Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Đức Phật và Phạm Thiên

18/06/201214:55(Xem: 4852)
Đức Phật và Phạm Thiên
ĐỨC PHẬT VÀ PHẠM THIÊN
Toàn Không

1)- ĐẤU TRÍ VỚI PHẠM THIÊN:

Một thời đức Phật ngự tại vườn Cấp Cô Độc, nước Xá Vệ. Bấy giờ có một Phạm Thiên Vương ở cõi Trời Phạm, nghĩ rằng: “Chỗ này là thường hữu, chỗ này là thường hằng, chỗ này trường tồn, chỗ này quan yếu, chỗ này là pháp không hoại diệt, chỗ này là xuất yếu, ngoài xuất yếu này không còn xuất yếu nào khác nữa, mà có bậc tối thắng, tối diệu, tối thượng”.

Lúc ấy, đức Phật bằng trí biết cùng khắp (Tha Tâm trí), biết rõ tâm niệm của Phạm Thiên kia đang nghĩ. Ngài liền nhập định biến (Như Kỳ Tượng Định), chỉ trong khoảng thời gian co duỗi cánh tay, Ngài biến mất khỏi vườn Cấp Cô Độc, tới ngay chỗ vị Trời ấy tại cõi Trời Phạm. Phạm Thiên trông thấy đức Phật liền chào nói:

- Kính chào Đại Tiên Nhân, rồi Phạm Thiên nói những lời giống như đã nghĩ ở trên.

Đức Phật nói:

- Này Phạm Thiên, cái không thường Ông bảo là thường, cái không hằng Ông bảo là hằng, cái không trường tồn Ông bảo là tường tồn, cái không quan yếu Ông bảo là quan yếu; cái hoại diệt Ông bảo là không hoại diệt, cái không xuất yếu Ông bảo là xuất yếu. Ông còn bảo: ngoài xuất yếu này không còn xuất yếu nào khác, mà có bậc tối thắng,
tối diệu, tối thượng. Này Phạm Thiên, Ông có cái vô minh này, Ông đang chìm đắm trong vô minh này.

Lúc đó có Thiên Ma Ba Tuần nói:

- Này Sa Môn, chớ nên trái lời Phạm Thiên, chớ có chống đối Phạm Thiên; nếu Ông không nghe lời lại còn chống đối, cũng như người gặp hên may mà lại xua đuổi đi, lời Sa Môn nói ra cũng như vậy. Cho nên ta bảo Ông chớ trái lời, chớ chống đối Phạm Thiên; nếu Ông chống trái lời Phạm Thiên, Ông cũng như người từ núi cao rơi xuống vực sâu thẳm, tuy dang hai tay hai chân bám vào hư không, nhưng chẳng bám được gì. Lời Sa Môn nói ra cũng như vậy.

Này Sa Môn, ta bảo chớ chống trái lời Phạm Thiên, vì sao? Vì Phạm Thiên có phúc lớn (phước hựu), là bậc hóa sinh, là đấng tối tôn, tạo dựng tất cả, là Tổ phụ của tất cả chúng sanh đã sinh và sẽ sinh, tất cả đều do Ngài sanh ra; những gì Ngài thấy biết là trọn thấy biết.

Này Đại Tiên Nhân, nếu có Sa Môn, Phạm Chí nào ghê tởm hủy báng địa đại (đất), thì khi chết chắc chắn sinh làm Thần kỹ nhạc trong chốn hạ tiện nhất. Cũng thế, nếu ai ghê tởm, chống đối, hủy báng Phạm Thiên, sau khi qua đời chắc chắn sinh làm Thần kỹ nhạc trong chốn hạ tiện nhất.

Trái lại, này Đại Tiên Nhân, nếu có ai ưa thích tán thán Phạm Thiên, thì sau khi chết (mạng chung) chắc chắn sinh làm bậc tối thượng cõi Phạm Thiên; này Đại Tiên Nhân, Ông há không thấy đại quyến thuộc của Phạm Thiên như bọn tôi đang ngồi đây sao?

Lúc ấy, đức Phật nghĩ rằng: “Ma Ba Tuần này chẳng phải Phạm Thiên, cũng chẳng phải quyến thuộc Phạm Thiên, nhưng lại tự xưng là Phạm Thiên. Nếu bảo rằng có Thiên Ma Ba Tuần thì đây chính là Ma Ba Tuần”, biết rõ như vậy rồi, Ngài bảo:

- Này Ma Ba Tuần, Ông chẳng phải Phạm Thiên, cũng chẳng phải là quyến thuộc Phạm Thiên, nhưng lại tự xưng Phạm Thiên; nếu cho rằng có Ma Ba Tuần, thì chính Ông là Ma Ba Tuần.

