Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Đức Phật và Phạm Thiên

18/06/201214:55(Xem: 5109)
Đức Phật và Phạm Thiên
ĐỨC PHẬT VÀ PHẠM THIÊN
Toàn Không

1)- ĐẤU TRÍ VỚI PHẠM THIÊN:

Một thời đức Phật ngự tại vườn Cấp Cô Độc, nước Xá Vệ. Bấy giờ có một Phạm Thiên Vương ở cõi Trời Phạm, nghĩ rằng: “Chỗ này là thường hữu, chỗ này là thường hằng, chỗ này trường tồn, chỗ này quan yếu, chỗ này là pháp không hoại diệt, chỗ này là xuất yếu, ngoài xuất yếu này không còn xuất yếu nào khác nữa, mà có bậc tối thắng, tối diệu, tối thượng”.

Lúc ấy, đức Phật bằng trí biết cùng khắp (Tha Tâm trí), biết rõ tâm niệm của Phạm Thiên kia đang nghĩ. Ngài liền nhập định biến (Như Kỳ Tượng Định), chỉ trong khoảng thời gian co duỗi cánh tay, Ngài biến mất khỏi vườn Cấp Cô Độc, tới ngay chỗ vị Trời ấy tại cõi Trời Phạm. Phạm Thiên trông thấy đức Phật liền chào nói:

- Kính chào Đại Tiên Nhân, rồi Phạm Thiên nói những lời giống như đã nghĩ ở trên.

Đức Phật nói:

- Này Phạm Thiên, cái không thường Ông bảo là thường, cái không hằng Ông bảo là hằng, cái không trường tồn Ông bảo là tường tồn, cái không quan yếu Ông bảo là quan yếu; cái hoại diệt Ông bảo là không hoại diệt, cái không xuất yếu Ông bảo là xuất yếu. Ông còn bảo: ngoài xuất yếu này không còn xuất yếu nào khác, mà có bậc tối thắng,
tối diệu, tối thượng. Này Phạm Thiên, Ông có cái vô minh này, Ông đang chìm đắm trong vô minh này.

Lúc đó có Thiên Ma Ba Tuần nói:

- Này Sa Môn, chớ nên trái lời Phạm Thiên, chớ có chống đối Phạm Thiên; nếu Ông không nghe lời lại còn chống đối, cũng như người gặp hên may mà lại xua đuổi đi, lời Sa Môn nói ra cũng như vậy. Cho nên ta bảo Ông chớ trái lời, chớ chống đối Phạm Thiên; nếu Ông chống trái lời Phạm Thiên, Ông cũng như người từ núi cao rơi xuống vực sâu thẳm, tuy dang hai tay hai chân bám vào hư không, nhưng chẳng bám được gì. Lời Sa Môn nói ra cũng như vậy.

Này Sa Môn, ta bảo chớ chống trái lời Phạm Thiên, vì sao? Vì Phạm Thiên có phúc lớn (phước hựu), là bậc hóa sinh, là đấng tối tôn, tạo dựng tất cả, là Tổ phụ của tất cả chúng sanh đã sinh và sẽ sinh, tất cả đều do Ngài sanh ra; những gì Ngài thấy biết là trọn thấy biết.

Này Đại Tiên Nhân, nếu có Sa Môn, Phạm Chí nào ghê tởm hủy báng địa đại (đất), thì khi chết chắc chắn sinh làm Thần kỹ nhạc trong chốn hạ tiện nhất. Cũng thế, nếu ai ghê tởm, chống đối, hủy báng Phạm Thiên, sau khi qua đời chắc chắn sinh làm Thần kỹ nhạc trong chốn hạ tiện nhất.

Trái lại, này Đại Tiên Nhân, nếu có ai ưa thích tán thán Phạm Thiên, thì sau khi chết (mạng chung) chắc chắn sinh làm bậc tối thượng cõi Phạm Thiên; này Đại Tiên Nhân, Ông há không thấy đại quyến thuộc của Phạm Thiên như bọn tôi đang ngồi đây sao?

Lúc ấy, đức Phật nghĩ rằng: “Ma Ba Tuần này chẳng phải Phạm Thiên, cũng chẳng phải quyến thuộc Phạm Thiên, nhưng lại tự xưng là Phạm Thiên. Nếu bảo rằng có Thiên Ma Ba Tuần thì đây chính là Ma Ba Tuần”, biết rõ như vậy rồi, Ngài bảo:

- Này Ma Ba Tuần, Ông chẳng phải Phạm Thiên, cũng chẳng phải là quyến thuộc Phạm Thiên, nhưng lại tự xưng Phạm Thiên; nếu cho rằng có Ma Ba Tuần, thì chính Ông là Ma Ba Tuần.

