Đọc: Những Cây Bút Nữ 2.
• Trần Đan Hà
Giới thiệu: HT Thích Như Điển
Diễn đọc: Cư Sĩ Diệu Danh
Lồng nhạc: Cư Sĩ Quảng Phước
Tập truyện của 8 tác giả: Cộng tác viên của Báo Viên Giác. Đều là những Phật tử có Pháp danh và nhiều chị xuất thân từ nhà giáo. Sách trình bày đẹp trên giấy hoàng kim. Kỷ thuật bởi Hoa lan-Thiện giới. Tranh bìa và phụ bản: Trần Thị Hương Cau. Trình bày bìa: Gia Khánh. Viết Lời Giới Thiệu Thầy Thích Như Điển, Phương Trượng chùa Viên Giác. Viết “Thay Lời Tựa” bởi Đạo hữu Phù Vân Chủ Bút Báo Viên Giác.
***
1)- HƯƠNG CAU: Tên thật Trần Thị Vân Loan. Pháp danh Quảng Phượng. Sinh năm 1957 tại Sài gòn, góc Huế. Năm 1979 học Đại học Sư phạm Kỷ thuật. Sang Đức năm 1984 theo diện đoàn tụ gia đình. Năm 1986 học Hochschule Furtwangen ngành Điện Toán. Sở thích đọc sách, viết văn, và hội họa.
Truyện chọn đọc: Mùa xuân đầu tiên.
Chị Hương Cau viết truyện với bố cục chặt chẻ, văn chương trau chuốt. Biết khai thác những “Tâm lý nhạy cảm” một cách tinh tế, những điều thường hay bị phản cảm. Như đối với người Phật tử thường hay nghe: “Phiền não tức Bồ đề”. Thế nhưng rất ít người có thể chịu đựng cái cảnh: “Nhận diện phiền não để chuyển hóa khổ đau, hay nhận ra lỗi lầm để sám hối”!
Hầu hết truyện của Chị xoay quanh vấn đề của cuộc sống trong một gia đình: Cha mẹ, con cái. Từ tâm lý tình cảm của những ngày mới cưới đến mười, hai mươi năm sau. Thời gian sẽ bào mòn những cảm giác. Tình cảm vợ chồng do đó, không còn nồng nàn như buổi ban đầu. Những xung khắc dù nhẹ nhàng đến đâu cũng để lại cho các con cảm giác rằng, gia đình mình đã vắng bóng hạnh phúc !. Truyện kể rằng: Một gia đình gồm cha mẹ và hai con đang sinh sống tại Đức. Bố phải chuyển qua Dubai làm việc theo hợp đồng, làm ba tháng thì nghỉ hai tuần. Ở nhà mẹ cũng phải đi làm thêm để giúp đỡ ông bà nội ngoại bên nhà. Tuy còn rất nhỏ, nhưng hai chị em Uyên và Thụy đã phải tự lo cho mình buổi sáng đi học. Việc đi về không đều đặn của bố, khiến cho mẹ không vui; khiến cho Uyên có cảm giác bố không còn thương mẹ nữa. Sau khi tốt nghiệp Trung học, Uyên bỏ nhà ra đi”… “Gia đình lưu trử những gắn bó thiêng liêng nên trong
mùa xuân đầu tiên, vắng đi một người, cả cái Tết đã trở nên u trầm, lặng ngắt…” (trích trang 31).
“Buổi trưa mẹ gửi tin nhắn vào điện thoại di động của Thụy: Hôm nay giao thừa, Thụy học xong về nhà phụ mẹ nấu cúng nhé…”. Cúng xong Thụy vào phòng bật máy tính lên định chúc Tết chị Uyên, ai ngờ lại có thư của chị: “Chị ở xa, nhưng may mắn vẫn còn có Thụy. Thay chị chăm sóc bố mẹ, Thụy nhé, vì hơn ai hết, chị biết bên ngoài là cái vẻ lấc cấc nhưng bên trong em gái chị chứa đựng một tâm hồn đầy nhân ái, vị tha.
Hôm qua, Thụy biết không nhận được thùng đồ của bố gửi, đọc thấy nét chữ thân quen của bố đề tên chị ngoài thùng chị đã bật khóc, vì trong từng cái áo ấm, gói mứt gừng, chai thuốc ho, cuốn tự điển đều gói ghém biết bao là thâm tình mà chỉ có đấng sinh thành mới ban phát cho con cái vô điều kiện như thế. Có đi xa, chị mới nhận ra chúng mình thật hạnh phúc khi còn được ngụp lặn trong tình thương vô bờ của bố mẹ, vậy mà lúc ở gần thì lại cứ trách móc làm đau lòng nhau, chị hối hận biết dường nào…” (trang 32).
