Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Nghệ thuật trang trí trên văn bia Thiệu Trị ở Chùa Diệu Đế

15/01/202317:01(Xem: 4042)
Nghệ thuật trang trí trên văn bia Thiệu Trị ở Chùa Diệu Đế


bia thieu tri (6)
NGHỆ THUẬT TRANG TRÍ

TRÊN VĂN BIA THIỆU TRỊ CHÙA DIỆU ĐẾ

Tác giả: Thích Nhật Tấn

Hình ảnh: Đức Thịnh

 

Thiệu Trị là vị hoàng đế thứ ba của triều đình phong kiến nhà Nguyễn trong lịch sử Việt Nam. Ông lên ngôi khi tình hình đất đất nước đã đi vào ổn định, được thừa hưởng một di sản rất lớn, nền chính trị ổn định, vững chãi do vua Gia Long và Minh Mạng đã dày công vun đắp, cải cách và phát tiển. Vì vậy, trong thời gian 7 năm trị vì ngắn ngủi của mình, ông cũng không có cải cách gì mang tính đột phá mà chỉ là người tiếp nối đường lối trị nước của hai vị tiên vương như đúng tên của ông. Ngoài thành tựu về mặt văn học nghệ thuật, trong thời gian trị vì của vua Thiệu Trị còn nổi bậc lên với thành tựu về mặt kiến trúc nghệ thuật. Đặc biệt là nghệ thuật chạm khắc trên đá đã đạt đến trình độ đỉnh cao so với các đời vua trước.

Từ trước đến nay đã có rất nhiều công trình nghiên cứu chạm đá thời Nguyễn nhưng vẫn còn một số công trình chưa được đề cập đến. Hoặc có thì các công trình chỉ nghiên cứu về khía cạnh nội dung hay lịch sử thuần túy mà chưa thật sự đi sâu vào việc nghiên cứu đánh giá, khai thác các giá trị của trang trí chạm khắc một cách chi tiết. Trong phạm vi của bài viết với đề tài Nghệ thuật trang trí trên văn bia vua Thiệu Trị chùa Diệu Đế, chúng tôi mong muốn người đọc có một góc nhìn mới về nghệ thuật trang trí trên đá, một loại hình nghệ thuật đương thời vang bóng của vương triều Nguyễn.

Phong cách trang trí trên văn bia Thiệu Trị

Từ chất liệu đá xứ Thanh, với tay nghề đạt đến độ tinh xảo của nghệ nhân, bia chùa Diệu Đế xứng đáng là một trong nhiều sản phẩm thể hiện nghệ thuật chạm khắc đã đạt đến chỗ hoàn mỹ. Sự hoàn hảo về nghệ thuật chạm khắc của bia được thể hiện qua ba phần: Trán bia, thân bia và đế bia.

Phần trán bia

          Khác với trán bia thời Lê-Mạc với đơn thuần chỉ là theo hình bán nguyệt, trán bia vương triều Nguyễn cũng dựa vào hình thức bán nguyệt nhưng cách điệu thành dạng đám mây, các chi tiết được bo tròn làm cho người nhìn cảm nhận được sự ấn tượng từ tạo hình uyển chuyển. Bên cạnh đó, diềm bia thời Lê-Mạc bao quanh từ thân bia đến trán bia, diềm bia thời Nguyễn chỉ nằm phần thân, không liên hệ đến phần trán bia.

           Hình tượng trang trí trên trán bia chùa Diệu Đế là tổng thể nhiều họa tiết trang trí kết hợp hài hòa với nhau gồm hoa văn vân xoắn, hoa văn rồng theo kiểu thức ngang (hổ phù), hoa văn hoa sen.

