Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Trầm Hùng Thi Ca Nguyễn Bá Chung

02/10/202405:20(Xem: 1652)
Trầm Hùng Thi Ca Nguyễn Bá Chung
tam nhien-nguyen ba chung-02

TRẦM HÙNG
THI CA NGUYỄN BÁ CHUNG


 

 

Nguyễn Bá Chung cùng quê hương đại thi hào Nguyễn Trãi. Một sớm tinh mơ nào, vào cuối thu 1949, nhà thơ mở mắt chào đời nơi vùng quê Định Giàng, Đại Đức, cách chân núi Chí Linh, Hải Dương một đường chim bay. Khoảng giữa năm 1954, mới vừa 6 tuổi đã vội vã chạy theo cha mẹ di cư vào Sài Gòn. Bản chất thông minh, học hành quá xuất sắc, nên được Đại học Brandeis cấp học bổng du học tự túc Hoa Kỳ (1971) và sống định cư luôn bên Mỹ, từ đó cho đến bây giờ.

 

Tuy là một nhà thơ bẩm sinh từ thuở thiếu thời, nhưng trưởng thành, lớn lên trên đất Mỹ xa xôi, nên anh cũng làm Giám đốc chương trình Nghiên cứu Rockefelle, giáo sư Đại học Masachusetts ở Boston, Nguyễn Bá Chung còn hướng dẫn chương trình Trao đổi Văn học Mỹ - Việt Nam. Làm việc chuyên cần, nỗ lực chừng đó đủ rồi. Nghỉ hưu, anh chọn thành phố Boston thơ mộng, sống trọn vẹn với chính mình bằng tâm hồn thơ nhạc mênh mang qua ánh Mắt thời gian:

 

Xin nhớ nhé! Mùa Đông rồi sẽ hết

Đêm sẽ qua như ngày đã trôi đi

Người cho trần gian nụ cười diễm tuyệt

Thì can gì ngày tháng phân ly

 

Những ưu ái đã bao dung tất cả

Những muộn phiền cũng im lặng cưu mang

Thì hề chi số đời đen với đỏ

Thì ngại gì cơn gió dọc hay ngang...

 

Thêm một tuổi để trở thành vũ trụ

Để ươm thêm ánh mắt dậy thời gian

Để thương yêu thêm trần hoàn bất hủ

Mỉm nụ cười rung động với nhân gian...

 

Xúc động, rung động với cát bụi trần gian. Nhạc và thơ là hơi thở, hòa quyện cùng sự tĩnh lặng nội tâm, trầm mặc thăng hoa trên những cung bậc sáng tạo rực rỡ và kết tinh thành các thi phẩm Mưa ngàn (1996) Ngõ Hạnh (1997) Tuổi ngàn năm đến từ buối sơ sinh (1999) Nguồn (2009) Thơ Nguyễn Bá Chung tuyển tập (2022)

 

Những tập thơ tâm đắc này đều được Hội Nhà Văn xuất bản tại Việt Nam. Ngoài thi ca ra, anh còn viết bình luận và là một dịch giả nổi tiếng, đã thực hiện chuyển ngữ Thời xa vắng của Lê Lựu sang tiếng Anh (dịch cùng với Ngô Vĩnh Hải, Kevin Boven, David Hunt) và 2 Tuyển tập Thơ Thiền Lý - Trần, Tuyển tập Thơ Thiền Lê - Nguyễn (cùng dịch với nhà thơ Nguyễn Duy) dịch từ Hán ngữ sang Anh ngữ. Nguyễn Bá Chung cũng đồng chủ biên 12 tuyển tập song ngữ của Văn học Việt Nam, khởi đầu với Tuyển tập Mountain River – Vietnamese Poetry from the wars 1948 - 1993

 

Đặc biệt, Tuyển tập Thơ Thiền Lý – Trần, được Thiền sư Lê Mạnh Thát viết Tựa:

 

“Đọc thơ Thiền Việt Nam như thế sẽ gợi cho ta nhiều suy nghĩ, đặc biệt trong liên hệ với đời sống hiện đại, khi những tiến bộ khoa học đã giúp cho con người có một cuộc sống gần gũi nhau mà những thế kỷ trước, không bao giờ tưởng tượng nổi.  Khi đã sống gần gũi nhau, cũng vì duyên sinh, con người cảm thấy phải có trách nhiệm đối với đồng loại của mình, cũng như đối với thế giới mình đang sống.

 

Việc tập hợp lại một số thơ Thiền tiêu biểu của Việt Nam, giúp người đọc có cái nhìn mới, không chỉ về nền văn hóa trong quá khứ của dân tộc Việt Nam, mà còn từ nền văn hóa quá khứ ấy, xây dựng một lối sống mới trong quan hệ với đồng loại và với thế giới xung quanh.”

 

Hơn nửa kiếp đời tha hương, những phương trời viễn mộng, sống một mình độc hành ca qua khắp mọi miền phiêu linh viễn xứ. Từ trong lòng sâu thẳm của thi nhân, luôn hiện lên chập chờn những hình ảnh thời xưa xa quá khứ. Nhớ một nàng thơ gầy yểu điệu, chiều nao gặp gỡ ven sông, nhớ sớm mai hồng đón nắng lên trên triền đồi cao nguyên thuở nọ, nhớ xóm quê nghèo, thấp thoáng  vạc áo bà ba bên bờ ao giếng nước đầu làng hay nhớ mơ hồ, mang mang tiền kiếp mình hiu hắt dưới vầng trăng lạnh mà dệt thành Bóng nhớ  mộng lao xao:

 

Nhớ ai ai nhớ ai nào

Sầu dâng chín rụng rừng sao rậm trời

Nhớ ai ai nhớ khôn nguôi

Đêm qua chín vực kiếp người hóa sinh

Nhớ ai con mắt cầu kinh

Hóa ra mình lại nhớ mình hắt hiu...

