Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

45. Tiểu Kinh Pháp Hàn

19/05/202010:21(Xem: 10753)
45. Tiểu Kinh Pháp Hàn

TAM TẠNG THÁNH KINH PHẬT GIÁO

TẠNG KINH (NIKÀYA)
Thi Hóa
TRUNG BỘ KINH

( Majjhima  Nikàya )


Tập II
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU
Dịch sang tiếng Việt từ Tam Tạng Pàli

Chuyển thể Thơ :

Giới Lạc  MAI LẠC HỒNG  tự TUỆ NGHIÊM

 ( Huynh Trưởng Cấp Tấn  - GĐPTVN tại Hoa Kỳ )

Email : [email protected]



45. Tiểu Kinh PHÁP HÀNH
( Cùladhammasamàdàna s.)
 
Như vậy, tôi nghe :
 
          Một thời, đức Thế Tôn Thiện Thệ      
          Sa-Vát-Thí – Xá-Vệ  trú qua
              Tinh Xá Chê-Tá-Va-Na  (1)
       A-Na-Thá-Pin-Đi-Ka (1) cúng dường
        ( Cấp-Cô-Độc gọi thường như thế ).
 
          Đấng Thiện Thệ gọi các Tỷ Kheo :
 
        – “ Hãy tác ý, các Tỷ Kheo ! ”.
       Tất cả Phích-Khú (2) ấy đều vâng theo.
 
    – “ Các Tỷ Kheo ! Pháp hành bốn loại
          Sao là bốn ?  Có loại pháp hành
          -  Hiện tại an lạc thấy rành
       Tương lai khổ báo sẵn dành cho y.
       -  Có pháp hành ở thì hiện tại
          Đau khổ, tương lai lại khổ đau.
           -  Có pháp hành hiện khổ đau
       Quả báo an lạc về sau sẵn dành.
       -  Có pháp hành hiện nay an lạc
Tương lai cũng an lạc, tốt lành.
 
        * “ Thế nào là loại pháp hành   
       Hiện tại lạc, tương lai thành khổ đau ”?
     ____________________________
( ): Kỳ Viên Tinh Xá – Jetavanavihàra ( tại Thành Xá-Vệ -Savatthi)
      do Trưởng-giả Cấp-Cô- Độc – Anathapindika dâng cúng .
(2) :  Bhikkhu – được phiên âm là Tỷ Kheo hay Tỳ Khưu .  
Trung Bộ (Tập 2) Tiểu Kinh 45 :  PHÁP HÀNH   *MLH  – 116
 
          Các Tỷ Kheo ! Nơi nào sở dĩ  
          Một số vị Sa-môn thuyết ra,
              Hoặc có sở kiến như là :
      ‘Không có tội lỗi trong tà dục đây’.
 
          Những vị này đắm trong các dục
          Cứ liên tục hoan lạc mê man
              Với các cô gái lang thang
       Tóc quăn, sắc đẹp, điểm trang mỹ miều.
          Họ nói liều : ‘Sao các Tôn-giả
          Bà-la-môn và cả Sa-môn
              Thấy sự sợ hãi dập dồn
      Tương lai các dục héo mòn’. Hoặc như
          Nói đến sự đoạn trừ các dục,
          Nên hiểu biết về dục như vầy.
              Họ nghĩ rằng : ‘Khoái lạc thay !
       Sự xúc chạm với bàn tay các nàng
          Da có lông mịn màng trắng bóc,
          Thật trẻ đẹp, làn tóc mượt mà’.
 
               Sau khi họ đã trải qua
       Đắm trong các dục, rồi đà mạng chung
          Phải đọa sanh khốn cùng cõi dữ
          Nơi ác thú, địa ngục sâu dày
              Ở đây, họ cảm thọ ngay
       Cảm giác thống khổ, đọa đày khổ đau.
          Họ liền nói như sau : ‘Nghĩ kỹ
          Các Sa-môn, Phạm-chí các ngài
              Thấy sự sợ hãi tương lai
       Của các dục, nói phải ngay diệt liền,
  Hoặc nêu lên hiểu biết về dục.
          Nhưng chúng ta do dục làm nhân
Trung Bộ (Tập 2) Tiểu Kinh 45 :  PHÁP HÀNH   *MLH  – 117
 
