Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Nghiệp lực, mi là ai?

24/06/202307:38(Xem: 9473)
Nghiệp lực, mi là ai?

dau hoi

Nghiệp lực, mi là ai?


 

Trong kiếp sống nhân sinh đầy gió bụi này, ai cũng mang trên người một chữ NGHIỆP. Chả thế sao có người lúc nào cũng than vãn: "Trời ơi! Sao nghiệp tôi nặng thế này! ". Nếu than mà đỡ khổ hay nghiệp giảm bớt đi thì ông trời cũng chịu khó cho thiên hạ réo tên. Riêng tôi có lẽ kiên cường hơn, ít khi nào ngửa mặt lên trời kêu khổ, mặc dù nghiệp quả của tôi chất đầy, đã có vị trưởng lão đặt cho tôi danh hiệu: "Người nhìn đâu cũng thấy nghiệp". Cuộc đời của tôi quá ly kỳ và đặc biệt! 

 

Tôi sẽ không mất thì giờ kể lể ỉ ôi nỗi khổ niềm đau của mình, chỉ khoanh vùng trong bốn chữ T to đùng: "Tình, Tiền, Tù, Tội", có bốn chữ mà tôi đã nhận đủ cả hai chữ đứng đầu bảng, còn hai chữ cuối nhờ khéo Tu nên tôi chưa bị vướng vào. Vậy các bạn hãy theo dõi câu chuyện chuyển hóa khổ đau của tôi, cũng đồng nghĩa với sự chuyển nghiệp, làm vô hiệu hóa các nghiệp quả mà tôi đã gánh chịu. Biến bốn chữ T to đùng thành "Tu, Tấn, Tịnh, Tuệ", nghe thoải mái và an lạc hơn! 

 

Câu hỏi "Nghiệp lực, mi là ai?", từ đâu tới, cứ lẩn quẩn mãi trong đầu, chắc chắn mi đến từ kiếp trước hay nhiều nhiều kiếp trước, chứ kiếp này chưa kịp làm điều gì sai trái đã nhận quả rồi! Lúc ấy tôi rất muốn biết kiếp trước tôi đã gây ra nhân gì, nhưng đường tu quá thấp chưa chứng được Túc mạng thông nên chỉ đoán mò và cuối cùng không buồn nghĩ nữa, chỉ cố gắng tu tập để giải nghiệp. 

 

Trong tám vạn bốn nghìn Pháp môn, tôi chỉ chọn ra hai hướng thích hợp với căn cơ của tôi, đó là Niệm Phật và Lạy Sám hối Hồng danh các vị Phật, quán tưởng đến các công hạnh của các Ngài. Có người hỏi tôi, sao lại chọn câu Niệm Phật có vẻ thụ động và dễ dàng thế, chỉ dành cho các cụ lớn tuổi là thích hợp? Các cụ đã trả gần xong nợ tình lẫn nợ đời, nên Niệm Phật nghiêm mật để Phật A Di Đà phóng quang rước về Cực Lạc Cảnh Giới như mong đợi. Còn tôi mới bước chân vào đời, mải lo cơm áo gạo tiền nuôi một lúc đến ba cậu con trai hay ăn chóng lớn, nếu Phật Di Đà có khuyến mãi với chương trình "Đới nghiệp vãng sanh" thật hấp dẫn, chưa chắc tôi đã sẵn sàng! 

 

Ấy là do nghiệp duyên và nghiệp quả của tôi dẫn dắt, cho tôi yêu và lấy một anh chồng độc đáo! Anh ấy luôn là phe đối lập của tôi, chúng tôi tranh cãi về tất cả các đề tài, bên tám lạng người nửa cân, nhưng anh ấy luôn lấy quyền gia trưởng "Chồng nói thì vợ phải nghe!" ra lấn áp tôi. Nghĩ mình là đệ tử của Phật, không thể bắt chước đệ tử của Bà La Môn tối ngày đi tranh cãi mất hết cả hòa khí, tôi âm thầm Niệm Phật giả vờ lắng nghe giọng điệu "Mèo trắng nói thành mèo đen" của Chàng cho êm cửa êm nhà! Thì trong Kinh Pháp Hoa, phẩm Phổ Môn có ghi rõ "Một niệm Quán Âm hầm lửa sẽ biến thành hồ Sen", tôi cứ việc hành trì.

