Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Những vì sao lấp lánh trong đêm đen

01/04/201920:44(Xem: 5975)
Những vì sao lấp lánh trong đêm đen


ngoi sao lap lanh

Những vì sao lấp lánh
trong đêm đen
 
Nguyên Hạnh HTD





 

       Thời gian thắm thoát thoi đưa, ngoảnh đi ngoảnh lại đã hơn 40 năm, một thời gian khá dài cho một đời người. Bây giờ thỉnh thoảng gặp lại một vài em học sinh cũ, trong khi nói chuyện, nghe các em than mình đã già rồi. Tôi mới chợt nhớ " nhìn lại đời mình đã xanh rêu" (TCS).

  Quả thật, tôi đang ở giai đoạn xuống đồi “ down hill “, người ta thường nói: người già hay nhìn về quá khứ, tuổi trẻ hay hướng về tương lai. Thật đúng vậy! Hôm nay, tôi cũng nhìn về quá khứ nhưng với cái nhìn khác, không phải là cái nhìn than thân trách phận, kể lể khổ đau mà là cái nhìn lạc quan về những tình người tươi thắm trong những hoàn cảnh khốn cùng.

Nhìn lại những năm đầu sau 1975, quả là quá nhiều truân chuyên cho những người ở miền Nam Việt Nam với xã hội đảo lộn, mọi thứ vật đổi sao dời. Nhà nhà tan nát, người người điêu linh nhưng khổ hơn cả có lẽ là những người vợ có chồng đi học tập cải tạo; vì họ bỗng nhiên bị đẩy vào cái thế đơn lẻ phải chèo chống con thuyền gia đình vượt qua biết bao cơn bão táp của cuộc đời trong đêm đen dày đặc mênh mông.                                  

Nhưng dù là đêm đen mênh mông, đôi khi nhìn lên bầu trời, vẫn thấy đâu đó những vì sao lấp lánh. Đó là những câu chuyện mà tôi muốn chia sẻ với các bạn hôm nay.

 Sinh hoạt của những người đi dạy sau 1975 vô cùng vất vả vì không chỉ có công tác chuyên môn mà còn công tác đoàn thể nữa. Các khóa học tập chuyên môn, chính trị được mở ra liên miên. Tuy rất bận rộn, nhưng tôi vẫn ghi tên tham gia dạy Bổ túc Văn hóa buổi tối, vì tôi muốn có thêm giấy chứng nhận nhiệt tình công tác để hy vọng may ra chồng được sớm thả về.

 Đúng là niềm tin và hy vọng dù mong manh nhỏ nhoi nhưng cũng rất cần thiết để con người có thể tiếp tục sống, vượt qua những nghịch cảnh và thử thách của cuộc sống thời đó. Và như thế, tôi đã gắng lên để sống với những chuỗi ngày bận rộn triền miên, hầu quên đi những nỗi đau dấu kín trong lòng.

Tôi tham gia dạy thêm ở trung tâm đêm trường Chu Văn An, học viên đa số đều lớn tuổi. Lớp trưởng là chị Hoa, chị thi vào sư phạm, ra đi dạy lâu năm, giữ chức Hiệu phó trường tiểu học Trần Phú trong cư xá Sĩ quan Chí Hòa. Chị được các bạn trong lớp bầu làm lớp trưởng, vì chị có tác phong của một nhà giáo, đi học đều đặn đúng giờ, bài vở lúc nào cũng chu toàn. Chị giúp tôi rất nhiều trong việc điều hành lớp, giữ sổ điểm danh sổ đầu bài ,mỗi ngày, thu bài, lấy điểm vô sổ. Nhưng quan trọng hơn cả là những tình cảm ưu ái chị dành cho tôi. Đó là một sự nâng đỡ tinh thần lớn lao cho tôi khi phải bươn chải đầu tắt mặt tối trong một xã hội đầy nhiễu nhương xáo trộn.

