Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

04. Tinh tấn theo lời Phật dạy

13/01/201216:17(Xem: 7505)
04. Tinh tấn theo lời Phật dạy


Cuộc đời tôn giả Mục Kiền Liên

Tác giả: Hellmuth Hecker- Dịch giả: Nguyễn Điều

4- TINH TẤN THEO LỜI PHẬT DẠY

Bây giờ, đôi bạn Upatissa và Kolita Moggallàna đang dẫn đầu hai trăm năm mươi môn đệ hướng về phía Trúc Lâm tinh xá (Veluvaana Vihara).

Khi ấy, Đức Phật đang thuyết pháp giữa hàng Tăng chúng. Ngài thấy đôi bạn từ xa đi tới, liền nói rằng:

“Này chư Tỳ-kheo! Hai người sắp đến kia tên là Kolita Moggallàna và Upatissa, là hai nhà trí thức. Họ sẽ là những đại đệ tử ưu tú của Như Lai. Họ là một đôi bạn phước duyên song toàn”.

Lúc đến gần, Kolita Moggallàna và Upa-tissa đồng kính cẩn lễ bái Đức Thế Tôn. Họ chắp đôi bàn tay nâng cao ngang trán và cúi lạy tận bàn chân Đức Phật, rồi cả hai cùng nói:

– “Lạy đấng Toàn giác! Xin Ngài cho phép chúng con gia nhập Phật giáo và được nhận lãnh đầy đủ phẩm hạnh xuất gia trong hàng Tăng chúng”.

Đức Thế Tôn liền phán rằng:

– “Hãy đến! Như Lai công bố quý vị sẽ là những Sa-môn, sẽ sống đời đạo đức thanh tịnh để chấm dứt phiền não.”

Những lời tuyên ngôn trên của Đức Phật chính là sự “Ban bố phẩm vị Tỳ-kheo” không những chỉ cho đôi bạn Kolita Moggallàna và Upatissa, mà luôn cả cho những tùy tùng của họ nữa.

Và kể từ đó Upatissa được gọi là Sàriputta (Xá-lợi-phất) có nghĩa là người con trai của bà Sàri (Sàri được phiên âm là Xá-lợi, Putta được phiên âm là Phất. Vì Putta nghĩa là “con”, nên có khi Sàriputta được dịch là Xá-lợi tử). Sàri là tên của mẹ ngài. Còn Kolita Moggallàna được gọi là Mahà Moggallàna (Đại Mục-kiền-liên) có nghĩa là con lớn của giòng họ Moggallàna.

Sau khi tất cả đã được Đức Phật ban bố phép xuất gia đầy đủ, trên hai trăm năm mươi tân Tỳ-kheo còn được nghe Đức Thế Tôn thuyết cho một bài pháp có ý nghĩa thông giải những phép học căn bản, khiến tất cả đều đạt được đạo quả Nhập lưu (Sotapatti). Và sau đó chẳng bao lâu, họ đã đắc quả A-la-hán (Arahatta)

Riêng Sàriputta và Mahà Moggallàna kể từ ấy phát tâm ở nơi thanh vắng để tu tập. Lần này, đôi bạn trí thức tự tách rời mỗi người một ngả, không ở chung một chỗ như trước.

Sàriputta (Xá-lợi-phất) lưu ngụ trong vùng phụ cận thành Vương Xá, và ngày ngày tu thiền trong một hộc núi gọi là “Động heo” (có sách nói là Động gấu). Ở đó ngài cũng thuận đường đi khất thực và luôn tiện đến nghe Đức Phật thuyết pháp. Mỗi lần Sàriputta (Xá-lợi-phất) nghe pháp của Phật về, ngài tự mình thanh tịnh quán xét, và tìm ra ý nghĩa sâu xa, thấu đáo. Ngài hành trì như thế đến mười bốn ngày mới đạt tới Thánh quả giải thoát (Arahatta: A-la-hán), một trạng thái tiêu diệt toàn bộ phiền não và trở thành Savaka (Thanh-văn giác)

Còn Mahà Moggallàna thì không sử sách nào nói rõ tại sao ngài lại chọn nơi ẩn tu xa xôi tận rừng núi, tại ngôi làng Kalla Valaputta, thuộc vương quốc Ma-kiệt-đà (Magadha). Ở đó, với một sự tinh tấn bất thối ngài luôn luôn giữ tâm trong pháp thiền, ngay cả trong lúc đi kinh hành hay trong những oai nghi khác.