 

Hình ảnh “mình lại nhớ mình” thật mới lạ tân kỳ, gây sự chú ý, chú tâm. Mình là ai đây mà bỗng nhiên, một hôm nhìn lại, thấy lạ lẫm thế này? Giống như Nietzsche, Nguyễn Bá Chung cũng tự hỏi: Tôi là ai? Mang câu hỏi sinh tử ấy, thi nhân cất bước lên đường, đi khắp bến bờ Đông Tây kim cổ, gõ cửa vào Tuyệt Đối để mong có câu trả lời. Rồi bất thần, chợt bùng vỡ trong hố thẳm tâm thức, bừng sáng một cái nhìn mới lạ, thấy ra mọi sự, không phải nằm ngoài ta mà đều do tâm tạo, nghĩa là hoàn toàn ở trong ta:

 

Nên từ đó tôi âm thầm sống lặng

Đuổi bóng mình trong bóng tối tình yêu

Để chợt hiểu một đêm trời chợt vắng

Nhận ra mình trong chiếc bóng hắt hiu

 

Bốn câu thơ trên là khổ cuối trong bài thơ Công chúa Mặt Trời. Tới đây, thi nhân đã “nhận ra mình” rồi, nên thung dung, vô ngại giữa bụi cát Trần gian:

 

Trải khắp trần gian một bóng tôi

Trước sau trên dưới chẳng đâu ngoài

Tình si một khối ba sinh nặng

Bỗng nhẹ như màu trăng sáng trôi...

 

Trần gian hay cuộc đời ấy, phải chăng là một Công án của nhà thơ, suốt ngày đêm quán chiếu lặng thầm?:

 

Xương da Thích Ca còn ấm

Nụ cười Ca Diếp còn tươi

Nghe từ khói sương sinh diệt

Rêu xanh sợi nắng luân hồi

 

Thích Ca còn đó, Ca Diếp còn đây với nụ cười niêm hoa vi tiếu. Bằng con mắt vô tướng thì thấy nụ cười giữa trùng trùng sinh diệt vẫn bất diệt miên trường, nhưng bằng con mắt hữu tướng thì lại thấy thân tâm này, cuộc đời này vần xoay, quay cuồng, cứ sinh sinh, diệt diệt trong biển khổ trầm luân, cứ mãi tái sinh trong vô lượng kiếp luân hồi, như thi nhân thấy mình sinh diệt trôi qua Tuổi ngàn năm:

 

Tôi vẫn là người không tên không tuổi

Chiều ghé ngang rồi sáng lại bay đi

Cỏ mọc xanh xanh lối ngà đá sỏi

Bong bóng thời gian đắng mật dậy thì

 

Tôi vẫn là người không thân không áo

Đường mộng sờn vai ngủ đợ bên làng

Cóng tiếng vọng một ngàn năm lạc chợ

Giữa đêm dài chết lạnh với sương đêm

 

Tôi vẫn là người từ ngàn năm cũ

Tuổi ngàn năm đến từ buổi sơ sinh

Cây bật gốc nhựa vẫn tràn trong máu

Máu lửa tanh hôi ngày tháng im lìm

 

Tôi đứng chết như cây trời chết đứng

Trả lại không gian mọi lá ưu phiền

Rễ gục xuống tận đáy cùng đất mục

Quấn lại nguồn nhung nhớ một chồi non.



tam nhien-nguyen ba chung-4



 

Một chồi non hay một chủng tử rất cần thiết cho nhân sinh, vũ trụ, đất trời sinh sôi nẩy nở. Vì chủng tử là tiềm năng, ẩn tàng của tinh thần, vật chất được chứa sẵn trong tạng thức của mỗi chúng sinh. Bởi thế, chủng tử là kết quả của những tiềm năng mới, sẽ tiếp tục hiện hành và một mối liên hệ trực tiếp với các nhân duyên trước đó nữa. Nhà thơ Nguyễn Bá Chung thường gieo nhiều chủng tử thi ca, nên thường Đọc thơ người xưa:

 

Lần theo lối cỏ con đường

Nghe người xưa gánh vô thường nhẹ không

Đường về xa mấy dòng sông

Xa bao lớp bụi đỏ hồng thời gian

 

Đọc thơ Lý Trần:

 

“Trời còn để có hôm nay”

Ngàn năm thơ gọi một ngày chợt thưa

Núi sông dâu bể bao mùa

Nước đi từ thuở người xưa đặt lời

 

Bia xưa điện cũ bóng ngời

Con đường phía trước một trời ước mơ

Tay không vũ trụ dựng cờ

Dọc ngang cũng một câu thơ Lý - Trần

 

