Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

114. Kinh Nên & Không Nên Hành Trì

19/05/202011:29(Xem: 11004)
114. Kinh Nên & Không Nên Hành Trì

TAM TẠNG THÁNH KINH PHẬT GIÁO

TẠNG KINH (NIKÀYA)
Thi Hóa
TRUNG BỘ KINH

( Majhima  Nikàya )


Tập IV
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU
Dịch sang tiếng Việt từ Tam Tạng Pàli

Chuyển thể Thơ :

Giới Lạc  MAI LẠC HỒNG  tự TUỆ NGHIÊM

 ( Huynh Trưởng Cấp Tấn  - GĐPTVN tại Hoa Kỳ )

Email : [email protected]


114. Kinh NÊN HÀNH TRÌ, KHÔNG NÊN HÀNH TRÌ

( Sevitabha – Asevitabha S.)

 

Như vậy, tôi nghe :

 

          Một thời nọ Thế Tôn Thiện Thệ 

          An trú tại Xá-Vệ thành này

              Sa-Vát-Thí  cũng là đây

       Kỳ Viên Tinh Xá  hôm mai tịnh, hòa

          Còn có tên Chê-Ta-Va-Ná    (Jetavana - Kỳ Viên)

          Cấp-Cô-Độc Trưởng-giả tín gia

              A-Na-Thá-Pin-Đi-Ka

       Tín thành dâng đến Phật Đà trước đây.

 

          Tại nơi này Ngài gọi Tăng Chúng :

 

    – “ Này Tăng Chúng ! Hãy khéo nghe đây ”.

              Chư Tỷ Kheo tại nơi này

       Vâng đáp lời Phật. Rồi Ngài thuyết ra :

 

    – “ Các Tỷ Kheo ! Nay Ta sẽ giảng

          Cho các ông viên mãn pháp ni :

             ‘Nên hay không nên hành trì’

       Hãy nghe và hãy nghiệm suy kỹ càng ”.

 

          Chư Tăng trong đạo tràng vâng đáp.

          Rồi Thế Tôn thuyết pháp an lành :

 

(Lời giảng đầu tiên)

 

              Các ông ! Ta nói thân-hành

       Thời có hai loại : ‘Nên hành trì’ đi !

          Và ‘Không nên hành trì’, phải loại !                 

          Ta cũng nói  khẩu-hành, ý-hành

              Cũng có hai loại : ‘Nên hành’

       Cùng loại khác : ‘Không nên hành trì’ qua.

          Và đây là sự tương đối của

          Giữa thân, khẩu, ý hành như vầy.

 

              Ta nói tâm sanh ở đây

       Cũng có hai loại : Loại đây ‘nên hành’

          Loại khác ‘không nên hành trì’ tới

          Đây là sự tương đối tâm sanh.

 

              Ta nói tưởng đắc rõ rành

       Cũng có hai loại : ‘Nên hành trì’ đi !

          Và ‘không nên hành trì’ một loại,

          Là tương đối giữ tưởng đắc đây.

 

              Kiến đắc, các Tỷ Kheo này !  

       Cũng có hai loại : Loại đây ‘nên hành’,

          Và loại ‘không nên hành trì’ tới,

          Là tương đối giữa kiến đắc trên.

 

              Hai ngã tánh đắc nêu lên

       Nên hành trì với không nên hành trì,

          Sự tương đối phạm vi diễn tả

          Giữa điều ngã tánh đắc nêu ra.

 

(Giảng rộng)

 

              Được nghe từ đấng Phật Đà

       Tôn-giả Sa-Rí-Pút-Ta, tức là

          Xá-Lợi-Phất – thưa qua với Phật :

 

    – “ Bạch Thế Tôn ! Lời Phật nói ra

              Một cách vắn tắt thông qua

       Không giải rộng rãi, sâu xa nghĩa này

          Nhưng con nay hiểu ý nghĩa ấy

          Một cách thật rộng rãi như vầy :

             Ngài nói thân hành có hai :

      ‘Không nên hành tới và hay hành trì’,

          Do duyên gì Ngài nói như thế ?

