thể dạng dhyana - dù là cao hay thấp - và hướng thật ý thức (chủ tâm) vào sự chuyển tiếp từ trần tục đến siêu nhiên, và đúng vào lúc mà nó bắt đầu chiêm nghiệm về hiện thực tối hậu, và chỉ đúng vào thời điểm đó thì các thể dạng dhyana trần tục mới khởi sự trở thành sự quán thấy xuyên thấu (vipassana) trong lãnh vực siêu nhiên (câu trên đây khá khúc triết, xin mạn phép tóm lược như sau: theo truyền thống hiểu biết từ lâu đời của người xưa truyền lại thì các thể dạng dhyana dù là ở cấp bậc tối thượng hiện lên trong lúc hành thiền vẫn chưa phải là sự Giác ngộ, mà chỉ là một sự "chuẩn bị", một hình thức "trung gian" trước khi chuyển sang "thế giới siêu nhiên" tức là sự Giác ngộ đích thật. Sự chuyển tiếp đó chỉ xảy ra khi tâm thức đạt được các thể dạng dhyana thật cao và đúng vào lúc mà nó "bắt đầu" chiêm nghiệm và tiếp xúc với hiện thực tối hậu . Thế nhưng theo nhà sư Sangharakshita thì các thể dạng dhyana phi hình tướng tạo ra cho người hành thiền một tri thức vô tận và một không gian trống không phi cảm nhận cũng đã là sự Giác ngộ, bởi vì sau đó sẽ không còn một thể dạng nào khác siêu nhiên và tuyệt đối hơn).

 

 

Vài lời ghi chú của người chuyển ngữ

 

            Đức Đạt-lai Lạt-ma cho biết Ngài hành thiền từ sáu đến bẩy lần mỗi ngày. Điều đó cho phép chúng ta nghĩ rằng trong những lúc hành thiền đó Ngài tiếp xúc và thường trú trong Hiện thực tối hậu hay Tri thức vô tận của Ngài, và cũng là sự Giác ngộ của chính Ngài. Tri thức vô tận hay hay Hiện thực tối hậu đó là một thế giới hoàn toàn khác hẳn với thế giới mang tính cách quy ước và khái niệm của chúng ta, một thế giới chật hẹp và thu nhỏ, giới hạn bởi các khả năng nhận biết của lục giác là ngũ giác và tâm thần. Ngoài những lúc hành thiền, Đức Đạt-lai Lạt-ma quay trở lại với thế giới hiện tượng đó của chúng ta và cùng cảm nhận về thế giới đó không khác gì như chúng ta. Điểm  khác biệt duy nhất là sự cảm nhận đó của Ngài đã được gạn lọc và tinh khiết hóa, xuyên qua bốn thể dạng dhyana trong thế giới hình tướng, là sự tập trung tâm thần, sự hợp nhất năng lực của tâm thức, niềm phúc hạnh, lòng từ tâm (metta) và sự thanh thản (upeksa), Các phẩm tính đó hiện lên qua từng ánh mắt, cử chỉ và lời nói của Ngài.

 

            Chúng ta hãy nêu lên một một trường hợp khác, chẳng hạn như trong kinh Mahaparinibbana-sutta (Kinh Đại-bát Niết-bàn - Dhiga-nikaya / Trường Bộ Kinh,  DN 16 ) có thuật lại Đức Phật trước khi tịch diệt đã hòa nhập vào tám thể dạng dhyana của phép thiền định. Dưới đây là một đoạn trích dẫn về sự kiện này nêu lên trong kinh Mahaparinibbana-sutta, dựa theo bản dịch tiếng Pháp của bà Jeanne Schut. Thật ra bản dịch này cũng rất gần với nhiều bản dịch sang các ngôn ngữ Tây phương khác, chẳng hạn như các bản dịch của Sister Vajra & Francis Story (1998), Thanissaro Bhikkhu (1998), v.v.

 

....  

