Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

45. Trói quỷ La Sát

06/04/201114:36(Xem: 3893)
45. Trói quỷ La Sát

TRUYỀN THUYẾT VỀ BỒ TÁT QUÁN THẾ ÂM
Diệu Hạnh Giao Trinh dịch, Nguyễn Minh Tiến hiệu đính và giới thiệu

45. TRÓI QUỶ LA SÁT

Bồ Tát Quán Âm, một lòng chỉ nghĩ đến chuyện cứu độ trăm họ trong thiên hạ, thường hay quan sát những áng mây lững lờ bay trên trời. Một hôm, Ngài thấy bầu không khí ở bên trên vùng tây bắc tỉnh Vân Nam nổi lên từng cuộn mây mịt mù nồng nặc ác khí, và những đám mây ấy tụ thật lâu không tan, Ngài biết ngay rằng ở đấy chắc chắn đang xảy ra chuyện không lành. Ngài liền gọi Thiện Tài và Long Nữ lại bảo rằng:

– Hôm nay ta quán thấy trời Vân Nam đầy mây oan khí ác, chắc chắn rằng dân chúng chỗ ấy đang bị tai ương, chúng ta hãy đến đó xem có chuyện chi và giúp đỡ trăm họ thoát khỏi ách nạn.

Ba người lập tức cưỡi mây lành đến Vân Nam, và giáng hạ vào một ngôi làng trên núi. Ngài Quán Âm hóa thành một ông lão, Thiện Tài Long Nữ hóa thành hai đứa con trai và con gái của ông. Lúc ấy hoàng hôn đã phủ xuống vạn vật, nhưng sao không thấy nhà nào lên đèn, cửa nhà nào cũng đóng chặt kín, không một tiếng động, ngay cả tiếng chim kêu chó sủa cũng rất hiếm. Cả một ngôi làng chìm trong bầu yên lặng rùng rợn như cõi chết.

Ngài Quán Âm cảm thấy có điều gì bất ổn, không biết có chuyện quái đản gì đã xảy ra ở chỗ này khiến cho dân chúng phải sống trong cảnh thê lương như vậy, nên nhất định tìm hiểu nguyên do.

Ba người tìm đến trước cửa một ngôi nhà bề ngoài trông có vẻ giàu sang sung túc, nhưng gõ cửa thật lâu mà không hề nghe động tĩnh gì bên trong. Ngài Quán Âm lại gõ cửa, vừa gõ vừa nói lớn:

– Ba cha con chúng tôi là người từ xa đi ngang làng này, trời đã tối, xin cho chúng tôi ngủ nhờ một đêm!

Thật lâu sau mới nghe tiếng chân người, rồi cánh cửa mở ra he hé, và giọng một bà lão hỏi vọng ra:

– Mấy người từ đâu tới? Tới đây để làm gì?

Ngài Quán Âm trả lời:

– Chúng tôi từ miền đông đến đây thăm người thân, chiều nay đi ngang nhà bà, xin bà rộng lòng cho chúng tôi tá túc một đêm.

Qua khe cửa mở hé, bà lão nhìn thấy một ông lão và hai đứa bé, vốn là người phúc hậu nên bà mở rộng cửa ra cho ba người bước vào nhà. Ngồi vào nhà khách rồi, ngài Quán Âm mới hỏi bà lão:

– Thưa cụ, thôn ta có chuyện chi xảy ra vậy, tại sao ngoài đường không có lấy một bóng người, cửa nhà nào cũng đóng cửa im ỉm, đèn đuốc cũng không ai thắp nữa là vì sao?

Bà lão thở dài nói:

– Quý vị không biết mấy tháng nay làng chúng tôi bị một chướng nghiệp thê thảm đến dường nào! Ôi! Trước kia làng chúng tôi đâu có như thế này, vùng Thương Sơn Nhĩ Hải này đất đai thì màu mỡ phì nhiêu, nhà nhà sinh sống trong cảnh yên vui khá giả, đồng thời ai cũng tốt bụng và hiếu khách, khách lạ phương xa đến làng lúc nào cũng được tiếp đãi nồng nhiệt, có đâu như bây giờ, mọi nhà đều sống trong phập phồng bất an, ai còn tâm trí đâu mà tiếp đãi khách…

Thiện Tài đứng ở bên cạnh, hỏi:

– Thưa cụ, ở đây xảy ra chuyện gì đáng sợ đến thế?