Tuy truyện nào cũng có những đổ vỡ, nhưng biết dừng lại đúng lúc, tìm hiểu nguyên nhân để hàn gắn, và chuyển hóa bằng năng lượng huyết thống tâm linh, bằng nguồn cội nghĩa tình, để đốt lên một bếp lửa bằng nguyên liệu của hương ấm quê nhà, bằng lời sám hối trước khi chưa đến nỗi quá muộn màng…!
2)- HOÀNG THỊ DOÃN: cũng là Bút danh, Pháp danh Nguyên Hạnh. Cựu học sinh Đồng Khánh, Khải Định Huế. Tốt nghiệp Cao đẳng Sư Phạm Sàigòn. Giáo sư các trường nữ Trung học Trưng Vương, Đồng Khánh, Sương Nguyệt Anh. Giám học trường nữ trung học Đồng Khánh. Định cự tại München - Đức Quốc năm 1989. Làm việc tại Ludwig-Maximilians-Universität. Cộng tác thường xuyên báo Viên Giác- Hannover.
Bài chọn đọc: Đóa Sen Xanh. (Viết tặng ni cô Huệ Trân- người học trò cũ của tôi.)
Chị Hoàng Thị Doãn không nhận mình là nhà văn, đây chỉ là những bức “Thư Tình” viết gởi cho “Ân Nghĩa Giáo Khoa Thư”. Lời cảm niệm gởi cho thầy cô để nhớ lại công đức giáo dưỡng. Đồng thời nhắc lại những kỷ niệm đối với những cô học trò đã học với chị. Thư tình cho nên chỉ viết với lời yêu thương. Là tiếng nói của con tim, nên không cần đến triết lý. Chỉ dàn trải ra khi nào có cảm xúc, và kỷ niệm ngày xưa trở về trong những nhân duyên tương phùng. Cuộc tao ngộ nào cũng đem đến cho niềm vui, nhưng đằng sau vẫn là nỗi buồn vì biết sẽ chia xa. Thường thư tình chỉ gởi cho một người, nhưng đây ai đọc cũng có những cảm xúc riêng chung, vì con người sinh ra thì ai không trải qua những giai đoạn của tuổi thơ. Kỷ niệm “Những mùa xuân lại về” với hoa mai ! Kỷ niệm với Thầy bổn sư và ngày quy y được thầy ban cho Pháp danh Nguyên Hạnh. Thêm nữa, cảm xúc đối với kỷ niệm rất trân trọng. Đã diễn ra bằng một ngôn ngữ gợi cảm, cô đọng nhưng diễn tả nhiều trạng huống khác nhau trong mỗi câu, mỗi đoạn. Thể hiện một tài năng gom góp kỷ niệm, đôi khi chỉ một nét nhỏ nhắn nhưng như con sóng thôi xao lên tâm thức người đọc, lan tỏa cho âm vang được đồng vọng đến muôn sau.
Truyện Đóa Sen Xanh, nhắc nhỡ cái nhân duyên chị gặp lại người học trò cũ, mà bây giờ đã xuất gia trở thành ni cô Huệ Trân. Mừng mừng, tủi tủi và rồi nhắc lại những kỷ niệm. Trong đó có một kỷ niệm rất nhỏ, đơn sơ nhưng còn đọng lại thật lâu tình cảm:-
“Một hôm, tôi cho lớp em làm bài kiểm Toán, cả lớp im phăng phắc chăm chỉ lo làm bài, còn tôi thì đi lui đi tới xem thử các em có làm được không? Ngang qua chỗ em ngồi, thấy ánh nắng chiếu vào bài tập của em, sợ em bị chói mắt, tôi với tay khép bớt một cánh cửa sổ lại. Tôi đã làm với một cử chỉ tự nhiên như với bất cứ em học sinh nào, ai ngờ hành động của tôi đã làm cho em cảm động và em đã thương yêu cô giáo mình từ đó. Em đã dành cho tôi một tình thương đặc biệt và ganh tị ngay cả với những em nào cũng thương tôi như em” (trích trang 63).
