Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần 6: Nếu sớm nhìn vũng nước

14/05/201316:56(Xem: 11733)
Phần 6: Nếu sớm nhìn vũng nước
chung_toi_co_mat


23.- Nếu sớm nhìn vũng nước

Võ Hồng - Chúng tôi có mặt

Có một bà mẹ khôn ngoan lanh lợi, đó mà điều đại hạnh. Nhưng không phải trường hợp của chú Khỉ muộn màn này. Tuổi đời của chú, tính theo mùa trái thị rừng thì khoảng tám lần thị rừng chín. Vậy là tương đương với ba mươi lăm, bốn mươi tuổi của đời người. Vậy mà vẫn cứ độc thân.

Nguyên do tại bà mẹ mà ra. Hồi mới bắt đầu biết yêu, một hôm cậu dẫn về một cô Khỉ xinh xắn để giới thiệu với mẹ. Khỉ mẹ quét qua một cái nhìn nhanh hơn máy tính điện tử. Các đáp số nhảy ra tới tấp. Mắt tròn xoe hau háu: được. Mũi tẹt: tốt. Hám trên dô ra: đúng tiêu chuẩn. Hai tai... hai tai không nhỏ lắm nhưng đóng quá sát đầu. Lại cao hơn đường lông mày.

Nhưng câu chuyện xã giao vẫn dòn dã:

- Cha mẹ cháu có ở xa nơi đây không?

- Dạ thưa bác nhà cháu ở dưới rừng Cấm, thôn Long Hòa.

- Ông bà vẫn sức khoẻ?

- Dạ khoẻ lắm. Cha cháu xơi tới năm trái bắp vào buổi ăn sáng.

- Lông mặt... à quên... rằng thì là... mẹ cháu... à... à cũng... ăn bắp?

- Dạ thưa Bác tùy mùa. Cũng có mùa động rừng cả nhà phải cầm cự với một nắm trái đát.

Vân vân. Câu chuyện xã giao cứ được đẩy tới, nhưng Khỉ mẹ hay ấp a ấp úng, nói hớ nói lẫn, vì vừa nói chuyện vừa âm thầm coi tướng cô gái. Ðang coi tướng lông mặt thì nói hớ "lông mặt", đang coi tướng bàn chân thì nói lỡ "bàn chân". Khi cô khỉ ra về, Khỉ mẹ bảo con:

- Gia thế thì được nhưng tướng mạo con nhỏ có chỗ chưa ổn. Nó có tướng khổ. Hai tai đóng sát quá đầu. Lại thêm lông mặt sậm hơn lông tay. Cũng là tướng khổ.

- Mẹ nói vậy chớ giàu nghèo đâu do cái tai và màu lông mặt ?

- Mày nói vậy mà nghe được! Tướng pháp dạy:

Tai nhỏ đóng sát quá đầu
Ðừng hòng sang giàu, phủi lủm là may.
Lông mặt sậm hơn lông tay
Là số ăn mày, chết đói có phen.

Tao nói có sách.

Mối tình đầu như vậy là tan vỡ. Bởi chưa yêu nhiều, chưa kịp thề non hẹn biển nên cậu Khỉ cắt đứt nhẹ nhàng.

Mùa trái sim năm sau, cậu Khỉ đưa về một cô khác. Cô này lớn tuổi hơn cô trước và ngó mập mạp hơn. Cũng bắt đầu cuộc trao đổi xã giao:

- Dạ, gia đình cháu ở Phong Thăng, ở chòm cây muồng, sau chùa Bảo Sơn... Dạ một mẹ một con... Dạ cha cháu bị tai nạn ô tô chết ở Ðèo Thị.

- Uở, khỉ đi đâu mà cũng đi ô tô?

- Dạ không.. Cha cháu đi nhổ trộm đậu xanh ở cái rẫy ngay Ðèo Thị. Bị chủ rẫy gõ mõ rượt theo. Cha cháu phóng ngang qua đường ô tô, bị xe chạy trờ tới cán chết.

Nó nói nó nghe. Khỉ mẹ cứ đặt câu hỏi xong là lo quan sát từ đầu tới chân, từ lưng sang ngực. Khi cô khỉ chào ra về khỉ mẹ ngồi ưu tư. Cậu khỉ sốt ruột, hỏi:

- Sao ? Ðược không, mẹ ?

Khỉ mẹ không trả lời, nheo nheo mắt nhìn ra xa. Cậu khỉ dục:

- Sao, mẹ ?

Khỉ mẹ quay lại:

- Hồi nãy mày có để ý thấy nó gãi sột sột vừa khẹc khẹc ?

Cậu Khỉ nhíu mày, tập trung trí nhớ.

- Cái hồi nãy mày thót lên nhánh bứa, lấy trái chuối mời nó...

- À, nhớ rồi. Lúc con thót lên cây, bầy kiến bù nhọt rớt xuống nhằm vai cô ta. Phải lật đật phủi.

Khỉ mẹ khoan thai lắc đầu:

- Không đơn giản như vậy. Ông Ngoại mày xưa có dạy:

Vừa khẹc vừa thò gãi hông
Lấy chín ông chồng cũng chẳng thấm đâu.

Tướng sát phu.

- Trời !

Cậu Khỉ hoảng hốt kêu lên. Khỉ mẹ giơ ngón tay trỏ lắc qua lắc lại:

- Chưa hết. Mày có để ý thấy cái tay của nó không? Bàn tay thù lù, ngón tay cụt ngủn.

- Thì sao ?

Mặt cậu Khỉ tỏ vẻ xao xuyến.

- Thì thế này:

Tay khỉ mà giống chân heo
Ðời cha đã nghèo, nghèo tới đời con.

Cậu Khỉ im lặng đứng dậy bỏ đi.

Sáu mùa ổi chín tiếp tục trôi qua. Một hôm đi ra suối uống nước, Khỉ mẹ thấy cậu Khỉ ngồi cạnh một cô Khỉ ngó đã trọng tuổi. Nhác thấy Khỉ mẹ, cô Khỉ đứng dậy chào:

- Dạ thưa bác.

- Ờ, cháu ngồi chơi. Nhà cháu ở đâu?

- Dạ, cháu ở Ðồng Miếu.

-Dưới đó rẫy bái ra sao?

- Dạ thất lắm. Năm nay trời hạn mưa ít, cây bắp cao mới ba tấc mà đã trỗ cờ.

- Trên này cũng vậy. Tai trời ách nước. Dưới đó còn có đường sống hơn. Còn có mùa đậu phộng và mùa dưa hấu.

- Dạ ...

- Lỡ có bị rượt đuổi thì nhảy qua Núi Bà cũng gần.

- Dạ...

Vừa nói chuyện vừa quan sát cô Khỉ. Tướng này không phải con gái. Ðẻ hai lần là giá chót.

Buổi chiều khi thấy con trai vui vẻ, Khỉ mẹ chận đầu:

- Mày thương con đó ?

Cậu Khỉ im lặng đi thẳng vào ổ nằm, không trả lời.

- Sao ? Ngó bộ mày thương con đó mà.

Cậu Khỉ vẫn im lặng.

- Chớ hết con gái rồi hay sao mà đi thương một đứa nạ dòng?

Cậu Khỉ lặng lẽ gỡ những mảnh lá ghim lòi xòi nơi thành ổ. Nhìn những cử chỉ chậm chạp thẫn thờ của con, khỉ mẹ bỗng trầm ngâm. Gần đây rõ ràng là con của mụ đã trở nên lầm lì, đi đứng uể oải. Nó không còn được tính xông xáo, không thích nhập bọn cắn nhau rượt nhau với lũ khỉ cùng lứa tuổi nữa. Mỗi lần nói chuyện với mẹ với cha thì toàn giọng nhát gừng gây gổ. Nó buồn việc lứa đôi. Mấy đứa bạn cùng trang lứa với nó đều đã lập gia đình hết rồi. Thằng con chị Khỉ thọt láng giềng, vợ đang có mang. Con dâu mụ Khỉ Ghẻ ba hoa đã sinh cho mụ một đứa cháu nội bụ bẫm giống cha nó như đúc. Lòng chợt thương con, mụ lại gần vuốt ve đầu nó, dịu giọng ân cần:

- Con nói thiệt với mẹ đi, con thương nó lắm hả?

Cậu khỉ vẫn ngậm câm.

- Nó có con rồi, nó có kinh nghiệm nuôi con, vậy là nó biết chịu khó. Không còn ham vui, bỏ nhà đi chơi sa đà, bồ bịch lung tung như mấy con khỉ xí xọn mới lớn. Như vậy là mày cũng có chỗ nhờ. Mà này, mẹ hỏi thiệt, nó có hay đi lén chơi đêm với thằng khỉ độc thân nào không?

Cậu Khỉ lắc đầu.

- Vậy là tốt. Nó có lén đi chơi đêm với thằng khỉ đã có vợ nào không?

Cậu Khỉ lắc đầu.

- Ờ, vậy thì tốt. Nhớ tránh xa những con lãng mạn. Lũ người ta tranh giành gái, chúng nó tạt át xít, ném lựu đạn, tông xe cho chết, âm mưu vu khống. Nhiều thứ nữa. Lũ Khỉ nhà mình thì cứ lén ném đá cũng đủ chết nhăn răng.

Nghe cậu Khỉ thở dài.

- Dưới Ðồng Miếu dễ sống hơn trên này. Hoa vụ quanh năm. Trên này đa phần trông nhờ ở trái cây rừng ... Tao không được an tâm. Ðó là hồi nó ngồi ăn mía với mày, tao thấy sao miệng nó nhai lia lịa mà con mắt cứ ngó láo liên.

- Sợ thằng chủ mía nó tới lén đánh bất ngờ. Mình bẻ trộm...

Khỉ mẹ ngắt lời:

- Không phải. Ai lại không sợ ? Dòng họ khỉ nhà mình chuyên môn ăn trộm ăn cắp thì phải sợ quanh năm, sợ suốt đời. Sợ người lớn. Sợ trẻ nhỏ. Sợ cả con chó. Nhưng sợ cũng có trăm cách sợ. Ðằng này vừa láo liên con mắt mà cái miệng cứ cạp lia lịa không nghỉ. Tướng pháp dạy rõ ràng:

Miệng nhai mắt ngó láo liên
Ðâu phải đứa hiền, nuốt sống chồng con.

Tao sợ nó ăn tươi nuốt sống mày.

Cậu khỉ im lặng, đôi môi bậm lại. Một cơn gió rừng chợt thổi lên ào ào lá khô rơi lả tả.

- Có thêm một điều này nữa khi nó nói chuyện với tao, tao thấy hàm răng không đều, không ngay ngắn. Mà xộc xệch cái nhào vô cái ngửa ra, cái cao cái thấp không thua bờ đá ngoài suối.

Mụ ngừng nói nhìn con, đợi con có ý kiến. Nhưng nó chỉ bậm môi.

- Tao lo cái mục này hơn hết. Hồi mẹ tao còn sống, bà hay sai tao đem chuối đem bắp cho cụ Khỉ Hen ở khu rừng bên đây. Cụ già yếu mà không con cháu để nương tựa. Mẹ tao nói cái tướng của cụ là tướngcô bần hình khắchiện rõ hồi còn con gái:

Hàm răng xộc xệch vô ra
Ðẻ con, con chết tuổi già cô đơn

Con bạn mày cũng có tướng đó.