Ma Ba Tuần liền nghĩ: “Thôi rồi, Sa Môn Cù Đàm đã biết ta, Như Lai đã biết ta”; biết như thế, Ma Ba Tuần rất đỗi buồn rầu, rồi vụt biến mất.

Bấy giờ vị Phạm Thiên Vương ấy nói lại lời nói trước đó, đức Phật cũng nói y như đã nói: là lời Phạm Thiên nói là sai là vô minh.

Nghe vậy, Phạm Thiên nói:

- Này Đại Tiên Nhân, thuở xưa có Sa Môn, Phạm Chí mạng sống rất lâu dài, còn Ông thọ mạng quá ngắn, Ông không biết sự ngồi yên trong khoảnh khắc của các vị Sa Môn, Phạm Chí kia, vì sao? Vì các vị ấy biết trọn vẹn, thấy trọn vẹn thật sự chỗ này không hoại, là nơi xuất yếu, ngoài chỗ này không còn chỗ nào khác tối yếu hơn, nơi đây có bậc tối thắng, tối diệu, tối thượng.

Này Đại Tiên Nhân, đối với chỗ xuất phát ra tất cả chúng sanh, Ông bảo là không phải; đối với chỗ không phải là chỗ xuất phát ra tất cả chúng sanh, Ông bảo là phải; như vậy, Ông sẽ không có xuất yếu và trở thành đại si, vì sẽ không bao giờ có cảnh giới ấy cho Ông.

Này Đại Tiên Nhân, nếu có Sa Môn, Phạm Chí nào ưa địa đại, tán thán địa đại, thì vị ấy tùy sự tự tại của ta, làm theo ý ta muốn, vâng theo lệnh ta sai. Cũng thế, bất kỳ ai, nếu ai ưa thích Phạm Thiên, tán thán Phạm Thiên, vị ấy tùy sự tự tại của ta, làm theo ý ta muốn, vâng theo lệnh ta sai. Ông nếu ưa thích địa đại, tán thán địa đại, thì Ông cũng tùy theo sự tự tại của ta, làm theo ý ta muốn, vâng theo lệnh ta sai.

Đức Phật bảo:

- Này Phạm Thiên, theo cái gọi là “Chân Đế” mà Ông vừa nói, nếu Ta theo đó mà ưa thích tán thán, thì những điều ấy vẫn như thế. Này Phạm Thiên, Ta biết rõ Ông từ đâu đến đây và sẽ đi đâu. Nếu có Phạm Thiên thì Phạm Thiên ấy có Thần thông biến hóa (đại như ý túc), có vô số công đức (đại oai đức), có phước vô số (đại phúc hựu), có uy nghi tự tại (đại oai thần).

Phạm Thiên nói:

- Này Đại Tiên Nhân, Ông làm sao biết được điều ta biết, làm sao thấy được điều ta thấy? Ta như mặt trời, tự tại soi sáng cả nghìn thế giới, Ông làm sao biết rõ được, Ông có được tự tại không, Ông có biết những nơi nào không có ngày đêm không và Ông đã có lần nào qua chốn đó chưa?

Đức Phật nói:

- Này Phạm Thiên, như mặt trời soi sáng khắp nơi, bao trùm cả ngàn thế giới, trong nghìn thế giới Ta được tự tại, và biết nơi không có ngày đêm, và đã qua lại rất nhiều lần.

Này Phạm Thiên, có ba cõi Trời là Quang Thiên, Tịnh Quang Thiên, và Biến Tịnh Quang Thiên; nếu ba loài Trời này có tri kiến gì thì Ta cũng có tri kiến ấy, nếu ba loài Trời này không có tri kiến khác, Ta vẫn có tri kiến khác ấy.

Này Phạm Thiên, Ông và quyến thuộc của Ông có tri kiến gì, Ta cũng có tri kiến đó, nếu Ông và quyến thuộc của Ông không có tri kiến khác, Ta vẫn có tri kiến khác ấy. Thế nên: Ông và quyến thuộc của Ông không thể bằng Ta về tất cả, đối với Ông và quyến thuộc của Ông, Ta là tối thắng, tối diệu, tối thượng.

Nghe vậy, Phạm Thiên nói:

- Này Đại Tiên Nhân, do đâu Ông dám nói như thế, Ông có phải là nói khoác lác không? Sau khi nói xong, không biết có tăng sự ngu si chăng, vì sao? Vì biết rõ vô lượng cảnh giới, nên có vô lượng tri kiến, vô lượng chủng loại phân biệt; trái lại, ta biết riêng rẽ từng cái: Là địa đại ta biết đó là địa đại. Với thủy đại, hỏa đại, phong đại, thần ngã, chư Thiên, v.v..., cũng giống như thế, là Phạm Thiên ta biết đó là Phạm Thiên.

