Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tình Yêu Áo Tím

23/08/202114:42(Xem: 2637)
Tình Yêu Áo Tím

hoa tim 


TÌNH YÊU ÁO TÍM
Phương Quỳnh

 

     Sau giờ tan trường, Dung thong thả đạp xe về nhà dọc theo đại lộ Thống Nhất. Đến ngã tư Thống Nhất-Hai Bà Trưng gặp đèn đỏ, Dung rẽ phải về hướng Tân Định. Với mái tóc thề đen mướt xõa trên vai áo dài màu tím của trường Nữ Trưng Vương làm cho nhiều người đang chờ đèn xanh không khỏi chú ý. Vài phút sau, bỗng có một chiếc xe Jeep chạy qua mặt Dung rồi dừng lại. Dung đạp xe đến gần, bất ngờ một thanh niên trong bộ quân phục sĩ quan Hải quân màu trắng từ trên xe nhảy xuống chặn làm Dung hốt hoảng dừng lại, lảo đảo suýt ngã xe. Anh chàng vội vàng đỡ xe cho Dung và nói:

     - Xin lỗi cô về cử chỉ đường đột của tôi. Cô cho tôi hỏi thăm, cô có phải là Dung, người Phan Rang không?

     - Xin lỗi, anh là ai mà hỏi tôi như thế?

     - Tôi là Thanh, bạn ngày xưa của Đạt, anh của Dung…

     - Vậy sao?…

     Dung chau mày, cơn bàng hoàng sợ sệt chưa dứt, trong đầu cố nhớ lại vì đã lâu lắm rồi không nghe anh Đạt nhắc đến. Thanh giải thích thêm để trấn an và chờ cho Dung hồi tưởng lại:

     - Tôi là người Nha Trang, từ lâu bận rộn trong quân ngũ nên không liên lạc với Đạt. Nhưng tôi không bao giờ quên ngày họp bạn với Đạt và đó là lần đầu tiên gặp Dung… Không biết bây giờ Đạt ở đâu?

     - Dạ, anh Đạt du học Hoa Kỳ lâu rồi…

     Thanh nói tiếp:

     - Thú thật với Dung, hôm nay là ngày vô cùng may mắn đối với tôi. Nhờ đèn đỏ, lúc Dung quẹo tay phải tôi thoáng thấy bóng dáng và nét mặt đã hình dung được ngay hình ảnh cô em gái bé nhỏ dễ thương của Đạt. Hình như cách đây cũng đã hơn… 6 năm thì phải.

     - Dạ, hình như vậy...

     Dung nhỏ nhẹ nói.

     Giờ thì Thanh nhẹ nhõm trong lòng vì thấy nét mặt Dung đổi sắc trở lại bình thường, xinh tươi với nụ cười hiền lành đôn hậu. Thanh vội nói tiếp:

     - Xin phép Dung cho tôi được đưa Dung về nhà. Mình ngồi nói chuyện thì hay hơn, đứng đây bất tiện quá!

     - Cảm ơn anh. Không được đâu, bà chủ nhà trọ Dung khó lắm. Mẹ Dung đã dặn dò gởi gắm cho bà ấy rồi. Nếu có thanh niên lạ đến nhà, bà sẽ báo cho mẹ Dung biết ngay. Thanh cố nài nỉ nhưng Dung nhất định từ chối và cũng không cho biết địa chỉ. Dung ngỏ lời cảm ơn, từ giã Thanh và vội vàng lên xe đạp về nhà.

     Trên đường về, Dung còn nhớ câu giới thiệu và nhấn mạnh của Thanh. Gặp nhau lần đầu ở Phan Rang mà đến nay anh ta vẫn còn nhớ sao? Đúng vậy, năm ấy Dung chỉ mới 13 tuổi, tình cờ đã gặp anh Thanh lúc anh vừa tốt nghiệp chuẩn úy trường Hải quân Nha Trang. Khi ấy Dung chỉ là một cô bé thơ ngây, tung tăng nói cười rộn rã, không hề để ý đến những người bạn của anh mình, chỉ nghe tên vậy thôi. Dung nhẩm tính, cũng đã lâu quá rồi mà anh ấy vẫn còn nhớ mình sao? Tự dưng trong tim Dung bỗng rộn lên một niềm vui khác lạ cùng với trạng thái nao nao trong lòng. 

     Qua hôm sau, khi tan học, ra đến cổng Dung chợt nghe có tiếng ai gọi mình. Thì ra Thanh đã trở lại trường để đón Dung:

     - Chiều nay tôi xin được mời Dung đi ăn kem…

     - Cảm ơn anh, chiều nay Dung có hẹn phải về nhà sớm! Đó chỉ là lý do Dung bịa ra để khước từ. Nhưng Thanh vẫn cứ đứng chần chờ ở đó. Các bạn Dung nhìn thấy càng tò mò thắc mắc… Sau lời từ chối của Dung, nét mặt Thanh đượm buồn nhưng chưa lộ niềm thất vọng. Thanh vẫn không chùng bước. Qua hôm sau, Thanh lại đón Dung ở cổng trường lần nữa.