          Bạch Thiện Thệ ! Một thân hành nào

              Hành trì, bất thiện tăng cao

       Thiện pháp thối giảm lao đao như vầy,

          Thân hành này không nên hành tới.

 

          Bạch Thế Tôn ! Còn với thân hành

              Hành trì, bất thiện giảm nhanh,

       Thiện pháp tăng trưởng, phải nhanh hành trì.

 

       * Thân hành gì thực hành, tức khắc 

          Bất thiện pháp tăng trưởng, chẳng lành 

              Thiện pháp thối giảm thật nhanh ?

       Bạch Phật ! Như kẻ sát sanh, bạo tàn

          Tay lấm máu, tâm càng độc ác,

          Chuyên tàn sát, thích chuyện sát sinh,

              Không từ bi, gây hãi kinh

       Đối với các loại hữu-tình khắp nơi.

 

          Hoặc là kẻ mọi thời trộm cướp

          Lấy của người không được thuận lòng,

              Cướp giựt, lấy trộm, lường công

       Tại thôn làng hoặc ở trong núi rừng.

 

          Sống tà hạnh, không ngừng dục vọng  

          Có hành động cưỡng chiếm, gian dâm

              Với các hạng nữ trong tầm

       Có mẹ, cha, anh, chị ngầm chở che,

          Có bà con, chồng… che chở lấy,

          Được hình phạt roi gậy chở che,

              Đến những thiếu nữ cập kê   

       Vòng hoa trang sức, nhiều bề tú thanh.

          Bạch Thế Tôn ! Thân hành như vậy

          Hành trì, thấy thiện pháp giảm suy

              Bất thiện pháp tăng tức thì.

       Bạch Phật ! Còn thân hành gì thực thi

          Bất thiện pháp tức thì suy giảm

          Còn thiện pháp bảo đảm tăng cao ?

              Bạch Thế Tôn ! Có người nào

       Từ bỏ giết hại, bỏ đao trượng cầm

          Biết tàm quý, từ tâm thương hại

          Đến hạnh phúc muôn loại chúng sinh,

              Thương xót các loài hữu tình,

       Người ấy từ bỏ, tự mình không tham

          Không lấy của không làm nên đó

          Và không có lấy của không cho,

              Bất cứ tài vật nào do

       Người khác đã tạo nhỏ to mặc dầu

          Tại thôn làng, rừng sâu hẻo lánh.

 

          Từ bỏ sống tà hạnh, dục tâm 

              Không giao cấu các nữ nhân

       Được sự che chở về phần mẹ cha,

          Được anh chị hay là thân thuộc,

          Có chồng hay pháp luật chở che…

              Thân hành như vậy, nhất tề

       Bất thiện pháp giảm, thiện đề tăng cao.

 

       * Khẩu hành nào cũng có hai loại : 

         ‘Chớ hành trì’ và loại ‘nên hành’ 

              Sự tương đối giữa khẩu hành.

       Thế Tôn đã nói ngọn ngành điều ni.

          Do duyên gì Ngài nói như thế ? 

          Bạch Thiện Thệ ! Một khẩu hành nào

              Khiến bất thiện pháp tăng cao,

       Thiện pháp thối giảm, nơi đâu người nào

          Thường vọng ngữ, đi vào hội sở,

          Tập họp chỗ đông đảo nói chung,

              Đến chỗ thân tộc tập trung,

       Giữa các tổ hợp, hoàng-cung đông người

          Hay được mời làm chứng, được hỏi :

         ‘Xin hãy nói những gì biết đi !’

              Dầu cho y không biết gì

       Nhưng vẫn nói biết, biết thì nói không,

          Thấy mà nói là không hề thấy,

          Không thấy nói là thấy rõ vầy.

              Như vậy lời nói người này

       Cố ý vọng ngữ, lời đầy dối gian,

          Vì nguyên nhân vị kỷ, tự lợi,

          Liên quan tới tha nhân ghét, yêu

              Hay vì quyền lợi ít nhiều.

 

       Hoặc nói hai lưỡi theo chiều riêng tây

          Đến người này nói xấu người nọ,

          Đến người nọ nói xấu người này

              Khiến sinh chia rẽ sâu dày,

       Ly gián những kẻ thẳng ngay hợp hòa

          Xúi giục qua những kẻ ly gián

          Dùng thủ đoạn phá hoại cho tiêu.

