Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Một ngôi Chùa huyền sử

15/06/202409:00(Xem: 1405)
Một ngôi Chùa huyền sử



chua vien giac-2

Một ngôi Chùa huyền sử

 

Sau khi bang Niedersachsen của ông Tiến sĩ Albrecht thu nhận hơn 1.000 thuyền nhân từ chiếc tàu Hải Hồng, phân phối đi các vùng trong bang nhưng đông nhất vẫn là thành phố thủ phủ Hannover. Các thuyền nhân tỵ nạn này vừa từ cõi chết đi lên, nên rất cần một chỗ dựa cho tâm linh. Sau chuyến vượt biên thoát nạn, họ đã cầu nguyện Đức Mẹ Maria cứu vớt nếu là người Công giáo. Còn Phật giáo họ sẽ niệm Mẹ hiền Quán Thế Âm, hai hình tượng đã in sâu vào tâm thức, họ tin chắc hai Vị này đã ra tay cứu độ đưa họ đến bến bờ bình yên. 

 

Có người còn khấn nguyện, nếu được sống sót sẽ cạo đầu ăn chay một tháng hay sáu tháng tùy theo hạnh nguyện của từng người. Nghe đâu sau này ít ai giữ đúng được lời hứa của mình trước các đấng Chí Tôn. Nhưng các Ngài ở trên cao chỉ mỉm cười, khoan dung và chẳng bao giờ quở trách hay trừng phạt một ai. Chỉ có lương tâm của người không giữ lời hứa mới cắn rứt mà thôi! 

 

Thế rồi một phép lạ đã xảy ra tại xứ Đức, nơi vào thời điểm đó chưa có một ngôi Chùa Phật giáo nào của người Việt được xây dựng trên xứ sở của Hitler, nhân vật đã gây nhiều tai tiếng khi đã tiêu diệt 6 triệu người Do Thái dưới đủ mọi hình thức, nhiều nhất bằng hơi ngạt. Xứ Đức nổi tiếng về kỹ nghệ cơ khí và hóa chất, nên dễ có mộng bá vương gây ra thế chiến thứ hai cho nhân loại chết bớt dần. Một đất nước chịu nhiều tai tiếng như thế, dân chúng Đức lại chăm chỉ và có lòng nhân đạo nên được bổ xứ một vị Tăng trẻ đến thành phố Hannover xây dựng một ngôi Chùa Việt đầu tiên trên xứ Đức.  

 

Sơ lược qua vài dòng về quê quán và hành trình dấn thân của vị Tu sĩ Phật giáo này. Người sinh ra tại đất Duy Xuyên tỉnh Quảng Nam, nơi có dòng sông Thu Bồn chảy ngang và ngôi Chùa Viên Giác với rất nhiều bóng đa cổ thụ, che mát khắp sân Chùa. Xuất thân từ ngôi chùa Viên Giác xứ Quảng, Người được học bổng sang Nhật Bản du học từ những năm đầu 72. Rồi biến cố 30 tháng 4 năm 75, Người không thể và không muốn trở về quê hương sau khi lịch sử đã thay trang với nhiều điều tiêu cực. 

 

Sau khi tốt nghiệp bằng Cử nhân về Giáo dục học với điểm tối ưu, rồi Cao học Phật giáo, Người quyết định sang Đức quốc Hoằng Pháp vào năm 1977 và chọn thành phố Hannover để xây dựng một ngôi chùa mang tên Viên Giác. Người đời ra đi mang theo cả quê hương, phần người Tu ra đi mang theo cả một Tổ Đình.

Vào khoảng năm 78, với sự góp sức của một số sinh viên du học trước 75, Người thành lập một Niệm Phật Đường lấy tên Viên Giác ở Hannover, để mọi người có nơi nương tựa vào cửa Phật. Bước vào Niệm Phật Đường sẽ thấy hai câu đối treo trong Chánh điện nói lên chí nguyện của vị Sư trẻ:

 

Viên thành đạo nghiệp Tây Âu quốc. 

Giác ngộ chúng sanh đạo lý truyền. 