Mặc dù vậy, ngài vẫn bị những cơn buồn ngủ nặng nề tràn ngập. ngài không muốn đầu hàng những hôn trầm này. Nhưng ngài vẫn bất lực, không thể giữ cho thân mình ngồi thẳng, và đầu vẫn gục xuống. Có những lúc ngài phải vận dụng toàn lực để mở rộng đôi mí mắt, không cho nó khép lại.

Đây là một trạng thái rất dễ hiểu. Bởi khí hậu vùng nhiệt đới oi bức, và bởi sau những năm dài du phương tầm đạo, Đại đức Mahà Moggallàna giờ đây thân thể phải mệt mỏi và những cơn buồn ngủ đến với ngài là một sự tự nhiên.

Nhưng Đức Thế Tôn, bằng đức tánh chăm sóc của một bậc thầy đến hàng đệ tử, Phật dù biết vậy, vẫn không ngừng theo dõi mọi sinh hoạt của Mahà Moggallàna. Đức Phật tuy ở xa, nhưng với nhãn lực siêu phàm Ngài đã thấy rõ những trở ngại tu tập của người tân môn đồ đó, nên dùng Phật lực hiện ra trước mặt Mahà Moggallàna.

Khi Mahà Moggallàna thấy Phật đang đứng trước mặt mình, một phần lớn sự buồn ngủ, sự mệt nhọc tự nhiên bị biến mất. Bây giờ Đức Thế Tôn mới hỏi ngài:

– Phải chăng Mahà Moggallàna đang ngủ gục?

– Bạch Thế Tôn! Đúng vậy!

Phật bèn dạy tám phần pháp giải trừ chướng ngại hôn trầm (buồn ngủ) như sau:

1- Này Mahà Moggallàna! Đừng nghĩ rằng có cơn buồn ngủ đang ở trong ông, rồi chú ý đến nó. Giữ tâm như thế cơn buồn ngủ sẽ biến mất.

2- Nếu làm như vậy mà hôn trầm không đi mất thì ông nên nhớ lại những lời dạy của Như Lai và suy gẫm. Khi ông nhớ đủ, rồi soi xét ý nghĩa giải thoát thì hôn trầm sẽ biến mất.

3- Nhưng nếu nhớ đủ Phật ngôn như thế mà hôn trầm không biến mất, thì ông nên lập lại sự phán xét ấy một cách chi tiết hơn về các pháp hữu vi của Như Lai đã dạy, hôn trầm sẽ theo đó mà biến mất.

4- Nhưng nếu hôn trầm cũng không biến mất thì ông đem tâm ý phổ vào xúc giác, cọ mạnh đôi vành tai và xoa bóp tứ chi thì hôn trầm (hay cơn buồn ngủ) sẽ biến mất.

5- Khi làm như vậy mà hôn trầm cũng không đi mất thì ông nên đổi oai nghi, để tâm và ý duyên vào động tác, như đứng dậy đi rửa mặt bằng nước mát, rồi phóng tầm mắt quan sát tất cả mười phương tám hướng. Đoạn ông nhìn lên bầu trời, quan sát mọi tinh tú, không gian, thì hôn trầm sẽ biến mất.

6- Nhưng nếu làm như thế mà hôn trầm vẫn không biến mất thì ông nên chăm chú đến ánh sáng. Nếu ấy là ban ngày thì lấy ánh sáng mặt trời làm đề mục. Ban đêm thì lấy ánh sáng tinh tú (trăng, sao) làm đề mục. Đây là cách làm cho tinh thần xán lạn không bị u ám, hôn trầm sẽ biến mất.

7- Nhưng nếu dùng ánh sáng bên ngoài mà hôn trầm không biến mất thì ông quay lại soi xét nội tâm. Lấy nội tâm làm đề mục và cố gắng xem kỹ từng ý nghĩa, giống như lấy ánh sáng tinh thần để rọi thẳng vào tâm thức để thấy rõ từng chập tư duy khác nhau, đừng để một thứ tư duy nào hiện lên trong đầu ông mà ông không biết, đồng thời ông đứng dậy đi kinh hành. Làm thế hôn trầm sẽ biến mất.

8- Như thế mà hôn trầm vẫn không biến mất thì ông có thể nằm xuống, biết rõ mình đang nằm như một con sư tử: vai mặt ở dưới, vai trái ở trên, hai chân duỗi thẳng, kê lên nhau, giữ trong tâm một ý niệm mạnh mẽ là: Ta phải biết mình toàn thân đang nằm như thế nào? Nếu thân thể ta mệt mỏi thì ta để cho nghỉ ngơi, nhưng ta không say đắm trong sự nghỉ ngơi ấy, thì hôn trầm sẽ biến mất.

