Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tưởng niệm Chị Hữu Diệp

24/02/201506:59(Xem: 3421)
Tưởng niệm Chị Hữu Diệp

tuong niem chi diep-2

     

Chị Diệp thương mến,

 

      Em có thói quen cứ những ngày cuối năm thường thích

lật những chồng thư cũ của bạn bè ra đọc lại, thích tìm kiếm dư âm của những chân tình mà các bạn đã ưu ái dành cho em.

      Lá thư của Chị đã gây cho em nhiều bâng khuâng xúc động và ngậm ngùi vô cùng vì đó là những nét chữ kỷ niệm của Chị còn lưu lại trên cõi đời này! Đúng vậy, Chị đã ra đi, bỏ lại đằng sau tất cả những ưu tư phiền muộn của cuộc đời và em đang đọc những dòng chữ của Chị đây.

      Chị đã viết:

 "....Không ngờ sau 50 năm dài xa cách đã tìm lại được nhau và chị mong rằng tấm Carte chị gởi sẽ mang lại cho em, cho tất cả bạn bè một hình ảnh đẹp của tuổi về già, một khi những thăng trầm của cuộc đời và những sôi nổi của lòng ta đã lắng dịu qua tháng năm..."

        Nhưng Chị ơi! Tháng năm không thể làm xóa mờ những ngày thơ mộng, vô tư, hồn nhiên của chúng ta ở Huế, một thành phố cổ kính nhưng không kém phần nên thơ.

        Ngày ấy, em và Chị học chung một trường nhưng không chung lớp: Chị học ban văn chương, còn em ban khoa học. Tuy nhiên thành phố Huế quá nhỏ bé, không quen rồi cũng thành quen, phải không Chị?

      Phần lớn những ngày hoa niên của chúng ta đều gắn liền với trường Đồng Khánh, trường Khải Định; với con đường Lê Lợi lung linh nắng, nay đã trở thành con đường dẫn đưa tới một miền kỷ niệm khắc khoải của biết bao thế hệ thanh niên- thanh nữ Huế. Em nhớ những buổi tan trường ríu rít bên nhau: một, hai, ba...chạy nhanh xuống bến đò Thừa Phủ, có khi xách guốc mà chạy, quần xắn ống lên cao mà lội, mà trèo. Có những lúc vừa đặt chân lên, lòng khấp khởi mừng thầm vì kịp chuyến thì cũng có lúc đò đã quá đầy, chủ đò lại neo giam tại bến. Cả bọn nhìn nhau phân vân, nửa muốn xuống, nửa lại muốn ngồi lì đợi chuyến sau. Bao nhiêu đứa cùng xuôi một đò, cùng sang một bến với tiếng cười nói rộn ràng cả một khúc sông thời thiếu nữ. Thế mà từ giã mái trường Đồng Khánh thân yêu, bước xuống dòng đời, mỗi đứa lại tách về một bến; dầu đục, dầu trong cũng phải đi cho trọn quãng đường đời!

      Chị cũng như em, xong bảy năm trung học, mỗi đứa đi một phương trời, không hề gặp nhau. Vậy mà không ngờ 50 năm sau, em đã gặp lại Chị trong dịp chúng ta cùng trở về tham dự Đại hội kỷ niệm  50 năm ra trường ở Nam California và cũng không ngờ trong chuyến du ngoạn Las-Vegas mấy ngày, em lại được sắp xếp chung phòng với

Chị. Thật quá vui và cảm động! Chúng ta ôm nhau mà nước mắt rưng rưng. Những ngày xa xưa dưới mái trường Khải Định như được sống lại, bao nhiêu chuyện kể cho nhau nghe, 50 năm xa cách, một khoảng thời gian quá dài hơn nửa đời người dầu dãi. Đêm nào chị em mình  cũng rì rầm, không muốn ngủ vì cứ sợ thời gian gần nhau sẽ chóng trôi qua. Chị đã khen em bây giờ chững chạc, duyên dáng và lanh lẹ, chứ không còn là con bé khờ khạo ngày xưa nữa!