Bà cụ đáp:

– Năm ngoái có một con yêu quái đến đây. Con yêu này không biết từ đâu đến, nó đặc biệt độc hại và hung ác, chỉ chuyên ăn cặp mắt của những đứa trẻ, hoặc là con trai, hoặc là con gái nhưng phải là con một duy nhất trong một gia đình. Hiện nay, xung quanh cả vùng này không thể tính đếm được những người đã bị nó hãm hại, có những đứa trẻ bị nó móc mắt đã trở thành mù loà, đi khắp nơi để ăn xin. Có những đứa trẻ không muốn sống nữa nên nhảy xuống sông tự sát. Có những đứa khác trở nên điên loạn, thật là thê thảm. Con yêu quái này có nhiều thần thông nên biết đi mây lướt gió, biến hóa muôn hình, đi lại không để dấu vết. Nó rất hung ác, lại có sức mạnh vô song, nó có thể bắt một con bò xé làm hai mảnh, hay dùng chân đá một khối đá lớn văng ra xa một vài dặm. Nó đã cưỡng bách dân làng xây riêng cho nó một cái miếu, quy định rằng cứ ngày 30 mỗi tháng phải cống hiến cho nó một đứa bé, mà phải là con một trong gia đình, bỏ đứa bé trong miếu để nửa đêm nó về ăn. Nhà nào chỉ có một đứa con trai hay con gái duy nhất thì nhà ấy xui xẻo, có ai có thể đành đoạn đem con mình tới miếu cống hiến cho yêu quái bao giờ! Nhưng nó đã rêu rao rằng nếu ai dám không tuân, nếu tháng nào nó không có mắt trẻ con để ăn, nó sẽ đạp thôn này thành bình địa. Cho nên chúng tôi không có cách nào khác hơn là rút thăm, ai xui xẻo bắt trúng thăm chỉ đành đưa đứa con độc nhất của mình đến miếu để bảo toàn sự sống cho dân làng.

Thật ra, không nhà nào có thể chịu đựng được, nửa đêm nghe tiếng thét thảm thiết của đứa bé trong miếu vọng ra, ai nghe cũng cảm thấy ruột đứt làm trăm mảnh! Tháng trước xảy ra chuyện bất thường, đứa bé bị bắt thăm đã được đưa vào miếu rồi nhưng trốn ra được, con quái vật thấy nó bỏ trốn bèn nổi trận lôi đình chạy vào làng giết chết hơn mười người, người nào cũng chết không toàn thây, tim và phổi bị móc phơi ra ngoài, thật là khủng khiếp và thê thảm. Con yêu quái còn hăm rằng nếu còn xảy ra chuyện này một lần nữa thì nó sẽ giết trọn cả làng. Vì thế dân làng nghe nói đến con quỷ ấy thì vừa hận vừa sợ, rất nhiều người đã đem gia đình con cái lưu lạc sang xứ khác, những người còn lại không đi được thì lúc nào cũng nơm nớp lo sợ. Trời ơi nếu không trừ con yêu quái này thì làm sao chúng tôi tiếp tục sống nổi đây? Tuy nhiên, ai là người trừ khử nó được? Cách đây vài ngày có một thầy tu, phẫn nộ quá nên liều mình tìm cách trừ con yêu quái, suýt nữa mất mạng. Tại sao không có Bồ Tát nào đến cứu chúng tôi hở trời?

Nghe bà lão vừa khóc vừa kể, Bồ Tát Quán Âm rất căm giận. Ngài nghĩ rằng: “Con yêu quái này độc hại như thế thì chắc chắn phải là một loại hung thần ác sát nào đây. Loại yêu quái này rất có thể từ địa ngục lên. Trước hết, ta phải điều tra cho rõ ràng mới được”. Nghĩ thế xong, Ngài an ủi bà lão:

– Cụ không phải sợ hãi nữa, rồi con yêu quái này thế nào cũng sẽ bị hàng phục.