     Trong bộ quân phục Hải quân, mang quân hàm Đại úy với vóc dáng cao to, trông Thanh rất oai vệ, phong độ, làm cho đám bạn của Dung không khỏi trầm trồ và bám theo Dung để trêu chọc. Thanh vẫn kiên nhẫn nài nỉ và nói cho Dung biết anh chỉ còn 12 ngày quân vụ tại cảng Bến Tàu Saigon, sau đó phải trở về đơn vị ở cảng Nha Trang.

     Lần thứ ba, những lời thiết tha của Thanh đã làm Dung cảm động nhận lời. Chiều hôm ấy, một buổi chiều thật đẹp, có nắng vàng, gió nhẹ thổi từ cảng vào vùng Nguyễn Huệ - Lê Lợi, cảnh trí thật nên thơ, êm đềm, mát mẻ. Từ đâu đó vọng đến tiếng ai hát “Nắng Sài Gòn, anh đi mà chợt mát; bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông...”[1] Thanh bất chợt nghe như những lời tâm sự của chính mình...

     Thanh đưa Dung vào quán cà-phê Brodard, là nơi lý tưởng dành cho nam thanh nữ tú, cho những sinh viên sĩ quan được 2 ngày phép cuối tuần về thăm nhà. Đây cũng là nơi hẹn hò của những cặp tình nhân mới chớm yêu hoặc đang yêu nhau...

     Rồi những ngày sau đó, Thanh kiên trì tìm mọi cơ hội để được gặp Dung, bất kể là lúc nào. Dường như đối với Thanh, mỗi một giây phút thiếu vắng hình bóng Dung đã dài ra dằng dặc như cả một thế kỷ. Rồi khi hai người đã hiểu lòng nhau hơn, Thanh đánh bạo bộc bạch tâm sự:

     - Dung à, “Gặp một bữa, anh đã mừng một bữa, gặp hai hôm thành nhị hỷ của tâm hồn.” Nói theo thuyết nhà Phật, có lẽ là nhân duyên tự kiếp nào nên từ lần đầu gặp Dung đến nay, hình ảnh của em vẫn còn mãi trong ký ức của anh. Anh đã có nhiều cơ hội gặp gỡ các cô gái xinh đẹp, nhưng trong lòng anh chưa bao giờ thấy xao xuyến cả…

     Dung thẹn thùng đỏ mặt, nhưng rồi như cảm nhận được sự chân thành trong lời nói của Thanh, Dung cũng cởi mở hơn. Nàng kể lại:

     - Trong thời gian 6 năm qua, theo dòng đời đổi thay, em được mẹ cho vào Saigon đi học tiếp. Để đáp lại sự lo lắng và lòng hy sinh yêu thương của mẹ, em chỉ biết ngày đêm miệt mài gắng học để cuối năm nay cho xong mảnh bằng Tú Tài toàn phần. Em không dám có nhiều bạn bè, mặc dù cũng không thiếu những chàng trai theo đuổi...

     Nghe Dung kể, Thanh vui mừng ra mặt, trong lòng anh thầm nghĩ duyên may đã đến với mình. Cũng không biết hai người đã thay đổi cách xưng hô “anh anh, em em” từ lúc nào.

     Khi chia tay ra về, Thanh và Dung đều có cùng một tâm trạng lưu luyến, hình như bóng dáng tình yêu đã bắt đầu chớm nở. Riêng Dung có một điều băn khoăn lo lắng: gia đình Dung theo Thiên Chúa Giáo, còn Thanh lại thuần thành Phật Giáo. Cha Thanh là một vị tỉnh trưởng ở miền Trung, còn mẹ Dung chỉ là một cô giáo tầm thường. Như vậy, không biết hai gia đình có đồng ý tác hợp cuộc nhân duyên này hay không?

     Hôm sau đến trường, các bạn Dung hè nhau tra vấn và dọa dẫm:

     - Mày coi chừng đó nhen. “Tượng nào cao bằng tượng Trần Hưng Đạo, lính nào xạo bằng lính hải quân.” Tụi tao cảnh báo mày, lính mà còn xạo, huống gì sĩ quan! Đẹp trai, cao ráo thì lại càng xạo hơn nhiều! Nhìn anh chàng này chắc nhiều đào lắm đó!

     - Cảm ơn tụi mày nhắc nhở, nhưng tao chỉ quen biết thôi, nào có gì đâu…

     Đối với Thanh, những ngày công vụ còn lại ở Saigon như tràn ngập niềm vui khi được Dung nhận lời gặp gỡ. Cuộc tình đầu đời của cả hai người chớm nở thật đẹp. Mỗi ngày, sau giờ tan trường, Thanh và Dung thường gặp nhau để hàn huyên tâm sự. Với cùng quan niệm sống, hai tâm hồn đồng điệu và lòng chân thành càng làm cho tình yêu thắm thiết hơn. Thanh hứa với Dung khi trở về Nha Trang sẽ thưa chuyện với ba mẹ để xin làm lễ cưới sau khi Dung thi xong Tú Tài toàn phần.