          Hoa văn vân xoắn

Thực chất loại hoa văn này là hình tượng quen thuộc trong văn hóa nông nghiệp của người Việt từ xưa. Vào thời Lý, họa tiết vân xoắn đã có nhiều dạng như hồi văn hoặc vân hình chữ S. Thể thức này chủ yếu xuất hiện trên đầu rồng mà không thấy xuất hiện ở đâu khác. Đến thời Trần, hoa văn này vuốt cong phần đuôi thành dạng đao, dạng dựng đứng hình dấu hỏi và tồn tại đến cuối thế kỉ XIV. Sang thế kỷ XV thời Lê sơ, văn xoắn không tạo hình dấu hỏi riêng lẻ mà đã bắt đầu kết hợp chung với nhau một cách trật tự tạo nên một khung trời đầy mây cuộn với nhịp điệu và bố cục hợp lý. Đến thế kỷ XVI thời nhà Mạc, vân xoắn vẫn được kế thừa từ thời Trần và Lê sơ nhưng có vẻ khoáng đạt và tự do hơn.

Sang thời Nguyễn, trên tinh thần “cư Nho mộ Thích”, vân xoắn đã được cách điệu thành hình tượng ngọc Như Ý của Nho giáo. Trên trán bia chùa Diệu Đế, họa tiết vân xoắn cách điệu Như ý được chạm khắc tinh xảo và chiếm hầu hết không gian trên trán bia.

Hoa văn hình rồng[1]

Trong những loài vật được đưa vào nghệ thuật trang trí, rồng đứng đầu trong Tứ Linh. Đây là linh thú được sử dụng nhiều nhất. Trong cung vua, rồng là biểu tượng cho uy quyền của hoàng đế. Ngoài ra, hình tượng này còn xuất hiện trong các ngôi chùa và dinh phủ tư. Điểm đặc biệt về rồng của vua chúa là cách thể hiện qua chân năm móng vuốt, các khu vực khác chỉ được phép sử dụng tối đa bốn móng mà thôi.

Với ước muốn thoát khỏi ý thức hệ Nho giáo của phương bắc, khẳng định vị thế độc lập tự chủ, nhà Lý đã chọn Phật giáo làm điểm tựa về ý thức hệ của đất nước. Rồng thời lý ra đời gắn liền với Phật giáo, thường xuất hiện nhiều ở các ngôi chùa. Rồng thời Lý biểu tượng cho hạnh phúc, có hình dáng rất uyển chuyển và tự do.

Thời nhà Trần, rồng có phần mập khỏe, khúc thân theo đường lượn nhẹ, nét chạm dứt khoát, đầy tự do trong khát khao thoát khỏi sự ràng buộc. Tuy nhiên rồng nhà Trần vẫn còn nhiều chi tiết ảnh hưởng rồng Trung Hoa.

Thời Lê sơ và Mạc, nét phương bắc ngày càng sâu đậm. Từ rồng chịu ảnh hưởng của nghệ thuật Phật giáo thành rồng mang hơi hướng của Nho sĩ. Mắt rồng thời kỳ này có phần sắc bén hơn như có dao từ trong đôi mắt vậy. Thân rồng mập mạp, đuôi rồng tạo thành hệ thống đao mác với mũi dài.

Sang thời Nguyễn, rồng đã loại bỏ hết đao mác mà chuyển thành đuôi nheo trơn, thân vẫn mập mạp nhưng điểm khác với rồng thế kỷ trước là hai chiếc đao mắt như râu cá trê, một nét của rồng Trung Hoa, đôi khi nó còn cuộn thành hình lò xo.

Trên trán bia chùa Diệu Đế, hình tượng rồng nhà Nguyễn chiếm vị trí trung tâm của bia, với cách thức chạm khắc mềm mại, thanh nhã mà chắc khỏe của nét và hình đạt đến trình độ tinh xảo của bậc thầy chạm đá. Rồng kết hợp với vân xoắn tạo thành hình tượng rồng ẩn hiện trong mây, tạo nên một bức tranh vừa bí ẩn vừa hùng tráng, tạo ra một không gian rộng lớn và khoáng đạt. Sự kết hợp giữa hai họa tiết này, thuật ngữ chuyên môn gọi là Long ẩn vân hay Long ẩn. Điểm đặc biệt của rồng trên trán bia này là việc xuất hiện chân với năm móng vuốt. Thông thường ta chỉ thấy xuất hiện trong các tác phẩm hay công trình trong hoàng cung. Hiện tượng này cũng dễ lý giải vì Diệu Đế là ngôi Quốc tự do vua cải tạo từ tiềm để của mình. Vì thế, rồng ở trán bia xuất hiện chân năm móng là điều hiển nhiên.

