Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Ngày Lễ Mẹ (12/5/2024)

12/05/202405:55(Xem: 2044)
Ngày Lễ Mẹ (12/5/2024)


Me_Tam_Thai_2014 (1)

NGÀY LỄ MẸ

 

Thế là ngày lễ mẹ lại về, thế nhân rộn ràng với bao lời chúc, với hoa tươi và những món quà… Những  người con lại có phút giây xao lòng hay chạnh lòng nghĩ về mẹ, tưởng nhớ mẹ. Những nghệ sĩ lại viết thêm bài nhạc, bài văn hay bài thơ mới về chủ đề mẹ. Đời sống hiện đại hôm nay vô cùng hối hả và bận rộn, nhiều khi con người ta vô tình lơ đễnh quên đi ơn nghĩa mẹ cha. Ngày lễ mẹ là một ngày lễ đầy tính nhân văn cao cả, giúp đánh động tâm mọi người, nhắc nhở mọi người nhớ về mẹ ( về đấng sinh thành nói chung).

 Các bà mẹ trên đời đều vĩ đại cả, theo như một danh nhân phương tây từng nói:” Mẹ là món quà tuyệt vời nhất mà thượng đế ban tặng cho loài người”. Dân gian ta thì thiết thực hơn, gần gũi hơn, thân mật hơn:

” Mẹ già như chuối ba hương

   Như xôi nếp một như đường mía lau”, hoặc đơn giản hơn nữa: “ Không chi bằng cơm với cá, không gì bằng má với con”. Người mẹ thân thiết, ngọt ngào và thơm tho như chuối ba hương. Mẹ như đường mía lau, như bát cơm với cá… Không còn gì gần gũi hơn và thiết yếu hơn những món trên. Mẹ, chính là người tạo ra những món trên và cũng là hiện thân như những thứ ấy. Những đứa con lớn lên nhờ những món này, nhờ sự mang nặng đẻ đau, nhờ sự chăm sóc của mẹ. Những đứa con lớn lên, đủ lông đủ cánh bay xa bốn phương nhưng có mấy ai quên: chuối ba hương, đường mía lau, bát cơm có cá kho… hay nói cách khác có ai quên được người mẹ tần tảo sớm hôm để rồi có mình hôm nay! Cũng người dân quê, cái tình, cái nghĩa, cái tâm hồn lân mẫn nhớ mẹ, thương mẹ:

“ Mẹ già như chuối chín cây

  Gió lay mẹ rụng con rày mồ côi”

 Mẹ là một đề tài vô tận, một nguồn cảm xúc vô biên để cho thế nhân sáng tác. Đã có vô số những bản nhạc, bài thơ, tác phẩm văn, tranh, ảnh, tượng… về mẹ và sẽ có những sáng tác mới vẫn đang và sẽ tiếp tục tôn vinh người mẹ, ca tụng mẹ. Dẫu có thế nào đi nữa cũng khó mà diễn tả hay nói cho trọn công lao của mẹ ( cha mẹ nói chung). Những sáng tác của người nghệ sĩ chỉ là nét chấm phá, chỉ là phản ảnh được từng khía cạnh nào đó mà thôi. Làm sao có thể mô tả trọn vẹn được? Biển cả mênh mông không thể dùng chung rượu mà lường, hư không bao la, không thể dùng thước thợ may để đo. Ai đó đã viết nên câu này ( giờ thường thấy ở những dòng thư pháp):

” Nước biển mênh mông không đong đầy tình mẹ

   Mây trời lồng lộng không phủ kín công cha”

Công ơn của mẹ mang nặng đẻ đau, vất vả nuôi con tháng ngày. Mẹ suốt đời quan hoài lo lắng, vui với những gì người con đạt được trên đường đời; khổ đau với những mất mát thất bại và lại tiếp tục hỗ trợ cho con, cho dù sức đã yếu, lực đã tàn, dù đã gần đất xa trời...Có những người con cũng biết nghĩ về mẹ, nhưng cũng không hiếm những người con bất hiếu:

“ Cha mẹ nuôi con biển hồ lai láng

   Con nuôi cha mẹ tính tháng kể ngày”

Mẹ nuôi con, thương con vô điều kiện, nhưng con thương mẹ thì tính toán đo lường hơn thiệt, nặng nhẹ  mưu toan.