 Một buổi tối sau khi đi dạy bổ túc Văn hóa về, theo thường lệ, tôi vội vàng đạp xe nhanh về nhà. Vừa dắt xe vào, gài cửa lại, chưa kịp thay quần áo, tôi nghe tiếng gõ cửa, tim tôi thót lại, chắc là công an khu vực lại đến quấy rầy, yêu sách chuyện gì đây? Tôi hồi hộp ra mở cửa, vừa hé cửa đã thấy chị Hoa lên tiếng ngay:

-Thưa Cô, em xin lỗi đã làm phiền Cô, nhưng vì không còn cách nào khác. Cô đạp xe nhanh quá, em đạp theo Cô muốn hụt hơi, trời tối, vô hẻm em chỉ sợ lạc mất dấu Cô. Chỉ còn cách này em mới có thể đến nhà và gặp Cô.

-Trời ơi. Chị làm tôi hết hồn. Có chuyện gì vậy? Sao chị không nói ở trường?

- Dạ, không nói ở trường được.

 Nói xong, chị quay lại tháo ở phía sau xe đạp và khệ nệ bưng xuống một bao chứa đầy những củ khoai tây, khoai lang, cà rốt và nói với giọng xúc động:

- Những thứ này, em mua trong tiêu chuẩn của em ở trường và ở tổ dân phố tháng trước và tháng này, em dành dụm lại mang biếu Cô vì em nghĩ Cô và các em nhỏ cần hơn em.

 Tôi chưng hửng đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, kêu lên:

 - Mọi thứ bây giờ đều hiếm hoi, sao chị không để dành ăn từ từ?

 - Cô ơi, mong Cô đừng từ chối, đừng phụ tấm lòng thành của em. Em phải suy nghĩ, sắp đặt kế hoạch mới thực hiện được. Hôm nay em phải ràng bịch khoai sẵn ở phía sau xe, rồi cố tình đi học trể để có thể để xe đạp ở phía ngoài cùng thì tan học mới lấy xe ra mà chạy kịp theo Cô.

  Những lời chị kể làm tôi xúc động không nói nên lời, không biết phải từ chối cách nào thì đã thấy bóng chị đạp xe khuất trong bóng đêm nhưng dư âm lời chị nói và tâm tình chị gởi trao vẫn còn vang động mãnh liệt trong trái tim tôi. Tôi đứng lặng người một hồi lâu rồi mới cúi xuống bưng cái bao khoai ân tình đó của chị vào nhà. Bao khoai nặng trĩu trên tay tôi nhưng ân tình của chị còn nặng gấp ngàn lần.

 Thời đó thực phẩm vô cùng khan hiếm; cái gì cũng vô tiêu chuẩn và tem phiếu; mọi thứ đều cân đo, đong đếm từng li từng tí, từng cọng rau, từng củ khoai, từng gram bột ngọt, thậm chí những con cá ươn, từng miếng thịt bầy nhầy; cái gì cũng trở thành quí giá hết. Dưới thời Xã hội Chủ nghĩa, người ta phải xếp hàng cả ngày để mua những thứ quý giá đó.

  Cám ơn chị Hoa đã cho tôi niềm tin vào tình người vẫn còn hiện diện quanh đây. Thỉnh thoảng chị vẫn đề nghị với tôi cuối tuần chị ở nhà; nếu Cô có bận đi đâu, Cô cứ đưa các em tới nhà, em sẽ chăm sóc giùm Cô, em sẽ rất vui khi giúp được Cô điều gì đó. Cuối năm học, chị còn tặng tôi một cuốn tập dày khổ lớn và nói:

    - Đây là những trang giấy trong tiêu chuẩn em nhận ₫ược trong năm học vừa qua, em xài tiện tặn, dành dụm lại, tự đóng thành tập để năm tới Cô soạn giáo án cho thoải mái mà không không phải bận tâm vì sợ thiếu giấy.