Hoa văn hoa sen

Hoa sen là loài hoa được nhiều nước tôn thờ. Người Ấn Độ xem hoa sen là biểu tượng của quyền lực sáng tạo của thiên nhiên, của lửa và nước. Với người Ai Cập, hoa sen là hóa thân của các vị thần. Trong văn minh lưỡng hà, hoa sen biểu trưng cho vũ trụ[2]. Đối với đạo Phật, hoa sen có ý nghĩa rất lớn vì nó tượng trưng cho những đức tính cao thượng như tính thanh tịnh không ô nhiễm, đầy đủ sắc hương, tượng trưng cho lý nhân quả…

Hoa văn hoa sen, thời Đinh và tiền Lê chỉ thấy xuất hiện trên gạch và gốm với hình dạng với 8 cánh, 14 cánh, 16 cánh hoặc không cố định thường khắc chìm. Sang thời Mạc, các cánh hoa thường được làm nổi hẳn lên khiến cho ta thấy được tổng thể của một hoa sen được ghép từ nhiều cánh hoa riêng lẻ. Sang thời hậu Lê, đây là giai đoạn phát triển đỉnh cao của hoa văn cây cỏ nói chung và hoa sen nói riêng, đã xuất hiện hoa và lá ken nhau theo trật tự đường nét. Sang thời Nguyễn, hoa văn hoa sen đã đạt đến trình độ đỉnh cao nhất, sen bắt đầu được cách điệu hóa thành nhiều hình tượng khác nhau trong cuộc sống như sen hóa rồng, sen dây…với giá trị nghệ thuật rất cao. Hoa sen thời này là biểu tượng thanh cao gắn liền với Phật giáo.

Trên phần trán bia chùa Diệu Đế, họa tiết hoa sen được thể hiện qua hình thức “keng” với những cánh sen được cách điệu hình vân xoắn đao rất tinh xảo, nằm theo thứ lớp nối nhau từ trung tâm hoa sen đến viền ngoài cùng hai bên. Dạng sen keng sáng tạo như thế này làm cho bố cục bia trở nên liên kết hơn, hài hòa hơn và đặc biệt tạo nên sự liền mạch từ trán bia xuống thân bia. Sen keng ở vị trí này đóng vai trò tương tự như một “vân kiên[3]” thường thấy trong các y phục phong kiến Trung Hoa và Việt Nam, tạo nên điểm nhấn ấn tượng trên tổng thể bố cục văn bia.  

Phần thân bia

Trên văn bia Thiệu Trị, phần thân bia là vị trí chứa nội dung văn bản nên các họa tiết hoa văn có phần giản lược. Thân bia chủ yếu là phần diềm bia và các họa tiết góc nách của bia.

          Diềm bia là hệ thống hoa văn chữ T cách điệu dạng hồi văn[4] chạy xuyên suốt quanh khung thân bia, tạo thành vòng tròn khép kín mới mục đích nhấn mạnh cho nội dung được khắc bên trong.

          Họa tiết góc nách bia là bộ phận phụ thẩm mỹ, giúp sự tiếp giáp giữa trán bia và thân hay thân bia với đế bia trở nên nhẹ nhàng, uyển chuyển hơn. Phần họa tiết góc giáp với trán bia là dạng hoa văn góc với lá, hoa vân xoắn được cách điệu một cách tinh tế và vô cùng nghệ thuật. Phần họa tiết góc giáp với đế bia là 9kiểu thức vân mây hóa rồng tương tự với các kiểu thức hoa hóa rồng, mai hóa rồng, tùng hóa lân… thường thấy trong nghệ thuật trang trí triều Nguyễn.