 

Chí nguyện rất lớn, muốn đem giáo Pháp truyền bá khắp Âu Châu, chẳng những cho người Việt lưu vong tại xứ người mà còn cho người bản xứ. Mong muốn cho chúng sanh ai ai cũng đều giác ngộ. 

 

Đến năm 1989, khi bức tường ô nhục chia cắt Đông-Tây Bá Linh bị sụp đổ, các "Tường nhân" trèo tường nhảy sang bên phía tự do rất đông. 

Lúc ấy cửa Chùa phải rộng mở để đón những người tỵ nạn chạy sang, nên nhu cầu cấp bách phải khởi công xây dựng ngôi Chùa Viên Giác. Mãi đến năm 1993, ngôi Tam Bảo mới hoàn thành với một Chánh điện rộng lớn và trang nghiêm. Tầng dưới là một Hội trường với sân khấu để trình diễn văn nghệ, có cùng chung một diện tích như Chánh điện bên trên. Lúc ấy ngôi Chùa Viên Giác lớn nhất Âu Châu và số lượng khách thập phương đến Chùa trong những ngày Đại lễ như Phật đản, Vu Lan hay Tết Nguyên đán đông không đếm xuể, vui như một ngày hội lớn ở quê nhà. 


chua vien giacChùa Viên Giác, Hannover, Đức Quốc

chua vien giac-3Chùa Viên Giác, Hannover, Đức Quốc

 

Mộng Chi đã là Phật tử của ngôi Chùa này từ những năm 82, vì là ngôi Chùa Việt Nam đầu tiên trên xứ Đức nên những ngày Đại Lễ nàng phải lái xe đến gần ba trăm cây số đến lễ Phật và nghe Pháp. Chùa nhỏ lắm, chỉ là một căn hộ với phòng khách rộng làm Chánh điện, nên chỉ dám gọi là Niệm Phật Đường. 

 

Mãi đến năm 85, vị Đại Đức trụ trì ngôi Chùa mới mượn Hội trường bên ngoài để mời các ca sĩ đến hát, giúp vui cho bà con đỡ nhớ nhà trong những ngày Tết, hay nghe hát bài "Bông hồng cài áo" trong dịp lễ Vu Lan. Người con dù mất mẹ đã lâu, tưởng đã nguôi ngoai, nhưng khi nhìn đóa hồng trắng cài trên áo, lại nghe ca sĩ nức nở hát bài "Tâm sự người cài hoa trắng" của tác giả Thích Trường Khánh, cũng nước mắt vòng quanh ướt nhèm trên má. 

 

Do đó nhân duyên "Bầu Show" của Mộng Chi với ngôi Chùa này đã bắt đầu từ năm 85, tiến triển nhanh từ năm 95 và không ngừng nghỉ cho đến hôm nay, một đứt đoạn 3 năm Covid phải trừ ra. Nghĩa là làm việc cho Chùa Viên Giác đến gần ba chục năm, qua 5 đời các vị Trụ trì. Vị Đại Đức trẻ tuổi ngày nào, nay đã trở thành một vị Hòa Thượng đạo cao đức trọng, làm bao nhiêu việc lợi ích Hoằng Pháp độ sinh cho đời.

 

Có người đặt câu hỏi ? Tại sao chốn Thiền môn thanh tịnh lại đem chuyện ca hát đến mua vui? Thoạt nghe cũng có lý, vì trong việc thọ trì Bát quan trai giới một ngày một đêm, có giới không đàn ca múa hát và xem đàn ca múa hát. Nhưng trong Kinh Pháp Hoa, phẩm Phương tiện số 2, có cho phép được xử dụng một số phương tiện tiểu xảo để Hoằng Pháp độ sinh. Chẳng hạn trong thời đại này phải hằng thuận chúng sanh bằng cách bày trò giải trí ca hát để thu hút giới trẻ đến Chùa, tạo chủng tử cho họ, rồi sẽ áp dụng câu:

Trước dùng dục câu dắt. 

Sau dùng trí để nhổ.

