Những ngày cuối năm (2012), có dịp đi một vòng từ An Giang đến Bà Rịa – Vũng Tàu, ghé qua Long Thành (Đồng Nai) rồi dừng chân tại Saigon, quận 4 để đón giao thừa tại đạo tràng Tịnh Xá Từ Quang. Nơi đây, vào những ngày tháng bình thường rất ồn náo về việc mua bán, người xe ầm ỉ, nhưng đến những ngày áp Tết, nhất là từ ngày 27 đến 30 Tết thì khu vực nầy bỗng dưng thay đổi lạ, êm lặng nhẹ nhàng như một khu phố mà người ta cho rằng: đạt chuẩn văn hóa nào đó...
Khi ấy, hỏi ra mới biết phần đông là số người từ bỏ, du canh, vùng đất khó làm ăn, hoặc do hết nhà hết ruộng rẫy, nhất là những năm sau 1975. Họ du cư đến từ các Tỉnh, Miền, nhất là ở những vùng xa hẻo, không dễ gì tạo sắm áo cơm. Nhưng nơi Tp. Saigon nầy dù sao đi nữa, cũng dễ kiếm sống hơn, cũng như có một số người tìm phương kế sống trước đây nhiều năm, trong dịp nầy, họ trở về quê nhà để kịp lo cúng rước Ông Bà, đoàn tụ gia đình, thăm viếng cha mẹ cùng bà con thân thuộc, bạn bè trong 3 ngày Tết cổ truyền, một tập tục lễ hội văn hóa lớn mà mọi người Việt, dù trong hay ngoài nuớc, ai ai cũng phải biết và nghĩ đến.
Giờ giao thừa đã điểm, không riêng tại đạo tràng nầy, mà hầu hết tất cả những đạo tràng gần xa trong và ngoài khu vực đều vang lên âm thanh trầm bổng của tiếng kinh cầu nguyện, cùng hòa vào tiếng chuông mõ nhịp nhàng lan xa rồi nghe như lắng sâu vào tận cuộc sống chốn Thành phố đầy bon chen, và biến động không ngừng nầy. Giây phút giao thừa trôi xa, trôi xa và hương khói, trầm xông cũng cạn dần theo với những bước du xuân tàn đêm. Đã quá 2 giờ khuya rồi, bây giờ trả lại sự yên tịnh cho đạo tràng và cả trong khu phố.
Sau 3 ngày Tết, tôi lại có duyên xuống Tp. Bạc Liêu, một tỉnh áp cuối của miền Nam đất nước, lại cũng đến một ngôi đạo tràng của quí sư Khất Sĩ, nơi đây phong cảnh thoáng đãng mát mẽ của ngoại ô Thành phố nằm bên cạnh bờ biển phía Nam, cây cối xanh màu che tán rộng. Cho dù ở đâu với những ngày nầy, nơi nào có thờ phụng, lễ bái cầu nguyện ảnh hưởng đến đời sống tâm linh là thấy người đến đi liên tục, có khi vồn vã tấp nập. Chứng tỏ rằng: một đất nước đã hơn mấy ngàn năm thấm sâu niềm tin, sự ngưỡng vọng cầu xin ban phước lành, bình an, may mắn là chủ yếu, ngoài ra còn nhiều lễ hội khác trong năm như : cầu siêu độ các vong linh, hương linh, tuởng nhớ đến các vị Thần Hoàng, các vị Khai Quốc Công Thần, những Danh Tướng, cùng những ngày lễ hội khác của dân tộc.v.v… Nhưng cũng không ngoài những ơn nghĩa, phước lành quan thiết về cuộc sống con người.
Được sư trụ trì giới thiệu về “Phật Đài Quan Âm” hiện tọa lạc tại phường Nhà Mát thuộc Tp. Bạc Liêu, trước đây nghe người dân địa phương đồn rằng: Khi tượng Bồ Tát được tôn trí bên bờ biển, thì những ghe tàu thương buôn, ngư dân đánh bắt xa bờ, mỗi khi đến với sự thành tâm chí kính cầu nguyện đều có sự linh ứng, vượt thoát tai nạn, từ đó tiếng đồn mỗi ngày một rộng xa, hiện nơi đây cát bồi thành mặt bằng ra hơn 1km, ngoài người dân trong tỉnh ra, còn có bà con thập phương thường đến lễ bái cầu nguyện rất đông vào những ngày lễ hội và kể cả những ngày bình thường cũng không ít đoàn người hành hương từ các tỉnh, thành trong nước đến chiêm bái cầu nguyện.