     Ba mẹ Thanh rất vui khi nghe con trai trưởng đã chọn được người yêu, điều mà lâu nay hai ông bà hằng mong đợi. Ông bà đề nghị Thanh đưa Dung về ra mắt gia đình để ông bà xem mặt cô dâu tương lai.

     Thanh vui mừng quá, bàn với Dung mua vé máy bay cho Dung ra Nha Trang để làm quen với gia đình. Thanh nóng lòng tính từng ngày chờ đợi để đón Dung.

     Rồi trong hai ngày cuối tuần ở lại Nha Trang, Thanh đưa Dung đi thăm nhiều di tích nổi tiếng và thắng cảnh nơi đây như Tháp Bà, Hòn Chồng, Viện Hải Dương học, Nhà thờ Đá, chùa Linh Sơn... Khi đến lễ nhà thờ và chùa, Thanh và Dung hết lòng cầu nguyện đức Mẹ Maria và đức Bồ Tát Quán Thế Âm, xin giúp cho hai người sớm được nên duyên.

    
Nha Trang là thành phố ven biển thật đẹp, là trung tâm văn hóa, du lịch của tỉnh Khánh Hòa. Buổi chiều, hai người ngồi trên bờ cát trắng nhìn ra biển khơi, Dung hát cho Thanh nghe …“Tôi đi vào thương nhớ. Tôi đi tìm cơn gió. Tôi xây lại mộng mơ năm nào. Bờ biển sâu, hai đứa tôi gần nhau…” [2] Chuyến đi này mang nhiều kỷ niệm thật đẹp, lưu dấu mãi trong lòng hai người. Sau hai ngày gặp gỡ gia đình Thanh, Dung trở về Sài Gòn với niềm vui chan chứa tràn đầy. Nhưng chưa bao lâu thì được tin như sét đánh. Cha mẹ Thanh không đồng ý về cuộc hôn nhân của hai đứa chỉ vì khác tôn giáo, mặc dù ông bà và cả gia đình đều khen Dung là người con gái duyên dáng mặn mà và nết na phúc hậu. Thanh đã hết lời tha thiết cầu xin cha mẹ hiểu cho mối tình của hai đứa, nhưng không lay chuyển được quyết định của ông bà. Khi được tin, Dung rất đau khổ. Lòng buồn rũ rượi, đầu óc miên man suy nghĩ, vào lớp học Dung ngẩn ngơ không nghe Thầy giảng bài. Về đến nhà, Dung lên giường trùm chăn kín, chẳng màng đến chuyện học hành. Trong đầu Dung cứ nhớ lại câu nói của cha Thanh: “Con là trưởng nam của gia đình phải lo phụng thờ ông bà, cha mẹ và làm gương cho các em. Gia đình mình thuần thành Phật giáo, nếu con cưới vợ và theo Công giáo là con bỏ cha mẹ, ông bà tổ tiên hay sao?” Khi Dung thưa chuyện với mẹ, bà cũng cự tuyệt và nói: “Nếu bạn con chịu cải đạo thì mẹ sẽ đồng ý!” Dung tha thiết viện lẽ hai người vẫn có thể “đạo ai nấy giữ”, nhưng mẹ Dung khăng khăng không đổi ý…

Trong một thời gian dài, cả Thanh và Dung đều đau khổ, tưởng chừng như tuyệt vọng. Rồi trong cơn đau đớn tuyệt vọng đó, Thanh chợt nhớ đến người cô ruột là Sư Bà Từ Hương, hiện đang trụ trì chùa Sư Nữ ở Trại Hầm, Đà Lạt. Trong gia tộc, Sư Bà là người chị được cha mẹ Thanh kính yêu nhất. Mặc dù đã lâu không gặp, trong lòng Thanh vẫn không lúc nào quên đi hình bóng uy nghi từ hòa và phong thái đĩnh đạc của Sư Bà. Ngày còn đi học, vào mùa hè Thanh thường được cha mẹ đưa lên Đà Lạt đến chùa vấn an Sư Bà. Sư Bà là người đức độ, giới luật nghiêm minh. Thật ra, những lúc đến chùa Thanh vẫn thường thích thú dạo chơi xem phong cảnh chung quanh nhiều hơn là gần gũi, trò chuyện với Sư Bà, nhưng không biết sao chỉ cần nhìn thấy dáng vẻ Sư Bà khoan thai đi lại, cười nói hiền hòa là Thanh đã thấy lòng mình thanh thản, an vui khó tả. Trong lúc khổ đau tột cùng vì tình ái, Thanh lại càng nhớ đến nụ cười khoan thai như xoa dịu mọi khổ đau của Sư Bà. Thế là anh quyết định xin mấy ngày phép bay lên Đà Lạt thăm Sư Bà. Trong gia đình, Thanh vẫn là đứa cháu được Sư Bà thương yêu chiều chuộng nhất khi Sư còn chưa xuất gia.