 

Chàng lúc nào cũng tỏ ra mình là một người Tri thức, thông minh, trên thông thiên văn, dưới làu địa lý, lúc nào cũng đứng trên đỉnh núi Tu Di cao chót vót. Tôi trái lại chỉ muốn mình là một người có Trí tuệ, nên nghĩ mình chỉ là giun dế lủi xuống đất chẳng bị té đau. Từ đó trong nhà có hai phép tu của Chàng Trí Thức và Nàng Trí Tuệ:

 

. Thông minh là năng lực của Chàng Trí Thức, tâm lúc nào cũng nặng chuyện được mất hơn thua. Trí Tuệ là cảnh giới của tâm hồn, xem nhẹ và xả bỏ như câu thơ của Thiền Sư Vạn Hạnh, mọi chuyện thịnh suy xem như hạt sương trên đầu ngọn cỏ. 

 

. Thông minh không dễ để mình bị thiệt, thế nên Chàng Trí Thức chẳng biết nhường nhịn ai. Thấy Nàng Trí Tuệ chịu thua thiệt, chàng nổi nóng mắng nàng ngu dốt. 

 

. Thông minh biết bản thân làm được gì? Trí Tuệ biết bản thân không làm được điều gì? Thế nên Chàng Trí Thức rất tự cao tự đại cho tài tán gái trẻ của mình mà lăn trôi mãi trong sáu nẻo luân hồi. 

 

. Thông minh biết nắm bắt cơ hội, tận dụng thời cơ để ra tay, còn Trí Tuệ biết khi nào nên buông tay. Chữ Buông tưởng đơn giản, nhưng có người đến chết vẫn còn nắm chặt hai tay. Tóm lại, cầm lên được là thông minh, còn bỏ xuống được là trí tuệ. 

 

. Thông minh thể hiện thế mạnh, bộc lộ hết tài năng. Còn Trí Tuệ thật khiêm nhường, biểu lộ giống như khờ khạo. Trong 36 phép biến hóa của Tôn Tẩn có chiêu "Giả dại qua ải", khiến đối phương coi thường mà chuyển bại thành thắng. 

 

. Thông minh cố tìm cách thay đổi người để theo ý mình, còn Trí Tuệ thì thuận theo lẽ tự nhiên. Giống như câu "Đất không chịu trời thì trời phải chịu đất".

 

. Thông minh có nhiều tri thức hơn, nhưng Trí Tuệ có văn hóa. 

 

. Thông minh là bản tính trời sinh, nhưng Trí Tuệ là do tu dưỡng mà thành. 

 

Chàng Trí Thức chỉ cầu tài nhờ thông minh, nhưng Nàng Trí Tuệ có thảnh thơi an lạc nhờ trí tuệ. 

 

Sau một thời gian dài tu tập, nghiên cứu biết bao kinh điển, dùng Duy thức học để phân tích các loại tâm, biết cách đối trị với Tâm Vương rồi Tâm Sở. Tuy chỉ chạm vào vỏ ngoài của các loại Tâm, nhưng tôi cũng biến cái "Địa ngục" nho nhỏ của mình thành tro bụi, không cho nó cháy thường xuyên nữa. 

 

Tưởng đâu nhẫn nhịn Ba La Mật là yên ổn, tôi sẽ sống bình yên và hạnh phúc trong vòng tay êm ấm của gia đình. Nhưng nghiệp quả của tôi quá lớn, đến tuổi gần sáu mươi tôi vẫn đón nhận một loại "Oan gia trái chủ" vào sống trong nhà. Đến đây tôi đã hiểu, chỉ có Pháp môn Lạy Sám Hối mới làm tiêu nghiệp của tôi một cách từ từ, một kiểu "Có còn hơn không" như bài hát "Thà như giọt mưa" của nhà thơ thất tình Nguyễn Tất Nhiên. Sáng nào thức dậy tôi cũng quyết tâm lạy đủ một trăm lạy, hôm nào bận việc tối về phải lạy bù. Nếu không lấy sự tinh tấn và lòng dũng cảm ra đối phó với các con ma lãi đãi, chắc nghiệp của tôi vẫn còn nguyên. Tôi không thể sáng suốt nghĩ ra đường hướng khả thi để gỡ rối tơ lòng cho một mối bòng bong vào thời điểm ấy! 

