Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Về những bậc Thầy của Phật giáo Việt Nam hiện đại

29/03/201313:51(Xem: 3951)
Về những bậc Thầy của Phật giáo Việt Nam hiện đại

ngoi thien-3


VỀ NHỮNG BẬC THẦY
CỦA PHẬT GIÁO VIỆT NAM HIỆN ĐẠI

Thích Phước An


Có những cái chết mà dù đã cách xa thời đại chúng ta đến những 6 thế kỷ rồi, vậy mà cứ mỗi lần nhắc đến là trong mỗi người chúng ta dường như vẫn còn đau đớn xót xa, và ta có cảm giác rằng, nỗi đau đớn đó vẫn còn đọng lại cả trên những dòng sông, rặng núi, và cả trên những nẻo đường heo hút của quê hương đất nước nữa. Tôi muốn nói đến cái chết của bậc đại anh hùng Nguyễn Trãi chẳng hạn, cái chết mà Đào Duy Anh đã viết là:

"Và cái ngày đau xót không những cho Nguyễn Trãi mà còn cho cả dân tộc nữa, là ngày 16 tháng 08 năm 1442. Nguyễn Trãi đã rụng đầu dưới lưỡi dao oan nghiệt của cái triều đình hèn hạ và ngu muội mà chính ông đã chiến đấu gian khổ để dựng lên".

(Nguyễn Trãi toàn tập, trang 22, NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội 1976)

Cũng vậy, có những cuộc ra đi mà kẻ ra đi phải gánh lên đôi vai gầy yếu của mình tất cả sự thống khổ và phân ly của đạo pháp và dân tộc. Đó là chuyến ra đi của Hòa Thượng Huyền Quang và Quảng Độ vào năm 1982. Tôi có phóng đại qúa không? Mười năm sau chuyến ra đi lịch sử đó (1982-1992), đọc những dòng sau đây của Hòa Thượng Quảng Độ, tôi mới thấy rằng những tưởng tượng của tôi không hề sai sự thật:

"… Nhìn xuống bãi biển, thấy những đợt sóng trắng xóa cuồn cuộn vỗ vào bờ ầm ầm, tôi có cảm tưởng như những tiếng gào thét của những oan hồn người vượt biển chết đuối từ lòng đại dương vọng về; Phía trên đèo thì những đám mây dày đặc bao phủ mịt mù, thật là tiêu điều ảm đạm. Tôi bèn ghi lại cảnh-tượng ấy bằng mấy câu thơ:

" Đạo pháp tiêu điều lòng thổn thức

Giang sơn ảm đạm dạ bồn chồn

Vân Hải chiều nay sầu Tô Tử

Đường dài mang nặng nỗi hàn ôn".

Và đây là cảnh phải chia biệt với người thân ngay trên quê hương đất nước của chính mình:

"Đêm 26.2.1982, chúng tôi ngủ ngay tại ty Công An Quy-Nhơn. Sáng dậy, như ngày hôm trước ở Nha Trang, có khác là khi tôi lên xe đi thì thấy TT. Huyền Quang còn ngồi lại ở văn phòng ty Công An, chỉ có một mình tôi đi thôi. Tôi nghĩ bụng, chắc họ sẽ để Thượng Tọa lại, vì đây là tỉnh quê nhà của Thượng Tọa. Còn tôi chắc là họ sẽ đưa ra Thái Bình là tỉnh quê nhà của tôi. Một cảm giác cô đơn và xót xa len lén trong lòng tôi, vì từ nay, chúng tôi phải cách xa nhau, kẻ Bắc người Nam, cũng như hàng triệu gia đình Việt Nam đã phải lìa tan sau năm 1954 và 1975. Không biết bao giờ mới lại được gặp nhau. Thật vậy, cho đến nay đã đúng 10 năm (1982 -1992) chúng tôi vẫn chưa được gặp nhau. Ôi! Tử biệt sanh ly!"

