Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

52. Thầy và quê hương (Thích Như Tịnh)

17/06/201408:34(Xem: 23419)
52. Thầy và quê hương (Thích Như Tịnh)

blank

Quê hương, hai tiếng gọi thiêng liêng mà ai ai cũng nhớ đến trong những lúc đi xa. Phàm làm người, ai cũng có quê hương nguồn cội. Bởi lẽ, chính nơi đó là nơi chôn nhau cắt rốn, nơi ta cất tiếng khóc ban sơ mở đầu cho kiếp nhân sinh hãn hữu này. Vì vậy, quê hương là nỗi nhớ thương da diết cho người viễn xứ và cũng là niềm bồi hồi nôn nao khi ta lại trở về. Nhà thơ Đỗ Trung Quân đã viết về quê hương như sau:

Quê hương là chùm khế ngọt

Cho con trèo hái mỗi ngày

Quê hương là đường đi học

Con về rợp bướm vàng bay….

Quê hương mỗi người chỉ một

Như là chỉ một mẹ thôi.

Quê hương nếu ai không nhớ,

Sẽ không lớn nổi thành người.

Quê hương Việt Nam với hình ảnh mẹ già, cây đa, giếng nước với những con đường làng quanh co nho nhỏ là bức tranh tuyệt tác, là chất liệu nuôi dưỡng tâm hồn của người con Việt. Yêu quê hương, góp phần xây dựng quê hương cũng là nét đẹp của con Lạc cháu Hồng nói chung và người đệ tử Phật Việt nói riêng.

Thầy[1] sinh ra và lớn lên tại huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, một mảnh đất giàu truyền thống tu tập Phật giáo. Trong năm huyện thị tại Quảng Nam[2], huyện Duy Xuyên có số lượng Tăng Ni xuất gia nhiều nhất. Trong những mùa Pháp nạn, đạo hữu Phật tử Duy Xuyên cống hiến rất nhiều xương máu cho sự trường tồn của Chánh pháp.

Thuở ấu thơ, Thầy ở quê nhà Xuyên Mỹ với một gia đình nền nếp Phật giáo. Theo năm tháng, Thầy trưởng thành từ sự lam lũ của người cha và nỗi vất vả lo toan của từ mẫu. Đất mẹ Duy Xuyên đã nuôi dưỡng hình hài của một bậc xuất trần Thượng sĩ về sau.

Năm 15 tuổi, Thầy rời mái nhà xưa để xuất gia học đạo. Chùa Viên Giác là nơi Thầy thế độ và Thầy đã tham học tại các chốn tổ Chúc Thánh, Phước Lâm, Long Tuyền. Các ngôi cổ tự tại Hội An đã ươm mầm một hạt giống Bồ đề mà 50 năm sau tỏa tàn che mát khắp mọi nơi.

Học hạnh khiêm ưu, năm 23 tuổi, Thầy được Hòa thượng Bổn sư và Chư tôn đức cho đi du học tại Nhật Bản với mục đích đào tạo thế hệ kế thừa cho Phật giáo Quảng Nam mai hậu. Tuy nhiên, tất cả những dự tính đều không như ý nguyện. Sau năm 1975, Thầy không có cơ hội trở về quê hương để kế thừa tổ nghiệp và đã chọn nước Đức làm nơi hoằng pháp lợi sanh.

Trong tâm khảm của người Việt Nam chúng ta, không ai muốn xa rời quê hương để đến sinh sống tại một vùng đất lạ, dù vùng đất lạ đó ở trong nước hay ở nước ngoài. Đối với người thế gian, việc di chuyển đến nơi khác để sinh sống ngoài lý do chính trị ra còn có sự mưu cầu cuộc sống mà dân gian thường gọi là “Tha hương cầu thực”. Còn với người tu sĩ Phật giáo việc đến nơi khác hành đạo hoặc do tác động của chính trị thời cuộc, hoặc vì một nhân duyên nào đó nhưng tất cả đều đặt trên tinh thần “Phật bổ xứ”. Nghĩa là mỗi vị tu sĩ đều theo nhân duyên của mình mà tùy duyên hóa độ, tiếp nối ngọn đèn Chánh pháp làm lợi lạc cho nhân quần xã hội.