              Dục làm duyên, cảm thọ phần
       Cảm giác khốc liệt vô ngần khổ đau’.           
          Các Tỷ Kheo ! Nói vào ví dụ
          Cuối tháng hạ, vào vụ nóng đều
              Một bẹ hạt giống dây leo
       Nứt ra, một hạt rơi vèo xuống ngay
          Dưới gốc cây Sa-La ẩn trú.
          Các Phích-Khú ! Các vị thọ thần
              Trên cây Sa-La ẩn thân
       Run rẩy, hoảng hốt, sợ nhân giống này
        ( Sẽ phát triển, các dây chằng chịt
          Bám vào thân làm chết Sa-la )
 
              Bạn bè, thân quyến ruột rà
       Của thọ thần ấy, như là thần cây,
          Thần vườn hay thần rừng, dược thảo,
          Hội họp lại rồi bảo thần cây
              Để an ủi : ‘Tôn-giả này !
       Chớ sợ hãi, hạt giống đây còn tùy :
          Bị khổng tước nuốt đi, mai một
          Bị nai ăn, lửa đốt tức thì,
              Bị người làm rừng nhặt đi
       Bị mối ăn ; không cách chi nẩy mầm’.
 
          Nhưng âm thầm diễn ra trái ngược
          Chim khổng tước đã không nuốt phăng,
              Lửa không đốt, nai không ăn,
       Người không nhặt, mối không ăn hạt này.
           Được mưa lớn, nẩy ngay mầm giống
           Thành dây leo, bám sống cây trồng
               Dây leo mềm mại, có lông
Bám Sa-la ấy chặt không thể rời.
Trung Bộ (Tập 2) Tiểu Kinh 45 :  PHÁP HÀNH   *MLH  – 118
 
          Thọ thần nơi cây Sa-la ấy 
          Lại cảm thấy thích thú, hân hoan
              Khi dây leo mềm mơn man
       Suy nghĩ : ‘Không hiểu các hàng thần cây 
          Thân hữu hay bà con huyết thống
          Hội họp lại, chủ động nói ra
              An ủi ta ; giả thuyết là
       Hạt giống có thể hoại qua, như là :
          Chim, nai ăn hay là lửa đốt,
          Bị thui chột không thể nẩy mầm,
        Loài mối đục ăn âm thầm…
       Toàn chuyện đáng sợ, sóng ngầm hãi kinh.
          Nhưng tự mình cảm giác xúc chạm
          Dây leo bám, khoái lạc vô cùng,
              Dây leo mềm mại, trẻ trung
       Có lông tơ chạm quấn xung quanh mình’.
 
          Một thời gian, tình hình diễn tiến
          Khi dây leo phát triển, bao trùm
              Làm thành tàn che lùm sùm
       Ở dưới phát triển thành lùm bụi ra.
          Các cành cây Sa-la bị phủ
Bị bóp nghẹt, thúc thủ chết dần.
              Lúc ấy các vị thọ thần
       Sa-la thường trú, nhớ lần trước đây :
          Do không thể thấy ngay hiểm họa
          Nhân hạt giống, kết quả dây leo
              Sống gửi, Sa-la bám đeo
       Hại cây chết, lại hại theo thọ thần.
          Nay chúng ta muôn phần thống khổ
          Rất khốc liệt, không chỗ dựa theo’.
 
Trung Bộ (Tập 2) Tiểu Kinh 45 :  PHÁP HÀNH   *MLH  – 119
 
              Cũng vậy, này các Tỷ Kheo !
       Sa-môn, Phạm-chí nào đeo bám vào
          Với sở kiến biết bao lầm lạc :
         ‘Không tội lỗi trong các dục này’
              Đắm mình trong các dục đây
       Say mê, khoái lạc đêm ngày truy hoan
          Với những gái lang thang tóc quắn
   Hoan lạc và mê mẩn khôn cùng.
              Đến khi thân hoại mạng chung
       Đọa sinh cõi dữ muôn trùng khổ đau.
          Các Tỷ Kheo ! Được mau gọi đó
         ‘Pháp hành có hiện tại lạc an,
              Tương lai quả khổ vô vàn’.
 
 * “ Pháp hành nào hiện tại đang khổ đầy
          Và quả báo tương lai cũng khổ ”?
          Các Tỷ Kheo ! Đã có những ngưởi
              Thực hành cách thức mọi thời
       Những phương khổ hạnh khác đời như sau :
 
          Sống lõa thể với bao phóng túng
          Các lễ nghi họ cũng bỏ trôi
              Hoặc cách đứng ăn không ngồi
       Đứng đại tiểu tiện, ăn rồi liếm tay
          Đi khất thực, đứng ngay chẳng bước
          Không nhận thức ăn trước khi đi
              Không nhận thức ăn riêng chi
       Mời ăn không nhận, sợ vì dành riêng
          Hai người đang hiện tiền ăn uống
          Một người cho không muốn nhận quà
              Không nhận từ những đàn bà
       Đang cho con bú hoặc là có thai
Trung Bộ (Tập 2) Tiểu Kinh 45 :  PHÁP HÀNH   *MLH  –120
 
