Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 28: Rừng Kè

13/01/201110:14(Xem: 9746)
Chương 28: Rừng Kè

Đường xưa mây trắng
theo gót chân Bụt

Thích Nhất Hạnh
Lá Bối Xuất Bản lần 2, 1992, San Jose, Cali, USA

--- o0o ---


6.

Chương 28

RỪNG KÈ

Một buổi sáng nọ, Bụt từ giã Gayasisa để về Rajagaha. Khất sĩ Uruvela Kassapa đề nghị xin Bụt cho cả giáo đoàn đi theo. Bụt ngần ngại, nhưng Kassapa trình bày với Bụt là sẽ không có trở ngại gì cho việc chín trăm khất sĩ về tới kinh đô nước Magadha. Ông nói gần thủ đô Rajagaha có nhiều khu rừng trong đó các vị khất sĩ có thể cư trú, họ sẽ đi khất thực ở những miền ngoại ô thành phố và ngay cả trong thủ đô nữa để có dịp giáo hóa dân chúng miền này. Kassapa cũng thưa với Bụt là số lượng chín trăm vị khất sĩ là quá lớn đối với dân chúng miền Gaya. Về thủ đô, việc khất thực và giáo hóa sẽ dễ dàng hơn.

Khất sĩ Uruvela Kassapa có kiến thức khá tường tận về tình hình xã hội trong nước Magadha. Sau khi nghe vị khất sĩ này trình bày, Bụt bằng lòng cho chín trăm vị khất sĩ đi theo người về thành Vương Xá.

Ba anh em khất sĩ Kassapa đã tổ chức tăng đoàn rất nghiêm minh. Đại chúng của tăng đoàn được phân làm thành các chúng, mỗi chúng hai mươi lăm vị, mỗi chúng có một vị trưởng chúng trưởng lãnh đạo. Vị chúng trưởng này có trách nhiệm về sự tu học và sự sinh hoạt của hai mươi bốn người trong chúng. Đạo phong của các vị khất sĩ vì vậy càng ngày cáng sáng rỡ và uy nghi. Từ Gaya, tăng đoàn phải đi tới mười hôm mới về tới thủ đô Rajagaha. Mỗi buổi sáng, các vị khất sĩ đều phải ghé vào các tụ lạc để khất thực. Khất thực xong, họ quy tụ trong một khu rừng hoặc một bãi cỏ để thọ trai trong im lặng. Thọ trai xong, họ lại lên đường. Họ đi thành từng chúng, và có cả thảy ba mươi sáu chúng như vậy. Hình dáng của các vị khất sĩ khoác áo ca sa đi trầm lặng trên đường đã gây một ấn tượng rất sâu đậm và đẹp đẽ trong lòng dân chúng.

Tới Rajagaha, khất sĩ Uruvela Kassapa hướng dẫn Bụt và tăng đoàn về tạm cư ờ Rừng Kè Mới Trồng, trong đó có đền Supatthita cách thủ đô hai dặm về phía Nam. Sáng ngày hôm sau, giáo đoàn được phép ôm bát đi vào thành khất thực. Các vị khất sĩ đi thành từng chúng hai mươi lăm người. Họ đi thành hàng, bước từng bước khoan thai và có ý thức, tay ôm bát, mắt nhìn thẳng về phía trước, dáng điệu uy nghi và lặng lẽ. Theo lời Bụt dạy, họ dừng lại trước mỗi căn nhà, không phân biệt giàu nghèo. Khoảng năm phút sau, nếu không được cúng dường, họ tiến tới trước cổng nhà bên cạnh. Trong khi đứng im lặng chờ đợi được cúng dường, họ theo dõi hơi thở và thực tập phép quán niệm mà Bụt đã dạy. Khi được cúng dường, họ chỉ lặng lẽ nghiêng mình cám ơn mà không nói lời khen chê nào về thực phẩm được cúng dường. Nguời cúng dường sau khi sớt thức ăn vào bát vị khất sĩ, có thể đặt một vài câu hỏi. Các vị khất sĩ đã được lệnh ân cần trả lời về những câu hỏi đó. Đại ý, các vị cho biết là mình tu học trong giáo đoàn Tỉnh Thức, dưới sự hướng dẫn của một vị sa môn tên là Gotama Sakya, thường được gọi là Bụt, và họ giảng cho vị thí chủ nghe về bốn sự thật, về năm giới hoặc về con đường tám nhánh.