 

              Nói lởi độc ác đủ điều

       Khiến người tức giẫn, bị nhiều khổ đau.

          Không đưa vào Thiền định tịch tịnh,

 

          Hoặc người thích nói lời phi thời,

              Nói lời phù phiếm, nói chơi,

       Lời không lợi ích, nói lời phi chơn,

          Lời phi pháp, nguồn cơn phi luật,

          Lời bản chất không đáng giữ gìn.

 

              Vì nói phi thời, lời mình

       Không có thuận lý, không sinh lợi gì,

          Không mạch lạc, không vì hệ thống,

          Lời hư vọng… Khẩu hành như vầy

              Khi hành trì thời có ngay

       Tăng bất thiện pháp, thiện rày giảm suy.

 

          Bạch Phật ! Khẩu hành gì thực hiện

          Các thiện pháp phát triển, tăng cao

              Bất thiện pháp thời giảm mau ?

       Ở đây, như có người nào thiện lương

          Luôn kiên cường tránh xa vọng ngữ,

          Từ bỏ mọi vọng ngữ dối gian,

              Thẳng ngay, chân thật, minh quang

       Dầu giữa hội chúng muôn ngàn người ta

          Đều nói ra những lời chân hảo,

          Không nói láo, ác khẩu, ba hoa,

              Phù phiếm, hai lưỡi tránh xa.

 

       Như vậy người ấy sống hòa hợp thay !

          Và người này ưa thích hòa hợp,

          Nói lời khiến hòa hợp bền dai,

              Nói lời nhu thuận đẹp tai,

       Dễ thương, tao nhã, chúng hay vừa lòng,

          Nói đúng thời, nói trong sự thật,

          Có ý nghĩa, hợp luật, đáng gìn,

              Thuận lý, mạch lạc, quang minh,

       Khẩu hành như vậy đinh ninh hành trì

          Bất thiện pháp tức thì giảm hẳn,   

          Các thiện pháp chắc chắn tăng nhiều.

              Bạch Thế Tôn ! Đó là điều

       Ngài đã nói vậy và đều do nơi

          Duyên như vậy, nên lời nói thế

          Được Thế Tôn Thiện Thệ nói ra.

 

           * Có hai loại ý-hành là :

      ‘Không hành trì’ nó, loại ta ‘nên hành’.

          Ý hành nào khi hành trì nó

          Bất thiện pháp theo đó tăng cao,

              Các thiện pháp suy giảm mau.

 

       Còn hành trì ý hành nào trải qua

          Các thiện pháp trên đà tăng trưởng,

          Bất thiện pháp nghịch chướng giảm suy ?

 

              Bạch Thế Tôn ! Ý hành gì

       Bất thiện tăng trưởng, giảm suy thiện liền ?

          Như người chuyên tham lam của cải

          Thuộc người khác, tham ái nghĩ là :

             ‘Mong rằng tài vật hằng hà

       Của những người khác chạy qua của mình’.

          Lại có người tánh tình sâu hiểm

          Khởi hại-ý, hại-niệm như vầy :

             ‘Mong những loài hữu tình này

       Bị giết, tàn sát, diệt ngay cho rồi,

          Mong tức thời chúng không tồn tại’.

 

          Ý hành ấy khi được hành trì  

              Các thiện pháp bị giảm suy,

       Các bất thiện pháp tức thì tăng cao,

          Ý hành nào hành trì, xu hướng

          Các thiện pháp tăng trưởng tức thì,

              Các bất thiện pháp giảm suy ?

       Người không tham ái, chẳng vì tham lam

          Của người khác, tự tâm suy nghĩ :

         ‘Mong tài vật những vị làm ra

              Mãi thuộc về họ đó mà !’.

       Hoặc : ‘Mong các hữu tình xa hay gần 

          Sống không sân, không điều thù oán,

          Không nhiễu loạn, an lạc tâm thân’.

              Ý hành như vậy các phần

       Hành trì – bất thiện pháp dần giảm suy,

          Các thiện pháp tức thì tăng trưởng.