Trong buổi hạnh ngộ nầy đã ghi dấu biết bao kỷ niệm, sau đó nhận được thư của “người thương”:…
“Ngày xưa chỉ đóng cánh cửa sổ đã mệt em rồi, nay xôi đậu muối mè tất tả chạy ra ga cho kịp chuyến tàu đêm, em trả bài sao cho trọn hả cô giáo? Cám ơn tình Chị. Cám ơn sự ân cần của Anh. Thương” Bảo Ngọc.
(trích trang 65).
Truyện của chị đơn giản như thế thôi, nhưng tình cảm thì thăm thẳm như biển sâu, kỷ niệm thì chất chồng như núi cao. Đã để lại trong lòng độc giả những bâng khuâng vì thương cảm, những tiếc nuối vì chia xa, và nỗi vui khôn tả cho những lần đoàn tụ.
Xin cám ơn cô giáo đã cho học trò những bài mẫu, với những bức tình thư rất dễ thương và kỷ niệm…!
3)-TRẦN THỊ NHẬT HƯNG: cũng là Bút danh. Pháp danh: Diệu Như. Sinh năm 1953 tại Nam Định. Bắt đầu viết văn năm 1980. Định cư tại Thụy Sĩ năm 1982. Sở thích: Say mê văn chương, yêu văn nghệ trình diễn, đọc sách, nấu ăn. Châm ngôn: Không làm những gì mà không thích người khác làm cho mình. Chuộng sự công bằng. Tác phẩm đã xuất bản: 1991 Truyện Hay Hải Ngoại. năm 1993 Giấc Mơ Xưa. Tập truyện ngắn. năm 2008 Những Cây Bút Nữ Báo Viên Giác (I) năm 2012 Tuổi Hồng Con Gái- Truyện dài. Năm 2014 Những Cây Bút Nữ Báo Viên Giác (2).
Truyện chọn đọc: Tình Cha.
Truyện của chị cũng xoay quanh vấn đề liên hệ giữa bản thân, gia đình và xã hội. Tuy đề tài chung, nhưng mỗi người có cách diễn tả riêng. Ở chị kể lại những chi tiết ngọn ngành, hoàn cảnh của từng giai đoạn riêng, những cảm xúc bắt gặp bất ngờ, những nhân duyên đưa đến hay thể hiện là những xúc tác để đưa chị trở về với hoài niệm. Cho nên có thể gọi chung là “Tự Truyện”. Với một văn phong lưu loát, lối kể chuyện khúc chiết, đã dàn trải chuổi hoài niệm từ tuổi thơ, đến trưởng thành, lập gia đình và gặp hoàn cảnh đổi đời hết sức khốn khổ ! Chuyện kể rằng, bố của chị từ miền Bắc di cư vào Nam với hai bàn tay trắng. Phải gởi gia đình vợ con ở nhờ nhà người bà con ở ngoài Trung. Bố lặn lội vào Nam một mình tìm việc làm ăn để đỡ đần cho gia đình. May mắn một thời gian sau khá giả, trở về miền Trung lập được tiệm buôn bán. Chị được sống trong một gia đình sung túc. Nhưng khi đi lấy chồng thì gặp hoàn cảnh gia đình nhà chồng nghèo khó, bố thấy hoàn cảnh thỉnh thoảng cũng phụ giúp thêm cho. Bố còn khuyên rằng: “Con gái về nhà chồng, có bổn phận gánh vác giang sơn nhà chồng. Đừng khuân của người ta đem về cho bố mẹ, để họ chửi bố mẹ, tức là báo hiếu cho bố mẹ rồi đó”. Nhưng khi về nhà chống gặp cảnh nghèo khó, không dám về xin bố. Thế mà bố theo dõi biết đến và thỉnh thoảng cung cấp thêm. Đến khi chồng có việc làm, gia đình được ổn định. Tưởng đã qua cơn bĩ cực đến hồi thái lai, nhưng biến cố 30 tháng 4 năm 1975 ập đến. Cảnh sa sút càng ngày càng thêm là một gánh nặng oằn vai đối với một thiếu nữ mới ngoài hai mươi tuổi đời…Một lần chị về thăm bố, thấy mấy đứa bạn cứ rũ đi ăn uống, mà trong túi mình không có một đồng, nên chỉ đi vài lần rồi sau đó đành từ khước.