 Những bà mẹ trên đời đều vĩ đại, tuy nhiên với cái môi trường sống khác nhau, tập quán văn hóa khác nhau mà những bà mẹ phương tây và phương đông có cách thương và hành xử khácnhau. Những bà mẹ Việt gần như cả đời hy sinh cho chồng con, nuôi nấng dẫn dắt đứa con từ tấm bé cho đến khi rưởng thành:

“Ví dầu cầu ván đóng đinh

 Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi

 Khó đi mẹ dắt con đi

 Con thi trường học mẹ thi trường đời”

Sự trưởng thành, sự thành công của người con trên đường học vấn, công danh sự nghiệp là nhờ mồ hôi nước mắt của người mẹ đổ ra trên đường đời.

Những bà mẹ phương tây cũng yêu con cái rất mực, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ con cái, nhưng những bà mẹ phương tây trông rất cứng rắn, dứt khoát không có lối nhẫn nại, mềm mỏng như người mẹ Việt. Người mẹ phương tây cũng không quá vất vả trong việc nuôi con và cũng không có cái lối suốt đời hy sinh cho con.

 Ngày lễ mẹ, nhớ mẹ, nghĩ về mẹ. Những người con xa chắc không khỏi chạnh lòng, khoảng cách xa diệu vợi làm sao sớm hôm thăm hỏi, chăn sóc khi ốm đau, khó mà phụng dưỡng dù chỉ là tối thiểu...Hoàn cảnh quốc độ xa xôi làm sao vượt qua được? Âu cũng là cái khổ trong tám khổ mà Phật đã nói:” Ái biệt ly khổ” là vậy! Khi những đứa con trưởng thành cũng là lúc cha mẹ dần già đi, khi những đứa con tóc xanh thì mẹ tóc dần phai màu. Mỗi đứa con là một giọt máu đào, là một khúc ruột rút ra. Khi những đứa con vô minh bất hiếu với mẹ cha thì cũng chính là tự hại lấy thân mình, tự rước họa về sau cho chính bản thân.

 Truyền thống phương đông con ngườui ta ít biểu lộ tình cảm, thường che giấu cảm xúc của mình, rất ít khi người mẹ hay người con nói “ Mẹ yêu con, con yêu mẹ” kiểu như người phương tây. Người mẹ Viêt ít khi nào nói yêu thương như người mẹ phương tây, biểu hiện kín đáo, tình cảm ẩn giấu đằng sau những câu nói, câu hỏi tưởng chừng như vu vơ, tỷ như:” Con ăm chưa? Con có mệt không? Con mới về? Con chuẩn bị đi?...” những lời nói đơn sơ, mộc mạc nhưng chứa đầy ắp tình yêu thương, lo lắng, quan tâm. Hoặc tình cảm biểu hiện bằng việc làm như: nấu nồi cơm với món ăn mà con thích, vá cái áo, sửa soạn túi hành trang… tất cả những việc ấy chứa cả một trời yêu thương, chứa cả tấm lòng của người mẹ.

 Hoàn cảnh nước Việt đôi khi lại rất trớ trêu. Có một thời những bà mẹ Việt đau khổ vì những đứa con của mình rứt ruột sanh ra. Cùng một mẹ, một nhà nhưng thằng lớn thì vào bưng kháng chiến, thằng nhỏ thì làm sĩ quan quốc gia. Những đứa con thù nghịch nhau, sẵn sàng bắn giết nhau. Bà mẹ ở thế kẹt, chỉ biết khóc thầm và ôm nỗi đau:” Con ta giết con ta”, Khi thời thế đổi thay, thằng lớn lại có quyền uy danh phận thì thằng nhỏ lại phải chịu tù đày. Không biết thế gian này có nơi nào khác,  bà mẹ phải chứng kiến nỗi đau những đứa con giết nhau như thế! Những năm gần đây, có những hình ảnh về bà mẹ Palestine ôm con thơ đứng trước ngôi nhà để ngăn chặn xe ủi của người Israel. Những chiếc xe ủi hạng nặngvô cảm cán nát cả người mẹ bồng con và ngôi nhà của họ. Những cái chết kinh hoàng của những bà mẹ Palestine làm chấn động lương tâm của những người tiến bộ trên toàn thế giới. Hình ảnh những bà mẹ ôm con hoặc ở tư thế quỳ khom lưng che chở cho đứa con trong những trận động đất ở Nhật Bản, Iran làm xúc động bao trái tim nhân loại. Những người mẹ che chở cho con đến hơi thở cuối cùng.