          Sợ đứa trẻ thiệt thòi dinh dưỡng
          Không nhận phần từ hướng đi quyên
              Khi có nạn đói trong miền
       Sợ rằng xén bớt phần tuyền nạn nhân     
          Không nhận, sợ mất phần gia súc
          Khi chó, mèo… đang chực thức ăn
              Không ăn cá, thịt  lộn chen
       Không uống rượu nấu, rượu men sa đà
          Chỉ nhận ăn mỗi nhà một miếng
         Hoặc hai nhà hai miếng, dùng qua
              Hoặc nhận ăn tại bảy nhà
       Chỉ ăn bảy miếng cho qua đói lòng
          Hoặc nuôi sống chỉ mong một bát
          Hoặc hai bát… bảy bát thí phần
              Chỉ ăn mỗi ngày một lần
       Hai ngày một bữa, một tuần mới ăn
          Hoặc vị ấy tinh cần tiết chế
    Nửa tháng lệ một bữa ăn qua.
 
              Hoặc họ thực hành trải qua
       Những phương khổ hạnh thực là tối đa :
          Thức ăn họ chỉ là cỏ lúa
          Ăn hạt cải, lúa tắc, bột vừng
              Ăn gạo xấu, ăn trấu dừng
       Ăn nước bột gạo, măng rừng, rễ cây
          Ăn phân bò, trái cây rụng xuống
          Ăn da vụn, ăn cỏ qua ngày
              Vị ấy mặc áo thô gai
       Hoặc vải liệm xác ở ngoài tha ma
          Ti-ta-ca vỏ cây làm áo
          Da sơn dương, phấn tảo mặc thường,
 
Trung Bộ (Tập 2) Tiểu Kinh 45 :  PHÁP HÀNH   *MLH  – 121
 
              Bện bằng nhiều mảnh sơn dương
       Hoặc áo bằng cỏ cát tường kết chung
          Áo vỏ cây, áo từng miếng gỗ
          Áo tóc bện gia cố thành mền                 
              Đuôi ngựa bện thành áo bền
       Không cạo râu tóc, nhổ liền tóc râu
          Hạnh không ngồi, bao lâu vẫn đứng
          Ngồi chò hỏ, giữ vững kiểu này
              Thường nằm ngủ trên đống gai
       Bạ đâu nằm đó, người đầy bụi dơ
          Ngủ ngoài trời, vật vờ nằm đất
          Ăn uế vật, nước tiểu trâu bò
              Ăn phân bò, ăn đất tro
       Nước lạnh không uống, tắm cho ba lần
          Xuống dưới nước đầm thân tắm gội
          Mong sạch tội, để được khoan dung.
              Sau khi thân hoại mạng chung
       Đọa sinh cõi dữ muôn trùng khổ đau.
 
          Các Tỷ Kheo ! Thuộc vào loại đó
          Pháp hành có hiện tại khổ đau
     Tương lai quả cũng khổ đau.
 
 * “ Trong hiện tại, pháp hành nào khổ đau   
          Tương lai sau quả báo an lạc ”? 
          Các Tỷ Kheo ! Mặt khác nói qua :
              Có người tự tánh sinh ra
       Quá nặng tham ái hoặc là hận sân,
          Hoặc quá nặng về phần si ám
          Cảm thọ luôn đeo bám khư khư
              Cảm giác khổ& ưu ; do từ
       Tham ái, sân hận hoặc từ si mê
Trung Bộ (Tập 2) Tiểu Kinh 45 :  PHÁP HÀNH   *MLH  – 122
 
          Với khổ & ưu mọi bề như thế
          Với mặt để nước mắt tuôn tràn
              Những người ấy luôn khóc than
       Nhưng rồi suy gẫm, tìm đàng từ ly,
          Hành phạm hạnh, mọi thì trong sạch
          Sống thanh bạch ; sau đó mạng chung
              Được sinh thiện thú, Thiên cung
       Hoặc tái sinh lại, vô cùng thảnh thơi.
          Là pháp hành hiện thời khổ não
 Nhưng quả báo an lạc tương lai.
 