Thời Lý - Trần và thời Lê - Nguyễn là hai thời kỳ, xuất hiện những nhà thơ Thiền tuyệt diệu trong dòng lịch sử Văn học Việt Nam. Hai Tuyển tập Thơ Thiền Lý - Trần Thơ Thiền Lê – Nguyễn, do Nguyễn Bá Chung  miệt mài chọn một số bài thơ trong đó, để dịch sang Anh ngữ. Cống hiến cho độc giả Tây phương những bài thơ Thiền tuyệt vời nhất. Đúng như lời nhà văn Thích Phước An, nói trong Lời giới thiệu bản dịch Thơ Thiền Lê -Nguyễn:

 

“Giáo sư Nguyễn Bá Chung đã sống và giảng dạy tại Mỹ gần nửa thế kỷ qua. Dù sống xa quê huong nhưng lúc nào cũng nặng lòng với đất nước. Trong một điện thư gởi cho tôi mới đây, ông tâm sự:

 

“Thơ Thiền là một tinh túy của văn hóa Việt Nam, không có nó, Việt Nam đã không thể tồn tại được cả ngàn năm qua. Nhờ nó, Việt Nam đã hóa giải được tất cả những mâu thuẫn, những khổ đau, những ngang trái suốt quá trình tồn tại của mình...”

 

Như vậy, theo quan điểm của giáo sư thì Thiền không phải chỉ thuần túy là biểu tượng cho cái đẹp trong đời sống tâm linh mà còn dính chặt đến sinh mệnh sống còn của dân tộc Việt Nam chúng ta nữa...”

 

Điều đó chứng tỏ, Nguyễn Bá Chung rất yêu quý thi ca của các Thiền sư, nhất là thích Tuệ Trung Thượng Sỹ, một thi nhân bất hủ với bài thơ Phóng cuồng ca:

 

“Trời đất liếc trông hề sao thênh thang

Chống gậy chơi rong hề phương ngoài phương

Hoặc cao cao hề mây đỉnh núi

Hoặc sâu sâu hề nước trùng dương

 

Đói thì ăn hề cơm mười phương góp

Mệt thì nghỉ hề nơi chẳng quê hương

Hứng lên hề thổi sáo không lỗ

Lắng xuống hề đốt giải thoát hương

 

Mỏi nghỉ chút hề đất hoan hỷ

Khát uống no hề tiêu dao thang...

Chà chà bóng ngày hề qua khe cửa

Ối ối mây nổi hề mộng giàu sang...”

 

Tương ứng với hồn thơ hùng tâm tráng khí của Tuệ Trung Thượng Sỹ, vì thế trong thơ Nguyễn Bá Chung cũng rạt rào hào sảng, khi thấy bên cánh rừng, bừng nở một cánh Mai, nên cất lên tiếng hát tiêu dao một cách Tự trào lộng chơi:

 

Sống chết chi mà chạy ngược xuôi

Sách vài trăm quyển chữ như rươi

Chân không diệu pháp đây rành hết

Chỉ cái phiền là nhấp nhổm thôi

 

Mới hay nói dễ làm không dễ

Đầu vượn chân dài vạn nỗi tai

Mỏi mòn đôi gót bờ hư thực

Nửa cuộc đời sai vẫn cứ sai

 

Lên xuống thấp cao ngàn ngõ cụt

Ra vào khấp khểnh một đường ngay

Nẻo về không lối hoa dâng Bụt

Bát ngát hương rừng một cánh Mai

 

Một cánh Mai là lấy ý thơ trong bài Cáo tật thị chúng (có bệnh báo mọi người) của Thiền sư Mãn Giác. Bài thơ mượn cảnh để nói lên ý thiền, nhằm khai phóng tâm thức nhân sinh:

 

Xuân khứ bách hoa lạc

Xuân đáo bách hoa khai

Sự trục nhãn tiền quá

Lão tòng đầu thượng lai

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận

Đình tiền tạc dạ nhất chi mai”

 

(Xuân đi trăm hoa rụng

Xuân đến trăm hoa cười

Trước mắt việc qua mãi

Trên đầu già tới rồi

Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết

Đêm qua sân trước nở cành Mai)

 

Bài thơ diễn tả sự tàn phai, tơi tả của hoa cỏ, sớm nở chiều tàn và lẽ sinh lão, bệnh tử theo lý vô thường. Tuy nhiên, ẩn phía sau hiện tượng huyễn hóa, vô thường đó, là bản lai diện mục chân thường, vốn không đến không đi, không sinh không diệt...

 

Nguyễn Bá Chung đúng là một thi sỹ Đông phương đích thực, như lời nhận định chính xác của nhà văn Nguyễn Quang Thiều:

 

“Thơ Nguyễn Bá Chung là sự thuần khiết, tinh tế và đầy tính minh triết của tiếng Việt. Vì sao một nhà thơ như Nguyễn Bá Chung, ngày ngày trực tiếp sống trong văn hóa Mỹ, xã hội Mỹ, nền dân chủ Mỹ, các xu hướng thi ca Mỹ cũng như các giá trị Mỹ mà ông vẫn điềm tĩnh trong thế giới ấy và vẫn bước đi trên con đường của chính ông  trong sáng tạo thi ca?

 

Theo cách nhìn của tôi là bởi tâm hồn ông chứa đựng tính nguyên vẹn và thẳm sâu của tinh thần văn hóa Việt. Một trong những điều vô cùng quan trọng là Nguyễn Bá Chung thấu hiểu đạo Phật. Cả hai yếu tố ấy đã tạo dựng nên nền tảng cảm xúc và tư tưởng của thơ Nguyễn Bá Chung một cách bền vững. Những thứ ấy thực sự đã hóa trầm trong tâm hồn ông...”