Phần đế bia

          Phần đế được trang trí theo motif  sập gụ trổ chân quỳ, được chia làm ba phần với mặt, cổ và chân quỳ. Đế bia chùa Diệu Đế tập trung trang trí phần chân quỳ.

          Mặt chính diện của chân quỳ

          Phần chân quỳ mặt chính diện có cách thức trang trí đơn giản hơn so với phần trán và thân bia. Toàn bộ bề mặt là hệ thống với các họa tiết hoa lá cách điệu thành hình vân xoắn, cách điệu thành đầu rồng (dây lá hóa rồng). Tuy bộ phận này ít chi tiết phức tạp nhưng không kém sự tinh tế của nghệ nhân điêu khắc. Bên cạnh đó là hệ thống các dây lá dạng hồi văn[5] bao trùng mặt chính của chân quỳ.

          Mặt bên của chân quỳ

          Nội dung của mặt bên chân quỳ cũng giống như mặt chính diện với hoa, lá, rồng và hồi văn cách điệu. Điểm đặc biệt là họa tiết rồng phun nước nơi góc tiếp giáp giữa mặt chính và mặt bên. Rồng ở vị trí này giúp kết cấu chân quỳ và họa tiết trang trí được liền mạch hơn, tăng cường mức độ thẩm mỹ theo cách tự nhiên.

Yếu tố Nho Phật trong trang trí văn bia

Nhìn tổng thể bố cục toàn văn bia, ngoài nội dung chính, các họa tiết trang trí chính là điểm nhấn về nghệ thuật tạo hình của các nghệ nhân thời Nguyễn muốn chuyển tải. Đi cùng với chủ trương “cư Nho mộ Thích” của vương triều nhà Nguyễn, nghệ thuật trang trí cũng hòa vào dòng chảy tư tưởng ấy mà cho ra đời những tác phẩm mang hơi hướng của sự kết hợp này. Trên văn bia chùa Diệu Đế, thật dễ dàng nhận ra sự kết hợp hài hòa này trong toàn bộ bố cục văn bia.

Rồng vừa là biểu trưng của vương quyền, vừa biểu trưng cho sự quy ngưỡng đối với Phật Pháp[6], kết hợp với hoa văn vân xoắn cách điệu ngọc Như Ý của Nho giáo tạo nên sự dung hòa tuyệt mỹ. Rồng ẩn vào mây để tạo nên sự bí ẩn của quyền uy trong không gian mây bao phủ.

Sen keng là hình ảnh đặc trưng của Phật giáo, nằm ví trí liên kết giữa trán và thân bia, vừa có tác dụng nối kết vừa là đường giao thẩm mỹ. Sự tiếp giáp này với ý nghĩa Phật giáo sẽ làm cầu nối giữa vương quyền với quần chúng, sẽ làm phương tiện hàn gắn dân tộc.

Kết luận

Văn bia chùa Diệu Đế là một trong hai[7] bia mà vua Thiệu Trị đích thân phụng đề. Tuy rằng mức độ quy mô không bằng bia Thiên Mụ nhưng đứng về mặt nghệ thuật thì không thua kém. Văn bia chùa Diệu Đế được khắc chạm vào ngày lễ Vu Lan năm 1844 sau khi hoàn thành sứ mạng “cải gia quy tự”. Bia chùa phân làm ba phần với trán bia, thân bia và đế bia. Trong đó, trán bia là khu vực được chạm khắc tinh xảo và kỳ công nhất. Toàn bộ kết cấu họa tiết trang trí bia được chạm khắc là những họa tiết thông dụng, gắn liền với đời sống nông nghiệp, vương quyền và tôn giáo. Một số hoa văn tiêu biểu được sử dụng cho việc trang trí như hình tượng rồng, hoa văn vân xoắn vuốt thành dạng đao hoặc dạng Như ý, như hoa sen dạng ken, hoa văn chữ T, hồi văn…Từ những hoa văn trên, ta có thể nhìn thấy yếu tố Nho Phật tồn tại song hành trên từng phần của văn bia.