Bấy giờ đức Phật bảo:

- Này Phạm Thiên, nếu có Sa Môn, Phạm Chí nào đối với địa đại nghĩ rằng: “Địa là ta, địa là của ta, ta là của địa đại” thì đã chấp địa đại là ta rồi, nên vị ấy không thực biết địa đại.

Ngược lại, nếu có Sa Môn, Phạm Chí nào đối với địa đại nghĩ rằng: “Địa không phải là ta, địa không phải là của ta, ta không phải là của địa đại”; nhờ không chấp nhận địa là ta, nên vị ấy mới thực biết địa đại.

Đối với thủy đại (nước), phong đại (gió), hỏa đại (lửa), thần ngã (thức), chư Thiên, Phạm Thiên, vô phiền Thiên, vô nhiệt Thiên, tịnh Thiên, v.v... biết tất cả chẳng phải là ta, chẳng phải là của ta, ta chẳng phải là của các thứ ấy; nhờ không chấp nhận, các thứ ấy không phải là ta, nên ta mới thực sự biết về các thứ ấy.

Nghe xong, Phạm Thiên nói:

- Chúng sanh ai cũng ưa thích có (hữu), muốn có, chỉ riêng Ông không ưa thích có.

Rồi Phạm Thiên nói kệ:

Nơi có thấy sợ hãi,
Không có thấy sợ gì?
Cho nên đừng ưa có,
Có làm sao chẳng dứt?

LỜI BÀN:

Trước hết, chúng ta nên biết chương trình làm việc hàng ngày của đức Phật, ngoài giờ giảng đạo cho bốn chúng Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Cư sĩ Nam, Cư sĩ Nữ, hoặc tiếp các ngoại đạo đến hỏi đạo hay luận bàn, hoặc đi khất thực hay đi thụ thực cúng dàng. Thời giờ còn lại, đức Phật thường ngồi Thiền vào đại Định quán sát khắp thế gian, để xem xét; nếu nhận thấy cần đến nơi ấy, Ngài liền dùng Thần thông tới liền, việc như thế đã từng xảy ra rất nhiều lần. Nhưng lần này, do Kinh Phạm Thiên, chúng ta được biết đức Phật đã quán sát cả các tầng trời nữa chứ không chỉ riêng đối với chúng sinh trên mặt đất. Do đó mới có cuộc luận bàn giữa Phạm Thiên Vương và đức Phật.

Cuộc luận bàn này, có lẽ xảy ra khi đức Phật thành Đạo chưa bao lâu, nên các Phạm Thiên Vương chưa biết nhiều về Ngài, do đó mới có cuộc tranh luận này.

Trước khi phân tích cuộc tranh luận, thiết tưởng chúng ta cũng nên biết sơ qua về cõi Trời Phạm. Cõi Phạm Thiên gồm ba tầng:

- Đại Phạm Thiên:Ở tầng cao nhất.

Vị Đại Phạm Thiên vi diệu, đẹp đẽ, uy nghi, tự tại, hạnh phúc, có ánh sáng cực kỳ rực rỡ; vị Đại Phạm-Thiên có các vị Phạm-Thiên thân cận, và Phạm-Chúng-Thiên bao quanh. Tuổi thọ của Đại Phạm-Thiên là một 1 Tiểu kiếp rưỡi = 16,798,000 + 8,399,000 = 25,197,000 năm của trái đất.

- Phạm-Thiên: Ở tầng giữa.

Phạm Thiên là những vị Trời thân cận Đại Phạm-Thiên, kém vị Đại Phạm-Thiên một chút, ví như các vị quan đại-thần; các vị Phạm-Thiên sống lâu một Tiểu kiếp = 16,798,000 năm của trái đất.

- Phạm-Chúng-Thiên: Ở tầng thấp.

Là các vị Trời tùy tùng các vị Phạm-Thiên, cũng có đầy đủ thần thông, nhưng không bằng các vị Phạm-Thiên; Phạm-Chúng-Thiên sống lâu một nửa Tiểu kiếp = 16,798,000 / 2 = 8,399,000 năm của trái đất.

Có 18 tầng trời Sắc giới hết thảy, cõi Phạm Thiên là cõi Sắc giới thấp nhất; ba tầng của Phạm Thiên tương ưng với Sơ Thiền Sắc giới. Ba tầng bên trên là Quang Thiên, tương ưng với Nhị Thiền Sắc giới; rồi đến ba tầng Tịnh Thiên Sắc giới cao hơn, tương ưng với Tam Thiền Sắc giới. Rồi đến các tầng khác cao hơn nữa, tương ưng với Tứ Thiền Sắc giới; Chư Thiên Sắc giới có hình sắc rất đẹp, nhưng không có dục tính.