Ma Ba Tuần liền nghĩ: “Thôi rồi, Sa Môn Cù Đàm đã biết ta, Như Lai đã biết ta”; biết như thế, Ma Ba Tuần rất đỗi buồn rầu, rồi vụt biến mất.

Bấy giờ vị Phạm Thiên Vương ấy nói lại lời nói trước đó, đức Phật cũng nói y như đã nói: là lời Phạm Thiên nói là sai là vô minh.

Nghe vậy, Phạm Thiên nói:

- Này Đại Tiên Nhân, thuở xưa có Sa Môn, Phạm Chí mạng sống rất lâu dài, còn Ông thọ mạng quá ngắn, Ông không biết sự ngồi yên trong khoảnh khắc của các vị Sa Môn, Phạm Chí kia, vì sao? Vì các vị ấy biết trọn vẹn, thấy trọn vẹn thật sự chỗ này không hoại, là nơi xuất yếu, ngoài chỗ này không còn chỗ nào khác tối yếu hơn, nơi đây có bậc tối thắng, tối diệu, tối thượng.

Này Đại Tiên Nhân, đối với chỗ xuất phát ra tất cả chúng sanh, Ông bảo là không phải; đối với chỗ không phải là chỗ xuất phát ra tất cả chúng sanh, Ông bảo là phải; như vậy, Ông sẽ không có xuất yếu và trở thành đại si, vì sẽ không bao giờ có cảnh giới ấy cho Ông.

Này Đại Tiên Nhân, nếu có Sa Môn, Phạm Chí nào ưa địa đại, tán thán địa đại, thì vị ấy tùy sự tự tại của ta, làm theo ý ta muốn, vâng theo lệnh ta sai. Cũng thế, bất kỳ ai, nếu ai ưa thích Phạm Thiên, tán thán Phạm Thiên, vị ấy tùy sự tự tại của ta, làm theo ý ta muốn, vâng theo lệnh ta sai. Ông nếu ưa thích địa đại, tán thán địa đại, thì Ông cũng tùy theo sự tự tại của ta, làm theo ý ta muốn, vâng theo lệnh ta sai.

Đức Phật bảo:

- Này Phạm Thiên, theo cái gọi là “Chân Đế” mà Ông vừa nói, nếu Ta theo đó mà ưa thích tán thán, thì những điều ấy vẫn như thế. Này Phạm Thiên, Ta biết rõ Ông từ đâu đến đây và sẽ đi đâu. Nếu có Phạm Thiên thì Phạm Thiên ấy có Thần thông biến hóa (đại như ý túc), có vô số công đức (đại oai đức), có phước vô số (đại phúc hựu), có uy nghi tự tại (đại oai thần).

Phạm Thiên nói:

- Này Đại Tiên Nhân, Ông làm sao biết được điều ta biết, làm sao thấy được điều ta thấy? Ta như mặt trời, tự tại soi sáng cả nghìn thế giới, Ông làm sao biết rõ được, Ông có được tự tại không, Ông có biết những nơi nào không có ngày đêm không và Ông đã có lần nào qua chốn đó chưa?

Đức Phật nói:

- Này Phạm Thiên, như mặt trời soi sáng khắp nơi, bao trùm cả ngàn thế giới, trong nghìn thế giới Ta được tự tại, và biết nơi không có ngày đêm, và đã qua lại rất nhiều lần.

Này Phạm Thiên, có ba cõi Trời là Quang Thiên, Tịnh Quang Thiên, và Biến Tịnh Quang Thiên; nếu ba loài Trời này có tri kiến gì thì Ta cũng có tri kiến ấy, nếu ba loài Trời này không có tri kiến khác, Ta vẫn có tri kiến khác ấy.

Này Phạm Thiên, Ông và quyến thuộc của Ông có tri kiến gì, Ta cũng có tri kiến đó, nếu Ông và quyến thuộc của Ông không có tri kiến khác, Ta vẫn có tri kiến khác ấy. Thế nên: Ông và quyến thuộc của Ông không thể bằng Ta về tất cả, đối với Ông và quyến thuộc của Ông, Ta là tối thắng, tối diệu, tối thượng.

Nghe vậy, Phạm Thiên nói:

- Này Đại Tiên Nhân, do đâu Ông dám nói như thế, Ông có phải là nói khoác lác không? Sau khi nói xong, không biết có tăng sự ngu si chăng, vì sao? Vì biết rõ vô lượng cảnh giới, nên có vô lượng tri kiến, vô lượng chủng loại phân biệt; trái lại, ta biết riêng rẽ từng cái: Là địa đại ta biết đó là địa đại. Với thủy đại, hỏa đại, phong đại, thần ngã, chư Thiên, v.v..., cũng giống như thế, là Phạm Thiên ta biết đó là Phạm Thiên.