Như vậy, nghệ thuật trang trí văn bia Thiệu Trị chùa Diệu Đế đã từng bước được giải mã qua từng phần trong nội dung chính của bài viết. Ngoài những án thơ bất hủ của vua Thiệu Trị, qua từng họa tiết nghệ thuật, chúng ta dường như sống lại không khí sáng tạo vì nghệ thuật không ngừng của các nghệ nhân thế kỉ XIX. Đồng thời, mỗi người cũng nhìn thấy rõ dòng chảy tư tưởng xuyên suốt của nghệ thuật thời nhà Nguyễn theo chủ trương kết hợp hài hòa Nho và Phật.

PHỤ LỤC

bia thieu tri (7)
Nhà bia, nơi lưu trữ bia đá lớn khắc những bài thơ của vua Triệu Trị

 bia thieu tri (1)

 


1. Tổng thể bia Thiệu Trị

 

 

 bia thieu tri (2)


2. Trán bia

 

 bia thieu tri (3)

 


3. Viền và tai bia 

 

 

 bia thieu tri (4)
bia thieu tri (5)


4. Đế quỳ


[1] Theo truyền thống Trung Hoa, rồng là loại vật có sừng hưu, đầu lạc đà, rau cá chép, đôi mắt của quỷ thần, cổ rắn, bụng cá sấu, vảy cá, móng chim ưng, tai bò và cặp sừng là cơ quan thính giác của nó. Trong văn hóa nông nghiệp, rồng là loài vật linh thiêng có khả năng hô mưa gọi gió, gây ra lũ lụt thiên tai, là biểu thị cho quyền uy tuyệt đối.

[2] Nguyễn Du Chi (2019), Hoa văn Việt Nam từ thời tiền sử đến nửa đầu thời kỳ phong kiến, Nxb Hồng Đức, Hà Nội, tr 205

[3] Vân kiên thuở ban đầu là những mảnh vải nằm trên áo choàng phụ nữ Trung Hoa với mục đích giữ sạch cổ áo và vai. Về sau trở thành phục sức không thể thiếu trong trang phục của người xưa. Vân kiên có nhiều dạng nhưng phổ biến là dạng “ Tứ hợp như ý”, bao gồm bốn phần chia làm hai tầng, mỗi tầng có kiểu dáng khác nhau, phần mép được may viền. Trong đó chủ đề trang trí ở mỗi phần thường là hoa cỏ hài hòa với nhau.

[4] Có nguồn gốc từ Hy Lạp cổ đại du nhập vào.

[5] Một cách gọi của hoa văn triện

[6] Trong văn hóa Phật giáo, rồng là một trong tám loại phi nhân (không phải loài người) đã quy y và hộ trì Phật pháp. Tám loại ấy gồm Thiên (Deva), Long(Naga), Dạ-xoa (Yaksha), Càn-thát-bà (Gandharva, Apsara), A-tu-la (Asura), Khẩn-na-la (Kinnara), Ca-lâu-la (Garuda), Ma-hầu-la -già (Mahoraga).

[7] Bia thứ hai đặt tại chùa Thiên Mụ.



TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

[1] Trần Lâm Biền (chủ biên) (2018), Trang trí trong mỹ thuật truyền thống của người Việt, Nxb Hồng Đức, Hà Nội.

[2] Nguyễn Tiến Cảnh, Nguyễn Du Chi, Trần Lâm, Nguyễn Bá Vân (2021), Mỹ thuật thời Mạc, Nxb Mỹ Thuật, Hà Nội.

