Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

23. Chú Điển trong tôi (Trần Trung Đạo)

17/06/201407:33(Xem: 17675)
23. Chú Điển trong tôi (Trần Trung Đạo)

● Trần Trung Đạo

(Nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày xuất gia

của Hòa Thượng Thích Như Điển,

Phương Trượng chùa Viên Giác,

Hannover, Germany)

Thời gian trôi trên sông đời bất tận. Bao nhiêu điều đã đến và đi trong ý thức nhưng thời gian trú ngụ ở chùa Viên Giác Hội An sẽ không bao giờ phai nhạt trong tâm hồn tôi. Nơi đó, mái ngói cong, tiếng chuông chùa nhẹ đưa, tiếng lá đa xào xạc, tiếng kinh khuya vọng về đã trở thành một kho tàng sinh động cất chứa một phần đời suy tư sâu thẳm của tuổi học trò.


Một buổi chiều mùa hè 1968, tôi từ Đà Nẵng vào Vĩnh Điện, rồi đón xe Lam xuống Hội An. Sau khi ngủ một đêm trong trại lính ở Tiểu khu Quảng Nam với người anh cô cậu, buổi sáng tôi đến chùa Viên Giác để đảnh lễ Đại Đức Thích Long Trí. Như chúng ta biết hôm nay, đó chính là Cố Hòa Thượng Thích Long Trí, nguyên Chánh Thư Ký Văn Phòng Viện Hóa Đạo Lưu Vong trong những năm tháng đầy khó khăn và can đảm 1990. Chúng tôi đều gọi thầy Trụ trì là Sư phụ.

Hôm đó là ngày thường, không lễ lộc gì nên chùa yên tĩnh hơn những lần tôi đến trước đây. Sư phụ vui khi gặp tôi, đứa bé sinh hoạt trong Ban văn nghệ của Ban Hướng Dẫn Gia Đình Phật Tử quận Duy Xuyên. Nhưng lần này tôi đến một mình, không có các anh chị trong BHD Gia Đình Phật Tử và cũng không có cha tôi cùng đi. Tôi bạch với Sư phụ hoàn cảnh mồ côi của mình và xin cho tôi ở lại chùa để ăn học dù lúc đó tôi chưa biết sẽ học ở đâu. Sư phụ hơi ngạc nhiên về những thay đổi quá nhanh đã diễn ra trong đời tôi nhưng lắng nghe đến hết câu chuyện buồn. Với giọng ôn tồn, Sư phụ bảo tôi ở lại chùa. Ngài chỉ sang phía khu nhà đông và bảo tôi qua đó ở chung với các chú.

Khu nhà đông gồm ba phòng có diện tích giống nhau. Không ai có phòng riêng và cũng không có tiêu chuẩn đặc biệt dành riêng cho mỗi người ngoại trừ các chú lớn tuổi ở chung một phòng, đám học trò như tôi và các chú điệu nhỏ ở chung một phòng. Lúc đó chùa đã nuôi hai anh học trò khác, anh Hùng Anh và anh Sáu. Hai anh ở trọ học chứ không phải vì hoàn cảnh gia đình khó khăn như tôi. Anh Hùng Anh và anh Sáu đều rất tốt và rất thương tôi. Các anh làm hầu hết các việc nặng trong chùa. Anh Hùng Anh một thời gian ngắn sau đó đã phát nguyện xuất gia và ngày nay là một Tăng sĩ tông phái Khất Sĩ rất được kính trọng.

Mỗi phòng trong khu nhà đông có bốn chiếc giường. Một chú dắt tôi về phòng cuối cùng trong ba phòng của khu nhà đông và chỉ cho tôi chiếc giường gỗ hẹp. Một trong hai anh cho tôi chiếc chiếu rách viền và một chiếc mền cũ. Đêm đầu tiên ở chùa Viên Giác, dù tiếng muỗi vo ve và bầy rệp đang bày dạ tiệc trên thân thể thằng bé ốm oi, tôi vẫn cảm thấy an tâm. Sau mấy tháng trời bơ vơ ở Đà Nẵng, tôi đã có một nơi để ngủ mà không phải lắng nghe tiếng la, tiếng mắng và nhất là tôi biết chắc ngày mai sẽ có cơm ăn.