            "Tiết 6.7 - Thế rồi Đức Phật nói với các tỳ-kheo như sau: "Trong giây phút này, ta khuyên các tỳ-kheo phải luôn ghi nhớ là bản chất của bất cứ một thứ  gì do điều kiện mà có (conditioned co-production / nguyên lý tương liên, tương kết và tương tạo giữa mọi hiện tượng / lý duyên khời) đều phải tan rã  -  Vì thế, các tỳ kheo phải dồn tất cả mọi nổ lực của mình, không hề biết mệt mỏi là gì, để phát huy một sự chú tâm thật tròn đầy (mindfulness / "chánh niệm"), sự tỉnh giác và ý thức". Đấy là những lời cuối cùng của Đức Phật.

 

            Tiết 6.8 - Sau khi nói lên những lời ấy, Đức Phật hòa nhập vào thể dạng jhana (là tiếng Pali, tiếng Phạn là dhyana) thứ nhất. Sau đó Ngài rời khỏi thể dạng này và tuần tự hòa nhập vào các thể dạng jhana thứ hai, thứ ba và thứ tư. Tiếp theo đó Ngài lại rời khỏi thể dạng jhana thứ tư (trong thế giới hình tướng) để hòa nhập vào bầu Không gian vô tận (jhana thứ nhất trong thế giới phi hình tướng), sau đó là bầu Tri thức vô tận, tiếp theo là bầu không gian của sự Trống không (Tánh không), và sau hết là bầu không gian Phi-cảm-nhận-nhưng-cũng-không-phải-là-không-cảm-nhận (jhana thứ tư trong thế giới phi hình tướng). Sau cùng Ngài rời khỏi thể dạng này và thực hiện được sự Dừng lại (Cessation / tắt nghỉ, tịch diệt) của tất cả mọi giác cảm và nhận thức".

 

               Hiền giả Ananda (đệ tử thân cận luôn bên cạnh Đức Phật) bèn cất lời hỏi Hiền giả Anuruddha (một trong mười vị đại đệ tử của Đức Phật, và cũng là em họ của Đức Phật, đã đạt được cấp bậc Arhat / A-la-hán, có nhiều quyền năng mầu nhiệm và một sự quán thấy siêu việt) như sau: "Này Hiền giả Anuruddha, có phải Đức Phật đã tắt nghỉ hay không?". Hiền giả Anuruddha đáp lại: "Này bạn Ananda, không đúng là như thế, Ngài chỉ thực hiện sự Dừng lại của tất cả mọi giác cảm và mọi nhận thức (tức là các sự nhận định mang tính cách phân biệt, quy ước và khái niệm)".

 

            Tiết 6.9 - Sau đó Đức Phật rời khỏi thể dạng Dừng lại mọi giác cảm và mọi nhận thức để hòa nhập vào bầu "Không gian phi-cảm-nhận-nhưng-cũng-không-phải-là-không-cảm-nhận", từ thể dạng đó Ngài lại hòa nhập vào bầu "Không gian Trống không", vào bầu "Không gian của Tri thức vô tận", và [sau cùng] là bầu "Không gian vô tận". Từ Không gian vô tận đó Ngài lại hòa nhập vào thể dạng jhana thứ tư (tức là jhana sau cùng và cao nhất của thế giới hình tướng), và sau đó Ngài lại tiếp tục hòa nhập vào jhana thứ ba, thứ hai và thứ nhất (quá trình đảo ngược từ thể dạng dhyana siêu việt nhất của thế giới phi hình tướng trở về thể dạng dhyana thấp nhất trong thế giới hình tướng). Sau đó Ngài lại rời khỏi thể dạng jhana thứ nhất để hòa nhập vào jhana thứ hai, thứ ba và thứ tư (là thể dạng cao nhất trong thế giới hình tướng). Sau cùng Ngài rời khỏi jhana thứ tư đó và nhập diệt" (Đức Phật dừng lại và nhập diệt ở vị trí trung gian giữa hai thế giới hình tướng và phi hình tướng).

...