Cậu Khỉ vụt đứng dậy bỏ ra ngoài. Ði luôn cả đêm. Ði luôn cả ngày hôm sau. Ði luôn suốt cả mấy mùa trăng.

Lão Khỉ cha bắt đầu sốt ruột. Thằng này hiền lành nhút nhát, nhu hòa thảo thuận mà đến nỗi phải bỏ đi hoang! Ông đành chọn một bữa ăn uống no nê xong mà nhếch mép:

- Bà... khừ khừ... cũng nên một vừa... khừ kkhừ... hai phải...

Mụ Khỉ nghếch mắt ngạc nhiên. Mới nghe "Bà... khừ khừ...", mụ những tưởng là lão lại bị đau bụng, nhờ mụ chạy kiếm cho nắm lá trâm lá ổi. Thậm chí mụ còn định nhảy thót đi kiếm lập tức, khỏi cần nghe lão nói tiếp. Chứng đau bụng tháo dạ gắn liền với đời lão như cây rong cây rêu gắn liền với con suối. Nào ngờ lão trở chứng nói... cách ngôn !

- Chuyện vợ con... khừ khừ... lời tục đã chê... khừ khừ... Khỉ hay bắt chước... khừ khừ...

Mụ Khỉ gạt ngang:

- Dẹp, dẹp. Có cần lá ổi, lá trâm thì nói. Không thì im cái miệng. Chuyện tướng pháp là chuyện ... cao, ông với không tới đâu. Này, làm sao mà không tin được? Con Khỉ Ðĩ Thúi, mắt hí mà liếc trai như chớp - cô bạn gái quí ngày xưa ông mê chết đó, ông còn nhớ không - Ðứa nào có chồng mà thấy nó là cà tới chơi đều đặn là phải sợ. Ông biết tướng pháp nói sao không? Gọn thôi. Có tám chữ:

Gặp đứa mắt hí
Giữ chồng cho kỹ

Nghe lão khừ khừ, mụ ngừng nói, đợi. Nhưng sau cái "khừ khừ" (chắc do một cục đờm trồi lên, phải vội đuổi xuống), lão thò tay xuống mông để gãi. Mụ liên tiếp:

- Như mụ Khỉ Chột ở dưới miễu bà Trang đó. Ngay từ hồi con gái mà không bao giờ gọn gàng. Cái đuôi cứ kéo lè phè. Ngồi lê xóm trên lết qua xóm dưới, ăn xong phủi miệng là kiếm chỗ ngồi lê. Tướng pháp nói có sai đâu?

Ðứa nào đuôi kéo lè phè
Nói láo có sách, dại nghe mà lầm.

Khỉ cha "khừ khừ". Lần này thì có nói:

- Ðuôi kéo lè phè... khừ khừ... thì bà chớ còn ai... khừ khừ... sách nói đúng... khừ khừ... Bà nói mười điều khừ khừ... thì chỉ nên tin hai...

- Thằng già xỏ lá - mụ nạt to, mắt long sòng sọc, ngón tay chỉ vào mặt chồng - tao ở với mày bao nhiêu năm, tao nói láo mày mấy lần?

Khỉ cha vẫn còn nhìn xuống đất, giọng chậm chậm rề rề:

- Còn miệng nhai mà... khừ khừ... con mắt láo liên thì cũng là khừ khừ... tướng của bà. Hàm răng xộc xệch... khừ khừ... thì cũng là...

Bất ngờ một trái đu đủ chín bay vụt tới đánh "bịch" một cái vào đầu lão. Ðu đủ bẹt ra, nhão nhẹt, dính tùm lum lên cổ, nhét vào con mắt, vào lỗ mũi, lỗ tai. Vậy là lão lặng im lo gỡ, lo phủi, lo lau. Và lão im lặng tiếp trong suốt vài mùa ổi nữa, ngoại trừ khi đau bụng phải xin nắm lá. Miệng lão thật giống y miệng con thủy long trong truyền thuyết ông Ðinh Bộ Lĩnh, năm trăm năm mới hả một lần.

Mùa Ðông năm đó mưa nhiều hơn mọi năm. Con suối kề bên nước chảy đầy. Nước đổ xuống những chỗ trũng thành ao thành vũng. Rong rêu phát triển một màu xanh tối khiến các cái ao biến thành những gương lớn. Và ngẫu nhiên một hôm Khỉ mẹ nhìn xuống một trong những cái ao đó.

Thấy có một cái mặt Khỉ già nào đang nhìn mình, mụ quay lại. Không có ai hết. Chỉ có một mình mụ. Mụ tò mò nhìn lại, can đảm nhìn lại. Ðây là mặt của mình? Có tin nổi không? Con mắt hí tới cỡ này? Hí hơn con Khỉ Ðĩ Thúi mà mình đã nặng lời chửi rủa! Còn cái tai của mình! Trời ơi, không những nó đóng sát đầu, nó còn lọt tuốt vô trong đầu. Bởi chưng tai mình có thành quách gì đâu? Chẳng biết mắc cái tật bẩm sinh gì mà gần như không có vành tai mà chỉ có lỗ tai. Nghĩ tội nghiệp con nhỏ Rừng Gấm. Lông mặt mình quả là có lợt hơn lông tay, nhưng tại mình già rồi, đáng lẽ nó còn bạc phơ như râu tóc của lũ người. Chớ đâu phải là quí tướng?

Nhe thử bộ răng. Trời! Mụ muốn xỉu luôn. Suýt nữa thì ngã ùm xuống ao. Còn có từ ngữ nào nặng hơn, mạnh hơn từ ngữ "xộc xệch vô ra" nữa, hở mấy ông làm tự điển?

Hàm răng xộc xệch vô ra
Ðẻ con, con chết...

Ðâu có? Con nhỏ Ðồng Miếu nghe nói sau đó nó về làm vợ nhỏ cho thằng Khỉ chúa tể rừng Ngang và đẻ thêm được với thằng này tới sáu đứa con trai. Còn mình, chính mình mới bị con bỏ đi...

Những cái gương của thiên nhiên ! Mụ đã được nhìn vào gương quá chậm. Bao nhiêu độc ác bất công đã lỡ phạm phải rồi. Mụ có quá nhiều tướng xấu, đủ mọi tướng xấu, từ sợi tóc cho tới móng chân, từ minh tiện cho tới ám tiện (1). Miệng loa như thổi lửa: khổ suốt đời, lưỡng quyền cao: khắc phu, lộ xỉ: khắc tử, cổ ngắn, rún lồi, tiếng nói oang oang như tiếng khỉ đực, đi vẹo mình như rắn bò, bước như chim sẻ nhảy... vân vân. Thấp xa, thua xa, xấu xí hơn nhiều, hèn mạt hơn nhiều so với con nhỏ Rừng Gấm, con nhỏ Phong Thăng, con nhỏ Ðồng Miếu. Tội nghiệp con nhỏ Rừng Gấm. Không ngờ nó yêu thằng Khỉ của mụ tha thiết chung thủy đến nỗi nó thề không yêu ai nữa, cứ ở vậy hầu cha mẹ, từ chối mọi chàng trai. Gần đây mụ mới biết được điều ấy.

Thằng con mụ thì lang thang chẳng biết hiện giờ ở dưới chân trời nào. Nó còn sống hay đã chết? Chết vì tình thì lũ người là ưa chết, chưa có loài vật nào bắt chước. Cả loài Khỉ. Nhưng biết đâu thằng Khỉ của mụ lại chẳng muốn làm một phát minh, mở một con đường mới ?

Vậy là mụ nhắn nhe tìm kiếm tuốt tới Ðèo cả. Kiếm tuốt tới Ðèo Cù Mông. Kiếm tuốt tới đèo M'drack. Trời ơi, sao rừng núi dễ ghét quá, đi hoài không hết, đi tới đâu cũng tới rừng. Chỉ có mượn người tìm xuống hướng Ðông, gặp biển Tiên Châu, Phú Thịnh là yên lòng, đi quật trở lại.

Lại tiếp những mùa ổi chín, mùa sim chín, mùa thị, mùa bứa, mùa xay, mùa đát, mùa chà là. Ðến hồi tuyệt vọng thì chú Khỉ trở về. Gầy rạc, ốm nhom và dáng đi phờ phạc. Hỏi không muốn trả lời. Hỏi đã đi những đâu, đi với ai, ở với ai, khoẻ đau ốm ra sao, phong cảnh đẹp xấu ra sao... cậu Khỉ đều im lặng. Tiếng "khừ khừ" của lão Khỉ cha do đó mà làm mụ Khỉ quay ra nổi xung:

- Hoài ! Ngày nào giờ nào cũng khừ khừ. Ði lên Cà Lố mà khừ khừ. Ði xuống Gành Ðò mà khừ khừ.

- Chớ bà biểu tôi không khừ khừ thì tôi còn biết làm cái ... khừ khừ... gì?

Cậu Khỉ cố nín mà không giữ được. Cười ngất một trận dài, và không khí căng thẳng được lắng xuống.

Cuộc sống tiếp tục. Như mọi người nữ khôn lanh khác. Khỉ mẹ không công khai nhận những lầm lỗi của mình, mà chỉ nhẹ nhàng lướt qua không nhắc đến nữa. Mụ khuyên con hãy chọn một đứa nào đó.

- Con già rồi. Nơi đỉnh đầu, tóc rụng nhiều, dấu hiệu sói bắt đầu.

Cậu Khỉ nói:

- Ðâu có sao? Ðàn ông mà.

- Nhiều nếp nhăn trên trán. Tuổi đã cao. Hay nhức khớp xương.

- Uống vài nắm lá lốt. Lót lá ngũ trảo mà nằm.

Mùa đào trộm củ mì năm đó, chú Khỉ - bây giờ đi đâu, lớp trẻ cũng kêu bằng chú, hết còn kêu anh - quen với một chị Khỉ góa chồng. Nhan sắc tàn tạ, thua xa những cô Khỉ. Cũng do đám rẫy đất sỏi quá cứng mà nên quen. Hai bàn tay Khỉ không đủ sức để moi, phải cần tới bốn. Chú Khỉ lỡ thời phải nhờ hai bàn tay của chị Khỉ góa chồng.

Mụ Khỉ già nghe phong phanh con mình có bạn gái, liền dịu dàng hỏi dò:

- Nó khá chớ ?

- Xấu.

- Thôi kệ. Già kén... Miễn là nó có quí tướng. Tai thế nào?

- Thua con Rừng Gấm.

- Răng ?

- Rụng ráo trọi rồi.

- Tay ?

- Thua tay con Phong Thăng. Ú na ú nần còn hơn chân Heo Ðại Bạch.

- Lông mặt ?

- Cái đó thì được, không sậm hơn lông tay. Nhưng tại vì nó lớn tuổi.

- Cái cằm ? Chìa ra hay thụt vô ?

Từ nãy đến giờ mới thấy mặt chú Khỉ tươi lên một chút. Giọng chú ngọt ngào:

- Không thụt vô như khỉ mà chìa ra như người.

