Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bàn về hai chữ Nhậm Vận

06/04/201712:27(Xem: 5404)
Bàn về hai chữ Nhậm Vận


hoa_sen (11)

BÀN VỀ HAI CHỮ NHẬM VẬN

 

Nói đến văn học Phật giáo Việt Nam thì ai cũng biết bài thơ Thị đệ tử (Dặn học trò) của thiền sư Vạn Hạnh:

 

示 弟 子

             

身 如 電 影 有 還 無 

萬 木 春 榮 秋 又 枯 

任 運 盛 衰 無 怖 畏 

盛 衰 如 露 草 頭 舖

                   

Thị đệ tử

        

Thân như điện ảnh hữu hoàn vô

Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô

Nhậm vận thịnh suy vô bố uý

Thịnh suy như lộ thảo đầu phô.

 

Có hai bản dịch tiêu biểu, đó là bản dịch của H.T Thích Mật Thể:

 

Thân như bóng chớp chiều tà

Cỏ xuân tuơi tốt thu qua rụng rời 

Xá chi suy thịnh cuộc đời 

Thịnh suy như hạt sương rơi đầu cành. 

 

Và bản dịch của Ngô Tất Tố:

 

Thân như bóng chớp có rồi không

Cây cối xuân tươi, thu não nùng 

Mặc cuộc thịnh suy đừng sợ hãi 

Kìa kìa ngọn cỏ giọt sương đông.

 

Ngoài ra còn có nhiều bản bản dịch khác nhưng không tiện dẫn ra.

 

Ở đây, chúng tôi chỉ muốn bàn về hai chữ “nhậm vận” trong câu “nhậm vận thịnh suy vô bố úy”. Câu này nhiều vị dịch thơ như sau:

 

- Theo vận thịnh suy không sợ hãi. 

- Mặc cuộc thịnh suy không sợ hãi. 

- Nhìn cuộc thịnh suy không sợ hãi. 

- Tùy vận thản nhiên khi lên xuống. 

- Thế cuộc mất còn chi phải sợ.

- Thịnh suy tùy vận không lo lắng.

 

Hoặc là diễn đạt ý nghĩa:

 

- Mặc cho thời vận của cuộc đời thịnh hay suy gì cũng đừng nên lo lắng mà chi.

- Đã nhậm vận, thì thịnh hay suy không làm cho sợ hãi.

- Tu tập đạt đến trình độ thông hiểu mọi quy luật của thân, vạn mộc rồi thì không lo sợ nữa. Nhậm vận tức là hằng ngày sống một cách bình thản an nhiên với tất cả mọi người, không có vấn đề gì cả. 

- Thế nên thịnh suy trong cuộc đời không có gì phải sợ hãi mà phải luôn gánh vác trách nhiệm, phải biến bị động thành chủ động để nắm lấy thời vận mà hành động một cách linh hoạt bất kể là thịnh hay suy.

- Một khi người tu hành đã đạt tới “nhậm vận” thì có thể hoà đồng giữa ngoại giới và nội tâm, vượt lên trên sự phân định giữa cái ta và cái không ta. Như vậy, “nhậm vận” như thế là biết trở về với sự an nhiên nằm trong sự vận động vĩnh cửu, một sự vận động vô thuỷ, vô chung, trong đó cuộc đời con người chỉ như là ánh chớp có rồi không, rất ngắn ngủi và sự thịnh suy như giọt sương treo đầu ngọn cỏ.

 

Theo từ điển Hán ngữ định nghĩa:

【 từ mục 】nhậm vận【độc âm 】rèn yùn

【 thích nghĩa 】nhậm pháp chi tự nhiên vận động, bất gia nhân công đích tạo tác, vị thính bằng mệnh vận an bài. (Mặc cho sự vật tự nhiên vận động, không cần thêm sức người tạo tác, nghĩa là như mặc cho vận mệnh an bài.)

【 xuất xứ 】《Tống thư - Vương Cảnh Văn truyện》: “Hữu tâm ư tị họa, bất như vô tâm ư nhậm vận.” (Hữu tâm để tránh tai họa, không bằng vô tâm để xuôi theo tự nhiên.)