Bên trên các cõi Sắc giới là 4 tầng Trời Vô Sắc giới, các vị Trời này không có hình sắc gì cả. Bên dưới các cõi Sắc giới là 6 tầng trời Dục giới, các vị Trời Dục giới cũng đẹp nhưng không đẹp bằng các vị Trời ở các cõi Sắc giới, các vị Trời cõi Dục giới có tham ngũ dục nên gọi là Trời Dục giới; tổng cộng có 28 tầng trời cả thảy.

Khi đức Phật nghe Phạm Thiên Vương nói lời tà kiến, nên Ngài đã đến ngay chỗ vị Phạm Thiên; vị Phạm Thiên nói: “Chỗ này là thường hữu, chỗ này là hằng hữu, chỗ này trường tồn, chỗ này quan yếu, chỗ này là pháp không hoại diệt, chỗ này là xuất yếu, ngoài xuất yếu này không còn xuất yếu nào hơn nữa, mà có bậc tối thắng, tối diệu, tối thượng.

Nghĩa là chỗ này luôn luôn có, chỗ này vĩnh cửu, chỗ này còn mãi mãi, chỗ này tối quan trọng, chỗ này là nơi không hư hoại, chỗ này là nơi xuất sinh tối quan trọng, ngoài chỗ này không còn chỗ nào xuất sinh tối yếu hơn nữa, mà nơi đây có bậc tối thắng, tối diệu, tối thượng vậy; tại sao Phạm Thiên nói thế?

Tại vì, như chúng ta đã biết, đời sống của Phạm Thiên vô cùng lâu dài, nên họ không thấy sự chết, họ tưởng rằng ở cõi ấy không có chết, thường hằng, trường tồn nên mới nói như thế.

Tuy nhiên có những Phạm Chúng Thiên chết rồi sinh xuống trần gian, nhưng họ lại không cho đó là chết, mà chỉ là chuyển đổi sinh ra ở thế gian mà thôi; do đó, Phạm Thiên nói “chỗ này là xuất yếu, ngoài xuất yếu này không còn xuất yếu nào hơn nữa” là vậy.

Đức Phật bảo Phạm Thiên, đại ý nói:

Cái không thường, không hằng, không trường tồn, không quan yếu, Ông lại bảo là thường là hằng, là trường tồn, là quan yếu. Cái hoại diệt, cái không quan yếu, Ông lại bảo là không hoại diệt, là quan yếu... Này Phạm Thiên, Ông có cái vô mình này, Ông đang chìm đắm trong vô minh này

Tại sao đức Phật nói vậy? Bởi vì Phạm Thiên có đời sống lâu dài, tưởng rằng mình là thường hằng trường tồn, tưởng rằng nơi ấy là chỗ độc nhất xuất sinh ra loài người; nên đức Phật đã bảo Phạm Thiên là sai lầm, sự thực không phải như thế, tại sao? Vì Phạm Thiên hết tuổi thọ rồi phải chết, còn tái sinh ở đâu là tùy nghiệp, chứ không phải chỉ xuống cõi người; do đó Ngài bảo Phạm Thiên: “Ông có cái vô minh này, Ông đang chìm đắm trong vô minh này” là vậy.

Riêng về Thiên Ma, chúng ta thấy những lời của Ma toàn là lời đe dọa, dụ dỗ, mong đức Phật nghe lời Phạm Thiên; nhưng khi Ma bị Ngài nói trúng tên thì buồn rầu mà biến đi.

Khi đấu trí về sự hiểu biết, Phạm Thiên hỏi đức Phật:

“- Này Đại Tiên Nhân, Ông làm sao biết được điều ta biết, làm sao thấy được điều ta thấy? Ta như mặt trời, tự tại soi sáng cả nghìn thế giới, Ông làm sao biết rõ được, Ông có được tự tại không? Ông có biết những nơi nào không có ngày đêm không, Ông đã có lần nào qua chốn đó chưa?

Đức Phật nói:

”- Này Phạm Thiên, như mặt trời soi sáng khắp nơi, bao trùm cả ngàn thế giới, trong nghìn thế giới Ta được tự tại, và biết nơi không có ngày đêm, và đã qua lại rất nhiều lần”.

Về điểm này: chúng ta thấy có một vấn đề cần nêu lên, đó là “Nơi không có ngày đêm”; thế nào là nơi không có ngày đêm? Nơi không phải ban ngày mà cũng chẳng phải ban đêm, đây là nơi nào, vị nào biết được thử đoán xem là nơi đâu?

Đời sống của con người luôn luôn trải qua hết ngày đến đêm, hết đêm đến ngày, luân phiên mãi như thế. Lúc giao điểm giữa ngày và đêm không thể nói là “nơi không có ngày và đêm” được, nơi ấy phải là nơi không có ánh sáng chiếu tới.