Tất cả các vị khất sĩ đều đã được lệnh trở về trú sở trước giờ ngọ để ăn trưa và nghe pháp thoại. Buổi chiều và buổi tối chỉ là để học hỏi và thiền tập. Vì vậy từ giữa trưa cho đến rạng sáng ngày hôm sau, không ai còn thấy bóng dáng một vị khất sĩ áo vàng nào nữa trong thành phố.

Chỉ trong vòng nửa tháng, phần lớn dân chúng thủ đô đã biết tới sự có mặt của giáo đoàn khất sĩ do Bụt lãnh đạo. Vào những buổi chiều khi trời dã mát, có nhiều vị thí chủ tìm tới Rừng Kè để được gặp Bụt và tăng đoàn để học hỏi về đạo lý tỉnh thức. Bụt chưa kịp đi thăm người bạn năm trước là vua Seniya Bimbisara thì vua đã được nghe báo cáo về Bụt và về giáo đoàn khất sĩ đông đảo của người. Vua được biết người lãnh đạo giáo đoàn này là vị sa môn trẻ mà mình đã gặp trước đây trên một ngọn đồi gần kinh đô. Một buổi chiều, vua cùng với hoàng hậu và thái tử Ajatasattu ngồi xe tứ mã tìm về Rừng Kè để thăm Bụt. Đi theo xa giá của vua có nhiều chiếc xe khác. Vua đã mời đi theo mình một trăm hai mươi vị nhân sĩ trí thức và lãnh đạo cao cấp trong giới Bà la môn. Đến cửa rừng, vua xuống xe đi bộ vào, hoàng hậu cầm tay thái tử Ajatasattu theo sau. Một trăm hai mươi vị tân khách Bà la môn cũng làm như thế.

Nghe tin vua đến, Bụt cùng Uruvela Kassapa đi ra đón tiếp và đưa tất cả mọi người vào. Tất cả chín trăm vị khất sĩ đều có mặt, ngồi vây thành những vòng tròn lớn, Bụt mời vua, hoàng hậu, thái tử và các vị tân khách an tọa. Vua Bimbisara bắt đầu giới thiệu các vị nhân sĩ Bà la môn với Bụt. Vua không nhớ hết danh tánh từng người; vì vậy mỗi khi quên vua lại yêu cầu người bị quên tên tự giới thiệu mình. Trong số những vị tân khách này có nhiều người lão thông kinh điển và giáo lý Vệ Đà. Họ thuộc về đủ khuynh hướng đạo học và tôn giáo.

Phần lớn các vị nhân sĩ này đã từng nghe danh đạo sĩ Uruvela Kassapa, và một số đã được gặp ông, nhưng ngoài quốc vương Bimbisara chưa ai được gặp Bụt lần nào. Thấy thái độ cung kính của Kassapa đối với Bụt nhiều người tỏ vẻ ngạc nhiên. So với Uruvela Kassapa, sa môn Gotama Sakya nhỏ tuổi hơn nhiều. Họ thầm thì với nhau, không biết sa môn Gotama là đệ tử của Kassapa hay Kassapa là đệ tử của sa môn Gotama. Biết được tâm ý họ, khất sĩ Uruvela Kassapa rời chỗ ngồi, đứng dậy đi tới trước mặt Bụt. Ông chắp tay lại thành hình sen búp, chậm rãi và rõ ràng, ông nói:

- Sa môn Gotama, bậc giác ngộ, bậc tôn quý nhất trên đời; con là Uruvela Kassapa, đệ tử của thầy, xin cung kính làm lễ thầy.