【詞目】任運【讀音】rèn yùn

【釋義】任法之自然運動,不加人工的造作。謂聽憑命運安排。

【出處】《宋書·王景文傳》:“有心於避禍,不如無心於任運。”

 

Theo Tự điển Phật Quang ghi:

“Nhậm vận (任運): Đồng nghĩa: Vô công dụng. Không cần dụng công tạo tác để thành tựu sự nghiệp, cứ thuận theo sự tự nhiên của các pháp mà vận hành. Thông thường, từ Thất địa trở về trước thì phải dụng công tu tập, còn từ Bát địa trở lên thì không cần dụng công nữa, mà chỉ thuận theo pháp tính tự nhiên. Vãng sinh lễ tán (Đại 47, 439 thượng) nói: Tự nhiên nhậm vận, tự lợi, lợi tha, không hạnh nào chẳng đầy đủ. Đây là hiển bày cái đức nhậm vận tự nhiên của Tịnh độ cực lạc, đầy đủ các hạnh lợi mình và lợi người. [X. Ma ha chỉ quán Q.5].”

 

Có trên 3,500 kết quả của từ “nhậm vận” trong Đại chánh tạng, cho thấy nhậm vận là một thuật ngữ rất quan trọng trong kinh điển Phật giáo. Xin dẫn ra đây một số thí dụ: 

 

Kinh Hoa Nghiêm, No. 0279, Thật-xoa-nan-đà dịch, Q.37, tr. 193c27: “Ở trong các thú, khởi thân ngũ uẩn gọi là sanh; suy biến gọi là lão; chết mất gọi là tử. Lúc lão tử sanh ra những nhiệt não. Do nhiệt não nên đủ thứ khổ ưu sầu, buồn than tập hợp lại. Đây là do duyên mà tập hợp chứ không có cái tập hợp. Tự nhiên vận chuyển (nhậm vận) mà diệt chứ không có cái diệt.”

(於諸趣中。起五蘊身名生。生已衰變爲老。終歿爲死。於老死時生諸熱惱。因熱惱故憂愁悲歎衆苦皆集。此因縁故集無有集者。任運而滅。亦無滅者。)

 

Kinh Đại Bát-nhã ba-la-mật-đa, Q.4, tr. 37b10: “Xá Lợi Tử! Các đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã-ba-la-mật-đa, vì cùng tương ưng với bát-nhã ba-la-mật-đa như vậy, nên hoàn toàn chẳng khởi các tâm chướng ngại là xan tham, phạm giới, giận hờn, lười biếng, tán loạn, ác tuệ, thì bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tiến, tĩnh lự, bát-nhã ba-la-mật tự nhiên hiện tiền, không có gián đoạn.”

(舍利子。諸菩薩摩訶薩修行般若波羅蜜多。與如是般若波羅蜜多相應故。畢竟不起慳貪犯戒忿恚懈怠散亂惡慧障礙之心。布施淨戒安忍精進靜慮般若波羅蜜多。任運現前無間無斷。)

 

Luận Thành duy thức, Q.5, tr. 27a18: “Tham, si vận hành tự nhiên, cùng hiện khởi với năm thức; trong cõi thuần khổ, phiền não vận hành tự nhiên; chúng không phát nghiệp, vì là vô ký. Chúng thảy đều có thể cùng tương ưng với khổ căn.”

(五識倶起任運貪癡。純苦趣中任運煩惱。不發業者是無記故。彼皆容與苦根相應。)

 

Kinh Giải thâm mật, phẩm Phân biệt du-già, tr. 699b21: “Bồ tát Từ thị lại thưa Phật: Bạch đức Thế tôn, đình chỉ là thế nào? phấn chấn là thế nào? xả bỏ là thế nào? Đức Thế tôn dạy bồ tát Từ thị: Thiện nam tử, khi tâm quấy động, hay khi phòng tâm quấy động, thì sự tác ý về cái đáng chán, và sự tác ý liên tục về cái tâm ấy, gọi là đình chỉ; khi tâm chìm đắm, hay khi phòng tâm chìm đắm, thì sự tác ý về cái đáng vui, và sự tác ý về cái tâm ấy, gọi là phấn chấn; hoặc chỉ có chỉ, hoặc chỉ có quán, hoặc cả chỉ quán song hành, mà khi bị nhuốm bẩn vì hai thứ tùy phiền não (là quấy động và chìm đắm như trên) thì sự tác ý mà vô công dụng, và những gì tác ý (khởi lên) trong tâm thì vận chuyển tự nhiên, gọi là xả bỏ.”

