Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Du Hôn (truyện ngắn)

28/08/201016:44(Xem: 2959)
Du Hôn (truyện ngắn)

Du Hon_Tran Thi Nhat Hung

DU HÔN

Trần thị Nhật Hưng
***




Thuở trời đất nổi cơn gió bụi
Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên
(Chinh phụ ngâm)

Nửa đêm tôi bỗng giật mình thức giấc. Tuy không nhìn đồng hồ, chiếc đồng hồ báo thức có dạ quang chị tôi đặt trên kệ nhỏ bên đầu giường, tôi vẫn biết còn vài tiếng nữa là trời hừng sáng. Tôi trở mình quay mặt ra cửa sổ, đầu óc mênh mông, tôi khó ngủ lại được. Nằm trăn trở trong đêm, tôi theo dõi ánh đèn chập chờn trên trần nhà được chiếu từ những ngọn đèn đường, đèn pha của những chiếc xe hơi hắt qua cửa kính. Không ngủ lại được, tôi trở dậy nhè nhẹ đến bên cửa sổ vén màn nhìn màn đêm. Một màu vàng úa của những bóng đèn tròn cho tôi nhận dạng những căn nhà hàng xóm hầu hết kiến trúc theo cổ xưa, mái nhọn, chóp nhọn có hình dạng kiểu lâu đài đang êm đềm trong giấc ngủ. Trước mặt tôi, chênh chếch trên đỉnh đồi, một vì sao lẻ loi lấp lánh sau hàng rừng thưa mờ mờ trong bầu trời đen thẫm. Tôi đứng lặng thật lâu, ngắm đêm và lặng nghe sự động tịnh của nó. Tâm tư tôi bồi hồi xúc động trước vẻ đẹp êm ả của đêm. Nhưng đêm không hẳn là thế giới của những giấc ngủ an lành, của tình yêu, của mộng mơ hạnh phúc mà còn là sự đồng loã của tội lỗi, của nỗi cô đơn và những cơn sợ hãi… Cũng như tôi bây giờ, chưa bao giờ tôi cảm thấy cô đơn, lạnh lẽo như đêm nay, mặc dù chị tôi đã sắm sẵn cho tôi dù chăn êm nệm ấm áo len dày, nhưng cái lạnh của tâm hồn, chị không sao giúp tôi được.
*
* *

Tôi đến Thuỵ Sĩ ba tháng trước vào một ngày đầu hè tháng 7. Buổi sáng đó thật đẹp. Dù mặt trời đã ló dạng nhưng ánh nắng yếu ớt của buổi ban mai vẫn chưa xuyên thủng được sương đêm còn lãng đãng dày đặc khắp bầu trời Thuỵ Sĩ. Từ máy bay nhìn xuống tôi chỉ nhận ra lờ mờ thảm cỏ xanh, rừng núi và chi chít nhà cửa trải dài trên sườn đồi. Và trên đường uốn lượn quanh co những chiếc xe di động trông xa như đàn kiến nối đuôi về tổ. Trong một vài bức thư gửi về Việt Nam, Loan, chị tôi thường kể rằng Thuỵ Sĩ rất giống Đà Lạt, nhiều sườn đồi, hoa, sương mù và rừng núi. Dù mùa hè, buổi sáng hay buổi chiều sương mù cứ lãng đãng như khói mây dưới chân núi khiến cho ta cảm tưởng đi lạc vào cảnh tiên. Cảnh tiên chị đã tới bao giờ, có lẽ chị tưởng tượng lúc xem phim tập mà nói vậy.

Máy bay sắp đáp xuống phi trường, lòng tôi bỗng rộn ràng hồi hộp. Nửa háo hức được xem “cảnh tiên thơ mộng” mà chị Loan thường vẽ vời, nửa nôn nao gặp chị sau bốn năm xa cách. Hồi đó, chị cũng đến Thuỵ Sĩ một mình, kết hôn với anh Vinh để được ở lại và bây giờ chị đã có hai con.
Chị Loan, anh Vinh và hai bé Quyên, Uyên đón tôi ngay cửa ra vào. Phi trường nhộn nhịp người qua, kẻ lại nhưng tôi cũng dễ nhìn ra anh chị nhờ mái tóc đen của anh chị nổi bật giữa những người Thuỵ Sĩ tóc vàng cao lớn. Gặp nhau, hai chị em tay bắt mặt mừng. Anh Vinh xách hành lý của tôi ra xe. Hai bé Quyên, Uyên đưa mắt e ấp nhìn tôi xa lạ. 