Bồ Tát Quán Âm ngầm ra hiệu cho Thiện Tài, Long Nữ ở lại bầu bạn bên cạnh bà lão, còn mình thì lưu lại một thân giả, còn thân thật thì nhảy vọt lên mây. Ngài cưỡi mây lập tức đến cửa địa ngục. Diêm La Vương vội vàng bước ra nghênh tiếp:

– Quán Âm Đại sĩ giá lâm mà chúng tôi không ra nghênh đón từ xa, thật là thiếu sót! Lâu quá không thấy Đại sĩ quang lâm địa ngục, không biết hôm nay Ngài đến đây có điều chi dạy bảo?

Bồ Tát Quán Âm nói:

– Tôi đến đây điều tra một việc, vừa rồi ở Thương Sơn Nhĩ Hải xuất hiện một con quỷ chỉ chuyên ăn mắt của những đứa trẻ con một trong gia đình. Tôi ước chừng loại hung thần ác sát ấy có thể từ địa ngục các ông trốn lên. Vậy cách đây vài tháng, có con quỷ nào trốn thoát ra không?

Diêm La Vương nghe thế không ngừng dập đầu lạy mà nói:

– Cách đây ba tháng, quả nhiên có một con quỷ chuyên việc gác ngục đã chạy thoát ra khỏi chốn này. Điều này do tôi canh quản không đủ nghiêm mật, xin Bồ Tát tha tội, tôi xin đi bắt nó trở về đây ngay.

Ngài Quán Âm nói:

– Quả nhiên là như thế. Con ác quỷ làm đủ tội ác ở nơi ấy, không thể dễ dàng tha thứ cho nó được. Tôi nghĩ ông không cần phải đi bắt, để tôi khắc phục nó và giam nó ở trên đỉnh Ngũ Đài, để đời đời nó không bao giờ chạy thoát và làm ác được nữa.

Diêm La Vương gật đầu liền liền biểu lộ sự đồng ý:

– Đại sĩ dạy thế cũng phải, xin Bồ Tát tùy tiện xử trị con ác quỷ La sát ấy. Từ đây về sau tôi quyết sẽ canh chừng cẩn mật hơn để không có con quỷ nào khác có thể trốn ra.

Ngài Quán Âm dùng mây lành trở về, nhập vào cái thân giả đang ở nhà bà cụ già và hỏi:

– Bao giờ con yêu quái trở lại làng này? Cụ đừng sợ nữa, chúng tôi sẽ đi bắt nó.

Bà lão vừa kinh ngạc vừa nghi ngờ:

– Cụ và hai cháu đây chỉ có ba người mà đòi đi bắt yêu quái sao được? Các vị nên cẩn thận là hơn.

Rồi bà chỉ Thiện Tài mà nói:

– Nếu cậu đây là con trai duy nhất trong nhà thì nguy hiểm lắm, các vị nên bỏ trốn là tốt hơn cả.

Ngài Quán Âm đáp:

– Cụ không phải lo cho chúng tôi, chúng tôi đã có cách. Chỉ xin cụ cho biết bao giờ con yêu quái trở lại đây là được.

Bà lão bán tín bán nghi trả lời:

– Ngày mai là đúng ngày 30, con yêu quái thế nào cũng trở lại. Chúng tôi đã rút thăm, rút trúng đứa con trai duy nhất của nhà lão Tôn. Nếu các vị thật sự có bản lĩnh thì xin cứu con trai của lão Tôn.

Nói xong bà dọn cơm cho ba cha con ăn, ăn xong mọi người trở về chỗ ngủ của mình nghỉ ngơi.

Hôm sau, Ngài Quán Âm cùng Thiện Tài, Long Nữ đi bộ một vòng trong thôn làng, thấy có vài đứa trẻ mù loà ngồi trước cửa nhà mình, trông thật là đáng thương, ai nhìn cũng đau lòng. Long Nữ, Thiện Tài thấy chúng như thế cảm thấy quá thương tâm, lắc đầu thở dài mà hỏi ngài Quán Âm:

– Sư phụ, những đứa trẻ này có thể sáng mắt lại không?

Bồ Tát Quán Âm nói:

– Chiều nay, sau khi hàng phục yêu quái, ta sẽ bắt nó nhả ra lại tất cả những đôi mắt mà nó đã nuốt, rắc chút nước cam lồ lên rồi gắn trả lại cho những đứa trẻ ấy, chúng nó sẽ sáng mắt trở lại, các con đừng lo.