 Ngày lễ mẹ ở Mỹ vào ngày chủ nhật thứ hai của tháng năm, đã được quy định thành luật từ năm 1914 bởi tống thống Woodrow Wilson. Thế giới có nhiều quốc gia có ngày lễ mẹ nhưng khác ngày và khác tuyền thống, tuy nhiên nhìn chung là đều tôn vinh người mẹ. Việt Nam không có ngày lễ này nhưng có lễ Vu Lan. Lễ Vu Lan cũng có thể xem như là lễ mẹ, ngày lễ tưởng nhớ mẹ hiện tiền cũng như mẹ quá vãng, tưởng nhớ cả cửu huyền thất tổ. Ngày nay, nhờ sự giao thoa của các nền văn hóa nên ở xứ mình giờ những ngày lễ của phương tây cũng rất thịnh hành, không chỉ ngày lễ mẹ mà còn có những ngày lễ khác như: Lễ tình nhân, lễ Halloween…Lễ Vu Lan vốn có xuất phát từ tích Mục Kiền Liên của nhà Phật, là một ngày lễ vừa có tính truyền thống vừa pha tính dân gian… Người dân Việt ngày xưa rất thật thà, rất tâm thành, thương cha mẹ biểu hiện bằng hành động:

“ Đêm đêm con thắp đèn trời

  Cầu cho cha mẹ sống đời với con”

Và việc thể hiện lòng yêu thương cha mẹ cũng rất thiết thực, rất cao cả

“ Đói lòng ăn hạt chà là

   Để cơm nuôi mẹ, mẹ già yếu răng’

Hột chà là làm sao mà ăn được? Nhưng với người con có hiếu thì chẳng việc gì mà không thể, sẵn sàng làm mọi việc vì mẹ. Người dân quê không biết sáo ngữ, không văn vẻ bóng bẩy, chẳng miệng lưỡi  nhiều. Người dân quê rất đơn giản, thật thà chất phác, thậm chí quê mùa, nhưng đằng sau những lời nói bình dị, những việc làm thông thường ấy là sự yêu thương đằm thắm và sâu sắc, là một tâm hồn mẫn cảm rung động.

Trong giai thoại thiền của Nhật Bản có một câu chuyện về mẹ rất hay, rất nhân bản. Chuyện kể rằng:” Có anh thanh niên nọ học Phật đã lâu, anh ta muốn biết Phật là gì, Phật là ai… nên cất công đi khắp nơi để tham học. Ngày tháng dần qua mà anh ta vẫn không hiểu ra, cho đến một hôm anh ta gặp một vị thiền sư và vị ấy bảo anh ta hãy quay về nhà và người đầu tiên anh ta gặp ấy chính là vị Phật. Anh ta nghe lời quay về, khi về đến nhà, thấy người mẹ ra mừng rỡ ra mở cửa trong khi chân còn mang đôi dép lộn. Anh ta chợt ngộ rằng: Mẹ chính là một vị Phật!”. Câu chuyện này cũng có ý nghĩa gần với câu ca dao của Việt Nam:

“ Tu đâu cho bằng tu nhà

   Thờ cha kính mẹ ấy là chân tu”

me tam thai-thay nguyen tang





Ở đây không nói chuyện tu cao thấp, cái ý chính: Cha mẹ cũng chính là Phật trong nhà, trước khi muốn tu đạo thì phải có hiếu, trước khi muốn thành vị gì thì cũng phải là một người con hiếu trước đã! Đạo Phật là đạo hiếu, phải có hiếu làm nền móng sau đó mới có thể phát triển những mặt khác.