[3]  Nguyễn Du Chi (2019), Hoa văn Việt Nam từ thời tiền sử đến nửa đầu thời kỳ phong kiến, Nxb Hồng Đức, Hà Nội.

[4] Trần Thị Hoài Diễm (2015), “Một số phát hiện mới về nghệ thuật chạm khắc đá thời Nguyễn”,Tạp chí Thông tin Mỹ Thuật (lưu hành nội bộ), số 3, tr 36-43.

[5] Nguyễn Hữu Thông (2019), Mỹ thuật Nguyễn, Nxb Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh.

[6] Chu Quang Trứ (2012), Mỹ Thuật Lý-Trần mỹ thuật Phật giáo, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
19/10/2022(Xem: 10642)
Kệ Tụng Giảng Giải 554 Câu Chú Lăng Nghiêm Ht Thích Tuyên Hóa Vạn Phật Thánh Thành Mỹ Quốc
20/09/2022(Xem: 2860)
Thật là một niềm đại hoan hỷ khi con nhận được lời khen của Đức Đại Trưởng Lão về bài tường thuật những điều học được khi nghe pháp thoại “Cốt tủy của Kinh Lăng Nghiêm“ được Ngài thuyết giảng vào tối thứ tư 14/9/2022 trên hệ thống Zoom của Tổng Vụ Hoằng Pháp và Giáo Dục thuộc GHPGVNTN Hải Ngoại Úc Châu và Tân Tây Lan. Kính bạch Ngài, con kính đảnh lễ và cũng kính xin Ngài cho phép con không dám nhận lời khen của Hoà Thượng vì con rất ngượng ngùng khi thấy mình không xứng đáng với lời khen mà Hoà Thượng đã ưu ái ban cho vì con đang mỗi ngày học Pháp bằng cách chép kinh từ các lời chú giải và đồng thời nghe pháp thoại liên tục không gián đoạn, con đã trộm nghĩ vô thường không biết sẽ đến lúc nào khi thời gian để đi vào biển Pháp của Như Lai và thâm nhập được chút nào dù được 1% ….quả thật còn lại quá ngắn.
19/09/2022(Xem: 3239)
Một người, do bất cẩn, gây ra tai nạn chết người. Người ta nói, người ấy hành động vô ý thức. Mỗi năm có vô số hành động vô ý thức gây tai nạn chết người như vậy trên khắp thế giới. Đó là chưa nói đến những tai hại nhỏ mà hầu như nhiều người trong chúng gây ra cho chính mình và cũng gây ra cho những người chung quanh mình không ít trong sinh hoạt thường nhật vì những hành động được nói là vô ý thức ấy.
14/09/2022(Xem: 5503)
Vào chiều ngày 10/9/2022, Tu viện Huyền Không tọa lạc tại số 14335 Story Road, thành phố San Jose, tiểu bang California, Hoa Kỳ đã tổ chức đêm thơ nhạc Huyền Không, thành kính tưởng niệm người Thầy - thi sĩ Huyền Không, người đã sáng tác trên một ngàn bài thơ, trong đó bài thơ Nhớ chùa là một tuyệt tác bất hủ:
13/09/2022(Xem: 2604)
Vào năm 2013, trong quá trình xử lý văn bản để viết tác phẩm Kinh Tứ thập nhị chương - đối chiếu và nhận định, chúng tôi vô tình đọc được Lời tựa trong tác phẩm Phật Tổ tam kinh (佛祖三經) do Vân Thủy Sa-di Thích Tại Tại (雲水沙彌釋在在) viết. Vì nhân vật này không phải là yếu tố trọng tâm của chủ đề nghiên cứu thế nên chúng tôi không đi sâu tìm hiểu mà chỉ thoáng chút ngỡ ngàng trước danh xưng của một vị Sa-di, nhưng sao lại được viết lời giới thiệu cho một tác phẩm kinh điển mang tính phổ biến vào thời ấy như thế.