 

Vâng! Thật vậy, như Cao Huy Thuần Thấy Phật, hân hoan viết cả một tác phẩm nói về cái thấy đó, Bùi Giáng cảm phục Phật và Tiên:

 

Phật ngồi dưới gốc Bồ đề

Tiên nương dừng gót tóc thề chấm vai

Thưa rằng Phật thật là tài

Thấy mà như chẳng từ ngoài vào trong

 

Còn Nguyễn Bá Chung thì cũng đã thấu hiểu Phật giáo Thiền tông và thưởng thức được hương vị cô liêu của cuộc sống, nên rất bồi hồi thốt lên Có niềm vui nào:

 

Có khắc khoải nào hương chín trong đêm

Có đóa hoa nào nở trong thầm lặng

Có nỗi buồn nào sâu như biển cả

Có niềm vui nào như niềm vui hiểu được cuộc đời

 

Một mai mộng sự qua rồi

Ánh trăng chiếu mặt người phơi bóng vàng

 

Mang niềm vui “hiểu được cuộc đời” uống được mạch nguồn tâm đạo uyên nguyên, nên Nguyễn Bá Chung giống như thi sỹ Bùi Giáng, nhạc sỹ Trịnh Công Sơn, các nhà văn Mai Thảo, Nicolai Gogol chọn lối sống độc thân, ưa phiêu bồng tự do, không bị ràng buộc, trói cột, vướng mắc vào trong vòng nhiêu khê thê tử, anh thích Sống một mình:

 

Giữa đời thường một con đường cô lữ

Đi một mình và sống mãi một mình

Đất với trời đã mỏi mòn chờ đợi

Vẫn âm thầm ôm mãi ánh bình minh

 

Ngồi im lặng nghe tiếng hờn vạn cổ

Gió xôn xao ở cuối nẻo trời xa

Người vẫn thấy trần gian mờ nẻo độ

Nên lạnh lùng nói chuyện với xương da

 

Để trở về với nguồn suối ngàn hoa

Sống lặng lẽ với tinh cầu thương mến

Dù cô độc giữa chợ đời đo đếm

Xin nguyện cầu thế giới vỡ trăng yêu

 

Người có biết tháng ngày tròn rồi mất

Ta đâu còn vi vút mãi trần gian

Mỗi giây phút trái tim mình cô lẻ

Là trở về tha thiết cõi trăng ngàn

 

Trở về tha thiết cõi ngàn trăng là thái độ chịu chơi của những tâm hồn sáng tạo, như đại văn hào Henry Miller phát biểu:

 

“Từ chút ít sách vở tôi đã đọc, tôi nghiệm ra rằng, những người lặn lội sâu nhất trong cuộc đời, những người nhồi nặn cuộc đời, những người chính là cuộc đời, đều ăn ít, ngủ ít, thủ hữu ít hay không có gì cả. Họ không có bất kỳ một ảo tưởng nào về bổn phận, hoặc nối dõi tông đường hay duy trì quốc gia. Họ chỉ quan tâm tới Chân lý và Chân lý mà thôi. Họ  chỉ chấp nhận một hình thức hoạt động: Sáng tạo...”

 

Sáng tạo trong cô đơn là bước đi khơi nguồn sáng tạo của những nghệ sỹ lớn trên thế giới. Như Nguyễn Quang Thiều cảm nhận, tiếng thơ Nguyễn Bá Chung đã “hóa trầm hương” tỏa ngát trong lòng sâu thẳm mà đơn sơ, giản dị đó rồi.

 

Mỗi ngày, mỗi tháng, mỗi năm, trầm hương thơ ấy mở ra thênh thang, phiêu lãng, thi sỹ đi khắp chốn mọi nơi trên đất Mỹ. Khi về quê nhà thì thăm viếng Trúc Lâm Yên Tử, Nghi Xuân, Hà Tĩnh, Sông Hương Núi Ngự, Non Nước Ngũ Hành Sơn, rồi Nha Trang, Đà Lạt, xuống đồng bằng Sông Cửu Long, ghé lại Sài Gòn viếng thăm Thiền sư Tuệ Sỹ, Lê Mạnh Thát, lội ngược thời gian về quá khứ thăm đại thi hào Nguyễn Du:

 

“Bất tri tam bách dư niên hậu

Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?”

Một câu hỏi lạnh tràn thế kỷ

Khóc người hay khóc thế gian nhơ?

 

Đường xa ngõ tối đâu ra bạn

Ngơ ngáo đình cung trở gót về

Mũ áo xênh xang lòng có lạnh?

Hồng sơn gió núi ấm chiều quê?

 

Nỗi nhà nỗi nước bao thương hận

Một chữ tâm giằng bao chữ tang

Thiên thu thôi thế là ly biệt

Xa cách muôn trùng sông núi than

 

Người đi muôn thuở trời Nam nhớ

Hồng Lĩnh mây xanh mấy độ rồi

Gió bụi mười năm bao xiết kể

Cõi lòng soi mãi thế nhân ơi!