    
Mặc dù không định trước, nhưng khi gặp Sư Bà không biết sao Thanh bỗng dưng kể lể hết đầu đuôi câu chuyện tình của mình và nỗi đau đang giằng xé tâm can. Sư Bà điềm tĩnh ngồi nghe Thanh nói hết, khuôn mặt tỏa sáng nét hiền hòa cảm thông. Đến lúc Thanh chuẩn bị ra về, Sư Bà đến bên Thanh, cầm tay chậm rãi nói: - Sư không biết có giúp được gì cho con không, nhưng Sư đoan chắc với con rằng con không phải là người duy nhất chịu đau khổ. Đức Thế Tôn từng dạy rằng cuộc đời này là cả một bể khổ, dù là mỗi người có thể khổ theo cách khác nhau, nhưng có mấy ai thoát được khổ? Sư cũng mong là có một giải pháp nào đó giúp các con, nhưng nếu sự việc không thay đổi thì dù con có buồn đau cũng chẳng ích gì. Con phải biết, con sinh ra ở đời này không chỉ để lo cho bản thân mà còn có trách nhiệm với gia đình, với quê hương đất nước. Cho dù chuyện gì xảy ra, con cũng không được quên đi bổn phận của mình. Hãy tin lời Sư nói, mọi việc dù có ghê gớm đến thì rồi cũng sẽ qua đi thôi, phải biết giữ vững niềm tin mà sống và phải nghĩ đến những người chung quanh mình.

    
Thanh cúi đầu lắng nghe từng lời Sư Bà dạy và chợt thấy mình quả thật quá nhỏ nhen, ích kỷ. Bất chợt Thanh nhớ đến những đồng đội trong quân ngũ, nhớ đến gia đình và còn biết bao người thân yêu. Lẽ nào tất cả giờ đây đều không có ý nghĩa gì đối với mình sao? Lẽ nào nỗi khổ niềm đau của mình là tất cả, còn của những người khác lại không đáng quan tâm hay sao? Mặc dù vẫn khôn nguôi buồn khổ, nhưng Thanh đã bắt đầu nhận ra là mình không thể để bị nhấn chìm trong đau khổ. Hơn nữa, dù còn một chút hy vọng nhỏ nhoi, nhất định cũng không được bỏ cuộc. Biết đâu rồi cha mẹ cũng sẽ nghĩ lại và đổi ý...

    
Thanh về lại Nha Trang và thấy lòng nhẹ nhõm hơn. Chàng cảm thấy Sư Bà nói rất đúng, buồn khổ cũng chẳng giúp ích được gì. Thay vì vậy, Thanh nghĩ mình cần thêm thời gian và lý lẽ để thuyết phục cha mẹ, cho dù chàng cũng thực sự chưa biết phải thuyết phục như thế nào. Đành phải chờ đợi thôi.

    
Nhưng rồi Thanh không phải chờ lâu. Ngay hôm sau, khi Thanh còn chưa trở lại đơn vị thì cả nhà đã cùng vui mừng chào đón những vị khách đặc biệt. Sư Bà Từ Hương cùng hai sư cô khác đã bất ngờ ghé đến thăm gia đình Thanh. Sư Bà cho biết có Phật sự ở một chùa gần đó nên nhân tiện ghé qua thăm viếng vì cũng đã lâu không gặp cha mẹ Thanh. Trưa hôm ấy, Sư Bà vui vẻ nhận lời mời của cha mẹ Thanh ở lại dùng cơm chay. Sau bữa cơm, đến lúc dùng trà Thanh khéo léo xin phép vào trong để những người lớn ngồi lại trò chuyện. Chàng có cảm giác như chuyến thăm này của Sư Bà hẳn là vì chuyện của mình.

    
Nhưng Sư Bà dường như không đề cập gì đến chuyện của Thanh, chỉ nhắc nhở cha mẹ Thanh về chuyện tu niệm hằng ngày cũng như khuyên hai người nên có thời niệm Phật thường xuyên vào buổi tối. Mãi đến lúc sắp chia tay, Sư Bà mới nhìn thẳng vào cha mẹ Thanh và nói, giọng nhỏ vừa đủ nghe:   

     - Sư đã nghe cháu Thanh kể về chuyện lứa đôi của nó. Sư lấy làm lạ vì sao hai người lại khắt khe như vậy. Chuyện hôn nhân là hạnh phúc một đời của bọn trẻ, không nên dùng quyền làm cha mẹ để ngăn cản. Nếu chúng nó đã lựa chọn đến với nhau thì đó cũng là duyên số, hai người không nên cố chấp mà làm khổ bọn trẻ. Sư nghe cháu Thanh nói hai người sợ nó lấy vợ Thiên chúa giáo rồi sẽ bỏ việc thờ cúng ông bà. Nghĩ vậy là không đúng. Việc thờ cúng ông bà tổ tiên phải xuất phát từ tấm lòng, không thể do cưỡng ép mà được. Nhưng nếu trong lòng đã có sự hiếu kính, không quên nguồn cội, thì đâu ai có thể làm nó thay đổi được? Sư chỉ nói vậy thôi, hai người nên suy nghĩ lại, đừng vì ý riêng của mình mà làm cho con cái đau khổ, không khéo sau này rồi phải ân hận.