Nào ngờ Khỉ mẹ nhíu mày lắc đầu:

- Ðừng tưởng giống người là quí. Khỉ mà hàm vuông chìa ra, địa cát rộng thì chỉ là tướng ác khẩu. Chuyên môn dòm ngó nhà người khác rồi bươi móc nói xấu. Tướng đó... mà thôi, lạy Trời phật, lạy Ðức Tề Thiên. Còn tướng đứng tướng đi ? Còn cái đuôi ?

Chú Khỉ đã tỏ dấu bực bội nhấp nhỏm muốn đứng dậy.

- Xấu hết. Khỏi nói nữa. Chỉ toàn tiện tướng.

Khỉ mẹ thở dài, giọng rời rạc:

- Thôi kệ. Nhờ phước đức ông bà. Cái tướng dẫu hèn nhưng nhờ cái tâm hiền lành thì cũng qua đi. Kệ, mày cứ ưng đi, con.


(1) Theo tướng pháp có những tướng xấu hiện ra ngoài dễ thấy (minh tiện) và những tướng xấu giấu kín khó thấy (ám tiện)
24.- Chân dung hạnh phúc

Võ Hồng - Chúng tôi có mặt

Heo đang nằm suy tư. Không nói ngụy đâu, nó đang nằm suy tư một cách nghiêm chỉnh thiệt. Nó thuộc giống Heo Bò, chân cẳng cao, vóc dáng vạm vỡ, chắc nịch. Màu da màu lông hung hung đỏ. Ăn to, tốc độ lớn trung bình nên khoẻ mạnh cân đối. Không như heo Ðại Bạch mau ú hóa ra mập bệu, nhiều mỡ, yếu xìu. Lại cũng không như Heo Cỏ, lớn chậm rì, nuôi hoài mà không nhích hơn con chuột cống. Lớn quá mau hay quá chậm cũng đều bất bình thường, trí óc ngu tối là lẽ đương nhiên. Còn như Heo Bò giữ đạo Trung Dung thì bắt buộc phải thông minh, đó cũng là lẽ đương nhiên.

Heo bò suy nghĩ mông lung về số kiếp của mình. Sao mà sung sướng quá thế này? Cả ngày chỉ ăn rồi nằm, nằm ngủ chán thì mở mắt ra mà nằm thức. Nằm hoài ê ẩm xương cốt thì đứng dậy. Chỉ có ba thế đứng cần thiết, để ăn, để tiểu tiện, để đại tiện. Còn ngoài ra toàn những thế đứng vô ích: đứng nhìn vẩn vơ ra ngoài đường, nhìn lơ đãng những bộ phận của cái chuồng, nhìn con Heo Sia và con Heo Úc nằm chung chuồng. Phải tìm mọi cách để tiêu khiển cho hết thì giờ. Cạp vào trụ rào chơi. Hất cho ngã lăn cái máng chơi. Ũi mỏ vào hai con heo, phá giấc ngủ của chúng chơi. Giành ăn với chúng chơi... Phải tìm cách hành hạ hai con heo này. Chúng nó biết khổ biết sướng thì mình hành hạ mới thích. Chớ trụ rào cắn cũng như không. Hạch xách về lai lịch của lũ nó:

- Nè, mày quê ở đâu?

- Dạ thưa anh Hai, quê em ở dưới Cửa Bé.

- Ai đem mày lên đây?

- Dạ bà chủ Nái đem em lên chợ Ðầm bán. Bà chủ này mua.

- Còn mày?

- Dạ em ở Diên Phước.

Heo Bò nạt to "Bậy!" khiến hai heo kia giật mình.

- Bậy! Mày mà ở Diên Phước? Tao đây mới ở Diên Phước.

- Dạ mẹ em nói bả đẻ em ở tại làng Thanh Minh mà. Thuộc xã Diên Phước thiệt mà.

- Thanh Minh thuộc Diên An. - Heo Bò dõng dạc phán.

- Dạ, kính thưa anh Hai, dạ... Diên An cũng được.

Cứ nhìn ra đường là thấy mình sung sướng, nhàn nhã. Ông xích lô cong lưng đạp, trên xe có người ngồi. Ông ba gác nhoài người đẩy cái xe chất đầy hàng chông chênh. Thỉnh thoảng có con bò lịch kịch kéo cái xe cao lênh khênh trong xếp đầy gạch, đá. Buổi sáng có những bà đi chậm chạp bưng thúng miệng rao "Ai ăn xôi".

Buổi trưa có những chị gánh rao đậu hũ. Buổi tối có những bóng đen rung chuông khiêng rác. Những sự đạp, đẩy, kéo, bưng, gánh... mình được miễn hết. Mình chỉ có nằm.

Nhìn vô trong nhà lại cũng thấy mình sung sướng nhàn nhã. Bà chủ cong lưng đạp máy may từ mờ sáng. Tám giờ hối hả dắt xe đạp đi chợ. Mười giờ về lật đật vô bếp. Trưa ăn xong, ngồi lại máy may. May cho tới chiều. Ăn tối xong lại may dưới ánh đèn.

- Này Sia, mày có thấy bà chủ khổ không?

- Dạ thưa anh Hai, dạ có.

- Khổ thế nào?

- Dạ, mỗi khi bà chủ đi đâu về, thấy nhà cửa bề bộn, bả la hét ầm ĩ rồi chạy đi kiếm cái chổi đánh bịch bịch vô đít thằng con. Rồi bả nằm thở phèo phèo.

Heo Bò bật cười. Ðúng là đồ ngu. Ðược đánh mà la khổ!.

- Còn mày? - Heo bò nhìn qua con Heo Úc.

- Em thì thấy bả sướng

Heo Bò và Heo Sia cùng ngạc nhiên.

- Em thấy bả ngồi đạp cái máy, nó chạy rì rì cả ngày, nghe êm tai.

Thật là ngu tột đỉnh. Nhưng cãi làm gì cho... mệt? Nằm nghĩ ngợi mông lung nó khoẻ hơn. Nói rằng thân heo sướng hơn Vua thì có sai không? Bởi ông Vua còn phải lo việc nước. Ðằng này bà chủ oai quyền dường đó mà mỗi khi trời mưa, bả sợ dột ướt heo lạnh, bả chạy táo tác lội mưa kiếm ván kiếm tôn kiếm chiếu mà che cho mình. Cả ông chồng và lũ con cũng đều lội mưa và bị bà quát nạt tới tấp nếu họ làm chậm. Bữa ăn của mình được chăm sóc kỹ hơn bữa ăn của một số người. Phải có cám tổng hợp, có bột mì, có rau muống, có đầu cá, ruột cá đặt mua dưới chợ đem về nấu chín trộn vô. Có thêm cơm cho ngon miệng. Gần đây không biết do ai bày còn có thêm hèm rượu gạo. Trời ơi, bữa đầu lạ miệng, chua chua nồng nồng, giành nhau mà xộc, xộc đầy bụng say mèm nằm lăn cù ra ngáy.

- Này Sia, mày có nghĩ rằng bà chủ cưng mình hơn ông chủ không?

- Dạ thưa anh Hai, cưng hơn.

- Sao?

- Tháng trước anh Hai ham ăn cùi của trái khóm, bị tiêu chảy. Bà chủ sai ông chủ lên nhà ông Thú y Thạnh mua thuốc. Ði về tay không, nói ông Thạnh vắng. Bà sẵn cái mùng đang máy chưa kịp tra nóc, chụp luôn lên đầu ổng.

- Có cưng hơn con gái của bả không? Ðể cho thằng Úc nói.

- Dạ, kính thưa anh Hai: cũng cưng hơn. Hôm thứ Năm, con gái bả mê đánh chuyền với bạn Huyền, con ông Du, quên tắm heo. Bả đi chơi về hỏi. Trả lời ú ớ, bả phết cho một thanh củi.

Heo Bò cười khè khè. Nghĩ cũng lạ. Hồi mình còn ở Diên Phước, nhàn thì có nhàn, nhưng sướng thì chưa sướng. Ở thôn quê mà nuôi heo thì chủ yếu là kiếm chuối cây xắt mỏng, độn thêm rau lang, trộn thêm cám. Nuôi heo như bỏ ống, bỏ tiền bùng binh, nhưng mà nghèo thì tiền đâu mà bỏ ống? Bất ngờ có một bữa người ta rượt bắt mình bỏ vô rọ. Sợ quá. Họ làm gì mình đây? Lùa bắt cái kiểu tàn bạo như vậy thì nhất định không phải để đem mình đi phong vương. Nào ngờ mình làm vua thiệt nơi cái góc sân này. Một hôm nghe bên nhà ông ngoại Xu lũ nhỏ học bài gì nói có ông Vua Ngọa Triều. Mình tức cười. Nằm cười một mình. Mình là ngọa triều đó, chớ ai.

Tiết tháng Mười, cái lạnh của nước mưa qua đi, được thay thế bởi cái lạnh của gió bấc. Gió thổi vun vút lùa qua những khe hở, mọi lỗ hở để phải nhét giẻ vào. Hai đứa con lục tung khắp xó xỉnh tìm những quần áo cũ để xé giẻ. Xé miếng nhỏ quá bị la đã đành, xé quá to bà nhét vô không lọt cũng bị hét. Khi nhét xong vô nhà, mồ hôi nhỏ giọt, nhìn đống quần áo bừa bãi mà hai đứa nhỏ cứ bỏ đó bình tĩnh ngồi học bài, bà lại la ó. Heo Bò lại cười thầm, lại có dịp thưởng thức giá trị của mình. Quả mình sướng hơn vua.

Một hôm nhìn con chó Ca-rô đi lưỡn thưỡn cạnh chuồng, miệng ngáp dài nhe hai hàm răng trắng nhỡn. Heo Bò hỏi Sia:

- Mày nghĩ sao về con Ca-rô?

Câu hỏi cao quá trí thông minh tiêu chuẩn của Heo khiến Sia nghếch mặt lên. Hàng lông mi lợt lạt, tiệp màu với lông mặt khiến đôi mắt lờ lờ, trông xấu xí vô duyên lạ. Heo Bò:

- Ý tao muốn hỏi mày khen chê thương ghét thế nào.

- Dạ, thưa anh Hai, muốn thương mà thương không vô. Có mấy lần nó dám chõ mỏ sủa anh Hai.

Heo Bò gật gù:

- Lúc đầu nghe nó sủa, tao sợ vừa chạy vừa hộc. Thấy bà chủ vác gậy rượt theo đập, tao không hiểu vì sao. Ðôi ba lần mới rõ: bả sợ tao chạy sút cân. Nghĩ lại mình ngu. Nhưng tao liền khôn ra. Trả thù. Mỗi lần nó lại gần, dù nó không sủa, tao cũng hộc. Vậy là nó bị đánh oan, tơi bời.

Cả ba khoái trá cười. Lát sau Úc rụt rè:

- Dạ thưa anh Hai, nghĩ thân nó cũng tội. Cả đêm ít ngủ. Tối phải lo canh heo. Chuồng che trước sân, sát đường cái, sợ ăn trộm. Nghe miệng thiên hạ thì heo chưa mất, đã mất ngủ. Bà này nói:

- Nó nhảy qua hàng rào này như chơi. Thò miệng cái bao gai ra, chụp vào đầu con heo. Vác đi gọn.