 

Rồi một chiều phiêu nhiên, bồng tênh đến Gò Vấp thăm Bùi Giáng, cười vang đọc thơ tặng Trung Niên Thi Sỹ:

 

Người du thử làm người điên trần thế

Túi đầy vai quảy thời đại vô tình

Áo vụn vá sống bên lề phố chợ

Giữa trần gian người ngồi hát một mình

 

Câu thơ lạ mênh mang huyền ảo quá

Gọi từ đâu dòng suối vạn nguồn xa

Chiều phố thị người về đâu phố thị

Lá về đâu dâu biển giữa quê cha

 

Tâm sự ấy nghìn năm mưa rớt hột

Những nẻo đường lệ ướt mãi không quên

Người đứng đó làm người điên giữ nước

Để ngàn sau mây trắng chẳng quên nguồn...

 

Nguồn thơ suối nhạc ngân vang, khi Thiền sư Nhất Hạnh, sau hơn 40 năm trời đằng đẵng đi hoằng pháp nơi xứ người, mới được về đất Mẹ. Nhẹ nhàng bước Thiền hành trên quê hương với từng bước chân vững chãi, thảnh thơi:

 

Bốn mươi năm cửa thiền vắng bóng

Cây đa già cằn cỗi gió sương

Thế kỷ lạc bầy kinh lạc tiếng

Rêu bụi mờ phủ lớp đau thương

 

Tim vỡ rạn chờ giờ hoàng đạo

Người trở về dựng lại tình thâm

Từng bước chân thiền hành rất nhẹ

Tỉnh hay mơ – đây lại con đường?

 

Bà cụ già rưng rưng mắt lệ

Bao năm rồi sống lại phút giây

Chú thiền sinh bàng hoàng tỉnh thức

Pháp thoại nào xanh gió xanh cây

 

Cũng pháp ấy – lời tân niên kỷ

Cũng thiền ngồi – hùng tráng uy nghi

Cũng thiền lạy – một thời vô úy

Cũng thiền hành – trời đất cùng đi

 

Giữa quê hương Người về chia sẻ

Bao tháng năm gieo pháp xứ người

Nối lại truyền thông từng thế hệ

Ươm tình thâm – hoa trái cuộc đời

 

Bao trí thức hàn lâm tự hỏi

Lời thoại như nỗi nhớ không cùng

Sao cái học ngày nay chìm nổi

Càng học càng lạc nẻo mê cung

 

Từng hơi thở đã về đã tới

Hiện pháp môn bây giờ ở đây

Tâm buông thư thảnh thơi vững chãi

Bước thiền hành pháp lực tuyệt thay!

 

Thẳng hướng Xuân đã về đã đến

Dọc ngang vô niệm lại vô tranh

Đèn tâm tỏa rạng ngời thế giới

Gieo pháp Đông Tây đạo đại thành

 

Hãy trân trọng ngôi nhà Vô úy

Ôm thương đau mọi nẻo quê nhà

Thắp niềm tin trên ngàn gãy đổ

Đơm cội nguồn đất Mẹ phù sa...

 

Bài thơ tuy dài nhưng vẫn chưa nói hết hành trạng của Nhất Hạnh, một Thiền sư thi sỹ gần nửa thế kỷ đi hoằng hóa pháp Thiền Hiện pháp lạc trú tận bên trời Tây phương xa thẳm.

 

Năm 2005, Thầy được phép trở về quê nhà, quy hồi cố quận và việc đầu tiên là lên thăm Phương Bối Am trên rừng cao Bảo Lộc và viếng Thiền sư Thanh Từ trên núi Phụng Hoàng, Đà Lạt. Thật là hy hữu, buổi tao phùng, trùng ngộ lịch sử, Cuộc tái ngộ của hai Thiền sư:

 

Từ bốn phương trời Người trở lại

Đường xa bụi bám cỏ giăng đầy

Giấc mộng chuyển trời Phương Bối nguyện

Yên Tử quê nhà mây trắng bay

 

Thế giới loạn cuồng bom đạn nổ

Thân người cháy rụi lửa hờn cao

Chén trà đạo vị - bao năm – nhấp

Giọt nước cành dương sóng sánh trào...

 

Tay lại nắm tay hồn đất nước

Mái chùa lưu lạc đã bao phương

Tìm về đất Mẹ dâng hương Tổ

Phổ độ quần sinh đoạn đoạn trường

 

Đại Lào ngõ tịnh bao ngày tháng

Khói đỏ thôn nghèo đất nước phân

Phương Bối ai ngồi trong tịch mặc

Đâu con đường thoát cứu muôn dân

 

Hương rừng Đà Lạt hoa đương nở

Đón người khách đến tự phương xa

Gió rừng như muốn ôm chân lại

Bạn cũ nguyền xưa chẳng nhạt nhòa

 

Rồi mai Người sẽ về nơi ấy

Ôm cả trần gian gói vết thương

Dù ở cách xa ngàn cánh nhạn

Niềm đau xin rửa với vô thường

 

Nguồn xưa cội gốc là cố quận, quê hương,  là Bản tâm tự tánh thanh tịnh, nên kẻ tha phương Nguyễn Bá Chung cũng thường hay trở về Việt Nam để ấm chút tình quê.