Năm 1972, Thầy sang du học tại Nhật Bản, đến năm 1974 Thầy về thăm quê hương một lần. Năm 1977, từ Nhật, Thầy phát nguyện sang nước Đức để hướng dẫn tinh thần cho dòng người di dân sang xứ sở này. Đến nay đã tròn 40 năm chẵn, Thầy chưa có cơ hội về lại quê xưa để một lần thăm viếng. Với khoảng thời gian ấy, tại quê nhà với biết bao biến thiên, từ con người cho đến cảnh vật. Hai đấng sanh thành cũng như các bậc Thầy tác thành giới thân huệ mạng cho Thầy cũng đã không còn nữa. Con đường làng bằng đất năm xưa nay cũng đã được tráng bê-tông để người dân đỡ vất vả trong mùa mưa lũ. Dù không gian và cảnh vật thay đổi, nhưng tấm lòng hướng về quê xưa chùa cũ của Thầy mãi bất biến với dòng thời gian vô tận.

Tuy rằng xa cách hơn nửa vòng trái đất, nhưng lòng Thầy vẫn luôn hướng về quê hương chốn tổ, nơi mà Thầy đã trải qua những tháng ngày êm đềm thuở ấu thơ cũng như những năm tháng sơ cơ học đạo.

Đối với đời, Thầy đã làm tròn bổn phận của một người con. Tuy rằng khi song thân Thầy quá vãng, Thầy không về được nhưng thông qua Chư Tăng Ni tại quê nhà, Thầy cũng đã làm tròn chữ hiếu đối với hai đấng từ thân. Thầy và bào huynh là Hòa Thượng Bảo Lạc đã kiến tạo từ đường thờ phụng tổ tiên, tổ chức đại lễ cầu siêu chư hương linh cửu huyền thất tổ, hướng dẫn toàn thể gia tộc quy y Tam Bảo. Với các đạo hữu Phật tử, bạn bè thân hữu đã giúp đỡ Thầy trong những tháng năm gian khó ở quê nhà, Thầy thường hỏi han và trợ duyên mỗi khi họ rơi vào hoàn cảnh ngặt nghèo.

Đối với đạo, ngoài những Phật sự tại hải ngoại, Thầy thường quan tâm đến sự nghiệp đào tạo Tăng tài kế thừa mạng mạch Chánh pháp. Trên 20 năm qua, Thầy đã ủng hộ học bổng cho chư Tăng Ni du học tại Ấn Độ cũng như các học tăng Quảng Nam tu học tại các trường Phật học trong nước. Đây là một chương trình thiết thực mà không phải ai cũng có thể làm và duy trì một thời gian lâu như vậy. Ngoài ra, tại quê nhà có hai ngôi chùa mà Thầy quan tâm nhất: Đó là Tổ đình Chúc Thánh và chùa Viên Giác tại Hội An.

Tổ đình Chúc Thánh, nơi Tổ sư Minh Hải Pháp Bảo khai sáng dòng thiền Lâm Tế Chúc Thánh mà Thầy là thế hệ kế thừa đời thứ 8. Năm 1991, nhân dịp Hòa Thượng Bổn sư sang dự lễ khánh thành chùa Viên Giác tại Đức, Thầy đã phát nguyện cúng dường 100.000 USD nếu như chùa tổ trùng tu. Mãi đến năm 2005, chương trình trùng tu Tổ đình Chúc Thánh mới được tiến hành và Thầy đã giữ trọn lời phát nguyện của mình, góp phần lo cho chốn Tổ được khang trang. Đồng thời trong lễ khánh thành Thầy phát tâm cúng dường Thiên Tăng Hội để đại lễ được thập phần viên mãn.