Con đường về nhà, xe bon bon êm ái trên mặt đường tráng nhựa.Thuỵ Sĩ nhỏ nên đường xá cũng hẹp hơn. Nhìn về phía trước tầm mắt của tôi như luôn bị cản trở bởi đồi núi, rừng cây. Chân trời làm như ta chốc lát sẽ tới được. Đúng như lời chị Loan kể. Thuỵ Sĩ luôn tươi mát ướt át thơ mộng, dịu dàng như cô gái xuân thì ở lứa tuổi 30. Thảm cỏ xanh chị ví như mái tóc mượt mà. Sườn đồi, núi là biểu tượng thân hình nảy nở. Thỉnh thoảng xe băng nhanh qua dòng sông nhỏ, nước xanh biếc lách mình dưới thung lũng sâu có hàng cây vươn cao, chị Loan bảo đó là ánh mắt đa tình của cô gái long lanh thẹn thùng dưới hàng mi cong vút. Tôi nhìn những hạt sương đêm còn đọng trên ngọn cỏ lóng lánh dưới ánh nắng mặt trời trông xa như những hạt trân châu rồi hỏi chị ví như cái gì? Chị Loan cười, mơ màng nói bằng giọng tiểu thuyết Quỳnh Dao, đó là những giọt lệ buồn của cô gái nhung nhớ tình nhân. Tôi lắc đầu, cười khẽ nước mắt sao đọng được trên “mái tóc mượt mà”? Rồi tâm hồn lãng mạn của tôi cũng nổi lên bất tử, tôi ví von, đó là những hạt mưa nhẹ còn vươn trên tóc em, lúc em đến thăm anh! Nói xong hai chị em tôi cười ròn rã. Hồi còn đi học, vào giờ địa lý, tôi thường nghe thầy giảng, Thuỵ Sĩ có thắng cảnh thiên nhiên hữu tình đẹp nhất thế giới. Tôi mới đến, chưa đi nhiều nước nên không rõ lời thầy đúng hay không? Nhưng trước mắt tôi bây giờ, Thuỵ Sĩ đẹp, thơ mộng, điều đó quả không sai. Suốt dọc đường tôi không hề thấy đồi trọc hay những vùng đất hoang khô cằn sỏi đá. Cảnh sắc hầu hết trông mát mắt nhờ màu xanh của cây, cỏ và rừng núi chập chùng mờ mờ ảo ảo trong sương khói thật giống là…cảnh tiên!

Xe về đến nhà sau hơn một tiếng từ phi trường. Căn nhà chị tôi toạ lạc dưới chân đồi có thảm cỏ xanh ngăn ngắt. Căn nhà hai gian. Chị tôi thuê một trong hai gian đó. Vào nhà mùi phở bốc thơm phưng phức. Chị Loan khoe chị vừa nấu sáng nay. Thuỵ Sĩ không có tiệm ăn Việt Nam, chỉ lưa thưa vài nhà hàng Tàu xào nấu các món dành cho tiệc tùng và cứa đẹp thẳng tay, nên người Việt Nam muốn ăn các món thuần tuý quê hương như phở, bún riêu, bún bò, bánh xèo, bánh bèo, bánh cuốn, bánh bột lọc… đều phải tự nấu lấy. Riết rồi các bà các cô ở đây được tiếng đảm đang, nấu ăn khéo và ngon. Chị Loan giải thích với tôi như vậy. 

Vào bàn, anh Vinh chả nói chả rằng. Lâu lâu anh mới chêm vào vài câu khi cần thiết. Còn tôi và chị Loan cứ huyên thuyên bất tuyệt. Câu chuyện nổ như bắp rang. Hết chuyện quê nhà lại đến quê người. Khi bát phở trong tô chúng tôi vừa hết, chị Loan chuyển đề tài về mục đích chuyến du lịch của tôi. Chị nói:

