Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Hương Lúa Chùa Quê" Bản Tình Ca Quê Hương của nhị vị Hòa Thượng Thích Bảo Lạc và Thích Như Điển.

15/12/201720:51(Xem: 6288)
Hương Lúa Chùa Quê" Bản Tình Ca Quê Hương của nhị vị Hòa Thượng Thích Bảo Lạc và Thích Như Điển.
Huong_Lua_Chua_Que
"Hương Lúa Chùa Quê
"
Bản Tình Ca Quê Hương
của nhị vị Hòa Thượng
Thích Bảo Lạc và Thích Như Điển.

Trần Đan Hà

Sau khi đọc tác phẩm “Hương Lúa Chùa Quê” chúng con không dám mong ước giới thiệu sự nghiệp văn học, văn hóa cả đạo lẫn đời của nhị vị Hòa Thượng. Vì công trình tạo dựng sự nghiệp của các bậc xuất sĩ không nằm trong “nguồn văn chương sáng tác”. Vì xuyên qua mấy chục năm hành đạo và giúp đời, nhị vị đã xây dựng nhiều cơ sở Phật giáo đồ sộ trên nhiều quốc độ khác nhau như: chùa Pháp Bảo tại nước Úc; chùa Viên Giác và Tu viện Viên Đức tại nước Đức. Nhị vị cũng đã mang ánh Đạo vàng đến khắp muôn nơi, soi sáng cho bước chân “người cùng tử” được trở về dưới mái nhà xưa, để thấy lại “bóng hình chân nguyên”; dẫn đường cho những người chưa thể “tự mình thắp đuốc lên mà đi” được tìm lại “bản lai diện mục”. Đó mới gọi là “sự nghiệp” của bậc xuât sĩ. Điều nầy đã có lịch sử ghi nhận từ mạch nguồn công đức biểu hiện và lưu truyền.

Về phương diện văn học, với Sư Bá đã có trên 42 tác phẩm, vừa sáng tác, dịch thuật, vừa biên khảo (chưa kể đến những tác phẩm thi ca với bút hiệu Song Thu).

Còn Sư Phụ thì đã có 62 tác phẩm vừa văn học dân gian, vừa văn hóa Phật giáo. Cũng như sáng lập Chủ Nhiệm báo Viên Giác từ gần bốn mươi năm nay.

Nhưng sau khi đọc tác phẩm nầy do Thầy gởi cho, chúng con xin nhất tâm kính lễ công đức bố thí; đồng thời muốn trải lòng cảm xúc của mình để uống lấy những chất liệu ngọt ngào của hương đồng cỏ nội; thưởng thức đặc sản của quê nhà như chuối bà hương, xôi nếp một... Tất cả được gói ghém để gởi vào thiên thu bởi “tấm lòng chân quê” (như cánh hoa sen được vươn lên từ bùn nhơ nước đọng, nhưng không vướng mùi tục lụy). Như Thầy đã từng xác nhận trong tác phẩm “Chùa Viên Giác”: “Thầy là người nông dân không hơn không kém, mọi sự thành đạt của Thầy đều do Phật lực hỗ trợ mà thành. (trang 15).

Hai Thầy cùng là anh em trong một gia đình có 8 người con, được sinh ra nơi quê hương mà người xưa thường ví von: “Vùng địa linh sinh nhân kiệt”. Nơi sản sinh các nhà chí sĩ lừng danh như: Cụ Phan Châu Trinh (1872-1926), Cụ Huỳnh Thúc Kháng (1876-1947), Cụ Thái Phiên (1882-1916), Cụ Trần Cao Vân 1866-1916), Cụ Hoàng Diệu (1828-1882), Cụ Ông Ích Khiêm (1831-1884), Cụ Phạm Phú Thứ (1820-1882)...

Cả hai tác giả đều đã ghi lại đầy đủ các địa danh, các kỳ quan, những giai thoại cũng như di tích lịch sử của quê huơng Quảng Nam. Nhưng chỉ gói ghém trong một cuốn sách hơn bốn trăm trang dành cho hai người, thì có thể chưa đủ để nói hết tâm tình muốn gởi đến muôn trùng. Cho nên không phải người đọc muốn giới thiệu hết những nỗ lực sáng tạo, và sự thành công về phương diện văn học của hai tác giả. Mà ở đây chỉ là biểu cảm những “tâm sự của người con” đối với tình gia đình, với xóm làng, và với quê nhà của ly khách.


Nhìn chung hai Thầy có nhiều điểm giống nhau, nhưng cũng có những cái khác nhau trong văn phong từng người mang chở những nét đăc thù riêng biệt.

Qua đó, nhận thấy hoài niệm về quê nhà của “Bào Huynh” được biểu hiện qua “tâm hồn một thi nhân”. Nên tâm cảnh hiện về trong giây phút tâm hành rất đẹp, khi hồn thơ đang chắp cánh bay cao đến ước mơ; dừng lại với hạnh phúc tạo nên nguồn cảm dịu dàng. Tuy chỉ những nét chấm phá ghi lại trong ký ức nhớ nhung. Hơi lãng mạn, song không vượt ra ngoài tình tiết được gói trọn bằng tấm lòng yêu thương của những con người chân phương, dân dã.

Còn hoài niệm của “Bào Đệ” thì “mang tính lịch sử”, nên diễn tả toàn bằng văn xuôi, nhưng khúc chiết và đầy đủ những nét cần ghi nhận về quê nhà một cách rất trân trọng. Với văn phong bình dị của một thời đi học trường làng quê. Nơi đã chứa chan nhiều kỷ niệm về tuổi thơ, tuổi học trò tinh khôi và thánh thiện. Nơi mới mở mắt được nhìn thấy những hình ảnh chân nguyên của cuộc đời. Nơi đã hình thành nên một gia đình có cha mẹ và anh chị em; bên cạnh tình bà con làng xóm. Tuy sinh ra trong một giai đoạn đất nước bị chiến tranh tàn phá, nhưng vùng quê của Thầy còn được bình an. Còn được thấy mẹ siêng năng chăm bón những luống cải xanh non, được thấy chị ngày ngày gánh rau ra chợ bán, và tuổi thơ thật hồn nhiên cùng với bạn bè cắp sách đến trường hai buổi.

Hai vị tuy hai tâm hồn khác nhau, nhưng đều chung một tiếng lòng của người khách ly hương nhớ thương về cố xứ. Nên đã cùng nhau đồng tấu lên khúc nhạc nhớ nhung như “Bản đàn Thôn giả” với âm điệu của tiếng sáo diều, của lũy tre ru gió, với hình ảnh những cánh đồng lúa vàng bát ngát, thoảng hương thơm mùi hoa cỏ dại... Giờ đây, với không gian chia cách đôi bờ, ngàn trùng thiên lý nên lòng hoài niệm vẫn mãi còn hướng về nơi quê nhà yêu dấu. Thể hiện bởi những bậc danh tăng tài cao đức trọng, nhưng còn gìn giữ nét tinh khôi như một phục hoạt tâm hồn của tuổi thơ...!