(慈氏菩薩復白佛言。世尊。云何止相。云何擧相。云何捨相。佛告慈氏菩薩曰善男子。心掉擧。或恐掉擧時諸可厭法作意。及彼無間心作意。是名止相。若心沈沒。或 恐沈沒時。諸可欣法作意。及彼心相作意。是名擧相。若於一向止道。或於一向觀道。或於雙運轉道。二隨煩惱所染汚時。諸無功用作意。及心任運轉中所有作意。是名捨相。)

 

Kim Kim quang minh tối thắng vương, Q.1, phẩm Như lai thọ lượng, tr. 407a09: “Bốn là [chư Như lai] đối với chúng sinh, một cách tự nhiên, tạm ngừng hóa độ [khi cơ duyên hóa độ đã hết], nên nói là niết bàn.”

(四者。於諸有情任運休息化 因縁故。名爲涅槃。)

 

Và tr. 407c09: “Hai, đối với chúng sinh, Như lai không nghĩ họ là ngu phu, đi theo quan niệm thác loạn, bị phiền não ép buộc, Như lai phải khai thị cho họ siêu thoát; thế nhưng do sức mạnh của từ bi quá khứ, nên đối với chúng sinh vẫn tùy trình độ, ý thích và nhận định của họ mà tự nhiên cứu độ, chỉ thị và huấn dụ cho họ lợi ích và hoan hỷ mà không phân biệt gì hết, cùng tận thì gian, không có kết thúc, đó là việc Như lai làm.”

(二者。佛於衆 生不作是念。此諸愚夫行顛倒見。爲諸煩惱之所纒迫。我今開悟令其解脱。然由往昔慈善根力。於彼有情。隨其根性意樂勝解。不起分別。任運濟度示教利喜。盡未來際。無有窮盡。是如來行。)

 

Kinh Phật thuyết A Di Đà, No. 366, Cưu-ma-la-thập dịch, tr. 348b02: “Đức Phật Vô Lượng Thọ thuyết chú Vãng sanh tịnh độ: ‘Nam mô A di đa bà dạ, đa tha dà đa dạ, đa điệt dạ tha, a di rị đô bà tỳ, a di rị đa tất đam bà tỳ, a di rị đa tỳ ca lan đế, a di rị đa tỳ ca lan đa, dà di nị, dà dà na, chỉ đa ca lệ ta bà ha.’ Người tụng chú này thì đức Phật A Di Đà thường trú trên đỉnh đầu của người ấy; sai khi mạng chung thì tự nhiên vãng sanh.”

(無量壽佛説往生淨土呪。南無阿彌多婆夜。哆他伽哆夜。哆地夜他。阿彌唎都婆毘。阿彌唎哆悉耽婆毘。阿彌唎哆毘迦蘭帝。阿彌唎哆毘迦蘭哆。伽彌膩。伽伽那。抧多迦隸莎婆訶。誦此呪者阿彌陀佛常住其頂命終之後任運往生.)


Nhiếp đại thừa luận bản, tr. 144c02: “Nên biết như thế nào về sự tu tập các pháp ba la mật này? Nên biết sự tu tập ấy đại lược có 5 sự. Một là tu tập bằng sự nỗ lực nổi lên. Hai là tu tập bằng sự thắng giải. Ba là tu tập bằng sự tác ý. Bốn là tu tập bằng sự phương tiện khéo léo. Năm là tu tập bằng sự thành tựu việc làm. Tựu trung, 4 sự tu tập thì như trước đã nói, còn sự thành tựu việc làm là chư vị Như lai thì việc Phật vận dụng tự nhiên mà không có ngừng nghỉ, đối với các pháp ba la mật mà các Ngài đã viên mãn các Ngài lại hoạt dụng các pháp ấy.” (H.T Thích Trí Quang dịch)

(云何應知修習如是波羅蜜多。應知此修略有五種。一現起加行修。二勝解修。三作意修。四方便善巧修。五成所作事修。此中四修如前已説。成所作事修者。謂諸如來任運佛事無有休息。於其圓滿波羅蜜多。)

 

Hiển dương Thánh giáo luận, tr. 491c09: “Sáu là Hiện tiền địa: Các Bồ-tát trú trong địa này, vì trước đã khéo tu đối trị ở địa thứ năm, vượt qua tất cả Thanh văn, Độc giác địa, chứng được Cực tịnh duyên trí và phi trí, hai thứ tạo nên các hành lưu chuyển hay ngưng dứt, là vi diệu tuệ uẩn về pháp cảnh, mà phần nhiều là hữu tướng tương tục một cách tự nhiên, khiến cho diệu trí hiện ra trước mắt, cho nên địa này gọi là Hiện tiền.”