      Rồi những ngày vui qua mau, giờ chia tay càng nghĩ càng ngậm ngùi, mỗi người sẽ đi về một phương trời xa tít mù khơi. Thương nhớ vô vàn những giây phút ngắn ngủi bên nhau. Nhưng thôi ngắn ngủi gặp gỡ cũng có điều hay là còn vương vấn, còn luyến tiếc nhớ nhau lâu dài hơn.

     Thôi! cũng xin bằng lòng và xin cám ơn đất trời đã cho chúng ta có những giờ vui hiếm hoi bên nhau, tràn đầy lòng thương yêu.

     Ai cũng có ngày phải nhắm mắt xuôi tay, nhưng em vẫn bàng  hoàng khi hay tin Chị đã ra đi. Em muốn viết về Chị bởi vì em vừa nhận tập thơ "Mây giăng đầu núi" do Thu An- con gái Chị- gởi qua cho em.

        Em đã đọc một mạch tất cả các bài thơ của Chị. Thơ của Chị chất chứa những rung động nhẹ nhàng của tuổi xuân, những ước nguyện lãng mạng, mong manh như tơ trời, như cánh bướm vờn hoa:

 

                      Tôi muốn đời tôi mãi mãi là

                      Nền trời xanh biếc, áng mây qua

                      Chiếc bướm nhởn nhơ màu rạng rỡ

                      Trong bình minh thắm giỡn đùa hoa

                                                       ( Ước Nguyện)

 

     Nhưng lại rất có hậu ở những vần thơ cuối và ước nguyện của Chị đã mỹ mãn trong cuộc đời Chị với một mái ấm gia đình vợ chồng, con cái đề huề thành đạt:

 

                       Tôi ước mùa xuân sẽ chẳng qua

                       Đời tôi tươi đẹp mãi như là

                       Vườn xuân thưa điểm màu sương nhạt

                       Đợi nắng hồng lên đôi nét hoa

                                                          ( Ước Nguyện)

 

      Cả một khung trời Huế bàng bạc trong thơ của Chị, có nắng vàng đổ xuống dốc Nam Giao, có hoàng hôn trên bến Ngự, có những đêm trăng bên hồ sen ngát hương:

                          

                        Nhìn thu vàng đổ nắng dốc Nam Giao

                        Chiều bến Ngự lắng nghe hồn kim cổ

                        Đêm Thượng thành sen ngát đếm trăng sao

                                                               (Tạ Từ)

      Cuộc đời hạnh phúc bên chồng con, nhưng một ngày Chị thảng thốt ngỡ ngàng khi nhận một bài thơ của người bạn đã mất từ 30 năm về trước:

 

                            Năm mươi năm sau tình cờ ta được

                            Bài thơ Anh viết tặng thuở xuân thì

                            Anh đã mất từ ba mươi năm trước

                            Tấm hình hài cát bụi gió bay đi

                                                        ( Tạ Từ )

 

           Chị chỉ còn biết ngậm ngùi:

 

                                Cám ơn Anh đã vì ta yên lặng

                                Tình riêng tư Anh lặng lẽ âm thầm

                                                            ( Tạ Từ )   

 

      Thơ Chị cũng có những hình ảnh chiến tranh, sinh ly, tử biệt, những ưu tư với thời cuộc nhưng không chất chứa hận thù :

 

                           Mười năm đó cuộc đời sao vô vọng

                           Sống dật dờ như bèo giạt mây trôi

                           Mất lý tưởng, thiếu tình yêu và nhân phẩm

                           Đời còn chi lẽ sống của con người

                                                     ( Mười Năm Ở Lại )  

 

       Trong bối cảnh tang thương của đất nước, thật cảm động khi Chị chỉ còn biết mượn vần thơ để nói lên nỗi lòng người mẹ khi tiễn biệt con lên đường vượt biên tìm tự do:

 

                             Tôi ngồi dệt vần thơ

                             Tiễn con đi phiêu bạt

                             Tìm lý tưởng tự do

                             Thỏa ước vọng hải hồ.