Không hiểu chị Hoa xài tiện tặn thế nào mà lại có thể để dành ra đóng một tập dày như vậy cho tôi. Tôi cảm động lật cuốn tập ra; chị đóng bìa và cuốn tập thật khéo, lại còn trang trí thật đẹp với những dòng chữ nắn nót công phu. Biết bao nhiêu công sức và tâm tình chị đã bỏ ra để hoàn thành cuốn giáo án này. Tôi nắm bàn tay chị, bàn tay ân tình đã làm ra cuốn giáo án tình nghĩa, siết chặt để cám ơn sự cảm thông và thương yêu chị đã dành cho tôi mà không nói thành lời; đôi khi lời nói có thể trở thành sáo ngữ và không cần thiết trong những trường hợp đáng trân quý như thế này.

 Quả là đời sống bao giờ cũng có nhiều điều tốt đẹp sẵn ở trong đó trong giai đoạn đen tối nhất của cuộc sống; tôi vẫn còn nhận được những tình người, nhiều yêu thương của bạn bè nữa; những yêu thương không hề nói bằng lời. Khi biết tôi sẽ đi thăm nuôi chồng, các bạn đồng nghiệp đã lặng lẽ nhét vào túi xách tôi một chút quà, một gói nui, một ít tiền; còn dặn dò khi nào có trả cũng được, không trả cũng không sao.

 Ôi! Những lời nói chí tình của bạn bè làm tôi thật cảm động, những ân tình này tôi xin ghi nhận mãi không phai vì người ta thường nói " đồng tiền liền khúc ruột ", đặc biệt là trong giai đoạn cực kỳ khó khăn lúc đó. Vậy mà bạn bè vẫn có thể tự nguyện mở hầu bao eo hẹp ra cho tôi.

Cám ơn Trời Phật, trong dòng đời nghiệt ngã vẫn luôn có những yêu thương tình người trổi dậy, đôi khi cả với người chưa từng quen biết như một lần tôi đi khám mắt ở bệnh viện Trưng Vương; thấy bác sĩ vui vẻ, tôi bèn hỏi thăm về bệnh luôn chảy nước mắt của đứa con trai lớn. Nghe tôi kể bệnh tình của cháu, bác sĩ vui vẻ nói:

 - Hôm nào rảnh, Cô giáo mang cháu đến đây tôi sẽ khám và điều trị cho cháu.

 Tôi mừng quá vội hỏi:

     - Nhưng làm sao tôi xin được giấy giới thiệu cho cháu đến bệnh viện này (thời đó đi khám bệnh phải có giấy giới thiệu và phải đi đúng tuyến nữa).

      - Cô giáo đừng lo chuyện đó, cứ mang cháu đến thẳng phòng này.

  Tôi mừng quá về thu xếp đem cháu đến, bác sĩ khám và soi tuyến lệ cho cháu. Dần dà vài tháng sau, cháu hết bịnh thật; có lẽ vì tình người cao đẹp của bác sĩ đã khiến cháu lành bệnh, tôi không còn phải chạy đôn chạy đáo đi mua thuốc nhỏ mắt cho cháu nữa.

 Vâng, tôi luôn may mắn có thêm những yêu thương như vậy, ai cũng hỏi tôi có quen biết trước với bác sĩ hay có tốn kém gì không? Thực tế là hoàn toàn không.

 Một tối vào lớp bổ túc Văn hóa dạy; tôi đã bị tắt tiếng từ chiều nên khi giảng bài, giọng tôi bị khan đặc; chị Hoa lớp trưởng lên xin tôi giao bài cho chị đọc cho cả lớp chép, cả lớp ùa lên tán đồng ý kiến và xin Cô nghỉ ngơi.

 Sau khi giao bài cho lớp trưởng, tôi ngồi xuống soạn bài cho lần tới. Bỗng nhiên, Loan - cô bé có cặp kính cận gọng đen, đi học rất đều và thường lặng lẽ, ít nói, từ chỗ ngồi của mình lên bàn gặp tôi và nói nhỏ:

   - Thưa cô, xin Cô cho em gặp riêng Cô vào giờ ra chơi.