Lão kia thêm:

- Bao gai chứa sẵn một mớ mạt cưa. Chụp vô đầu, con heo sặc tá hỏa. Hết la.

Chị khác trề môi:

- Mạt cưa chưa thấm. Tro bếp chắc ăn hơn.

Bà chủ chống cự một cách yếu ớt:

- Có con Ca-rô, em bắt tối tối nằm cạnh bên chuồng heo.

Nhiều tiếng cùng "Ồ" lên một lượt, giành nhau:

- Trời hỡi! Còn tin ở chó! "Nó" đi ngoài đường, ném vô một miếng thịt nướng có tẩm thuốc chuột. Chó nhảy lại đớp. Xong! Trời ơi, thời này mà còn tin ở chó.

Bà chủ liền nghĩ ra một hệ thống báo động. Mắc dây chằng chịt và mắc một hệ thống lon, nhỏ như lon sữa, lớn như lon mỡ. Cả thau nhôm và thùng thiếc. Có bữa đang loay hoay gài, móc, treo, cột... một cái thùng bỗng rớt xuống đánh "rầm". Chính bà giật mình, lật đật hai tay vuốt ngực. Nhưng ông chồng đuểnh đoảng của bà mới là nạn nhân đáng thương. Một tối vui bạn nhậu nhẹt , lén mở cổng chập choạng sao đó, chợt hệ thống lon, thùng rơi ầm ầm, loảng xoảng. Phần chó sủa, phần heo hộc. Bà chủ giật mình thức giấc hoảng kinh la hoán "Ăn trộm! Ăn trộm!" Bật đèn mở cửa, gậy gộc trên tay. Nhìn ra thấy ông chủ mặt đỏ gay, mắt ngơ ngác. Vậy là một trận rủa sả tơi bời, hai đứa con bụm miệng cười rúch rích.

- Tao ghét cái tên Ca-rô. Chó thì Vàng thì Vện, thì Mực thì Cò. Khéo bày đặt Ca-rô

- Kính thưa anh Hai, nó lấy tên Tây - Úc lí nhí thưa.

- Tây với U! Tao đây mấy tên Tây?

- Dạ.

- Bên nhà bà Mộng Lan có bầy gà lông trắng chỡn ngó như bầy ma. Vô duyên lấc cấc. Cũng nghe kêu tên Tây. Lơ co, Lơ bo gì đó.

Hai đứa tranh nhau:

- Dạ, Lơ go. Dạ thưa anh Hai, Lơ go.

- Ờ.

Chợt Heo Úc cười rúc rích.

- Cái gì vậy?

- Dạ... - Úc chỉ Sia - Dạ thằng này cũng tên Tây.

Sia lật đật đứng dậy:

- Dạ kính thưa anh Hai, không phải. Em là giống heo ta. Mẹ em nói em bị cam tích rõ ràng mà. Chỉ vì thấy em lông trắng, lão chủ heo lưu manh nói dối em thuộc giống heo Sia.

Heo Bò im lặng không có ý kiến. Nói chuyện bấy nhiêu đó đã mỏi rồi. Mỏi cái miệng và mệt cái óc.

Sau mùa bấc lạnh, trời chuyển sang nóng. Heo Bò bây giờ đã lớn quá, đứng lù lù trông tựa con bò thật (khá khen ai đó đã khéo đặt tên). Bà chủ len lén xuýt xoa: "dám được tạ hai!". Thằng con hùa theo, - nó biết hễ nói tới heo, khen heo, thương heo, ca tụng heo... là mẹ nó bằng lòng, - cũng nói nho nhỏ: "con chắc tạ rưỡi". Bà chủ chụp liền: "Ờ, dám tạ rưỡi lắm". Ông chủ liếc mắt, lặng lẽ bỏ đi trớt ra sân sau. Nghe ứa gan. Thằng nhỏ tối đi đái còn sợ ma thì nó biết gì là "tạ hai" biết sao là "tạ rưỡi" mà con mẹ cũng ờ cũng ừ. Ứa gan thiệt. Mà mình có xía vô nó phang liền.

Tháng Năm trời nóng như thiêu. Sàn xi măng hắt nắng lên. Mái tôn thấp hắt nắng xuống. Ngôi nhà hướng về phía Tây, mặt tiền của nó hắt nắng ra. Nắng hắt bốn bề. Bao nhiêu tấm vải, tấm giẻ, tấm ván, tấm tôn che mưa chặn gió đều gỡ đi hết. Nhưng cái nắng không hất vô mà cái nóng nó tràn vô. Ba mẹ con chia nhau tắm heo. Mỗi ngày hai cữ: giấc nửa buổi và giấc quá Ngọ. Mùa hè nước máy nhỏ giọt nên cuộc tắm kéo dài hàng giờ. Ðã vậy Heo Bò vóc vạc lại cao to bề bộn, diện tích phải kỳ cọ quá rộng so với hai bàn tay nhỏ nhắn của bà chủ. Dùng bàn chải thì sợ đau heo, mà dùng tay thì lông heo cứng đâm đau tay. Giữa Heo và Người phải chọn hy sinh Người. Phải chà xát, phải gãi bươi, nhón chân lên cao, chồm lưng ra xa, cúi thỏm thấp xuống. Thằng con đứng dội nước. Phải nửa tháng mới có kinh nghiệm: dội nhè nhẹ. Sang đến con Sia con Úc thì tay bà chủ đã rã rời. Thằng con tiến lên thay. Tắm xong vẫn chưa được nghỉ ngay. Phải dùng xà bông kỳ cọ thật kỹ tay chân. Sau đó phải kề mũi ngửi khắp vai áo, tay áo xem nước phân có bắt tạt lên dính không.

Ðược tắm mát mẻ, nên chuồng sạch sẽ, ba con heo cảm thấy tột đỉnh sung sướng. Heo Bò khôn hơn, già dặn hơn thì đặt câu hỏi về Số mệnh. Thật muốn bể cái đầu. Ừ thì cũng có nhiều kẻ khác sướng đó, nhưng coi đi coi lại, ai sướng cũng có kèm cái khổ. Con Ca-rô được ăn toàn cơm thì phải thức đêm canh cửa. Con nhện nằm chơi đợi ruồi thì bị cái chổi quét, cái chổi đập, không nhẹp ruột cũng gãy chân. Mà... biết còn có nơi nào sướng hơn ở đây không cà? Ờ... ờ có phải chuồng heo nào cũng giống nhau? Diên Phước thua đây. Còn Diên nào hơn đây? Mà... sướng hơn là sướng như thế nào? Ăn món gì nữa? Thế gian có món gì ăn ngon hơn? Uống ngon hơn? Tắm bằng dầu thơm?

Uấy, mệt. Cứ tự hỏi hoài! Nằm lăn qua cho mát cái lưng đã. Chà mát dữ. Hồi nãy ăn nhằm mớ cám mới xay, thơm và ngọt miệng quá. Ăn quên thôi. Ăn lấn qua phần của thằng Sia thằng Úc. Nhưng chúng nó biết phận, không dám hó hé. A! Mình thấy ra rồi. Muốn sướng thì phải được ăn ngon mà khỏi làm. Chưa đủ. Còn phải được xung quanh nể sợ. Vậy đích thực là mình đang sướng. Gió mát trên lưng, gió mát dưới bụng. Heo Bò thiu thiu ngủ.

Trong khi đó có một người mập ú ngồi ở xa lông nhà bà chủ.

- Thôi bớt cho tôi một trăm ngàn.

- Chắc giá một triệu rưỡi...

- Thì cũng như cho lại tiền xe tiền xăng...

- Nuôi cả năm đó... Mặt mỡ dày e có tám phân...

- Buôn bán thì có khi này khi khác chớ...

Thôi, tính vầy cho mau: bớt cho tôi năm chục. Bữa nài sả thịt, tôi biếu lại cái nọng.

Mùi phân heo bay thốc vào xa lông. Mùi kinh khủng đó chắc chẳng ai lạ. Thoảng ba mươi thước đã cảm thấy ngây ngây. Gần ba mươi thước, muốn ói mửa. Ngồi chỉ cách năm tấc thì... hãy thử tưởng tượng! Nhưng phân heo nó vốn có phép mầu. Nó hôi ở dưới gốc nhưng nó thành mùi hoa thơm ở chót cành. Nó bẩn thỉu ở nền chuồng nhưng nó thành cọc bạc giấy mới tinh ở bàn xa-lông. Vâng, nó đã thành một chồng giấy bạc mà bà chủ đang thong thả đếm.

Heo Bò vẫn thiu thỉu ngủ. Chừng như đang nằm mơ vì thỉnh thoảng cựa mình nghiến răng. Tiếng con Ca-rô sủa dội lên làm Heo Bò giật mình. Giận quá. Ðược, tao sẽ hộc hộc mấy tiếng để bà chủ rượt đánh mày cho bõ ghét. Này! Hộc... hộc... nhưng kìa, sao bà chủ cứ thản nhiên đứng kề ông mập... . À, có thể bà không nghe tiếng mình hộc vì tiếng một cái xe lam đang nổ ầm ĩ trước cổng. Cổng mở. Tiếng cánh cửa kéo nghe nỉ non. Thật buồn cười. Trong khu phố này mỗi cánh cổng có một lối kêu đặc biệt. Cổng 53 thì: ầm ầm oẹ.. e... Cổng 49 thì: lục cục... rì... ì... í. chỉ cổng 51 mới nỉ non thánh thót. Uở, đi đâu mà đông vậy? Tới hai người. Hút thuốc nữa, khói um. Mình không ưa khói thuốc. Muốn hộc hộc cho bà chủ lo lắng chạy lại, tíu tít thăm hỏi bênh vực mình mà đuổi lão đi. Nhưng bực cái tiếng xe lam ồn ào. Thằng đi sau cầm cái gì kia? Cái gì hơi quen quen... Uở, nó bước vô chuồng. Bà chủ ơi, nó vô làm gì vậy? Tráng xi măng như bữa truớc? Lợp lại mái tôn? Không phải, nó cầm cái gì như cái thúng... sao bà chủ cứ đứng yên cười với ông mập?

Chợt cái rọ nhanh như chớp ụp xuống đầu Heo Bò (té ra cái rọ chớ không phải cái thúng) đẩy mạnh tới. Heo Bò sụm hai chân trước. Cái rọ được đẩy mạnh nữa, lút ra sau. Phải nhích hai chân sau bước tới. Và vậy là Heo Bò chun gọn vô rọ. Một sợi dây dừa thoăn thoắt cài qua kéo lại, cột chặt miệng rọ. Khiêng qua cửa chuồng, đặt lên sàn xe.

Những hành động hối hả, chớp nhoáng hung bạo làm Heo Bò choáng váng. Sau đó, Heo Bò dần dần tỉnh hồn. Biết mình đang nằm trong cái rọ. Hồi ở Diên Phước ra đi cũng trong một cái rọ nhỏ hơn. Vậy thì cũng chẳng có gì để sợ. Hồi nãy quả là mình có sợ, sợ đến tối tăm mặt mũi, ù tai. Bây giờ thì yên tâm. Chắc chuyển đi tới ở một chuồng khác, có hy vọng sướng hơn chỗ này nữa. Ờ, sướng hơn thế nào, mình đã nghĩ đến cả hàng trăm lần mà mình vẫn không tưởng tượng ra được. Chẳng lẽ được ngồi trong cái ghế xa lông?