“Thế rồi một ngày, tôi đang đứng ngó mông ra ngoài,
bâng khuâng nhìn vạt nắng lung linh ngoài khung cửa sổ. những tia nắng vàng óng ánh xuyên qua kẻ lá lấp lánh như những tia lăng tinh trông thật đẹp mắt… Thì bố bước đến, không nói gì chỉ nắm tay tôi vạch năm ngón, rồi đặt vào một cọc tiền. Tôi ngạc nhiên hỏi: Tiền gì vậy, ba?... tôi trố mắt nhìn khi nghe ba nói: Ba cho con để đi chơi với chúng bạn!... Nói xong , ba bỏ đi, để tôi ngơ ngẫn nhìn theo, không kịp nói một lời nào, dù chỉ là hai chữ “cám ơn” ngắn ngủi. (trang 131) Bây giờ chị định cư tại Thụy Sĩ, mỗi khi về thăm bố chị làm theo những gì bố đã làm để gọi là đền ơn đáp nghĩa, hy vọng bố vui trong ngày tháng cuối đời !
4)- HOA LAN: Tên thật Phí Thị Lan Hương. Pháp danh Thiện Giới. Sinh năm 1953 tại Hà Nội. Đến xứ Đức năm 1973 với học bổng Quốc Gia. Tốt nghiệp Kỷ sư Hóa thực phẩm năm 1979. Làm việc tại Technische Universität Berlin. Sở thích viết văn và chuyện bao đồng. Tác phẩm đã xuất bản: Lửa Tình và Lửa Tam Muội (2009).
Truyện chọn đọc: Con Ma “Nửa đời chuông mõ”. “Chủ đích của tôi hôm nay là muốn luận đàm với các bạn về đề tài: “Nếu được lựa chọn tôi có muốn trở lại thân Nữ hay không?”…(trích trang 162).
Có lẽ trong 8 cây bút nữ nầy, chị Hoa Lan là một “Cây bút đầy ấn tượng” và luôn giữ cho mình một phong cách riêng. Với bản tánh mạnh mẻ, sôi nổi quyết tâm chọn cho mình một con đường độc đạo bất chấp chông gai. Thế nên văn chương của chị đôi lúc cũng “lên thác xuống ghềnh” cũng “ba chìm bảy nổi” mặc cho sóng gió đẩy đưa, chỉ một mình chèo chóng. Với một quan niệm gần giống như cố Giáo sư Phạm Công Thiện: “Cực độ của động là tỉnh. Tuyệt đỉnh của uyên bác là u mê”. Nên hình như chị đang đi tìm chân lý bằng bắt đầu từ “cực độ nầy” đến “tuyệt đỉnh khác” với triết lý … “Vì càng đau thương thì lực đẩy đến bến bờ giải thoát lại càng mau” (trang 163).
Thỉnh thoảng trên đường đi bất chợt loé lên một “tư tưởng” thật tuyệt vời khi luận về người Phụ Nữ:
…”Phải kể những gì chỉ người nữ làm được mà người nam chỉ đứng nhìn rồi giở mũ nghiêng mình. “Ấy là thiên chức làm mẹ” ! Trong đấy chứa đựng sự nhẫn nhục và lòng từ vô biên với đứa con thân yêu của họ”. ( trang 167)
“Thiên chức ấy của người phụ nữ là cao quý hơn hết, nên “công đức” của Người Mẹ ngang hàng với Phật.
Trong kinh Nikaya có kể lại một câu chuyện: “Khi vua Ba Tư Nặc, tới thăm Thế Tôn và đang hàn huyên… thì các quan hầu cận tới trình lên là Hoàng Hậu vừa hạ sanh một Công Chúa làm Đức Vua sa sầm nét mặt. Đức Thế Tôn hỏi vì sao Vua không vui ? Và cho một bài Pháp nhỏ: “Tuy là thân gái nhưng nếu là người con gái đức hạnh thì khi lấy chồng sẽ sanh ra những đưa con trai. Nuôi dạy nên người và những đứa con ấy sẽ trở thành vua hay những người đạo hạnh thì quý hóa hơn sanh con trai…”
Là nguyên nhân cho “Ma Nữ” vin vào để chọn lựa: “Cũng chẳng sao, thua kiếp nầy ta bày kiếp khác, trở lại cõi Ta Bà tu tiếp làm kiếp đàn bà rồi phấn đấu vươn lên. Nói như thế có nghĩa là lập trường của Ma tôi đã kiên cố, nhất quyết sẽ trở lại thân nữ không thèm đòi thân nam” (trang 162).