                                          ( Tiễn Con )

 

        Và thật não lòng hãy lắng nghe lời tha thiết thương nhớ con của một người mẹ:

 

                            Ta muốn giữ con lại

                            Ôm ấp con vào lòng

                            Nhưng làm sao ngăn được

                            Đôi cánh của chim Hồng?

                                         ( Tiễn Con )

 

      Cũng như lời than thở đoài đoạn, không những của riêng Chị mà còn là lời thống khổ, rên xiết của những hiền phụ đáng thương trong cuộc bể dâu của đất nước:

 

                          Và tổ đâu còn ấm

                          Sau một trận cuồng phong

                          Đôi cánh ta gầy guộc

                          Chống đỡ gió đầu cành!

                                        ( Tiễn Con )

 

     Rồi Chị cũng được sang Mỹ đoàn tụ cùng gia đình. Trải qua bao nhiêu khê của cuộc đời, thấy được sự vô thường, lòng Chị cũng sâu thẳm, lắng đọng. Mấy đêm ở lại Las-Vegas cùng Chị, đêm nào Chị cũng ngồi Thiền cả giờ đồng hồ mới chịu đi ngủ, nên thơ của Chị cũng đượm cả Thiền vị:

 

                          Là những gì có thể giữ trong tim

                          Và mang theo vào thế giới vô biên

                          Làm nhân duyên trong cõi sống u huyền

                          Và gieo rắc duyên lành qua vạn kiếp

                                                (Mây Giăng Đầu Núi )

 

      Nhưng đau thương đã đến với Chị khi Anh đã từ giã cõi đời, niềm đau này không ai chia xẻ nổi, cõi lòng Chị tan nát bơ vơ:

 

                           Rồi người đi, ở lại chỉ mình ta

                           Sống lang thang như một cảnh không nhà

                           Quên năm tháng, quên cả mùa hoa nở

                           Rồi âm thầm than khóc lỡ mùa hoa

                                          ( Chuyện một loài hoa )

 

    nguyen hanh dth  Đó cũng là khi Chị ngẫm đến phận mình. Có ai thoát khỏi vòng sinh tử; " Tám Mươi Năm Nhìn Lại " phải chăng là thông điệp Chị muốn gởi đến tha nhân, đến gia đình, đến những người Chị thương yêu;  dọn mình cho một cuộc ra đi vĩnh viễn. Những vần thơ đó Chị đã viết trong mùa Xuân 2011 và Chị đã qua đời ngày 8- 10- 2014.  Nghĩa là, chỉ hơn 3 năm, 3 mùa Xuân mai vàng còn nhen nhúm trong lòng người cô phụ sau khi Chị đã trải dòng tâm sự cuối cùng, qua những vần thơ cuối cùng. Tất cả cô đọng trong 58 câu, nhưng Chị đã diễn đạt gần như đầy đủ cảm quan về triết lý sinh tử, gia thế, cuộc đời, sự nghiệp, cũng như những khát vọng, ước ao và những thăng trầm trong bối cảnh lịch sử chiến tranh của đất nước qua những tương quan gia đình, xã hội, thời thế... Để rồi hoàn cảnh đẩy đưa phiêu bạt, giong ruổi nơi đất khách quê người; cuối cùng một nhà được đoàn viên, vợ chồng- con cái đề huề, các con thành đạt, tổ ấm xứ người được hồi sinh.

       Chị đã trải tâm sự trên thật minh bạch tiêu biểu qua những vần thơ:

 

- Cảm quan về triết lý sinh tử:

      

                       Tám mươi năm trước ta từ đâu đến

                       Tám mươi năm sau ta sẽ về đâu?

 

     - Gia thế:

 

                       Ba làm quan nhỏ, lại rất thanh liêm

                       Trọng đạo Thánh Hiền, cửa nhà thanh bạch.