– Này Mahà Moggallàna! Ông nên tinh tấn hành trì tám phương pháp này! (Theo Anguttara Nikàya VII 58: Tăng Nhất A Hàm số 58).

Trên đây, Đức Phật đã hướng dẫn ngài Mahà Moggallàna một phương pháp tiệm tiến để giải trừ sự hôn trầm. Điểm quan trọng nhất và hữu hiệu nhất là đừng để tâm mình bị lôi kéo bởi ý nghĩ cho rằng cơn buồn ngủ (hay hôn trầm) đang xảy đến và tiếp tục. Dĩ nhiên điều này rất khó làm. Nếu hành giả không thành công, họ có thể tập trung nghị lực, suy xét những lời Phật dạy, hoặc tự đọc thuộc lòng những lời dạy ấy. Khi giải pháp hướng dẫn trí nhớ (tinh thần) không đem lại kết quả hành giả có thể quay sang giải pháp tác động thân thể như kéo mạnh vành tai, lắc lư thân mình, chuyển vận huyết mạch bằng cách xoa bóp tứ chi, rửa mặt bằng nước lạnh v.v... Nếu vào ban đêm họ nên ngước mặt lên bầu trời, hướng sự chú ý vào vô biên thăm thẳm của vũ trụ, không gian đầy tinh tú. Ban ngày thì nhìn ánh sáng rực rỡ của vầng thái dương v.v... Những tác động ấy vừa có thể kích thích giác quan (nhất là xúc giác và thị giác) vừa có thể đưa tâm ý câu hữu với mọi đối tượng thiên nhiên bên ngoài.

Làm tất cả những điều ấy có thể giúp hành giả vượt qua cơn buồn ngủ, như trong Theragatha (Tôn Túc Kệ Ngôn) có lời lưu lại của một Thánh Tăng như sau:

“Chớ lùi bước vì hôn trầm mê ngủ

Nhìn không gian sao sáng chiếu lung linh

Khi đêm đến tâm mà như tinh tú

Tuệ tâm soi bừng giác tánh nơi mình!”

(Theragàthà V, 193)

Khi áp dụng tất cả các cách ấy mà hành giả không thắng nổi sự hôn trầm, lúc bấy giờ có thể quay về với ánh sáng nội tâm mà nhiều nhà Thần bí học đã nói. Hay nói một cách khác là quay về với sức mạnh kỳ diệu của giác tánh (là hạt giống lành đã gieo, do sự tu tập thiền định trong một kiếp nào đó). Sức mạnh hay ánh sáng nội tâm ấy sẽ giúp hành giả vượt ra ngoài sự chi phối xác thịt của cuộc đời hiện tại.

Trong trường hợp này, hành giả sẽ không còn phân biệt ngày hay đêm, bởi vì “Ánh sáng nội tâm” không để cho lằn mức giữa hai cái ấy (đêm và ngày) hiện hữu nữa. Nhờ với một tinh thần tự soi sáng, hành giả có thể loại bỏ, như một trời Phạm Thiên, toàn diện cảnh giới của ngày lẫn đêm (vốn chỉ là những hiện tượng giả lập của cảm quan!).

Khi Đức Phật, trong các điều dạy thứ năm, thứ sáu, thứ bảy nhắc đến tinh tú, bầu trời, ngày đêm v.v... tức là Ngài muốn ám chỉ những gì Mahà Moggallàna đã từng trải qua (từng an trụ) trong kiếp này hay kiếp trước.

Đối với chúng ta, tám lời dạy này tỏ ra quá bình thường bao nhiêu thì đối với Maha Moggallàna có ý nghĩa đặc biệt bấy nhiêu. Sự “Thắp lại ánh sáng nội tâm” ấy (Aloka sanõnõa) có ghi rõ trong bài Kinh số 33 của bộ Trường A Hàm (Dgha Nikaya) như một trong bốn cách phát triển thiền pháp dẫn đến trí tuệ và quang kiến (Sanõnõadassana).

Nếu tinh tấn cỡ ấy mà hôn trầm (đòi hỏi giấc ngủ của xác thân) không chấm dứt thì hành giả bắt buộc phải kinh hành. Kinh hành nhưng tâm trí không được lìa khỏi tầm soi sáng nội tâm bằng thiền lực, để tiêu trừ mệt mỏi do hôn trầm gây ra.