 Nước Việt là nước văn minh nông nghiệp lúa nước, con người sống quây quần trong những cộng đồng làng, xã, dòng tộc… rất ít khi rời xa nơi chôn nhau cắt rốn, nếu đi ra khỏi làng đã cho là xa; đi khỏi tỉnh  lại xa hơn; đi khỏi miền thì xa thẳm. Nếu một ai đó vì điều gì đó mà phải đi xa, mỗi chiều về nhớ mẹ thì trong lòng buồn không biết bút mực nào tả nổi

“ Chiều chiều ra đứng ngõ sau

   Nhớ về quê mẹ ruột đau chín chiều”

Người đi xa ra ngõ nhìn về quê mẹ, có thể là cô gái lấy chồng xa, có thể người ly hương, có thể là kẻ mưu sinh ở phương trời… Tình mẹ là cái tình thiêng liêng cao quý, nhưng cuộc đời vốn muôn màu muôn vẻ. Tâm con người bất đồng nên cũng có những diện mạo khác nhau. Đời có những người mẹ hiền con thảo nhưng cũng có không ít những người con bất hiếu những người mẹ dữ dằn. Sử Tàu ghi rõ những việc bà Lữ Hậu, Võ Hậu, Từ Hy giết con chỉ vì tham lam quyền lực. Sử Việt ta chưa từng ghi có việc này. Tuy nhiên có những  bà mẹ ác như dì ghẻ thì chuyện dân gian có  nhiều, Ngày nay ở xứ mình có những bà mẹ buộc đứa con mình đẻ ra bán dâm, đi ăn xin, bán vé số cho đến hành hạ tàn nhẫn, cũng may là những trường hợp thiểu số này không nhiều.

 Những bà mẹ Việt xưa nay rất chơn chất thật thà, rất đơn sơ giản dị cả đời lo cho chồng con quên cả thân mình. Sử Việt nghìn năm đương đầu với giặc Tàu, trăm năm chống giặc Tây, Những bà mẹ Việt bao lần ầm thầm gạt lệ tiễn chồng con ra trận, người đi rất ít quay về. Những bà mẹ âm thầm ôm nỗi đau, nỗi nhớ thương da diết. Những bà mẹ muôn đời nặng tình nghĩa, đầy ắp tình thương. Những bà mẹ hiền hòa chơn chất nhưng một khi đất nước nguy nan thì lại can đảm lạ thường. Những bà mẹ luôn là hậu phương vững chắc để hỗ trợ cho chồng con ở tuyến đầu.

Những bà mẹ Việt Nam

Sống nghĩa tình, sống nặng về tình cảm

Hy sinh cả đời vì con

Những bà mẹ của thế gian này

Đẻ đau mang nặng, vất vả mưu sinh

Thương yêu chăm lo cho những đứa con của mình

Tình mẹ thiêng liêng cao quý

Bút mực khó chép ghi

Chữ nghĩa nào tả được

Những bức tranh càng chẳng vẽ nên hình

Dẫu có dựng tượng đồng bia đá

Cũng không khắc được biển cả công lao

Những bà mẹ trên đời đều vĩ đại

Tạo nên thế giới con người

Ơn mẹ suốt đời và mãi mãi

Ngày lễ mẹ

Tâm nhân thế nao nao

Nhưng nào chỉ một ngày hôm nay

Bóng dáng mẹ còn hoài trong tâm tưởng

Mẹ là biểu tượng của tình thương

 

