Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Những ngày lang thang

28/10/201004:30(Xem: 3255)
Những ngày lang thang




saigon_map
NHỮNG NGÀY LANG THANG



● Nguyên Hạnh HTD

Viết để nhớ ngày 30 tháng 4 đen.

 

 

D

ù bây giờ đã qua hết những ngày tất tả ngược xuôi lo chạy gạo bữa đói bữa no, lăn lóc chợ trời nhục nhã ê chề tấm thân; những ngày dầm mưa dãi nắng lặn lội đi thăm nuôi nhưng những kỷ niệm buồn sâu thẳm vẫn còn đậm nét trong lòng tôi mãi mãi mỗi độ tháng tư về.

Sau khi hai đứa con ra đi được hai ngày, tôi được tin chuyến tàu bị bể. Tôi vừa bàng hoàng vừa cầu xin đó không phải là sự thật, nếu quả đúng như vậy liệu tôi có còn đủ sức chịu đựng hay không vì chồng tôi đang còn ở trong trại cải tạo. Nóng ruột quá, tôi bèn rủ một em học trò cũ lên nhà bà chủ tàu để dò hỏi tin tức. Khi đi thì hăng hái như vậy nhưng gần đến ngõ rẽ đi vào nhà, tôi không còn can đảm tiếp tục bước nữa. Tôi ngồi lại một mình dưới gốc cây vừa niệm Phật vừa cầu xin, mắt không rời theo dõi vào con ngõ sâu hun hút đó. Càng chờ ruột gan càng nóng như lửa đốt, không chịu nổi nữa tôi đi liều vào. Vừa đến nơi hai chân tôi đã muốn khuỵu xuống, một bầu không khí im lặng nặng nề, hai người ngồi như 2 pho tượng; sau đó em học trò mới xin lỗi là đã để tôi chờ lâu quá vì em không đủ can đảm ra báo hung tin.  Chuyến tàu đã bị công an rượt đuổi khi ra đến cửa biển và đã bị bắt! Cổ họng tôi khô đắng, mắt mở trừng trừng, hai thầy trò thất thểu ra về, không ai nói với ai lấy một lời.

Tôi tưởng mình không còn nước mắt để khóc, vậy mà trên đường về tôi đã khóc như mưa như gió; cả hai đều khóc vì người cháu của em học trò cũng cùng đi với con tôi trong chuyến này. Đôm hôm đó, ôm chiếc gối vào lòng tôi đã ngồi dựa vào tường suốt đêm, chưa bao giờ tôi cảm thấy bơ vơ đến tận cùng như vậy; nhà chỉ còn 3 mẹ con mà cháu út lại còn quá nhỏ. Qua cơn đau, dần dần tôi lấy lại can đảm cho chính mình phải cắn răng mà chịu để vượt qua mọi khó khăn trước mắt, bây giờ chỉ còn tôi là cột trụ chính của gia đình, tôi mà gục ngã thì ai sẽ dang tay cứu vớt chúng tôi đây?

Thế là 4 giờ sáng hôm sau, tôi cương quyết tìm đường đi thăm con vì hôm ấy là sinh nhật thứ 12 của đứa con gái. Vội vả làm một ít thức ăn để lại nhà cho con, tội nhất là đứa út mới 4 tuổi, mỗi lần đi thăm nuôi phải gởi nhờ nhà hàng xóm, còn quà của con gái tôi là một giỏ bánh kẹo. Đi suốt một ngày trời không ăn uống, không nghỉ ngơi, đến gần chiều vẫn chưa tìm ra chỗ giam. Dọc đường cứ dò hỏi những người lơ xe đò, họ chỉ đâu tôi đi đó, cuối cùng mới tìm ra được trại giam ở giữa chốn đồng không mông quạnh, bốn bề lồng lộng gió. Nôn nóng đi tìm thăm con cho được nhưng khi đến nơi rồi mới bắt đầu run, thế nào họ cũng sẽ đặt câu hỏi vì sao tôi biết nơi này mà đến? Sau khi tìm cách đối phó, năn nỉ mãi ông trưởng trại mới chịu cho tôi được gặp con vì chưa đến ngày thăm nuôi.