Ba người đến trước cái miếu mà dân làng đã xây riêng cho ác quỷ, thấy nơi ấy đã tụ tập nhiều người dân làng, họ nghe nói ba cha con này tình nguyện đi hàng phục yêu quái nên họ rủ nhau kéo đến. Họ cũng biết rằng nơi đây sẽ xảy ra một trận chiến ác liệt, nên họ đến cầu nguyện cho yêu quái bị hàng phục và cho ba cha con được bình yên vô sự.

Dân làng nói với Bồ Tát Quán Âm rằng:

– Thưa cụ, ba cha con cụ một già hai trẻ làm sao có thể hàng phục yêu quái được?

Rồi họ lại đem những chuyện tàn ác độc hại của yêu quái ra kể lại một lần nữa. Bồ Tát Quán Âm nói với mọi người:

– Các vị là người lương thiện, người lương thiện tự nhiên sẽ được Bồ Tát che chở bảo hộ, còn yêu quái làm ác thì thế nào cũng bị thu phục, xin quý vị hãy tin tôi.

Dân làng lại hỏi:

– Nhưng Bồ Tát ở đâu? Nếu không hàng phục được yêu quái thì chúng tôi sẽ không chịu đựng được nổi nữa, con em chúng tôi bị tàn hại nhiều rồi!

Bồ Tát Quán Âm nói:

– Hỡi dân làng, xin hãy nhìn kìa, Bồ Tát đến rồi.

Ngài đưa tay chỉ, mọi người nhìn theo hướng ngón tay của ngài, thấy một luồng ánh sáng vàng rực từ trời chiếu xuống, trong nháy mắt đã trở thành một vòng tròn ánh sáng, bên trong có một thiên tướng mặc áo giáp, đội mũ sắt, tay cầm chùy báu, thật là nghiêm trang uy dũng. Khi dân làng thấy có thiên tướng xuất hiện, ai cũng quỳ xuống đất lễ lạy, nhưng khi họ ngẩng đầu đứng dậy thì thiên tướng và vòng tròn ánh sáng đã ẩn mất. Khi thấy được thiên tướng rồi dân làng mới biết rằng ba cha con này không phải là người tầm thường, nên tỏ vẻ tin cậy. Ngài Quán Âm nói với mọi người:

– Bây giờ thì quý vị có thể an tâm rồi. Tối nay, xin mọi người đừng ra đây tìm cách giúp đỡ, chỉ cần quý vị chuẩn bị cho chúng tôi một cây côn dài và dấu đằng sau cửa, rồi sau đó ai về nhà nấy ngủ, sáng mai thức dậy sẽ có tin vui.

Dân làng biết ba cha con nhà này thật sự phi phàm, họ bèn kéo tay ngài Quán Âm cám ơn nhiều lần, nhắc nhở Ngài phải hết sức cẩn thận.

Đêm hôm ấy trời không trăng sao, bốn bề tĩnh lặng.

Đúng nửa đêm, một luồng ánh sáng xanh xẹt ngang trời, âm u rùng rợn, sau đó là một làn gió quái lạ thổi đến mang theo một luồng yêu khí nồng nặc. Lúc ấy Bồ Tát Quán Âm đã hóa thành một đứa bé trai ngồi trong miếu của La Sát, Thiện Tài hóa thành một vị thiên tướng cao lớn uy nghi, mai phục ở một bên miếu, còn Long Nữ thì lo bảo vệ đứa bé trai thật đã bị đem vào cống hiến làm mồi cho quỷ.

Gió quái và yêu khí càng lúc càng nồng, tiếp theo liền là một tiếng kêu thảm thiết xé màn đêm, và một con quái vật khổng lồ từ trời rơi xuống, xồng xộc chạy vào miếu. Trong nháy mắt con quái vật biến thành một con ác quỷ la sát đầu có mọc hai sừng, thân mọc sáu tay, đi thẳng tới trước mặt đứa bé. Vừa thấy đứa bé trong miếu, ác quỷ bèn rú lên một tràng cười hiểm độc, sáu cánh tay quờ quạng một cách hung ác. Nhưng sao hôm nay con yêu quái cảm thấy đứa bé trong miếu dường như có điều chi lạ lạ. Thường khi, những đứa trẻ khác thấy nó thì sợ hãi khóc thét lên, nhưng hôm nay đứa bé trai này không những không khóc mà còn đưa ngón tay chỉ thẳng vào người nó.