Năm 1991, gần đúng 10 năm sau chuyến ra đi của hai bậc Thầy đó, tôi cũng có viết một bài về Thiền Sư Huyền Quang, vị tổ thứ ba của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đời Trần, người đã phải miễn cưỡng nhận lấy trách nhiệm lãnh đạo Giáo Hội Trúc Lâm Yên Tử đã bắt đầu đến hồi suy yếu, sau gần � thế kỷ cực thịnh (Bài này đã được đăng trong Tạp Chí Văn Học của Viện Văn Học (Hà Nội), số 4 năm 1992, với nhan đề là "Thiền Sư Huyền quang và con đường trầm lặng của mùa thu", sau đó được tờ "Etudes Vienamiennes" dịch ra tiếng Anh và Pháp số 2 năm 1993) Dù là viết về một Thiền Sư cách đây đã hơn 7 thế kỷ, nhưng tôi cũng nhân cơ hội này để nói lên một chút tâm sự đau đớn của-tôi đối với Phật Giáo Việt Nam hiện đại. Nhưng quan trọng hơn cả vẫn là, bài viết cũng hàm ý nói lên niềm hảnh diện của tôi đối với hai bậc Thầy đang dánh chịu khổ nạn cho Phật Giáo Việt Nam và tôi muốn nhấn mạnh rằng, thông điệp thực sự mà Phật giáo cần mang đến không phải là tại những nơi giàu sang hay quyền thế, mà phải là những nơi khác - Ví dụ đoạn sau đây:

"Huyền Quang dù bấy giờ đã là người đứng đầu Giáo Hội Trúc Lâm Yên Tử vẫn không đến ở và làm việc tại chùa Quỳnh Lâm và Báo Ân, như Pháp Loa trước đó đã làm. Trái lại, Huyền Quang về ẩn cư luôn ở núi Thanh Mai và Côn Sơn cho đến khi mất, bởi lẽ đọc lại các sử liệu ta thấy rằng, Quỳnh Lâm và Báo Ân là những chùa qúa giàu có, vì được sự hổ trợ tích cực của Vương triều Trần". Và tôi đã đặt câu hỏi: "Có phải Huyền Quang muốn điều chỉnh lại một giai đoạn lịch sử đã qua? Và đồng thời - muốn vạch một hướng đi khác cho Phật giáo Đại Việt chăng? Vì với những người đang theo đuổi giấc mộng giải thoát, thì núi rừng và những con đường mịt mù đầy các bụi xa xôi kia mới là chỗ tới lui đích thực của đời mình".

Tôi không ngờ những câu như: "Phải chăng Huyền Quang muốn điều chỉnh lại một giai đoạn lịch sử đã qua, và đồng thời muốn vạch hướng đi khác cho Phật giáo Đại Việt chăng?" thì năm 1992, năm mà nói theo Phạm Công Thiện thì: "Hậu thân của ngài Huyền Quang đả oanh liệt chong đèn Bát Nhã để mở ra hướng đi định phận của Quê Hương". Cũng trong bài ấy, bài "Hòa Thượng Huyền Quang và ý thức dẫn đạo dân tộc", Phạm Công Thiện viết một cách cảm động như thế này:

"Đứng trơ trụi, cô độc, già nua tuổi tác, hơn 73 tuổi, Ngài đã đương đầu trước cái chết, không một mảy may sợ hãi, như như bất động, nói lên lời cáo trạng oanh liệt nhất; hành động phi thường chưa từng thấy ấy, phải chăng là tiên triệu bất ngờ cho cuộc hồi sinh dân tộc…"

Như vậy, rõ ràng là sức mạnh tâm linh mà tự bao đời Phật giáo có được đều không xuất phát từ những nơi có chùa to phật - lớn, nơi kẻ quyền thế và giàu sang ra vào tấp nập, nói đang say sưa sa vào con đường lợi dưỡng - mà sức mạnh tâm linh đó phải phát xuất từ những nơi đầy các bụi của trần gian, nghĩa là những nơi mà Phật giáo có thể dễ dàng lắng nghe được tiếng thở dài của vạn sinh linh thống khổ.

Tôi vốn sanh trưởng ở Bình Định, nơi mà vào năm 1665, Thiền sư Nguyên Thiều của Trung Quốc đã đến và lập ra chùa Thập Tháp Di Đà. Và từ đấy, Bình Định đã trở thành trung tâm Phật giáo quang trọng nhất của Phật giáo đàng trong thời bấy giờ. Quan trọng hơn nữa là vào năm 1753, Nguyễn Huệ đã chào đời tại một ngôi nhà tranh nghèo khổ bên dòng sông Côn (quận Tây Sơn). Nhưng chính ngôi nhà tranh nghèo khổ này đã cống hiến được cho đất nước một thiên tài xuất chúng. Năm 1786, sau khi đánh đuổi chúa Nguyễn ở đàng trong, Nguyễn Huệ ra chiếm Thuận Hóa rồi vượt qua sông Gianh tiến thẳng ra Thăng Long lật đổ chúa Trịnh chấm dứt 200 năm đất nước bị qua phân. Mùa xuân năm Kỷ Dậu (1789) Nguyễn Huệ lại còn đánh tan 29 vạn quân Thanh do Lê Chiêu Thống rước về cùng với sự hỗ trợ của Nguyễn Ánh trong Nam, chỉ trong năm ngày. Dù trăm trận trăm thắng trên chiến trường như vậy,nhưng đối với các nhà trí thức của dân tộc Nguyễn Huệ hết sức khiêm cung và nhất là thành thực. Trong một lá thư gửi cho La Sơn Phu Tử, một nhà trí thức nổi tiếng nhất của Bắc Hà thời bấy giờ – Nguyễn Huệ viết: "Anh em qủa Đức, nguyên chỉ tró trụi là một tụi ấp trưởng, nổi lên ở Tây Sơn. May mà đánh được tụi yếu và dứt được kẻ hèn, gây được nghiệp bá". Và trong một đoạn khác, cũng gửi cho La Sơn Phu Tử: "Vả chăng, qủa Đức sanh ở chỗ hẻo lánh, học ở sự nghe trông. Gặp thời thế này, bất đắc dĩ phải khởi binh".