- Vấn đề của chúng ta bây giờ là tìm người nào đó chịu kết hôn với mình thì em mới được phép ở lại Thuỵ Sĩ. 
Ở lại Thuỵ Sĩ hay bất cứ nước tự do nào trên thế giới vẫn là ước mơ không những của riêng tôi mà tôi quả quyết của tất cả người Việt Nam muốn trốn tránh chế độ phi nhân cộng sản. Nhưng tìm một người chồng gấp rút trong thời gian du lịch ba tháng quả thật khó cho tôi, một người con gái lỡ thời, nhan sắc thường thường bậc trung,tuổi đời tròn 34. Dù với hoàn cảnh của tôi hiện tại, tôi chấp nhận thực tế phũ phàng kết hôn với người không cần tình yêu, thứ tình yêu mơ mộng, tinh khiết của tuổi mới lớn mà một lần trong đời tôi đã hằng ấp ủ, dấu yêu và vuột mất. Bây giờ, thì ai có thể yêu tôi và chịu kết hôn với tôi? Tôi ái ngại nhìn chị Loan, trong khi chị thản nhiên như có sẵn chương trình tự bao giờ.
- Ngày mốt là sinh nhật thứ bốn mươi của anh Vinh. Nhân tiện chị có mời vài cậu đến dự, cũng là dịp tạo cơ hội cho em…gieo cầu.

Chị Loan pha trò như vậy. Tôi cười cười cay đắng:
- Cầu em gieo xuống chắc…cả năm không ai buồn lượm. Chị nói làm em xấu hổ.

Và tôi đã xấu hổ thật sự sau ngày sinh nhật đó. Hôm đó, nghe lời chị Loan mà cũng chính bản chất tự nhiên của người con gái khi xuất hiện trước đám đông, trong bữa tiệc hay trước người khác phái, tôi đã chưng diện thật đẹp (ít ra đẹp trong con mắt tôi. Tôi diện một bộ váy hàng vải mềm, màu khói hương có lốm đốm những chấm tròn màu đen. Chiếc áo đơn sơ cổ tròn, sát cánh chỉ ngắn tới lưng eo. Và bốn nếp ly nhỏ, phía trước chạy dài từ ngực xuống eo. Phía sau, ở hai sườn lưng giúp cho dáng người tôi gọn gàng đôi chút. Còn chiếc váy đơn sơ hơn, chỉ luồn thun ở bụng, loè xoè rủ đến nửa bắp chân. Bộ váy này chị Loan mua sẵn cho tôi từ tháng trước, tuy không kiêu kỳ sang trọng nhưng thích hợp với mùa hè trong bữa cơm sinh nhật gia đình. 
Chị Loan còn mua kèm cho tôi một đôi khoen màu đen, tròn lũng lẵng, đường kính lớn cỡ một cổ tay. Và một xâu chuỗi cũng màu đen bằng một loại nhựa cây đặc biệt. Trong cách trang phục này, tôi soi mình trong gương, tôi trẻ hẳn đến tám tuổi nhất là nhờ mái tóc thẳng loà xoà chấm ngang vai. Chị Loan cũng trầm trồ khen tôi như vậy. Thế mà trong bữa tiệc, dung nhan của tôi đâu có lọt vào mắt … đen của chàng nào đâu?! Mặc dù hôm đó chị Loan cố công quảng cáo tôi trước mọi người, làm tôi có cảm tưởng ngày sinh nhật là của tôi chứ không phải của anh Vinh. Lúc sai tôi bưng súp đến từng người, loại súp chua cay chị nấu bằng nước dùng gà, măng ta, nấm mèo, ớt tây đỏ, gà xé. Chị còn quậy thêm một ít bột năng cho nước xệt lại, rắc tí hành ngò và đặc biệt nhất trong nước dùng chị nêm bằng xì dầu, dấm và tương ớt; mùi vị khá đặc biệt, lần đầu tiên tôi mới biết thế mà chị quảng cáo món súp này do tôi đứng bếp. Còn nữa, tiếp đến là món thịt xay vê tròn lăn bột chiên xếp nằm giữa những con chim cút rô ti đặt trên dĩa sa lát son, lác đác xung quanh có những khoanh cà chua thái mỏng trông như hình hoa. Lối trình bày này cho ta có cảm tưởng bầy chim đang ấp trứng, chị cũng bảo do tôi trổ tài. Rồi cuối cùng đến món thịt bò thái mỏng, mực thái khía, tôm bốc vỏ nhúng dấm quấn bánh tráng với bún, sa lat, dưa leo, rau thơm… ăn với mắm nêm chị cũng khoe do tay tôi làm nốt. Tôi đâu có giỏi nội trợ như vậy. Mặt tôi cứ thộn ra. Tôi không dám cải chính vì cải chính tức là gián tiếp bảo chị Loan nói dối. Mà nhận mình làm có khác nào cướp công của người khác, nên tôi cứ lặng thinh. Ai hiểu sao thì hiểu.