Như thường lệ, nếu không có việc phải làm sớm như đánh chuông hay gánh nước tưới rau, chúng tôi cùng thức dậy một lần, quây quần chung quanh chiếc giếng nước sau chùa. Không giống chú Đồng hay lớn tiếng, chú Tùng xa cách, chú Biên thích võ nghệ, chú Điển ngay trong lần gặp gỡ đầu tiên đã mang lại cho tôi một tình cảm ấm áp. “Em tên gì?” Chú Điển vừa hỏi vừa giặt chiếc khăn lau mặt bên giếng nước. “Quê em ở đâu?”. Tôi đáp lời chú một cách vắn tắt. Chú không hỏi gì thêm và tôi cũng không muốn kéo dài câu chuyện về mình.

Năm tháng qua đi. Tất cả đều dần dần phôi phai và không còn quan trọng nhưng ngày đó đời tôi là một bí mật. Với tôi kể chuyện buồn riêng tư cho người khác nghe là một hình thức van xin tình cảm. Bây giờ có một người không muốn nghe tôi lại cứ bắt phải nghe cho được nhưng ngày đó tôi không muốn ai thương hại mình. Cả chùa từ bà Chín, chị Bốn cho đến các chú không ai biết nhiều về đời tôi.

Chú Điển sống ngăn nắp tưởng chừng một bộ máy cơ khí tinh vi cũng không thể chạy đều đặn, sạch sẽ và chính xác hơn sinh hoạt hằng ngày của chú. Giường ngủ của chú Điển phía bên phải của phòng thứ hai nhìn ra phía sân chùa. Một chiếc bàn nhỏ và một tủ sách. Chú có chiếc đồng hồ reo để bàn. Mỗi đêm chú lên dây, coi lại giờ báo thức trước khi đi ngủ. Tiếng reo không những làm cả chùa mà cả bà con quanh xóm cũng nghe. Không giống như đám nhóc chúng tôi, nghe đồng hồ reo, hô một hai ba là nhảy xuống giường đi quét lá quên cả súc miệng đánh răng. Chú Điển rất ngăn nắp, thứ tự. Thức dậy. Vói tay tắt đồng hồ. Vén chiếc mùng lên hai bên cân đối. Tay cầm chiếc thau, vai khoác chiếc khăn đi ra giếng. Chiếc thau rửa mặt, bàn chải đánh răng, cục xà phòng, mọi thứ được đặt đúng vị trí. Tôi rời Viên Giác một thời gian ngắn và trở lại sau khi bà Chín qua đời, chú Điển vẫn còn ở đó. Chú đang học kinh Thủ Lăng Nghiêm để đi thọ Sa Di ngoài Đà Nẵng.

Chúng tôi ăn sáng và ăn chiều chung với nhau. Phòng ăn ở phía nhà tây sau giảng đường. Hai chiếc bàn dài nối nhau. Thức ăn nhiều nhất là rau lang. Lang luộc, lang xào, lang nấu canh, nói tóm lại là lang bảy món. Những ngày Rằm và Mùng Một có thêm đậu khuôn chiên vì chùa làm đậu khuôn ra chợ bán. Mì căn hay nấm rơm xào bún tàu là những món cao lương mỹ vị, họa hoằn mới có. Chúng tôi sống thật khắc khổ nhưng không có một tiếng than van. Dường như hoàn cảnh chế ngự những nhu cầu trong cơ thể nên tôi cũng không thấy thèm thịt cá. Thời gian chúng tôi dành nhiều nhất trong ngày là học và đọc. Những đêm nóng nực hai chú cháu rủ nhau vác chiếu ra ngoài hiên chùa nằm ngủ. Nửa đêm thức dậy nhìn ánh trăng soi sáng sân chùa rộng. Ánh trăng vàng và tiếng lá đa xào xạc tạo nên một khung cảnh vô cùng thiêng liêng và huyền bí trong tâm hồn tôi từ đó đến giờ.