Tuy nhiên, nếu bằng cả “sự soi sáng nội tâm” ấy mà hành giả vẫn không đạt được kết quả thì bấy giờ họ có thể nằm xuống “nghỉ ngơi” trong chốc lát, vì đó là sự phản ứng tự nhiên của thân thể, chứ không phải do tánh lười biếng thúc giục xác thân đòi hỏi. Hành giả chỉ cần nằm để điều hòa oai nghi cùng quân bình sự quá độ trong chốc lát, chứ không phải để hưởng thụ. Vì vậy họ sẽ nhanh chóng ngồi dậy khi sự hôn trầm trôi qua.

Trong bài Kinh số 33 (Đức Phật dạy ngài Mahà Moggallàna cách tiêu trừ hôn trầm) còn một đoạn tiếp:

“Này Mahà Moggallàna! Ông nên tu tập xa hơn nữa bằng cách tự mình nhắc nhở rằng “khi đứng trước những thí chủ (khất thực) ta không nên tỏ ra ngã mạn, không nên có ý niệm trông đợi vật thí. Nhiều khi những thí chủ ấy bận rộn không hay sự hiện diện của ta, chứ không phải họ thờ ơ. Nếu ta ngã mạn và trông chờ vật thí, ta sẽ tưởng rằng họ lạnh nhạt với ta, và do đó phiền não nổi lên. Chỉ vì không nhận được bố thí mà một Sa-môn trở nên bất tịnh, trở nên khích động, trở nên nóng giận và mất hết an trụ là một điều trái đạo giải thoát”.

“Này Mahà Moggallàna (Mục-kiền-liên). Lại nữa, ông nên giữ nết hạnh tự mình nhắc nhở rằng: “Ta không nên nói điều tranh luận. Vì sự bàn cãi chỉ khiến ta nói nhiều (đa ngôn) khiến ta bị kích thích, khiến ta mất quân bình, và khiến ta khó định tâm trong thiền pháp.”

Ở đây Đức Phật đã chỉ ra hai trường hợp gìn giữ hạnh kiểm, hai trường hợp tránh sự loạn động và bất an nội tâm. Cả hai trường hợp này đều nằm trong thói quen tiếp xúc hằng ngày giữa một bậc xuất gia với các thiện tín.

Trong trường hợp thứ nhứt, một bậc xuất gia thường mong mỏi Phật tử nhìn nhận mình là một Sa-môn và hãnh diện với địa vị lãnh đạo tinh thần ấy, rồi đòi hỏi mọi người phải kính trọng. Nếu các hàng tại gia vì sơ ý hay bận rộn công việc sinh nhai mà thiếu quan tâm đến họ, họ sẽ trở thành lo lắng, sẽ trở nên bất mãn.

Trường hợp thứ hai, trong khi biện luận thường có sự tự đắc về cách biểu dương óc nhận xét sắc bén. Tự cao cho rằng “Ta biết nhiều hơn kẻ khác” hay “Ta hữu lý hơn để áp đảo người đối thoại” thường làm cho người tranh luận bất tịnh.

Kết quả, kẻ ham thích tranh luận chỉ phí bỏ một số thì giờ quý báu đáng lẽ phải dùng trong việc tu tập, phí bỏ hơi lực và để tim óc khích động mất bình an một cách vô lối, mà không gặt hái được thiện pháp đáng khen nào.

Kẻ dễ duôi và thiển cận thường để mình rơi vào các sinh hoạt bất tịnh như thế, nên họ không những khó tập trung được thần trí phàm phu. Còn khi muốn tu thiền, họ sẽ gặp rất nhiều chướng ngại.

Sau khi Đức Phật dạy cho Mahà Moggallàna (Mục-kiền-liên) tám cách vượt qua sự hôn trầm và hai trường hợp tránh xa sự khích động, Mahà Moggallàna liền bạch hỏi Phật như vầy:

– “Bạch Đức Thế Tôn! Xin Ngài giải nghĩa tóm tắt làm thế nào để một đệ tử có thể tự mình tiêu diệt hoàn toàn khát vọng, giải thoát và đạt tới cứu cánh cuối cùng, không còn bị trói buộc trong phiền não, được sống đời sống Thánh thiện và trong sạch hơn cả chư Thiên và nhân loại?”.