Trên chiếc xe Lambro hình thức giống kiểu xe “túc túc” của người Miên hay người Thái Lan, xe đi khoảng 7-8 km đường là đến khu vực Tượng Đài Bồ Tát, thấy cảnh người xe tấp nập, trên tay có lọn nhang, vài nhánh bông, ít bánh trái rồi họ bày trước Tượng Đài uy nghiêm bi mẫn, bát ngát lòng từ, trông cái cảnh kẻ đứng người quì, tới lui lố nhố chấp tay cặm cụi kính cẩn van vái cầu xin… Khi ấy, chúng tôi cũng lặng lẽ trong dòng người ngược xuôi đó, nghe quanh từng nhóm người, có người lầm bầm nghe tiếng được tiếng mất, nhưng cũng có người phát âm rõ mồn một.
Nói chung, cũng không ngoài việc cầu xin ban ân nhỏ phước cho tự thân, gia đình, cho việc làm ăn mua bán, cho bao sự nghiệp lợi danh, cho tai qua nạn khỏi, vạn sự kiết tường như ý.v.v… Ghé mắt trông qua “cây vàng, cây bạc” (hình thức đón lộc đầu năm) thì ôi thôi tả tơi, cành ngọn xác xơ ! cũng chỉ vì lòng người tham cầu ích kỷ. Thấy cảnh tượng ấy mà chợt nhớ đến lời Phật dạy cho cư sĩ Cấp Cô Độc :
“Nầy gia chủ, vị Thánh Đệ tử muốn có Thọ Mạng cần phải thực hành con đường dẩn đến thọ mạng. Do vị ấy thực hành con đường dẫn đến thọ mạng, sự thực hành ấy đưa vị ấy nhận lãnh được thọ mạng, vị ấy nhận lãnh được thọ mạng hoặc Chư Thiên hoặc loài Người… muốn có Dung Sắc… muốn có An Lạc…muốn có Tiếng Tốt… muốn có Thiên Giới cần phải thực hành con đường dẫn đến Thiên giới. Do vị ấy thực hành con đường dẫn đến Thiên giới, sự thực hành ấy đưa vị ấy nhận lãnh được Thiên giới…”
Tăng Chi Bộ Kinh 2, III, 43, 380-381.
Ta cũng cần thấy rằng; nhìn về Đức Phật cũng như qua lời dạy của Ngài luôn thiết thực qua từng hành động có tốt đẹp hay không tốt đẹp, để đưa đến kết quả có hạnh phúc yên vui hay bất hạnh đau khổ. Như vậy, Chính hành động là nguyên nhân, là động cơ quyết định đưa đến một hiện tượng sống tùy thuộc mà con người là chủ nhân, là kẻ thừa tự, là thai tạng của nghiệp hơn hết.
Tuy nhiên, với sự huyền biến phổ hóa chúng sinh, từ đại nguyện trợ niệm của Chư Phật và chư Bồ Tát, lịch đại Tổ sư, các bậc tiền hiền… nên có sự hiện hóa đại bi tâm vào đời để cứu giúp chúng sanh:
“Phổ môn thị hiện
Cứu khổ tầm thinh
Từ bi thuyết pháp
Độ khắp mê tình…” (Kinh Phổ Môn).