Nhắc đến đậu khuôn. Đây có thể là sinh hoạt kinh tế chính của chùa. Mỗi tháng hai lần vào các ngày mười bốn và ba mươi hay hai mươi chín nếu là tháng thiếu, các cô Trợ, cô Năm, cô Chiến từ Cẩm Nam sang để giúp chùa làm đậu khuôn. Ngoại trừ Sư phụ, cả chùa đều dậy rất sớm. Sản xuất đậu khuôn gồm nhiều bước phụ thuộc vào nhau và mang tính dây chuyền. Giai đoạn xay đậu cần ít nhất hai hay ba người. Một chú khỏe mạnh hay hai chú nhỏ phụ trách xay và một người làm công việc “cho ăn” tức tém đậu vào lỗ chiếc cối đá thô sơ và nặng nề, thêm nước vào đậu khi cần. Xay xong, nước đậu được chuyển sang một người khác để lọc hết xác bằng một chiếc khăn vải trắng, giai đoạn này gọi là bòng đậu. Sau khi bòng tới bòng lui mấy đợt, nước đậu được đun sôi có thêm một chút thạch cao để đông đặc nhanh sau khi đổ vào khuôn. Người phụ trách công việc cuối cùng và khổ nhất là chú Ngô. Chú Ngô phải gánh đậu ra chợ Hội An để bán. Bán không hết đem về làm chao. Chị Bốn chưa bao giờ sai tôi đi bán đậu với chú Ngô mà dù có sai tôi cũng không đi. Tôi chỉ làm những công việc trong chùa. Ở ngoài không ai biết gì về tôi. Nhiều bạn học trong lớp cũng không biết tôi ở chùa Viên Giác. Những năm đầu, chú Điển, anh Hùng Anh thường phải xay đậu, tôi tập “cho ăn”. Cô Trợ, cô Năm, chị Bốn, chị Minh Đức phụ trách nấu và đổ nước đậu vào khuôn. Khi chú Điển đi du học, tôi lớn hơn và thay vào vị trí xay đậu. Các em học trò khác như Nhiêu, Sơn, Hoàng lo phần “cho ăn”. Nếu ai hỏi đồ vật gì trong chùa để lại trong lòng chúng tôi nhiều kỷ niệm nhất, tôi sẽ trả lời ngay đó là chiếc cối xay. Và chú Điển có thể cũng sẽ trả lời như thế. Tôi già rồi, dòng nước mắt của tuổi thơ đã cạn theo chiến tranh và tàn phá nhưng nếu nhìn lại chiếc cối xay, biết đâu tôi vẫn còn khóc được. Chiếc cối đá thân yêu đã giúp nuôi sống tôi, chú Điển và cả chùa qua nhiều năm tháng khó khăn.

Trong số những em học trò vào chùa trọ học sau tôi, tôi thương Nhiêu nhất và nó cũng thương tôi nhất. Nhiêu là đứa bé có tâm hồn phong phú. Ngày tôi ra đi, Nhiêu là một trong vài em đã ra tận Đà Nẵng để tiễn đưa tôi. Nhiêu là con duy nhất của thầy Bảy. Gọi là thầy theo ý nghĩa các thầy cúng ở nhà quê nhưng thầy không thật sự xuất gia. Gia đình thầy ở Thanh Chiêm, Duy Xuyên, gần nhà chú Điển. Tôi có theo Nhiêu về nhà thăm thầy Bảy một lần. Thầy Bảy ngọng, nói rất khó nghe nhưng đánh trống Bát Nhã tuyệt hay. Âm vang của hai chiếc dùi thầy nhịp vào thành trống dồn dập vào đoạn cuối làm tăng không khí trang nghiêm cho buổi lễ. Bây giờ mỗi khi nghe những CD trống bát nhã vang lên trong những ngày lễ ở chùa, tôi lại nhớ đến tiếng trống của thầy Bảy và tin chắc rằng thầy Bảy đánh trống hay hơn. Những đại lễ như Phật Đản hay Vu Lan, Sư phụ thường mời thầy Bảy về chùa đánh trống. Tôi vào Sài Gòn không được bao lâu thì nghe tin Nhiêu chết. Em đạp phải mìn trên đường từ Câu Lâu đi xuống phía dốc Phú Chiêm. Năm đó Nhiêu mới chừng 16 tuổi. Tôi biết tin trễ, mà dù biết sớm cũng không về được. Học hành bận rộn, đi lại khó khăn và đời sống của tôi cũng vô cùng chật vật nên chỉ biết ngậm ngùi thương nhớ em.