 

       - Cuộc đời, sự nghiệp và hoài bão:

 

                      Vốn thích văn chương, học kèm môn xã hội

                      Mong sau này có cơ hội cứu tế thương sinh

                      .......

                      Hai mươi tám tuổi lập gia đình với người bạn cùng quê

                      Đi du học lâu năm nay cũng mới trở về

                      Người đã từng chung hoài bão đơn sơ

                      Và đã từng chia những mộng mơ thời mới lớn.

                     

     - Bối cảnh lịch sử:

             

                       Mười năm ở lại, nhịn nhục qua ngày

                       Như xác chết chưa chôn giữa bầy lang sói.

     

       - Hải ngoại:

 

                      Cũng may đưa được các con đến bến đến bờ

                      Vừa kịp thời gian để học xong đại học

                      Trên miền đất mới cuộc sống đã hồi sinh.

 

      Có thể nhận thấy sự mãn nguyện của Chị với cung cách khiêm nhường qua vai trò người vợ, người mẹ, người đàn bà trong xã hội:

 

                         Tám mươi năm nhìn lại cũng tạm an tâm

                         Đã cố gắng hết mình song còn nhiều thiếu sót

                         Làm vợ thảo mẹ hiền cô giáo tốt.

 

      Nhưng bên cạnh đó vẫn có những ưu tư, khắc khoải cho thân phận đàn bà, bổn phận đối với gia đình, xã hội và đất nước:

 

                        Trả nợ cuộc đời như vậy đủ hay không?

                         Quốc phá gia vong thất phu hữu trách

                         Là nữ lưu sao chẳng phải bận lòng

                          Việc nhân quần xã hội chẳng lo xong

 

      Để cuối cùng Chị chỉ còn cách gởi tâm tư, nỗi niềm qua những áng thơ:

 

                     „ Đành lưu lại vài vần thơ làm duyên nợ.“

 

     Bây giờ thì Chị đã vỗ cánh bay xa, không còn phiền muộn, luyến lưu gì ở cuộc đời này nữa phải không Chị?

 

                      Hành trang nhẹ và cõi lòng thanh tịnh

                      Nơi thênh thang thanh thản ta quay về.

                                   ( Tám Mươi Năm Nhìn Lại )

 

     Thôi nhé, xin Chị hãy yên nghĩ, Chị đã bước qua hết mọi hệ luỵ ưu phiền, mọi đau thương khắc khoải để trở về miền viên miễn.

        Là Phật tử, em thường tự an ủi rằng con người nằm trong chu kỳ sinh diệt của vạn vật, sự mất mát là khởi đầu cho sự tái tạo như mùa Đông ảm đạm rồi sẽ qua đi để mùa Xuân tươi thắm lại trở về. Em tin rằng vòng luân hồi nhân quả của sự sống và sự chết giống như những bông hoa tàn rụng rồi lại hé nở để đón chào một bình minh tươi sáng hơn.

      Cũng như quan niệm cổ Ai Cập không có sự hủy diệt, sự mất mát, sự chết chóc mà chỉ là sự chuyển tiếp sang đời sống mới đến một thế giới khác với hành trang chuẩn bị cho cuộc hành trình miên viễn là niềm tin, hy vọng một ngày mai tất cả đều tốt đẹp.

      Nhưng Chị ơi! Dẫu biết vậy, sao lòng em vẫn dấy lên một nỗi u hoài:

 

                      Gió lạnh đông về, người thiên cổ

                      Lệ sầu khóe mắt khóc chia ly.