            Đức Phật sau khi hòa nhập vào thể dạng jhana cao nhất của thế giới phi hình tướng thì sau đó lại tuần tự cảm nhận ngược trở lại tám thể dạng jhana từ thể dạng cao nhất trong thế giới phi hình tướng đến thể dạng thấp nhất trong thế giới hình tướng, và sau đó lại tuần tự hòa nhập trở lại từ thể dạng thứ nhất đến thể dạng thứ tư trong thế giới hình tướng trước khi hoàn toàn nhập diệt. Sự xoay vần đó quả hết sức phù hợp với y nghĩa của danh hiệu Tathagata (Như Lai) mà Đức Phật sử dụng để tự nhận diện mình. Tathagata là một từ ghép và rút ngắn, có nghĩa là không đi về đâu cả (tatha-gata) và cũng không từ đâu đến đây (tatha-agata): Ngài chỉ đơn giản hòa nhập với Hiện thực và trở thành Hiện thực.

 

            Một điểm đáng lưu ý khác là Đức Phật nhập diệt ở thể dạng jhana thứ tư, tức là một thể dạng trung gìan giữa hai thế giới hình tướng và phi hình tướng, điều có nghĩa là Ngài cùng hòa nhập vào cả hai "khía cạnh" đó của hiện thực, nếu có thể nói như vậy. Trong thế giới hình tướng Ngài có thể hiện lên qua muôn ngàn hóa thân để cứu độ chúng sinh, chẳng hạn như qua thân xác của một vị bồ-tát, hoặc cũng có thể chỉ đơn giản là một chiếc cầu, bóng mát của một cội cây hay bát nước cho một người đi đường đang khát. Các hóa thân đó của Đức Phật dường như cũng đang hiện hữu bên cạnh chúng ta, thế nhưng nếu muốn cảm nhận được sự hiện hữu đó của Ngài thì chúng ta cũng phải phát huy được một sự thụ cảm thật bén nhạy. Trong thế giới phi-hình-tướng Đức Phật là hiện thân của Dharma, của Sự thật tối hậu, của Không gian vô tận, hoàn toàn trống không và vắng lặng. Hiện thực đó hay tri thức vô tận đó của Ngài dường như cũng đang hiện hữu thật sâu kín bên trong mỗi con người của chúng ta kôm nay, thế nhưng vấn đề là chúng ta phải tự mình làm hiện lên Hiện thực đó bên trong tâm thức của chính mình.

 

            Điểm đáng lưu ý sau cùng là theo nhà sư Sangharakshita thì có rất ít những người hành thiền có thể đạt được các thể dạng dhyana trong thế giới phi hình tướng. Sự nhận xét đó của ông có thể là đối với tình trạng ngày nay, bởi vì trên dòng lịch sử Phật giáo dường như từng có rất nhiều người đã đạt được Giác ngộ, thế nhưng họ có thể là những người biệt tu không ai biết đến, hoặc các đệ tử của họ không đủ sức theo kịp để có thể giải thích và truyền lại sự Giác ngộ đó của họ. Qua các bài giảng trên đây, nhà sư Sangharakshita đã mô tả các thể dạng dhyana trong phép thiền định thật ngắn gọn, thế nhưng rất rõ ràng, trực tiếp và chính xác, giúp chúng ta nhìn lại cuộc sống tâm linh của mình. Nếu chỉ biết chú tâm tu tập các theo "phương tiện thiện xảo" thì chỉ là cách khiến mình dần dần tách rời ngày càng xa hơn với Giáo huấn của Đức Phật, và trong lâu dài sẽ có thể mang lại cho mình một sự hoang mang nào đó.   

 

            Dưới đây xin mạn phép tóm lược lại sự diễn tiến của phép thiền định qua các bài giảng 37, 38, 39 và 40 của nhà sư Sangharakshita như sau:

 

            1- Trước hết là tình trạng sinh hoạt bình dị của tâm thức chúng ta trong cuộc sống thường nhật, hoàn toàn tùy thuộc vào khả năng của lục giác, gồm ngũ giác và tâm thần. Sự sinh hoạt đó tạo ra cho chúng ta một thế giới thiển cận, chật hẹp và giới hạn, hoàn toàn mang tính cách quy ước và khái niệm. Thế giới đó được gọi là thế giới của sự thèm khát, chỉ huy và thúc đẩy bởi các thứ bản năng. Thế giới đó mang tên là "Kamaloka"..