Trong tiệc tôi ngồi đối diện với anh Sinh và anh Trương. Lưng tôi đâu về phía cửa sổ, ngược với ánh nắng để khó nhìn ra những vết nhăn trên mặt tôi. Mùa hè tại Thuỵ Sĩ chín giờ tối, trời vẫn sáng như ban ngày. Trong vị trí này, tôi dễ dàng quan sát hai anh tự nhiên kín đáo hơn mà những người khách khác như vợ chồng chị Thi, bạn chị Loan khó nhìn ra được.

Theo lời chị Loan kể, Sinh và Trương đều đã từng có gia đình. Một người kết hôn từ Việt Nam, một tại Thuỵ Sĩ. Nhưng cả hai đều đỗ vỡ, chị không rõ lý do. Chị chỉ cần biết một cách đơn giản, cả hai đang độc thân tại chỗ và lẽ đương nhiên có ý muốn lập gia đình.
Sinh và Trương không đẹp lắm. Một người ốm, cao; khuôn mặt xương xương hơi dài quá khổ. Một người mập, lùn, hàng ria mép lún phún trên miệng và cặp kính trắng bóng loáng loại đắt tiền vẫn không tạo cho người đeo vẻ sáng sủa cần thiết. Lòng tôi chợt chùng xuống, tự hỏi, đây là một trong những người sẽ là chồng tôi đó sao?! Chưa có nỗi xao xuyến trong lòng nhưng tôi vẫn cố nói cười tự nhiên tỏ ra thân thiện với hai anh.
Không ai đề cập vấn đề ở lại của tôi, nhưng mọi người như ngầm hiểu ý mục đích của bữa cơm này. Chỉ tội nghiệp chị Loan, cũng vì thương tôi, chị làm tất cả những gì để cho tôi đạt được mục đích.

Sau bữa cơm, trước khi Sinh, Trương về , chị đon đả nhắn tới nhắn lui rảnh hai anh cứ lại chơi, có Lê kể chuyện Việt Nam các anh nghe. Rồi hôm sau, chị có vẻ trông ngóng điện thoại, hy vọng Sinh hay Trương gọi lại, ghé thăm hoặc mời tôi đi uống cà phê. Một tiếng reng nhỏ của chiếc điện thoại cũng làm chị hớn hở, tất bật đón máy. Một lần rồi nhiều lần, một ngày rồi nhiều ngày, vẫn không thấy tăm hơi, nỗi thất vọng hằn rõ trên khuôn mặt chị. Còn tôi, tôi biết làm sao hơn? Chân ướt chân ráo đến Thuỵ Sĩ, thân tôi có khác nào chùm gởi nương vào cây cổ thụ!
*
* *

Tiệm ăn nằm một góc ngã tư, đối diện toà hành chính thành phố và nhà ga xe lửa. Ở vị trí này, tiệm rất dễ tìm thấy cho một cuộc hẹn đối với khách lạ.
Khách lạ chính là người lát nữa đây “coi mắt” tôi và ngược lại. Gã là ai, nghề nghiệp, gốc gác thế nào, bao nhiêu tuổi, chưa ai biết. Sơ yếu lý lịch số 3 đơn giản của gã: gã không phải người Việt Nam.

Cuộc hẹn bắt nguồn từ mục “tuyển phu” đăng trên báo địa phương của người bản xứ :“ Một cô gái Việt, 34 tuổi, trinh nguyên muốn kết bạn với người Thuỵ Sĩ. Hợp, sẽ tiến tới hôn nhân. Liên lạc về số điện thoại…”. Đây là hạ sách cuối cùng chị Loan sử dụng trước sự thúc đẩy của thời gian đối với tôi.
Tôi lẳng lặng theo chị Loan bước vào tiệm. Mùa hè thứ bảy, khách ăn đông nghẹt. Chị Loan kể, dân Thuỵ Sĩ vẫn có thói quen thích ngồi quán dù chỉ nhâm nhi một tách trà, cốc cà phê, một ly bia hay một ly kem cao nghệu khi trời nóng. Mùa hè, các tiệm ăn khởi sắc nhờ thức dậy sau suốt mùa đông lạnh lùng, ảm đạm. Những chiếc dù màu mè in nhữ quảng cáo ngân hàng, các hãng nước ngọt v.v… đua nhau chen ra sân dựng bên những bộ ghế nhựa, mây, tre, gỗ… đủ loại trông rất trẻ trung. Những chậu hoa, cây kiểng đủ sắc, đủ kiểu cũng bày ra bên ngoài, đứng nếp một góc sân, bên cửa ra vào hay máng trên những bệ cửa sổ để vài nhánh lả lơi rủ xuống một cách tình tứ, khiêu gợi. Khung cảnh tươi vui, đẹp đẽ như vậy được tô điểm thêm bởi nắng vàng rực rỡ, mát dịu của khí trời Thuỵ Sĩ mà chị em tôi lại rúc vào nhà tìm một chỗ thật khuất, sau chậu cây si để trốn thiên hạ.