              Này các Tỷ Kheo ! Lành thay !   
 * “ Pháp hành hiện lạc, tương lai an lành ”.
          Có những người khi sanh có sẵn
          Tự tánh không quá nặng tham, sân
              Không quá nặng si mê trần
       Không luôn cảm thọ những phần trải qua
          Cảm giác là khổ & ưu, do bởi  
          Tham, sân hận và bởi si mê
              Vị ấy ly dục hướng về,
       Các pháp bất thiện nhất tề xả ly,
          Chứng tức thì, trú Thiền thứ nhất
          Trạng thái thật hỷ lạc âm thầm
              Do ly dục ; có tứ, tầm,
 
       Rồi vị Phích-Khú diệt tầm, tứ đây,
          Chứng, trú ngay Nhị Thiền vô ngại
          Một trạng thái hỷ do định sanh
              Không tầm không tứ, tịnh thanh
       Và nội tĩnh nhất tâm – danh như vầy.
          Rồi vị này ly hỷ trú xả
          Chánh niệm tỉnh giác, quá an nhiên
Trung Bộ (Tập 2) Tiểu Kinh 45 :  PHÁP HÀNH   *MLH  –123
 
              Thì thân cảm lạc thọ liền
      ‘Xả niệm lạc trú’ – Thánh hiền gọi tên,
Chứng, trú nên Tam Thiền tự tại.
 
          Vị ấy lại xả lạc & khổ này
              Diệt hỷ ưu, thọ trước đây
       Chứng, an trú Tứ Thiền ngay chín muồi,
          Không khổ & vui, xả niệm thanh tịnh. 
 
          Và nhất định sau khi mạng chung
              Được sinh thiện thú, Thiên cung
       Hoặc tái sinh lại, vô cùng sướng thay !
          Các Tỷ Kheo ! Như vầy được gọi
         ‘Pháp hành hiện có mọi lạc an,
              Tương lai cũng sẽ lạc an’.
       Pháp hành bốn loại rõ ràng là đây ”.
 
          Nghe Thế Tôn trình bày viên mãn
          Thuyết giảng pháp trong sáng rỡ ràng,
              Chư Tỷ Kheo trong đạo tràng
       Hoan hỷ tín thọ lời vàng Thế Tôn ./-
 
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật  (3L )
 
 
 
*
*     *
 
 
(  Chấm dứt  Kinh số 45  :  Tiểu Kinh PHÁP HÀNH
CÙLADHAMMASAMÀDÀNA   Sutta  )
 