TIỂU LỤC THẦN PHONG

Ất Lăng thành, tháng ngày nhớ mẹ

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
09/05/2024(Xem: 3930)
Hằng năm cứ vào chủ Nhật tuần thứ hai của tháng năm dương lịch trùng hợp vào mùa Vesak của người con Phật( tháng tư âm lịch) là ngày lễ Hiền Mẫu ( nói chung cho đa số quốc gia trên thế giới trong đó có Mỹ, Úc, Anh , Đức , Canada, Ấn Độ , Miến Điện , Tân Tây Lan , Nhật Bản, Miến Điện, Thụy Sĩ, Hoà Lan, Phần Lan, Việt Nam và còn nhiều nữa ….) để biểu dương sự tri ân về triết lý sống và tình thương của Mẹ đã trở thành nguồn khởi hứng và hành trang cho những người con của Mẹ tiếp tục bước đi trên đường đời. Quả thật vậy, hình bóng người mẹ cao quý , thiêng liêng, cao cả, sự hy sinh vô bờ bến của tình mẫu tử, trái tim đầy nhân ái ….từ nghìn xưa cho tới nay, từ Đông sang Tây của bất cứ quốc gia nào trên thế giới đều đã in sâu trong lòng người con từ lúc sinh ra cho đến khi lìa đời.
06/05/2024(Xem: 2373)
Đạo Phật có mặt ở thế gian này cũng đã hơn hai mươi lăm thế kỷ, ban đầu chỉ trong vùng bắc Ấn, rồi dần dần phát triển khắp lục địa Ấn và các nước đông nam Á. Ngày nay thì có mặt khắp năm châu, mỗi chủng tộc có cách tiếp cận và nhìn nhận đạo Phật qua lăng kính văn hóa của mình, bởi vậy nên có nhiều pha trộn và thay đổi để phù hợp với truyền thống, tập quán và căn cơ con người của địa phương, tuy nhiên cái căn bản và cốt lõi thì không hề sai biệt. Hầu hết các quốc gia và dân tộc trên thế giới đều công nhận đạo Phật là một tôn giáo từ bi, hòa bình.
06/05/2024(Xem: 1006)
Thế là một tháng đã trôi qua kể từ khi mùa xuân mới về lại với phương bắc (quả địa cầu). Mùa xuân mang theo sự vui tươi rực rỡ của ánh nắng mặt trời, hoa thủy tiên và nghệ tây đã nở, tiếng chim ca mỗi buổi sáng rộn rã hơn. Rất dễ dàng nhận thấy những dấu hiệu này của mùa xuân trôi trên tháng ngày. Chúng ta vẫn cảm nhận được sự tươi mát mới mẻ là món quà chào đón sau một mùa đông dài lạnh lẽo. Khi nhìn nhận cái quý báu của mùa xuân, tôi không thể làm gì hơn là không nghĩ đến những lời dạy của thiền sư Thích Nhất Hạnh về cái đẹp sâu sắc của của trái đất này. Trong những bài giảng, thầy luôn khuyến khích chúng ta trân quý và kết nối cái phút giây hiện tại ở đây (hiện pháp lạc trú) thông qua sự biết ơn sâu sắc đối với thế giới xung quanh chúng ta.
26/04/2024(Xem: 2642)
Được sự chỉ dạy của TT Thích Nguyên Tạng, Trụ trì Tu Viện Quảng Đức kiêm chủ biên “trang mạng Phật Giáo online Trang nhà Quảng Đức” khi post PDF “Đạo Nghĩa Vuông Tròn “ do Thầy Thích Viên Thành thực hiện và được nhà xuất bản Hồng Đức phát hành, Phật tử Huệ Hương thật vinh hạnh được xem thật kỹ tác phẩm dầy hơn 380 trang kèm theo những hình ảnh theo từng giai đoạn.
26/04/2024(Xem: 1841)
Trong chuyến hoằng pháp Âu Mỹ của Hòa Thượng Thích Như Điển từ ngày 12/3/2024 đến 17/3/2024 đến Orange County, chúng tôi- Kiều Mỹ Duyên và Thu Anh- có cơ duyên được phỏng vấn Hòa Thượng tại đài Saigon Radio Hải Ngoại, thành phố Westminster, Orange County, miền Nam California, vào ngày 13/3/2024.
23/04/2024(Xem: 4106)