Bấy giờ đức Phật bảo:

- Này Phạm Thiên, nếu có Sa Môn, Phạm Chí nào đối với địa đại nghĩ rằng: “Địa là ta, địa là của ta, ta là của địa đại” thì đã chấp địa đại là ta rồi, nên vị ấy không thực biết địa đại.

Ngược lại, nếu có Sa Môn, Phạm Chí nào đối với địa đại nghĩ rằng: “Địa không phải là ta, địa không phải là của ta, ta không phải là của địa đại”; nhờ không chấp nhận địa là ta, nên vị ấy mới thực biết địa đại.

Đối với thủy đại (nước), phong đại (gió), hỏa đại (lửa), thần ngã (thức), chư Thiên, Phạm Thiên, vô phiền Thiên, vô nhiệt Thiên, tịnh Thiên, v.v... biết tất cả chẳng phải là ta, chẳng phải là của ta, ta chẳng phải là của các thứ ấy; nhờ không chấp nhận, các thứ ấy không phải là ta, nên ta mới thực sự biết về các thứ ấy.

Nghe xong, Phạm Thiên nói:

- Chúng sanh ai cũng ưa thích có (hữu), muốn có, chỉ riêng Ông không ưa thích có.

Rồi Phạm Thiên nói kệ:

Nơi có thấy sợ hãi,
Không có thấy sợ gì?
Cho nên đừng ưa có,
Có làm sao chẳng dứt?

LỜI BÀN:

Trước hết, chúng ta nên biết chương trình làm việc hàng ngày của đức Phật, ngoài giờ giảng đạo cho bốn chúng Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Cư sĩ Nam, Cư sĩ Nữ, hoặc tiếp các ngoại đạo đến hỏi đạo hay luận bàn, hoặc đi khất thực hay đi thụ thực cúng dàng. Thời giờ còn lại, đức Phật thường ngồi Thiền vào đại Định quán sát khắp thế gian, để xem xét; nếu nhận thấy cần đến nơi ấy, Ngài liền dùng Thần thông tới liền, việc như thế đã từng xảy ra rất nhiều lần. Nhưng lần này, do Kinh Phạm Thiên, chúng ta được biết đức Phật đã quán sát cả các tầng trời nữa chứ không chỉ riêng đối với chúng sinh trên mặt đất. Do đó mới có cuộc luận bàn giữa Phạm Thiên Vương và đức Phật.

Cuộc luận bàn này, có lẽ xảy ra khi đức Phật thành Đạo chưa bao lâu, nên các Phạm Thiên Vương chưa biết nhiều về Ngài, do đó mới có cuộc tranh luận này.

Trước khi phân tích cuộc tranh luận, thiết tưởng chúng ta cũng nên biết sơ qua về cõi Trời Phạm. Cõi Phạm Thiên gồm ba tầng:

- Đại Phạm Thiên:Ở tầng cao nhất.

Vị Đại Phạm Thiên vi diệu, đẹp đẽ, uy nghi, tự tại, hạnh phúc, có ánh sáng cực kỳ rực rỡ; vị Đại Phạm-Thiên có các vị Phạm-Thiên thân cận, và Phạm-Chúng-Thiên bao quanh. Tuổi thọ của Đại Phạm-Thiên là một 1 Tiểu kiếp rưỡi = 16,798,000 + 8,399,000 = 25,197,000 năm của trái đất.

- Phạm-Thiên: Ở tầng giữa.

Phạm Thiên là những vị Trời thân cận Đại Phạm-Thiên, kém vị Đại Phạm-Thiên một chút, ví như các vị quan đại-thần; các vị Phạm-Thiên sống lâu một Tiểu kiếp = 16,798,000 năm của trái đất.

- Phạm-Chúng-Thiên: Ở tầng thấp.

Là các vị Trời tùy tùng các vị Phạm-Thiên, cũng có đầy đủ thần thông, nhưng không bằng các vị Phạm-Thiên; Phạm-Chúng-Thiên sống lâu một nửa Tiểu kiếp = 16,798,000 / 2 = 8,399,000 năm của trái đất.

Có 18 tầng trời Sắc giới hết thảy, cõi Phạm Thiên là cõi Sắc giới thấp nhất; ba tầng của Phạm Thiên tương ưng với Sơ Thiền Sắc giới. Ba tầng bên trên là Quang Thiên, tương ưng với Nhị Thiền Sắc giới; rồi đến ba tầng Tịnh Thiên Sắc giới cao hơn, tương ưng với Tam Thiền Sắc giới. Rồi đến các tầng khác cao hơn nữa, tương ưng với Tứ Thiền Sắc giới; Chư Thiên Sắc giới có hình sắc rất đẹp, nhưng không có dục tính.