Tôi hồi hộp chờ đợi, nhìn qua khung cửa sổ sau lưng ông ta, trên con đường đất đằng xa tít dưới nắng chiều thoi thóp, hai anh em lê từng bước một. Trời ơi! đứa con gái xác xơ hốc hác, 2 mắt bị nhậm đỏ, con trai tôi thì tiều tụy thảm thương, tôi phải cắn chặt răng lại để nước mắt khỏi trào ra. Tôi chỉ trao vội vàng giỏ bánh kẹo, một ít thuốc men còn tiền thì họ giữ lại. Thất thểu ra về, lòng tôi tan nát, khao khát muốn ôm các con vào lòng dù chỉ trong phút chốc mà đành chịu! Mới mấy hôm mà các con tôi sa sút mau quá, con đường trước mặt tôi còn lắm chông gai, nặng nề vô kể, liệu đôi chân tôi có đứng vững được hay không?

Sau một tháng bị giam giữ, con gái tôi được thả về trước. Mới một tháng không thấy ánh đèn thị thành vậy mà khi về đến xa cảng thấy cả một thành phố rực sáng, con tôi đã òa ra khóc nức nở! Thôi thì dù sao đi nữa tôi cũng nhẹ bớt được gánh nặng đè lên đôi vai, ngày đi buôn chợ trời, tối về phải kèm cho con học để theo kịp bài vở ở trường.

Một thời gian sau, họ đưa con trai tôi về giam ở gần Sa Đéc, tôi rất mừng vì đường đi thăm nuôi sẽ đỡ vất vả hơn. Mỗi lần đi thăm quá sức cực khổ, chen chúc giành giựt mà cũng chỉ mua được giá vé chợ đen dù rằng đã đi lúc 3 giờ sáng; nhiều lúc chỉ bám vào hông xe mà đứng, hai vai mang đầy 2 giỏ thức ăn nặng trĩu, sinh mạng rẻ như bèo! Lần này đi thăm nuôi, cứ yên chí đi và về chỉ trong một ngày nên tôi đã không dự trữ thức ăn cho các con ở nhà. Không ngờ khi đến nơi chỉ đọc được một tờ thông báo là đã đưa tù nhân về một trại giam khác ở vùng Đồng Tháp Mười sau khi đã kêu án 3 năm tù. Tôi dọ hỏi dân chúng ở gần đó, họ cho hay cứ hai người còng chung tay lại và đã đưa đi hồi 2 giờ sáng. Tôi nhất quyết đi tìm vì nếu phải đợi đến nửa tháng sau mới được đi thăm nuôi lại, con tôi sẽ lấy gì mà ăn? Vậy là tiếp tục cuộc hành trình, lần mò qua đò qua sông, họ chỉ cho tôi hãy tìm cách về đến Cao Lãnh rồi sau đó sẽ có „tắc ráng“ là phương tiện di chuyển duy nhất để vào trong trại giam. Lặn lội ngược xuôi khi đến nơi thì đã hết đò vì mỗi ngày chỉ có một chuyến thôi. Cho đến bây giờ, mỗi lần nghe tiếng lá cây rạt rào trong gió là tôi lại nhớ đến bến đò hiu hắt năm xưa với hình ảnh một ông già mù ngồi kéo cây đàn cò não nuột dưới gốc cây bàng xơ xác lá!