08/09/2022(Xem: 2472)
Trong tinh thần đúng như TT Tổng Vụ Trưởng Thích Đạo Nguyên trong phần tổng kết buổi pháp thoại đã nhắn nhủ đến thính chúng sau giờ pháp thoại rằng: “Nghe pháp, thường xuyên nghe pháp, nghe với sự lắng tâm đầy đủ là yếu tố đặc biệt lợi ích giúp cho chúng ta tăng trưởng được sự hoan hỉ sự thanh tịnh trí tuệ, và nhiều lợi lạc khác”. Và đấy có lẽ là một đặc điểm rất đáng được tán dương mà TT Giảng Sư Thích Giác Tín đã khởi đầu cho bài giảng bằng cách đưa thành quả hiếm có nhất trong suốt 6 nhiệm kỳ của hội đồng điều hành GHPGVNTN Hải ngoại Úc Châu và Tân Tây Lan.
06/09/2022(Xem: 2600)
Chiều ngày 22 tháng 2 năm 22 chúng tôi tổ chức lễ phát động dự án “Khuyến đọc Việt Nam” đồng thời đưa ra mong muốn triển khai giải thưởng “Khuyến Đọc Việt Nam” nhằm động viên khuyến khích các tập thể và cá nhân hết mình cho công tác khuyến đọc, có những đóng góp lớn cho phát triển văn hoá đọc nước nhà. Dự án nhận được rất nhiều sự quan tâm của nhiều lãnh đạo, các cơ quan, trường học, doanh nghiệp và các cá nhân. Kết quả khiêm tốn ban đầu là đến nay 62 tủ sách đã được tặng, mỗi tháng tặng các bạn đọc cá nhân 220 cuốn sách, 91 chương trình “Đọc sách cùng nhau - Reading Books Together”, hơn 30 chương trình livestream kết nối với các tác giả, dịch giả, biên tập viên, chuyên gia,… với bạn đọc.
05/09/2022(Xem: 3018)
Tôi đã hơn một lần chứng kiến nước mắt đàn ông rơi. Cha tôi khóc, ngày mẹ buông tay cha con tôi đi theo một người đàn ông khác, mẹ mải mê kiếm tìm ảo ảnh hạnh phúc ở chân trời xa lắc mà quên đi tổ ấm bình yên. Ngày ấy, cha câm lặng như một pho tượng bằng đá, bàn tay thô ráp của cha cầm cái rựa chém mạnh vào cây chuối sau vườn nhà, thân chuối đứt đôi như duyên nợ của cha mẹ tôi gãy làm đôi mảnh
04/09/2022(Xem: 2518)
Chính vì thế mà bao người bỏ cả gia đình, của cải danh vọng, quyền thế nương nhờ của Phật để có cuộc sống yên bình. Nhưng không phải ai cũng có thể làm như vậy. Chúng ta vẫn cần và còn nợ thế gian này. Hủy hoại thân để tìm một thiên đường ảo ảnh là ngu dại. Chúng ta vẫn còn phải sống với thân tứ đại giả tạm này. Nhưng sống mà tỉnh thức. Mà muốn tỉnh thức thì phải luôn luôn giữ gìn chánh niệm. Giữ gìn chánh niệm là xa lánh kẻ hung ác, Xa lánh những nơi ăn chơi tụ họp đông người. Xa lánh những chốn mưu danh đoạt lợi. Cảnh giác với những lời hứa ngọt ngào.
02/09/2022(Xem: 2735)
Kính bạch Sư Phụ Nguyên Tạng, con bắt đầu nghe MP3 bài giảng của Sư Phụ về Nhân Quả. Bạch Sư Phụ, con nghe lại được tiếng giảng của Sư Phụ rất quen thuộc như xưa kia con nghe Sư Phụ giảng suốt hai năm Covid, Nhưng bạch Sư Phụ, con kính sám hối, âm thanh giảng của Sư Phụ trong giảng đường có thính chúng bị vang dội và cuối mỗi câu bị nhoà nên con không nghe được trọn vẹn.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]