Đây là sự “thực tế một cách trần truồng” mà ít người chấp nhận, vì trong khi tu học, ai cũng muốn kết quả lên cao. Mà không mấy ai nghĩ đến “cái nhân” họ đã gieo, “cái nghiệp” họ đã tạo…! Có thể gọi là điểm son cho việc xây dựng tác phẩm của chị.
5)- THI THI HỒNG NGỌC: Tên thật Dương Ngọc Liên. Pháp danh Diệu Hoa. Sinh năm 1970 tại Hội An. Bắt đầu tham gia viết bài cho báo Viên Giác năm 2000. Các bút hiệu khác: Mimosa. Tâm An. Sở thích đọc sách Phật Pháp, đi dạo, viết văn và làm việc từ thiện. Loài hoa thích nhất Hoa Sen, món ăn thích nhất là ăn chay.
Truyện chọn đọc: Gai của hoa hồng.
Cô là một cây bút đằm thắm, dễ thương. Lối kể chuyện nhẹ nhàng nhưng hấp dẫn lôi cuốn. Bàng bạc trong những câu chuyện của cô đều có bóng dáng triết lý của nhà Phật như “Nhân quả luân hồi, vô thường, vô ngã…”. Truyện kể, Mỹ Uyên là một doanh gia giàu có, nàng đã từng đi du học nước ngoài và thành đạt. Nhưng nàng còn giữ được tấm lòng hiếu hạnh đối với gia đình, nhất là đối với bà nội. Hôm nay nàng trở về chùa để dự lễ cúng thất đầu của bà nội. Đứng trước cổng tam quan, nàng ngậm ngùi nhớ lại những kỷ niệm ngày xưa, với bóng dáng bà nội yêu quý thường dắt tay đứa cháu gái đến đây: “Ngày còn bé, Mỹ Uyên thường theo bà nội đi chùa nầy, đôi khi ăn cơm ở chùa, chạy chơi loanh quanh nhặt những bông ngọc lan rồi thích thú đưa lên mủi ngửi. Hàng ngày đi học, nàng thường phải đi ngang qua chùa, hương ngọc lan ngọt ngào vấn vít đưa tiển nàng thêm một đoạn đường nữa”…(trang 252). Khi nàng lên mười tuổi, thầy trụ trì có nhận thêm một chú tiểu mới: Chú tiểu Tâm, chú lớn hơn nàng hai tuổi, mặt nủi thanh tú, nụ cười rất dễ thương làm ai cũng mến… Thời gian dần qua, nàng trở thành một “bông hoa” của tỉnh nhỏ nầy. Trên đường đi học, nàng thường gặp chú tiểu Tâm, chú chấp tay chào, nàng đáp lễ rồi mạnh ai nấy đi. Chú không hề nhìn nàng hay hỏi han một lời nào. Nàng tự hỏi tại sao chú tiểu Tâm lại ghét nàng đến thế? Đôi khi nàng tự nhủ hay mình đến làm quen với chú trước? Nhưng lòng tự kiêu nổi lên nên nàng không muốn “hạ mình”.
Trong khi chú tiểu Tâm lại là một học sinh xuất sắc, về hạnh kiểm cũng như học vấn, chú hay giúp đỡ cho những bạn yếu kém nên ai cũng nể trọng… và thời gian trôi qua, chú tiểu Tâm được Thầy Bổn Sư cho đi du học tại Ấn Độ, nay trở về thay thế trụ trì chùa.
“…Nàng đến muộn nên buổi cầu kinh đã xong, thầy trụ trì đang thuyết pháp về lẽ vô thường của cuộc đời!” Mỹ Uyên lấy cớ muốn ở lại để cúng thêm cho bà và để tiếp xúc với vị trụ trì mới của chùa. Vừa gặp Thầy đã nhận ra ngay và chắp tay chào A Di Đà Phật. Nàng cũng lật đật chào lại, rồi cúi mặt cứ vân vê tách trà. Đột nhiên Thầy cũng đâm ra lúng túng và không biết bắt đầu từ đâu. “Cả hai cứ thế ngồi im lặng đối diện nhau, có những sự im lặng mà sức mạnh của nó gấp vạn lần lời nói”. (trang 257)… Và rồi “tiếng sét ái tình” không phải chỉ riêng Mỹ Uyên mà luôn cả thầy trụ trì!.