    
Khi nói câu cuối cùng, giọng Sư Bà như chậm lại và hơi nhấn giọng, như có hàm ý gì đó không muốn nói thẳng ra, nhưng có vẻ như cha mẹ Thanh đã hiểu được. Hai người chầm chậm tiễn chân Sư Bà ra xe và lộ vẻ trầm ngâm suy nghĩ.

    
Nấp sau cánh cửa nhỏ, Thanh lắng tai nghe rõ trọn vẹn câu chuyện và cũng quan sát thấy được phản ứng của cha mẹ mình. Trong lòng chàng khấp khởi vui mừng và lóe lên một tia hy vọng. Quả thật, chuyến “hạ san” này của Sư Bà là hoàn toàn có chủ ý và Thanh tin tưởng vào ảnh hưởng của Sư Bà đối với cha mẹ mình, vấn đề bây giờ là cần phải có thêm thời gian để hai người suy nghĩ...

    
Trong khi Thanh đã thấy được một chút hy vọng cho tương lai hai người thì tội nghiệp thay, Dung vẫn còn chìm ngập trong đau khổ. Mỗi ngày qua đi đối với Dung vẫn như dài dằng dặc với nhớ thương gặm nhắm, cho dù nàng cũng chỉ vừa mới rời xa Thanh chưa bao lâu. Hơn nữa, nỗi lo lắng về một tương lai bất định khi cha mẹ hai bên đều phản đối ĐẶC SAN VĂN HÓA PHẬT GIÁO 506 chuyện hôn nhân làm cho Dung có cảm giác như cuộc đời này đầy những bất trắc đang chờ đón mình.

    
Suốt buổi chiều nằm vùi trong chăn không buồn dậy ăn tối, Dung cảm thấy tủi thân và cô độc dù đang sống giữa Sài Gòn hoa lệ. Dung suy nghĩ miên man, nhớ những ngày sống chung trong gia đình, nhớ mẹ, nhớ cả những khóm hoa vườn sau lúc nào cũng chờ đón Dung tưới nước vào buổi chiều... Rồi Dung nhớ đến anh Đạt. Ừ, mà cũng tại anh Đạt nên Thanh mới gặp Dung, để bây giờ Dung buồn khổ thế này thì anh lại ở xa tít tắp mãi bên kia địa cầu. Giá như có anh ở nhà, thế nào Dung cũng sẽ kể hết cho anh nghe tâm sự của mình, thế nào rồi anh cũng có cách che chở, chiều chuộng Dung như từ thuở bé vẫn vậy... Nhưng anh ở xa quá mà...

    
Nghĩ đến đây Dung vùng dậy, thay quần áo thật nhanh rồi vội vàng đi gọi điện thoại cho anh Đạt. Ừ, có vậy mà mấy hôm nay nghĩ không ra. Thế nào anh Đạt cũng “về phe” với Dung, sẽ thuyết phục mẹ chuyện này... Giờ này bên ấy cũng vừa sáng, chắc anh ấy vẫn còn chưa đến trường...

    
Quả đúng như vậy. Sau khi nghe Dung mè nheo khóc kể đủ điều, anh Đạt lựa lời an ủi rồi nói chắc như đinh đóng cột: “Không được buồn khóc nữa. Chuyện này để anh lo, anh sẽ có cách. Việc của em là phải học thật giỏi, cuối năm cho xong Tú Tài toàn phần, nếu không thì đừng có mà năn nỉ anh... tha tội.”

    
Trò chuyện với anh Đạt xong, Dung như nhẹ hẳn cả người. Ừ, anh ấy nói đúng, có phải trời sập đâu mà rối lên như thế chứ! Anh ấy vẫn vậy, lúc nào cũng là chỗ dựa vững chắc cho Dung. Từ ngày ba mất, anh như càng yêu thương Dung gấp bội. Chuyện gì anh cũng chiều chuộng, lo lắng cho Dung... nhưng mà anh cũng nghiêm khắc lắm. Cứ học điểm kém đi là sẽ “biết tay” anh ấy. Anh vẫn thường nói với Dung, việc học là tương lai, là cách đền đáp công ơn cha mẹ... Muốn gì cũng được, nhưng phải học cho thật giỏi rồi mới “nói chuyện” với anh ấy được. Bởi vậy, chính anh là người luôn nêu gương đi trước. Năm ấy có biết bao nhiêu người chen chân nhau mà anh vẫn giành được học bổng toàn phần đi du học Mỹ thật ngon lành, khiến bạn bè ai cũng phải nhìn anh ngưỡng mộ và không khỏi ghen tỵ...

    
Cũng chẳng biết “cách” của anh Đạt là như thế nào, nhưng Dung tin tưởng lắm. Đêm ấy Dung ngủ thật ngon và không còn lo lắng nhiều nữa. Anh Đạt đã hứa là sẽ làm được. Anh không thể để cho “con bé Dung” buồn đau khổ sở được. Thế nào anh cũng có cách! Dung phải tin tưởng anh.