 

            2- Thiền định là một cách thoát ra khỏi thế giới quy ước và chật hẹp mang tính cách bản năng đó. Bốn thể dạng thiền định (jhana, dhyana) đầu tiên đưa chúng ta vào một thế giới, khác, êm ả hơn, an vui và thoải mái hơn, nói chung là một niềm phúc hạnh thật sâu xa. Năng lực của tâm thức mình được gom tụ và hợp nhất mang lại một sự nhận thức sắc bén và một thể dạng tâm thần thanh thản, thăng bằng và bền vững hơn. Tuy nhiên tất cả các phẩm tính đó vẫn còn liên hệ mật thiết với tâm lý và thể xác của con người chúng ta, do đó thế giới tạo ra bởi bốn thể dạng dhyana đó vẫn còn thuộc vào thế giới hình tướng "Rupaloka".

 

            3-  Bốn thể dạng dhyana tiếp theo sau đó sẽ giúp người hành thiền hoàn toàn thoát ra khỏi thế giới hình tướng, giúp mình tiếp xúc với một bầu không gian vô tận và mượn sự tiếp xúc và cảm nhận đó để mở rộng tri thức mình đến vô tận, tạo ra cho mình một sự tiếp xúc với một bầu không gian "phi-cảm-nhận" nhưng cũng "không-phải-là-không-cảm-nhận", và sau đó, sâu xa hơn nữa, là một bầu không gian rất thật, thế nhưng trong đó không có bất cứ một thứ gì đặc biệt hay cá biệt để mà nhận biết nữa, tương tự như một bầu không gian hoàn Trống không và Vắng lặng, một bầu không gian của sự Dừng lại tuyệt đối, kể cả không gian và thời gian. Đấy là thể dạng dhyana thứ tư trong thế giới phi hình tướng gọi là "Arupaloka". 

 

 

                                                                                                Bures-Sur-Yvette, 18.05.21

                                                                                                 Hoang Phong chuyển ngữ

 

(còn tiếp)