Con yêu quái chưa kịp có phản ứng cũng không biết điều chi đang xảy ra, đã thấy cả vạn tia ánh sáng vàng bắn tới thân, sáu bàn tay của nó lập tức bị những tia ánh sáng ấy cột chặt lại không động đậy được. La sát giật mình kinh hãi, dùng hết sức mình để vùng vẫy nhưng sáu bàn tay đã bị trói chặt cứng, toàn thân cũng bị ánh sáng vàng ấy khóa lại không sao cử động. La sát cảm thấy không xong, muốn chạy trốn ra khỏi lưới ánh sáng vàng, nhưng ngay lúc ấy liền thấy trước mặt mình có một vị thiên tướng vô cùng cao lớn, trợn tròn đôi mắt giận dữ, tay cầm chùy báu chận lại và đánh xuống. La sát bị đánh ngã nhào xuống đất, khi nó lồm cồm bò dậy nhìn lại một lần nữa thì thấy đứa bé ban nãy đã biến thành Quán Thế Âm Bồ Tát, tay cầm tịnh bình, đầu đội mũ báu, chân đạp hoa sen. Hắn bèn dập đầu không ngừng xin tha mệnh: “Bồ Tát thứ tội! Bồ Tát thứ tội!”

Ngài Quán Âm giận dữ mắng một tiếng “Súc sinh!” rồi dùng tay chỉ một cái, những tia ánh sáng đang trói thân ác quỷ liền biến thành những sợi dây thừng bằng sắt cột lại thật chặt, khiến nó đau đớn kêu lên:

– Bồ Tát tha tội cho con, con không dám hại người nữa!

Bồ Tát Quán Âm đứng trên hoa sen, nhìn xuống ác quỷ đang quỳ dưới đất mà nói:

– Súc sinh kia, tại sao không lo canh gác dưới địa phủ mà lên cõi nhân gian tạo tội ác, tàn hại không biết bao nhiêu đứa trẻ, vạn ác không từ, đáng lẽ phải đập tan thân mi thành vạn mảnh để giải hận cho những người đã bị mi hãm hại. Nhưng nay ta cho mi một cơ hội chuộc tội, mi phải nhả ra hết đây những cặp mắt mà mi đã nuốt!

Ác quỷ La sát lập tức nhận lời, khấu đầu không ngừng:

– Vâng, con xin nhả ra hết, chỉ xin đại sĩ khai ân, tha cho con mạng sống này!

Ngài Quán Âm dùng tịnh bình tiếp lấy từng con, từng con mắt một. Sau đó Ngài vẫy tay, một đóa mây đen bọc kín La sát lại lôi về đỉnh Ngũ Đài, nhốt dưới một tảng đá lớn, vĩnh viễn không xoay trở được.

Ngài Quán Âm bắt giam La sát ra sao, dân làng đều trông thấy rõ ràng từng chi tiết. Thì ra Ngài đã dùng thần lực khiến cho dân làng nằm mộng thấy cuộc đấu giữa Ngài và La sát, cho nên tuy họ không có mặt trong miếu mà cũng như có mặt vậy. Hơn nữa, trong mộng họ còn thấy, sau khi La sát bị trói quỳ dưới đất, họ đã ùn ùn chạy tới đánh nó một trận để hả nỗi căm hờn.

Hôm sau trời vừa sáng, dân làng thức dậy thì lại thấy một điều lạ lùng khác: những đứa trẻ mù đã sáng mắt lại! Thì ra Bồ Tát Quán Âm đem những con mắt đã thu được trong tịnh bình gắn trả lại cho những đứa trẻ mù, khiến chúng trở lại hoàn hảo như xưa. Dân làng vô cùng hân hoan, nhốn nháo kéo nhau đến miếu La sát, nhưng trong miếu không có lấy một bóng người, ngay cả ba cha con ông già cũng không thấy nữa!