Bên trên các cõi Sắc giới là 4 tầng Trời Vô Sắc giới, các vị Trời này không có hình sắc gì cả. Bên dưới các cõi Sắc giới là 6 tầng trời Dục giới, các vị Trời Dục giới cũng đẹp nhưng không đẹp bằng các vị Trời ở các cõi Sắc giới, các vị Trời cõi Dục giới có tham ngũ dục nên gọi là Trời Dục giới; tổng cộng có 28 tầng trời cả thảy.

Khi đức Phật nghe Phạm Thiên Vương nói lời tà kiến, nên Ngài đã đến ngay chỗ vị Phạm Thiên; vị Phạm Thiên nói: “Chỗ này là thường hữu, chỗ này là hằng hữu, chỗ này trường tồn, chỗ này quan yếu, chỗ này là pháp không hoại diệt, chỗ này là xuất yếu, ngoài xuất yếu này không còn xuất yếu nào hơn nữa, mà có bậc tối thắng, tối diệu, tối thượng.

Nghĩa là chỗ này luôn luôn có, chỗ này vĩnh cửu, chỗ này còn mãi mãi, chỗ này tối quan trọng, chỗ này là nơi không hư hoại, chỗ này là nơi xuất sinh tối quan trọng, ngoài chỗ này không còn chỗ nào xuất sinh tối yếu hơn nữa, mà nơi đây có bậc tối thắng, tối diệu, tối thượng vậy; tại sao Phạm Thiên nói thế?

Tại vì, như chúng ta đã biết, đời sống của Phạm Thiên vô cùng lâu dài, nên họ không thấy sự chết, họ tưởng rằng ở cõi ấy không có chết, thường hằng, trường tồn nên mới nói như thế.

Tuy nhiên có những Phạm Chúng Thiên chết rồi sinh xuống trần gian, nhưng họ lại không cho đó là chết, mà chỉ là chuyển đổi sinh ra ở thế gian mà thôi; do đó, Phạm Thiên nói “chỗ này là xuất yếu, ngoài xuất yếu này không còn xuất yếu nào hơn nữa” là vậy.

Đức Phật bảo Phạm Thiên, đại ý nói:

Cái không thường, không hằng, không trường tồn, không quan yếu, Ông lại bảo là thường là hằng, là trường tồn, là quan yếu. Cái hoại diệt, cái không quan yếu, Ông lại bảo là không hoại diệt, là quan yếu... Này Phạm Thiên, Ông có cái vô mình này, Ông đang chìm đắm trong vô minh này

Tại sao đức Phật nói vậy? Bởi vì Phạm Thiên có đời sống lâu dài, tưởng rằng mình là thường hằng trường tồn, tưởng rằng nơi ấy là chỗ độc nhất xuất sinh ra loài người; nên đức Phật đã bảo Phạm Thiên là sai lầm, sự thực không phải như thế, tại sao? Vì Phạm Thiên hết tuổi thọ rồi phải chết, còn tái sinh ở đâu là tùy nghiệp, chứ không phải chỉ xuống cõi người; do đó Ngài bảo Phạm Thiên: “Ông có cái vô minh này, Ông đang chìm đắm trong vô minh này” là vậy.

Riêng về Thiên Ma, chúng ta thấy những lời của Ma toàn là lời đe dọa, dụ dỗ, mong đức Phật nghe lời Phạm Thiên; nhưng khi Ma bị Ngài nói trúng tên thì buồn rầu mà biến đi.

Khi đấu trí về sự hiểu biết, Phạm Thiên hỏi đức Phật:

“- Này Đại Tiên Nhân, Ông làm sao biết được điều ta biết, làm sao thấy được điều ta thấy? Ta như mặt trời, tự tại soi sáng cả nghìn thế giới, Ông làm sao biết rõ được, Ông có được tự tại không? Ông có biết những nơi nào không có ngày đêm không, Ông đã có lần nào qua chốn đó chưa?

Đức Phật nói:

”- Này Phạm Thiên, như mặt trời soi sáng khắp nơi, bao trùm cả ngàn thế giới, trong nghìn thế giới Ta được tự tại, và biết nơi không có ngày đêm, và đã qua lại rất nhiều lần”.

Về điểm này: chúng ta thấy có một vấn đề cần nêu lên, đó là “Nơi không có ngày đêm”; thế nào là nơi không có ngày đêm? Nơi không phải ban ngày mà cũng chẳng phải ban đêm, đây là nơi nào, vị nào biết được thử đoán xem là nơi đâu?

Đời sống của con người luôn luôn trải qua hết ngày đến đêm, hết đêm đến ngày, luân phiên mãi như thế. Lúc giao điểm giữa ngày và đêm không thể nói là “nơi không có ngày và đêm” được, nơi ấy phải là nơi không có ánh sáng chiếu tới.

Những ai có thể đến được nơi không có ngày đêm? Chư Phật đến được là chắc chắn rồi như đức Phật đã minh xác, chư đại Bồ Tát chắc chắn cũng đến được, và cả một số chư Thiên nữa như Đại Phạm Thiên chẳng hạn, cũng đến được; vậy thì chỗ không có ngày đêm ở đâu?