    
Hôm sau, Dung đi học vừa về đến nhà trọ thì thấy dường như trong nhà có khách. Hóa ra là vợ chồng bác Bảo cùng đến thăm Dung. Bác Bảo là anh của ba, từ ngày ba Dung mất thì bác luôn là người bảo bọc, giúp đỡ mẹ con Dung khi cần thiết. Vì nhà của hai bác ở quá xa trường Dung học, nên mẹ Dung mới phải gửi Dung trọ ở nhà người bạn thân của mẹ. Thỉnh thoảng bác Bảo vẫn ghé thăm để theo dõi, hỏi han về việc học của Dung. Dù vậy, Dung vẫn thấy hơi bất ngờ khi hai bác đến thăm lần này mà không gọi điện báo trước.

    
Trò chuyện một lát, bác Bảo nhìn Dung rồi cười nói:

     - Thật không ngờ cháu của bác lớn nhanh đến thế, đã biết yêu rồi kia đấy!

    Dung bất ngờ đỏ mặt, cúi xuống thẹn thùng không nói. Bác Bảo lại cười lớn:

     - Cháu không cần phải giấu, thằng Đạt đã kể hết cho bác nghe rồi. Nó gọi điện về gặp bác, một hai bảo bác phải sớm lo chuyện này. Thôi được, tuần tới bác sẽ sắp xếp vài ngày về Phan Rang gặp mẹ con vậy.

     Dung đi từ bất ngờ này sang bất ngờ khác. Ô, anh Đạt đúng là cao cờ, mà sao Dung lại không nghĩ ra được nhỉ? Còn ai “có uy” với mẹ hơn bác Bảo? Thảo nào anh ấy nói “đã có cách”, hóa ra là “cầu viện” ngay đến bác Bảo. Trong lòng Dung khấp khởi mừng thầm, có hai bác thuyết phục thì hy vọng mẹ Dung sẽ đồng ý cuộc hôn nhân này. Nghĩ vậy, Dung rụt rè nói:

     - Dạ, tuần tới cháu cũng được nghỉ mấy ngày. Hay là hai bác cho cháu cùng đi về thăm nhà được không ạ?

     Bác Bảo nhìn Dung cười cười:

     - Có phải thăm nhà thật không, hay là muốn đi theo “thăm dò” cho yên bụng?

    
Dung lại thẹn đỏ mặt cúi đầu, rồi cả hai bác cháu cùng cười vui vẻ. Giữ đúng lời hứa, tuần sau đó hai bác đi xe nhà về Phan Rang và cho Dung cùng đi. Lúc hai bác sắp đem chuyện của mình ra nói với mẹ, Dung liền giả vờ đi ra vườn sau tưới hoa nhưng rồi chỉ bước đến sau cửa thì dừng lại, đứng yên nghe ngóng. Dung nghe mẹ nhắc lại những điều đã nói với mình trước đây, nghĩa là bà yêu cầu Thanh phải hứa cải đạo nếu muốn cưới Dung. Bác Bảo dường như trầm ngâm một lúc rồi mới nói:

     - Cô nghĩ vậy là không đúng rồi. Chẳng lẽ Chúa Trời vì thiếu người tin theo nên phải nhờ đến cô ép buộc người khác cải đạo? Tín ngưỡng là chuyện tự do của mỗi người, sao cô có thể bắt buộc người khác theo ý mình? Cứ cho là thằng bé vì muốn cưới được vợ mà nghe lời cô cải đạo, vậy thì trong lòng nó liệu có thật kính Chúa hay không? Hay chỉ là đối phó cho qua chuyện, rồi mai sau cô có sống đời mà ép buộc nó được chăng? Hơn nữa, mỗi người tự chọn một tôn giáo thích hợp với mình, không thể cho rằng đạo của người khác là thua kém đạo của mình. Cô là cô giáo thì cũng thừa biết sự thật trong lịch sử, thử hỏi vài ba trăm năm trước, ông bà tổ tiên của tôi với cô theo đạo gì? Chẳng lẽ khi Thiên Chúa giáo chưa truyền đến thì ông bà tổ tiên mình không có tôn giáo nào để theo hay sao? Tôi biết gia đình mình theo Thiên Chúa giáo từ lâu, nhưng cũng không nên vì thế mà suy nghĩ không tốt về tôn giáo khác, muốn cho tất cả mọi người đều chọn lựa giống mình. Hơn nữa, chuyện hôn nhân và tín ngưỡng là hai việc khác nhau, cô không thể gộp lại để ra điều kiện như vậy được. Cô suy nghĩ như thế không phải kính Chúa, mà là hạ thấp sự cao quý của Chúa đó. Theo tôi, cô phải để cho tụi nhỏ tự suy nghĩ, cân nhắc chọn lựa, bởi vì rồi chúng cũng sẽ tự chịu trách nhiệm về sự lựa chọn đó.