 

                                            München, tháng 12- 2014

                                       Hoàng Thị Doãn    







 

   

 

 

 

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
21/06/2024(Xem: 3183)
Trong lúc dọn dẹp lại thư viện kinh sách bé nhỏ của mình, người viết vừa nâng niu, vừa bâng khuâng xao xuyến khi nhìn kỹ lại hơn 50 tác phẩm được biên soạn bằng chính năng lực, trí tuệ của quý danh tăng của thế kỷ 20 -21 đã ký tặng( mà người viết cho đấy là sách giáo khoa hàn lâm về Phật Giáo ) với những dòng chữ thật trân quý đầy tinh thần nhân văn cao cả của lý tưởng, lại mang đậm các giá trị đạo đức truyền thống trong Phật Giáo mà trong suốt đời tu học, khoảng 10 năm gần đây người viết mới được tiếp xúc những bậc hiền triết này.
15/06/2024(Xem: 1443)
Sau khi bang Niedersachsen của ông Tiến sĩ Albrecht thu nhận hơn 1.000 thuyền nhân từ chiếc tàu Hải Hồng, phân phối đi các vùng trong bang nhưng đông nhất vẫn là thành phố thủ phủ Hannover. Các thuyền nhân tỵ nạn này vừa từ cõi chết đi lên, nên rất cần một chỗ dựa cho tâm linh. Sau chuyến vượt biên thoát nạn, họ đã cầu nguyện Đức Mẹ Maria cứu vớt nếu là người Công giáo. Còn Phật giáo họ sẽ niệm Mẹ hiền Quán Thế Âm, hai hình tượng đã in sâu vào tâm thức, họ tin chắc hai Vị này đã ra tay cứu độ đưa họ đến bến bờ bình yên.
12/06/2024(Xem: 774)
Lời người chuyển ngữ: Thông thường khi nói đến ngồi thiền hay thực hành chánh niệm chúng ta lập tức nghĩ đến việc ngồi yên, ngồi một cách nghiêm trang và chú tâm vào hơi thở hay những cách khác (tùy theo phương pháp chỉ – quán…). Tuy nhiên chúng ta cũng nghe đến tứ oai nghi đi – đứng - nằm – ngồi, nghĩa là ta có thể giữ chánh niệm trong mọi hoàn cảnh và tư thế, điều này phụ thuộc vào năng lực, ý chí của mỗi cá nhân. Trong lá thư gởi độc giả của tạp chí Lion’s Roar (Sư Tử Hống), ngày 51/05/24 có đề cập đến việc ứng dụng và thực hành chánh niệm trong sự di chuyển động, trong lá thư này có dẫn lời của Francis Sanzaro một nhà leo núi chuyên nghiệp và cũng là một Phật tử đã áp dụng chánh niệm trong việc leo núi. Việc ứng dụng chánh niệm trong sự vận động hàng ngày đôi khi tôi cũng có chút xíu kinh nghiệm. Tôi thường chạy bộ, bơi lội… và giữ chánh niệm và cảm thấy thoải mái dễ chịu hơn là khi ngồi nghiêm trang trước bàn thờ Phật. Tôi nhận thấy mọi người ai cũng có thể áp dụng thực hành chán
12/06/2024(Xem: 743)
Sống ở đời, mọi người chúng ta ai ai cũng đã từng ít nhất một lần buộc miệng than: “Sao khổ vậy trời? Sao khổ thế này?”. Khổ là bản chất của đời sống hiện hữu, khổ là tất yếu vì sự thay đổi của vô thường. Đã sanh làm người, đã sống trong đời thì không thể tránh khỏi khổ, cho dù đó là tỷ phú cực giàu, tổng thống cực quyền hay là kẻ ăn mày khố rách áo ôm. Khổ có vô vàn nhưng chung quy lại không ngoài: Sanh, già, bệnh, chết, muốn mà không được, thương phải chia lìa, ghét phải chung đụng, thân và tâm đầy phiền não như lửa cháy. Khổ vì sanh – tử là điều bất khả kháng, khổ vì những ác nghiệp đã chín muồi thì cũng không thể tránh được, duy cái khổ của sự mong cầu, ham muốn, thèm khát là điều mà chúng ta có thể làm giảm thiểu hoặc tránh được.