Người viết thiết nghĩ, những vùng biên giữa cõi Phật này (giải Ngân Hà này) và cõi Phật khác ở quá cách xa nhau, không có ánh sáng, chỉ mờ mờ nên không có ngày mà cũng chẳng có đêm, là vậy.

Rồi đức Phật nói tiếp:

“- Này Phạm Thiên, có ba cõi Trời là Quang Thiên, Tịnh Quang Thiên, và Biến Tịnh Quang Thiên; nếu ba loài Trời này có tri kiến gì thì Ta cũng có tri kiến ấy, nếu ba loài Trời này không có tri kiến khác, Ta vẫn có tri kiến khác ấy.

Này Phạm Thiên, Ông và quyến thuộc của Ông có tri kiến gì, Ta cũng có tri kiến đó, nếu Ông và quyến thuộc của Ông không có tri kiến khác, Ta vẫn có tri kiến khác ấy. Thế nên, Ông và quyến thuộc của Ông không thể bằng Ta về tất cả; đối với Ông và quyến thuộc của Ông, Ta là tối thắng, tối diệu, tối thượng”.

Về điểm này, đức Phật chứng tỏ cho Phạm Thiên biết rằng trên cõi Phạm Thiên còn có cõi Trời khác có nhiều sự hiểu biết (tri kiến) hơn nữa, nhưng những tri kiến của cõi ấy cũng còn kém tri kiến của Ngài, Đức Phật khẳng định tri kiến của cõi Phạm Thiên còn thua xa tri kiến của Phật.

Tới phần tranh luận cuối, để trả lời khi Phạm Thiên nói:

“- Này Đại Tiên Nhân, nếu có Sa Môn, Phạm Chí nào ưa địa đại, tán thán địa đại, thì vị ấy tùy sự tự tại của ta, làm theo ý ta muốn, vâng theo lệnh ta sai; cũng thế, bất kỳ ai, nếu ai ưa thích Phạm Thiên, tán thán Phạm Thiên, thì vị ấy tùy sự tự tại của ta, làm theo ý ta muốn, vâng theo lệnh ta sai. Ông nếu ưa thích địa đại, tán thán địa đại, thì Ông cũng tùy theo sự tự tại của ta, làm theo ý ta muốn, vâng theo lệnh ta sai”.

Đức Phật bảo:

“- Này Phạm Thiên, nếu có Sa Môn, Phạm Chí nào đối với địa đại nghĩ rằng: “Địa là ta, địa là của ta, ta là của địa đại” thì đã chấp địa đại là ta rồi, nên vị ấy không thực biết địa đại.

Ngược lại, nếu có Sa Môn Phạm Chí nào đối với địa đại nghĩ rằng: “Địa không phải là ta, địa không phải là của ta, ta không phải là của địa đại”. Nhờ không chấp nhận địa là ta, nên vị ấy mới thực biết địa đại.

Đối với thủy đại (nước), phong đại (gió), hỏa đại (lửa), thần ngã (thức), chư Thiên, Phạm Thiên, vô phiền Thiên, vô nhiệt Thiên, tịnh Thiên, v.v... biết tất cả chẳng phải là ta, chẳng phải là của ta, ta chẳng phải là của các thứ ấy; nhờ không chấp nhận, các thứ ấy không phải là ta, nên ta mới thực sự biết về các thứ ấy.”

Tại sao thế? Vì mọi hiện tượng tâm lý tinh thần và vật lý vật chất không có cái gì có một chủ thể độc lập hay thường còn cả, nên nó là “vô thường”, nó là “vô ngã”, không có ta. Ý nghĩ cho rằng có “ta”, có “người”, có “cái của ta”, là những đơn vị độc lập không phụ thuộc vào nhau, chính là vô minh, chính là si mê.

Vì chấp sắc thân và tâm là ta nên không biết thân tâm, tại sao? Vì Sắc thân gồm các bộ phận thân thể, mà các bộ phận được cấu tạo bởi “đất, nước, gió, lửa”, bốn thứ này luôn luôn thay đổi không ngừng, chúng không có chủ thể, nên không có gì gọi là ta được cả. Tâm gồm: các cảm giác (thọ), nghĩ tưởng nhớ (tưởng), suy nghĩ khởi muốn, khởi làm (hành), và phân biệt so sánh (thức), mà có. Tất cả: thọ, tưởng, hành, thức, đều thay đổi không có chủ thể, nên tâm cũng chẳng phải là ta; như vậy, thân tâm đều chẳng phải là ta, nó vô ngã, nên chẳng có cái gì là của ta được, và ta cũng chẳng thuộc về cái gì cả, hiểu được như vậy là hết vô minh, hết si mê.