 

Đã biết bao Phật tử thuần thành của chùa Viên Giác, lúc ban đầu đến Chùa chỉ vì ham xem văn nghệ, nghe có cô ca sĩ tài danh nào đó đến từ Trung tâm Thúy Nga bên Hoa Kỳ là quyết tâm đến Chùa để xem cho bằng được, để mua băng nhạc và được chụp hình cùng. Rồi sau đó mới lên Chánh điện lễ bái và nghe Thầy Trụ trì giảng Pháp, dần dà mưa dầm thấm lâu họ trở thành Phật tử thuần thành lúc nào không biết. 

 

Đã từ hơn ba chục năm nay, ngôi chùa Viên Giác là điểm hẹn của rất nhiều Hội đoàn từ chính trị đến tôn giáo, từ các nam phụ lão ấu tới trai thanh gái lịch, họ hẹn gặp nhau tại những ngày lễ lớn như Phật đản, Vu Lan. Trong sân Chùa, các món ăn quê hương được mời gọi một cách thiết tha, những ly chè ba màu hay chiếc bánh tiêu, dầu cháo quẩy dân dã ngày nào, lại đắt hàng đến thế! 

 

Có nhiều bạn bè lâu ngày mất dấu chân chim, tìm kiếm hoài không gặp. Thế mà lại thấy ngồi bên tô hủ tiếu chay, nói nói cười cười với bạn bè trong quầy hàng của Chùa. Họ gặp nhau tay bắt mặt mừng, thầm nghĩ nếu không lên Chùa lấy gì gặp lại bạn xưa!

 

Buổi tối thứ bảy của cuối tuần ngày Đại lễ, lúc nào cũng có văn nghệ "Kính mừng Phật đản" hay "Vu Lan báo hiếu" thật đặc sắc. Phần đầu do các em trong Gia đình Phật tử của các Chi hội toàn xứ Đức trình diễn, xen kẽ các màn đơn ca của các ca sĩ tài danh được bà Bầu Show Mộng Chi mời đến thể theo lời yêu cầu của Chùa, dựa theo thị hiếu của khán giả cho đúng với câu: "Trước dùng dục câu dắt". Sau khi giải lao vào phần hai của đêm văn nghệ cúng dường, các Chư Tôn Đức về nghỉ ngơi nhường sân khấu cho ca sĩ và khán giả "quậy" tới bến đến nửa đêm. Mọi người ra về với niềm vui phơi phới, được một buổi nghe hát đến đã tai, được lên sân khấu nhún nhảy cùng thần tượng của mình và quan trọng nữa là được xem "free" không mất tiền vào cửa, chỉ tốn ít tiền mua thức ăn để xoa dịu nỗi cào xé của dạ dày. À không, nếu ai chịu ăn cơm chùa với ba món có cả canh thì đứng xếp hàng, sẽ được phát miễn phí. Cửa Chùa rộng mở đến thế nên sau 40 năm khách thập phương vẫn đến đông nghịt như ngày nào trong những ngày Đại lễ. 

 

Về chuyện phải mời ca sĩ tài danh đến Chùa ca hát, cũng làm các Thầy suy nghĩ đến mệt cả đầu, định dùng ca sĩ cây nhà lá vườn của địa phương cho rẻ, họ hát cũng hay lắm, nhưng lần nào thư mời không nêu danh tánh ca sĩ nổi tiếng đến từ Hoa Kỳ, là y như rằng số người tham dự Đại lễ giảm thấy rõ, không khí bớt đi vẻ tưng bừng náo nhiệt như mọi lần. Thôi đành tùy thuận chúng sanh! 

 

Nhưng sau 3 năm bị Covid hoành hành, thời gian ấy cửa Chùa phải khép kín, khiến mối duyên văn nghệ bị đứt đoạn. Đến hôm nay vẫn chưa được nối lại như xưa, bà Bầu Show Mộng Chi viện cớ tuổi già sức yếu, đã xin phép được rũ áo bỏ nghề. Không biết Bà đã khấn Tổ hay chưa? Chứ theo thói quen mỗi lần ra quân trước giờ trình diễn, Bà đều thắp ba nén nhang khấn Tổ.