    
Mẹ Dung im lặng hồi lâu, dường như không biết phải biện bạch thế nào. Lát sau, bác Bảo lại nói tiếp:

     - Tôi cũng chỉ góp ý vậy thôi, tất nhiên tùy nơi cô quyết định. Nhưng tôi mong cô hãy suy nghĩ cho thấu đáo, đừng vì những nếp nghĩ cổ xưa đã lỗi thời mà làm khổ bọn trẻ.

    
Ngừng một chút, bác Bảo nói với giọng chậm và rõ hơn:

     - Mà này, thằng Đạt cũng biết chuyện rồi và nó hoàn toàn ủng hộ em nó đấy.

     Ồ, bác Bảo thật là tinh ý, vì từ ngày ba mất, dường như chuyện gì trong nhà mẹ cũng hỏi ý và thường nghe lời anh Đạt. Ngay cả khi anh ấy đã đi du học rồi mà trong nhà có chuyện gì quan trọng mẹ cũng đều điện thoại sang hỏi ý anh. Bác Bảo cố ý nhắc cho mẹ biết anh Đạt đã về “phe ta” rồi thì chuyến này xem ra mẹ “tứ bề thọ địch”, chắc không “chống đỡ” gì được, thua là cái chắc!

    
Dung khấp khởi mừng thầm trong bụng, giờ chỉ còn chờ đợi để mẹ “thấm đòn” thôi, thế nào rồi mẹ cũng phải suy nghĩ lại. Quả nhiên, Dung nghe giọng mẹ trả lời bác Bảo đã có vẻ hòa hoãn khác đi:  

    - Dạ, em nhớ lời anh chị Hai, để em suy nghĩ lại.

    
Sau khi đi Phan Rang về, Dung lại nhận được tin tốt lành từ Thanh. Hy vọng lại bùng lên trong tim hai người. Dù sao đi nữa, trước sự chống đối của cả hai bên gia đình, họ vẫn còn có được sự ủng hộ của những người thân biết suy nghĩ thấu tình đạt lý và không cố chấp vào những quan niệm cũ. Nghe lời anh Đạt, Dung yên tâm nỗ lực học hành và cuối năm đã thi đậu Tú Tài toàn phần. Cùng với tin vui đỗ đạt, mẹ Dung cũng chính thức đồng ý chuyện tiến tới hôn nhân của Thanh và Dung. Trong khi đó, từ sau lần “hạ san” của Sư Bà Từ Hương, cha mẹ Thanh cũng thay đổi hẳn thái độ, chẳng những không ngăn cản mà còn hối thúc Thanh hãy “cưới vợ liền tay”. Dường như cha mẹ Thanh lo lắng nhiều về câu nói của Sư Bà nên không muốn “sau này rồi phải ân hận”.

    
Thế là vào mùa xuân năm đó, một “đám cưới nhà binh” được tổ chức tại Nha Trang, quê hương và cũng là đơn vị đóng quân của chú rể.

    
Đám cưới tuy không linh đình nhưng đầy ắp niềm vui của bà con, bạn bè đến chúc tụng cho cô dâu chú rể. Hai kẻ yêu nhau trong nghịch cảnh, tưởng như cuộc tình đã tan vỡ, nhưng với niềm tin và tình yêu chân thành, cùng sự giúp đỡ của những người thân yêu, họ đã làm thay đổi được những quan niệm cổ hủ của các bậc cha mẹ xưa nay từng làm khổ biết bao người.

    
Phương Quỳnh (Diệu Thiện)



[1] Áo lụa Hà Đông - thơ Nguyên Sa, Ngô Thụy Miên phổ nhạc.