Những ai có thể đến được nơi không có ngày đêm? Chư Phật đến được là chắc chắn rồi như đức Phật đã minh xác, chư đại Bồ Tát chắc chắn cũng đến được, và cả một số chư Thiên nữa như Đại Phạm Thiên chẳng hạn, cũng đến được; vậy thì chỗ không có ngày đêm ở đâu?

Người viết thiết nghĩ, những vùng biên giữa cõi Phật này (giải Ngân Hà này) và cõi Phật khác ở quá cách xa nhau, không có ánh sáng, chỉ mờ mờ nên không có ngày mà cũng chẳng có đêm, là vậy.

Rồi đức Phật nói tiếp:

“- Này Phạm Thiên, có ba cõi Trời là Quang Thiên, Tịnh Quang Thiên, và Biến Tịnh Quang Thiên; nếu ba loài Trời này có tri kiến gì thì Ta cũng có tri kiến ấy, nếu ba loài Trời này không có tri kiến khác, Ta vẫn có tri kiến khác ấy.

Này Phạm Thiên, Ông và quyến thuộc của Ông có tri kiến gì, Ta cũng có tri kiến đó, nếu Ông và quyến thuộc của Ông không có tri kiến khác, Ta vẫn có tri kiến khác ấy. Thế nên, Ông và quyến thuộc của Ông không thể bằng Ta về tất cả; đối với Ông và quyến thuộc của Ông, Ta là tối thắng, tối diệu, tối thượng”.

Về điểm này, đức Phật chứng tỏ cho Phạm Thiên biết rằng trên cõi Phạm Thiên còn có cõi Trời khác có nhiều sự hiểu biết (tri kiến) hơn nữa, nhưng những tri kiến của cõi ấy cũng còn kém tri kiến của Ngài, Đức Phật khẳng định tri kiến của cõi Phạm Thiên còn thua xa tri kiến của Phật.

Tới phần tranh luận cuối, để trả lời khi Phạm Thiên nói:

“- Này Đại Tiên Nhân, nếu có Sa Môn, Phạm Chí nào ưa địa đại, tán thán địa đại, thì vị ấy tùy sự tự tại của ta, làm theo ý ta muốn, vâng theo lệnh ta sai; cũng thế, bất kỳ ai, nếu ai ưa thích Phạm Thiên, tán thán Phạm Thiên, thì vị ấy tùy sự tự tại của ta, làm theo ý ta muốn, vâng theo lệnh ta sai. Ông nếu ưa thích địa đại, tán thán địa đại, thì Ông cũng tùy theo sự tự tại của ta, làm theo ý ta muốn, vâng theo lệnh ta sai”.

Đức Phật bảo:

“- Này Phạm Thiên, nếu có Sa Môn, Phạm Chí nào đối với địa đại nghĩ rằng: “Địa là ta, địa là của ta, ta là của địa đại” thì đã chấp địa đại là ta rồi, nên vị ấy không thực biết địa đại.

Ngược lại, nếu có Sa Môn Phạm Chí nào đối với địa đại nghĩ rằng: “Địa không phải là ta, địa không phải là của ta, ta không phải là của địa đại”. Nhờ không chấp nhận địa là ta, nên vị ấy mới thực biết địa đại.

Đối với thủy đại (nước), phong đại (gió), hỏa đại (lửa), thần ngã (thức), chư Thiên, Phạm Thiên, vô phiền Thiên, vô nhiệt Thiên, tịnh Thiên, v.v... biết tất cả chẳng phải là ta, chẳng phải là của ta, ta chẳng phải là của các thứ ấy; nhờ không chấp nhận, các thứ ấy không phải là ta, nên ta mới thực sự biết về các thứ ấy.”

Tại sao thế? Vì mọi hiện tượng tâm lý tinh thần và vật lý vật chất không có cái gì có một chủ thể độc lập hay thường còn cả, nên nó là “vô thường”, nó là “vô ngã”, không có ta. Ý nghĩ cho rằng có “ta”, có “người”, có “cái của ta”, là những đơn vị độc lập không phụ thuộc vào nhau, chính là vô minh, chính là si mê.

Vì chấp sắc thân và tâm là ta nên không biết thân tâm, tại sao? Vì Sắc thân gồm các bộ phận thân thể, mà các bộ phận được cấu tạo bởi “đất, nước, gió, lửa”, bốn thứ này luôn luôn thay đổi không ngừng, chúng không có chủ thể, nên không có gì gọi là ta được cả. Tâm gồm: các cảm giác (thọ), nghĩ tưởng nhớ (tưởng), suy nghĩ khởi muốn, khởi làm (hành), và phân biệt so sánh (thức), mà có. Tất cả: thọ, tưởng, hành, thức, đều thay đổi không có chủ thể, nên tâm cũng chẳng phải là ta; như vậy, thân tâm đều chẳng phải là ta, nó vô ngã, nên chẳng có cái gì là của ta được, và ta cũng chẳng thuộc về cái gì cả, hiểu được như vậy là hết vô minh, hết si mê.