Câu đức Phật nói:: “Nhờ không chấp nhận các thứ là ta, không chấp nhận các thứ là của ta, nên ta mới thực sự biết các thứ ấy”,là sao?

Nghĩa là nếu hoàn toàn “vô ngã” rồi, không còn một chút nào tham lam, ái dục, keo kiệt; không còn một tí nào sân hận giận hờn, tật đố ghen tị; không còn một dấu vết nào của kiêu căng, ngạo mạn, khinh người v.v... thì đạt quả Thánh; người đã đạt tới quả Thánh rồi nhìn mọi sự ở đời đều biết như thật vậy.

Cuối cuộc luận bàn, chúng ta thấy Phạm Thiên đuối lý, nên mới nói bài kệ theo ý luận của đức Phật, nhưng Phạm Thiên chưa chịu hàng phục hẳn đâu. Chúng ta tiếp tục theo dõi đoạn Kinh kế tiếp xem Phạm Thiên trổ tài gì?

2)- THI TÀI BIẾN HÓA:

Sau khi nói kệ, Phạm Thiên nói:

- Này Đại Tiên Nhân, nay ta muốn ẩn hình.

Đức Phật bảo:

- Này Phạm Thiên, nếu Ông muốn ẩn hình thì tùy ý Ông.

Phạm Thiên liền biến hình (tàng hình), đức Phật liền nói:

- Ông ở chỗ này, Ông đến chỗ kia, Ông lại vào chỗ giữa này.

Mỗi chỗ Phạm Thiên di chuyển đến, Ngài đều chỉ không sai; Phạm Thiên muốn ẩn hình, nhưng chẳng qua được mắt Phật, nên phải hiện hình trở lại, bấy giờ đức Phật nói:

- Ta cũng muốn ẩn hình, Ông xem Ta ở chỗ nào?

Đức Phật liền nghĩ: “Ta hãy hiện Như Ý Túc Như Kỳ Tượng, phóng hào quang cực sáng chiếu rọi khắp cõi Phạm Thiên, rồi ẩn hình trong đó, khiến Phạm Thiên và quyến thuộc chỉ nghe tiếng Ta mà không thấy hình Ta”; nghĩ xong, Ngài liền thực hành.

Bấy giờ, Phạm Thiên và quyến thuộc, ai cũng nghĩ rằng: “Sa Môn Cù Đàm thực là kỳ diệu, thật là hy hữu, có đại như ý túc (biến hóa), có đại oai đức, có đại phúc hựu (phúc lớn), có đại oai thần, vì sao? Vì đang phóng hào quang cực sáng chiếu khắp cõi Trời Phạm, rồi ẩn mình ở trong, khiến chúng ta không thể thấy mà chỉ nghe tiếng thôi”.

Lúc ấy, đức Phật biết tâm ý Phạm Thiên và quyến thuộc, nên Ngài nghĩ: “Ta đã cảm hóa được Phạm Thiên này và quyến thuộc rồi, Ta nên thu hồi Như ý túc”. Nghĩ rồi, Ngài liền thu hồi Thần túc và ở giữa cõi Phạm Thiên.

Bấy giờ Thiên Ma Ba Tuần thấy thế liền nói:

- Này Đại Tiên Nhân, Ông thật khéo biết, khéo thấy, khéo thông suốt, nhưng Ông chớ nên giáo huấn đệ tử, chớ nên nói pháp vi diệu cho đệ tử, chớ nên yêu thương (ái luyến) đệ tử. Ông hãy sống vô vi (sống đạo lý, sống tùy tự nhiên) mà hưởng thụ cuộc đời an nhàn, vì sao?, vì những việc làm ấy sẽ gây phiền nhọc, và khi chết sẽ sinh vào làm Thần kỹ nhạc thấp kém.

Đức Phật bảo Ma:

- Này Ma Ba Tuần, Ông chẳng phải mong thiện lợi cho Ta, chẳng phải mong cầu ích lợi cho Ta, cũng chẳng phải mong cầu an lạc cho Ta mà nói như thế. Này Ma Ba Tuần, Ta biết Ông nghĩ rằng: “Sa Môn Cù Đàm nói pháp cho đệ tử nghe, các đệ tử ấy sẽ ra khỏi cảnh giới của ta, ta sẽ không chi phối được họ nữa”, cho nên Ông mới nói như thế.

Này Ma Ba Tuần, nếu có Sa Môn Phạm Chí nào đã giáo hóa đệ tử, nói pháp cho đệ tử nghe và yêu thương đệ tử, nên sau khi qua đời đã sinh vào làm Thần kỹ nhạc thấp kém, thì Sa Môn, Phạm Chí ấy chẳng phải là Sa Môn mà tự xưng là Sa Môn, chẳng phải Phạm Chí, mà tự xưng là Phạm Chí, chẳng phải A La Hán mà tự xưng là A La Hán, chẳng phải bậc Chính Đẳng Giác mà tự xưng là Chính Đẳng Giác (Bậc giác ngộ cao nhất).