Người bồi bàn đem đến cho chúng tôi một thực đơn. Tôi gọi trà đá chanh, chị Loan dùng sinh tố. Vừa đưa ly nhắp miệng, một bóng dáng đàn ông nhớn nhác ghé bàn nói gì đó với chị Loan rồi bắt tay chúng tôi, ngồi xuống.

Khỏi cần giới thiệu, tôi cũng đoán ông là ai. “Chồng” tương lai của tôi đây mà! Một người đàn ông lớn tuổi – trên dưới cỡ 50. Chững chạc. Hàm râu quai nón cạo nhẵn để lại một lằn xanh xanh với những cọng râu chia chỉa. Ông có nét hiền, phúc hậu nhờ khuôn mặt tròn, chiếc bụng to, bệ vệ, nhưng trên khuôn mặt ông không giấu được vẻ từng trải của kẻ sành đời. 

Sau lời (có lẽ) giới thiệu của chị Loan, ông đưa mắt nhìn tôi. Bốn con mắt nhìn nhau, chầm chậm soi mói cố tìm sự cảm thông, thân thiện. Người ta vẫn bảo “ánh mắt là cửa ngõ của tâm hồn” nhưng tôi nghĩ câu đó chưa đủ nghĩa nếu không có lời để bổ sung. Nhưng nói gì được bây giờ khi tôi một chữ Đức cũng không biết, một chữ Anh, Pháp cũng không. Tôi đưa mắt cầu cứu chị Loan. Chị và ông nói chuyện một hồi. Cứ từng chặp, chị thông dịch cho tôi.
Ông tên Karl, chuyên viên khí tượng, người có lòng ngưỡng mộ phong tục tập quán Á Châu qua kinh nghiệm từ bạn bè, sách vở và những lần du lịch. Sự nhẫn nhục, chịu đựng, phục tùng chồng dù có phần quá đáng của phụ nữ phương Đông đã là nguyên do gây chú ý, lòng ưu ái nơi ông. Rồi bằng đôi mắt hiếu kỳ, sau lần li dị người vợ Thuỵ Sĩ, ông chiếu về phương Đông với tất cả sự tò mò, lôi cuốn, ngưỡng mộ. Tuy nhiên, như kẻ lần đầu phiêu lưu điều mới lạ, ông cẩn trọng dè dặt với sự chín chắn, từng trải sẵn có để đề nghị sống “thử” với tôi một năm trước khi chính thức làm hôn thú. Điều đó, dĩ nhiên, tạm thời tôi được phép ở lại Thuỵ Sĩ trong sự bảo lãnh, đùm bọc của ông. Nhưng phần tôi, ở “thử” hay sống “thực” thực tế cũng vậy thôi. Nghĩa là, tôi phải bán rẻ tấm băng trinh đời con gái bằng tờ hôn thú chưa chắc có của ông. Vì nếu sự thiệt hại xảy ra - giữa tôi và ông không thể sống chung lâu dài được – tôi sẽ được “bồi thường” một vé bay bay trở về Việt Nam! Ông trình bày rõ ràng với chị em tôi như vây. Chị Loan hỏi ý kiến tôi thế nào. Tôi còn biết nghĩ thế nào ngoài nỗi xót xa cho duyên phận tôi.