HT Bao Lac

Hồi Ký Của Bào Huynh:

(Đôi nét về tác giả: Hòa Thượng Thích Bảo Lạc, pháp danh Đồng An, pháp hiệu Thanh Nghiệp, thế danh Lê Bảo Lạc sinh năm 1942 (năm Nhâm Ngọ) tại Duy Xuyên, Quảng Nam Đà Nẳng Việt Nam. Con ông Lê Quyên, pháp danh Thị Tế và bà Hồ Thị Khéo, pháp danh: Thị Sắc, cả hai ông bà đều đã quá vãng. Xuất gia năm 1957 tại chùa Linh Ứng - Non Nước – Ngũ Hành Sơn (Đà Nẳng). Bổn sư là Hòa Thượng thượng Trí hạ Hữu tự Hương Sơn, Giám Đốc Phật Học Viện Phổ Đà – Đà Nẳng (1958 – 1962) và khai sơn chùa Ấn Quang, tiền thân là Ứng Quang năm 1949) tại vườn Bà Lớn, nay thuộc quận 10 thành phố Saigon. Hiện là Chủ tịch Hội Đồng Điều Hành GHPGVNTNHN tại Úc Đại Lợi và Tân Tây Lan. Hòa Thượng cũng là Giáo thọ sư và Yết Ma A Sà Lê trong Hội Đồng Giới sư tại các Đại Giới Đàn: Đại Nguyện (Marseille – Pháp 1996), Pháp Hoa (Adelaide 1997), Hương Sơn (Sydney, 1998) Liễu Không tại Western Australia (Perth – 2000).

Hoài niệm về quê nhà, bào huynh đã diễn tả quê nhà với những địa danh, những thắng cảnh, những di tích lịch sử, những đền đài lăng miếu kỷ niệm của tiền nhân, của bao anh hùng chiến sĩ đã dựng nước, qua bài thơ “Về Thăm Xứ Quảng” sau đây: “Quảng Nam có núi Ngũ Hành, với hòn Non Nước cây xanh bốn mùa. Líu lo ca hát chim đua, Bầu trời, cảnh Phật ấy chùa Tam Thai. Quan Âm động vẽ hùng oai. Như quên lòng tục xét soi khách trần. Xa xa mặt bể phù vân. Hiện ra linh ứng chùa am khác thường... Hang Ngũ Cốc, động Linh Nham. Giếng Tiên, Hải Vọng Đài lam một mầu. Dừng chân Hòn Thổ xem sau. Quan Âm chùa mới hiển bày nguy nga. Ngõ qua Đà Nẳng, Sơn Chà, Hà Thân, Cầu Đỏ, bến tàu Tourane. Đường về Phố Hiến Hội An. Chùa Cầu còn đó sẵn sàng đón đưa. “Cao Lâu” mỹ vị dễ ưa, Khách vào thưởng thức một vài tô thôi. Ghé thăm cổ tự vài ngôi. Phước Lâm, Chúc Thánh nét vôi phai mờ. Phong quang cảnh trí nên thơ. Long Tuyền, Vạn Đức lặng lờ tháng năm, Xuôi về theo hướng tây nam, Hàm Rồng, Trà Kiệu gác chuông giáo đường. Nguy nga tráng lệ phi thường, Đây hòn Non Trược rồng vương quy hàng. Năm nào tay ấn Cao Biền, Đền đài kỷ niệm gắn liền kỳ công, Và bao chí sĩ anh hùng, Đánh Nam dẹp Bắc lẫy lừng nước non, Bao năm mòn mỏi chờ mong, Về thăm xứ Quảng thỏa lòng ai ơi !” (Đông Kinh mùa hoa Anh Đào nở. Song Thu) (trang 8).

Tuy chỉ là những nét chấm phá của một bức tranh phác họa, với phong cảnh thiên nhiên kỳ vĩ, với sinh hoạt con người và những tập tục địa phương. Nhưng đã ghi lại hầu như đầy đủ những tình tiết, những địa danh, những sắc màu, những ý niệm về một quê hương Quảng Nam thân yêu trong lòng người viễn xứ.

Xuyên suốt hình bóng quê hương đó, lòng hoài niệm của bào huynh với hình ảnh đầu tiên trong lúc xa nhà là hình bóng mẹ hiền: “Mẹ tôi cũng như bao bà mẹ Việt Nam khác, tận tụy trong thiên chức người mẹ, tần tảo săn sóc chồng, con; trông nom nếp sống gia đình trong ngoài chu toàn mọi việc. Gia đình tôi được tạm gọi là hạng trung lưu. Nhưng vì đông con, gia đình tôi gồm 8 anh chị em, thêm cha mẹ nữa là trọn một chục chẵn, nên mẹ có phần vất vả, nếu nói cho đúng nghĩa là bà lam lũ quần quật trong công việc suốt ngày thấy mà thương vô cùng!” (trang 10).

Ngoài việc cấy hái, hong phơi ra, mẹ còn tạo nên kinh tế tự túc để có đồng ra đồng vô cho các con đủ no lòng, hầu bằng được người ta, để nở mặt nở mày với thiên hạ; bằng cách trồng rau cải trong vườn nơi vuông đất phía sau nhà. Tôi còn nhớ mỗi năm vào dịp Tết, sản phẩm của mẹ hái ra tiền là rau ngò, cải tần ô, rau thơm cải cau... bó thành từng lọn cho vào gánh quảy đi bán ở các chợ rất xa cả chục cây số như chợ Câu Lâu, Vĩnh Điện, chợ Trà Kiệu... Mỗi lần đi chợ về, mẹ đều mua bánh kẹo cho tôi và em Út (chú Chín), nên tôi có cái thú là ưa đứng nơi đầu ngõ trông mẹ về để vòi vĩnh, nũng nịu, mách chuyện nọ, việc kia ở nhà của anh em tôi cho bà nghe. Nghe xong bà để bụng mà chả có bênh đứa nào. Bởi vì mẹ luôn bận rộn, vừa đặt đôi gióng xuống là lăn sả vô bếp nấu cơm, dọn dẹp cho các thành viên của gia đình có cơm nóng canh hổi no lòng kịp lúc, đúng bữa. Lúc tôi chưa đi tu, gia đình còn lại anh bốn (An), chị năm (Đấu), anh sáu (Thang), em chín (Cường) và tôi (Cư); chị hai (Quyên), chị ba (Miên) đã có gia đình và về ở bên nhà chồng. Nhà còn lại 7 miệng ăn, trong số bốn người đi làm: cha tôi, anh bốn, chị năm, anh sáu; tôi và Cường ăn theo vì còn nhỏ, còn mẹ là viên nội tướng quản lý mọi việc trong ngoài gọn ơ. Mỗi lần lầm lỗi, tôi bị cha phạt, trách; mẹ là vị thần hộ mạng chở che an ủi, nơi trú ẩn an toàn nhất cho tôi mỗi khi có biến cố chẳng may nào xảy đến bất chợt” (trang 11).