          Đức Thế Tôn Vô Thượng dạy vầy.

              Do duyên như vậy, lời này

       Đã được nói đến, chỉ ngay vấn đề.

 

       * Còn nói về Tâm sanh cũng có  

          Hai loại, đó là ‘nên hành trì’   

              Một loại ‘không nên hành trì’.

       Bạch Thế Tôn ! Tâm sanh gì trải đi

          Khi hành trì, thiện pháp giảm mãi

          Bất thiện pháp thì lại tăng ngay,

              Chớ hành trì tâm sanh này.

 

       Còn tâm sanh hành trì vầy trải qua

          Các thiện pháp thật là tăng trưởng,

          Bất thiện pháp nghịch chướng giảm suy,

              Tâm sanh ấy nên hành trì.

 

       Bạch Thế Tôn ! Tâm sanh gì ở đây

          Hành trì vầy, thiện pháp giảm mãi

          Bất thiện pháp thì lại càng tăng ?

              Nếu người có nhiểu dục tham,

       Có tâm câu hữu với tham dục này,

          Sân tâm đầy, câu hữu với hận,

          Hại tâm dẫn câu hữu hại tâm.                   

              Tâm sanh này hành trì dần

       Bất thiện tăng trưởng, giảm phần thiện đi.

 

          Bạch Phật ! Tâm sanh gì thực hiện

          Thời bất thiện pháp sẽ giảm suy,

              Các thiện pháp tăng tức thì ?

       Người không tham dục, mọi thì với tâm

          Không câu hữu với tham dục đó,

          Và không có sân hận, với tâm

              Không câu hữu với hận sân,

       Hại tâm không có, với tâm không hề

          Câu hữu về hại tâm. Như vậy

          Tâm sanh ấy nếu được hành trì

              Các bất thiện pháp giảm suy

       Thiện pháp tăng trưởng tức thì xảy ra. 

          Bạch Phật Đà ! Ngài đã nói vậy,

          Do duyên ấy, lời được nói lên.

 

            * Tưởng đắc hai loại có tên

      ‘Nên hành trì’ với ‘không nên hành trì’,

          Là tương đối giữa khi tưởng đắc.

          Vậy tưởng đắc nào khi hành trì

              Thời các thiện pháp giảm suy

       Các bất thiện pháp tức thì tăng cao ?

          Nếu người nào có nhiều tham dục,

          Tưởng mọi lúc câu hữu với sân,

              Lại có hại tâm rần rần

       Có tưởng câu hữu với phần hại tâm.

 

          Tưởng đắc nhằm hành trì như thế   

          Thiện pháp giảm đáng kể, ào ào

              Các bất thiện pháp tăng cao. 

       Bạch Thế Tôn ! Tưởng đắc nào thực thi

          Khi hành trì, thiện pháp tăng mãi

          Bất thiện pháp thì lại giảm liền ?

              Đối nghịch tâm sanh nói trên,

       Tưởng đắc như vậy thì nên hành trì.

 

       * Kiến đắc thì cũng có hai loại :

         ‘Chớ hành trì’ và loại ‘nên hành’

              Kiến đắc gì khi thực hành

       Bất thiện tăng trưởng, thiện đành giảm suy ?

 

          Bạch đức Chánh Biến Tri ! Có kẻ 

          Có tà kiến, lý lẽ như sau :

             ‘Không có lễ hy sinh nào,

       Không bố thí, tế tự nào ở đây

          Không có ngay quả dị thục đó,

          Nghiệp thiện ác, không có đời này,

              Không có đời sau dài dài,

       Không có cha mẹ, không loài hóa sanh,

          Không có danh Sa-môn, Phạm-chí   

          Chánh hướng vị, chánh hạnh, an hòa

              Với thượng trí, chứng tri, và

       Chứng đạt an trú trải qua các đời…

          Kiến đắc như vậy thời có chuyện

          Khi hành trì bất thiện tăng cao,

              Các thiện pháp suy giảm mau.

 

       Trái lại, loại kiến đắc đâu thực hành 

          Bất thiện pháp chẳng lành giảm mạnh,

          Các thiện pháp hung thạnh, tăng cao.

              Là người hành trì trước sau

       Trái ngược những điểm kể vào ở trên.