(六現前地。謂諸菩薩住此地中。先善修治第五地故。超過一切聲聞獨覺地。證得極淨縁智非智二種所作諸行流轉止息法境微妙慧蘊。多分有相任運相續妙智現前。是故此地名爲現前。)

 

Đại thừa Khởi tín luận, tr. 577b08: “Ba, [Ý] tên là hiện thức, là đối cảnh do năng kiến hình thành - Như gương sáng hiện ra hình ảnh, hiện thức cũng vậy, năm đối cảnh đối diện là biểu hiện, không có trước sau, vì hiện thức lúc nào cũng tự chuyển động liên tục.”

(三者名爲現識。所謂能現一切境界。猶如明鏡現於色像。現識亦爾。隨其五塵對至即現無有前後。以一切時任運而起常在前故。)

 

Kinh Đại thừa đại tập Địa tạng thập luân, Q. 10, tr. 773a12: “Như thế gọi là phương tiện thiện xảo thế gian của Bồ-tát. Phương tiện thiện xảo này là cộng pháp với hàng Thanh văn, Độc giác, v.v…, cũng làm nhân tố nương tựa của tất cả pháp của Phật, cũng là chỗ nương tựa của các hạnh thiện xảo, cũng là pháp thiện xảo chuyển vận tự nhiên, không nghĩ, không diệt, không thoái lui.” 

(如是名爲菩薩世間善巧方便。此巧方便共諸聲聞獨覺乘等。亦作一切佛法依因。亦是善巧諸行依處。亦是善巧任運無思滅退墮法。)

 

Kinh Đại bảo tích, Q. 39, phẩm Như Lai bất tư nghị tánh, tr. 228b28: “Nầy Xá Lợi Phất! Đức đại bi chẳng thể nghĩ bàn ấy của Như Lai chẳng do công dụng, thường chuyển một cách tự nhiên, luôn lưu bố khắp đầy mười phương thế giới không có chướng ngại.”

(復次舍利子。如是如來不可思議大悲。不由功用任運常轉。流布遍滿十方世界無有障礙。)

 

Như vậy, nhậm vận là vận chuyển, vận dụng, vận hành một cách tự nhiên, theo qui luật tự nhiên hay ngẫu nhiên, không cần tác ý hay gắng sức, không do bởi sự tạo tác của tâm thức phân biệt.

 

Trở lại bài kệ Thị đệ tử của thiền sư Vạn Hạnh, chúng ta có thể hiểu như sau: Con người thì có sự sống chết, buổi sáng thấy còn đó (hữu), buổi chiều đã mất đi (vô), thân người vô thường giống điện chớp, ảnh tượng. Muôn vật, trong đó, cây cối thì xum xê, nở rộ (vinh) vào mùa Xuân, và tàn úa, rơi rụng (khô) vào mùa Thu. Đứng trước qui luật tự nhiên của sự thịnh suy, vô thường, sinh diệt nơi thân người (nội thân, bao gồm tâm thức) và muôn vật (ngoại cảnh, bao gồm hoàn cảnh xã hội), thì người tu hành không sinh tâm sợ hãi (vô bố úy), bởi lẽ, sự thịnh suy của cuộc đời, sự thăng trầm của đời sống xã hội, sự sống chết của bản thân, sự sinh diệt của các pháp hữu vi, tất cả là lẽ đương nhiên, là qui luật tự nhiên, là duyên sinh, là chân lý về Khổ (Dukkha), chúng giống như giọt sương phơi bày trên ngọn cỏ. Đó là tuệ quán của người tu hành.

 

Đó chính là tuệ quán về các pháp, như kinh Kim cương diễn tả:

 

Nhất thiết hữu vi pháp

Như mộng, huyễn, bào, ảnh

Như lộ diệc như điện

Ưng tác như thị quán.

 

(Bởi vì tất cả các pháp hữu vi toàn là giống như chiêm bao, ảo thuật, bóng nước, ảnh tượng, sương mai, điện chớp, nên cần phải có cái nhìn như vậy.)

Hay như Chứng đạo ca có ghi:

 

Đại thiên sa giới hải trung âu

Nhất thiết Thánh hiền như điện phất.

 

 (Thế giới Đại thiên nhiều như cát chỉ là bọt trong biển cả, tất cả Thánh hiền như là chớp lóe.)