 

Ngày xưa xa ra đi, thi sỹ chỉ mang theo trong túi hành trang, một vài bài thơ của Nguyễn Du, Bùi Giáng. Bây giờ trở về cũng vẫn Bùi Giáng, Nguyễn Du và đương nhiên là của chính thi nhân nữa, sau muôn trùng cuộc lữ quay về, thấy mình Bước qua năm tháng:

 

Tôi sẽ bước qua những miền xa lạ

Cỏ dại màu một nẻo rất quê hương

Càng lớn lên tôi càng hiểu bình thường

Điều kỳ diệu mong manh trên lá cỏ

 

Tôi sẽ đến con đường về nơi đó

Chỗ đi về của năm tháng không quên

Dù khổ đau dù sóng gió muộn phiền

Vẫn thầm lặng nở hương trầm rất lạ...



tam nhien-nguyen ba chung-05

Tâm Nhiên với anh Nguyễn Bá Chung và thầy Nguyễn Thế Đăng

ngồi chơi trong vườn chùa Phổ Quang ở Quận 12, Sài Gòn (4. 2017)




 

“Hương trầm rất lạ” ấy chỉ có chính nhà thơ thưởng thức được, vì tâm hồn thi nhân đã bừng chiếu, thấy được “điều kỳ diệu” ngay trong từng sự vật rất nhỏ, trên từng ngọn cỏ lá cây...Đấy là trạng thái trực ngộ “tâm bình thường là đạo” mà nhà thơ đã chứng vào rồi.

 

Thi sỹ quy hồi cố quận trên tinh thần an tịnh “bình thường tâm thị đạo” ấy, nên cứ thư thả, dạo gót nhàn du, trầm hùng qua khắp mọi nẻo hồn chốn quê...

 

Thế là duyên lành hạnh ngộ, tháng 4 năm 2017 du sỹ này được diện kiến, bắt tay với người thi sỹ tài hoa kia tại Sài Gòn. Rót vài ly kỳ ngộ, rồi dẫn anh đi chơi đây đó khắp phố thị, đến thăm quý thầy Tuệ Sỹ, Đức Thắng, Nguyễn Thế Đăng trọn dăm ba ngày say nắng gió thi ca...

 

Đến lúc tạm biệt, du sỹ kính tặng anh một bài thơ, thay lời cảm tạ tấm lòng bát ngát của anh. Anh nói, khi trao cho một bì thư dày cộm: “Gọi là góp chút phần ủng hộ ấn hành, xuất bản Diệu Tâm Ca cho vui thôi mà”. Du sỹ liền đọc bài thơ Trầm hùng thi ca Nguyễn Bá Chung:

 

Từ Mưa ngàn* thi ca tuôn đổ xuống

Dịu nhân gian mát cả dặm đăng trình

Người thi sỹ đi về qua Ngõ Hạnh*

Tuổi ngàn năm đến từ buổi sơ sinh*

 

Tình văn nghệ cũng đủ rồi tri kỷ

Khi gặp nhau ở tận bến đầu Nguồn*

Nguồn sáng tạo khởi nguyên vô tận xứ

Trôi về đây bất tuyệt chảy xanh luôn

 

Luôn trân trọng trong niềm sâu xúc động

Không còn chi nói thêm nữa bây giờ

Chỉ lặng im trước tấm lòng rộng lượng

Trước tâm hồn bát ngát cả trời thơ...

 

*Thơ Nguyễn Bá Chung

 

Tâm Nhiên
(Ngũ Hành Sơn 1.. 10. 2024)
 