Dân hàng quán ở hai bên cũng xúc động cho hoàn cảnh của tôi nên đã chỉ dẫn cho tôi đến trình diện phường Công an gần đó rồi nhờ họ giới thiệu phòng trọ cho mà ngủ qua đêm chứ không được ở khách sạn hạng sang vì loại này chỉ dành cho cán bộ cao cấp mà thôi. Gọi là phòng trọ, nhưng trời ơi! Khi đến nơi mới thấy khiếp đảm, xây xẩm cả mặt mày! Họ chỉ cho tôi một căn phòng ở tầng trệt nhỏ xíu, dơ dáy không thể tưởng được, mùng thì cũ rích với một cái giường tre ọp ẹp. Tôi không dám đặt lưng xuống, chỉ lấy cái áo mưa lót mà ngồi; đến khi buông mùng xuống tôi muốn chết khiếp luôn, rệp bu đen cả cái mùng! Thế là tôi đành ngồi bó gối suốt đêm, không dám nhúc nhích vì sợ đụng cái mùng là rệp bu tới, trong khi đó chuột chạy rần rần, chúng cứ muốn chui vào lục lọi các giỏ thức ăn. Thật chưa bao giờ tôi mong cho trời mau sáng từng giây từng phút như cái đêm hãi hùng đó.

„Tắc ráng“ chỉ là một chiếc đò rất hẹp, lót ngang bằng những thanh gỗ nhỏ, phải ngồi co chân lại mới đủ chỗ. Đã vậy những khi chạy trong các kinh lạch nhỏ, gặp lúc nước rút xuống lại càng khổ thân nữa, hành khách phải tuột xuống lội sình từng bước, còn con đò phải neo lại chờ con nước lên mới tiếp tục chạy được. Đò thì nhỏ nhưng lại chuyên chở nhiều, có đoạn phải ra sông lớn thật nguy hiểm, do đó cứ mỗi chuyến đi tôi phải dặn dò đứa con trai còn ở lại nhà, lỡ tôi đi luôn không về thì sao? Ngồi bó gối hơn nửa ngày trời, tứ chi ê ẩm quá chừng, con đường vào Đồng Tháp Mười quá gian truân, vậy mà chỉ gặp thăm con được nửa giờ thôi. Thăm xong rồi mới thấy lo, đò đâu nữa mà trở về, đường bộ không có, xin ngủ lại nhà khách vãng lai trong trại họ lại không cho làm con tôi chân đi không đành, ánh mắt nhìn tôi lo lắng xót xa đến não lòng! Tôi lại lang thang thất tha thất thểu, chưa biết qua đêm ở đâu khi chiều tối đang xuống dần! Đến khi đi ngang qua một chòi tranh rách nát nằm chơ vơ giữa cánh đồng, chỉ có một bà cụ già ngồi trên một cái chõng tre không mùng mền gì cả, tôi đánh liều xin vào tá túc qua đêm. Khi hỏi mua lại một ít gạo để nấu cơm tối, than ôi! nhà chỉ có một lu muối hột mà thôi; thì ra ngày nào người con gái ra đồng kiếm được cá mới có gạo mà ăn, còn không thì đành nhịn đói. Tôi đã đi khắp xóm tìm mua một ít gạo hoặc nếp cũng được nhưng chỉ có toàn khoai sắn! Dân làng nghèo quá không làm sao tả hết được, từng chòi tranh xơ xát nằm hai bên con kinh nước đục ngầu nhưng đó là nguồn nước cần thiết của họ để sống.

Những tưởng sẽ nhịn đói qua đêm, may sao có một chuyến đò dọc bán hàng rong đi ngang qua, tôi mua được hai lít nếp và đậu, nấu một nồi xôi thật lớn cốt để dành lại cho bà cụ no được vài ngày. Trời càng về chiều quang cảnh càng thê lương ảm đạm, tiếng ếch nhái như than van nghe càng não nuột cả tâm can, lại thêm mỗi nhà chỉ thắp một ngọn đèn dầu leo lét trông như ánh ma trơi giữa đồng không mông quạnh. Chao ôi! đến thế kỷ 20 rồi mà ánh sáng văn minh chưa hề len lỏi về đây, cuộc sống của người dân quá tăm tối lầm than; thật tội cho kiếp người dân quê ở đây, họ quá nghèo rách bươm như tàu lá chuối tả tơi trong gió!