Hình ảnh người Mẹ được Thầy vẽ lại, có thể nói không phải mẹ của riêng ai. Vì những đức tính chịu đựng, nhẫn nhục, hy sinh cho chồng con, hằng ngày quần quật lam lũ, thì thấy giống những người mẹ Việt Nam chung; và tuổi thơ của Thầy cũng dễ thương vô cùng, nhất là những lần “ra đầu ngõ đợi mẹ đi chợ về để vòi vĩnh đòi quà...!”. Bằng lối văn bình dị, tươi mát, mạch lạc diễn tả thời tuổi thơ rất tinh tế và cảm động!

Nhân duyên thấy được giống Phật chớm nở: “Là đoàn sinh Gia Đình Phật Tử Hà Linh, tôi sinh hoạt trong nhiều năm từ ngành Oanh Vũ lên ngành Thiếu Nam. Bồ Đề Tâm chớm nở không biết tự bao giờ, mà lòng thương người, thương loài vật của tôi có rất sớm. Tôi nhớ không chính xác lắm, có lẽ năm 1952-53 gì đó, mẹ tôi nuôi một con heo bự và dự định mổ thịt cúng giỗ đãi khách vào cuối năm đó. Con vật như có linh tính biết trước, nó rơm rớm nước mắt và bỏ ăn trước ngày hành quyết. Tôi đánh bạo nhảy vào can gián, không cho ai được giết chết con heo ấy, nên đề nghị gia đình thay vì cúng mặn nên cúng chay tịnh. Cha mẹ tôi cũng là Phật tử thấy con có tâm từ như thế, nên biểu đồng tình tha chết cho con vật đáng thương kia. Làm được việc cứu vật như thế, trong lòng tôi cảm thấy thật là vui. Và cũng bắt đầu từ đó trở đi tôi phát nguyện ăn chay mỗi tháng 10 ngày, thay cho hai ngày như từ trước. Cha mẹ tôi cũng chay tịnh mỗi tháng 2 ngày rằm và mồng một; cũng như về chùa lễ lạy sám hối hồng danh mỗi tháng 2 lần, và thỉnh Phật về thờ tại nhà cho con cháu có dịp tín kính Phật” (trang 16).

Đây là bản phác thảo về “tín ngưỡng của Phật giáo dân gian” ở Việt Nam vào thời kỳ trước đây. Có điểm chung là người Phật tử đi chùa chỉ nhằm vào những ngày rằm và mồng một, hay ngày xuân đi lễ đầu năm để cầu nguyện cho bản thân và gia đình mình được sức khỏe hạnh phúc, tài lộc và sống lâu trăm tuổi !

(“Có ba thái độ đi chùa. Ngỡ ngàng, xa lạ, vui đùa giải khuây...” (Song Thu). (trang 28).

Đối với Thầy thì nhờ vào sinh hoạt trong G.Đ.P.T đã thấm nhuần lẽ đạo, nên một hôm Thầy đánh bạo xin cha mẹ đi tu và nhận được sự phản ứng của cha mẹ:

Mọi việc đã được xếp đặt và chuẩn bị sẵn sàng, tôi bèn nảy sinh ý định ngay với gia đình việc xuất gia học Phật. Khi trình bày ý nghĩ táo bạo nầy với song thân, tôi đã gây nên sự sửng sốt và ngạc nhiên cho mọi người trong gia đình... Cha tôi nghiêm nghị bảo: - Nếu trong gia đình có gì bất mãn, con cứ việc nói thẳng hết ra, để cha có thể tìm cách giải quyết ổn thỏa. Nhưng tại sao con lại muốn đi tu? - Vì con muốn sống cuộc đời thanh thoát của một người tăng sĩ”. -Cha nói tiếp: -Con đừng quá nông nỗi mà quyết định một việc quá vội vàng, hấp tấp thiếu sự cân nhắc kỹ lưỡng điều hơn lẽ thiệt sẽ ăn năn hối hận về sau”. (trang 22).

Hầu hết những bậc cha mẹ Việt Nam nhất là các vùng thôn quê không ai muốn con mình đi xuất gia. Vì họ luôn nghĩ rằng con trai là để “nối nghiệp tông đường” thừa hưởng gia tài tổ tiên để lại. Nhưng với chí nguyện xuất gia Thầy vẫn luôn ôm ấp trong lòng. Và cuối cùng Thầy học theo gương của Thái tử Tất Đạt Đa của ngày xưa: …“Một hôm đang sinh hoạt Gia Đình Phật Tử, tôi bày tỏ thái độ dứt khoát ra đi nầy ngõ lời từ giã với một vài người bạn thân. Các bạn tôi lấy làm ngạc nhiên và chất vấn lý do, cũng như điểm đến đầy thử thách đó của tôi. Nhưng các bạn hữu chỉ biết một cách đại khái, mơ hồ, còn sau nầy việc tôi tu học ở chùa nào tôi giữ bí mật, không thể nào cho họ biết rõ được. Vì biết đâu để lộ kế hoạch sẽ cản bước con đường tôi dự tính. Thế là ngày giờ và hành trang như đã sẵn sàng. Với một thái độ cương quyết và dứt khoát, tôi tìm cách trốn gia đình để ra đi trong muôn vàn đau xót. Hôm đó, một vài người bạn thân được tôi mời đến nhà để chuyện trò và họ cũng được cho hay là nội trong đêm tôi sẽ từ giã mọi người để ra đi... Và sau gần một tiếng đồng hồ tôi viết xong ba lá thư, lá thư thứ nhất để lại cho cha mẹ...” (trang 24).

Nhờ đi nhiều nơi và biết đâu là chốn gởi thân, để làm tròn chí nguyện: …“Xe đến Đà Nẳng là trạm cuối cùng, tôi đón xe tiếp đi hướng Non Nước – Ngũ Hành Sơn. Sở dĩ rành đường đi nước bước là do tôi có tham gia cuộc du ngoạn trước đây... và biết Hòa Thượng Hương Sơn và chùa Linh Ứng tại Non Nước”... (trang 28).