          Đức Thế Tôn nói lên như vậy          

           Do duyên ấy, lời được nói ra.

 

           * Ngã tánh đắc, bạch Phật Đà !

       Ngài đã chỉ dạy có qua hai phần :

         ‘Chớ hành trì’ và ‘cần thực hiện’,

          Là sự kiện tương đối trải đi

              Giữa ngã tánh đắc mọi thì.

 

       Loại ngã tánh đắc nào khi hành trì

          Bất thiện pháp tức thì tăng mãi

          Các thiện pháp thì lại suy mau ?

              Ngã tánh đắc có hại nào

       Vì không rốt ráo khi vào khởi sanh ?

          Còn ngã tánh đắc lành vô hại

          Vì rốt ráo khi lại khởi sanh,

              Ngã tánh đắc ấy tập thành

       Bất thiện pháp giảm, pháp lành tăng ngay.

          Về ngã tánh đắc này do tự

          Đấng Điều Ngự nói, và do duyên

              Như vậy, lời được nói lên.

 

       Bạch Phật ! Những chuyện kể trên được Ngài 

          Nói vắn tắt, con đây hiểu rõ

          Ý nghĩa rộng, sáng tỏ sâu xa ”.

 

        – “ Lành thay ! Sa-Ri-Pút-Ta !

       Lời nói vắn tắt của Ta, mặc dầu

          Không giải nghĩa rộng sâu chi cả,

          Nhưng ông đã hiểu thật sâu xa

              Ý nghĩa lời nói của Ta ”.

 

(Đức Thế Tôn khen và tóm tắt)

 

       Ngay sau đó đức Phật Đà một phen

          Đã ngợi khen Tôn-giả Đại Trí       

          Là Sa-Rí-Pút-Tá danh tri

              Rồi Ngài tóm tắt những gì

       Về hai loại : Nên hành trì hay không,

          Ý nghĩa trong Thân-hành & Khẩu & Ý,

          Tâm sanh, chí Tưởng & Kiến-đắc, và

              Ngã tánh đắc… đều có qua

       Hai loại : ‘Nên hành trì’ và ‘không nên’.

          Các điều trên nếu hành trì nó

          Các bất thiện pháp có tăng cao

              Các thiện pháp suy giảm mau

       Không nên thực hiện nhằm vào điều đây.

 

          Nếu hành trì có ngay lời giải : 

          Bất thiện pháp thì lại giảm suy,

              Thiện pháp tăng trưởng tức thì,

       Thời điều đó nên hành trì chánh chân,

          Y như phần ngài Xá-Lợi-Phất

          Đã thay Phật cặn kẻ giảng ra.

 

(Lời giảng thứ hai)

 

              Tiếp theo đó, đức Phật Đà

       Lại dạy : “ Sa-Rí-Pút-Ta ! Phải tường

          Sắc, thinh, hương, và vị, xúc, pháp

          Là sáu trần do gặp sáu căn

              Mắt, tai, mũi, lưỡi, ý, thân

       Ta nói đều có hai phần, là chi ?

         ‘Nên hành trì’, ‘không nên hành’ nó ”.

 

          Khi nghe rõ lời đấng Phật Đà 

              Tôn-giả Sa-Ri-Pút-Ta

       Bạch rằng : “ Bạch đức Phật Đà ! Ở đây

          Lời nói này được Ngài khai thị

          Được nói chỉ vắn tắt, giản đơn 

              Không giải nghĩa rộng rãi hơn,

       Nhưng con hiểu rõ về chơn nghĩa này

          Một cách đầy đủ và rộng rãi.

 

          Bạch đức Thế Gian Giải, Phật Đà !

              Lời của Thế Tôn nói ra

       Sắc nào mắt nhận thức mà ghét, yêu

          Nên hành trì hay đều chối bỏ

          Lời nói đó là do duyên gì ?

              Sắc nào do mắt mọi thì

       Nhận thức được khi hành trì, có ngay

          Các bất thiện pháp này tăng mãi

          Các thiện pháp thì lại giảm suy,

              Mắt nhận thức sắc vậy, thì

       Là điều chớ có hành trì trước sau.