Ngoài việc đi học ở trường, phụ chị Bốn lo cơm nước, chúng tôi học bài và đọc sách. Chú Điển học bài và đọc kinh. Tôi niệm Phật mỗi đêm để tìm một nơi nương náu bình an cho tâm hồn đầy sóng gió nhưng ít đọc kinh ngoài công phu chiều và công phu khuya. Phần thời gian còn lại trong ngày tôi dành đọc sách. Năm đó tôi mới 14 tuổi. Không phải sách nào tôi cũng hiểu, đúng ra rất ít sách tôi hiểu hết nhưng vẫn cố ghi vào ý thức của mình được bao nhiêu tốt bấy nhiêu. Tôi thích nhất là bộ Lịch sử đệ nhị thế chiến của Winston Churchill do Thẩm phán Trần Minh Tiết dịch. Cuốn sách dày cả ngàn trang in chữ nhỏ li ti nhưng tôi đọc đi đọc lại mấy lần. Phòng sách nằm trên lầu và muốn lên phải bước ngang qua phòng ngủ của Sư phụ. Biết tôi thích đọc sách nên dù tôi có gây tiếng động trên lầu Sư phụ cũng không nói gì. Nhờ vậy, tháng Chín, 1972, tôi rời Viên Giác với một hành trang kiến thức rộng và dày hơn nhiều so với các bạn cùng thế hệ.

Các chú ai cũng học giỏi. Chú Điển học tháng nào cũng đứng nhất và có trí nhớ tuyệt vời. Bài học ở trường chú chỉ đọc một hai lần là xong trong khi tôi phải lặp đi lặp lại nhiều lần. Sau này những bài thơ dài nhất của tôi như bài Bao Giờ Nhỉ Tôi Về Thăm Xứ Quảng hay bài Nhớ Cây Đa Chùa Viên Giác chú Điển đều thuộc lòng trong khi tác giả của chúng nhiều khi còn lúng túng khi có người đề nghị đọc. Thời đó, sổ học bạ mỗi tháng đều phải trình lên Sư phụ ký. Tôi rất ít khi được đứng nhất trong lớp nên thường chờ đến gần hết hạn nộp lại cho trường mới rụt rè đem trình Sư phụ. Sư phụ chúng tôi rất bận, sáng ra đi có khi chiều tối mới về chùa nên ít khi hỏi han chuyện học hành của chúng tôi. Khi đứng vị thứ cao, Sư phụ thưởng một trái cam và đứng thấp thầy cũng không quở trách nhiều.

Năm tôi vào chùa, chú Điển học đệ tam ở trường Trần Quý Cáp và là người học lớp cao nhất trong chùa. Chú Thứ học cùng lớp với tôi và học rất giỏi. Chú Thứ là thị giả của Sư phụ và biết lái xe Jeep khi còn rất nhỏ. Chú Đồng, chú Ngô, chú Đức không đi học. Một số chú khác vào sau tôi không nhớ hết tên. Thỉnh thoảng tôi thấy các bạn học của chú Điển đến thăm. Một vài người trong số họ gốc Minh Hương ở dưới phố Hội An và rất mến chú Điển. Chú Điển lớn hơn tôi 5,6 tuổi gì đó nhưng tôi xem chú là bậc thầy và tấm gương mà chúng tôi noi theo. Chú là Chúng trưởng trong chùa. Không chỉ chúng tôi mà cả Sư phụ cũng nể trọng chú. Trong thâm tâm mọi người đều biết, dù ngày mai có ra sao, chú Điển cũng sẽ là vị Trụ trì kế tiếp của chùa Viên Giác.

Mỗi tháng chùa Viên Giác họp một lần trong giảng đường. Sư phụ chủ tọa và chú Điển điều hành buổi họp. Mỗi người, kể cả Sư phụ đều kiểm điểm công việc mình làm trong tháng, những điểm hay và những thiếu sót đều được nêu ra. Chú Điển thường đại diện cho đại chúng phát biểu về những chuyện trong chùa. Nhiều khi cũng có những cuộc tranh luận phải trái rất căng thẳng. Phần đông các chú thường nghe theo lời chú Điển. Tôi nhỏ nhất, một học trò trọ học và công việc chính là quét lá đa nên không có gì nhiều để thưa trình.