Này Ma Ba Tuần, Ta tự biết là Sa Môn nên mới xưng Sa Môn, Ta thực sự biết là A La Hán nên mới xưng là A La Hán, Ta thực sự biết là Chính Đẳng Giác nên mới xưng là Chính Đẳng Giác.

Này Ma Ba Tuần, nếu Ta có nói pháp hay không thì Ông cũng nên đi đi, Ta tự biết nên nói pháp hay không nên nói pháp là tùy ở nơi Ta.

LỜI BÀN:

Khi luận bàn về trí tuệ, Phạm Thiên thấy rõ trí của mình không thể bằng đức Phật nên mới nói bài kệ ở đoạn trên theo ý của Phật, nhưng chưa chịu khuất phục hẳn, mà còn muốn so tài cao thấp trong sự biến hóa, tại sao? Vì từ hồi nào tới lúc ấy Đại Phạm Thiên thường trổ tài với các tầng Trời Dục giới, không có ai sánh kịp, nên kiêu hãnh cho mình là nhất. Bấy giờ gặp Phật chưa biết ra sao nên muốn thử tài, nhưng như chúng ta đã biết kết quả rồi, và từ đó trở đi, Phạm Thiên mới coi đức Phật là bậc tối thắng, tối diệu, tối thượng vậy.

Nói về Thiên Ma Ba Tuần, là Vua cõi Trời Ma La Thiên, cõi Dục giới tầng cao nhất trong 6 tầng Trời Dục giới; với bản tính của Ma là luôn luôn ngăn cản làm điều tốt lành, xúi giục làm điều quấy ác, chúng ta không còn lạ gì nữa.

Một dấu ngoặc để biết thêm về cõi Phạm Thiên, đó là đạo Bà La Môn, mà ngày nay gọi là Ấn Độ giáo; trên nguyên tắc, đạo Bà La Môn thờ Phạm Thiên, Phạm Thiên là Thượng Đế, Thượng Đế sinh ra mọi người. Người đạo Bà La Môn đều cho rằng mình là con của Phạm Thiên, nên thường phải cúng tế Thượng Đế. Vị Đại Phạm Thiên chính là Thượng Đế của đạo Bà La Môn vậy.

Còn các đạo khác như Do Thái giáo (Israel) và Cơ Đốc giáo (Christian) thờ cùng một Thượng Đế, và Hồi giáo (Muslim) thờ một Thượng Đế khác. Người viết chưa hân hạnh được biết nên không thể viết ra được, rất tiếc; không biết hai vị Thượng Đế của họ là ai và hiện nay ở đâu có ai biết không?

Toàn Không

(CÙNG TÁC GIẢ)