Đêm đến chỉ biết đập muỗi liên hồi, không ngủ được, tôi lại ra sau chòi tranh mà ngó vào trại giam, chỉ cách nhau một hàng rào kẽm gai mà mẹ con tôi phải xa nhau vạn dặm như thế này? Tôi đứng nơi này lòng nát tan từng mảnh, con tôi trong đó phải chịu đựng bao cực hình; biết bao nỗi buồn phiền cứ gậm nhấm tâm hồn tôi đến mỏi mòn.

Giã từ bà cụ ra về, tôi vội nhét vào tay Cụ một ít tiền còn lại mà nước mắt tôi cứ muốn ứa ra. Tôi quá xót xa cho hoàn cảnh nghiệt ngã của bà Cụ và cũng không biết đến bao giờ tôi mới trở lại nơi đây để nói thêm một lời cám ơn Cụ đã cho tôi tá túc dù chỉ một đêm thôi.

Bây giờ các con tôi đã đến bến bờ Tự Do nhưng „Những ngày lang thang“ vẫn là những hành trang quý giá để làm chất liệu thêm cho cuộc sống, có khổ đau mới nhận thức được chân giá trị của những ngày sung sướng. Tôi nghĩ chỉ những người ra đi sau năm 75 mới thấu hiểu ý nghĩa của 2 chữ Tự Do hơn là những người đi trước. Dù sao cũng xin cám ơn đời đã cho tôi những ngày vui lẫn ngày buồn nên tôi luôn luôn trân quý những nụ cười cũng như những giọt nước mắt khổ đau tận cùng. ◙