Vài nét về chùa: (Theo truyền thuyết vào năm Cảnh Hưng (1740-1780) có vị ẩn sĩ đến tu tại động Tàng Chơn, sau một thời gian Ngài cất một am tranh đề hiệu là “Dưỡng An Chơn” trải qua bao dâu biển... Tiếp theo là Hòa Thượng Quang Chánh hiệu là Bửu Đài là người đầu tiên xây dựng thành chùa đổi tên là Ứng Chơn được Vua Minh Mạng sắc phong là “Ứng Chơn Tự”. Có lẽ phạm húy với chữ “Chơn” của hoàng triều, nên sau đổi lại Linh Ứng Tự từ thời vua Thành Thái. Chùa Linh Ứng tại Ngũ Hành Sơn không chỉ là ngôi danh lam thắng cảnh bậc nhất của đất Quảng Nam nói riêng và Việt Nam nói chung. Mà nơi đây còn là nơi lưu trữ “Di sản văn hóa quốc gia” cũng như chùa Tam Thai).

Từ ấy Thầy đã đi vào nếp tu hành thanh tịnh, với một thời hành điệu, làm quen với nếp sống thiền môn, cũng như quen với chế độ ăn uống của tăng sinh...

Xuôi về phương nam: “Sự nghiệp của nhà sư gồm ba pháp y và một bình bát. Y pháp nuôi pháp thân, bình bát nuôi sắc thân; cả thân tâm đều ở trong môi trường thích hợp để học đạo, tu tập và hoằng pháp mà người xuất gia theo truyền thống nào cũng phải vâng giữ mới tròn tâm nguyện thực hành hạnh xuật thế (trang 75).

Từ năm 1959 Thầy vào Sài Gòn, và trải qua bao biến đổi của thế sự, Thầy bị cuốn xoáy vào trong cơn lốc của cảnh tương tranh. Đầu thập niên sáu mươi Sài Gòn lên cơn sốt với những cảnh đàn áp Phật giáo đẩm máu của chính quyền miền Nam. Thầy cũng bị bắt đưa vào trung tâm cải huấn thanh thiếu niên tại Thủ Đức...!

Chuẩn bị dự thi: “Vào tháng 1 năm 1964, chúng tôi dư kỳ thi tuyển vào lóp cao đẳng Phật học viện Huệ Nghiêm. Từ khi ra tù đến ngày dự thi chưa đầy hai tháng, tôi đã hết sức cố gắng dự cuộc thi tổ chức tại Ấn Quang gồm có 31 tăng sinh... Với các môn thi kinh, luật, luận đã học tại trường Lưỡng Xuyên Phật học, cộng thêm môn Việt văn và sinh ngữ Anh, vì lớp chúng tôi theo chương trình phổ thông của Bộ Giáo Dục nên chú trọng các môn thế pháp. Thi đậu vào trường Phật học Huệ Nghiêm tôi vô cùng phấn khởi..., và tôi được Ban Giám Đốc cho thọ giới cụ túc tại Việt Nam Quốc Tự vào tháng 8 cùng năm” (trang 83).

Dấu chân nhà giáo: “Dù không theo học khóa sư phạm, tôi vẫn có năng khiếu về ngành giáo dục, nhờ có sinh hoạt Gia Đình Phật Tử và Hướng Đạo nên biết phương pháp, cách tổ chức. Vì thế, các trường Hạnh Đức, Huỳnh Kim tôi được mời làm giáo sư hướng dẫn học sinh các lớp 6,7,8,9 nhất là lo về báo chí, tổ chức v.v… Để giúp kỹ thuật, ý kiến. Vì thích văn chương, thi ca, tôi phụ trách môn văn chương và thỉnh thoảng có dạy môn công dân giáo dục” (trang 91).

Nguyên nhân xuất ngoại du học là nhờ bào đệ của Thầy đã du học ở Nhật từ năm 1972, trong lúc về quê thăm có vài sinh viên người Nhật tháp tùng..., cơ hội làm quen và biết đường đi nước bước, nên sau khi mọi thủ tục hoàn tất... “Tôi lên đường sang Tokyo vào tháng 12 năm 1974 sau bao nhiêu lo lắng đợi chờ. Được đi du học là một cái thú rồi, giờ đây lại có những mối lo khác: học hành, thi cử, ngôn ngữ, việc chuyển ngân, nơi ăn chốn ở, trường sở, phong tục tập quán, sự tu tập, nhưng rồi một thời gian sau cũng hội nhập được” (trang 110).

Sau ngày Việt Nam đổi đời vào ngày 30 tháng 4, Thầy buộc lòng phải chọn quốc độ khác để hoằng pháp độ sinh. Cũng như tất cả các du sinh của Việt Nam Cộng Hòa du học tại Nhật thời đó, nay đóng vai trò “sứ giả hoằng pháp hải ngoại”. Kết quả họ đã nhận: “hoa trái có được sau bao năm kiên trì nhẫn nhục mà có được như hôm nay. Xin thành tâm niệm ân Phật, chư Tổ – các bậc thánh chúng mật thùy gia hộ; ân sư trưởng, đàn na thí chủ, bằng hữu... hỗ trợ mọi mặt cho sinh viên tăng như chúng tôi được thành đạt và tích cực phát huy Phật pháp sâu rộng hơn nữa tại các xứ sở tự do ở phương tây...”.

Đây là nguồn pháp lạc có được hay tặng phẩm xin dâng lên hồi hướng về pháp giới chúng sanh đều viên thành Phật đạo. Nguyện cầu đất nước Việt Nam được tự do, người dân no ấm, được tôn trọng nhân quyền và các quyền căn bản; cầu nguyện Phật pháp trường tồn và thế giới chấm dứt binh đao để người người nhận chân ra được vị Phật trong tương lai nơi bản tâm” (trang 194). (Tu viện Đa Bảo vùng đồi núi Blue Mountain lithgow) ngày 19 tháng 2 năm 2012 (28 tháng giêng năm Nhâm Thìn). Tỳ Keo Thích Bảo Lạc.

HT Nhu Dien
Hồi Ký Của Bào Đệ:

(Đôi nét về tác giả: Hòa Thượng Thích Như Điển. Họ và tên: Lê Cường. Đạo danh: Thích Như Điển. Pháp tự: Giải Minh. Pháp hiệu: Trí Tâm. Ngày và nơi sanh: 28 tháng 6 năm 1949, xã Xuyên Mỹ, quận Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, Việt Nam. Học lực: Cử nhân giáo dục và Cao học Phật giáo tại Nhật Bản. Gia cảnh: Con út trong số 8 người con - 5 trai và 3 gái - của ông Lê Quyên, pd: Thị Tế, và bà Hồ thị Khéo, pd: Thị Sắc. Xuất gia năm 1964 tại Tổ đình Phước Lâm, Hội An. Năm 1971 thọ Tỳ Kheo giới tại giới đàn Tu Viện Quảng Đức, Thủ Đức. Năm 1972 đi du học tại Nhật Bản. Ngày 22.4.1977 đến Đức. Hiện Đệ Nhị Chủ tịch Hội Đồng Điều Hành GHPGVNTN Âu Châu - Phương Trượng Chùa Viên Giác, Hannover, Đức Quốc).