 

          Mắt nhận thức sắc nào thích hạp

          Hành trì, bất thiện pháp giảm mau

              Các thiện pháp được tăng cao

       Với điều như vậy cần mau hành trì.

 

          Tiếng do tai, hương thì do mũi,

          Vị do lưỡi và xúc do thân,

              Pháp do ý nhận thức dần.

       Bạch Thế Tôn ! Với các phần trên đây

          Lục căn này nhận thức sáu thứ

          Là lục trần khi tự hành trì

              Các thiện pháp bị giảm suy

       Các bất thiện pháp tức thì tăng cao,

          Những điều nào xảy ra như thế

          Thì không thể hành trì mọi thì.

              Trái lại, khi mà hành trì

       Bất thiện suy giảm, thiện thì tăng ngay

          Thì điều này nên hành trì cả.

          Bạch Thiện Thệ ! Ngài đã nói ra

              Một cách vắn tắt, lướt qua

       Không giải nghĩa rộng, nhưng mà chính con

          Hiểu rõ ý nghĩa còn hơn thế ”.

 

(Đức Thế Tôn khen và tóm tắt phần này)

 

          Đức Thiện Thệ lại khen tài hoa

              Của ngài Sa-Ri-Pút-Ta :

 

 – “ Lành thay ! Sa-Rí-Pút-Ta ! Đúng vầy

          Lời nói này Ta nói vắn tắt

          Nhưng ông thật hiểu nghĩa sâu xa ”.

 

              Rồi Thế Tôn tóm tắt qua

       Như ngài Sa-Rí-Pút-Ta trình bày.

          Sau đó Ngài lại giảng tiếp tục :

 

    – “ Xá-Lợi-Phất ! Y phục (Tăng y)

              Có hai loại : ‘nên hành trì’

       Và một loại ‘chớ hành trì’ trải qua.

          Vật thựcsàng tọa, làng mạc

          Thị trấn hoặc đô thị, hay là

              Quốc độ, người (Búc-Ga-La)…  (Puggala)

       Cũng có hai loại, kể ra rõ rành :

         ‘Nên hành trì’, ‘chớ hành trì’ cả ”.

 

          Ngài Sa-Ri-Pút-Tá nghe vầy 

              Bạch với đức Thế Tôn ngay :

 

 – “ Thế Tôn đã nói ở đây vấn đề

          Thật vắn tắt, không hề giải rõ,

          Nhưng con có hiểu biết như vầy :

             Do duyên gì lời nói này

       Về các vật-dụng hàng ngày dùng qua.

          Tăng y và vật thực, chỗ ở,

          Làng, đô thị, quốc độ và người…

              Khi nào hành trì đến rồi

       Tăng bất thiện pháp, thiện thời giảm suy,

          Như vậy thì chớ hành trì đó.

 

          Hành trì nó, bất thiện pháp suy

              Các thiện pháp tăng tức thì

       Được như vậy, nên hành trì lâu xa.

          Đức Phật Đà đã nói như vậy

          Do duyên ấy, lời được nói ra ”.

 

        – “ Lành thay ! Sa-Ri-Pút-Ta !

       Lời Ta vắn tắt, nhưng mà chính ông

          Đã hiểu thông, giải thích rộng rãi ”.

 

          Rồi Phật lại tóm tắt như là

              Tôn-giả Sa-Ri-Pút-Ta

       Đã giải ý nghĩa rộng và viên thông.

 

          Đức Thế Tôn an tường kết luận :

 

    – “ Xá-Lợi-Phất ! Bất luận, dù là

              Bram-Ma-Na, Khách-Ti-Da,  (1)

       Vết-Sa, Sút-Đá (1) – lời Ta như vầy

          Có thể hiểu rõ ngay ý nghĩa

          Một cách thật rộng rãi đủ đầy,

              Thời tất cả những vị này

       Sẽ hưởng hạnh phúc lâu dài, lạc an ”.