[2] Nha Trang ngày về, nhạc Phạm Duy



facebook-1

***
youtube
 
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
01/10/2012(Xem: 4393)
Trong thơ văn Phật giáo có hai câu thơ quen thuộc : Thấy nguyệt tròn thì kể tháng Nhìn hoa nở mới hay xuân. Các bạn trẻ hôm nay có thể nghĩ rằng đó chỉ là văn chương, là nói quá, thậm chí là nói không thật. Không phải vậy đâu. Thời nay của các bạn, gần như nhà nào cũng có tờ lịch treo tường, có xấp lịch gỡ từng ngày một. Hồi xưa thì không. Năm mươi năm trước, ở mỗi làng chỉ có chừng hai nhà mua được cuốn lịch Tàu, ghi ngày tháng âm lịch.
11/09/2012(Xem: 3440)
Mỗi khi đọc Lại-Tra-Hòa-La trong kinh Trung A Hàm 1 thì lúc nào tôi cũng liên tưởng đến nhân vật Siddharta trong tác phẩm Câu Chuyện Dòng Sông (do Phùng Khánh và Phùng Thăng dịch) của Hermann Hesse. Và tôi vẫn nghĩ rằng thế nào thì Hermann Hesse cũng có đọc Trung A Hàm, vì đọc tiểu sử của văn hào Đức từng đoạt giải Nobel Văn chương vào năm 1946
13/08/2012(Xem: 4156)
Năm nay, thời tiết tháng ba bỗng lạnh hơn những năm trước rất nhiều (hay tại mình già hơn năm trước mà cảm thấy thế?) Gió tháng ba này cũng lạ! chúng mang cái buốt giá căm căm của tháng ba miền Bắc Việt Nam, chứ không phải là gió xuân của Cali ấm áp Hoa Kỳ như thuở nào. Ai bảo đất trời tuần hoàn Xuân Hạ Thu Đông không có chợt nắng chợt mưa, như chúng sanh chợt cười, chợt khóc!
09/08/2012(Xem: 11079)
Âm vang của tiếng vọng “Hòa Bình” là niềm khao khát của nhân loại nói chung và của từng dân tộc nói riêng. Thế kỷ 20 với hai cuộc thế chiến hãi hùng đã đẩy đưa nhân loại xuống vực thẳm của điêu linh và chết chóc. Chiến tranh đồng nghĩa với tàn phá và hủy diệt, và cũng chính trong đêm đen tột cùng của chiến tranh, tiếng vọng “Hoà Bình” đã vang lên để thức tỉnh lòng người. Hòa bình đồng nghĩa với cọng tồn và an lạc, là niềm ước ao của mọi tâm hồn hướng thiện. Chiến tranh xuất phát từ tham, sân, si, thì hòa bình phải khởi đi từ lòng nhân ái và lửa Từ Bi. Đó là ý niệm bàng bạc trong toàn bản trường ca thi phẩm của Tuệ Đàm Tử, tức Hòa Thượng Thích Giác Lượng
24/06/2012(Xem: 11065)
Bạch Xuân Phẻ là nhà thơ không xa lạ gì với nhiều người. Anh còn có biệt-hiệu là Tâm Thường Định. Thơ anh đã xuất-hiện trên nhiều trang mạng, trên báo-chí trong và ngoài nước. Anh đã cho ấn-hành bốn tập thơ “Hương Lòng”, “Mẹ, Cảm-Xúc Và Em”, “AWAKEN: Buddhism, Nature, and Life”, và “Tưởng Niệm và Tri Ân”.
23/05/2012(Xem: 3208)
Một vầng sáng giữa trời. Hoa đốm trên không chăng? Hay biểu tượng trầm mặc của người thơ? Là trăng. Trăng ư? Thiên cổ lại có trăng là Mẹ Mẹ của nhân gian trong cơn đại mộng li bì. Của muôn vạn con trăng nhảy múa giữa mắt người hôn trầm vạn tưởng. Mặt gương tròn lớn.
23/05/2012(Xem: 5193)
Bà già nhìn xuống dòng sông nước đục lờ, dõi theo một khúc gỗ đang trôi lững lờ theo con nước dập dềnh lên xuống đến khúc quanh ở cuối làng, nơi hai ống khói cao nghệu của nhà máy thả lên trời những cụm khói đen bay tản lạc trong gió chiều hoàng hôn. “Mới đó mà đã 20 năm, ông nhỉ?” bà nói mà không nhìn vào ông già ngồi cách mình một sải tay, trên phiến đá bám đầy rêu xung quanh hông.
22/05/2012(Xem: 3518)
Bây giờ, trong không gian yên tĩnh và nhỏ nhắn của ngôi nhà nơi ông và bà đã sống với nhau suốt 50 năm qua, chỉ còn lại hai người với nhau. Các con ông đã quay về với cuộc sống mưu sinh tất bật của chúng, để lại ông nằm trên giường với cơn bệnh hiểm nghèo đang chờ đến giai đoạn bộc phát cuối cùng, và bà, thanh nhã, khiêm nhường, ngồi lặng lẽ một bên, lắng nghe những hơi thở mỏi mòn đang đứt nhịp của ông. Bà chăm chú nhìn xuống khuôn mặt thân yêu quen thuộc đã ở bên cạnh bà suốt cả quãng thời gian dài dằng dặc của một kiếp người. Bầu không khí tĩnh lặng của mùa đông như chững lại với tiếng reo lanh canh của chiếc khánh treo ngoài lan can.
03/05/2012(Xem: 3609)
Bính âm (pinyin) hay Hán Ngữ Bính âm 漢語拼音/汉语拼音 (theo thứ tự phồn thể/giản thể) là một cụm danh từ mới xuất hiện từ thập niên 1950 - chính phủ TQ (Trung Quốc, Trung Hoa Lục Địa) cải tiến nhiều lần và gần đây cũng được Đài Loan chấp nhận (2009) tuy đã có hệ thống pinyin riêng (Thông Dụng Bính âm - xem thêm phần Phụ chú).
08/04/2012(Xem: 3384)
Kính thưa Thầy, Thầy về cõi Phật lòng thanh thoát. Con ở dương trần dạ tiếc thương. Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 năm đầu tiên vắng Thầy, đọc lại « Nữa chữ cũng là Thầy » để các thế hệ học trò cũ của Thầy mãi mãi nhớ ơn Thầy, người giáo viên nhân dân, kỹ sư tâm hồn, người ươm mầm non tương lai cho quê hương, đất nước…
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]