***
youtube
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
26/09/2010(Xem: 9127)
Sự tích 16 vị La-hán được chép trong sách Pháp Trụ Ký. Sách này do vị Đại A-la-hán Nan Đề Mật Đa La (Nandimitra) trước thuật và Tam Tạng Pháp sư Huyền Trang (600-664) dịch ra chữ Hán. Ngài Nan Đề Mật Đa La (còn có tên là Khánh Hữu) người Tích Lan, ra đời khoảng năm 800 năm sau Phật Niết bàn. Theo Pháp Trụ Ký (Fachu-chi), thì Ngài chỉ lược thuật lại kinh Pháp Trụ Ký do Phật thuyết giảng mà thôi...
22/09/2010(Xem: 11055)
Nói đến Phật giáo, người ta nghĩ ngay đến đạo Từ bi cứu khổ.Mà hình ảnh cứu khổ tiêu biểu tuyệt vời nhất thiết tưởng không ai khác hơn làđức Bồ tát Quan Thế Âm, hay Mẹ hiền Quan Âm. Vì vị Bồ tát này có đầy đủ phẩmchất của một người mẹ trong tất cả những người mẹ. Hình như trong mọi trái timcủa những người con Phật thuần thành nhất là giới Phật tử bình dân không ai làkhông không có hình ảnh đáng tôn kính của vị Bồ tát giàu lòng bi mẫn này...
21/09/2010(Xem: 3276)
Chúng ta nhìn thấy trên đây bức hình của pho tượng Bồ Tát Quan Thế Âm Nghìn Tay Nghìn Mắt bằng gỗ sơn son thiếp vàng, cao 3 mét 60 đang được tôn trí tại Viện Bảo Tàng Mỹ Thuật, Hà Nội, Việt Nam. Pho tượng nầy đã được phục chế theo mẫu của pho tượng Quan Thế Âm Nghìn Tay Nghìn Mắt đang được trân quý và giữ gìn tại Chùa Ninh Phúc còn gọi là Chùa Bút Tháp tại tỉnh Bắc Ninh, Việt Nam. Những đường nét tinh tế, điêu luyện và sự bố cục cân đối trong tư thế ngồi rất hùng tráng của pho tượng đã đạt đến đỉnh cao mỹ thuật của Phật giáo Việt Nam vào thế kỷ thứ 17. Đã nhiều lần, pho tượng đã được đem đi ra ngoại quốc để triển lãm. Hiện nay, pho tượng nầy đã được dùng làm tượng mẫu để điêu khắc hàng nghìn pho tượng lớn nhỏ khác nhau bởi nhiều điêu khắc gia tài ba lỗi lạc đã được thỉnh về tôn trí rất nhiều nơi trong nước cũng như rất nhiều chùa viện tại hải ngoại. (Hình trên là pho tượng Quan Thế Âm Nghìn Tay Nghìn Mắt (cao 3.60 mét) đang được tôn trí tại Viện Bảo Tàng Mỹ Thuật, Hà Nội)
17/09/2010(Xem: 5359)
Tôn giả A Nan (Ananda) là một trong mười vị đệ tử lớn của đức Phật, người được mệnh danh là rất uyên thâm trong nhiều lĩnh vực và có trí nhớ siêu phàm (đa văn đệ nhất).
17/09/2010(Xem: 5591)
Muốn thành một vị Bồ Tát, Hành giả phải trải qua 50 ngôi vị tu tập và đạt đạo gọi là Bồ Tát Giai Vị. Bồ Tát Giai Vị nghĩa là ngôi vị thứ bậc của Bồ Tát. Theo Kinh Bồ Tát Anh Lạc Bổn Nghiệp, 50 Ngôi vị tu tập của Bồ Tát gồm có: Thập Tín Vị, Thập Trụ Vị, Thập Hạnh Vị, Thập Hồi Hướng Vị và Thập Địa Vị.
16/09/2010(Xem: 3645)
Bồ Tát Quan Thế Âm là hiện thân của Từ Bi, Ngài phát đại nguyện thực hiện từ bi cùng tận trong đời vị lai, nếu chúng sinh còn đau khổ. Vì chỉ có từ bi mới giải trừ đau khổ...
31/08/2010(Xem: 7151)
Vị Đại Sỹ luôn lắng nghe âm thanh của mọi loài chúng sanh mà cứu độ, là nơi nương tựa cho bao chúng sanh trong cơn đau khổ, nguy cấp, hiểm họa, tật bệnh, đói nghèo,...Chúng con xin tập lắng nghe theo hạnh của Ngài, biết lắng tai nghe với sự chú tâm và thành khẩn, biết chia sẻ phước báu của mình để cho cuộc đời bớt khổ. Nguyện cho Thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc. Tất cả mọi người Hiểu và Thương quý nhau trong suối nguồn vi diệu pháp.
28/08/2010(Xem: 9298)
Hình Ảnh: Đại Bi Xuất Tướng Ban Biên Tập quangduc.com kính giới thiệu đến quý đọc giả hình ảnh Đại Bi xuất tướng của Pháp sư Y Lâm người Đài Loan vẽ về hình tượng 88 thân Quán Thế Âm Bồ Tát theo Đại Bi thần chú.
28/08/2010(Xem: 7810)
Đại Bi xuất tướng Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm đồ họa
07/07/2010(Xem: 7685)
Bồ Tát như thế nào mà phát tâm Bồ đề? - Và do nhơn duyên gì tu tập Đạo Bồ Đề? Nếu có Bồ Tát thường thân cận Thiện tri thức, và thường cúng dường chư Phật, tu tập Pháp Bồ đề (37 phẩm) chí cầu chánh pháp, tâm thường nhu hòa, gặp cảnh khổ có khả năng nhẫn chịu, tâm từ bi thuần hậu, thâm tâm bình đẳng, tin vui Pháp đại thừa, cầu trí tuệ Phật.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567