Chùa Viên Giác, nơi mà Thầy đã thế phát xuất gia học đạo. Tròn 50 năm tu học, thời gian Thầy ở Viên Giác không nhiều nhưng nơi đây đánh dấu một bước ngoặc lớn trong cuộc đời Thầy. Từ một cậu bé trở thành một chú tiểu để rồi hôm nay là Phương Trượng chùa Viên Giác, Đức Quốc. Trong cương vị là Trưởng tử của Cố Hòa Thượng Bổn sư, Thầy là người kế thế trụ trì chùa Viên Giác tại Hội An. Do sự cách trở xa xôi nên Thầy đã Ủy quyền lại cho Sư đệ Như Tịnh trông nom đảm trách. Tuy nhiên, Thầy thường quan tâm sách tấn Sư đệ trong sự tu học, khuyến khích động viên trong việc nghiên cứu học thuật cũng như yểm trợ trong việc chỉnh túc ngôi Già lam Viên Giác ngày càng khang trang hơn. Năm 1998, Thầy lo xây dựng bảo tháp Hòa Thượng Bổn sư để báo đáp công ơn giáo dưỡng của Thầy tổ. Năm 2008, Thầy vận động chú Đại hồng chung và kiến tạo tháp chuông tại chùa. Năm nay, một lần nữa Thầy vận động tài chánh để mở rộng Già lam Viên Giác mở đầu cho chương trình đại trùng tu chùa trong những năm sắp đến. Có nhiều người thắc mắc: Tại sao Thầy lo lắng cho quê hương, cho chùa tổ quá vậy? Câu hỏi này thiết nghĩ không cần trả lời, chỉ có những ai yêu quê hương, yêu cái nơi mình mở mắt chào đời, yêu nơi mình sơ tâm xuất gia mới cảm nhận được mà thôi.

Bao nhiêu năm xa quê hương, tất cả tâm trạng của Thầy được nhà thơ Trần Trung Đạo diễn tả trong bài “Bao giờ nhỉ tôi về thăm xứ Quảng”. Vì thế, khi bài thơ này ra đời, Thầy đã học thuộc lòng mặc dù tuổi đã cao và toàn bộ bài thơ dài 56 câu. Hầu như trong những dịp gặp gỡ Chư Tăng Ni và Phật tử đồng hương, hay trong các lễ hội, Thầy thường ngâm bài thơ này, khiến cho mọi người đều ngậm ngùi xúc động. Thầy và thi sĩ Trần Trung Đạo đều xuất thân và trưởng thành “Dưới bóng đa chùa Viên Giác”, một người trong đạo, một người ngoài đời đã đóng góp rất nhiều cho nền văn học Việt Nam tại Hải Ngoại.

Thầy thường ví cuộc đời mình như nhà thơ Hạ Tri Chương. Hạ Tri Chương (659 – 744), người Cối Khê, tỉnh Triết Giang, Trung Quốc. Ông thi đỗ tiến sĩ năm 684 và làm quan triều Đường Trung Tông, Đường Huyền Tông. Đến đầu năm Thiên Bảo ông cáo lão hồi hương ở ẩn. Sau bao năm tháng xa quê thăng trầm trên con đường hoạn lộ, lúc xế bóng trở về chốn xưa, tuy giọng quê không đổi nhưng tóc đã chuyển màu. Bạn bè theo năm tháng hóa thành người thiên cổ, trẻ con gặp không biết là ai nên mới hỏi: Khách từ nơi nào đến đây? Cảm khái thân phận mình, Ông đã viết bài “Hồi hương ngẫu thư”, một bài thơ hay trong văn học Trung Quốc, nói lên được nỗi niềm của người con xa xứ lâu ngày trở về quê xưa.

Hồi hương ngẫu thư

Thiếu tiểu ly gia lão đại hồi
Hương âm vô cải mấn mao tồi
Nhi đồng tương kiến bất tương thức
Tiếu vấn khách tòng hà xứ lai.

Dịch thơ:

Khi đi trẻ, lúc về già

Giọng quê vẫn thế, tóc đà khác bao.

Trẻ con nhìn lạ không chào,

Hỏi rằng: “Khách ở chốn nào lại chơi?”

Phạm Sĩ Vĩ dịch

Còn Thầy, đã tròn 40 năm xa xứ, khi ra đi thì mái đầu xanh, đến nay tóc cũng đã hai màu trắng đen nhưng chưa có dịp về lại thăm quê xưa. Bao nhiêu năm xa quê nhưng giọng Thầy vẫn không thay đổi và Thầy thường nói mình là người nông dân của xứ Quảng. Không biết Thầy còn có cơ hội như Hạ Tri Chương hay không? Giả thiết nếu có một ngày Thầy về lại quê xưa thì ắt hẳn Thầy sẽ không buồn tẻ như Hạ Tri Chương. Bởi lẽ những gì Thầy làm cho Đạo pháp và quê hương, làm cho chùa tổ luôn được mọi người nhắc đến. Chân dung của Thầy được tôn trí trong Chương Đức Đường tại chùa Viên Giác, Hội An để nhắc nhở các thế hệ hôm nay và mai sau biết rằng: đây chính là nơi xuất thân của một bậc Thầy cao cả như thế.