Chính vì vậy mà, ngoài việc được ca tụng là bậc anh hùng võ công đệ nhất, Nguyễn Huệ lại còn được các nhà sử học coi như là người biết tôn trọng những bậc tài hoa của đất nước, có thể nói là số một trong lịch sử của dân tộc ta.

Vậy là, Bình Định cũng đã trở thành trung tâm chính trị của đất nước vào hậu bán thế kỷ 18 nữa.

Hòa Thượng Huyền Quang cũng sanh ở Bình Định. Ngài rất ý thức về mảnh đất mà Ngài đã chào đời, như bốn câu mà Ngài đã tự phát họa chân dung của chính Ngài:

" Nguyên Thiều Pháp Duệ

Nguyễn Huệ nhân dân

Tình đồng chơn cát ái từ thân

Sức chánh tín bạt trần đầu giáo".

Tôi nghĩ, dường như hầu hết những người sinh ra từ những nơi làm ruộng, quanh năm suốt tháng họ chỉ lo cày sâu cuốc bẩm, nên gần như không hề biết khoa trương hay dùng những lời hoa mỹ để nói về chính mình. Nếu có nói về bản thân, thì cũng chỉ nói lên những hèn yếu và nhược điểm về chính mình mà thôi - Hòa Thượng Huyền Quang có hai câu thơ về mình như thế này:

" Lên rừng hổ thẹn thua chim núi

Xuống nước than thân hổ cá sông".

Có lẽ, không phải tài hoa hay uyên bác, mà chính nhờ đức tình biết hổ thẹn và thành thực với chính mình này, mà Hòa Thượng Huyền Quang đã đưa Phật giáo Việt Nam vượt qua được khúc quanh hiểm nghèo nhất, để Phật giáo Việt Nam có đủ niềm tự hào mà cùng với dân tộc và nhân loại bước vào thế kỷ 21 chăng?

Vào một ngày cuối năm, tôi đến hầu thăm Ngài trong một ngôi chùa nhỏ tại một thị trấn hẻo lánh thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Tôi có cảm tưởng bao nhiêu biến cố thăng trầm của Phật giáo Việt Nam từ hơn nửa thế kỷ nay, dường như vẫn còn in hằn trên nét mặt già nua vì tuổi tác cùng mái tóc bạc trắng của Ngài. Dù có già nua tuổi tác, nhưng tấm lòng đối với Phật giáo Việt Nam, đối với quê hương đất nước vẫn nồng nàn như ngày nào:

"Chim đứng nhìn xem trời đất chuyển

Chờ ngày vỗ cánh khắp trường không".

Trên đường trở về, tôi cứ đọc mãi hai câu thơ ấy của Ngài với tất cả nỗi xúc động và hãnh diện vì có những bậc Thầy đang lặng lẽ hy sinh quên mình vì tương lai của đạo pháp và dân tộc.

Nha Trang, tháng 12 năm 1997.