Câu đức Phật nói:: “Nhờ không chấp nhận các thứ là ta, không chấp nhận các thứ là của ta, nên ta mới thực sự biết các thứ ấy”,là sao?

Nghĩa là nếu hoàn toàn “vô ngã” rồi, không còn một chút nào tham lam, ái dục, keo kiệt; không còn một tí nào sân hận giận hờn, tật đố ghen tị; không còn một dấu vết nào của kiêu căng, ngạo mạn, khinh người v.v... thì đạt quả Thánh; người đã đạt tới quả Thánh rồi nhìn mọi sự ở đời đều biết như thật vậy.

Cuối cuộc luận bàn, chúng ta thấy Phạm Thiên đuối lý, nên mới nói bài kệ theo ý luận của đức Phật, nhưng Phạm Thiên chưa chịu hàng phục hẳn đâu. Chúng ta tiếp tục theo dõi đoạn Kinh kế tiếp xem Phạm Thiên trổ tài gì?

2)- THI TÀI BIẾN HÓA:

Sau khi nói kệ, Phạm Thiên nói:

- Này Đại Tiên Nhân, nay ta muốn ẩn hình.

Đức Phật bảo:

- Này Phạm Thiên, nếu Ông muốn ẩn hình thì tùy ý Ông.

Phạm Thiên liền biến hình (tàng hình), đức Phật liền nói:

- Ông ở chỗ này, Ông đến chỗ kia, Ông lại vào chỗ giữa này.

Mỗi chỗ Phạm Thiên di chuyển đến, Ngài đều chỉ không sai; Phạm Thiên muốn ẩn hình, nhưng chẳng qua được mắt Phật, nên phải hiện hình trở lại, bấy giờ đức Phật nói:

- Ta cũng muốn ẩn hình, Ông xem Ta ở chỗ nào?

Đức Phật liền nghĩ: “Ta hãy hiện Như Ý Túc Như Kỳ Tượng, phóng hào quang cực sáng chiếu rọi khắp cõi Phạm Thiên, rồi ẩn hình trong đó, khiến Phạm Thiên và quyến thuộc chỉ nghe tiếng Ta mà không thấy hình Ta”; nghĩ xong, Ngài liền thực hành.

Bấy giờ, Phạm Thiên và quyến thuộc, ai cũng nghĩ rằng: “Sa Môn Cù Đàm thực là kỳ diệu, thật là hy hữu, có đại như ý túc (biến hóa), có đại oai đức, có đại phúc hựu (phúc lớn), có đại oai thần, vì sao? Vì đang phóng hào quang cực sáng chiếu khắp cõi Trời Phạm, rồi ẩn mình ở trong, khiến chúng ta không thể thấy mà chỉ nghe tiếng thôi”.

Lúc ấy, đức Phật biết tâm ý Phạm Thiên và quyến thuộc, nên Ngài nghĩ: “Ta đã cảm hóa được Phạm Thiên này và quyến thuộc rồi, Ta nên thu hồi Như ý túc”. Nghĩ rồi, Ngài liền thu hồi Thần túc và ở giữa cõi Phạm Thiên.

Bấy giờ Thiên Ma Ba Tuần thấy thế liền nói:

- Này Đại Tiên Nhân, Ông thật khéo biết, khéo thấy, khéo thông suốt, nhưng Ông chớ nên giáo huấn đệ tử, chớ nên nói pháp vi diệu cho đệ tử, chớ nên yêu thương (ái luyến) đệ tử. Ông hãy sống vô vi (sống đạo lý, sống tùy tự nhiên) mà hưởng thụ cuộc đời an nhàn, vì sao?, vì những việc làm ấy sẽ gây phiền nhọc, và khi chết sẽ sinh vào làm Thần kỹ nhạc thấp kém.

Đức Phật bảo Ma:

- Này Ma Ba Tuần, Ông chẳng phải mong thiện lợi cho Ta, chẳng phải mong cầu ích lợi cho Ta, cũng chẳng phải mong cầu an lạc cho Ta mà nói như thế. Này Ma Ba Tuần, Ta biết Ông nghĩ rằng: “Sa Môn Cù Đàm nói pháp cho đệ tử nghe, các đệ tử ấy sẽ ra khỏi cảnh giới của ta, ta sẽ không chi phối được họ nữa”, cho nên Ông mới nói như thế.