Source: thuvienhoasen
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
07/04/2016(Xem: 8838)
“Thị hiện Đản sanh”, là cụm từ được chỉ chung cho tất cả các bậc Thánh nhân, chư Phật, Bồ Tát khởi lên ý niệm tự phát nguyện “Thị hiện”, là muốn và đến các quốc độ Trời, Người (cõi người nhiều hơn) đã định sẵn trong tâm để hóa độ. Sau đó, quán chiếu vào để tìm kiếm, chọn cho mình một người Mẹ trong những gia đình có tâm từ bi, thánh thiện, đạo đức, rồi nhập Thánh thai. Sau khi chào đời, bản thể lớn khôn, trí tuệ cao vời, liền Thị hiện vào dòng đời, dấn thân, lê gót khắp nơi trên mọi nẻo đường bản xứ mình, giáp mặt với mọi giai cấp, để hiển bày các đạo lý mang tính Thánh giáo, Thiện đạo, Thiện nghiệp, giáo lý giải thoát vốn đã và đang có mà khai thị, thị giáo cho các chủng loại chúng sanh Trời, Người thật bình đẳng, ai cũng được thăng tiến lên các nấc thang Chân, Thiện, Mỹ, giải thoát siêu lên các cảnh giới Phật, Thiên, Tiên sau khi xả bỏ ba
27/12/2015(Xem: 9610)
Lễ Vía Đức Phật A Di Đà 2015 tại TV Minh Quang Sydney, Úc Châu, Chủ Nhật 26-12-2015
06/10/2015(Xem: 53832)
Từ Bi, có nghĩa là tình thương yêu rộng lớn đối với muôn loài hữu tình chúng sanh(loài người và súc vật). Tình thương rộng lớn này được xuất phát từ trong tâm, thể hiện qua lời nói và hai hành động: TỪ và BI : Bang vui. Cứu khổ.
25/08/2015(Xem: 4138)
Cung trời Đâu Suất giáng phàm Sanh vào Tịnh Phạn, Cồ Đàm vương gia Chánh Thái tử Sĩ Đạt Tha Sống trong điện ngọc tháp ngà an vui Nhưng lòng Thái tử không nguôi Hằng luôn suy gẫm thân người mong manh Du ngoạn ngoại thành Giải khuây dạo bốn cửa thành Người già run rẩy thân hình kém suy Người bịnh ốm yếu sầu bi Người chết lạnh ngắt thân gầy xanh xao Thân nhân than khóc kêu gào Giàn thiêu hỏa táng xiết bao đau lòng
13/08/2015(Xem: 10169)
Một bài phóng sự của nữ ký giả Nathalie Lamoureux về Lâm-tì-ni (Lumbini), khu vườn nơi đản sinh của Đức Phật, đã được đăng tải và đưa lên trang mạng của tạp chí hàng tuần Le Point của Pháp số ngày 21 tháng 7 năm 2015. Lâm-tì-ni đã từng rơi vào sự quên lãng của con người từ bao thế kỷ và không còn ai biết là ở đâu. Mãi đến năm 1896, dựa theo những lời thuật lại trong nhật ký của nhà sư Trung Quốc Pháp Hiền, sau chuyến hành hương và tu học ở Ấn Độ vào đầu thế kỷ thứ V, các nhà khảo cổ người Anh đã khám phá ra một trụ đá của hoàng đế A-dục (từ -304 đến -232, trước Tây Lịch) cạnh một ngôi làng nghèo nàn là Rummindei của xứ Népal. Trên trụ đá có ghi khắc các dòng chữ cho biết Đức Phật đản sinh ở nơi này.
26/07/2015(Xem: 5915)
Bất cứ một tư tưởng triết học nào cũng đều chịu ảnh hưởng của bối cảnh xã hội, của nền văn hoá và của những tư tưởng triết học khác. Từ đó, tư tưởng của một triết gia có khi chịu ảnh hưởng của những người đi trước hoặc đương thời mà phát triển và quảng diễn thêm, nhưng cũng có khi phản kháng lại, hoặc phê bình để đi đến chỗ toàn thiện, hoặc để bênh vực cho tư tưởng của mình.
02/06/2015(Xem: 14652)
Trước khi ôn lại Tiểu Sử Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, để người đọc nhận định dễ hơn về ngày tháng ghi trong tiểu sử của Ngài, chúng tôi xin nhắc lại là Đức Phật Thích Ca sanh vào năm 624 trước Tây Lịch. Ngài nhập Niết Bàn lúc 80 tuổi vào năm 544 trước Tây Lịch. Sáu trăm hai mươi bốn năm sau, Tây Phương mới bắt đầu chọn năm sinh của Đức Chúa Jesus Christ làm khởi điểm cho Dương lịch. Như vậy tính đến nay là năm 2015 thì Đức Phật đã ra đời được 2,639 năm và chiếu theo Phật lịch khởi đầu từ năm Đức Phật viên tịch (năm 544 trước TL) thì Ngài đã nhập Niết Bàn được 2,559 năm. Việt Nam và các quốc gia thuộc khu vực Đông Á như Nhật Bản, Trung Hoa, Triều Tiên ... từ xưa đều làm Lễ Phật Đản vào ngày mồng 8 tháng Tư Âm Lịch. Tên gọi tắt dành cho ngày Lễ Phật Đản là "Ngày mồng Tám tháng Tư" đã lưu truyền hằng bao thế kỷ, trở thành phong tục tập quán cổ truyền, ghi đậm vào tâm khảm của mọi người kể cả người theo hay không theo Phật giáo.
15/04/2015(Xem: 9570)
Mãi cho đến tháng 12 năm 1999 mới được công nhận và tuyên bố Đại lễ Phật Đản Quốc tế (lễ Vesak – Tam hợp) tại trụ sở Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, New York City (Hoa Kỳ) vừa qua.
01/01/2015(Xem: 4420)
Từng đợt lá thay nhau úa vàng, héo khô, lả tả rơi theo gió mùa. Từng cơn mưa nặng hạt, rơi xuống những mảnh đất đã cằn khô, nứt nẻ. Mưa tuyết rơi xuống làng mạc yên ngủ, phủ đầy những đồng cỏ hoang. Máu lệ rơi trên xác thân người hiền, kẻ ác, người vô tội, kẻ vô minh. Khổ đau đổ xuống những thân phận giàu-nghèo, sang-hèn, tự tôn hay tự ti. Ngày tháng rớt theo những tờ lịch, ảo vọng vùi theo thời gian. Thời gian tàn theo bóng nắng, và đời người phai theo phút giây.
24/12/2014(Xem: 18620)
Bộ tranh cuộc đời Đức Phật Buddha life story
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]