Chín năm sau, năm 1981, khi tất cả từ chú Điển, chú Đồng, chú Thứ, chú Ngô đã ra đi hết, tôi trở lại chùa. Sư phụ và tôi ngồi trong giảng đường, nơi chúng tôi đã từng ngồi mỗi tháng, nhắc lại những chuyện ngày xưa. Sư phụ không trách ai, chỉ còn lại trong lòng Ngài một nỗi ngậm ngùi và thương nhớ từng người con đi xa. Nhưng rồi tôi cũng ra đi để lại Sư phụ, ngôi chùa Viên Giác, hai cây đa và bao nhiêu gánh nợ của kiếp nhân sinh đè nặng trên đôi vai già nua của Sư phụ cho đến khi Ngài viên tịch.

Chú Điển rời Viên Giác năm 1969 để vào Sài Gòn học xong bậc trung học và sau đó du học tại Nhật Bản. Trước 1975, tôi không nhớ chắc nhưng hình như có gặp chú lại một lần ở chùa Hưng Long trong một dịp chú về thăm. Mấy chục năm sau khi tôi sang đảo Palawan, Philippines mới liên lạc lại với chú Điển, ngày đó đã phát nguyện hoằng dương chánh pháp ở Đức. Trong mỗi lá thư, chú Điển luôn kèm theo một ít tiền để tôi sống trong thời gian tạm cư ở trại.

Ai bảo thời gian như bóng câu qua cửa sổ nhưng trong thực tế có thể còn nhanh hơn thế nữa. Cuối tháng Sáu này chú Điển sẽ kỷ niệm nửa thế kỷ xuất gia. Chú Điển ngày nay là Hòa Thượng Phương Trượng chùa Viên Giác nhưng trong tâm hồn tôi hình ảnh bao dung, hiền hậu và rất dễ dàng tha thứ vẫn còn nguyên vẹn.

Không phải hôm nay, khi viết về Hòa thượng Phương Trượng chùa Viên Giác tôi chỉ nên viết những điều tốt đẹp. Không, tôi sẽ từ chối nếu phải viết những điều không thật với lòng mình. Thời gian sống với nhau ngắn ngủi, chỉ hơn một năm, nhưng đó là nhân duyên hiếm quý trong đời người. Tôi vô cùng trân trọng và biết ơn chú Điển. Cây đa già đã chết nhưng bóng đa vẫn còn che mát tâm hồn chúng tôi từ dạo đó đến nay và mãi mãi sau này.