Này Ma Ba Tuần, nếu có Sa Môn Phạm Chí nào đã giáo hóa đệ tử, nói pháp cho đệ tử nghe và yêu thương đệ tử, nên sau khi qua đời đã sinh vào làm Thần kỹ nhạc thấp kém, thì Sa Môn, Phạm Chí ấy chẳng phải là Sa Môn mà tự xưng là Sa Môn, chẳng phải Phạm Chí, mà tự xưng là Phạm Chí, chẳng phải A La Hán mà tự xưng là A La Hán, chẳng phải bậc Chính Đẳng Giác mà tự xưng là Chính Đẳng Giác (Bậc giác ngộ cao nhất).

Này Ma Ba Tuần, Ta tự biết là Sa Môn nên mới xưng Sa Môn, Ta thực sự biết là A La Hán nên mới xưng là A La Hán, Ta thực sự biết là Chính Đẳng Giác nên mới xưng là Chính Đẳng Giác.

Này Ma Ba Tuần, nếu Ta có nói pháp hay không thì Ông cũng nên đi đi, Ta tự biết nên nói pháp hay không nên nói pháp là tùy ở nơi Ta.

LỜI BÀN:

Khi luận bàn về trí tuệ, Phạm Thiên thấy rõ trí của mình không thể bằng đức Phật nên mới nói bài kệ ở đoạn trên theo ý của Phật, nhưng chưa chịu khuất phục hẳn, mà còn muốn so tài cao thấp trong sự biến hóa, tại sao? Vì từ hồi nào tới lúc ấy Đại Phạm Thiên thường trổ tài với các tầng Trời Dục giới, không có ai sánh kịp, nên kiêu hãnh cho mình là nhất. Bấy giờ gặp Phật chưa biết ra sao nên muốn thử tài, nhưng như chúng ta đã biết kết quả rồi, và từ đó trở đi, Phạm Thiên mới coi đức Phật là bậc tối thắng, tối diệu, tối thượng vậy.

Nói về Thiên Ma Ba Tuần, là Vua cõi Trời Ma La Thiên, cõi Dục giới tầng cao nhất trong 6 tầng Trời Dục giới; với bản tính của Ma là luôn luôn ngăn cản làm điều tốt lành, xúi giục làm điều quấy ác, chúng ta không còn lạ gì nữa.

Một dấu ngoặc để biết thêm về cõi Phạm Thiên, đó là đạo Bà La Môn, mà ngày nay gọi là Ấn Độ giáo; trên nguyên tắc, đạo Bà La Môn thờ Phạm Thiên, Phạm Thiên là Thượng Đế, Thượng Đế sinh ra mọi người. Người đạo Bà La Môn đều cho rằng mình là con của Phạm Thiên, nên thường phải cúng tế Thượng Đế. Vị Đại Phạm Thiên chính là Thượng Đế của đạo Bà La Môn vậy.

Còn các đạo khác như Do Thái giáo (Israel) và Cơ Đốc giáo (Christian) thờ cùng một Thượng Đế, và Hồi giáo (Muslim) thờ một Thượng Đế khác. Người viết chưa hân hạnh được biết nên không thể viết ra được, rất tiếc; không biết hai vị Thượng Đế của họ là ai và hiện nay ở đâu có ai biết không?

Toàn Không

(CÙNG TÁC GIẢ)