Nói xong, ông sụp xuống lạy Bụt ba lạy, rất kính cẩn.

Bụt nâng Kassapa dậy và bảo ông ngồi xuống bên tay trái của người. Bây giờ đây một trăm hai mươi vị tân khách Bà la môn mới hoàn toàn giữ im lặng. Sự im lặng còn lớn lao hơn khi nhìn thấy chín trăm vị khất sĩ áo vàng đang lặng lẽ ngồi vây quanh, trong dáng điệu trang nghiêm và hùng vĩ.

Bụt lên tiếng giảng cho mọi người nghe về đạo Tỉnh Thức. Người nói về tự tính vô thường duyên sinh của mạng sống và của vạn vật. Người chỉ dạy con đường diệt trừ lầm lạc và khổ đau, con đường của sự sống tỉnh thức, con đường của sự thực hành giới luật, định tâm và quán chiếu. Giọng Bụt vọng lớn như tiếng chuông đồng, ấm như nắng mùa Xuân và trầm hùng như tiếng hải triều. Tiếng nói của Bụt như mưa Xuân thấm nhuần trên cây cỏ. Hơn một ngàn người lắng tai nghe Bụt, và không ai dám thở mạnh, sợ âm thanh của hơi thở xem vào làm vẫn đục pháp âm của người.

Hai mắt vua Bimbisara càng ngày càng sáng. Càng nghe, vua càng thấy tâm tư mình mở rộng. Bao nhiêu nghi vấn lâu nay trong lòng vua dần dần được cởi mở. Cuối cùng vua nở một nụ cười sung sướng và rạng rỡ.

Bụt chấm dứt pháp thoại. Vua Bimbisara đứng dậy hai tay cung kính chắp trước ngực, vua nói:

- Thưa Thế Tôn, hồi còn nhỏ, trẫm có năm điều ước nguyện, giờ đây tất cả năm điều ước nguyện ấy đã được thành tựu. Ước nguyện thứ nhất là được làm lễ quán đảnh và lên ngôi vua. Ước nguyện ấy đã thành. Ước nguyện thứ hai là làm thế nào trong đời được gặp một bậc đạo sư giác ngộ. Ước nguyện ấy cũng đã thành. Ước nguyện thứ ba là có duyên kính ngưỡng bậc giác ngộ ấy. Ước nguyện ấy cũng đã được thành. Ước nguyện thứ tư là được bậc giác ngộ ấy dạy cho con đường chánh pháp. Ước nguyện ấy cũng đã thành. Ước nguyện thứ năm là có thể hiểu được giáo pháp của bậc giác ngộ ấy. Thưa Thế Tôn, ước nguyện này vừa được thành tựu. Trẫm đã bắt đầu hiểu được giáo lý mầu nhiệm của ngài. Thế Tôn, ngài đã làm sáng tỏ giáo lý ấy bằng nhiều cách giảng dạy khác nhau. Thế Tôn, hôm nay xin ngài nhận cho trẫm làm đệ tử tại gia của ngài.

Bụt mỉm cười im lặng chấp thuận.

Vua lại tỏ ý thỉnh cầu Bụt và tất cả chín trăm vị khất sĩ ngày trăng tròn sắp tới đến thọ trai ở cung điện. Bụt cũng hoan hỷ nhận lời.

Một trăm hai mươi vị nhân sĩ tân khách cũng đều đứng dậy cám ơn Bụt. Có khoảng một phần mười trong số những tân khách này tỏ ý muốn được trở thành đệ tử của Bụt.

Cùng với Uruvela Kassapa, Bụt đưa vua, hoàng hậu, thái tử Ajatasattu và các vị tân khách ra đến cửa rừng, Bụt biết rằng chỉ còn chưa đầy một tháng nữa thì mùa mưa sẽ tới, và người không thể trở về quê hương kịp trước mùa mưa. Người quyết định cùng chín trăm vị khất sĩ an cư ba tháng tại Rừng Kè. Người biết rằng sau ba tháng an cư tu học, tăng đoàn sẽ khá vững vàng để có thể tự trị và người sẽ thong thả ra đi vào đầu mùa Nắng khi bầu trời đã trong xanh và cây cối đã xanh tươi.