 

Đó là tuệ giác vô trú bát-nhã, thấy các pháp là Như, chứ không dao động theo những thứ phi Như, tức những khái niệm về ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả.

 

 

20/3/2017

Quảng Minh

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
13/07/2020(Xem: 13325)
Mô Phật- Xin thầy giảng giải về sự khác nhau giữa Phước đức và Công đức? - Công đức là sự xoay nhìn lại nội tâm,(công phu tu hành) dùng trí sáng suốt, thấu rõ sự thật, dứt trừ mê lầm phiền não. - Công đức có thể đoạn phiền não, có thể chứng được bồ đề, còn phước đức thì không. Phước đức là những việc làm lành thiện được làm ở bên ngoài hình tướng như bố thí, cúng dường, từ thiện, giúp ích cho mọi người… - Phước đức không thể đoạn phiền não cũng không thể chứng bồ đề, chỉ có thể mang đến cho bạn phước báu. “Do đó chúng ta nhất định phải phân biệt rõ ràng công đức và phước đức.”
12/07/2020(Xem: 8298)
Mẹ từ giã cõi đời vào những ngày cuối năm biến không khí đón tết vui tươi giờ đây càng thêm lặng lẽ. Nhìn Cha già ngồi niệm Phật, cúng lễ phẩm mỗi ngày 3 lần cho Mẹ, trông ra phía trước sân những chậu vạn thọ hoa đã nở tròn, khiến tôi càng thấy buồn và nhớ Mẹ nhiều hơn. Tôi ngồi xem mấy món đồ Mẹ để lại được đựng trong chiếc hộp gỗ đã bạc màu, lòng tôi cảm xúc dâng trào khi nhìn thấy xâu chuỗi bằng hạt bồ đề tự tay tôi làm và những lá thư tôi viết gởi về thăm Mẹ cũng như những bài thơ võ vẽ tập làm từ tuổi ấu thơ. Những bài thơ từ khi tôi viết đến khi Mẹ qua đời đã gần hai mươi năm, tưởng chừng đã hư mất thuở nào nhưng được Mẹ gói trong mấy lớp bao ni lông thì giờ đây cũng đã ố vàng. Đây là rất ít số bài thơ còn sót lại trong thời tuổi thơ của tôi. Cảm xúc nhớ Mẹ dâng trào theo từng câu chữ, những kỷ niệm thuở ấu thơ bên Mẹ hiền đầm ấm, hồn nhiên, hạnh phúc biết bao. Đặc biệt, “Đôi Gánh trên vai Mẹ” là một trong những hình ảnh thiêng liêng của cuộc đời và là nguồn động lực vô cùng lớn
03/07/2020(Xem: 4773)
Trong cuộc sống hiện thực có rất nhiều người không hề biết trân quý một cái bánh bao, một bát cơm, một tờ giấy hay một ly nước. Họ cho rằng bỏ đi một chút thức ăn, nước uống cũng chỉ là chuyện nhỏ mà thôi. Nhưng, hôm nay chúng ta lãng phí một chút, ngày mai lại lãng phí một chút, cả một đời tích cóp lại sẽ là một con số không nhỏ.
26/06/2020(Xem: 4328)
Có vẻ như con người thời nay càng lúc càng trở nên lười biếng, thụ động; nhất là từ khi nhân loại bước vào kỷ nguyên tin học, truyền thông liên mạng. Tin học đã đem con người khắp hành tinh gần lại với nhau, nhưng chỉ trong khoảng thời gian ngắn, chính nó bị con người lạm dụng để bóp méo, biến dạng sự thực cho những mục tiêu bất chính của cá nhân, bè phái. Kỹ nghệ thông tin toàn cầu ở thế kỷ 21 đã cung cấp phương tiện nhanh chóng và thuận lợi cho người dùng đến nỗi từ lời nói, hành động, cho đến ý nghĩ... người ta phó mặc hoặc mượn người khác nói giùm, làm giùm, thậm chí suy nghĩ giùm. Nghĩa là khỏi cần phải xét lại xem thông tin trên mạng có đúng không, lời nói của người kia có đáng tin không, hành động của người nọ có thật không. Thông tin nào không thuận với ý kiến, quan điểm của mình thì lập tức bác bỏ, cho rằng tin giả, không cần kiểm tra sự thật; thông tin nào hợp ý nghĩ, lập trường của mình thì tin ngay, khỏi cần biết có hợp lý hay không trên thực tế.