 

Hôm đầu tiên thực hiện quyết tâm, tôi đạt được trạng thái ê ẩm khắp toàn thân, đôi chân như đeo đá khi leo cầu thang lên xuống trong nhà. Để Bồ Đề Tâm được kiên cố, tôi phải hạ xuống lạy chỉ ba mươi, cho cơ thể quen đi với những đổi thay, rồi gia tăng tốc độ từ từ cho đến khi đạt đúng chỉ tiêu rồi đi vào quỹ đạo hằng ngày. 

 

Thời gian thấm thoát thoi đưa, quay đi ngoảnh lại tôi đã Sám hối được mười năm và đã thuộc lòng tên các vị Phật theo thứ tự trên dưới ghi trong kinh sách, không cần phải nhìn bài bản. Điều này rất quan trọng, vì tôi hay đi du lịch xa, nhiều lúc phải trải chiếu ngoài biển vắng lạy Phật. Cho đến một hôm tôi tình cờ biết được cái nhân đau thương từ bao kiếp trước, để bây giờ phải chịu quả đắng cay! Có một kiếp nào đó, tôi đã không chung thủy với chồng, đã phụ bạc một ông Quan Phủ quyền cao chức trọng, để yêu thương một anh Kép Hát trăng hoa. Rồi tương tư sầu muộn đến sinh bệnh mà chết như câu:

Khối tình mang xuống tuyền đài.

Hận tình đến thác vẫn còn vương tơ.

Eo ơi! Thật là ghê sợ, khi kiếp này gặp lại đầy đủ cả hai: Người tình kiếp trước trở thành người chồng và người chồng kiếp trước dĩ nhiên thành người tình. Khi tôi kể lại câu chuyện này, bạn Đạo cũng như bạn Đời đều cho tôi thuộc loại "Madame de hoang tưởng" không chịu tin. Nhưng cũng chẳng sao, miễn tôi tin là được! Nhờ câu chuyện hoang tưởng ấy, tôi biết tội lỗi từ kiếp trước của mình nên không than van trách móc gì về tính tình phong cách của người chồng định mệnh mà tôi đã ước hẹn. Mình làm nhân xấu thì phải vui vẻ để người ta đòi nợ, bụng làm dạ chịu chớ có than van!

 

Tuy vậy tôi cũng chịu nhiều áp lực từ mọi phía đổ ập vào, ai cũng lắc đầu ngao ngán cho cái NGHIỆP kỳ quái của tôi. Ai cũng cho kế sách để tôi hạ cánh được an toàn, dùng kế thứ 36 của Tôn Tẩn: "Tẩu vi thượng sách", nhưng nghiệp cũ, nghiệp mới chất đầy, nợ tình, nợ tiền lời lãi gia tăng, chủ nợ đâu dễ dàng cho mình xù nợ! Thôi, cứ hiên ngang trả nợ, nhìn ngọn sóng cao thấp như thế nào mà nhảy lên, chớ đừng quay lưng sẽ bị sóng đánh ụp thiệt thôi! 

 

Nhớ lời Sư Ông Thiền Chánh Niệm: "Này con, có một thứ hành trang giúp con thanh thản đi qua những ngày giông bão của kiếp người, đó là TỪ TÂM...". Vâng, chỉ có thứ hành trang này mới làm tôi đón nhận được các "Oan gia trái chủ" rồi rước về nhà. Với lòng từ tâm tôi có thể làm được những việc mà ít ai có thể làm được. 

 

Bây giờ tôi đã tìm được an bình trong tâm hồn, ở vào tuổi khi quỹ thời gian không còn nhiều nữa, đó cũng có thể là niềm mơ ước của nhiều người. Tôi nghĩ, tôi có quyền hãnh diện về điều đó! 

 

 

Hoa Lan - Thiện Giới. 

Mùa Xuân 2023.