Vua Seniya Bimbisara có chủ ý tổ chức một cuộc đón rước Bụt và tăng đoàn thật long trọng. Vua dự tính làm lễ trai tăng cúng dường ngay trước sân điện chầu, một cái sân gạch rộng có thể có chỗ ngồi cho một vạn người. Vua cho thông báo với thần dân biết ngày thỉnh Bụt và khuyên dân chúng treo đèn kết hoa trên những con đường mà Bụt và tăng đoàn sẽ đi ngang qua để tới vương cung. Vua cho mời rất nhiều nhân sĩ đến nghe Bụt thuyết pháp. Tất cả các quan chức trong triều cũng đều được mời đến dự. Vua cũng cho mời cả những em trai vào trạc tuổi của hoàng thái tử Ajatasattu. Thái tử năm nay lên mười hai tuổi. Biết Bụt và tăng đoàn không chấp nhận việc sát sinh để cúng dường, vua ra lệnh chuẩn bị những thức ăn thuần túy chay tịnh và rất ngon lành. Những người thân tín của vua có tới mười ngày để chuẩn bị cho cuộc tiếp đón.



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
24/03/2024(Xem: 891)
Thành Kính Tưởng Niệm…. “Ngày Đức Phật nhập Đại Niết Bàn lúc 80 tuổi” Toàn bộ lời thuyết pháp lần cuối được ghi lại trong kinh Vừa căn dặn đệ tử tự là hòn đảo và tự thắp sáng chính mình, Vừa cô đọng, những điểm căn bản chính yếu trong giáo lý ! Phải luôn đi theo Chánh Đạo với BI, DŨNG, TRÍ !
16/01/2024(Xem: 1840)
Duy Thức Tam Thập Tụng, tác giả: tổ Thế Thân (316-396), dịch giả Phạn - Hán: Tam Tạng Pháp Sư Huyền Trang (602-664), có tất cả 30 bài tụng, mỗi bài có 4 câu, mỗi câu có 5 chữ (mỗi bài có 20 chữ); trong đó có 5 bài tụng (100 chữ), thuộc phần Duy Thức Hạnh đã nêu rõ về 5 giai vị tu tập trong Phật Đạo. Đó là 5 giai vị với tên gọi là: Tư Lương vị, Gia Hạnh vị, Thông Đạt vị, Tu Tập vị, và Cứu Cánh vị. Năm giai vị này bao quát con đường tu tập đưa đến quả vị giải thoát cứu cánh trong đạo Phật. Bài viết sau đây chỉ là sự tổng hợp, góp nhặt, cảm nhận, suy luận có khi mang tính chủ quan từ những điều đã thu thập được nơi một số kinh luận, các bài giảng thuyết; các giai đoạn tu tập cũng chỉ được nêu ra một cách rất khái quát …nên chỉ có tính cách dùng để tham khảo.
19/06/2023(Xem: 7692)
Thời gian gần đây, dư luận nổi lên những ý kiến xoay quanh phát biểu của Thượng tọa Thích Chân Quang về việc đề nghị tổ chức UNESCO công nhận “sự giác ngộ của đức Phật là di sản văn hóa phi vật thể”.
15/06/2023(Xem: 12933)
Kinh Ma-ha Ca-diếp độ bần mẫu1 kể lại câu chuyện rất thú vị về một bà lão nghèo, nhờ cúng dường ngài Ca-diếp một chút nước cơm mà được sinh về cõi trời Đao-lợi. Phước cúng dường ấy còn lớn lao đến mức hiện thành hào quang sáng rực như bảy mặt trời đồng thời soi chiếu, khiến cho vị vua cõi trời ấy là Đế-thích cũng phải kinh ngạc. Và sau khi tìm hiểu biết được nhân duyên cúng dường được phước lớn lao này, đích thân Đế-thích cùng phu nhân của mình đã phát tâm hiện xuống cõi người, hóa thân thành một đôi vợ chồng già nghèo khổ để được có cơ hội cúng dường lên ngài Ca-diếp, vun bồi thêm phước báu của chính mình.
