Vĩnh Hảo
Ai cũng tin rằng tương lai sẽ như vầy, như vầy, đúng như hôm qua và hôm nay đã trù liệu, hoạch định và tiến hành; bởi vì cái nhân gieo xuống với sự trợ duyên của các yếu tố phụ thuộc chung quanh, một cách khoa học và kinh nghiệm, cùng với thời gian vừa đủ để một tiến trình được khai mở, phát triển, chắc hẳn có nhiều phần mang lại kết quả tương xứng, hoặc bội phần, hoặc bội bội phần.
Tuy vậy, kinh nghiệm, với những kết quả thực tế của một số sự việc, công trình, cũng cho thấy rằng, không phải lúc nào quả phải theo nhân. Bài học vỡ lòng của nhân-quả dạy chúng ta rằng các yếu tố ngoại tại có khi cũng rất quan trọng để dẫn đến kết quả như ý hay bất xứng ý. Tất nhiên khi nông gia cấy lúa xuống ruộng, đã theo kinh nghiệm lâu năm của cha-ông và nghề nghiệp: biết chọn giống tốt, biết lúc nào gieo mạ, cấy mạ, đưa nước vào ruộng, xả nước khỏi ruộng, xịt thuốc trừ sâu, v.v… Nhưng cũng nông vụ nầy, năm ngoái trúng mùa, năm nay bão giông lũ lụt lại thêm các đập thủy điện xả nước, lúa sẽ bị mất trắng.
Hạt lúa là nhân, cây lúa trổ bông là quả; những điều kiện hỗ trợ, tiếp sức cho hạt lúa nẩy mầm, lớn lên và trổ đòng đòng là duyên. Nhân chỉ có một; quả thường nhiều hơn cái nhân ấy; và duyên thì vô hạn, vô tận. Bởi vì, duyên của một cái nhân này có khi lại là nhân của một cái quả nào đó, hoặc là quả của một cái nhân khác. Chính vì tương quan chồng chéo đan xen như thế giữa các sự thể, nhà Phật gọi là trùng trùng duyên khởi, trùng trùng tương duyên – qua đó, sự sinh khởi của bất cứ sự thể, sự kiện, sự vật nào, từ hữu hình đến vô hình, đều có sự tương trợ và tác thành bởi vô số điều kiện nhân duyên khác. Một sự thể vừa là quả, vừa là nhân, cũng vừa là duyên cho một hay nhiều sự thể khác. Một sự thể vừa là chủ thể, mà cũng vừa là đối tượng của một chủ thể khác. Mỗi chủ thể đều có tác động đồng thời chịu tác động, gián tiếp hay trực tiếp, thuận hay nghịch, từ một hay nhiều, hay vô số đối tượng và chủ thể khác không phải là nó. Vì vậy, thực ra không có sự thể nào tự sinh khởi, cũng không có sự thể nào có tự tính riêng biệt của nó (vô tự tính). Không gì hiện hữu một cách độc lập. Tất cả đều tùy thuộc vào nhau (tương thuộc), hỗ trợ nhau (tương duyên), và làm nhân cho nhau (tương sinh). Cái này có thì cái kia có, cái này không thì cái kia không (1). Nhưng cũng chính vì tất cả sự thể đều tùy thuộc hỗ tương, không sự thể nào có tự tính độc lập, nên thực sự không có gì là nhân, là duyên, là quả. Từ chỗ này, Đại sư Long Thọ nói: không gì được sinh ra hay diệt đi; không gì thường hằng hay đoạn diệt; không gì đồng nhất hay dị biệt; và không gì đến hay đi (2). Bát-nhã Tâm kinh cũng nói: “Bởi vì tướng của các pháp là không (tự tính), nên không có sinh-diệt, dơ-sạch, tăng-giảm” là vì thế (3).
Nghiệm sâu từ đó, không phải để chối bỏ thực tại vô thường của thế giới tương đối, hay cố gắng truy tìm thực tại tuyệt đối vượt khỏi biên tế trần gian; mà chỉ để thực tập một cách nhìn vượt khỏi những nhị nguyên, đối đãi.
May ra, ở chỗ tận cùng bế tắc của đường ngôn ngữ (4), có thể thấy thấp thoáng đâu đó chỗ kỳ tuyệt của bản tâm, nơi đó, không có chỗ khởi đầu và kết thúc.
Suy cho cùng, một sát-na, một ngày, một tháng, hay một năm cũng thế. Không có sự bắt đầu hay kết thúc của không gian và thời gian. Không sinh nên không diệt. Vô thủy nên vô chung.
Nơi ruộng đồng kia, lúa nẩy mầm.
Và mùa xuân lại đến.
California, ngày 20.12.2020
Vĩnh Hảo
_________
(1) Kinh Phật Tự Thuyết (Tiểu Bộ I), nguyên lý Duyên khởi được nêu như sau:
“Vì cái này có nên cái kia có
Vì cái này không nên cái kia không
Vì cái này sinh nên cái kia sinh
Vì cái này diệt nên cái kia diệt.”
(2) Bát bất (tám cái không) mà Long Thọ (Nāgārjuna) nêu lên như là tiêu đề cho toàn bộ Trung Quán Luận:
“Bất sinh diệc bất diệt
Bất thường diệc bất đoạn
Bất nhất diệc bất dị
Bất lai diệc bất xuất
Năng thuyết thị nhân duyên
Thiện diệt chư hí luận
Ngã khể thủ lễ Phật
Chư thuyết trung đệ nhất.”
Tạm dịch:
Không sinh cũng không diệt
Không thường cũng không đoạn
Không một cũng không khác
Không đến cũng không đi
Tuyên thuyết pháp nhân duyên
Khéo diệt mọi hí luận
Con cúi đầu lạy Phật
Bậc đạo sư đệ nhất.
(3) “Thị chư pháp không tướng: bất sinh, bất diệt, bất cấu, bất tịnh, bất tăng, bất giảm.”
(4) “Ngôn ngữ đạo,” (con đường của ngôn ngữ văn tự), chữ dùng của Đại Trí Độ Luận, trong “Ngôn ngữ đạo đoạn, tâm hành xứ diệt,” nghĩa là cắt đứt con đường ngôn ngữ, dập tắt chỗ vận hành của tâm.
***