Tôi gật đầu đồng ý. Đến giờ ra chơi, Loan đứng đợi tôi sẵn ở cuối lớp, tôi nghĩ chắc em có chuyện gì cần nhờ đến tôi nên gặp em tôi hỏi ngay:

 - Em có chuyện gì cần nhờ đến cô?

  - Dạ, em có chuyện cần nhờ Cô làm ngay giùm em là sáng mai Cô đến khoa Tai Mũi Họng ở bệnh viện Chợ Rẫy để bác sĩ khám họng cho Cô vì giọng Cô khàn đặc, Cô không nên coi thường để bịnh nặng khó chữa.

Em làm tôi bất ngờ nên lúng túng:

    - Cám ơn em, nhưng sáng mai cô phải đi dạy, hơn nữa tuyến khám bịnh của cô là bệnh viện Trưng Vương. Mỗi lần đi khám, phải xin giấy giới thiệu của trường rồi đến bệnh viện phải chờ làm thủ tục từ phòng này đến phòng kia lâu lắm nên cô rất ngại

  - Em làm y tá ở khu tai mũi họng của bệnh viện Chợ Rẫy nên sẽ nói với bác sĩ khám cho Cô mà không cần bất cứ thứ giấy tờ gì hết, Cô cũng không phải chờ đợi. Nếu buổi sáng Cô bận đi dạy thì Cô đi buổi chiều.

 Tôi nghĩ bệnh này không có gì quan trọng, lại ngại làm phiền người khác nên đã thoái thác:

   - Bệnh của cô chắc cũng thường, tối nay cô về uống thuốc cảm ho rồi ngậm chanh với muối chắc lẽ đỡ. Hơn nữa bệnh viện Chợ Rẫy lớn mênh mông cô đâu biết đường nào mà kiếm, rồi lại bị hỏi giấy tờ lôi thôi nữa.

   - Không được em biết chắc Cô tiếp tục đi dạy, giảng bài, bệnh của Cô sẽ

nặng hơn. Chiều mai 2g em sẽ đợi Cô ngoài cổng lớn bệnh viện đường Nguyễn Chí Thanh, Cô tới đó em sẽ dắt Cô vô, nghen Cô.

 Nhìn ánh mất nài nĩ của em, tôi thật khó xử vì thời khóa biểu mỗi ngày của tôi đều rất bận rộn, tôi bèn hoãn binh:

   - Để cô xem lại, cuối giờ học cô sẽ trả lời em.

     Đến cuối giờ, chuông tan học vừa vang lên, Loan ôm cặp chạy vội lên bàn tôi:

   - Cô ơi, chiều mai 2g em đợi Cô trước cổng bệnh viện. Cô làm ơn gật đầu giùm để em yên tâm đi Cô.

    
Không còn cách nào khác, tôi đành gật đầu vì không nỡ phụ lòng em, chỉ đợi có thế, em vội biến đi ngay vì sợ tôi đổi ý. Từ đó, đạp xe về nhà mà lòng tôi miên man suy nghĩ: Sao trong cái xã hội đêm đen đầy những thủ đoạn lừa lọc, dối trá, cái xã hội Công an trị, nhìn đâu cũng thấy nghi kỵ, nhìn đâu cũng thấy kẻ thù mà vẫn còn có những tình người đáng quý như thế này? Quan hệ giữa tôi và Loan trong lớp không có gì đặc biệt, trước đó em chưa từng nói chuyện riêng với tôi bao giờ.Hôm nay, bỗng nhiên do cơn bệnh, tôi mới nhìn thấy được tấm lòng đặc biệt của em đối với tôi. Thôi thì vì em, ngày mai tôi sẽ thu xếp đi khám bệnh cho em vui lòng. Cám ơn em đã thắp lên trong tôi ngọn nến của tình người trong đêm tăm tối mênh mông của xã hội thời đó.