Những hoài niệm về quê nhà, về tuổi thơ và tất cả những gì tạm gọi là “kỷ niệm”, được Thầy ghi lại qua những chặng đời bằng “dấu chân lịch sử”. Kể từ tuổi mới cắp sách đến trường, liên hệ với gia đình và xã hội, trong cuộc sống được dung thông với thiên nhiên... và xin phép cha mẹ được xuất gia làm tăng sĩ.

Một đoạn trong tiểu mục: “Tuổi Thơ” được diễn tả: “Đất nước Quảng Nam trong hiện tại có nhiều người ngoại quốc biết đến là nhờ có phố cổ Hội An và Mỹ Sơn. Đây là hai địa phương trong lúc chiến tranh ít có người nhắc đến; nhưng vào thời bình, đã có rất nhiều người vãng lai. Đứng về phương diện lịch sử thì đã có nhiều người biết; nhưng đứng về phương diện địa lý cũng như địa linh nhân kiệt thì quả là Quảng Nam có nhiều điều đáng nói, trong đó có hai địa danh nầy.

Từ năm 1600 đến năm 1640 cửa biển Hội An luôn có thuyền buôn tấp nập đến từ Nhật Bản, Trung Hoa, Ấn Độ và xa hơn nữa như: Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hòa Lan, Pháp, Ý v.v... Vì lẽ Chúa Nguyễn ở Đàng trong chủ trương tự do mậu dịch; trong khi đó vua Lê chúa Trịnh ở Đàng Ngoài sợ áp lực của Trung Quốc; nên ngoại giao với chính sách bế quan tỏa cảng... ”.

Đây là cảnh sinh hoạt của thành phố cổ Hội An từ những ngày xưa. Tuy thành phố nhỏ so với thành phố Đà Nẵng, nhưng lại có tầm vóc thương mại quốc tế. Nhờ có một lịch sử lâu đời từ trước thời người Pháp đô hộ nước ta. Nó chiếm một vị trí quan trọng của tỉnh Quảng Nam trong nhiều lãnh vực như thương mại, ngoại giao, và là con đường, cửa ngõ du nhập văn hóa phương Tây vào Việt Nam.

Trong tiểu mục: “Hương Lúa Chùa Quê” (cũng lấy làm tên của tuyển tập hồi ký nầy) có đoạn viết: …“Tôi sinh ra trong gia đình con nhà nông mà chẳng biết cày bừa, cấy lúa. Vì lẽ từ nhỏ đã có gia đình lo. Bây giờ nhân việc Mẹ mất, trở lại quê xưa giúp Cha thu hoạch vụ mùa. Những người đi trước làm sao tôi cố làm theo như vậy. Ví dụ như họ xăn quần lội xuống nước và tay mặt cầm liềm cắt lúa, tay trái đỡ bó lúa; đến khi đầy ôm, mang lại bồ lúa để đập. Bồ lúa gồm có một tấm phên dựng cao trong một cái bồ, khỏi tầm người đứng; đoạn chẻ lúa ra từng lọn nhỏ đứng thẳng người đập mạnh lên trên cái sạp để hột lúa rớt vào trong bồ và phần bên trên không rơi ra ngoài ruộng là nhờ có tấm phên che sẵn. Lúa đã được đập xong, chỉ còn cọng rạ, được phơi khô để cho trâu bò ăn, hay bện lại từng lớp để lợp nhà. Có nơi làm bổi đốt để nấu cơm; có nơi ủ rơm thành nấm. Quả thật cây lúa từ khi mới thành hình đến lúc trổ đòng đòng, kết thành bông, tạo thành hạt, rồi thành gạo, thành cơm là cả một kỳ công (trang 272).

Ngày xưa khi còn Mẹ, tôi vẫn được dạy rằng: “Cơm là hạt ngọc của trời, đừng phí phạm nó. Sau nầy sẽ làm heo gà để ăn lại cơm thừa đổ tháo ấy”. Lời mẹ dặn tuy không mang tính triết học. Nhưng nó cũng ứng với kinh điển của Phật dạy tự ngàn xưa. Nghĩa là hạt cơm ấy có gốc gác là những hạt ngọc từ cõi trời (trang 274).

Một nhân duyên tạo cơ hội cho Thầy có được những bài học từ nhân gian. Nhân duyên ấy nhằm vào tháng ba năm 1966 nghe tin Mẹ đã mãn phần, Thầy về lo tang lễ cho mẹ đồng thời để an ủi người Cha trong khi mẹ đã ra đi ! Thầy xin phép Sư Phụ ở lại nhà để phụ giúp gia đình trong vụ mùa thu hoạch. Nhờ thế mà vô hình trung thầy đã thể hiện công việc báo hiếu bậc sanh thành dưỡng dục một cách thiết thực nhất. Được học những công việc nhà nông, được tiếp xúc với dân làng để biết thêm tình bà con láng giềng; hay quây quần trong gia đình để biết sự ấm áp của cội nguồn đã hình thành nên một hiện tại. Và ghi khắc những ân tình của tha nhân, đó là ân cha nghĩa mẹ, và ân bá tánh:

Ai ơi, nhớ bát cơm đầy

Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần”. (ca dao)

Và cũng năm nầy, Thầy lại gặp thêm thời Pháp Nạn tiếp theo. Mùa hè năm 1966 có phong trào biểu tình của Phật Giáo để phản đối chính quyền đàn áp tôn giáo. Với một diễn biến mà Thầy chứng kiến như sau: “Thình lình vào một buổi sáng tinh sương, sân chùa Viên Giác tại Hội An náo động bởi những chiếc áo kaki màu xanh của lính. Họ là những người lính của quân đội Việt Nam Cộng Hòa, đã được lệnh trên; nên đã đột nhập vào chùa để bắt người chủ chốt, trong đó có Thầy tôi và một số anh em Huynh Trưởng của Gia Đình Phật Tử đang sinh hoạt trong Phong trào Thanh Niên Quyết Tử mặc áo đà thay vì áo lam. Họ là những người sẽ chết vì Đạo và cho Đạo.