“…Sư phụ đã qua đời, chùa chỉ có mình thầy và hai chú tiểu nhỏ. Ngày xưa ngài A Nan bị nạn mỹ nhân A
Đăng Già đã có Sư phụ Ngài là Đức Phật Thích Ca giải cứu, còn bây giờ ai cứu được Thầy đây?”
Thế nhưng với sự mầu nhiệm nào đã giải thoát cho cả hai, đọc tiếp đoạn kết hai trang giấy thì sẽ hiểu !
6)- PHƯƠNG QUỲNH: Tên thật Nguyễn Thị Hiền. Pháp danh Diệu Thiện. Cựu học sinh Phan Bội Châu Phan Thiết. Nghề nghiệp Giáo viên. Định cư tại Hamburg Đức Quốc năm 1985. Giải thưởng hạng Nhì thi “Viết Về Âu Châu” năm 2002. Thành viên Ban Từ Thiện Xã Hội của GHPGVNTNÂC. Thành viên Hội I´m For Word PeaceFoudation/ Mỹ.
Truyện chọn đọc: Má Hai… Loan và Quỳnh là hai người bạn thân từ thời còn đi học, bây giờ hai người đinh cư hai nơi, một người ở Mỹ và một người ở Đức. Sau thời gian dài xa cách Loan điện thoại cho Quỳnh thăm hỏi và kể lại tình cảnh đã trải qua hồi còn trong nước. Loan kể lại rằng, nàng mồ côi mẹ từ nhỏ gia đình tuy nghèo nhưng cũng được học hành đàng hoàng. Gặp Loan, Thuận đem lòng yêu thương và mẹ chàng cũng ủng hộ, tự bà tìm hiểu về gia thế của Loan. Cuộc hôn nhân được hình thành trong tình thương và sự tin cậy của ba mẹ chồng. Tưởng là yên phận làm dâu, vì Loan đã cố gắng hết mình để thể hiện một người dâu hiền. Thế nhưng chưa đầy một năm thì xẩy ra sóng gió. “ông Chú, mụ O” bên nhà chồng sợ vợ chồng Loan sẽ chiếm hết gia sản (vì gia đình chồng của Loan rất giàu có). Thế là họ phao tin rằng Loan là người vợ bất chính (không biết thai nhi trong bụng của Loan có phải là của Thuận chồng cô hay không?). Tiếng đồn đến tai mẹ chồng nhiều lần nên bà tin theo. Và bi kịch xẩy ra trong khi Thuận quá nhu nhược, không đủ sức để bênh vực cho vợ mặc dầu biết vợ mình đoan chính. Và giải pháp cuối cùng hai bợ chồng bỏ nhà ra đi. Vào Sài gòn chân ướt chân ráo cũng gặp nhiều gian nan, nhưng may mắn gặp được bà Hai gốc người Huế. Bà Hai cho hai vợ chồng của Loan ở tạm một thời gian để kiếm nhà. Thời gian ở chung, Loan đã đem hết tất cả năng lực và tình cảm để săn sóc bà Hai. Lâu ngày ân nghĩa tương tác lẫn nhau, tạo nên một thứ tình cảm thiêng liêng còn hơn ruột thịt. Nên bà Hai đã nhận hai vợ chồng cô Loan làm con nuôi. Thế rồi sự chuyển mình của thời cuộc đưa đến một khúc quanh khắc nghiệt sau ngày 30. 4.1975 ! Đàn chim Việt tan tác lìa bầy đi tìm bầu trời tự do. Má Hai trở về Huế chung sống với người con trưởng, và gia đình Loan thì tìm đường vượt biên. Trải qua những biến cố dồn dập, bây giờ thực sự đã ổn định và cuộc sống an toàn. Hai vợ chồng Loan quyết định trở về tìm Má Hai để đền ơn đáp nghĩa…, và tâm nguyện của hai vợ chồng Loan có thành tựu hay không sẽ được trả lời trong đoạn kết…! Chị viết truyện tươi nhuận, nhu hòa không mấy tình tiết éo le, nhưng cũng có nhiều đoạn vô cùng cảm động. Nhờ vào sự tương tác của tình nghĩa tha nhân, cũng như duyên lành đón nhận. Đã xây dựng được một niềm tin là: “Nhất nhơn tác phước thiên nhơn hưởng, vạn thọ khai hoa vạn thọ hương” (của những tấm lòng hay làm việc từ thiện). và “Ở hiền thì gặp lành” là những yếu tố có thể gọi là “Văn dĩ tải đạo” để xây dựng cốt truyện vậy.