Ý kiến bạn đọc
12/04/201801:30
Khách
Đây là một hoàn cảnh bi thương , tan tác của gia đình cô giáo Nguyên Hạnh, trong hàng trăm ngàn gia đình người dân Miền Nam sau khi bị Miền Bắc Cọng Sản xâm lăng : chồng ở tù, con vượt biên bị bắt, người vợ, người đàn bà còn lại đơn độc chống chỏi với nghịch cảnh để tồn tại và cứu gia đình . Với ngòi bút sắc nét, cô giáo người Huế,yếu đuối, cô đơn, lưu lạc trong Nam vì chiến tranh, đã vẽ lại sống động bức tranh gia đình và đất nước tang thương những ngày tháng đó, những ngày tháng đất nước vừa bị nhuộm đỏ.
Những trang hồi ký đẫm đầy nước mắt uất hận này sẽ là những trang sử u buồn để lại cho hậu thế. Xám ơn Cô Nguyên Hạnh HTD.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
12/05/2024(Xem: 2060)
Thế là ngày lễ mẹ lại về, thế nhân rộn ràng với bao lời chúc, với hoa tươi và những món quà… Những người con lại có phút giây xao lòng hay chạnh lòng nghĩ về mẹ, tưởng nhớ mẹ. Những nghệ sĩ lại viết thêm bài nhạc, bài văn hay bài thơ mới về chủ đề mẹ. Đời sống hiện đại hôm nay vô cùng hối hả và bận rộn, nhiều khi con người ta vô tình lơ đễnh quên đi ơn nghĩa mẹ cha. Ngày lễ mẹ là một ngày lễ đầy tính nhân văn cao cả, giúp đánh động tâm mọi người, nhắc nhở mọi người nhớ về mẹ ( về đấng sinh thành nói chung).
09/05/2024(Xem: 3948)
Hằng năm cứ vào chủ Nhật tuần thứ hai của tháng năm dương lịch trùng hợp vào mùa Vesak của người con Phật( tháng tư âm lịch) là ngày lễ Hiền Mẫu ( nói chung cho đa số quốc gia trên thế giới trong đó có Mỹ, Úc, Anh , Đức , Canada, Ấn Độ , Miến Điện , Tân Tây Lan , Nhật Bản, Miến Điện, Thụy Sĩ, Hoà Lan, Phần Lan, Việt Nam và còn nhiều nữa ….) để biểu dương sự tri ân về triết lý sống và tình thương của Mẹ đã trở thành nguồn khởi hứng và hành trang cho những người con của Mẹ tiếp tục bước đi trên đường đời. Quả thật vậy, hình bóng người mẹ cao quý , thiêng liêng, cao cả, sự hy sinh vô bờ bến của tình mẫu tử, trái tim đầy nhân ái ….từ nghìn xưa cho tới nay, từ Đông sang Tây của bất cứ quốc gia nào trên thế giới đều đã in sâu trong lòng người con từ lúc sinh ra cho đến khi lìa đời.
06/05/2024(Xem: 2376)
Đạo Phật có mặt ở thế gian này cũng đã hơn hai mươi lăm thế kỷ, ban đầu chỉ trong vùng bắc Ấn, rồi dần dần phát triển khắp lục địa Ấn và các nước đông nam Á. Ngày nay thì có mặt khắp năm châu, mỗi chủng tộc có cách tiếp cận và nhìn nhận đạo Phật qua lăng kính văn hóa của mình, bởi vậy nên có nhiều pha trộn và thay đổi để phù hợp với truyền thống, tập quán và căn cơ con người của địa phương, tuy nhiên cái căn bản và cốt lõi thì không hề sai biệt. Hầu hết các quốc gia và dân tộc trên thế giới đều công nhận đạo Phật là một tôn giáo từ bi, hòa bình.
06/05/2024(Xem: 1006)
Thế là một tháng đã trôi qua kể từ khi mùa xuân mới về lại với phương bắc (quả địa cầu). Mùa xuân mang theo sự vui tươi rực rỡ của ánh nắng mặt trời, hoa thủy tiên và nghệ tây đã nở, tiếng chim ca mỗi buổi sáng rộn rã hơn. Rất dễ dàng nhận thấy những dấu hiệu này của mùa xuân trôi trên tháng ngày. Chúng ta vẫn cảm nhận được sự tươi mát mới mẻ là món quà chào đón sau một mùa đông dài lạnh lẽo. Khi nhìn nhận cái quý báu của mùa xuân, tôi không thể làm gì hơn là không nghĩ đến những lời dạy của thiền sư Thích Nhất Hạnh về cái đẹp sâu sắc của của trái đất này. Trong những bài giảng, thầy luôn khuyến khích chúng ta trân quý và kết nối cái phút giây hiện tại ở đây (hiện pháp lạc trú) thông qua sự biết ơn sâu sắc đối với thế giới xung quanh chúng ta.