04/06/2024(Xem: 948)
Ta lên núi, học làm Tiên nhẫn nhục, Mặc thói đời nhân ngã với thị, phi! Mây có hẹn, mà quên về cũng được, Gió có lay, trăng nghiêng ngã hề chi!
02/06/2024(Xem: 1345)
Một trong những lời dạy của Tuệ Trung Thượng Sĩ thường được đời sau nhắc tới là hãy phản quan tự kỷ. Đó là pháp yếu Thiền Tông. Nghĩa là, nhìn lại chính mình. Câu hỏi chúng ta nêu ra nơi đây là, phản quan tự kỷ thế nào?
30/05/2024(Xem: 942)
Đại Trí Độ Luận nói: “Biển cả Phật pháp, tin thì vào được”. Kinh Hoa Nghiêm nói: “Tín làm tay. Như người có tay, đến nơi trân bảo, tùy ý nhặt lấy. Nếu người không tay, chẳng được thứ gì”. Cũng có câu: “Vừa vào cửa tín, liền lên Tổ vị”. “Mũi Tên Xuyên Vách” ra đời góp một niềm tin nhỏ cho người sơ cơ, chắc không tránh khỏi lỗi lầm. Rất mong bạn đọc bốn phương bổ chính để được tốt hơn trong những lần tái bản tới. Xin thành thật tri ân.
24/05/2024(Xem: 9098)
Hình ảnh Thầy Minh Tuệ xuất hiện trên các mạng xã hội y hệt như một trận bão truyền thông, làm dâng tràn những cảm xúc và suy tưởng. Những bước chân đơn độc của Thầy đã đi bốn vòng đất nước trong nhiều năm qua, để tu hạnh đầu đà là điều khó làm, không phải ai làm cũng được. Một hình ảnh chưa từng nhìn thấy, dù là trong tiểu thuyết hay phim ảnh: hàng trăm người dân, có khi hàng ngàn người dân, cùng ra phố bước theo Thầy, lòng vui như mở hội, niềm tin vào Chánh pháp kiên cố thêm.
17/05/2024(Xem: 743)
Bảo rằng mới, ừ thì là mới nhưng thật sự thì tháng năm đã từ vô thủy đến giờ. Tháng năm là tháng năm nào? Năm nào cũng có tháng năm, nếu bảo mọi tháng đều là tháng năm thì cũng chẳng sai. Năm, tháng, ngày, giờ… là cái khái niệm con người chế ra, tạm gọi là thế, tạm dùng để đo, đếm cái gọi là thời gian. Bản thân thời gian cũng là một khái niệm như những khái niệm dùng để đo lường nó. Bản chất thời gian là gì thì ai mà biết, nó vốn vô hình, vô tướng, vô trọng lượng, vô sắc, vô thanh… Nó không đầu không cuối và dĩ nhiên cũng không thể nào biết đâu là chặng giữa. Con người, vạn vật muôn loài và thế giới này có hình thành hay hoại diệt thì nó vẫn cứ là nó. Nó chẳng sanh ra và cũng chẳng mất đi.
17/05/2024(Xem: 1623)
Phần này ghi lại vài nhận xét về bản chữ quốc ngữ Sấm Truyền Ca và Lập Quốc Kinh, qua lăng kính của chữ quốc ngữ từ thời LM de Rhodes và các giáo sĩ Tây phương sang Á Đông truyền đạo. Đây là lần đầu tiên cách dùng này hiện diện trong tiếng Việt qua dạng con chữ La Tinh/Bồ (chữ quốc ngữ), điều này cho ta dữ kiện để xem lại một số cách đọc chính xác hơn cùng với các dạng chữ Nôm đồng thời. Rất tiếc là chưa tìm ra bản Nôm Sấm Truyền Ca hay Lập Quốc Kinh, do đó bài này phải dựa vào các dạng chữ quốc ngữ viết tay còn để lại. Tài liệu tham khảo chính của bài viết này là các tài liệu chép tay của LM Philiphê Bỉnh (sđd) và bốn tác phẩm của LM de Rhodes soạn: (a) cuốn Phép Giảng Tám Ngày (viết tắt là PGTN), (b) Bản Báo Cáo vắn tắt về tiếng An Nam hay Đông Kinh (viết tắt là BBC)
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]