     ________________________

 

   (1) : Theo Bà-La-Môn, xã hội chia ra 4 giai cấp bất di bất dịch : Bà-la-môn (Brahmana -giai cấp đứng đầu giữ phần nghi lễ, tế tự), Sát-Đế-Lỵ ( Khattiyà - giai cấp Vua chúa, quan quyền ) ; Giai cấp Phệ-Xá (Vaissa - Thương gia). Giai cấp cuối cùng bị áp chế, khinh rẻ nhất là Thủ-Đà-La hay Chiên-Đà-La ( Candala hay Sudra ) .

 

Trung Bộ (T. 4) K. 114 : NÊN & KHÔNG NÊN HÀNH  * MLH –  102

 

          Đức Thế Tôn nghiêm trang dạy thế

          Vị cao đệ Sa-Rí-Pút-Ta

              Vô cùng hoan hỷ, an hòa

       Tín thọ lời đấng Phật Đà Thế Tôn ./-  

 

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật  ( 3 L )

 

*   *

 

( Chấm dứt Kinh số 114 :

NÊN HÀNH TRÌ & KHÔNG NÊN HÀNH TRÌ  –

SEVITABHA – ASEVITABHA  Sutta )

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
03/11/2022(Xem: 3031)
Cứ mỗi lần tôi gặp một vấn đề nan giải và muốn đầu hàng ( có nghĩa là muốn buông tất cả ) thì một danh ngôn của St Exupery ngày nào …..mà trong quá khứ khi vừa 17 tuổi đời tôi đã treo, dán khắp nơi trong nhà để sách tấn cho sự nghiệt ngã của đường đời mà gia đình tôi đã gặp “ TRÊN CON ĐƯỜNG SỐ MỆNH VẠCH SẴN CHO NGƯƠI, NGƯƠI HÃY LÀM XONG SỨ MỆNH RỒI HÃY GỤC ĐẦU MÀ CHẾT “.
19/10/2022(Xem: 10657)
Kệ Tụng Giảng Giải 554 Câu Chú Lăng Nghiêm Ht Thích Tuyên Hóa Vạn Phật Thánh Thành Mỹ Quốc
20/09/2022(Xem: 2871)
Thật là một niềm đại hoan hỷ khi con nhận được lời khen của Đức Đại Trưởng Lão về bài tường thuật những điều học được khi nghe pháp thoại “Cốt tủy của Kinh Lăng Nghiêm“ được Ngài thuyết giảng vào tối thứ tư 14/9/2022 trên hệ thống Zoom của Tổng Vụ Hoằng Pháp và Giáo Dục thuộc GHPGVNTN Hải Ngoại Úc Châu và Tân Tây Lan. Kính bạch Ngài, con kính đảnh lễ và cũng kính xin Ngài cho phép con không dám nhận lời khen của Hoà Thượng vì con rất ngượng ngùng khi thấy mình không xứng đáng với lời khen mà Hoà Thượng đã ưu ái ban cho vì con đang mỗi ngày học Pháp bằng cách chép kinh từ các lời chú giải và đồng thời nghe pháp thoại liên tục không gián đoạn, con đã trộm nghĩ vô thường không biết sẽ đến lúc nào khi thời gian để đi vào biển Pháp của Như Lai và thâm nhập được chút nào dù được 1% ….quả thật còn lại quá ngắn.
19/09/2022(Xem: 3246)
Một người, do bất cẩn, gây ra tai nạn chết người. Người ta nói, người ấy hành động vô ý thức. Mỗi năm có vô số hành động vô ý thức gây tai nạn chết người như vậy trên khắp thế giới. Đó là chưa nói đến những tai hại nhỏ mà hầu như nhiều người trong chúng gây ra cho chính mình và cũng gây ra cho những người chung quanh mình không ít trong sinh hoạt thường nhật vì những hành động được nói là vô ý thức ấy.
14/09/2022(Xem: 5526)
Vào chiều ngày 10/9/2022, Tu viện Huyền Không tọa lạc tại số 14335 Story Road, thành phố San Jose, tiểu bang California, Hoa Kỳ đã tổ chức đêm thơ nhạc Huyền Không, thành kính tưởng niệm người Thầy - thi sĩ Huyền Không, người đã sáng tác trên một ngàn bài thơ, trong đó bài thơ Nhớ chùa là một tuyệt tác bất hủ:
13/09/2022(Xem: 2608)
Vào năm 2013, trong quá trình xử lý văn bản để viết tác phẩm Kinh Tứ thập nhị chương - đối chiếu và nhận định, chúng tôi vô tình đọc được Lời tựa trong tác phẩm Phật Tổ tam kinh (佛祖三經) do Vân Thủy Sa-di Thích Tại Tại (雲水沙彌釋在在) viết. Vì nhân vật này không phải là yếu tố trọng tâm của chủ đề nghiên cứu thế nên chúng tôi không đi sâu tìm hiểu mà chỉ thoáng chút ngỡ ngàng trước danh xưng của một vị Sa-di, nhưng sao lại được viết lời giới thiệu cho một tác phẩm kinh điển mang tính phổ biến vào thời ấy như thế.
08/09/2022(Xem: 2473)
Trong tinh thần đúng như TT Tổng Vụ Trưởng Thích Đạo Nguyên trong phần tổng kết buổi pháp thoại đã nhắn nhủ đến thính chúng sau giờ pháp thoại rằng: “Nghe pháp, thường xuyên nghe pháp, nghe với sự lắng tâm đầy đủ là yếu tố đặc biệt lợi ích giúp cho chúng ta tăng trưởng được sự hoan hỉ sự thanh tịnh trí tuệ, và nhiều lợi lạc khác”. Và đấy có lẽ là một đặc điểm rất đáng được tán dương mà TT Giảng Sư Thích Giác Tín đã khởi đầu cho bài giảng bằng cách đưa thành quả hiếm có nhất trong suốt 6 nhiệm kỳ của hội đồng điều hành GHPGVNTN Hải ngoại Úc Châu và Tân Tây Lan.
06/09/2022(Xem: 2603)
Chiều ngày 22 tháng 2 năm 22 chúng tôi tổ chức lễ phát động dự án “Khuyến đọc Việt Nam” đồng thời đưa ra mong muốn triển khai giải thưởng “Khuyến Đọc Việt Nam” nhằm động viên khuyến khích các tập thể và cá nhân hết mình cho công tác khuyến đọc, có những đóng góp lớn cho phát triển văn hoá đọc nước nhà. Dự án nhận được rất nhiều sự quan tâm của nhiều lãnh đạo, các cơ quan, trường học, doanh nghiệp và các cá nhân. Kết quả khiêm tốn ban đầu là đến nay 62 tủ sách đã được tặng, mỗi tháng tặng các bạn đọc cá nhân 220 cuốn sách, 91 chương trình “Đọc sách cùng nhau - Reading Books Together”, hơn 30 chương trình livestream kết nối với các tác giả, dịch giả, biên tập viên, chuyên gia,… với bạn đọc.
05/09/2022(Xem: 3019)
Tôi đã hơn một lần chứng kiến nước mắt đàn ông rơi. Cha tôi khóc, ngày mẹ buông tay cha con tôi đi theo một người đàn ông khác, mẹ mải mê kiếm tìm ảo ảnh hạnh phúc ở chân trời xa lắc mà quên đi tổ ấm bình yên. Ngày ấy, cha câm lặng như một pho tượng bằng đá, bàn tay thô ráp của cha cầm cái rựa chém mạnh vào cây chuối sau vườn nhà, thân chuối đứt đôi như duyên nợ của cha mẹ tôi gãy làm đôi mảnh
04/09/2022(Xem: 2520)
Chính vì thế mà bao người bỏ cả gia đình, của cải danh vọng, quyền thế nương nhờ của Phật để có cuộc sống yên bình. Nhưng không phải ai cũng có thể làm như vậy. Chúng ta vẫn cần và còn nợ thế gian này. Hủy hoại thân để tìm một thiên đường ảo ảnh là ngu dại. Chúng ta vẫn còn phải sống với thân tứ đại giả tạm này. Nhưng sống mà tỉnh thức. Mà muốn tỉnh thức thì phải luôn luôn giữ gìn chánh niệm. Giữ gìn chánh niệm là xa lánh kẻ hung ác, Xa lánh những nơi ăn chơi tụ họp đông người. Xa lánh những chốn mưu danh đoạt lợi. Cảnh giác với những lời hứa ngọt ngào.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]