Xa chùa từ thuở đầu xanh

Ngày nay trở lại đã thành lão Tăng

Chú tiểu chắp tay cúi chào

A Di Đà Phật! Bạch Ôn mới về!

Viên Giác, cuối Xuân Giáp Ngọ

Pháp đệ Như Tịnh


[1] Thầy tức chỉ cho Hoà Thượng thượng Như hạ Điển, Phương Trượng chùa Viên Giác, Đức Quốc.

[2] Năm huyện thị là cách nói trước năm 1975, bao gồm: Hội An, Duy Xuyên, Điện Bàn, Quế Sơn, Đại Lộc. Hiện nay 5 đơn vị này trực thuộc khu vực Bắc Quảng Nam. Từ huyện Thăng Bình trở vào giáp tỉnh Quảng Ngãi gọi là Nam Quảng Nam, từ huyện Quế Sơn trở ra giáp thành phố Đà Nẵng gọi là Bắc Quảng Nam.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
05/03/2016(Xem: 11978)
Chiều xuống giữa ngàn cây, Sương lam hòa trong mây Cỏ dại lấp lối đi Lữ khách dừng chân nghỉ Lắng nghe tiếng nước chảy Lần theo suối đi mãi Hết đường – một hồ vắng Nước lặng loáng trăng vàng
04/03/2016(Xem: 13685)
Đọc sách là niềm vui của tôi từ thời còn đi học cho đến nay, chưa bao giờ ngơi nghỉ. Nếu sách hay, tôi chỉ cần đọc trong một hay hai ngày là xong một quyển sách 500 đến 600 trang. Nếu sách khó, cần phải nhiều thời gian hơn thì mỗi lần tôi đọc một ít. Còn thế nào là sách dở? xin trả lời ngắn gọn là: Sách ấy không hợp với năng khiếu của mình. Dĩ nhiên khi một người viết sách, họ phải đem cái hay nhất, cái đặc biệt nhất của mình để giới thiệu đến các độc giả khắp nơi, cho nên không thể nói là dở được. Cuối cùng thì dở hay hay tùy theo đối tượng cho cả người viết lẫn người đọc, là tác giả muốn gì và độc giả muốn học hỏi được gì nơi tác phẩm ấy. Tôi đọc Đại Tạng Kinh có ngày đến 200 trang nhưng vẫn không thấy chán, mặc dầu chỉ có chữ và chữ, chứ không có một hình ảnh nào phụ họa đi kèm theo cả. Nhiều khi nhìn thấy trời tối mà lo cho những trang Kinh còn lỡ dở chưa đọc xong, phải vội gấp Kinh lại, đúng là một điều đáng tiếc. Vì biết đâu ngày mai đọc tiếp sẽ không còn những đoạn văn hay tiếp
01/03/2016(Xem: 13976)
Thầy Tuệ Sỹ là một vị danh Tăng, một thạch trụ già lam, vị tu sĩ uyên bác mà cả hàng triệu người trên thế giới biết đến. Hồn thơ và sắc thái của Tuệ Sỹ vốn thanh tao và giải thoát, vốn lai láng và cao siêu—đã và đang làm nhiều người say mê, học hỏi và thả hồn mình trong nguồn suối từ miên viễn này.
24/02/2016(Xem: 14223)
Bình Định Quê Hương Tôi
01/02/2016(Xem: 22616)
Nguyệt San Chánh Pháp, bộ mới, số 51 , tháng 2 năm 2016, • THƯ TÒA SOẠN, trang 2 • NGÀY XUÂN - LỄ PHẬT ĐẦU NĂM (Nguyên Siêu), trang 3 • HUYỀN NGHI, ÂM HƯỞNG, HOÀI CẢM (thơ Phù Du), trang 4 • Ý NIỆM VỀ MÙA XUÂN DI LẶC (Tuệ Như), trang 5 • TRÀ KHUYA & TRĂNG (thơ Mặc Phương Tử), trang 6 • ĐẦU NĂM NÓI CHUYỆN HÁI LỘC (Pháp Hỷ), trang 7 • ĐẦU XUÂN KÍNH NGUYỆN (thơ ĐNT Tín Nghĩa), trang 8 • MÙA XUÂN HOA NGHIÊM (Nguyễn Thế Đăng), trang 9 • BẢN HOÀI CỦA TU SĨ (Ns. Thích Nữ Trí Hải), trang 11 • BIỂN VÀ THƠ (thơ Minh Lương), trang 12 • SÁU PHÁP MÔN MẦU NHIỆM (Thích Thái Hòa), trang 13