Tôi quan sát những người lính nầy họ làm gì và kết quả thật bất ngờ, khi họ dúi tay vào lư nhang lấy ra những quả lựu đạn còn mới. Khi vào sau hậu Tổ họ đem ra một mớ truyền đơn tuyên truyền của cộng sản ra hô hoán là những anh em Quyết Tử nầy đang in Ronéo và có cả cờ Giải Phóng nữa. Đây là những bằng chứng để họ bắt đi tất cả. Thật sự ra bằng chứng ấy cũng chỉ là một sự ngụy tạo đối với những kẻ đương quyền mà thôi. Vì họ đang có quyền và có súng đạn trong tay, còn Phật Giáo không có gì hết; ngoại trừ một tấm lòng cho quê hương, cho dân tộc và đạo pháp” (trang 281).

Thật đau buồn cho một quê hương bị ngoại bang thao túng, phân hóa đến nỗi trở thành cảnh “nồi da xáo thịt, huynh đệ tương tàn” họ cố tình tung ra những trận hỏa mù để đánh lừa chính nghĩa, để chia rẽ anh em, bắt bớ tù đày những người vô tội. Trong đó Thầy vừa là nạn nhân và vừa là nhân chứng cho một giai đoạn lịch sử đau thương có máu và nước mắt của đất nước:

Tôi về lại chùa Viên Giác Hội An thấy cửa đóng then cài. Đi từ ngõ vào chùa chỉ cảm nghe như tiếng lá đa xào xạc không một bóng người qua lại, trông rất đìu hiu. Đặt chân lên chánh điện, tôi mở toang cánh cửa chính đầy màn nhện giăng để cho ánh sáng lọt vào bên trong đoạn dò dẩm lên bậc trên, dưới chân mình chạm vào một lớp bụi thời gian, cảm nghe chừng như lâu lắm mới có người đặt chân đến. Tôi cúi sập người xuống lễ Phật ba lạy rồi gióng lên 3 tiếng chuông gia trì, lòng mình cảm thấy trống vắng lạ thường. Bỗng bà Chín từ đâu xuất hiện, mở hé cánh cửa chùa nhìn thấy tôi, bà la lên. Ôi! Ông Điển! Chỉ có thế mà nước mắt lại tuôn trào. Tiếp đến tôi hỏi chuyện bà về ai còn, ai đã ra đi và tin tức về Thầy mình ra sao v.v... kể từ hôm ấy tiếng chuông u minh bắt đầu vang vọng” (trang 283).

Tâm cảnh ấy đã ẩn chứa biết bao nhiêu niềm đau và ghi lại những dấu buồn. Niềm đau nào cũng xót xa, dấu buồn nào cũng phong kín. Đứng giữa trời đất vô cùng gánh lấy niềm đau để một mình tuôn rơi dòng lệ!

Đến bây giờ, sau khi tất cả những bí mật chiến tranh ở Việt Nam được giải mã, người ta mới biết rằng trong lúc “Đồng Minh” muốn bỏ rơi Việt Nam Cộng Hòa, họ đã tạo ra những “cuộc biến động”, đổ lỗi cho chính quyền Miền Nam để họ chính danh rút êm, không bị thế giới lên án vì đã để lại một nước Việt Nam hoang tàn, người dân bị nhiều vết thương cả thể xác lẫn tinh thần. Và nỗi hoang vu trong hồn khi phải trở về và đối diện với một thực tại bi đát nầy:

Cho đến bây giờ mỗi lần hồi tưởng về những ngày ở tù của năm 1966 nầy, tôi hay nhớ lại hình ảnh của cha mình đi thăm nuôi, đứng trước cổng trại tù Hội An để han hỏi vài lời rồi trở về quê trong vội vã. Hình ảnh ấy đã làm cho tôi xúc động và tôi cũng đã chẳng hỏi nhờ đâu mà cha biết tin. Thế nhưng người đã đến. Cái tang Mẹ cách đó vài tháng. Bây giờ lại chịu lãnh án tù không chờ đợi ở lứa tuổi 17; trong khi mới xuất gia được 3 năm. Thời gian như ngừng trôi và không gian như đọng lại, chỉ có sự chiêm nghiệm vào bề sâu của tâm hồn, tôi mới thấy tình phụ tử, tình mẫu tử là gì. Dẫu cho người con ấy sau nầy có trở thành gì đi chăng nữa, trong tinh thần huyết thống, nó vẫn là đứa con trong kiếp này và nhiều kiếp khác ở trong sự sanh tử luân hồi kia” (trang 284).

Về lại chùa Viên Giác Hội An, Thầy vừa chí tâm tu học, vừa làm công việc trong chùa như việc làm đậu khuôn: ...“Thứ có nhiệm vụ cho đậu và nước vào cối xay; còn tôi chỉ có nhiệm vụ quay cối cho đều để có được những thùng nước đậu nành trắng xóa là được rồi. Nước đậu ấy đem đổ vào vải để “bồng” cho ráo, chỉ còn xác đậu. Đó là nước nhất. Đoạn đổ nước lạnh vào bã đậu “bòng” một lần nữa để có nước thứ nhì. Cả hai nước đậu ấy dồn chung lại đổ vào nồi để bà Chín nấu và canh đến khi nào đậu sôi, lấy một ít nước đậu còn lạnh đổ vào vào nồi, để nước sôi trong nồi hạ xuống. Tiếp theo dùng thạch cao đổ vào thau, quậy cho đều; đoạn đem nước đậu sôi đổ vào thau, khuấy cho đều tay đến khi nào đậu đong lại thì dừng. Còn xác đậu thảy ra bên ngoài dùng để cho heo ăn hay làm phân bón cho cây cỏ”. (trang 286).

Giã từ Hội An và dấn thân trên bước đường mới:…“Tôi ra Đà Nẵng lấy máy bay đi Sàigòn và tự đón xe lam về chùa Hưng Long ở số 298 đường Minh Mạng thuở ấy... Sau khi đến chùa tôi được Hòa Thượng Thích Pháp Ý trụ trì chùa nầy sắp đặt cho chỗ ăn chỗ ở và cho biết một vài việc cần thiết phải làm khi ở đây...” (trang 322).

Sau khi thi đậu Tú Tài II, Thầy liền báo tin cho Bào Huynh, (lúc ấy cũng ở Sài Gòn và được các trường Hạnh Đức và Huỳnh Kim mời làm Giáo sư giảng dạy các lớp Trung học). Để nhờ Thầy liên lạc và giới thiệu với Thầy Lâm Như Tạng đang du học ở Nhật (nguyên là tăng sĩ cũ của Phật Học Viện Huệ Nghiêm). Trong việc làm thủ tục đi du học ở Nhật. Sau thời gian chờ đợi Thầy nhận được hồi báo và xúc tiến việc thành lập hồ sơ: “... chừng ấy giấy tờ vẫn chưa đủ, tôi phải đến chùa Ấn Quang để xin Hòa Thượng Thích Huyền Quang và Hòa Thượng Thích Thiện Hoa làm giấy miễn ký quỹ hồi hương cũng như giấy giới thiệu của Giáo Hội tất cả những giấy tờ nầy ngày nay tôi vẫn còn giữ.