 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
31/08/2021(Xem: 7749)
Di tích cổ đại Phật giáo Ấn Độ A Chiên Đà Thạch quật (Ajanta, 印度古代佛教阿旃陀石窟) vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt nghìn năm tuyệt tác, tọa lạc trên vách núi Maharashtra Dayak, phía Bắc của bang Maharashtra, Ấn Độ với 30 hang động được xây dựng từ thế kỷ thứ 2-7 trước Tây lịch. Trong A Chiên Đà Thạch quật có rất nhiều tranh cổ và một số bức bích họa được xem là ảnh hưởng của nghệ thuật Phật giáo. Hang động vòng vách núi hình lưỡi liềm, tường thấp, trải dài hơn 550 mét. Với kiến trúc mỹ thuật tráng lệ, nét chạm khắc và bích họa tinh tế hoành tráng, là một Thánh địa Phật giáo, một trong những điểm tham quan nổi tiếng nhất phía Nam Ấn Độ. Di tích cổ đại Phật giáo Ấn Độ A Chiên Đà Thạch quật là một trong những di sản lớn nhất về đạo Phật còn lưu giữ được đến ngày nay. Theo UNESCO, đây là những kiệt tác của Nghệ thuật kiến trúc Phật giáo có ảnh hưởng đến nghệ thuật Ấn Độ sau này. Các hang động được xây dựng thành hai giai đoạn, giai đoạn đầu được xây dựng từ thế kỷ thứ 2 TCN và giai đoạn
25/08/2021(Xem: 8455)
Do sự cố vấn chỉ đạo của Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ, Hội Đồng Hoằng Pháp của chúng con/chúng tôi rất hoan hỷ để kính trình Quý Ngài và Quý Vị chương trình giảng dạy tiếng Phạn cơ bản cho Tăng Ni cũng như Quý Phật Tử nào có tâm muốn trau dồi Phạn ngữ trên hệ thống Online như thư chiêu sinh của Giáo Sư Đỗ Quốc Bảo có gửi kèm theo thư nầy. Mục đích chính là để tiếp nối truyền thống đọc được kinh điển trực tiếp từ tiếng Phạn và có khả năng đọc cũng như dịch giải những bản Kinh bằng tiếng Phạn về sau nầy; nên bắt đầu từ tháng 9 năm 2021 việc chiêu sinh được thực hiện, nếu số lượng Tăng Ni và Phật Tử ghi danh đầy đủ như về số lượng và những điểm yêu cầu khác cho một người muốn học Phạn ngữ (xin xem điều kiện có gửi kèm ngay bên dưới). Vậy kính xin Quý Ngài tạo điều kiện cho tử đệ của mình tham gia học ngôn ngữ nầy để tiếp nối con đường của những bậc tiền nhân đã đi trước. Việc học nầy không hạn chế là Tăng Ni hay Phật Tử, miễn sao Quý Vị đáp ứng thỏa đáng được nhu cầu cần có và đủ của một người
23/08/2021(Xem: 2618)
Sau giờ tan trường, Dung thong thả đạp xe về nhà dọc theo đại lộ Thống Nhất. Đến ngã tư Thống Nhất-Hai Bà Trưng gặp đèn đỏ, Dung rẽ phải về hướng Tân Định. Với mái tóc thề đen mướt xõa trên vai áo dài màu tím của trường Nữ Trưng Vương làm cho nhiều người đang chờ đèn xanh không khỏi chú ý. Vài phút sau, bỗng có một chiếc xe Jeep chạy qua mặt Dung rồi dừng lại. Dung đạp xe đến gần, bất ngờ một thanh niên trong bộ quân phục sĩ quan Hải quân màu trắng từ trên xe nhảy xuống chặn làm Dung hốt hoảng dừng lại, lảo đảo suýt ngã xe. Anh chàng vội vàng đỡ xe cho Dung và nói: - Xin lỗi cô về cử chỉ đường đột của tôi. Cô cho tôi hỏi thăm, cô có phải là Dung, người Phan Rang không? - Xin lỗi, anh là ai mà hỏi tôi như thế? - Tôi là Thanh, bạn ngày xưa của Đạt, anh của Dung… - Vậy sao?… Dung chau mày, cơn bàng hoàng sợ sệt chưa dứt, trong đầu cố nhớ lại vì đã lâu lắm rồi không nghe anh Đạt nhắc đến. Thanh giải thích thêm để trấn an và chờ cho Dung hồi tưởng
23/08/2021(Xem: 3155)
Cơn mưa phùn đêm qua còn đọng nước trên đường. Gió thu đã về. Lá vàng theo gió lác đác vài chiếc cuốn vào tận thềm hiên. Cây phong đầu ngõ lại chuẩn bị trổ sắc đỏ ối như mọi năm. Người đi xa từ những mùa thu trước, sẽ không trở về. Những người bạn lâu không gặp, thư gửi đi bị trả lại, nhắn tin điện thoại không thấy trả lời. Có lẽ cũng đã ra đi, không lời từ biệt.
19/08/2021(Xem: 7566)
Phật Đản và Vu Lan là hai ngày lễ lớn nhất của Phật giáo trong năm. Riêng đối với tuổi trẻ thì Phật Đản là gốc rễ mà Vu Lan là hoa lá cành. Gốc rễ giữ cội nguồn và hoa lá cành làm giàu thêm vẻ đẹp. Phật Đản là ngày lễ trọng đại mừng Đức Phật Thích Ca ra đời. Vu Lan là ngày kỷ niệm Mục Kiền Liên tâm thành hiếu hạnh. Tích Mục Kiền Liên cứu mẹ đã trở thành biểu tưởng bái vọng của tinh thần báo hiếu tâm linh và cảm hứng sáng tạo nghệ thuật trong đạo Phật.
17/08/2021(Xem: 7440)