– “Này Mahà Moggallàna (Mục-kiền-liên)! Một bậc xuất gia nhờ tinh tấn tu tập mà nhận thức được rằng “Không có gì đáng cho ta dính mắc”, tức là họ bắt đầu biết rõ mọi vật. Và khi họ “biết rõ” mọi vật thì họ sẽ hiểu rõmọi vật. Khi một Sa-môn hiểu, biếtđầy đủ mọi vật thì bất cứ cảm nghĩnào họ trải qua, dù vui sướng hay đau khổ hoặc vô vị, họ cũng đều thấynó ở trạng thái vô thường, họ sẽ nhìn nó một cách vô tư, không để nó lôi kéo, và sẵn sàng buông bỏ. Khi một vị Sa-môn trở thành thanh tịnh như thế thì họ sẽ không ham thíchbất cứ cái gì trong đời này, không ham thích thì họ không khao khát, và không khao khát họ sẽ không vướng mắc, tức là họ đạt tới chỗ hoàn toàn tiêu diệt dục vọng, chấm dứt tái sanh, sống đời sống thánh thiện. Rồi họ sẽ biết rõ rằng công trình tu tập giải thoátcủa họ đã viên mãn!”.

Sau khi Mahà Moggallàna nhận được những lời giáo huấn do Đức Phật đích thân truyền dạy (ghi trong Anguttara Nika(ya VIII, 58), ngài liền vững tâm hành đạo với một quyết tâm bất thối. Mục-kiền-liên đã tranh đấu với năm pháp chướng ngại một cách dũng mãnh phi thường. Hơn nữa, trong suốt những năm dài làm đạo sĩ du phương tầm đạo ngài đã thành công một cách vững chắc việc dẹp bỏ các ác ý và những đam mê trần tục. Ấy chính là hai trong năm chướng ngại ngăn cản hành giả tiến vào Thánh lưu.

Hiện tại, với sự hỗ trợ của Đức Phật, ngài Mục-kiền-liên vừa chiến thắng sự lười biếng và hôn trầm (chướng ngại thứ ba), đồng thời ngài loại bỏ được bất định và lo âu (chướng ngại thứ tư) bằng cách tránh những va chạm xã hội vô ích. Sau cùng, ngài tiêu diệt được hoài nghi (tức pháp chướng ngại thứ năm) bằng cách hành theo lời Phật dạy là định tâm quán xét thấy rõ bộ mặt giả tạm của vạn vật, từ đó cắt đứt tình cảm dính mắc.

Khi đã loại trừ được năm pháp chướng ngại ấy, Mahà Moggallàna đạt đến trí tuệ thanh tịnh, vượt qua khỏi mọi hấp dẫn vật chất ở đời, và bằng một tri kiến sắc bén, ngài chọc thủng bức màn vô minh vi tế che đậy sự thật của cuộc sống, thấy rõ giải thoát Niết-bàn, trạng thái không còn dư sót phiền não.

Lúc Mahà Moggallàna đạt tới Sơ thiền, tâm đang phỉ lạc trong sự an trụ (Ekaggata) một thành công vi diệu mà người thường không thể nào hiểu được, văn tài thế gian dù lỗi lạc đến đâu cũng không thể nào diễn bày chính xác được, thì dần dần những tư tưởng trần tục len lỏi vào thiền tâm của ngài gây vọng động.

Đức Phật nhờ pháp nhãn đặc biệt liền biết rõ như thế. Ngài lập tức hiện đến để hỗ trợ vị đệ tử này. Nghĩa là khi Mahà Moggallàna bị năm pháp chướng ngại bao vây trở lại thì đã có Đức Phật bên cạnh tế độ. Nhưng những lần sau này, Phật không nhắc nhở một cách chi tiết như trước. Ngài chỉ thông giải thẳng vào chỗ “chướng ngại tái phát” là đã có thể giúp Moggallàna vượt qua sự bế tắc.

Đức Thế Tôn còn lưu ý Mahà Moggallàna rằng: “Chớ nên phỉ lạc và tin tưởng nơi sự đắc thiền, mà phải giữ vững thiền tâm hơn nữa để có thể tiến xa hơn khỏi mục tiêu nhất quán (Ekaggata)”

Mahà Moggallàna nhờ lời dạy này của Đức Phật mà từ đó về sau khi an trụ vào Sơ thiền, ngài không bị những ý nghĩ trần tục quấy nhiễu nữa!

Khi đã vững chắc trong Sơ thiền, Mahà Moggallàna tiến lên Nhị thiền. Trong Kinh Samyutta Nikaya (Tạp A Hàm), đoạn hai mươi dòng một gọi là “Thanh tịnh tâm”, bởi vì trong ấy mọi ý nghĩ đều biến mất rồi từ đó ngài phát triển tới đệ Tứ thiền một cách tuần tự (Samyutta Nikàya No 40, F2).