Còn lũ thằng Sia thằng Úc. Hồi nãy thất kinh, không kịp nói lời chào hai đứa. Hai đệ tử ngoan ngoãn dễ thương. Anh Hai giã từ tụi mày. Mong rằng ba, bốn tháng nữa tụi mày lớn bằng anh Hai hôm nay, tụi mày cũng được lên xe lam về ở chung một chỗ sướng với anh Hai. Ờ, chắc lúc đó mình đứng cao bằng cái chuồng!

Bà chủ! Em nhìn bà chủ qua cái lỗ rọ đây. Bà đẹp hơn mọi ngày, bữa nay nhìn xa em mới thấy. Ðôi mắt bà ấm áp dịu dàng. Nụ cười bà nhân từ phúc hậu. Nhưng sao bà cười với ông mập nhiều vậy mà bà không lại vuốt ve em như ngày trước bà vẫn thường làm? Em muốn méo cái mũi của em để hít bàn tay bà...

Ông mập bắt tay bà chủ, nắm hơi lâu rồi mới nhanh nhẹn đi ra cổng bước lên xe. Xe rồ mạnh, vọt tới. Heo Bò nhìn bà chủ qua lỗ rọ.

... Bà nhìn theo em kìa! Nhưng sao mặt bà không buồn? hình như bà đang vui nữa. Nụ cười khi bà bắt tay ông mập, bà còn giữ đó. Trên môi. Em sẽ đến ở một cái chuồng mới. Hy vọng sung sướng. Em biết đó là do lòng thương yêu đặc biệt bà dành cho em. Nghe nói xã hội loài người đang văn minh. Cái gì cũng mã hóa và giải quyết bằng vi tính. Vậy cái chuồng mà em sắp được dọn đến ở nhất định là toàn hảo. Thực đơn sẽ không phải nước vo gạo, cơm nguội và cám, rau heo... mà là thức ăn đặc sản thải từ khách sạn 3 sao 5 sao. Bà chủ mới sẽ gãi em, tắm em bằng máy... vi tính. Trời ơi! Hạnh phúc!

Xe chạy êm. Ngã tư Ngô Gia Tự. Rồi ngã tư Hoa Lư. Sang ngã tư Nguyễn Trãi. Chợt xe quẹo ngặt qua tay trái. Thoáng chốc không còn thấy bà chủ nữa. Những ngôi nhà, những khuôn mặt, những dáng người khác lạ lắp vào thay thế. Nhưng Heo Bò vẫn nghĩ tiếp những ý nghĩ dở dang. Những ý nghĩ êm đềm.

- ... Bà chủ thân yêu, em sẽ mãi mãi không quên bà...


25.- Những lớp tuồng chồng chất

Võ Hồng - Chúng tôi có mặt

Buổi xế hôm đó đúng ngày nạp tiền hụi, ông chủ bà chủ khóa trái cửa ra gọi xích lô. Vừa dặn chị bếp:

- Lát nữa bà Hải Âu có tới, mày nói vợ chồng tao đi vắng từ sáng sớm.

- Nếu bả sai đi mời về thì con đi tới đâu kiếm?

- Kiếm chi? Ðã nói dối đi từ sáng sớm. Kiếm để tế mồ tổ mày hả? Ðồ ngu như bò.

Ông chủ bà chủ vừa đi chưa tàn điếu thuốc, chị bếp đã gọn gàng đầu tóc. Chị cũng đi, đi gặp anh nhân tình ở góc đường. Bước ra ngoài vừa sắp khóa cổng thì con Tô lén ra theo. Chị nạt:

- Vô! Vô coi nhà. Lát nữa tao về. Ði hết ai coi nhà? Ðồ ngu như bò.

Bò nằm trong chuồng ở cuối sân nghe rõ người ta kêu tên họ mình ra nhiếc đến hai lần trong vòng không đầy mười phút. Nghĩ đến sự nhục nhã mà dòng họ bò của mình phải cam chịu, kể từ tổ tiên xa xưa, Bò mủi lòng khóc ồ ồ.

Gà Cồ đang bươi rạ gần đó nghếch mặt dáo dác đưa mắt tìm kiếm xuất xứ của tiếng lạ. Thấy Bò nước mắt ràn rụa, liền lại gần hỏi nguyên do. Bò nấc vừa kể khúc nôi. Gà cồ an ủi:

- Lũ người nó khinh miệt mọi loài đâu phải chỉ bò. Con gái bỏ nhà đi rông thì nó kêu là đồ ngựa. Ðàn ông hảo ngọt thì nó kêu là đồ dê, thằng dê. Bẩn thỉu thì nó nói dơ như heo...

Ông Heo Nọc đang nằm nghỉ mệt, nghe Gà Cồ nói động đến mình liền uể oải đứng dậy:

- Chúng nó đâu có tha tụi mày. Ðứa nào đẻ nhiều đông con thì nó rủa là đẻ như gà.

Sợ có sự cãi cọ đôi co, Bò hỉ mũi, miệng bệu bạo:

- Thôi, đừng khích bác. Ðúng là nó chê toàn thể súc vật chúng mình. Lấy cớ chúng mình ngu. Mà quả tình chúng mình có ngu.

Vịt Bầu:

- Bọn em thì không bị chê là ngu, mà chỉ... ngu ngơ. Ngỗng mới tệ hơn: mặt nghệch ra như ngỗng đực.

Bò:

- Thì nói xa gần cũng là ngu. Quan trọng là mình phải làm sao thoát cho được cái ngu.

Sẵn cái cổ đang nghểnh cao, Ngỗng khàn khàn nói, tiếng nói như từ trên trời phán xuống:

- Phải học.

Chuyện lạ. "Phải học!". Thú vật đi học? Nghe như trái bom nguyên tử nổ. Thằng Ngỗng nghệch mặt nó nói thiệt hay nói giỡn? Có sử sách nào ghi "súc vật đi học" không? Chuyện khoa học giả tưởng?

Vốn ghét thằng Ngỗng sạch sẽ trắng trẻo, cụ Heo hỏi gặng:

- Mời anh Ngỗng nói lại. Anh vừa bảo phải đi đâu?

Ngỗng chậm rãi khoan thai:

- Tôi không nói phải đi đâu. Tôi chỉ nói "phải học".

Bò lại vội vàng hòa giải:

- Nhưng mà học bằng cách nào? Ôm cái cặp da đến trường? Ngồi trên ghế, tay cầm cây viết?

Mọi tiếng nhao nhao:

- Ðâu có được! Ðâu có được!

Sau một hồi bàn cãi, các con vật đồng ý với nhau là nên mời con vật nào thông thái nhất mỗi tuần đến dạy điều khôn cho anh chị em một lần. Thông thái nhất có lẽ là con Mọt Sách. Nhưng không ai biết hiện nó ở đâu. Gà Cồ nói không có Mọt Sách thì e mời con Mối nó cũng đục sách, gặm sách, nuốt sách, ăn nát cả tủ sách. Còn Ngỗng thì đề nghị mời thêm Ruồi.

- Tôi thấy Ruồi nó cũng được lắm. Mỗi lần ông chủ ngồi đọc sách là Ruồi hay đậu lên trang giấy. Bò tới bò lui nữa. Khi ông chủ không bằng lòng huơ tay, nó mới bỏ đi nơi khác. Xét ra: Mối núp ở chỗ tối, tháng này năm nọ, cứ lặng lẽ gặm nhấm, nuốt hàng đống chữ vô bụng, vậy là thuộc lòng thiên kinh vạn quyển. Ruồi có vẻ ít trì chí nghiên cứu, nhưng được cái cũng đọc lướt nhiều, biết rộng.

Cử ai đi liên lạc mời hai vị học giả? Anh Ngỗng giới thiệu Ruồi thì giao cho ảnh đi mời, điều đó hợp lý. Sang việc mời Mối...

- Mối là học giả lớn - Ngỗng nói - là nhân vật chính mà chúng ta đặt tất cả hoài bão vào. Vậy phải anh Bò thân chinh đi mời thì mới đúng lễ.

Chị Vịt:

- Em không đồng ý. Anh Bò nghiêm trang chững chạc, bề thế uy nghi, quả thật xứng đáng để tiếp xúc với các bậc thượng lưu trí thức. Chỉ hiềm thân xác anh hơi... hơi... hơi lớn. Ði với ông Mối, em sợ lỡ có lúc vô ý, anh đạp nhẹp cụ.

- Vậy thì nhờ Gà Cồ - cụ Heo đề nghị.

Lại chị Vịt:

- Em có ý kiến: anh Gà Cồ mặt mày lấc cấc, tiếp xúc với con nhà võ thì hợp. Chớ...

Bò cười khì khì, ngắt lời:

- Thôi tìm ra rồi, cử chị Vịt đi mời. Chị đi đứng lạch bạch chững chàng. Còn ăn nói thì... như thấy đó.

Coi như giải quyết xong. Ðâu có lợi lộc gì mà tranh giành. Hẹn xế chủ nhật tuần sau gặp lại. Giờ đó cả nhà thường vắng. Gia đình ông bà chủ không đi coi xi nê thì cũng đi coi đá banh. Còn chị bếp thì cố nhiên là phải ôm eo ếch anh nhân tình, bắt rú ga chạy về nhà quê du hí.

Ðến ngày giờ hẹn, cả sân ồn ào như một cái chợ xổm. Mời tất cả súc vật trong nhà, lớn nhỏ trọng khinh không phân biệt. Khi ông Ruồi đến, ban tổ chức mời ổng đứng ở ngoài cổng danh dự đợi ông Mối để cả hai cùng bước vào một lượt cho long trọng. Ðợi hơi lâu, vì ông Mối bò rất chậm. Nhưng rồi cuối cùng ổng cũng đến. Tức thì có nhiều tiếng la: "đến rồi! đến rồi!". Và hai ông sóng bước bò vô.

Một chị kiến bước ra choàng vòng hoa danh dự vào cổ hai nhà học giả. Chị kiến này ở khu vườn bên cạnh. Thoạt tiên Bò nhờ chị Kiến ở gốc mãng cầu cạnh chuồng bò choàng vòng hoa, nhưng chị này từ chối. Vì giận lẫy. Số là hôm họp sơ bộ, chị có lén nghe cụ Heo đề nghị xếp kiến vào hàng uyên bác, vì cụ thấy kiến cũng hay bò lên trang sách của ông chủ. Nhưng thằng Ngỗng bác:

- Ðồng ý là kiến có bò lên sách. Thậm chí còn làm ổ đẻ trứng, còn nằm chết giữa trang sách nữa. Nhưng như vậy không có nghĩa là nó đọc sách. Mà nó đánh hơi bò đi kiếm ăn, bò lạc vô giữa sách, vậy thôi.

Thế là được nhận làm học giả chỉ vỏn vẹn còn có hai.