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
25/09/2014(Xem: 7621)
Nói đến mùa thu, người ta nghĩ ngay đến lá vàng. Trên cây là những tán lá vàng rợp. Dưới đất là những thảm lá vàng, trải lấp cả lối đi. Trời dìu dịu, không có nắng chói chang. Gió se lạnh, lùa qua hàng cây bên đường. Tâm và cảnh dường như có sự giao cảm tương ứng nào đó, gợi lên một nỗi buồn man man, vời vợi. Đẹp, mùa thu thật đẹp. Phân tích chi ly thì cũng khó mà nói được vẻ đẹp của mùa thu nằm ở đâu. Không lẽ chỉ vì lá vàng, lá cam, lá đỏ? Thế thì ở đô thị nhà cửa san sát, xe cộ nườm nượp, lề đường thiếu bóng cây, thì có lá vàng đâu mà mơ mộng, hân thưởng?
24/09/2014(Xem: 30647)
Vào năm 2007, có thêm 13 kỷ lục Phật Giáo Việt Nam (PGVN) được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam (Vietbooks) & Báo Giác Ngô công bố rộng rãi. Trong số đó, xin nhắc lại một kỷ lục: “Ngôi Chùa Có Bản Khóa Hư Lục Viết Trên Giấy Lớn Nhất Việt Nam- Bản kinh do cư sĩ Đặng Như Lan viết tại chùa Vĩnh Nghiêm, Q.3, TP.HCM năm 1966. Bản kinh viết dựa theo Khóa hư lục của Trần Thái Tông (1218-1277) có kích thước rộng 1,78m, dài là 2,7m, hiện đang được trưng bày tại chùa Phổ Quang, Thành phố Hồ Chí Minh”.
23/09/2014(Xem: 15800)
“Đường về” là một tuyển tập gồm một số bài tiểu luận về Phật pháp do cố Ni trưởng Thích Nữ Trí Hải thực hiện. Tập sách chủ yếu làm sáng tỏ một số điểm giáo lý và pháp môn thực hành nòng cốt của Phật giáo từ Nguyên thủy cho đến Đại thừa mà tác giả đã có nhân duyên được học tập, thực hành và mong muốn chia sẻ với người khác. Được học tập và thực hành lời Phật dạy là một may mắn lớn của đời người. Người con Phật nhận chân được điều này và do đó luôn luôn mang tâm nguyện chia sẻ với người khác những gì mình đã được học tập và cảm nghiệm ở trong Phật pháp. Chính nhờ tinh thần cao quý này mà đạo Phật không ngừng được phổ biến rộng rãi, và nay những ai yêu quý Ni trưởng Trí Hải vẫn cảm thấy như được chia sẻ lớn từ một người có tâm nguyện mong được chia sẻ nhiều hơn cho cuộc đời.
12/09/2014(Xem: 9562)
Hương đêm lan tỏa quanh mẹ khi mẹ bước ra khỏi lan can lầu. Có mùi thơm dìu dịu của dạ lý hương từ bên dưới thoảng nhẹ và mùi sương đẫm trên những thân lá trường sinh. Từ trên đỉnh chùa núi ở phía nam thành phố, từng hồi đại hòng chung trầm ấm rền rền gióng lên, qua không gian tĩnh lặng của sáng sớm mùa hẹ, âm ba của nó như những lượn sóng trầm chảy vào thời gian và thế giới bình yên của thành phố biển. Vậy là đã ba giờ rưỡi sáng.
09/09/2014(Xem: 12812)
Lung linh giọt sáng ngàn phương Đêm huyền diệu xuống nghe sương luân hồi Ngắm trăng ngắm cả cuộc đời Giữa mênh mông chợt ta ngồi ngắm ta
30/08/2014(Xem: 3282)
Bãi biển vào cuối hạ, đông nghịt những người là người. Ánh nắng chói chang, trải những vệt dài lấp lánh trên mặt nước rộng. Những dấu chân người in trên mặt cát ướt. Những lâu đài được xây vội vã. Những dòng chữ và hình tượng được vẽ thật nhanh trước khi sóng phả vào bờ. Suốt bãi biển dài rộng, không ai mong đợi một cái gì trường cửu. Tất cả đều tạm bợ, có đó, rồi để cho sóng vô tình cuốn đi.
27/08/2014(Xem: 4294)
Nên đọc nhiều sách, nhưng nếu không biết lựa sách để đọc thì đọc cả đời cũng vô công. Xin nhớ giùm, thời gian ta có không nhiều, mà thứ không đáng đọc, phải tính bằng số triệu. Quen biết nhiều thì tốt, nhưng không biết lựa bạn lành thì coi như trao thân nhầm chỗ. Ăn gì cũng thấy ngon miệng có thể nói là chuyện tốt, nhưng gặp gì cũng ăn thì là chuyện xấu. Đi nhiều chưa hẳn là xấu, nhưng đi không có mục đích đàng hoàng chỉ là lang thang trôi dạt: Phí tiền, phí sức, phí thời gian, phí đủ thứ.
23/08/2014(Xem: 6177)
Đến Louisiana, thành phố Gretna đã hơn 2 tuần, nay được huynh đệ mời đến Tiểu bang Oregon, thành phố Portland để trình bày giáo lý Đạo Hiếu đến với cộng đồng người Việt nhân mùa Vu Lan (tháng 7 al) theo truyền thống của Đạo Phật nói chung và có liên quan đến Đạo Nho cũng như qua tinh thần uống nước nhớ nguồn của nền văn hóa Việt đã được khởi động và hình thành một bản sắc đặc thù đã có tự ngàn xưa từ kho tàng ca dao của các bậc tiền hiền đã trải qua nhiều thời đại sáng tạo, chắt lọc, khơi nguồn đạo lý của dân tộc cho đến ngày hôm nay, và miên viễn cho cả những thế hệ mai sau.
17/08/2014(Xem: 24920)
Đại Sư tên là Huệ Năng, cha họ Lư, tên húy là Hành Thao. Người mẹ họ Lý, sinh ra ngài nhằm giờ tý, ngày mùng tám tháng hai, năm Mậu Tuất, niên hiệu Trinh Quán thứ 12. Khi ấy, hào quang từ nhà ngài chiếu sáng lên không trung, mùi hương lạ tỏa lan khắp nhà. Đến tảng sáng, có hai vị tăng lạ mặt đến thăm, bảo cha ngài rằng: “Khuya nay ông vừa sinh quý tử, chúng tôi đến đây là để đặt tên cho cháu bé. Ông nên đặt trước là chữ Huệ, sau là chữ Năng.”
16/08/2014(Xem: 3007)
Bổn phận Thầy tu cứu độ đời Tự Tha cùng độ Sư Phụ ơi ! Nương Phật tìm con đường giải thoát Cùng LY phiền não lạc an đời
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]