Sau này chính Mahà Moggallàna tiết lộ ngài đã thực hành thiền định bằng phương pháp “Nhị lập”: trước tiên là phát triển Định lực (Iddhipada, theo Samyutta Nika(ya N0 51, 31 ([1]). Rồi sau phát huy Quán lực (Vimokkha, theo Theragatha 1172).

Trên con đường tiến đến giải thoát hoàn toàn bằng Tuệ giác ngộ (Panna(vimutti), các bậc Thiền (Jha(na) có thể xem như những giai đoạn “Sử dụng thần lực”, một mặt đưa đến nhiều khả năng siêu nhiên, mặt khác mở được cửa ngõ bước vào ánh sáng toàn giác.

Phương pháp tu chứng Nhị lập này là bí quyết then chốt để Mahà Moggallàna trở thành một bậc A-la-hán (Arahatta) thượng thặng giữa các hàng Thanh-văn giác.

Nói cách khác, chúng ta có thể tóm lược rằng: Để đạt đến giải thoát tâm linh (Ceto Vimutti), chính thiền định đã giúp cho Mahà Moggallàna trước tiên loại trừ tám pháp thế gian([1]) (Vimokkha), sau đó khi thuần thục tuyệt mức trong các bậc thiền Vô sắc (Aru(pa Jha(na), ngài mới có đủ “Quán lực” tận trừ những sở định vi tế (Như phỉ lạc trong quả thiền chẳng hạn).

Nghĩa là ngài tiến mạnh trên con đường giải thoát bằng thiền pháp Nhị lập, tức là vững vàng trong an trụ (Sama(dhi) rồi mới đủ định tâm phát triển Minh sát (Ubhago Bhaga Vimutti) – (Xem chú giải trong Pàli Dictionary của Nyànatolika). Minh sát bắt đầu từ Tứ thiền về sau.

Khi lấy đệ tứ thiền làm nền tảng Minh sát. Hành giả sẽ giữ tâm được trong trạng thái Vô ký (tức là tâm nào đến thì tự thấy nó đến, tâm nào biến đi tự thấy nó đi, vô tư không lay động), hoàn toàn vượt ra khỏi mọi ý niệm, sanh từ vạn pháp hữu vi (điều kiện). Nhờ đó, các pháp giác ngộ mới được soi sáng. (Theo Samyutta Nikàya: Tạp A Hàm số 40, 9 )

Theo chú giải, trạng thái “Tâm vô ký” (Anicca Ceto Sama(dhi) là trình độ tâm đã ổn định bậc cao, vượt ra ngoài tâm ghi nhận những đối tượng ngoại cảnh cũng như nội cảnh (Tư duy). Tâm ở trình độ này chỉ còn giác tỉnh biết rõ mình đang vừa sống và vừa chết từng sát na (Vipassana Samadhi), nên ý thức hoàn toàn được giải trừ khỏi những ảo ảnh vô thường, tham ái v.v…

Sự dẫn giải này trong Kinh điển quả phù hợp với lối tu chứng của ngài Mahà Moggallàna khi ngài áp dụng pháp tu thiền Nhị lập. (An trụ rồi Minh sát) đã được nhiều học giả Phật giáo bàn đến bằng hai danh từ Phạn ngữ “Animitta Cetovimutti”. (Theo Majjhima Nikàya: Trung A Hàm số 43, The Wheel, xuất bản)

Tuy nhiên, khi thành công trong Thiền định (Sama(dhi) hành giả không khéo lại bị rơi vào vòng “một ý niệm vi tế” là tưởng ta được giải thoát, không còn bị các pháp hữu vi chi phối, vì hành giả lúc này đang “trực nhận” một loại phỉ lạc rất siêu thoát. (Không phải thứ phỉ lạc do dẹp được tám pháp thế gian, mà là một loại phỉ lạc trong trụ pháp “Thanh tịnh xuất thế”).

Đây cũng là một loại dính mắc và là một sự dính mắc vô điều kiện, và rất khó kiến nhận. Loại dính mắc này chính là bức màn che áng sự giác ngộ sau cùng. Nó chỉ có thể bị loại trừ bằng thanh lọc siêu đẳng, mà ngoài các bậc Toàn giác Toàn tri ra, không có một trí tuệ thế gian nào có thể diễn tả được.