Tiếng vỗ tay, tiếng hoan hô khi Ruồi và Mối, cổ choàng vòng hoa, bò lên bục - nguyên là một hòn đá phẳng mặt. Bò trịnh trọng nói mấy lời khai mạc rất rời rạc dù đã chuẩn bị sẵn mấy ngày luôn. Rồi đứng im phắc. Chẳng có ai biết vạch chương trình nên chẳng ai biết nên làm gì tiếp theo. Mặc ai nấy nói. Ồn ào, thấy vậy, Ngỗng lạch bạch bước tới giải nguy (mình coi như ở trong ban tổ chức - Ngỗng thật thà nghĩ). Ngỗng nói:

- Kính thưa nhà học giả Mối, ngài sống suốt đời trong tủ sách, lục lọi từng cuốn, chúng tôi nghĩ rằng bụng ngài chứa đầy tư tưởng, đầy kiến thức kim cổ Ðông Tây, đầy chữ nghĩa. Thưa ngài, có phải vậy không ạ?

Mối lắc đầu:

- Tôi không biết. Mà... chữ nghĩa là cái gì vậy?

Câu hỏi ngớ ngẩn, nhưng Ngỗng nghĩ rằng các học giả thường giả bộ ngờ nghệch nên Ngỗng cúi mình thấp hơn, nhã nhặn:

- Dạ thưa ngài, ngài vẫn dùng bữa bằng những chữ in mà.

- Không có. Tôi ăn gỗ. Năm ngoái tôi ăn giấy.

Cả sân cười rộ. Ngỗng hơi ngượng nhưng vẫn cố gắng giữ bình tĩnh:

- Ðồng ý là ngài dùng bữa bằng giấy, nhưng đây là giấy quí, giấy có in chữ, có in tư tưởng. Tư tưởng thấm vào máu ngài. Khắp cử tọa đầy thiết tha mong mỏi ngài công bố một tư tưởng mà ngài đã tự suy gẫm, mà ngài cho là uyên bác nhất, rửa nhục cho giới súc vật mà bọn người cho là ngu dốt.

Câu nói vừa rậm ri chữ nghĩa, Mối nghe không hiểu, chỉ đoán lõm bõm, nên trả lời:

- Tôi cả đời chỉ biết ăn. Ðào hang trỗ ngách đi tới chỗ nào có gỗ, có vải, có giấy có thể ăn được. Ăn xong rồi... ăn nữa. Chớ có biết tơ tưởng cái gì đâu? Còn như...

Cụ Heo nhún đôi vai tỏ sự thất vọng. Gà Cồ lắc đầu làm cái mào cái tích rung rinh. Mấy chị gián cánh xì xào: "Chán quá! Bác học cái gì lạ... gì lạ vậy?".

Thất vọng nhất là mấy anh chị Dế. Họ đến đây dưới hình thức phái đoàn. Hôm được tin có cuộc tiếp rước nhà học giả Mối, họ bàn nhau nên thừa dịp trao tặng nhà học giả bằng "Tiến sĩ danh dự Nhạc viện Dế và mời luôn ngài làm Công dân Dế danh dự. Phải chơi cha như vậy, phải chơi qua mặt những đứa khác, kể cả Bò, Heo, Ngỗng... . Ạch đụi lo mời mọc tổ chức nhọc nhằn, rốt cuộc phần thành công rực rỡ, nổi bật là dành hết cho Dế. Nào ngờ gặp phải thằng cha học giả cù lần.

Trên bục, lại giọng hụt hơi của Mối, chẳng biết trả lời câu hỏi nào đó của Ngỗng:

- Tui từ cha sanh mẹ đẻ có sao nói vậy, ăn ngay nói thiệt. Xin bà con thương đừng chấp, đừng...

Ngỗng nổi xung, không đợi Mối nói hết câu, đưa mỏ gạt mối sang một bên rồi đẩy Ruồi ra trước.

- Thưa bà con, cũng gần gũi với sách là Ruồi, nhà trí thức đang đứng trước mặt bà con đây. Sách Nho, sách Quốc ngữ, sách ngoại ngữ, sách Văn học, Khoa học, Toán học, Kinh tế học, Y học, Luật học vân vân nghĩa là đủ loại sách, ông Ruồi đây đều có gần gũi...

Ngỗng vừa dừng lại lấy hơi thì không ngờ Ruồi đặt một chân trước lên ngực, bước tới, nghiêng đầu trước cử tọa. Miệng chúm chím:

- Dạ.

Cử tọa vỗ tay. Thật y như là anh Sơn đông mãi võ bán thuốc quảng cáo. Nhưng mà vui. Ngỗng tiếp:

- Quảng bác ngôn ngữ của khắp các dân tộc trên thế giới, mong ngài cho biết nếu loài vật chúng ta mà tự đặt một lối chữ viết chung để dạy kiến thức cho nhau, phá bỏ cái ngu, thì nên đặt theo nguyên tắc nào? Vẽ theo hình dáng của vật như chữ Ai Cập cổ đại chăng? Rồi tiến lên Hội ý, Chỉ sự... như chữ Hán chăng? Hay cứ mượn mẫu tự La Mã cốt chỉ phiên âm?

Ruồi nghe xong câu hỏi, cúi đầu chào, mỉm cười. Rồi vụt ngẩng cao mặt, giơ tay:

- Nói về chữ viết, trời sinh trăm loài thì có trăm loại, có chữ đẹp, có chữ ít đẹp. Nhưng chung qui, nó là tinh hoa, là rực sáng của trí tuệ. Trải bao nhiêu ngàn năm lịch sử, chữ viết của tổ tiên để lại là dấu ấn thân thương làm xúc động lòng ta. Thân ái vô cùng, thân mật vô lượng. Ôi lịch sử, dòng nước mát! Ai trong các ngài dám nói là mình quên dòng nước mát?

Ruồi trừng mắt nhìn xuống. Mọi con vật trừng mắt nhìn lên. Chợt cụ Heo giơ tay đập một con muỗi chích nơi má cụ một cái "chách". Cử tọa tưởng cụ vỗ tay, liền vỗ theo như sấm.

- Tham bác Ðông Tây kim cổ, - lời Ngỗng,- ngài đã nhiều năm ưu tư về lẽ tồn vong hưng phế của giống súc vật chúng ta. Ai cũng biết là loài người khinh miệt ta, do ta ngu. Nay muốn thoát ngu, muốn học khôn thì, theo ngài, ta cần học cái gì trước?

Ruồi gật gật đầu, như thích thú vì câu hỏi có nội dung "cao". rồi vẫn gật gù, Ruồi trả lời:

- Ðúng! Ðúng là phải học một cái gì trước. Chớ không nên học nhiều cái một lượt. Ở đời phải có trước có sau. Chớ học trước quên sau, học sau quên trước thì... Ăn ở mà có trước quên sau là đồ đoản hậu. (Ðến đây Ruồi nổi hăng, vung tay, nói to) Xã hội ta lên án những cái ung nhọt đó, những hiện tượng tha hóa đó, những...

Ruồi không biết còn những cái gì nữa. Trí óc đặc sệt. Thấy Ruồi đứng im, Ngỗng tưởng Ruồi đã trả lời đủ rồi nên lật đật đặt câu hỏi khác:

- Nhiệm vụ trước mắt của chúng ta là thoát ngu, là tạo dựng một nền văn minh của súc vật. Nó sẽ đối chọi với văn minh loài người. Xin nhà trí thức đánh giá nền văn minh hiện đại của loài người.

Ruồi đằng hắng:

- Câu trả lời đã nằm sẵn trong câu hỏi của ông. Ðánh! Phải đánh: Ðánh cho bể cái nền đó. Ðánh cho tan tành, cho văng từng cục đá, từng hột cát. Làm sao mà không đánh? Chúng ta vì thế hệ tương lai mà phải đánh, đánh tơi bời. Ôi, súc vật vạn tuế, súc vật con cưng của Thượng Ðế, súc vật lực lượng chủ yếu của...

Giữa lúc Ruồi đang hùng hồn nói huyên thuyên, nói lạc đề thì chị Gà Mái bước vô. Chị đi họp trễ. Tuổi đã trung niên nhưng nhan sắc còn mặn mà. Nhác thấy có nhiều súc vật giống đực, chị gia tăng làm duyên. Thoáng trông cách đi, cách nhìn, biết ngay là chị đang thành công, đang tự tin. Dù đến trễ, chị vẫn đi không hề khép nép mà cứ ung dung đi thẳng lại bàn chủ tọa. Vừa đi vừa nói:

- Xin lỗi. Tôi bệnh mấy bữa nay. Nóng mê man. Bỏ ăn. Gắng gượng đi họp... xê xê ra một chút cho cô đi tí, cháu... Dạ, dạ... em đi lên tìm ông chủ tọa để cáo lỗi đến trễ... Dạ, phải, gắng đi dự buổi họp quan trọng có ,ông bác học tới thuyết trình... Xin lỗi, xin lỗi chị. Chật quá, đi cứ vướng qua vướng lại... Mấy khi có buổi họp đông vui như vầy. Thật quí hóa...

Ði ngang qua bàn thuyết trình thấy có một con Mối đang nằm, cái bụng mập ú dầy mỡ trắng hếu, chị Gà mổ liền một cái thật nhanh, nuốt gọn. Nhanh quá, trong cử tọa ít ai kịp thấy. Kể cả nhà trí thức Ruồi đứng gần đó, đang nhìn xuống. Nên ông ta tiếp tục hùng biện:

-... súc vật lực lượng đang lên, sức mạnh đang trỗi dậy sẽ làm chủ cả vũ trụ này. Nhà học giả Mối có mặt hôm nay, niềm hãnh diện của giới súc vật chúng ta, người bạn thân yêu quí của cá nhân tôi ắt cũng đồng ý với tôi rằng...

Ruồi nhìn sang Mối, ngạc nhiên thấy nhà học giả biến đâu mất.

- Uở, nhà học giả...

Vừa lúc đó, nghe tiếng léo xéo, chị Gà quay lại, thấy Ruồi. Rất lẹ, chị rướn cổ tới, mổ mạnh, nuốt gọn luôn. Một cách tự nhiên như hàng ngày chị vẫn làm. Lại còn nghĩ bụng: Bữa nay ra ngõ gặp may. Bỗng nhiên cả ruồi cả mối đem dưng đến tận miệng. Rồi bước tới nữa, miệng cười duyên, mắt liếc:

- Thưa anh chủ tọa, em bệnh quá, xin lỗi đến trễ. Em thích nghe các ngài học giả và ngài trí thức nói chuyện văn học, văn minh, văn nghệ lắm. Nên em lướt bệnh gắng đến dự. Mà sao giờ này các ngài chưa tới?

26.- Luôn luôn có một kẻ hở

Võ Hồng - Chúng tôi có mặt

Hai cặp vợ chồng Chuột cư ngụ nơi căn gác này. Một cặp đã đứng tuổi, một cặp trẻ hơn. Cặp trẻ khéo biết xã giao, tôn xưng cặp kia là "anh Cả" mỗi khi nói chuyện cho có vẻ thân mật, tạo không khí họ hàng. Ðể đáp lại, anh chị Cả gọi lại "chú Hai, thím Hai".