7)- SONG THƯ TTH: Tên thật Lê Trần Hưng. Pháp danh Diệu Hiền. Định cư tại Thụy Sĩ năm 1980. Sở thích đọc sách, đi dạo, xem phim tập, trồng hoa và Schopping. Sợ con Ma. Ý niệm về cuộc sống: Lấy chữ Đức làm đầu. Niềm tin tuyệt đối về thuyết nhân quả nhà Phật.
Truyện chọn đọc: Món quà mừng thọ Bố.
Chị là cây bút mới nhập cuộc báo Viên Giác gần đây. Nhưng có lẽ chị đã viết lách từ lâu, nên văn chương của chị cũng mượt mà về cú pháp, dồi dào ý tưởng. Lối kể chuyện của chị cũng lôi cuốn dễ đi vào lòng người. Với tình cảm sâu lắng thiết tha, đã ghi lại nhiều khi chỉ đôi nét rất mong manh, nhưng đọng lắng thật lâu: “Phong hồi âm thư tôi và nhắn nhủ tôi nên thay anh thường xuyên đến chăm nom thăm hỏi gia đình anh. Tôi rất hạnh phúc vì nghĩ anh xem tôi như một thành viên trong gia đình của anh. (Huyền thoại một chuyện tình. Trang 330). Truyện của chị là tâm sự của người ly hương, đang nghĩ về quê nhà bằng tấm lòng hoài niệm, xoay quanh những liên hệ tình cảm đối với gia đình, cha mẹ, người thân, bằng hữu và tình cảm đôi lứa… một cách rạch ròi và phân minh. Tình cảm đằm thắm, nhưng đôi khi cũng giây phút xôn xao như lời con trẻ thật dễ thương: “Khi cùng bố tiển mẹ về Việt Nam tại phi trường Zürich, con gái Thảo gởi lời: “Mẹ nhớ chúc ông ngoại dùm con: Chúc ông ngoại đạt kỷ lục người sống lâu nhất thế giới”. Rồi cẩn thận dặn dò thêm: “Mẹ nhớ đừng lẫn thẩn quen miệng với câu: Chúc ông sống lâu trăm tuổi, vì ông ngoại năm nay đúng 100 tuổi rồi!” Thảo cười. Ôm hôn con gái và chống trong niềm quyến luyến rồi vào khu vực lên máy bay. (trang 317).
“Lời con trẻ” ấy là một tiếng lòng của năm xưa vọng lại, khiến bà Thảo phải ngạc nhiên đến sửng sốt. Bà nhớ lại rất rõ về công cha nghĩa mẹ, về ước mơ được đền đáp: “Trăm năm phúc thọ từ ân. Lấy câu báo đáp hiếu dâng nghìn trùng”.
Nên khi về đến bà đã tổ chức một “lễ sinh nhật” cho bố mình với một “món quà hết sức đặc biệt”. Ai cũng nghĩ rằng, chắc chắn buổi lễ sinh nhật nầy sẽ tổ chức thịnh soạn với cao lương mỹ vị, với quà cáp chất chồng. Thế nhưng bà chỉ làm một bửa cơm đạm bạc, và một “món quà”... Buổi lễ đã làm cho bố vô cùng cảm động, hình như là nhờ vào món quà, vì nó đã khiến cho bố có cảm tưởng đã sống lại ”một thời” huy hoàng của bố, tương quan với hạnh phúc một thời rất ngọt ngào của tuổi thơ chị… ! Muốn biết món quà ấy là gì xin đọc thêm vài trang nữa sẽ biết !
8)- HUỲNH NGỌC NGA: Tên thật làm bút hiệu. Sinh năm 1949. Lập gia đình và có hai con. Bắt đầu viết văn năm 2001. Hợp tác báo Viên Giác từ năm 2006. Tư duy sống: Học hỏi để hướng thiện.
Truyện chọn đọc: Hoàng Mai.