Nhưng ngài Mahà Moggallàna nhờ Đức Phật đã hỗ trợ, nên có thể vẹt được cái màn che áng vi tế sau cùng này, để đạt đến phẩm cách hoàn toàn giải thoát. Giải thoát một cách rốt ráo và tròn đủ Tuệ trực giác từ mọi khía cạnh, ngay cả khía cạnh dẹp được cảm thức là “mình đã giải thoát”.

Chính Mahà Moggallàna đã xác nhận rằng “Sự đạt được quả vị Giác ngộ của một Sa-môn nếu có Đức Phật hỗ trợ là một sự chứng quả tuyệt luân nhất!”. Kinh gọi sự chứng quả này (Maha abhinna), nghĩa là Thần tuệ siêu đẳng, bao gồm cả năm loại thần thông (Panõcalabhĩnna) và sáu “Thức thần trụ” có thể chế phục dễ dàng mọi nhân ác, dù cho nhân ác ấy đến từ một đối thủ nhiều Thần thông nhất trong tam giới.

Sự tu chứng ấy của Mahà Moggallàna đã kéo dài trong một tuần lễ. Thực ra, bảy bữa ấy là bảy bữa phối hợp tất cả những gì mà ngài đã rèn luyện trong nhiều kiếp qua, vì đạo quả ngài đạt được là một loại đạo quả độc đáo, rất ít Thánh nhơn đạt được

Chúng ta có thể tưởng tượng nổi độ tinh tấn và lòng quả cảm của ngài Mahà Moggallàna trong suốt thời gian ngắn ngủi này. Bởi vì vai trò một đại Thanh-văn giác là vai trò mà những phẩm hạnh siêu nhiên gặt hái được, cần một công phu tu tập thượng thừa mới xứng đáng, và mới có thể vượt thắng nổi những xiềng xích ràng buộc vô cùng mạnh mẽ đã mọc rễ một cách vi tế trong tâm.

Kinh có thuật lại rằng: Đức Phật, trong bốn giờ thuộc khắc thứ nhứt đêm tiến lên phẩm hạnh Toàn giác, Ngài đã nhớ được chín mươi mốt kiếp thế gian. Đối với, một đấng Giác ngộ, sự “có mặt” của không gian và thời gian sẽ bị tan biến khi cường độ giải thoát đang tiếp diễn. Tương tự như thế, Mahà Moggallàna cũng vừa thể nhận sự “vượt khỏi” thời gian và không gian để tổng kết công đức của suốt bao nhiêu kiếp chỉ trong vòng một tuần lễ. Ở đây, khái niệm về không gian và thời gian hoàn toàn bị xóa.

Một phàm nhân đang bị cầm tù bởi năm giác quan và ý thức nhiễm đầy dục vọng không thể nào hiểu nổi chỉ trong vòng bảy ngày, một Thanh-văn giác Thượng thừa như Maha Moggallàna đã có thể vượt dòng thời gian và vượt khoảng không gian vô hạn để trực nhận “Tất cả chỉ là một con số không”.

Mahà Moggallàna (Mục-kiền-liên) còn nói rõ trong Kinh Anguttara Nikaya, cuốn IV (trang 167-168) rằng: Tuy ngài đã đắc quả Thánh nhanh chóng bằng tinh tấn vượt kỷ lục (Khipp-bhinna), nhưng trên thực tế trong một tuần lễ ấy ngài đã “tiến hóa” khó khăn (Dukkha Patipada) vì phải nhờ tới sự hỗ trợ dồi dào (Sasankha(a) của Đức Phật. Còn Sàriputta (Xá-lợi-phất) thì khác. Mặc dù, vị đại Thanh-văn giác thứ hai này đã đắc Thánh quả chậm hơn một tuần lễ (tức trong mười bốn ngày) nhưng nhờ vậy mà tiến hóa của ngài thoải mái hơn (Dukkha Patipada). Mahà Moggallàna (Mục-kiền-liên) tiến lên Thánh quả nhanh hơn Sàriputta (Xá-lợi-phất) vì nhờ có Đức Phật đích thân hướng dẫn và hỗ trợ. Còn Sàriputta, Phật không làm vậy là vì Ngài biết rằng Sàriputta có trí tuệ đặc biệt, có thể tự mình tiến lên Thánh quả một cách độc lập.