26/04/2024(Xem: 2652)
Được sự chỉ dạy của TT Thích Nguyên Tạng, Trụ trì Tu Viện Quảng Đức kiêm chủ biên “trang mạng Phật Giáo online Trang nhà Quảng Đức” khi post PDF “Đạo Nghĩa Vuông Tròn “ do Thầy Thích Viên Thành thực hiện và được nhà xuất bản Hồng Đức phát hành, Phật tử Huệ Hương thật vinh hạnh được xem thật kỹ tác phẩm dầy hơn 380 trang kèm theo những hình ảnh theo từng giai đoạn.
26/04/2024(Xem: 1841)
Trong chuyến hoằng pháp Âu Mỹ của Hòa Thượng Thích Như Điển từ ngày 12/3/2024 đến 17/3/2024 đến Orange County, chúng tôi- Kiều Mỹ Duyên và Thu Anh- có cơ duyên được phỏng vấn Hòa Thượng tại đài Saigon Radio Hải Ngoại, thành phố Westminster, Orange County, miền Nam California, vào ngày 13/3/2024.
23/04/2024(Xem: 4116)
Năm 2024 là kỷ niệm 60 năm ngày xuất gia lần đầu, Mùng 8 tháng 2 năm Giáp Thìn (21/3/1964), cũng là đánh dấu 20 năm (2004-2024) sống trên một tiểu bang và đất nước “đáng sống”, “hạnh phúc nhất nhì thế giới” đó là Nam Úc. Nghĩ lại mình: “Đệ tử phước cạn nghiệp sâu, Chướng dày huệ mỏng, Nhiễm tâm dễ khởi, Tịnh đức khó thành, Nay xin một lòng, Tin thành sám hối”. Chắc do nghiệp chướng nhiều đời nhiều kiếp đã gieo tạo, nên khi sinh ra, lớn lên đều ở trong môi trường khiêm tốn về vật chất, còn tinh thần cũng nhiều bất hạnh với cuộc đời. Vừa bất hạnh, vừa nghèo, lại không tài giỏi, tưởng rằng sẽ phải chịu nhiều khốn khổ. Nhưng chắc nhờ ảnh hưởng bởi âm đức, có được bản tánh hiền lành, luôn hài hòa trong cuộc sống, sẵn sàng chịu thiệt thòi, cho mọi việc được hanh thông, tốt đẹp. Riêng với tự thân tin tưởng tuyệt đối vào luật nhân quả, thấm nhuần lời dạy của chư Tổ và hiểu được rằng: Phật Pháp rất nhiệm mầu. “Im lặng là vàng. Chịu thiệt là phúc. Nhẫn nhịn là bạc. Giúp người là đức”. Nên hằng
16/04/2024(Xem: 1103)
Chiều về trên sông vắng, dòng sông Long Hồ chảy xiết vào mùa nước lũ, bao bọc quanh cái huyện Long Hồ, nằm ở cửa ngõ phía Bắc tỉnh Vĩnh Long, bị Sông Tiền chia cắt thành hai khu vực trông giống như hình một con chó bông nhìn nghiêng. Về vị trí địa lý Long Hồ giáp với nhiều huyện lỵ, tỉnh thành nổi tiếng như: phía Đông giáp huyện Chợ Lách tỉnh Bến Tre, phía Tây giáp thành phố Vĩnh Long và huyện Châu Thành tỉnh Đồng Tháp, phía Nam giáp huyện Tam Bình và phía Bắc giáp 2 huyện Cái Bè và Cai Lậy tỉnh Tiền Giang với ranh giới là Sông Tiền. Một vùng sông nước liên kết như thế là nơi bà Mộng Chi chọn lựa để kinh doanh kiếm tiền trong thời buổi gạo châu củi quế hồi sau giải phóng 75.
15/04/2024(Xem: 2977)
Thù thắng thay, hoan hỷ thay, kính cảm niệm, cách điều hành Tu một ngày bát quan trai giới! Mỗi tháng một ngày, cho Phật Tử tại gia Gìn giữ trọn vẹn 8 giới Đức Phật đã chế ra (1) Phật tử còn ràng buộc gia duyên, cần phát nguyện, tinh tấn thực hành trọn vẹn(2) Sẽ tích lũy vô lượng công đức khi thực hiện ! Đặc biệt hôm nay 14/4/2024 nhân dịp chuyến du hành của HT Pháp Tông, trú trì chùa Huyền Không tại cố đô Huế /VN cũng là nhà Sư VIỆT NAM đầu tiên cũng là nhà sư nước ngoài đầu tiên được HOÀNG GIA THÁI LAN cúng dường TƯỚC HIỆU CAO QUÝ - CHAO KHUN (TĂNG CANG ĐỆ NGŨ PHẨM). Tu viện Quảng Đức đã dành cho các đạo hữu khoá tu bát quan trai một sự lợi lạc hoan hỷ vô cùng khi mời được HT Pháp Tông đến với bài pháp thoại chủ đề “Phật học tu tập” và sau đó là những câu hỏi của quý đạo hữu đã trải nghiệm và có chướng ngại gì để cùng Ngài thảo luận. Thù thắng thay, hoan hỷ thay, kính cảm niệm, cách điều hành Tu một ngày bát qua
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]