“Thân em như tấm lụa đào
Phất phơ trước gió biết vào tay ai?”
(Ca dao)

Cay đắng, tôi giương mắt thao láo vô hồn, vô cảm hết nhìn ông Karl rồi đến chị Loan, không thốt được nửa lời. Dẹp hẳn chuyện yêu đương với ông Karl lạ hoắc, lạ huơ đáng tuổi bố mà chưa chắc ông đã mạnh dạn cưới tôi, ngay cả anh chàng Thuần “mát mát”, một căn bệnh thời thế: Thi rớt, thất nghiệp, thất tình, thất vọng rồi thất chí. Chị Thi (ban Chị Loan) bảo, biết đâu (lại biết đâu) sự hiện diện của tôi trong đời anh: an ủi, dỗ dành, khuyến khích hy vọng sẽ biến đổi đời anh khá hơn (hay khùng thêm?!), nên một tháng trước, chị đã nhận lãnh vai trò ông tơ bà nguyệt làm mai tôi với anh. Anh đến tận nhà tôi, ngồi suốt buổi anh chỉ đưa hai con mắt thất thần đờ đẫn lừ lừ nhìn tôi không nói một câu nào. Nếu tôi quan niệm “ánh mắt, lời nói là cửa ngỏ của linh hồn” thì quả thật, trái tim tôi làm sao đồng cảm được với một linh hồn đã bị những thất bại của cuộc sống làm ngây dại. Và để được ở lại, tôi cũng không nỡ lợi dụng anh, nhắm mắt ký vào hôn thú - nếu có - rồi sau này li dị anh. Sợ hãi lẫn thương hại, thương cho anh và chính cả thân phận tôi, tôi chỉ thở dài nhìn theo bóng anh lừ lừ bước ra cửa, sau khi, từ lúc đến cũng như lúc đi, anh chỉ vỏn vẹn nói hai chữ với tôi: “Chào cô!”
​​​​​​*
​​​​​*​​*

Trời sáng tỏ, mặt trời chưa thấy mọc mà ánh sáng lung linh chiếu xuống vạn vật một màu vàng ánh. Các ngọn đèn đường đã tự tắt từ lúc nào. Phòng bên, có tiếng ho nhè nhẹ của bé Uyên lẫn tiếng hót líu lo, ríu rít của đôi chim nhà hàng xóm. Từ ba tháng qua, sáng nào thức dậy tôi cũng nghe tiếng hót thánh thót yêu đời của chúng. Chim nhốt trong lồng, sống có đôi, được chăm nuôi tử tế gần gũi loài người có khác. Chả bù với con dân Việt Nam, bao năm qua ai đã nghe được tiếng kêu thống thiết đòi quyền làm người của con người trong chiếc lồng khổng lồ Việt Nam? Ngao ngán, chán chường, tôi nhìn lại thân phận tôi, nhớ đến quyết định dứt khoát mà ngày hôm nay tôi phải trả lời với chị Loan về đề nghị của ông Karl. Ở lại hay về, cả hai đều làm tôi khổ sở.

Trở về ư? Bao lần vượt biên thất bại, tiền mất tật mang, tù tội khốn khổ để chỉ mong sống trong một xã hội tự do với quyền làm người được bảo đảm tôi làm sao quên được. Rồi còn nỗi thất vọng của tôi và của cả những người thân khi thấy tôi trở về. Những câu ưu ái, những lời chúc tụng với sự tin tưởng vào tương lai đầy hứa hẹn đang đợi chờ ở chân trời mới, tôi vẫn nhớ mồn một. Không, tôi không thểbbỏ về! Nhưng nếu ở lại, tức là tôi đương đầu vào cuộc phiêu lưu đầy mạo hiểm với nỗi lo âu phập phồng cho khoảng thời gian “thử” với ông Karl. Liệu “thử” rồi có “thật” không, hay với tấm vé máy bay, tôi hồi hương bằng một tâm hồn tả tơi, tơi tả??? Rùng mình, tôi nắm chặt bàn tay, xua đuổi mọi ý tưởng cuồng loạn trong đầu.

Có tiếng lục đục của chị Loan trong nhà bếp. Ừ, tại sao tôi không nghĩ đến chị? Sao không hình dung khuôn mặt rạng rỡ , nụ cười tươi thắm của chị nếu từ đây, trên xứ lạ, có tôi trong đời để hủ hỉ, tâm tình?! Nghĩ đến chị, sức mạnh và lòng dũng cảm trong tôi bùng dậy. Đúng vậy, tôi phải liều. Một liều ba bảy cũng liều. Biết đâu từ điểm đó tôi có thể tìm ra một lối đi thích hợp.

Tôi thở phào nhẹ nhõm, vươn vai mỉm cười với ánh nắng lung linh đang len dần vào khe cửa như tán đồng về quyết định của tôi: Ở lại!!!