 

Mỗi lần trình diễn thành công, họ đều cho là được Tổ đãi. Ai ở trong nghề mới biết, chứ không lại bảo mê tín dị đoan. Bà Bầu Show chắc phải bỏ nghề, từ lúc Covid xảy ra bao nhiêu chuyện đã đổi thay, từ kinh tế cho đến lòng người. Vé máy bay mua cho ca sĩ cao ngất ngưởng, số người đến Chùa xem văn nghệ chưa lường trước được vì sợ Cô Vi. Trong tình trạng này Mộng Chi phải tự rút lui về hưởng tuổi già, đi ngao du sơn thủy đó đây! Một đời rong ruổi! 

 

Còn ngôi Chùa Viên Giác vẫn sừng sững trước gió đông. Thiên hạ không còn gọi là Chùa Viên Giác nữa mà nâng cấp lên một bậc, gọi là Tổ đình Viên Giác. Vì người đầu tiên sáng lập ra một điều gì đều gọi là ông Tổ của điều đó! 

 

 

Hoa Lan - Thiện Giới.

28 tháng 6 năm 2024.

 

 

 

 

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
03/11/2022(Xem: 3080)
Cứ mỗi lần tôi gặp một vấn đề nan giải và muốn đầu hàng ( có nghĩa là muốn buông tất cả ) thì một danh ngôn của St Exupery ngày nào …..mà trong quá khứ khi vừa 17 tuổi đời tôi đã treo, dán khắp nơi trong nhà để sách tấn cho sự nghiệt ngã của đường đời mà gia đình tôi đã gặp “ TRÊN CON ĐƯỜNG SỐ MỆNH VẠCH SẴN CHO NGƯƠI, NGƯƠI HÃY LÀM XONG SỨ MỆNH RỒI HÃY GỤC ĐẦU MÀ CHẾT “.
19/10/2022(Xem: 10816)
Kệ Tụng Giảng Giải 554 Câu Chú Lăng Nghiêm Ht Thích Tuyên Hóa Vạn Phật Thánh Thành Mỹ Quốc
20/09/2022(Xem: 2906)
Thật là một niềm đại hoan hỷ khi con nhận được lời khen của Đức Đại Trưởng Lão về bài tường thuật những điều học được khi nghe pháp thoại “Cốt tủy của Kinh Lăng Nghiêm“ được Ngài thuyết giảng vào tối thứ tư 14/9/2022 trên hệ thống Zoom của Tổng Vụ Hoằng Pháp và Giáo Dục thuộc GHPGVNTN Hải Ngoại Úc Châu và Tân Tây Lan. Kính bạch Ngài, con kính đảnh lễ và cũng kính xin Ngài cho phép con không dám nhận lời khen của Hoà Thượng vì con rất ngượng ngùng khi thấy mình không xứng đáng với lời khen mà Hoà Thượng đã ưu ái ban cho vì con đang mỗi ngày học Pháp bằng cách chép kinh từ các lời chú giải và đồng thời nghe pháp thoại liên tục không gián đoạn, con đã trộm nghĩ vô thường không biết sẽ đến lúc nào khi thời gian để đi vào biển Pháp của Như Lai và thâm nhập được chút nào dù được 1% ….quả thật còn lại quá ngắn.
19/09/2022(Xem: 3293)
Một người, do bất cẩn, gây ra tai nạn chết người. Người ta nói, người ấy hành động vô ý thức. Mỗi năm có vô số hành động vô ý thức gây tai nạn chết người như vậy trên khắp thế giới. Đó là chưa nói đến những tai hại nhỏ mà hầu như nhiều người trong chúng gây ra cho chính mình và cũng gây ra cho những người chung quanh mình không ít trong sinh hoạt thường nhật vì những hành động được nói là vô ý thức ấy.
14/09/2022(Xem: 5627)
Vào chiều ngày 10/9/2022, Tu viện Huyền Không tọa lạc tại số 14335 Story Road, thành phố San Jose, tiểu bang California, Hoa Kỳ đã tổ chức đêm thơ nhạc Huyền Không, thành kính tưởng niệm người Thầy - thi sĩ Huyền Không, người đã sáng tác trên một ngàn bài thơ, trong đó bài thơ Nhớ chùa là một tuyệt tác bất hủ:
13/09/2022(Xem: 2652)
Vào năm 2013, trong quá trình xử lý văn bản để viết tác phẩm Kinh Tứ thập nhị chương - đối chiếu và nhận định, chúng tôi vô tình đọc được Lời tựa trong tác phẩm Phật Tổ tam kinh (佛祖三經) do Vân Thủy Sa-di Thích Tại Tại (雲水沙彌釋在在) viết. Vì nhân vật này không phải là yếu tố trọng tâm của chủ đề nghiên cứu thế nên chúng tôi không đi sâu tìm hiểu mà chỉ thoáng chút ngỡ ngàng trước danh xưng của một vị Sa-di, nhưng sao lại được viết lời giới thiệu cho một tác phẩm kinh điển mang tính phổ biến vào thời ấy như thế.
08/09/2022(Xem: 2507)
Trong tinh thần đúng như TT Tổng Vụ Trưởng Thích Đạo Nguyên trong phần tổng kết buổi pháp thoại đã nhắn nhủ đến thính chúng sau giờ pháp thoại rằng: “Nghe pháp, thường xuyên nghe pháp, nghe với sự lắng tâm đầy đủ là yếu tố đặc biệt lợi ích giúp cho chúng ta tăng trưởng được sự hoan hỉ sự thanh tịnh trí tuệ, và nhiều lợi lạc khác”. Và đấy có lẽ là một đặc điểm rất đáng được tán dương mà TT Giảng Sư Thích Giác Tín đã khởi đầu cho bài giảng bằng cách đưa thành quả hiếm có nhất trong suốt 6 nhiệm kỳ của hội đồng điều hành GHPGVNTN Hải ngoại Úc Châu và Tân Tây Lan.
06/09/2022(Xem: 2649)
Chiều ngày 22 tháng 2 năm 22 chúng tôi tổ chức lễ phát động dự án “Khuyến đọc Việt Nam” đồng thời đưa ra mong muốn triển khai giải thưởng “Khuyến Đọc Việt Nam” nhằm động viên khuyến khích các tập thể và cá nhân hết mình cho công tác khuyến đọc, có những đóng góp lớn cho phát triển văn hoá đọc nước nhà. Dự án nhận được rất nhiều sự quan tâm của nhiều lãnh đạo, các cơ quan, trường học, doanh nghiệp và các cá nhân. Kết quả khiêm tốn ban đầu là đến nay 62 tủ sách đã được tặng, mỗi tháng tặng các bạn đọc cá nhân 220 cuốn sách, 91 chương trình “Đọc sách cùng nhau - Reading Books Together”, hơn 30 chương trình livestream kết nối với các tác giả, dịch giả, biên tập viên, chuyên gia,… với bạn đọc.
05/09/2022(Xem: 3088)
Tôi đã hơn một lần chứng kiến nước mắt đàn ông rơi. Cha tôi khóc, ngày mẹ buông tay cha con tôi đi theo một người đàn ông khác, mẹ mải mê kiếm tìm ảo ảnh hạnh phúc ở chân trời xa lắc mà quên đi tổ ấm bình yên. Ngày ấy, cha câm lặng như một pho tượng bằng đá, bàn tay thô ráp của cha cầm cái rựa chém mạnh vào cây chuối sau vườn nhà, thân chuối đứt đôi như duyên nợ của cha mẹ tôi gãy làm đôi mảnh
04/09/2022(Xem: 2577)
Chính vì thế mà bao người bỏ cả gia đình, của cải danh vọng, quyền thế nương nhờ của Phật để có cuộc sống yên bình. Nhưng không phải ai cũng có thể làm như vậy. Chúng ta vẫn cần và còn nợ thế gian này. Hủy hoại thân để tìm một thiên đường ảo ảnh là ngu dại. Chúng ta vẫn còn phải sống với thân tứ đại giả tạm này. Nhưng sống mà tỉnh thức. Mà muốn tỉnh thức thì phải luôn luôn giữ gìn chánh niệm. Giữ gìn chánh niệm là xa lánh kẻ hung ác, Xa lánh những nơi ăn chơi tụ họp đông người. Xa lánh những chốn mưu danh đoạt lợi. Cảnh giác với những lời hứa ngọt ngào.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]