15/03/2023(Xem: 4073)
Từ khi con người bắt đầu quy tụ sống thành nhóm, thành đoàn, và sau này phát triển đông đảo thành cộng đồng, xã hội, quốc gia, người ta đã biết tổ chức phân quyền, đưa ra những nguyên tắc luật lệ chung để mọi người dân sống trong cộng đồng quốc gia phải tuân theo. Những ai phạm tội phá rối trị an sẽ bị đem ra xét xử và trừng phạt theo nội quy luật lệ của quốc gia nơi họ cư ngụ. Có như thế thì mọi sinh hoạt trong cộng đồng xã hội mới giữ được trật tự, đời sống cá nhân mới được bảo đảm an toàn.
15/03/2023(Xem: 3086)
Có phải bạn rất đỗi ngạc nhiên về tiêu đề của bài viết này? Có thể bạn nghĩ rằng chắc chắn có điều gì đó không ổn trong câu chuyện này, bởi vì lịch sử về cuộc đời của đức Phật xưa nay không hề thấy nói đến chuyện đức Phật đi tới Châu Âu và Châu Phi. Bạn nghĩ không sai. Không phải đức Phật bằng xương bằng thịt đã đến hai lục địa đó lúc Ngài còn tại thế. Nhưng đó là một câu chuyện vô cùng thú vị về một hiện tượng lịch sử đã được sử sách nói đến cách nay cả ngàn năm.
07/03/2023(Xem: 1960)
Hôm nay ngày 15/2 năm Quý Mão (6/3/2023) kỷ niệm Ngày Đức Phật Thích Ca nhập Niết Bàn, con có đôi dòng nghĩ tưởng về lời dạy của Ngài. Đấng Cha lành của Trời, Người.
06/03/2023(Xem: 1882)
Con chính thức trở thành Phật tử sau khi thọ lễ qui y Tam Bảo một cách hiểu biết rằng -Đức Phật là vị Thầy cao quí nhứt đã vạch ra con đường giải thoát. -Giáo Pháp là con đường duy nhứt hỗ trợ cho mặt tâm linh đi đến thanh tịnh. -Tăng Già đại diện cho các vị Thinh Văn đã theo đúng con đường và trở thành những gương sống hầu đạt sự giải thoát cho mình khi vượt qua khỏi phiền não
23/02/2023(Xem: 3313)
Hạnh phúc thay ngày Phật xuất gia Vì thương cứu độ cõi Ta Bà Đâu màng điện ngọc cùng châu báu! Nỡ đắm con xinh đến tháp ngà! Thử ngẫm ai hoài mà chẳng bệnh! (*) Xem chừng kẻ sống mãi không già! (*) Quần sanh chuốc nạn đều chưa rõ Pháp thế lưu tồn giúp khổ qua.
26/12/2022(Xem: 1675)
“Sống gửi thác về”, câu tục ngữ mang đậm triết lý nhân sinh sâu sắc về kiếp sống con người của dân tộc Việt Nam. Không chỉ riêng người Việt, nhiều dân tộc có nền văn minh lâu đời trên thế giới cũng đã có nhiều câu hỏi tương tự: Chúng ta đang sống ở đâu? Chết sẽ đi về đâu? hầu hết những câu hỏi ấy đều đã có lời giải đáp qua các học thuyết hay quan điểm của một tôn giáo nào đó. Theo quan niệm Phật giáo, sau khi con người “mãn duyên trần thế” sẽ có rất nhiều nơi đến như Tam giới cửu địa [1], các cõi Tịnh độ của chư Phật, đặc biệt là cõi Tịnh độ của Đức Phật A Di Đà, còn gọi là cõi Cực lạc hay nước An Dưỡng, tức là nơi không còn khổ đau bệnh tật, có đời sống an vui tự tại.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567