Trong lúc dân làng còn đang ngạc nhiên, thì rán nắng hồng tỏa ra trên một đỉnh núi xa, trong ánh rán nắng xuất hiện bảo tướng trang nghiêm của Bồ Tát Quán Âm, tay Ngài cầm tịnh bình, trong bình có cắm nhành dương liễu. Ngài đi chân không đứng trên tòa sen báu, có Thiện Tài và Long Nữ đứng hai bên. Dân làng lập tức quỳ xuống lễ bái, và những đứa bé mù đã sáng mắt cũng dập đầu nghe “cốp, cốp” liên tục lớn tiếng kêu lên: “Đa tạ đại ân đại đức Bồ Tát Quán Âm!”.

Trong không trung xa xa có tiếng Ngài Quán Âm vọng lại:

– Hỡi dân làng, các vị hãy nhớ kỹ, chỉ cần các vị nhất tâm hướng thiện, tất nhiên sẽ được Bồ Tát bảo hộ.

Khi dân làng ngước lên thì rán nắng hồng trong không trung đã biến mất, Bồ Tát Quán Âm cùng Thiện Tài, Long Nữ cũng không thấy nữa. Dân làng cùng những đứa bé đều cảm kích, một lần nữa nhìn lên không trung mà bái lạy.

Để ghi tạc trong lòng ân đức Bồ Tát Quán Âm đã hàng phục La sát, dân làng bèn quyên tiền quyên vật biến miếu La sát thành am Quán Âm, bên trong có tạc lại bảo tướng của Quán Âm Đại sĩ. Bức tượng này vẫn giữ nguyên vẹn vẻ đẹp bên ngoài của đức Quán Âm môi hồng mắt liễu mày ngài, nhưng lại căn cứ vào hình dáng ông lão do ngài Quán Âm hóa thân đương thời để hàng phục La sát, nên họ còn vẽ thêm hai hàng râu mép nhỏ rức như hai dấu phẩy.

Từ đó về sau ở khu vực Thương Sơn Nhĩ Hải, phần đông dân chúng đều quy y Phật, tạo nên phong khí một vùng mà ai cũng nhất tâm hướng thiện, kính thờ Phật Pháp, dân chúng trở nên thuần hậu. Con quỷ La sát một thời lộng hành ở Thương Sơn Nhĩ Hải chuyên ăn mắt những đứa trẻ con một trong gia đình, vĩnh viễn bị giam giữ trên đỉnh Ngũ Đài của Thương Sơn. Dân làng còn xây một cái “gác La Sát” ở ngay trên ấy, bên trong có tạc hình một vị thiên tướng Kim Cang để canh giữ nó.