Hòa Thượng Viện Trưởng hỏi tôi rằng:

- Nghe nói ở Nhật hoa Anh Đào đẹp lắm phải không?

- Bạch Thầy con đi du học xong con sẽ trở về.

Thầy nhìn tôi cười và bảo hãy xuống văn phòng để Hòa Thượng Thích Huyền Quang làm giấy chứng nhận gởi lên Bộ Giáo Dục và Bộ Nội Vụ” (trang 344).

Thật vô cùng thú vị với cảnh hỏi đáp giữa thầy trò, ẩn chứa một tấm lòng của “người cha luôn lo lắng cho con, trước những cám dỗ của cuộc đời”. Nhưng khi nghe người con đã “khẳng định” một lời khiến cho mối lo kia tan biến. Và cảnh hỏi đáp ấy cũng mang đầy tính thiền vị. Như câu chuyện “niêm hoa vi tiếu” của ngày xưa: (Hỏi: “... Hoa Anh Đào đẹp lắm phải không?. (Tức là “niêm hoa”). Đáp: “Bạch Thầy con đi du học xong con sẽ trở về”. (Tức là: “vi tiếu”). Cũng như ôm ấp hạnh nguyện của những người mang hoài bão đối với dân tộc, đạo pháp và quê hương cội nguồn!

Đến nước Nhật có nhiều điều để xem, để viết... Nên sau khi rời nước Nhật Thầy bắt đầu viết về sinh hoạt văn hóa. Đầu tiên Thầy viết: “Nghiên cứu Giáo Đoàn Phật Giáo thời nguyên thủy I, II và III (dịch từ Nhật ngữ ra Việt và Đức ngữ”). Thiền Lâm Tế Nhật Bản (dịch từ Nhật Ngữ ra Việt ngữ). Tịnh Độ tông Nhật Bản (dịch từ Nhật ngữ ra Việt ngữ). Tào Động tông Nhật Bản (dịch từ Nhật ngữ ra Việt ngữ). Những mẩu chuyện linh ứng của Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát (dịch từ Nhật ngữ ra Đức ngữ). Nhật Liên Tông Nhật Bản (dịch từ Nhật ngữ ra Việt ngữ). Chân Ngôn tông Nhật Bản (dịch từ Nhật ngữ ra Việt ngữ)...

Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 với biến cố đổi đời tại Việt Nam: …“Khi đến Sứ Quán Việt Nam Cộng Hòa ở nhà gare Yoyogi thì thấy hàng mấy trăm sinh viên đang đứng sắp hàng tại đó. Lúc bấy giờ tâm sự của ai cũng giống nhau và cũng chẳng biết tính như thế nào đây. Người muốn bỏ Nhật đi Mỹ đoàn tụ cùng gia đình, người muốn đi Pháp; nhưng thuở ấy những sinh viên học chưa ra trường như tôi còn rất nhiều, nên họ quyết định ở lại Nhật học cho xong Đại học ...” (trang 412).

Tôi đã cùng với mấy ngàn sinh viên nhiều phân khoa khác nhau của Đại Học Teikyo ấy, vẫn còn lưu giữ mãi những kỷ niệm nầy nơi tâm mình...” (trang 421)

Lời Kết: “Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười”...

Xin mượn câu Kiều để kết luận về thiên Hồi ký của nhị vị Hòa Thượng... Hai vị đã cùng sử dụng một “văn phong chân quê” nhưng mỗi người lại đi từ cái riêng đến cái chung... để gặp nhau một điểm mang tính nhân bản đó là: “Tấm lòng biết ơn”:

Ân giáo dưỡng một đời nên huệ mạng

Nghĩa ân sư muôn kiếp khó đáp đền.”

Xin cầu nguyện thế giới hòa bình nhân sinh an lạc.

Sách do chùa Viên Giác (Đức Quốc) và Chùa Pháp Bảo (Úc Châu) ấn hành năm 2013.