---o0o---


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
04/10/2011(Xem: 3735)
Vài năm qua trên báo chí và sách vở xuất hiện một số thảo luận về câu niệm (Nam Mô) A Di Đà Phật hay (Nam Mô) A Mi Đà Phật. Có lẽ khởi đầu từ cuốn "Hương Sen Vạn Đức" của HT Thích Trí Tịnh1(2006), và "Ý Nghĩa Hoằng Pháp và Hộ Pháp" của tác giả Diệu Âm - Diệu Ngộ được ghi nhận trong bài viết trên mạng Thư Viện Hoa Sen (21/6/2011). Phần này chú trọng đến sự khác biệt ngữ âm giữa Di (trong A Di Đà Phật) và Mi (trong A Mi Đà Phật) và không đi vào chi tiết các giáo pháp liên hệ cũng như phạm vi tâm linh tín ngưỡng dân gian. Thanh điệu ghi bằng số ngay sau một âm như số 3 trong min3 hay mǐn (giọng Bắc-Kinh hay BK ghi theo hệ thống pīnyīn thông dụng hiện nay), không nên lầm với số ghi phụ chú (superscript) như min3; dấu hoa thị * (hình sao/asterisk) đặt trước một âm tiết để chỉ dạng cổ phục nguyên (reconstructed sound). Hi vọng bài này cho thấy phần nào khuynh hướng ngạc hóa nói riêng, văn hóa ngôn ngữ Phật giáo nói chung đã đóng góp không nhỏ trong quá trình hình thành tiếng Việt hiện đại.
19/09/2011(Xem: 8824)
Những ai đã đạt được lòng từ bình đẳng tuyệt đối như vậy thì chẳng những đã đạt được an vui cho chính bản thân mình mà tình thương ấy còn lan toả đến tất cả, kể cả những kẻ khuất mặt đang sống trong tối tăm mà lòng lúc nào cũng sục sôi căm thù nữa.
28/08/2011(Xem: 3138)
Tình mẹ và con, một tình yêu thiêng liêng trong nhân loại. Tình yêu ấy gắn bó thiết tha như sóng và nước. Nước là mẹ và sóng là con. Sóng ôm lấy nước...
11/08/2011(Xem: 3357)
Em ơi, anh đã từng đọc những vần thơ đầy sự day dứt của nhà thơ Trụ Vũ khi ông mong muốn diễn đạt một tình yêu dành cho mẹ nhưng đành phải bất lực trước sự giới hạn của ngôn từ và hình ảnh:
29/06/2011(Xem: 8583)
Sách do nhà xuất bản Nguồn Sống ấn hành
02/06/2011(Xem: 3869)
Dù biết rằng rồi một ngày Thầy cũng phải ra đi nhưng con vẫn bàng hoàng xúc động khi nhận được hung tin ! Viết về Thầy, không biết con có diễn tả đầy đủ hết mọi ý nghĩ của mình bởi vì con cũng đã có nhiều kỷ niệm dễ thương về Thầy mà mỗi lần nhớ lại, lòng không khỏi dâng lên niềm xót xa !
30/05/2011(Xem: 11405)
Chùa tôi nho nhỏ bên làng Bên dòng sông quyện bên hàng thông xanh Có tre mấy lũy yên lành Có chim ca hót trên cành líu lo
25/05/2011(Xem: 3084)
Một lần nữa phải cám ơn Hòa Thượng Phương Trượng chùa Viên Giác và anh Chủ bút Phù Vân đã cho chúng tôi có được cơ hội gặp nhau - cùng có chung một đứa con tinh thần - từ đó sợi dây thân ái càng ngày càng ràng buộc và lòng thương yêu nhau càng gắn bó nhiều với thời gian ! Chúng tôi - những cây bút nữ - mỗi đứa ở một phương trời đã quy tụ về dưới mái chùa Viên Giác vào một ngày tháng 8 năm trước, để rồi khi chia tay vẫn còn lưu lại trong lòng nhau những luyến lưu bịn rịn.
24/05/2011(Xem: 8363)
Lá Diêu Bông không hiện hữu trên trái đất này thì làm sao ai mà tìm thấy được và như thế thì chẳng khác nào người đẹp gieo cầu trong gió lớn, làm lỡ duyên người con gái thơ ngây! Tôi viết vài dòng về Lá Diêu Bông vì thấy lyric và nhạc của Trần Tiến mang tính mẫn cảm thật đẹp về tình yêu hơn lyrics và nhạc của Phạm Duy về cùng một bài thơ, Lá Diêu Bông của Hoàng Cầm
23/05/2011(Xem: 3754)
Khi Phạm Thiên Sahampati biết được đức Phật đang phân vân lưỡng lự không muốn thuyết giảng giáo pháp mà Ngài vừa chứng ngộ dưới gốc cây Bồ Đề cho thế gian đau khổ này với lý do: “Con người còn vấn vương trong tham ái và sân hận, không dễ gì lãnh hội được giáo pháp mà Như Lai đã chứng ngộ. Người tham ái chìm đắm trong đêm tối, bị đám mây mù tham ái bao phủ, sẽ không thấy được giáo pháp, bởi giáo pháp đi ngượi lại tham ái, giáo pháp sâu kín, thâm diệu, khó nhận thức và tế nhị”[1].
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]