24/06/2020(Xem: 10179)
Là người con Phật phải tin tưởng sự tái sanh trong sáu nẻo luân hồi. Trong hơn 7 tỷ người trên toàn thế giới , thì loài người chúng ta có thấm gì đâu so với loài súc sanh, chỉ một loài kiến thôi , thì loài người chúng ta đã không sánh bằng , huống gì các loài côn trùng nhỏ khác cho đến loài lớn trong trái đất này; Thế mới biết sự nguy hại đến cỡ nào trong vòng luân hồi sinh tử. Đức Phật dạy chúng sanh sau khi chết, số người sinh lên cõi người và trời thì ít như sừng bò, chúng sanh sinh vào cõi khổ thì nhiều như lông con bò là vậy .
20/06/2020(Xem: 6880)
Mẹ ơi ! nỗi cảm niềm thương Con về thăm lại mảnh vườn ngày xưa Vu Lan, hoa nở dậu thưa Hương thơm biết mấy nắng mưa tạo thành Đây rồi, gốc khế gốc chanh Ươm trời vào đất cho xanh thuở nào.
12/06/2020(Xem: 2885)
Sau một ngày mệt nhoài trong, ngoài việc Đạo, việc đời tôi thường tìm đến thứ vui âm nhạc để thả hồn lâng lâng theo những giọng hát mà mình cảm thấy rất là ... còn mãi với thời gian . ( dù đôi khi là những bài hát tình cảm lãng mạn ) Chợt nhớ đến lời của HT Thích Thiện Trí thường gặp trong những bài pháp thoại “ Tăng sĩ xuất gia hành đạo cũng phải là những diễn viên thật đại tài không phải chỉ ở trí tuệ sâu sắc có được mà còn vào hình tướng oai nghi tế hạnh “ Trong mùa đại dịch này, phải nói là có một điều lợi ích cho người muốn tu học Phật Pháp là các giảng sư uyên bác đã xuất hiện trên YouTube hoặc qua Livestream và tuỳ theo căn cơ cao thấp của mình người tu học có thể cảm thông và tiến tu .
04/06/2020(Xem: 7113)
HOA VẪN NỞ-TÂM KINH MẶT TRỜI của Hoà Thượng THÍCH THIỆN ĐẠO do Nhà xuất bản HỒNG ĐỨC ấn hành Tháng 4- 2020 đúng vào Mùa Khánh Đản Phật lịch 2546 . Đóa hoa nơi HOA VẪN NỞ là một đóa hoa ẩn dụ; và DỤ là một trong mười hai thể loại kinh điển Phật giáo . Hoa trong HOA VẪN NỞ là : “ Đóa hoa tình thương và giác ngộ,là hương vị của chánh pháp “. Là tinh hoa tư tưởng Phật giáo . Tác phẩm HOA VẪN NỞ chia làm ba phần, mỗi phần căn bản đều là những pháp thoại ngắn gọn, súc tích. Mỗi pháp thoại được ghi một chữ số . Nội dung tư tưởng mỗi phần tương dung, tương nhiếp, tương liên lẫn nhau; … Vì thế , cần thiết có những dẫn nhập cho một số những chủ đề bàng bạc trong HOA VẪN NỞ .
02/06/2020(Xem: 8447)
Sáng thức dậy mở cửa nhìn ra đường thấy cảnh nhiều người qua lại tấp nập, xe cộ dập dìu xuôi ngược không hề ngưng như dòng nước chảy mãi không dứt; dòng đời cũng chỉ như thủy triều lên xuống mỗi ngày hai lượt liên lỉ kéo dài. Quan sát dòng người tất bật di chuyển ấy ta có thể tạm phân ra hai thành phần: thành phần khá giả và thành phần nghèo khó qua cách ăn mặc và phương tiện giao thông của họ rất dễ nhận ra. Có khi nào quí bạn tự hỏi tại sao nhìn số đông người lại biết thừa hay thiếu?
31/05/2020(Xem: 12659)
Nhà Thơ Phật tử Tánh Thiện Thế Danh: Đoàn Phước Sinh năm Ất Mùi (1955) tại Sài Gòn, Việt Nam Vãng sanh lúc 10:50am ngày 1/4/ Canh Tý (23/5/2020 tại Dalas, Texsas, Hoa Kỳ Hưởng thọ: 66 tuổi
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]