Chủ căn gác là một ông độc thân hơi lười. Rác quét nhiều khi dụm thành một đống ở góc tường. Quần áo bỏ rơi dưới gầm giường nhiều khi cả tuần. Thật lý tưởng cho Chuột. Tha hồ tự do. Sẵn cái mũ cát-két lão chủ bỏ quên lăn lóc dưới gầm tủ, cặp chuột trẻ chui vô nằm. Rất ấm. Có cái khăn mùi soa lão chủ để rớt dưới chân bàn, chị Cả ngứa răng cứ sẵn đó mà nhai, mà gặm, tơi tả thành giẻ. Chỉ bất tiện là thiếu cơm. Lão chủ ăn cơm tháng ở tầng dưới, mấy cặp Chuột ở tầng dưới no đủ phè phỡn. Cơm canh cá thịt sẵn ở nhà bếp, ở vại nước. Mỗi tối, bốn vị Chuột ở trên gác phải lần xuống tầng dưới đề kiếm thức ăn. Tráng miệng thì có khá hơn. Thỉnh thoảng lão chủ treo một nải chuối. Ăn đều đặn đâu được sáu trái, rồi bỏ quên để úng. Bốn vị Chuột cứ ăn thoải mái; ăn cho tới hồi chuối rữa hết ăn nổi nữa. Có hồi người ta đem biếu nho hay bánh ngọt. Ăn vụng nho sướng nhất, nho cứ bày sẵn trong dĩa. Bánh ngọt thì phải đợi lúc nào lão quên đậy. Những con thằn lằn, những con gián cũng a vô giành phần. Ăn xong còn tự do phóng uế bề bộn trong dĩa. Ngoài những bữa ăn may mắn họa hoằn đó, căn gác chay tịnh đến mức hoàn hảo. Bò khắp nơi chỉ gặp những cuốn sách đứng sắp hàng. Và những cây viết nằm ngổn ngang. Và kính đeo mắt đến ba, bốn cái.

Một buổi chiều nọ có một cặp vợ chồng Chuột rất trẻ lọt vô căn gác. Cô vợ thuộc hạng đẹp, mắt đen láy, lông nõn mướt. Anh chồng cũng vào hạng khá trai, khoẻ mạnh. Họ yêu nhau, say mê nhau, tung tăng giỡn hớt suốt đêm. Nghịch nhau chí choé suốt đêm, phá giấc ngủ của lão chủ, phá giấc ngủ của hai cặp vợ chồng Chuột kia.

Một buổi tối đèn giường vừa mới tắt thì chợt mọi người giật mình bởi một tiếng "phập" thật lớn. Tiếng chân giãy dụa trong nửa phút. Rồi im lặng. Chàng Chuột đẹp trai đã sập bẫy.

Ðêm sau, cả phòng im thin thít. Anh Cả vốn có kinh nghiệm, nói nhỏ với vợ:

- Coi chừng! Ðêm nay nó gài bẫy nữa.

Nhưng sự thực đã không xảy ra như vậy. Cả đêm hôm sau nữa. Vài đêm hôm sau nữa. Lạ. Trong khi đó cô Chuột góa phụ sầu muộn. Xinh đẹp mà sầu muộn thì cái đẹp tăng lên gấp rưỡi, anh Hai nhận thấy điều đó trước. Rồi đến anh Cả. Cả hai âm thầm sắp đặt những "ngẫu nhiên" để gặp góa phụ và ngỏ lời an ủi. Cũng dễ thôi. Tiếp theo là những lời dặn dò, những lời khuyên nhủ. Cũng tự nhiên thôi. Sau nữa thì tha hồ, trăm thứ chuyện: chuyện đời, chuyện khôn dại, chuyện trời trăng mây nước. Nhưng đồng thời cũng nảy sinh một chuyện mới: chuyện ghen. Chị Hai ghen với anh Hai. Chị Cả ghen với anh Cả. Chị Hai, chị Cả ghen với cô gái góa. Rồi anh Cả ghen với anh Hai. Tùm lum. Vợ chồng với nhau thì cắn nhau vì ghen.. Người ngoài với nhau thì cãi nhau vì ghen. Chí choé suốt đêm. Lão chủ nhiều đêm mất ngủ cứ bật đèn liên tiếp.

Dẫu ghen tuông, nhưng sau khi cắn nhau, vợ chồng lại làm lành, nằm kề nhau rồi âu yếm nhau. Chỉ cô gái góa là cô đơn. Trong đêm khuya vắng lặng, cô thường thao thức, lăn qua trở lại trong cái ổ rơm rộng mênh mông. Cô lần dậy âm thầm bò lang thang đây đó như một kẻ mộng du.

Một đêm nọ vào giấc gần sáng, một tiếng "phập" vang lên. Rồi! Lại một nạn nhân! Ai vậy? Mờ sáng thì biết rõ: cô góa phụ.

Xế hôm đó đợi khi lão chủ khóa cửa ra đi, anh Cả buồn bã nói với chú Hai:

- Cho rằng thằng chồng nó mê ăn mà sập bẫy thì cũng được đi. Ðằng này con vợ đã thấy gương chồng còn sờ sờ mà sao còn...

Chú Hai:

- Có thể là cô ấy buồn tình, tâm trạng u uất, tinh thần xáo trộn, nhớ đó quên đó, lẫn trước lộn sau.

- Ừ, cũng có lẽ. Rút kinh nghiệm, chú thím lưu ý tránh xa những món ăn bày sẵn, thơm tho, mời mọc khêu gợi.

Thím Hai xía vô:

- Dạ, cảm ơn anh. Chúng em xin nhớ.

Sau cơn xúc động, những đêm yên tĩnh lặng lẽ trôi. Không bị cái chết rình rập đe dọa, trí óc chị Hai bắt đầu nghĩ gần nghĩ xa khi nhìn chồng cứ mặt mày thẫn thờ xa vắng. Trở lại "chuyện mới" của ngày nọ: chuyện ghen. Bất kể vì lý do gì, có thể do ê răng, lâm râm đau bụng, nhức khớp xương... nhưng hễ thấy mặt chồng ủ ê là chị mè nheo xỉa xói:

- Nhớ con đĩ đó chớ gì? Mỏ nó đẹp hơn mỏ tôi mà. Ria nó nõn hơn ria mép của gái già này mà... Chà! Tui biết hết. Hễ tui có việc đi vắng là hai người kề nhau rủ rỉ rầm rì những "anh yêu em... em yêu anh... nhớ em... đợi anh..." rồi dắt nhau ra ngoài sân tối mà...

Ban đầu chú Hai im lặng. Nạn quá, chú nạt một tiếng. Sau đó phải mắng át tới hai, ba tiếng. Cuối cùng phải đấu khẩu bằng nhiều câu dài. Thím Hai tuổi Tí đâu có chịu thua, vậy là vợ chồng cấu xé nhau. Lần lần thành tật, ngày cũng như đêm, cứ vừa âu yếm nhau đó, mươi phút sau đã chí choé cãi nhau, cắn nhau, rượt nhau. Ðồ đạc đổ ngã lung tung. Có bữa văng luôn cái kính đeo mắt của lão chủ.

Một buổi tối như thường lệ, màn chí choé bắt đầu, tăng thêm cường độ, tiếp theo là cuộc rượt đuổi. chợt đánh "sầm" một cái. Giật mình, hai vợ chồng phóng mạnh tới. Ðụng nhằm hàng lưới. Hoảng, nhảy sang trái: lưới. Sang phải: lưới. Ðằng sau: cũng lưới. Chết cha, sập bẫy rồi!

Lão chủ bật đèn, mở cửa, lại xách cái bẫy lồng trong đó vợ chồng chú Hai đang sợ hãi bò lên lộn xuống, rối rít tìm lối ra. Lão đem bỏ vào chậu nước, ngoài hiên.

Anh Cả, chị Cả thất đảm. Biếng ăn, bỏ cơm một ngày. Cứ lẩm nhẩm cầu nguyện và dọn mình sám hối. Nhất là chị Cả. Bởi không phải chỉ thím Hai mới biết ghen, mà chính chị, chị cũng ghen một cây. Còn anh Cả thì máu băm lăm đâu có thua chú Hai? Chỉ may một cái là chị đã trọng tuổi, răng sếu sáo nên cắn ít đau, anh Cả chịu được. Tính anh Cả lại chậm chạp, đi còn không muốn bước nữa là chạy. Hú vía! Ở đời cái Dở cái Kém nhiều khi đem lại cái May.

Anh Cả thẩn thờ:

- Bẫy cơm bẫy thịt thì từ chối được, chớ bẫy sập kiểu này thì biết đâu mà tránh? Thiệt nghiệt!

Chị Cả nói nhỏ:

- Em không ghen với mình nữa.

- Khéo vô duyên. Nó chết bảy đời còn ghen nỗi gì?

- Em không rượt mình chạy.

- Chạy đi đâu? Ði chậm chậm cũng đủ sập bẫy, cũng đủ chết. Cần gì chạy?

- Vậy thì đừng đi.

- Nói vậy mà cũng nghe được, - tiếng anh Cả hơi to một chút - chẳng lẽ cả ngày nằm một chỗ?

- Nếu có "con đó" nằm một bên thì nằm một chỗ cả tuần cũng được. Sá gì một ngày. - tiếng chị Cả to hơn chút nữa.

- Này, đừng có ghen bậy. - tiếng anh Cả to hơn.

- Sao lại bậy? - tiếng chị Cả to nữa - Bộ tưởng tui không biết mưu mẹo của ông? Cứ vài bữa ông than nhức răng, nhờ tui mò xuống bếp lục kiếm cho ông tí muối hầm để ông ngậm. Can cớ gì mà cứ đợi khuya khi đèn đóm tắt hết, tối thui mới nhức răng? Hồi trước sao không nhức răng? Sao đợi sau khi chồng nó chết rồi ông mới nhức răng? Khôn vậy? Can cớ gì khi nó ngoẻo rồi thì ông hết chứng nhức răng?

Anh cả mắc cỡ, nạt to:

- Im!

Chị Cả nổi dóa, hét to hơn:

- Im cái gì?

Ở bên giường, lão chủ cựa mình. Cả hai giật thót. Sáng hôm sau chị Cả thủ thỉ:

- Thôi em không ghen nữa. Cãi cọ ồn ào, ông chủ chú ý. Coi chừng chết cả lũ.

Quả là chuột đứng tuổi biết tự chế, chị Cả giữ lời từ đó thôi không đề cập đến con đó nữa. Nhưng cái Chết bi đát tàn nhẫn mà họ chứng kiến không ngừng ám ảnh họ. Với anh Cả, nó dẫn trí óc anh đi về những nẻo suy tư. Anh nghĩ về lòng Tham. Anh nhẹ nhàng bảo vợ:

- Loài chuột mình cũng như mọi loài động vật thường chỉ biết nghĩ đến ăn. Do vậy mà bị lừa, bị giết. Lũ người nó lấy miếng thịt để lừa con chuột, bắt con chuột để lừa con chim ó, bắt con chim ó để lừa con cọp con beo. Nhưng loài người, đến lượt nó cũng chết vì tham ăn. (Tới đây giọng anh Cả cao lên) Nó còn chết vì tham sắc dục, bao nhiêu triều đại đổ nát vì sắc dục. (Tới đây, bị phấn khích, giọng anh Cả cao lên nữa, rổn rảng) Và... thua các loài động vật khác, nó còn chết vì ham tiền tài, ham quyền tước.