●Trần Trung Đạo
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
20/04/2013(Xem: 6283)
Đào tạo chương trình Tiến sĩ là một trong những hoạt động trụ cột của các đại học. Một chương trình đào tạo Tiến sĩ[i] nổi tiếng sẽ làm vẻ vang cho đại học và một chương trình Tiến sĩ thành công không thể không bắt nguồn từ các quyết định của một cơ cấu tổ chức đại học đa ngành với những chính sách, chủ trương phản ánh khát vọng tìm kiếm các giải pháp cho một tương lai phát triển và ổn định. [i] Tiến sĩ = Doctor of Philosophy. Mỹ viết tắt là Ph.D.. Anh viết PhD (không có dấu chấm sau Ph và D).
10/04/2013(Xem: 3659)
Nhiều khi trong đời có những chuyện vớ vẩn mà cứ bắt mình phải bận lòng đến thê thiết mới lạ. Sáng nay tôi đọc báo thấy giới nhà giàu trong nước có người dám bỏ ra cả tỉ đồng, tức khoảng năm bảy chục ngàn Mỹ kim, để mua vài con cá kiểng loại quý hiếm về nuôi trong nhà cho vui. Ngó ảnh chụp mấy con cá đắt tiền đó, tôi chợt nghĩ đến một chuyện thiệt ngộ.
10/04/2013(Xem: 10239)
Thơ là nhạc lòng, là tình ca muôn thuở của ý sống, của nguồn thương, của mầm xuân mơn mởn được thể hiện qua âm điệu vần thơ, qua câu hò, tiếng hát, lời ru, ngâm vịnh,..v..v.... mà các thi nhân đã cảm hứng dệt mộng, ươm tơ. Những vần thơ của các thi sĩ nhả ngọc phun châu là những gấm hoa sặc sỡ, những cung đàn tinh xảo, những cành hoa thướt tha kết thành một bức tranh đời linh hoạt, một bản nhạc sống tuyệt trần, một vườn hoa muôn sắc ngát hương làm tăng thêm vẻ đẹp cả đất trời, làm rung cảm cả lòng người xao xuyến. Đối tượng của vần thơ là chất liệu men đời được sự dung hợp của đất trời, sự chuyển hoá của vạn vật và sự hoà điệu của lòng người qua khắp nẻo đường trần biến thể, có lúc mặn nồng bùi ngọt, có khi chua chát đắng cay, tủi hờn chia ly, thất vọng chán chường sau những cuộc thế bể dâu, những thăng trầm vinh nhục, chính là nguồn suối mộng rạt rào của các nhà thơ say mơ. Tôi mặc dù không phải là thi sĩ, nhưng cũng biết thiết tha ho
09/04/2013(Xem: 16916)
Nếu nói 20 năm là một thế hệ, thì những bài viết trong quyển sách thứ 36 nầy đã hơn một thế hệ rồi. Đó là 25 năm của một chặng đường lịch sử mà chúng tôi đã đi qua.
09/04/2013(Xem: 2596)
Với thế kỷ mà xã hội đang tiến nhanh trên con đường hiện đại hóa, việc chúng ta nghiên cứu văn hóa Phật giáo Trung Quốc là việc làm có ý nghĩa gì? Làm thế nào để sự nghiên cứu của chúng ta có lợi đối với cuộc sống hiện thực và kiến thiết nền văn hóa mới cho đất nước Trung Hoa? Tôi cho rằng trong sự tồn tại trường kỳ một hiện tượng văn hoá thì tự bản thân văn hóa ấy đaõ có tính tất nhiên, sâu xa của nó.
08/04/2013(Xem: 16207)
Tôi viết tập truyện nhỏ này với niềm say mê thích thú chưa từng có. Một mình trên căn gác, suốt ngày tâm hồn đắm vào thế giới loài vật những cọp những beo, cáo, gấu, chìa vôi, bìm bịp, chèo bẻo... tôi tưởng như chúng đang chạy nhảy và đối thoại quanh tôi. Thật là những giờ phút kỳ diệu. Viết xong từng đoan, đọc lại, cười. Như đọc văn của ai. Thích hơn khi viết về Người, bởi nghĩ rằng viết về Người đã có nhiều ngòi bút khác viết rồi. Ðằng này do mình tưởng tượng dựng ra thì hy vọng chúng mang trọn vẹn bản sắc của tâm hồn mình.
08/04/2013(Xem: 13504)
Hằng năm cứ mỗi độ cuối đông, toàn thể Phật giáo đồ trên khắp năm châu bốn bể, đều long trọng tổ chức lễ kỷ niệm ngày Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thành đạo (vào ngày mùng tám tháng mười hai âm lịch).
08/04/2013(Xem: 2720)
Nếu như những suy nghĩ dưới đây không được hiểu theo nghĩa tích cực, trong sáng thì hãy xem như nỗi oan ức như chính thiện ý việc tổ chức cuộc "Tuyên Dương Công Đức" (TDCĐ) Ban Văn hóa Thành hội Phật giáo nhân Phật Đản 2544 vừa qua, đã không tròn vẹn tâm nguyện, tình ngay mà lý không thuận.
08/04/2013(Xem: 701)
Gần đây, ở mục "Nhìn lại lịch sử" trên tạp chí Thế Giới Mới (1), tạp chí của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có đăng bài viết của Phan Duy Kha (PDK), nhan đề Chuyện cây gạo làng Dương Lôi, sư Vạn Hạnh và vua Lý Công Uẩn ...
04/04/2013(Xem: 8336)
Hôm nay là ngày sám hối lệ. Tất cả các Phật tử đến đây tụng kinh, nghe thuyết pháp và hành thiền. Đây là chương trình tu học mỗi tháng hai kỳ vào ngày 14 và 29 Âm lịch cho cư sĩ. Những bậc xuất gia có 2 ngày là 15 và 30 hàng tháng để làm lễ sám hối.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]