  Sáng hôm sau, tôi đến trường đi dạy, công việc lại ngập tràn. Đến giờ ra chơi, tất cả giáo viên đều được triệu tập lên phòng họp vì có một thông báo khẩn từ trên vừa gởi xuống. Chiều nay, tất cả giáo viên phải có mặt ở trường lúc 13h đi cùng sinh hoạt với chi đoàn, chuẩn bị cho đợt công tác đột xuất đặc biệt ( sau này tôi mới biết đó là công tác chuẩn bị cho vụ đổi tiền.)

 
Trưa đó tôi về nhà, chỉ ăn vội miếng cơm rồi trở lại trường, họp hành, công tác liên miên đến hơn 18h mới về đến nhà, lo tắm rửa, cơm nước cho con cái rồi lo soạn bài, chấm bài cho đến gần khuya, mệt nhoài mới đi nghỉ.

Những căng thẳng trong công tác liên miên ở trường, những mỏi mệt vì cuộc sinh tồn sao mà nhọc nhằn đã làm tôi quên hẳn lời hẹn đi khám bệnh với Loan. Cho đến đêm sau trở lại lớp bổ túc văn hóa, nhìn thấy Loan đứng đợi ở cuối lớp, tôi vẫn chưa nhớ ra tội của mình, cho đến khi Loan nói với giọng xúc động:

  - Trời ơi! Cô làm em lo quá, chiều qua em đứng dầm mưa đợi Cô ở ngoài cổng bệnh viện từ 2g đến 5g chiều. Em không dám vô trong trú mưa vì sợ Cô đến không thấy em Cô sẽ đi liền. Em vừa đợi vừa lo, không biết có chuyện gì xảy ra cho Cô không? Cô đang bệnh mà trời lại mưa, không biết Cô có nhớ đem áo mưa không rồi Cô lại bệnh nặng thêm hay là Cô đang trú mưa ở đâu đó, lát nữa Cô sẽ đến, vậy là em đứng đợi. Đợi lâu quá, em nghĩ có lẽ tại em trùm áo mưa nên Cô không nhận ra em, em vội cởi áo mưa và đứng dầm mình dưới mưa để Cô dễ nhận ra em. Ông gác cửa kéo em vô, bảo em điên hay sao mà đứng dầm mình trong mưa ướt hết nhưng em đã hẹn đứng đợi Cô ngoài cổng và Cô đã gật đầu thì Cô sẽ đến vì em biết Cô rất uy tín.

 
Ôi! Những lời em kể khiến tôi kinh ngạc không tưởng nổi. Sao tôi lại quá vô tâm thế này, tôi muốn ôm em vào lòng để nói vạn lời xin lỗi nhưng cổ tôi đã nghẹn. Tôi chỉ biết đứng chết trân như kẻ tội đồ sẵn sàng đón nhận hình phạt vì lỗi của mình đã phạm quá lớn, đã đem lại bao nhiêu phiền toái cho em. Thấy tôi đứng chết lặng không nói lời nào, Loan nắm tay tôi lắc lắc:

-Cô ơi! em giận Cô thì ít nhưng lo cho Cô thì nhiều, bây giờ thấy Cô bình yên là em mừng rồi. Em không trách Cô đâu, Chắc Cô có lý do gì đặc biệt nên mới quên hẹn.

Trời ơi! Sao lòng em bao dung quá. Đúng là khi người ta yêu thương thì người ta dễ tha thứ cho nhau như vậy. Sau khi nghe tôi kể đầu đuôi mọi việc, em cười nói:

- Cô biết không? Đã vậy sau 5g, em trở lại khoa mình mẫy ướt mem còn bị ông bác sĩ chọc quê:" Sao, cô giáo yêu quí của em đâu rồi? Vậy mà em đã bắt tôi phải chờ đợi mấy tiếng đồng hồ để sẵn sàng khám bệnh cho cô giáo em". Nhưng sau đó, ông đã đưa cho em mấy viên thuốc cảm, bảo em phải uống ngay kẻo dầm mưa rồi mắc bịnh, tối mai lại không đi học được để gặp cô giáo yêu quí đâu.