Thật là một điều kỳ diệu và lý thú khi được tin báo trên Viber là Tuyển Tập pháp Thoại vừa hoàn thành và đã sẵn sàng đến tay Phật Tử khi đến dự Lễ Vu Lan tại Tu Viện Quảng Đức (nếu không bị lockdown). Vì sao gọi là kỳ diệu? Chỉ sau khi tôi được học xong 10 duyên mà Đức Phật cho là quan trọng nhất theo thứ tự của 24 duyên, mà chúng ta ai cũng phải gặp trong thời gian còn làm người phàm, và nếu hiểu rõ tường tận thì mình có thể sẽ không bao giờ thốt lên câu “Học muôn ngàn chữ nghĩa nhưng không ai học được chữ Ngờ” của bộ Đại Phát Thú / Vi Diệu Pháp, do Giảng Sư Thích Sán Nhiên đã thuyết giảng qua 61 video, mỗi video kéo dài từ 3: 00 đến 3:50 giờ. Chính vì thế, nhờ đó tôi chợt nhận ra nhân duyên gì đã làm trưởng duyên và đẳng vô gián duyên, để tôi đến với Đại Gia Đình Quảng Đức Đạo tràng nói chung, và tiếp xúc liên hệ với TT Trụ trì Tu viện Quảng Đức Thích Nguyên Tạng và được cộng tác với Ngài trên trang website Phật Giáo, Trang Nhà Quảng Đức, để rồi hôm nay lại có duyên
06/08/2021(Xem: 9609)
Cũng như chuông, trống cũng được coi như là một loại pháp khí không thể thiếu trong văn hóa tín ngưỡng của đa số dân tộc theo Phật giáo. Phật tử Việt Nam chúng ta rất gần gũi với thanh âm ngân vang thâm trầm của tiếng chuông; tiếng trống thì lại dồn dập như thôi thúc lòng người...Tại các ngôi chùa, trống Bát Nhã được đánh lên là để cung thỉnh Chư Phật, Chư Bồ Tát quang giáng đạo tràng chứng tri buổi lễ. Thông thường trống Bát Nhã được đánh lên vào ngày lễ Sám hối và trong những ngày Đại lễ. Ba hồi chuông trống Bát Nhã trổi lên để cung thỉnh Chư Phật và cung đón Chư Tôn Thiền Đức Tăng Ni quang giáng đạo tràng, đồng thời cũng nhắc nhở mọi người nên lắng lòng, buông bỏ mọi tạp niệm. Bà kệ trống Bát Nhã được đọc như sau: Bát Nhã hội Bát Nhã hội Bát Nhã hội Thỉnh Phật thượng đường Đại chúng đồng văn Bát Nhã âm Phổ nguyện pháp giới Đẳng hữu tình Nhập Bát Nhã Ba La Mật môn Ba La Mật môn Ba La Mật môn.
05/08/2021(Xem: 6509)
Trước đây Tôi không hề nghĩ rằng: “mình sẽ có ngày trình pháp với Giảng Sư TT Thích Nguyên Tạng sau mỗi bài pháp thoại của Ngài”, dù cho tôi không mang một tư tưởng phân biệt Nam Tông và Bắc Tông, nhưng có lẽ tri thức tôi có rất nhiều sai lầm và vướng mắc do không tiếp xúc nhiều với các đạo tràng, mà chỉ quẩn quanh đọc kinh sách và chỉ là cái túi đựng sách! Có ngờ đâu đại dịch của thế kỷ 21 bắt đầu....theo như đa số mọi người lầm tưởng (trong đó có tôi) ....chỉ là cơn bão thoáng qua, không ngờ đã diễn biến càng ngày càng trầm trọng. Và với lòng từ bi, TT Giảng Sư đã tổ chức các buổi nghe pháp thoại online và ...với thì giờ nhàn rỗi trong những ngày bị lockdown, tôi đã chăm chú nghe từ một vài lần trong tuần sau đó, đổi thành liên tục mỗi ngày và bắt đầu nghiện ... khi thiếu vắng mỗi khi Giảng Sư có Phật Sự bên ngoài ...
02/08/2021(Xem: 18776)
Tiếng chuông chùa vang lên để xoa dịu, vỗ về những tâm hồn lạc lõng, bơ vơ. Hồi chuông Thiên Mụ, mái chùa Vĩnh Nghiêm một thời chứa chan kỷ niệm. Đó là lời mở đầu trong băng nhạc Tiếng Chuông Chùa do Ca sĩ Thanh Thúy trình bày và ấn hành tại hải ngoại vào đầu thập niên 80. Thanh Thúy là ca sĩ hát nhạc vàng, đứng hàng đầu tại VN trước năm 1975. Cô là đệ tử của HT Nguyên Trí ở chùa Bát Nhã, California. Khi Thầy còn ở VN cuối thập niên 80 có đệ tử ở bên Mỹ đã gởi tặng Thầy băng nhạc Tiếng Chuông Chùa này. Hôm nay Thầy nói về chủ đề Tiếng Chuông Chùa, hay tiếng Chuông Đại Hồng Chung. Đại Hồng Chung là một cái chuông lớn được treo lên một cái giá gỗ đặt trong khuôn viên chùa hay trong Chánh điện. Hồng Chung là một pháp khí linh thiêng, là một biểu tượng đầy ý nghĩa của Phật giáo, nên chùa nào cũng phải có, lớn hay nhỏ tùy theo tầm cỡ của mỗi chùa. Hàng ngày Đại Hồng Chung được thỉnh lên vào buổi chiều tối, báo hiệu ngày
27/07/2021(Xem: 11174)
Thật không ngờ trong bối cảnh xã hội mà toàn cầu thế giới đang khẩn trương đối phó với đại dịch kinh hoàng của thế kỷ 21 thế nhưng những người con đầy tâm huyết của Đức Thế Tôn chỉ trong nửa năm đầu 2021 đã thành lập được hai trang Website Phật học tại hải ngoại : Thư viện Phật Việt tháng 2/2021. do nhóm cư sĩ sáng tạo trang mạng của HĐHP, ( hoangpháp.org ) do ban Báo chí và xuất bản của Hội đồng Hoằng pháp tháng 6/2021 thành lập với sự cố vấn chỉ đạo của HT Thích Tuệ Sỹ Từ ngày có cơ hội tham học lại những hoa trái của Phật Pháp ( không phân biệt Nguyên Thủy, Đại Thừa ) , Tôi thật sự đã cắt bỏ rất nhiều sinh hoạt ngày xưa mình yêu thích và để theo kịp với sự phát triển vượt bực theo đà tiến văn minh cho nên đã dùng toàn bộ thời gian còn lại trong ngày của một người thuộc thế hệ 5 X khi về hưu để tìm đọc lại những tác phẩm , biên soạn, dịch thuật của Chư Tôn Đức,qua Danh Tăng, Học giả nghiên cứu khắp nơi .
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]