Khép lại tập truyện: “Những Cây Bút Nữ 2” sau khi đọc xong truyện “Hoàng Mai” lòng tôi thấy bâng khuâng lạ. Cái cảm giác như vừa bước ra khỏi giấc mơ lẫn lộn giữa tiên cảnh và đời thường. Một giấc mơ được hòa quyện giữa quá khứ và hiện tại, giữa thực hư không rõ nét. Sự trộn lẫn nhiều ý tưởng khác nhau. Có một chút “Tiếng Suối Sau Leng” của Nguyễn Ngọc Mẫn; có một chút “Hồn Bướm Mơ Tiên” của Khái Hưng, và có một chút “Liêu Trai Chí Dị” của Bồ Tùng Linh đã tan loãng, hòa cùng một dòng chảy mà trong đó hiện thân của hai mặt cuộc đời như hai hiện tượng trước sau hiện hữu: Thực và hư, thiện và ác, hạnh phúc và khổ đau… cũng như những mâu thuẩn của cuộc đời được phân tích bằng “lý trí và tình cảm” nên “những điều nghịch lý” vẫn mãi tồn tại như một thực thể trùng trùng duyên khởi của ý thức tạo tác .
Truyện kể: Lê Trí vừa tốt nghiệp Bác sĩ Y khoa, thì lệnh Tổng động viên đã khoác lên mình bộ Quân phục… Trong trại cải tạo… “Bàn tay tài hoa của chàng ngày xưa dao, kéo, kim, chỉ cứu đời, cứu người qua các ca mổ xẻ, giờ phải cầm cuốc, xuổng đào xới đât cứng, đá thô để biết thế nào là cách biệt giữa kẻ thắng, người bại sau ngày tàn cuộc chiến”. (trích trang 375)…“Cùng trại cải tạo với chàng có một sĩ quan Tuyên uý Phật giáo tên Nghiệp, ông đã để tóc dài lại theo năm tháng lao lung…”. Nhưng ông không một lời than thở như những người cùng cảnh ngộ, trái lại ông lúc nào cũng điềm đạm, thư thả trong mọi trạng huống chung của bạn tù. Mỗi tối trước khi đi ngủ, ông ngồi thiền trong bóng đêm…, và ông đã kể lại cho Lê Trí nghe kinh nghiệm và kết quả của việc tu tập…
Sau khi mãn tù, Lê Trí đi tìm cố nhân về tá túc trong chùa và thí phát xuất gia với Pháp danh là Duy Trí. Được đưa lên trụ trì một ngôi chùa trên Bảo Lộc.
Lê Trần là em của Lê Trí vượt biên sang định cư ở Ý, với hoàn cảnh vợ chồng sắp ly thân, trước cơn khủng hoảng ấy, Lê Trần bèn trở về thăm chùa và muốn ở lại một thời gian để tỉnh tâm. Nơi đây Trần bắt đầu viết truyện “Hoàng Mai”… mới viết nửa chừng thì cơn buồn ngủ kéo đến và giấc mơ đã dẫn dắt chàng vào câu chuyện gần như thần thoại nầy. Hoàng Mai là hiện thân của một con vượn tu lâu năm, bây giờ hóa thành người. Xuất thân từ người miền núi, nhưng mồ côi cha mẹ nên được một gia đình người Việt định cư nơi đây lâu năm đem về nuôi nấng và giáo dưỡng. Nàng thường hay hái quả rừng lên dâng cúng Phật nơi một am nhỏ mà Lê Trần được sư Duy Trí cho tá túc… Và diễn tiến cuộc hạnh ngộ và mối tình hết sức kỳ bí giữa Hoàng Mai và Lê Trần như thế nào ? Chắc chắn cần phải đọc hết truyện, mới biết được…
Tóm lại, tuyển tập “Những Cây Bút Nữ 2” là bản hợp tấu của những cây bút nữ lưu vong, đã đóng góp cho Báo Viên Giác trên dưới mười năm nay. Số nầy có tăng cường thêm hai cây bút mới, đó là chị Phương Quỳnh và chị Song Thư TTH. Qua sự hình thành rất công phu, với nguồn cảm hứng cả Đạo lẫn Đời nên rất phong phú về cốt truyện, rất trang nhã về in ấn…
Nhìn chung thì như cụ Nguyễn Du diễn tả nàng Kiều:
“Mỗi người mỗi vẻ, mười phân vẹn mười”
Trân trọng giới thiệu một tác phẩm văn học xứng đáng để vào trong tủ sách gia đình và lưu lại mai sau.
Muốn có sách xin liên lạc về:
Chùa Viên Giác - Karlsruher Strasse 6
30519 Hannover – Germany- Tel : +49 511 87 9630
Email: baoviengiac@viengiac.de