Trần Thị Nhật Hưng

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
17/01/2018(Xem: 3832)
Lễ Trao Giải Viết Về đạo Phật Ananda Viet Awards Lần Đầu, 3 Giải Chính, 5 Giải Khuyến Khích Tổng Trị Giá Các Giải Là 7000 MK
13/01/2018(Xem: 4078)
Đọc Thơ Tuyển của Cư sỹ Đào Văn Bình, Tình cờ chúng tôi có được tập sách Tổ Ấm Cuối Cùng, Thơ tuyển và Kịch bản, của cư sỹ Đào Văn Bình xuất bản năm 1987, gởi tặng cố Hòa thượng Thích Thiện Trì, chùa Kim Quang tại thủ phủ Sacramento, CA. Tập sách có hai phần: Phần 1 là Thơ tuyển mà tác giả cho biết là "Sáng tác ròng rã qua 9 năm lưu đày tù ngục và 1 năm phiêu linh qua các trại tỵ nạn". Phần 2 là Kịch bản Tổ Ấm Cuối Cùng (Sáng tác từ tại tỵ nạn Sungei Besi). Ở đây tôi chỉ viết cảm hứng của mình khi đọc vài bài thơ trong lúc bị tù đày của một cư sỹ lão thành luôn có tâm với đạo pháp và dân tộc.
12/01/2018(Xem: 4689)
Nhớ lại 3 năm trước, tôi đến Seattle vào một chiều Thu cuối tháng Mười. Vừa rời khỏi sân bay, cảm nhận đầu tiên của tôi đối với đô thị xa hoa có nhịp sống bận rộn này là cái se se lạnh của tiết trời đang độ giữa Thu. Trong tôi lúc đó vẫn còn nỗi bồn chồn lo lắng, tâm trạng của một người vừa xa quê, bước chân vào một đất nước xa lạ. Sự mát lạnh của khí trời như xoa dịu phần nào nỗi lo lắng trong tôi. Có lẽ đó là lý do vì sao tôi vẫn nhớ như in cảm xúc đầu tiên ấy, và dần dần, tôi nhận ra mình có cảm tình với mùa Thu ở Washington.
15/12/2017(Xem: 6419)
Hương Lúa Chùa Quê" Bản Tình Ca Quê Hương của nhị vị Hòa Thượng Thích Bảo Lạc và Thích Như Điển. Sau khi đọc tác phẩm “Hương Lúa Chùa Quê” chúng con không dám mong ước giới thiệu sự nghiệp văn học, văn hóa cả đạo lẫn đời của nhị vị Hòa Thượng. Vì công trình tạo dựng sự nghiệp của các bậc xuất sĩ không nằm trong “nguồn văn chương sáng tác”. Vì xuyên qua mấy chục năm hành đạo và giúp đời, nhị vị đã xây dựng nhiều cơ sở Phật giáo đồ sộ trên nhiều quốc độ khác nhau như: chùa Pháp Bảo tại nước Úc; chùa Viên Giác và Tu viện Viên Đức tại nước Đức. Nhị vị cũng đã mang ánh Đạo vàng đến khắp muôn nơi, soi sáng cho bước chân “người cùng tử” được trở về dưới mái nhà xưa, để thấy lại “bóng hình chân nguyên”; dẫn đường cho những người chưa thể “tự mình thắp đuốc lên mà đi” được tìm lại “bản lai diện mục”. Đó mới gọi là “sự nghiệp” của bậc xuât sĩ. Điều nầy đã có lịch sử ghi nhận từ mạch nguồn công đức biểu hiện và lưu truyền.
15/12/2017(Xem: 88013)
Trải hơn 25 thế kỷ, Chánh Pháp của Phật vẫn được tuyên dương và lưu truyền bởi hàng đệ tử xuất gia lẫn tại gia, đem lại giải thoát và giác ngộ cho những ai học hỏi và thực hành đúng đắn. Chánh Pháp ấy là thuốc hay, nhưng bệnh mà không uống thì chẳng phải là lỗi của thuốc. Trong kinh Di Giáo, đức Phật cũng ân cần huấn thị lần chót bằng những lời cảm động như sau: “Thể hiện lòng đại bi, Như Lai đã nói Chánh Pháp ích lợi một cách cứu cánh. Các thầy chỉ còn nỗ lực mà thực hành… Hãy tự cố gắng một cách thường trực, tinh tiến mà tu tập, đừng để đời mình trôi qua một cách vô ích, và sau này sẽ phải lo sợ hối hận.” Báo Chánh Pháp có mặt để góp phần giới thiệu đạo Phật đến với mọi người. Ước mong giáo pháp của Phật sẽ được lưu chuyển qua những trang báo nhỏ này, mỗi người sẽ tùy theo căn tánh và nhân duyên mà tiếp nhận hương vị.
15/12/2017(Xem: 138396)