Trần Đan Hà



Kính mời xem trọn vẹn tác phẩm


Huong_Lua_final

 
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
10/12/2010(Xem: 9368)
Hoà Thượng thế danh Diệp Quang Tiền, pháp danh Tâm Khai, tự Thiện Giác, hiệu Trí Ấn Nhật Liên. Ngài sanh ngày 13 tháng 10 năm Quý Hợi (1923) tại thôn Xuân Yên, xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, trong một gia đình thâm tín Phật Giáo. Thân phụ là cụ Diệp Chí Hoan; thân mẫu là cụ bà Phan Thị Đường. Hai cụ sinh hạ được 5 người con : 4 nam, 1 nữ - Ngài là con thứ trong gia đình, sau anh trưởng là Thầy Diệp Tôn (Thích Thiện Liên). Năm lên 6 tuổi (1928) gia đình Ngài dời về thôn Diên Sanh, xã Hải Thọ, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Thân sinh Ngài đã rước thầy Đồ Nho danh tiếng về nhà để dạy chữ Hán cho hai con. Hai anh em Ngài thường được cụ Đồ khen là thông minh, hứa hẹn một tương lai tốt đẹp. Năm lên 10 tuổi (1932), Ngài theo học Việt Văn tại thôn Diên Sanh.
16/11/2010(Xem: 10927)
“Nam Kha nhất mộng đoạn, Tây Vức cửu liên khai, phiên thân quy Tịnh Độ, hiệp chưởng lễ Như Lai
30/10/2010(Xem: 3598)
Tiểu sử cho biết rằng, vào năm 1542 sau khi dâng sớ lên vương triều Mạc đòi chém 18 kẻ lộng thần, nhưng không được vua Mạc bấy giờ là Mạc Phúc Hải chấp thuận. Nguyễn Bỉnh Khiêm liền cáo quan về lại quê quán ở làng Trung Am. Nay là huyện Vĩnh Bảo thành phố Hải Phòng. Dù thất bại ở triều đình không thực hiện được hoài bão như dự tính lúc ban đầu: Dân giai thức mục quan tân chính
30/10/2010(Xem: 5298)
Như tôi cũng đã thưa rồi, hiếm ai dành nhiều thời gian để nhớ về mẹ như tôi. Chuyện gì buồn vui cũng là cái cớ để tôi nhớ về mẹ bằng tất cả tim óc. Tôi đã nhớ mẹ qua bất cứ hình ảnh nào của các bậc cha mẹ trong đời mà tôi quen biết, trong giao thiệp hay chỉ nhìn thấy trên phim ảnh sách báo... Có điều là không ít hình ảnh trong số đó cứ khiến tôi đau đáu một nỗi riêng không chịu thấu: 1. Họ là những bậc cha mẹ với tuổi đời chưa bao nhiêu nhưng đã bắt đầu quên mất tuổi trẻ của mình cho đứa con đầu lòng. Một tuổi trẻ tất bật áo cơm, không có rong chơi, không có ngơi nghỉ, không có thời gian riêng tư, dẹp luôn những không gian độc lập để sống như mình vẫn ao ước thời chớm lớn. Họ Mất hết cho cái mà họ cho là Được – đó chính là đứa con! Nhìn họ tôi nhớ mẹ!
28/10/2010(Xem: 3233)
ù bây giờ đã qua hết những ngày tất tả ngược xuôi lo chạy gạo bữa đói bữa no, lăn lóc chợ trời nhục nhã ê chề tấm thân; những ngày dầm mưa dãi nắng lặn lội đi thăm nuôi nhưng những kỷ niệm buồn sâu thẳm vẫn còn đậm nét trong lòng tôi mãi mãi mỗi độ tháng tư về. Sau khi hai đứa con ra đi được hai ngày, tôi được tin chuyến tàu bị bể. Tôi vừa bàng hoàng vừa cầu xin đó không phải là sự thật, nếu quả đúng như vậy liệu tôi có còn đủ sức chịu đựng hay không vì chồng tôi đang còn ở trong trại cải tạo. Nóng ruột quá, tôi bèn rủ một em học trò cũ lên nhà bà chủ tàu để dò hỏi tin tức. Khi đi thì hăng hái như vậy nhưng gần đến ngõ rẽ đi vào nhà, tôi không còn can đảm tiếp tục bước nữa. Tôi ngồi lại một mình dưới gốc cây vừa niệm Phật vừa cầu xin, mắt không rời theo dõi vào con ngõ sâu hun hút đó. Càng chờ ruột gan càng nóng như lửa đốt, không chịu nổi nữa tôi đi liều vào. Vừa đến nơi hai chân tôi đã muốn khuỵu xuống, một bầu không khí im lặng nặng nề, hai người ngồi như 2 pho tượng; sau đó em h
21/10/2010(Xem: 10466)
Bướm bay vườn cải hoa vàng , Hôm nay chúng ta cùng đọc với nhau bài Bướm bay vườn cải hoa vàng. Bài này được sáng tác trước bài trường ca Avril vào khoảng năm tháng. Viết vào đầu tháng chạp năm 1963. Trong bài Bướm bay vườn cải hoa vàng chúng ta thấy lại bông hoa của thi sĩ Quách Thoại một cách rất rõ ràng. Đứng yên ngoài hàng dậu Em mỉm nụ nhiệm mầu Lặng nhìn em kinh ngạc Vừa thoáng nghe em hát Lời ca em thiên thâu
17/10/2010(Xem: 3724)
Tây Du Ký tiêu biểu cho tiểu thuyết chương hồi bình dân Trung Quốc, có ảnh hưởng sâu sắc đến sinh hoạt xã hội các dân tộc Á Châu. Không những nó đã có mặt từ lâu trong khu vực văn hóa chữ Hán (Trung, Đài, Hàn, Việt, Nhật) mà từ cuối thế kỷ 19, qua các bản tuồng các gánh hát lưu diễn và văn dịch, Tây Du Ký (TDK) đã theo ngọn gió mùa và quang thúng Hoa Kiều đến Thái, Mã Lai, In-đô-nê-xia và các nơi khác trên thế giới. Âu Mỹ cũng đánh giá cao TDK, bằng cớ là Pháp đã cho in bản dịch TDK Le Pèlerin vers l’Ouest trong tuyển tập Pléiade trên giấy quyến và học giả A. Waley đã dịch TDK ra Anh ngữ từ lâu ( Monkey, by Wu Ch’Êng-Ên, Allen & Unwin, London, 1942). Ngoài ra, việc so sánh Tây Du Ký2 và tác phẩm Tây Phương The Pilgrim’s Progress (Thiên Lộ Lịch Trình) cũng là một đề tài thú vị cho người nghiên cứu văn học đối chiếu.
08/10/2010(Xem: 14997)
Phật nói : Lấy Tâm làm Tông, lấy không cửa làm cửa Pháp. Đã không cửa làm sao đi qua ? Há chẳng nghe nói : “Từ cửa vào không phải là đồ quý trong nhà. Do duyên mà được, trước thì thành, sau thì hoại.” Nói như thế giống như không gió mà dậy sóng, khoét thịt lành làm thành vết thương. Huống hồ, chấp vào câu nói để tìm giải thích như khua gậy đánh trăng, gãi chân ngứa ngoài da giầy, có ăn nhằm gì ? Mùa hạ năm Thiệu Định, Mậu Tý, tại chùa Long Tường huyện Đông Gia, Huệ Khai là Thủ Chúng nhân chư tăng thỉnh ích bèn lấy công án của người xưa làm viên ngói gõ cửa, tùy cơ chỉ dẫn người học. Thoạt tiên không xếp đặt trước sau, cộng được 48 tắc gọi chung là “Cửa không cửa”. Nếu là kẻ dõng mãnh, không kể nguy vong, một dao vào thẳng, Na Tra tám tay giữ không được. Tây Thiên bốn bẩy (4x7=28) vị, Đông Độ hai ba (2x3=6) vị chỉ đành ngóng gió xin tha mạng. Nếu còn chần chờ thì giống như nhìn người cưỡi ngựa sau song cửa, chớp mắt đã vượt qua.
08/10/2010(Xem: 3467)
Tiểu sử chép: “Năm 19 tuổi Chân Nguyên đọc quyển Thực Lục sự tích Trúc Lâm đệ tam tổ Huyền Quang,chợt tỉnh ngộ mà nói rằng, đến như cổ nhân ngày xưa, dọc ngang lừng lẫy mà còn chán sự công danh, huống gì mình chỉ là một anh học trò”. Bèn phát nguyện đi tu. Thế là cũng như Thiền sư Huyền Quang, Chân Nguyên cũng leo lên núi Yên Tử để thực hiện chí nguyện xuất gia học đạo của mình. Và cũng giống như Huyền Quang, Chân Nguyên cũng đã viết Thiền tịch phú khi Chân Nguyên còn đang làm trụ trì tại chùa Long Động trên núi Yên Tử.
05/10/2010(Xem: 13310)
Trải vách quế gió vàng hiu hắt, Mảnh vũ y lạnh ngắt như đồng, Oán chi những khách tiêu phòng, Mà xui phận bạc nằm trong má đào.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]