Sự hiện hóa của Bồ Tát Quán Thế Âm, là thể hiện tấm lòng từ bi của đại nguyện độ sanh, khi nghe tiếng khổ của chúng sanh mà thị hiện cứu khổ, cứu nạn tạm thời cái khổ ngặt lúc ấy, tạo niềm kính tin để chúng sinh nhờ đó mà biết tu nhân tích đức, làm lành lánh dữ, trì trai giữ giới, tỉnh thức biết rằng: Không thọ dụng của cải phi pháp và cũng không cố tâm tạo ra những của cải phi pháp, ấy là nhân tố phát sinh cuộc sống chơn chánh cao thượng, thuận theo pháp của bậc Thánh. Đồng thời, hành thâm các pháp Ba La Mật nhằm mục đích tăng trưởng các công đức lành do có nhận thức và từ bỏ được sự nguy hại của Tham-Sân-Si, chấm dứt cuộc sống trầm luân sinh tử. Qua lời dạy của vị Tổ sư:
“Đức tin cũng giúp ích cho người kém trí được chút ít, nhưng chẳng quí bằng pháp bảo đạo lý, chon lý, triết lý, trí tuệ… kẻ nào thấu được ý pháp của chư Phật, tôn thờ giáo lý để tự thật hành là quí báu ích lợi hay cao hơn hết…”
Nếu có thật hành tu tập đúng với chánh pháp do Đức Phật đã dạy thì tự thân và mỗi người sẽ vượt thoát khổ nạn, được nhiều an lành, đối với xã hội cũng sẽ được bình yên, không có nạn giết hại thù hằn, trộm cướp, lường gạt, nghèo khổ, bệnh tật, tai nạn.v.v… Chính đó là Phổ Môn, là pháp phát nguyện mở cửa lòng Từ Bi, Trí Tuệ của Phật và Bồ Tát.
Ở Việt Nam, có hình tượng Bồ Tát nghìn mắt nghìn tay “Thiên Thủ, Thiên Nhãn”, một tư duy kiến trúc thượng tầng, đích thực vào đời phổ hóa độ sanh được ngang qua nghìn cái thấy, nghìn việc làm đúng đắn chánh chơn. Nhưng điều ấy đâu phải chỉ đơn phương, mà phải được hành dụng tương ưng giữa “Năng nguyện và Sở cầu” (từ nguyện lực cứu khổ và người bị khổ).
Càng nhận biết rõ hơn về việc cứu khổ là cứu giúp tạm thời cái khổ ngặt để rồi quy hướng phát tâm bồ đề, nhận biết tội phước, nhân quả trả vay, không còn tạo tác khổ nhân, nên không bị thọ khổ quả, chớ đâu phải việc linh ứng qua sự cầu nguyện là để được chấm dứt khổ đau, vì mục đích tu hành của người đệ tử Phật là cắt đứt dòng sanh tử, chớ việc cảm ứng linh nghiệm cho nhu cầu ước vọng phàm tâm, để rồi sau đó lại trở về với thói đời thường tình ác quấy tạo thêm nghiệp tội với chúng sanh, thì đâu phải là bổn hoài của Phật hay Bồ Tát. Tuy nhiên, dẫu sao cũng có phần ích lợi bước đầu cho người có biết tôn sùng lễ bái, kính ngưỡng từ phía phần đông quần chúng.
Riêng phần tôi suy nghĩ: Nếu như mọi người, trong mỗi chúng ta có nhận thức và có tu tập qua lời Phật dạy :
“ Không làm mọi điều ác
Thành tựu các hạnh lành
Tâm ý giữ trong sạch
Chính lời chư Phật dạy”
Kinh Pháp cú. 183.
Biết và thực hiện những điều tốt đẹp ích lợi “ Như pháp” cho ta và người, giữ tâm ý chánh niệm trong mỗi lúc, thì ở nơi đâu không là :
“ Quán Âm sức tri diệu
Năng cứu khổ thế gian…”
Hay được :“ Tám nàn tiêu diệt
Bốn biển an bình”
Xe đưa đoàn về lại đạo tràng, ánh nắng đã dịu hẳn xuống, và rót vàng lên mái chùa trầm mặc nghiêng bóng dưới những tán cây xanh, nghe tiếng chim chiều thanh thoát với từng tiếng chuông gia trì từ trong bửu điện ngân vang chầm chậm, như từng giọt cam lồ tịnh thủy rơi rơi vào cõi đời muôn trùng mênh mông giữa bao sắc màu dâu bể.
Thành phố Bạc Liêu.
MẶC PHƯƠNG TỬ.