Văn Hóa Phật Giáo, số 242, ngày 01-02-2016 (Xuân Bính Thân) Văn Hóa Phật Giáo, số 244, ngày 01-03-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 245, ngày 15-03-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 246, ngày 01-04-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 247, ngày 15-04-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 248, ngày 01-05-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 249, ngày 15-05-2016 (Phật Đản PL 2560) Văn Hóa Phật Giáo, số 250, ngày 01-06-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 251, ngày 15-06-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 252, ngày 01-07-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 253, ngày 15-07-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 254, ngày 01-08-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 255, ngày 15-08-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 256, ngày 01-09-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 257, ngày 15-09-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 258, ngày 01-10-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 259, ngày 15-10-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 260, ngày 01-11-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 261, ngày 15-11-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 262, ngày 01-12-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 263, ngày 15-12-2016
08/12/2017(Xem: 4043)
Đọc “Trúc Lâm Thiền Phái tại Huế” của Thích Tín Nghĩa, Nhân dịp Nguyên Giác và tôi ra mắt sách ở Chùa Bát Nhã, Nam California, Hòa Thượng Thích Tín Nghĩa- Viện Chủ Từ Đàm Hải Ngoại Irving, Texas không về dự được nhưng đã có thư cáo lỗi. Từ việc làm hết sức cẩn trọng và khéo léo đó, tôi sinh lòng cảm mến và làm quen với hòa thượng qua điện thư và được hòa thượng ưu ái tặng cho bốn cuốn sách của chính hòa thượng, bao gồm:
07/11/2017(Xem: 3878)
Nhà thấp nhất trong xóm. Mái tole. Cửa gỗ. Sàn gác gỗ sao. Nó khiêm tốn lọt thỏm giữa những ngôi nhà cao tầng khang trang, kiên cố với beton cốt thép, cửa sắt, cửa kính chịu lực... Diện tích gian dưới của căn nhà cấp 4 này chỉ 24 mét vuông, chia thành hai gian, bếp và nhà vệ sinh chiếm hết gần một nửa, còn lại chừa cho gian phòng khách chật chội với bàn ghế, divan, tủ sách, chỗ để hai chiếc xe máy... Vậy mà vào lúc sáng sớm, khi cơn bão Damrey dữ tợn bắt đầu đổ bộ vào đất liền, hung hăng sấn vào lòng thành phố biển Nha Trang, căn nhà khiêm tốn trong hẻm nhỏ này là nhà duy nhất mở cửa để đón nhận 15 người khách lỡ đường chui vào nương trú để tránh bão. Duy nhất. Vì mọi nhà xung quanh đều đã cửa đóng then cài kín bít từ đầu tối hôm trước.
05/11/2017(Xem: 24917)
Cách Đọc Tên và Phát Âm 23 Chữ Cái, Hiện nay tại Việt Nam cách gọi tên và cách phát âm 23 mẫu tự tiếng Việt vô cùng lộn xộn. Thí dụ: Trên chương trình Thời Sự Quốc Phòng, thiết vận xa M.113 có cô đọc: em mờ 113. Có cô đọc mờ 113. -Chữ N có nơi đọc: en nờ (âm nờ hơi nhẹ). Có nơi đọc nờ.
12/10/2017(Xem: 11779)
Viết về anh Bùi Giáng là một việc làm cần lòng can đảm. Thậm chí cần rất nhiều can đảm, có khi phải nói nôm na là liều mạng mới dám viết. Những người có thời gần gũi và thương mến anh ai cũng có lần cảm nhận điều đó. Anh thích người ta đọc sách anh, thưởng thức thơ văn anh, nghiền ngẫm tư tưởng của anh. Nhưng ngược lại anh hay nổi nóng nếu ai hiểu sai ý anh. Anh rất giận khi có ai viết sai một chữ, kể cả sai một dấu phẩy, những câu thơ của anh. Có rất nhiều khi anh cho đó là một sự xuyên tạc có hậu ý. Dù sao, anh và tôi đã từng sống chung gần ba năm trời ở Vạn Hạnh chả lẽ không có gì để nói, lâu nay tuy rất muốn viết nhưng tôi vẫn cố tránh, cho đến khi có người nhắc.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]