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
07/10/2011(Xem: 4002)
Long Thọ cùng với Vô Trước, là hai bậc khai phá vĩ đại của truyền thống Đại thừa. Long Thọ tiếp nối và trao truyền những giáo huấn thậm thâm vi diệu của tính không...
14/09/2011(Xem: 6038)
Long Thọ Đại Sĩ, tiếng Phạn gọi là Nagarjuna, người dòng Phạm chí, ứng thế ở xứ Nam Thiên Trúc, sau Phật diệt độ bảy trăm năm. Tương truyền ngài sanh dưới cây A Châu Đà Na, cây này có năm trăm vị Long thần ở, lại nhờ Long Vương Bồ Tát mà thành đạo, nên lấy hiệu là Long Thọ.
14/09/2011(Xem: 3894)
Đời nhà Minh, niên hiệu Sùng Trinh thứ mười sáu, có Bồ Tát dùng phương tiện giáng thần ở Ngô môn, tự xưng là Giác Minh Diệu Hạnh, thường khuyên dạy về Phật pháp. Đến năm Thuận Trị thứ tư đời nhà Thanh, do nhân duyên trước, ngài lại giáng đàn, tùy cơ nói pháp, khai diễn về môn Tịnh độ. Trước tiên, Bồ tát dùng lời kệ khai thị rằng...
12/08/2011(Xem: 9319)
Hình ảnh của Bồ Tát Địa Tạng với khuôn mặt đôn hậu, từ ái, đầu đội mũ tỳ lư, tay cầm tích trượng là một hình ảnh luôn tỏa sáng trong tâm khảm của những người con Phật...
09/08/2011(Xem: 7252)
Tôn giả Xá Lợi Phất xuất thân từ giai cấp Bà la môn, nổi tiếng thông tuệ từ khi còn thơ ấu. Ngài là niềm tự hào, là hy vọng của gia đình, dòng tộc và nhất là mẹ ngài, bà Xá Lợi...
05/08/2011(Xem: 9289)
Sở dĩ Mục Kiền Liên đắc Thánh quả một cách nhanh chóng vì Ngài đã trải qua nhiều kiếp tu hành, cho nên trong hiện đời được gặp Phật...
16/06/2011(Xem: 18153)
Bồ tát giới Phạm võng phải được gọi là Đại thừa giới. Đại thừa giới là bản nguyên của chúng sinh, là Phật tánh đầy phẩm chất Phật. Đại thừa giới xác nhận thân là thân chúng sinh, tâm là tâm chúng sinh, nhưng thân ấy tâm ấy đều nhập cả vào giới pháp Phật tánh: đều đem ra mà thọ và trì Đại thừa giới. Đại thừa giới căn cứ quan điểm hiếu thuận: hiếu thuận với tất cả chính là giữ giới. Đại thừa giới lại xác định là cái Phật đi, cái Phật làm, nên thọ giới ấy là nhập vào cương vị của Phật.
07/06/2011(Xem: 4819)
Trong khóa tu Hayagriva đầunăm 2010, Lama Zopa Rinpoche đã nhấn mạnh vào thái độ Bồ Tát đúng đắn, và bangiáo lý súc tích này về cách thực hành [được trích dẫn từ “Taking the Essence All Day andNight” (Rút ra Tinh túy Cả Ngày lẫn Đêm), một cuốn sách mớivề cách làm cho mọi việc làm hàng ngày của ta trở nên có ý nghĩa nhất, do Dịchvụ Giáo dục của Tổ chức FPMT ấn hành]: Hãytụng hay hát những vần kệ sau đây vào buổi sáng hay vào những lúc khác trongngày và suy niệm ý nghĩa để tạo nên một sự thay đổi toàn bộ cho thái độ ái ngãbình thường, là điều chỉ làm hại ta và những người khác. Sau đó hãy sống theothực hành này. Hãy tụng tất cả những câu kệ hay ít nhất là hai hay ba câu cuối.Trì tụng cùng thực hành tonglen (thực hành cho và nhận):
12/05/2011(Xem: 3556)
Trưởng lão Chu-lợi Bàn-đặc (Cūlapanthaka) là một trong những vị đại đệ tử của Đức Phật. Tàu âm ra nhiều tên khác nhau: Chu-lợi Bàn-đặc, Chu-lợi Bàn-đà-già, Chú-trà Bán-thác-ca, Tri-lợi Mãn-đài, v.v. Trong Tăng chi, Chương Một Pháp, liệt kê các vị Tỳ khưu đại đệ tử, ngài Cūlapanthaka được nhắc đến 2 lần...
06/04/2011(Xem: 7065)
Bồ Tát Quán Thế Âm là một trong những hình tượng gần gũi nhất với hầu hết tín đồ Phật giáo, dù ở bất cứ nơi đâu, dù thuộc tầng lớp nào. Ngài là biểu tượng của lòng đại bi...
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]