Năm 2024 là kỷ niệm 60 năm ngày xuất gia lần đầu, Mùng 8 tháng 2 năm Giáp Thìn (21/3/1964), cũng là đánh dấu 20 năm (2004-2024) sống trên một tiểu bang và đất nước “đáng sống”, “hạnh phúc nhất nhì thế giới” đó là Nam Úc. Nghĩ lại mình: “Đệ tử phước cạn nghiệp sâu, Chướng dày huệ mỏng, Nhiễm tâm dễ khởi, Tịnh đức khó thành, Nay xin một lòng, Tin thành sám hối”. Chắc do nghiệp chướng nhiều đời nhiều kiếp đã gieo tạo, nên khi sinh ra, lớn lên đều ở trong môi trường khiêm tốn về vật chất, còn tinh thần cũng nhiều bất hạnh với cuộc đời. Vừa bất hạnh, vừa nghèo, lại không tài giỏi, tưởng rằng sẽ phải chịu nhiều khốn khổ. Nhưng chắc nhờ ảnh hưởng bởi âm đức, có được bản tánh hiền lành, luôn hài hòa trong cuộc sống, sẵn sàng chịu thiệt thòi, cho mọi việc được hanh thông, tốt đẹp. Riêng với tự thân tin tưởng tuyệt đối vào luật nhân quả, thấm nhuần lời dạy của chư Tổ và hiểu được rằng: Phật Pháp rất nhiệm mầu. “Im lặng là vàng. Chịu thiệt là phúc. Nhẫn nhịn là bạc. Giúp người là đức”. Nên hằng
16/04/2024(Xem: 1103)
Chiều về trên sông vắng, dòng sông Long Hồ chảy xiết vào mùa nước lũ, bao bọc quanh cái huyện Long Hồ, nằm ở cửa ngõ phía Bắc tỉnh Vĩnh Long, bị Sông Tiền chia cắt thành hai khu vực trông giống như hình một con chó bông nhìn nghiêng. Về vị trí địa lý Long Hồ giáp với nhiều huyện lỵ, tỉnh thành nổi tiếng như: phía Đông giáp huyện Chợ Lách tỉnh Bến Tre, phía Tây giáp thành phố Vĩnh Long và huyện Châu Thành tỉnh Đồng Tháp, phía Nam giáp huyện Tam Bình và phía Bắc giáp 2 huyện Cái Bè và Cai Lậy tỉnh Tiền Giang với ranh giới là Sông Tiền. Một vùng sông nước liên kết như thế là nơi bà Mộng Chi chọn lựa để kinh doanh kiếm tiền trong thời buổi gạo châu củi quế hồi sau giải phóng 75.
15/04/2024(Xem: 2971)
Thù thắng thay, hoan hỷ thay, kính cảm niệm, cách điều hành Tu một ngày bát quan trai giới! Mỗi tháng một ngày, cho Phật Tử tại gia Gìn giữ trọn vẹn 8 giới Đức Phật đã chế ra (1) Phật tử còn ràng buộc gia duyên, cần phát nguyện, tinh tấn thực hành trọn vẹn(2) Sẽ tích lũy vô lượng công đức khi thực hiện ! Đặc biệt hôm nay 14/4/2024 nhân dịp chuyến du hành của HT Pháp Tông, trú trì chùa Huyền Không tại cố đô Huế /VN cũng là nhà Sư VIỆT NAM đầu tiên cũng là nhà sư nước ngoài đầu tiên được HOÀNG GIA THÁI LAN cúng dường TƯỚC HIỆU CAO QUÝ - CHAO KHUN (TĂNG CANG ĐỆ NGŨ PHẨM). Tu viện Quảng Đức đã dành cho các đạo hữu khoá tu bát quan trai một sự lợi lạc hoan hỷ vô cùng khi mời được HT Pháp Tông đến với bài pháp thoại chủ đề “Phật học tu tập” và sau đó là những câu hỏi của quý đạo hữu đã trải nghiệm và có chướng ngại gì để cùng Ngài thảo luận. Thù thắng thay, hoan hỷ thay, kính cảm niệm, cách điều hành Tu một ngày bát qua
08/04/2024(Xem: 1480)
Tết Thanh Minh không phải là ngày lễ tết lớn trong năm, nhưng nó lại mang đậm nét đẹp văn hóa của người Việt Nam. Tết Thanh Minh cũng không có ngày cố định thời gian, mà là ngày đầu tiên của tiết Thanh minh, nó có thể rơi vào mùng 4 hoặc mùng 5/4 dương lịch (sau khi kết thúc tiết Xuân phân). Tiết Thanh minh là 1 trong 24 tiết khí (theo quan niệm của các nước phương Đông). Tính từ đầu năm trở đi, tiết Thanh minh đứng thứ 5, trong 24 tiết khí sau các tiết Lập xuân, Vũ thủy, Kinh trập, Xuân phân. Vào dịp Tiết Thanh minh trời mát mẻ quang đãng, thường bắt đầu sau ngày Lập Xuân 45 ngày và sau ngày Đông chí 105 ngày). Tiết thanh minh kéo dài khoảng 15 - 16 ngày.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]