22/01/2016(Xem: 5429)
Trong lịch sử văn hóa TQ (Trung Quốc), phải công nhận là các học giả Hán xưa kia rất chịu khó viết lách và đã để lại nhiều tài liệu phong phú cho hậu thế. Tuy nhiên, các chủ đề được ghi nhận qua chữ Hán không có nghĩ là chúng có xuất xứ từ TQ, mà đa số từ quá trình giao lưu văn hóa ngôn ngữ theo dòng thời gian - càng lâu bao nhiêu thì lại càng khó truy nguyên và xác định nguồn bấy nhiêu.
09/01/2016(Xem: 14797)
Thiên nhân hỏi: - Thanh kiếm nào sắc bén nhất? Chất độc nào tàn hại nhất? Ngọn lửa nào dữ dội nhất? Bóng đêm nào đen tối nhất? - Đức Phật trả lời: Lời nói trong lúc giận dữ là thanh kiếm sắc bén nhất, dục vọng là chất độc tàn hại nhất, đam mê là ngọn lửa dữ dội nhất, vô minh là bóng đêm đen tối nhất.
27/12/2015(Xem: 11783)
Có chàng lãng tử lưu lạc giang hồ từ thuở thiếu thời, bỗng một hôm nghe hung tin người cha già rời bỏ trần gian, lòng bồi hồi nhớ đến lời dặn dò năm xưa của cha, lời rằng, “Dù vui, buồn giữ mãi cái tâm trong.” Chàng lãng tử đó là nhà thơ Nguyễn Hoàng Lãng Du, một trong mười nhà thơ -- gồm Bạch Xuân Phẻ, Hàn Long Ẩn, Huyền, Nguyên Lương, Nguyễn Hoàng Lãng Du, Nguyễn Phúc Sông Hương, Nguyễn Thanh Huy, Phan Thanh Cương, Trần Kiêm Đoàn, và Tuệ Lạc -- có mặt trong tuyển tập thơ Tâm Trong vừa mới được nhà sách lớn nhất thế giới Amazon phát hành vào trung tuần tháng 12 năm 2015.
22/12/2015(Xem: 3784)
Năm cũ của nhân loại được khép lại với nhiều xáo trộn, bất ổn trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội… của mỗi quốc gia, và cộng đồng quốc tế, của mỗi dân tộc và từng cá thể. Nơi nầy nơi kia, chiến tranh, khủng bố, độc tài, kỳ thị, áp bức, bất công… vẫn tiếp tục gieo rắc sự chết chóc, tù đày, bất an và sợ hãi. Khổ đau của con người có khi dâng cao cùng tận, đến độ có thể đẩy xô hàng trăm nghìn, cho đến hàng triệu người phải gạt lệ rời bỏ quê hương, hoặc chối bỏ quyền làm công dân bình thường trên chính đất nước của mình.
18/12/2015(Xem: 7184)
Mỗi chuyến đi đều có mỗi nhân duyên khác biệt. Chuyến đi Ai Lao lần nầy của ba huynh đệ: tôi, thầy Hạnh Giới và chú Hạnh Tuệ cũng có nhân duyên thật là đặc biệt. Thông thường chương trình của Thượng Tọa Phương Trượng được sắp đặt trước một năm, năm nay chúng tôi sang Úc với Thượng Toạ thời gian ba tháng, từ đầu tháng 10 đến đầu tháng 1 năm 2004. Chuyến đi nầy sẽ ghé Bồ đề Đạo tràng, vì thương quý thầy cô học tăng Việt nam, sinh viên trường Đại học Delhi, Thượng Toạ sang thăm Ấn độ mỗi năm một lần, để quý vị có cơ duyên được gần gũi, được nghe những lời huấn từ của Thượng Toạ và được tu tập bù lại phần lớn thời gian sống đời lưu học sinh, không chùa, phải ở ký túc xá sinh viên hoặc ở nhà trọ.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]