Tòa gác La Sát này vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay, du khách có dịp đến Thương Sơn có thể nhìn thấy. Ở vùng ấy, ai ai cũng biết chuyện Ngài Quán Âm hàng phục La sát, đến nay vẫn còn được lưu truyền.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
11/12/2012(Xem: 5906)
Đức Tara nhanh chóng giúp bạn thành công trong việc đạt được hạnh phúc tối hậu của giác ngộ. Bạn nhận lãnh rất nhiều công đức tốt lành, hay nguyên nhân của hạnh phúc...
23/10/2012(Xem: 4788)
Có một thời gian Tôn-giả Đại Mục-kiền-Liên phụ trách trông coi việc dựng thiền-thất tại vườn Lộc-Dã; một hôm trong lúc Tôn-giả đang đi kinh hành trên khoảng đất trống, thì Ma-Vương hóa hình nhỏ xíu chui vào trong bụng của Tôn-giả, lúc đó Tôn-giả nghĩ rằng: “Quái lạ, hình như ta đã nuốt phải vật gì vào trong bụng? Ta nên nhập Như-kỳ tưởng-định để nhìn vào bụng xem là vật gì?”
11/10/2012(Xem: 12113)
Cũng vào lúc bấy giờ, Đại bồ tát Quan Tự Tại thâm nhập pháp tu Bát nhã ba la mật đa sâu xa, thấy năm uẩn đều không tự tánh. Sau Phật, Tâm Kinh dẫn chúng ta đến gặp Bồ tát Quan Tự Tại. Tiếng Tây Tạng gọi Bồ tát là jangchub sempa. Jangchub (Phạn: bodhi), có nghĩa là “giác ngộ”, và sempa (Phạn: sattvà), có nghĩa là “anh hùng” hay “người”. Gộp chung lại thì từ jangchub sempa có nghĩa là “vị anh hùng giác ngộ”. Trong chữ jangchub - “giác ngộ” - âm đầu tiên là ị ang ứng vào sự chiến thắng đoạn diệt mọi sức mạnh chướng ngại, còn âm thứ nhì, chub, có nghĩa là thành tựu trí tuệ viên mãn.
26/09/2012(Xem: 9116)
Phẩm Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn thường được gọi đơn giản là phẩm Phổ Môn nghĩa là cánh cửa phổ biến, cánh cửa rộng mở cho mọi loài đi vào. Nhưng thâm nghĩa của Phổ Môn là tất cả mọi người trong thế gian này ai ai cũng đều được Bồ Tát Quán Thế Âm ở trong lòng của họ.
17/09/2012(Xem: 9238)
Một thanh niên hỏi tôi: “Có người nói Bồ tát Quan Âm không có thật, là tín ngưỡng của Bà La Môn phải không thưa thầy?”. Tôi cười đáp: “Bồ tát Quan Âm có thật hay không tùy thuộc vào hai điều kiện: 1.Niềm tin. 2.Tự mình nghiên cứu tìm hiểu...
11/09/2012(Xem: 3750)
1. Con xin mở rộng lòng thương và tìm cách bảo vệ sự sống, niềm tin, hạnh phúc của mọi người và mọi loài. 2. Con xin mở rộng tầm hiểu biết, để có thể thấu rõ được gốc rễ khổ đau của mọi người, mọi loài mà tìm cách nâng đỡ và hộ trì. 3. Con xin nguyện từ bỏ những tập khí tham ái, hờn giận, trách móc, phê bình, chỉ trích và bạo động, để con có thể vui sống với mọi người và mọi loài.
25/07/2012(Xem: 13004)
Phương Thức Thực Hành Hạnh Bồ Tát (Bodhicharyàvatàra) là Thi phẩm bằng tiếng Phạn của Tôn giả Tịch Thiên (Sàntideva) khi ngài tu học ở Học viện Phật giáo Nalandà, Ấn độ vào thế kỷ thứ bảy Tây lịch. Đây cũng là tác phẩm Tạng ngữ vô cùng quan trọng, áp dụng vào chương trình học tập cho các tu sĩ Tây Tạng.
04/04/2012(Xem: 4138)
Bồ-tát Quán Thế Âm vốn có tên tiếng Phạn là Avalokiteśvara. Đó là một vị Bồ-tát mà tại các nước Á châu ai cũng biết, vì Ngài có bổn nguyện từ bi cứu độ chúng sanh vô cùng rộng lớn. Trong tiếng Hán, Ngài còn được gọi với các tên như: Quán Tự Tại, Quán Thế Tự Tại, Quán Thế Âm Tự Tại, Quán Thế Tự, Khuy Âm, Hiện Âm Thanh, Quán Âm… Ngoài ra, còn gọi là Cứu Thế Bồ-tát, Cứu Thế Tịnh Thánh (Duh!-kharaksaka), hoặc Thí Vô Úy Giả (Abhayamdada), hoặc Thí Vô Úy Giả Liên Hoa Thủ (Padmapāni), Phổ Môn (Saman-tamukha), Đại Bi Thánh Giả (Mahākārunikamuni).
29/01/2012(Xem: 8666)
Bồ tát Quán Thế Âm, hình ảnh thân thiết gần gũi đối với mọi tầng lớp quần chúng, nhất là những người Á Đông. Nhiều người chưa quy y Tam Bảo, chưa trở thành Phật tử chính thức cũng thường xưng niệm danh hiệu và thỉnh tôn tượng Đức Quán Thế Âm Bồ tát để phụng thờ, lễ bái hằng ngày trong nhà. Ở Việt Nam, hình ảnh Ngài còn ảnh hưởng sâu rộng trong văn hóa dân gian đến độ, chúng ta đi đâu, về đâu trên đất nước thân thương này cũng đều thấy tôn tượng Ngài.
13/01/2012(Xem: 10071)
Sau khi Mahà Moggallàna nhận được những lời giáo huấn do Đức Phật đích thân truyền dạy (ghi trong Anguttara Nika(ya VIII, 58), ngài liền vững tâm hành đạo với một quyết tâm bất thối.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]