 
Tôi chỉ biết thở ra, chép miệng:

 - Em cho cô gởi lời xin lỗi bác sĩ của em. Chắc trời Phật thấy cô vất vả quá nên đã đuổi bệnh đi giùm cô nên cô không cần gặp bác sĩ nữa. May mà em không bị bệnh vì dầm mưa, nếu không cô sẽ ân hận biết chừng nào!


Thế là câu chuyện tưởng buồn phiền trách móc, nhờ sự thông cảm của em, cuối cùng lại hóa vui vì hiểu được nhau. Cô trò tôi, vui vẻ bước vào lớp.

Loan ơi, cám ơn em đã cho tôi niềm vui của tình người, giữa bao nhiêu lo toan căng thẳng của cuộc sống chung quanh, tôi vẫn thấy đời còn đáng yêu: " May mà có em đời còn dễ thương".

 
Đêm đó, nhìn lên bầu trời đen xa tít tôi thấy một vì sao nhỏ đang lấp

lánh. Đó có phải là vì sao tình người của em không hả Loan? Tạ ơn em, tạ ơn

những vì sao thương yêu đã cho tôi tình sáng ngời như sao xuống từ trời.

 Hôm nay, ngồi ghi lại những dòng này trong đầu tôi bỗng hiện ra 2 câu

thơ của ai đó:

Đêm thanh ngồi đếm sao trời

 Đừng đếm bóng tối cuộc đời khắt khe!

 

  Có như vậy cuộc sống của ta sẽ nhẹ nhàng hơn.

     Hãy mở toan cánh cửa u tối của quá khứ để đau khổ bay đi. Để xuyên qua khung cửa đó, ta vẫn còn nhìn thấy "những vì sao lấp lánh trong đêmđen!!!"



Nguyên Hạnh HTD

 ( Tháng 4 – 2019)




Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
11/09/2012(Xem: 3438)
Mỗi khi đọc Lại-Tra-Hòa-La trong kinh Trung A Hàm 1 thì lúc nào tôi cũng liên tưởng đến nhân vật Siddharta trong tác phẩm Câu Chuyện Dòng Sông (do Phùng Khánh và Phùng Thăng dịch) của Hermann Hesse. Và tôi vẫn nghĩ rằng thế nào thì Hermann Hesse cũng có đọc Trung A Hàm, vì đọc tiểu sử của văn hào Đức từng đoạt giải Nobel Văn chương vào năm 1946
13/08/2012(Xem: 4151)
Năm nay, thời tiết tháng ba bỗng lạnh hơn những năm trước rất nhiều (hay tại mình già hơn năm trước mà cảm thấy thế?) Gió tháng ba này cũng lạ! chúng mang cái buốt giá căm căm của tháng ba miền Bắc Việt Nam, chứ không phải là gió xuân của Cali ấm áp Hoa Kỳ như thuở nào. Ai bảo đất trời tuần hoàn Xuân Hạ Thu Đông không có chợt nắng chợt mưa, như chúng sanh chợt cười, chợt khóc!
09/08/2012(Xem: 10986)
Âm vang của tiếng vọng “Hòa Bình” là niềm khao khát của nhân loại nói chung và của từng dân tộc nói riêng. Thế kỷ 20 với hai cuộc thế chiến hãi hùng đã đẩy đưa nhân loại xuống vực thẳm của điêu linh và chết chóc. Chiến tranh đồng nghĩa với tàn phá và hủy diệt, và cũng chính trong đêm đen tột cùng của chiến tranh, tiếng vọng “Hoà Bình” đã vang lên để thức tỉnh lòng người. Hòa bình đồng nghĩa với cọng tồn và an lạc, là niềm ước ao của mọi tâm hồn hướng thiện. Chiến tranh xuất phát từ tham, sân, si, thì hòa bình phải khởi đi từ lòng nhân ái và lửa Từ Bi. Đó là ý niệm bàng bạc trong toàn bản trường ca thi phẩm của Tuệ Đàm Tử, tức Hòa Thượng Thích Giác Lượng
24/06/2012(Xem: 10944)
Bạch Xuân Phẻ là nhà thơ không xa lạ gì với nhiều người. Anh còn có biệt-hiệu là Tâm Thường Định. Thơ anh đã xuất-hiện trên nhiều trang mạng, trên báo-chí trong và ngoài nước. Anh đã cho ấn-hành bốn tập thơ “Hương Lòng”, “Mẹ, Cảm-Xúc Và Em”, “AWAKEN: Buddhism, Nature, and Life”, và “Tưởng Niệm và Tri Ân”.
23/05/2012(Xem: 3193)
Một vầng sáng giữa trời. Hoa đốm trên không chăng? Hay biểu tượng trầm mặc của người thơ? Là trăng. Trăng ư? Thiên cổ lại có trăng là Mẹ Mẹ của nhân gian trong cơn đại mộng li bì. Của muôn vạn con trăng nhảy múa giữa mắt người hôn trầm vạn tưởng. Mặt gương tròn lớn.
23/05/2012(Xem: 5143)
Bà già nhìn xuống dòng sông nước đục lờ, dõi theo một khúc gỗ đang trôi lững lờ theo con nước dập dềnh lên xuống đến khúc quanh ở cuối làng, nơi hai ống khói cao nghệu của nhà máy thả lên trời những cụm khói đen bay tản lạc trong gió chiều hoàng hôn. “Mới đó mà đã 20 năm, ông nhỉ?” bà nói mà không nhìn vào ông già ngồi cách mình một sải tay, trên phiến đá bám đầy rêu xung quanh hông.
22/05/2012(Xem: 3501)
Bây giờ, trong không gian yên tĩnh và nhỏ nhắn của ngôi nhà nơi ông và bà đã sống với nhau suốt 50 năm qua, chỉ còn lại hai người với nhau. Các con ông đã quay về với cuộc sống mưu sinh tất bật của chúng, để lại ông nằm trên giường với cơn bệnh hiểm nghèo đang chờ đến giai đoạn bộc phát cuối cùng, và bà, thanh nhã, khiêm nhường, ngồi lặng lẽ một bên, lắng nghe những hơi thở mỏi mòn đang đứt nhịp của ông. Bà chăm chú nhìn xuống khuôn mặt thân yêu quen thuộc đã ở bên cạnh bà suốt cả quãng thời gian dài dằng dặc của một kiếp người. Bầu không khí tĩnh lặng của mùa đông như chững lại với tiếng reo lanh canh của chiếc khánh treo ngoài lan can.
03/05/2012(Xem: 3570)
Bính âm (pinyin) hay Hán Ngữ Bính âm 漢語拼音/汉语拼音 (theo thứ tự phồn thể/giản thể) là một cụm danh từ mới xuất hiện từ thập niên 1950 - chính phủ TQ (Trung Quốc, Trung Hoa Lục Địa) cải tiến nhiều lần và gần đây cũng được Đài Loan chấp nhận (2009) tuy đã có hệ thống pinyin riêng (Thông Dụng Bính âm - xem thêm phần Phụ chú).
08/04/2012(Xem: 3346)
Kính thưa Thầy, Thầy về cõi Phật lòng thanh thoát. Con ở dương trần dạ tiếc thương. Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 năm đầu tiên vắng Thầy, đọc lại « Nữa chữ cũng là Thầy » để các thế hệ học trò cũ của Thầy mãi mãi nhớ ơn Thầy, người giáo viên nhân dân, kỹ sư tâm hồn, người ươm mầm non tương lai cho quê hương, đất nước…
04/04/2012(Xem: 3918)
Tôi thường mong mỏi những người biết chữ tuổi chặng 50 trở lên thì giờ rảnh viết lại những gì mình nghe, mình thấy, mình biết ở nơi quê hương mình. Nay nhân 20.11, kỷ niệm Ngày nhà giáo, tôi xin khoanh gọn: hãy viết về những Thầy Cô giáo cũ ở địa phương mình, tả dáng dấp, nói qua đời sống gia đình của thầy, cả tính đặc biệt và vài mẫu chuyện về thầy.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]