 






Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
07/01/2012(Xem: 7259)
Trong các danh từ chuyên môn của đạo Phật,có lẽ không có từ ngữ nào mà người học Phật cần phải hiểu và cần phải phân biệtrõ ràng, nếu như muốn hiểu giáo lý thâm diệu của đạo Phật như hai từ "ChânĐế" và "Tục Đế". Thật vậy, Đức Phật, vì muốn độ chúng sinhthoát khổ sinh tử nên mới nương vào thế giới Tục đế mà nói pháp, nhằm chỉ bàycho chúng sinh thấy được cái bản chất chân thật tự nhiên của Tâm vốn sẵn có, đểchúng sinh, tự nỗ lực tu hành giải thoát khỏi khổ đau sinh tử, lìa khỏi thếgiới Tục đế, đến thế giới Chân đế...
29/08/2011(Xem: 14288)
Bàng bạc khắp trong tam tạng kinh điển, hằng hà sa số mẩu truyện, đức Phật thường nhắc đến sự liên hệ giữa Ngài và các đệ tử, giữa chúng sanh và Ngài trong những kiếp quá khứ.
21/07/2011(Xem: 11275)
Chính Ðức Phật đã dạy: “Trong các sự bố thí chỉ có Pháp thí là công đức lớn nhất, không có công đức nào sánh bằng” ... Thích Chân Tính
16/05/2011(Xem: 2104)
Họ bảo nhau: “Ông này là ai?” Một người thấy tư thế của ông giống như một thầy tu, nên nói với mấy người kia: “Có thể ông ta đang ở trong thiền định!” Thế là mọi người đồng chắp tay kính cẩn chào và hỏi: “Thưa thầy, chúng con xin phép làm rộn thầy.
07/05/2011(Xem: 8558)
Ở Nhật Bản, từ thời kỳ đầu của triều đại Asuka (538-645), lễ tắm Phật vào ngày mùng tám tháng tư âm lịch hằng năm đã có tổ chức tại các chùa lớn...
19/04/2011(Xem: 6965)
Như sen nở dưới mặt trời Vươn cao mặt nước, xa nơi bùn lầy, ưu tiên truyền đạo giờ đây Khai tâm những kẻ loay hoay tìm đường
16/04/2011(Xem: 1881)
Phát tâm bồ đề là bước đầu để vận dụng năng lực tâm linh cho đúng hướng. Thi thiết từ bi và trí tuệ là triển khai diệu lực vô hạn của tâm bồ đề đó qua hai bình diện...
11/04/2011(Xem: 7575)
Có những nước Á Châu như nước Xilanca, vào ngày Phật Đản không có ai bị đói bụng hết. Tại vì nhà nào cũng để mâm cơm ở trước cửa và bất cứ ai đói bụng cũng đều được mời ăn cơm đó. Trong ngày Phật Đản không có ai bị đói vì nhà nào cũng cúng dường cơm, chùa nào cũng cúng dường cơm. Đây là một truyền thống có từ mấy ngàn năm trước, từ thời Đức Thế Tôn.
19/02/2011(Xem: 2326)
Luận điểm cho rằng Đức Phật là người tích hợp tư tưởng triết học Ấn Độ bắt đầu với các triết gia Bà-la-môn giáo nhằm hạ thấp triết học Phật giáo xuống mức bình thường, không có gì sáng tạo như Gaudapada, Dinnaga, Shankara…(Vì không có phần mềm gõ chữ Sanskrit và Pali nên các thuật ngữ này chúng tôi viết theo dạng La-tinh hóa). Tiếp đến là những giáo sĩ và tín đồ Bà-la-môn muốn xóa sổ Phật giáo ở Ấn Độ bằng cách tuyên truyền rằng, Đức Phật là hóa thân thứ chín của thần Visnu! Và cho rằng những học thuyết như luân hồi, nghiệp… là của đạo Bà-la-môn, chỉ vì chúng giống nhau về tên gọi (nhưng lại hoàn toàn khác nhau về mặt nội dung).[1] Sai lầm này, đến ngày nay, vẫn còn ăn sâu trong tâm trí những người Bà-la-môn.
04/02/2011(Xem: 3382)
Many, many years ago, in a small kingdom in the north of India, something was happening that would change the whole world.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]