Tiếng ông chủ cựa mình làm chị Cả sợ quá, suỵt suỵt khẽ. Anh Cả cũng chợt nhớ là mình đã hùng hồn quá hóa ra ồn ào, anh trợn mắt le lưỡi. Nhưng cái Biết nó làm ngứa cái miệng. Hôm sau anh Cả lại triết lý:

- Vợ chồng chú Hai chết vì cái Sân. Tức là giận, giận quá mất khôn, rượt nhau chạy ùa vô cái bẫy. Nếu không giận? Nếu cứ bao dung tha thứ? (Ðến đây anh nghếch mặt lên như để hỏi một thính giả đang đứng trước anh) ... Thì mọi việc êm xuôi hết. Bà con chuột gặp nhau, bắt tay nhau (anh giơ hai bàn tay trước, nắm vào nhau) chào nhau (đến đây thích quá, anh nói to như đang gặp bạn thật) A! Chào bạn! Mạnh giỏi chớ? Lâu quá!

Tiếng giường cọt kẹt. Ðèn giường bật sáng. Ông chủ nói lầm bầm. Anh Cả hoảng, nằm nép sát xuống sàn nhà.

Ðêm sau anh Cả không dám hé răng. Chỉ lặng lẽ suy tư. Nhưng khổ, những điều suy tư khi đã nhiều quá, chèn chật trong óc thì chúng cứ có khuynh hướng đòi thoát ra. Anh Cả phải cắn răng cố nhịn. Nhưng đến nửa đêm thì anh Cả hết nhịn nổi. Anh lén khoèo vợ dậy:

- Này mình, anh nhất định chỉ nói nhỏ nhỏ. Bò lại góc kia cho xa ông chủ. Anh mới nghĩ ra cái này. Ngộ lắm. Nói ngay chớ để mai lỡ quên. Mình có biết chữ đâu mà ghi chép? Nhớ đâu nói đó.

Người vợ tào khang chìu ý chồng, nhẫn nại bò cạnh anh. Miệng cứ ngáp dài. Tới góc nhà, anh kề tai nói nhỏ:

- Mọi tật xấu của mình, dù là tham lam hay nóng giận, đều do cái Si, cái ngu mà ra. Nếu cứ suy tư như anh, trầm tư như anh, nhìn rõ bản thể của mọi sự vật như anh thì làm sao mà anh mắc vào cái Tham; cái Sân, thì làm sao mà anh phải chết như vợ chồng chú Hai và vợ chồng... thằng đó?

Anh Cả ngừng nói, nhìn vợ một cách thích thú. Không ngờ mình cũng có tài hùng biện. Chị Cả cũng chợt thấy chồng mình trí thức một cách bất ngờ nên âu yếm cạ mũi vào cổ anh. Anh tiếp:

- Nếu bà con họ Chuột nhà mình mà hiểu được cái chân lý đó thì loài người, kẻ thù độc ác và truyền kiếp của chúng ta phải bị đẩy xa, phải bị gạt ra...

Anh Cả vung tay phải gạt ra thật mạnh như một nhà hùng biện chân chính. Tay đụng nhằm một cái que nhỏ. Cái que bật rơi.

- Phải bị...

Liền một vật gì thật nặng rớt đánh "Rầm" xuống, đè nặng lên ngực anh Cả, làm anh tức khắc ngộp thở, đầu óc choáng váng. Tiếng chị Cả bên cạnh "Hự" lên nửa chừng rồi im bặt.

Có tiếng chân giường kẽo kẹt. Tiếp theo, đèn bật sáng. Ông chủ xăm xăm đi lại lượm viên gạch lên rồi cầm hai xác chuột ném qua cửa sổ, ra sân.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
03/11/2022(Xem: 3031)
Cứ mỗi lần tôi gặp một vấn đề nan giải và muốn đầu hàng ( có nghĩa là muốn buông tất cả ) thì một danh ngôn của St Exupery ngày nào …..mà trong quá khứ khi vừa 17 tuổi đời tôi đã treo, dán khắp nơi trong nhà để sách tấn cho sự nghiệt ngã của đường đời mà gia đình tôi đã gặp “ TRÊN CON ĐƯỜNG SỐ MỆNH VẠCH SẴN CHO NGƯƠI, NGƯƠI HÃY LÀM XONG SỨ MỆNH RỒI HÃY GỤC ĐẦU MÀ CHẾT “.
19/10/2022(Xem: 10655)
Kệ Tụng Giảng Giải 554 Câu Chú Lăng Nghiêm Ht Thích Tuyên Hóa Vạn Phật Thánh Thành Mỹ Quốc
20/09/2022(Xem: 2871)
Thật là một niềm đại hoan hỷ khi con nhận được lời khen của Đức Đại Trưởng Lão về bài tường thuật những điều học được khi nghe pháp thoại “Cốt tủy của Kinh Lăng Nghiêm“ được Ngài thuyết giảng vào tối thứ tư 14/9/2022 trên hệ thống Zoom của Tổng Vụ Hoằng Pháp và Giáo Dục thuộc GHPGVNTN Hải Ngoại Úc Châu và Tân Tây Lan. Kính bạch Ngài, con kính đảnh lễ và cũng kính xin Ngài cho phép con không dám nhận lời khen của Hoà Thượng vì con rất ngượng ngùng khi thấy mình không xứng đáng với lời khen mà Hoà Thượng đã ưu ái ban cho vì con đang mỗi ngày học Pháp bằng cách chép kinh từ các lời chú giải và đồng thời nghe pháp thoại liên tục không gián đoạn, con đã trộm nghĩ vô thường không biết sẽ đến lúc nào khi thời gian để đi vào biển Pháp của Như Lai và thâm nhập được chút nào dù được 1% ….quả thật còn lại quá ngắn.
19/09/2022(Xem: 3246)
Một người, do bất cẩn, gây ra tai nạn chết người. Người ta nói, người ấy hành động vô ý thức. Mỗi năm có vô số hành động vô ý thức gây tai nạn chết người như vậy trên khắp thế giới. Đó là chưa nói đến những tai hại nhỏ mà hầu như nhiều người trong chúng gây ra cho chính mình và cũng gây ra cho những người chung quanh mình không ít trong sinh hoạt thường nhật vì những hành động được nói là vô ý thức ấy.
14/09/2022(Xem: 5524)
Vào chiều ngày 10/9/2022, Tu viện Huyền Không tọa lạc tại số 14335 Story Road, thành phố San Jose, tiểu bang California, Hoa Kỳ đã tổ chức đêm thơ nhạc Huyền Không, thành kính tưởng niệm người Thầy - thi sĩ Huyền Không, người đã sáng tác trên một ngàn bài thơ, trong đó bài thơ Nhớ chùa là một tuyệt tác bất hủ:
13/09/2022(Xem: 2607)
Vào năm 2013, trong quá trình xử lý văn bản để viết tác phẩm Kinh Tứ thập nhị chương - đối chiếu và nhận định, chúng tôi vô tình đọc được Lời tựa trong tác phẩm Phật Tổ tam kinh (佛祖三經) do Vân Thủy Sa-di Thích Tại Tại (雲水沙彌釋在在) viết. Vì nhân vật này không phải là yếu tố trọng tâm của chủ đề nghiên cứu thế nên chúng tôi không đi sâu tìm hiểu mà chỉ thoáng chút ngỡ ngàng trước danh xưng của một vị Sa-di, nhưng sao lại được viết lời giới thiệu cho một tác phẩm kinh điển mang tính phổ biến vào thời ấy như thế.
08/09/2022(Xem: 2473)
Trong tinh thần đúng như TT Tổng Vụ Trưởng Thích Đạo Nguyên trong phần tổng kết buổi pháp thoại đã nhắn nhủ đến thính chúng sau giờ pháp thoại rằng: “Nghe pháp, thường xuyên nghe pháp, nghe với sự lắng tâm đầy đủ là yếu tố đặc biệt lợi ích giúp cho chúng ta tăng trưởng được sự hoan hỉ sự thanh tịnh trí tuệ, và nhiều lợi lạc khác”. Và đấy có lẽ là một đặc điểm rất đáng được tán dương mà TT Giảng Sư Thích Giác Tín đã khởi đầu cho bài giảng bằng cách đưa thành quả hiếm có nhất trong suốt 6 nhiệm kỳ của hội đồng điều hành GHPGVNTN Hải ngoại Úc Châu và Tân Tây Lan.
06/09/2022(Xem: 2603)
Chiều ngày 22 tháng 2 năm 22 chúng tôi tổ chức lễ phát động dự án “Khuyến đọc Việt Nam” đồng thời đưa ra mong muốn triển khai giải thưởng “Khuyến Đọc Việt Nam” nhằm động viên khuyến khích các tập thể và cá nhân hết mình cho công tác khuyến đọc, có những đóng góp lớn cho phát triển văn hoá đọc nước nhà. Dự án nhận được rất nhiều sự quan tâm của nhiều lãnh đạo, các cơ quan, trường học, doanh nghiệp và các cá nhân. Kết quả khiêm tốn ban đầu là đến nay 62 tủ sách đã được tặng, mỗi tháng tặng các bạn đọc cá nhân 220 cuốn sách, 91 chương trình “Đọc sách cùng nhau - Reading Books Together”, hơn 30 chương trình livestream kết nối với các tác giả, dịch giả, biên tập viên, chuyên gia,… với bạn đọc.
05/09/2022(Xem: 3018)
Tôi đã hơn một lần chứng kiến nước mắt đàn ông rơi. Cha tôi khóc, ngày mẹ buông tay cha con tôi đi theo một người đàn ông khác, mẹ mải mê kiếm tìm ảo ảnh hạnh phúc ở chân trời xa lắc mà quên đi tổ ấm bình yên. Ngày ấy, cha câm lặng như một pho tượng bằng đá, bàn tay thô ráp của cha cầm cái rựa chém mạnh vào cây chuối sau vườn nhà, thân chuối đứt đôi như duyên nợ của cha mẹ tôi gãy làm đôi mảnh
04/09/2022(Xem: 2520)
Chính vì thế mà bao người bỏ cả gia đình, của cải danh vọng, quyền thế nương nhờ của Phật để có cuộc sống yên bình. Nhưng không phải ai cũng có thể làm như vậy. Chúng ta vẫn cần và còn nợ thế gian này. Hủy hoại thân để tìm một thiên đường ảo ảnh là ngu dại. Chúng ta vẫn còn phải sống với thân tứ đại giả tạm này. Nhưng sống mà tỉnh thức. Mà muốn tỉnh thức thì phải luôn luôn giữ gìn chánh niệm. Giữ gìn chánh niệm là xa lánh kẻ hung ác, Xa lánh những nơi ăn chơi tụ họp đông người. Xa lánh những chốn mưu danh đoạt lợi. Cảnh giác với những lời hứa ngọt ngào.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]