Source: thuvienhoasen
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
19/06/2024(Xem: 752)
Đọc tụng Chú Đại Bi chẳng phải để cầu phước mà nương theo oai lực của ngài Quán Thế Âm Bồ Tát để tạo an vui lợi lạc cho đời. Do đó, theo học hỏi riêng tư: -Khi đến chùa, với tâm Đại Bi bạn sẽ không thấy ai là Phật tử thông minh, ai là Phật tử ngu độn. Bạn sẽ không thấy ai là Phật tử giàu sang, ai là Phật tử nghèo hèn. Bạn sẽ không thấy ai đẹp mà cũng chẳng thấy ai xấu. Bạn nhớ lời Phật dạy trong Kinh Viên Giác, “Không kính người trì giới, không ghét người phá giới, không trọng người học lâu, không khinh người mới học. Vì sao vậy? Tất cả là tính giác. Ví như con mắt sáng, thấy rõ cảnh trước mắt. Cái sáng ấy tròn khắp, không có yêu, không có ghét.”
01/10/2023(Xem: 1136)
Nhiều Phật tử thường nói với nhau như một lời nhắn nhủ: "Tiền tài danh vọng dù giàu nứt đố đổ vách, hằng tỉ đô la, siêu xe, dinh thự, quyền cao chức trọng...khi nhắm mắt xuôi tay chẳng mang được gì ngoài nghiệp“. Vậy nghiệp là gì, là quá trình trong cuộc sống dù vô tình hay cố ý, không chỉ kiếp này mà kể luôn những kiếp trước, những hành động dù thiện hay ác đều tạo nên nghiệp. Nghiệp tốt đến từ ý tưởng và hành vi tốt sẽ có kết quả tốt. Trái lại nghiệp xấu sẽ mang lại khổ đau. Đơn giản vậy thôi.
09/09/2023(Xem: 1828)
Lộ Trình Tu Tập: Giới, Định và Tuệ
04/11/2022(Xem: 2711)
Sau hai ngày 14 và 15 tháng 5 năm 2022, nhằm ngày trăng tròn tháng Tư âm lịch, đúng vào ngày Đản Sanh năm 2646 của Đức Phật Thích-ca Mâu-ni, trước khi trở về Hamburg, Hòa Thượng Phương Trượng Tổ Đình Viên Giác tặng cho tôi cuốn “Tôi Đọc Đại Tạng Kinh.” Đây là tác phẩm 69 của ngài vào độ tuổi 73. Trên xe lửa, tôi vội đọc ngay lời Dẫn nhập của Thầy ở đầu sách. Thầy viết: “Tất cả chúng ta đều bình đẳng về thời gian, dầu nam hay nữ, Tăng hay Ni, người lớn hay trẻ thơ..., mỗi ngày đều có đúng 24 tiếng đồng hồ như nhau, không hơn không kém. Tuy nhiên có nhiều người làm được rất nhiều việc trong khoảng thời gian 24 tiếng đồng hồ đó, mà cũng có nhiều người đã bỏ phí thời gian một cách vô ích...”
23/09/2022(Xem: 2261)
Tại Pháp, cơn đại dịch thực sự bắt đầu vào khoảng tháng ba năm 2020, với các lịnh phong tỏa, hạn chế những sinh hoạt bình thường của dân chúng như mua bán, di chuyển, tụ họp, ngay cả các công ty, công sở, các văn phòng cũng phải hạn chế số nhân viên, nhân công…Nhưng oái ăm thay, tại các bệnh viện thì bịnh nhân quá đông mà bác sĩ, y tá, phụ tá, cho đến hạ tầng cơ sở, các lao công lo phần vệ sinh, quét dọn cũng không đủ để đảm nhiệm cho xuể mọi công việc. Khởi đầu nạn dịch quả thật đem lại nhiều lo âu cho mọi người. Nhưng rồi, phía chính phủ cũng như dân chúng, ai cũng phải cố gắng, hi sinh để đương đầu với đại nạn. Và dần dà những khó khăn ban đầu cũng được khắc phục.
20/09/2022(Xem: 2361)
Kẻ trí tuệ ít lỗi lầm và khi phạm lỗi thì nhận biết và tu sửa. Kẻ ngu si không biết lỗi lầm và khi nhận biết thì biện minh mà không hề tu sửa. -Kẻ trí tuệ trước mọi sự việc đều tìm hiểu và phân tích lợi-hại. Còn kẻ ngu si chỉ nhìn thấy lợi mà không thấy hại. -Kẻ trí tuệ biết đo lường thời thế. Còn kẻ ngu si thì làm bừa, khi thất bại lại đổ lỗi cho Trời. Tức khí nhảy ra đâm chém dễ. Nhẫn nhục chờ thời khó, “Khảng khái cần vương dị. Thung dung tựu nghĩa nan.” (Lý Trần Quán Tiến Sĩ đời Lê Trung Hưng) -Kẻ ngu si kết bạn bừa bãi, thường rủ rê đi các nơi ăn chơi như phòng trà ca vũ, quán nhậu, hát karaoke, hoặc tổ chức ăn nhậu ồn ào ở nhà khiến vợ con phải hầu hạ, buồn phiền. Rồi chỉ vì một cử chỉ hay lời nói gì đó mà vung dao giết nhau. Chính vì thế mà kẻ ngu si thường đem giặc cướp về nhà. Kẻ trí tuệ tiếp bạn một cách trang trọng. thanh lịch, lễ độ và chừng mực. “Quân tử chi giao đạm nhược thủy. Tiểu nhân chi giao điềm như mật”.
15/06/2022(Xem: 3380)
Bản ngã là một chủ đề từ lâu các nhà chú giải và quý giảng sư thường nhắc đến. Người viết chưa đủ khả năng lạm bàn, nhưng sở dĩ bài viết này có được…đó nhờ mục hỏi đáp của Trung tâm Hộ Tông với tiêu đề “ BẢN NGà VÀ ĐẠI NGÔ qua các câu hỏi của tứ chúng từ khắp nơi trong và ngoài nước gửi về và đã được Hoà Thượng Viên Minh hồi đáp.
24/02/2022(Xem: 7463)
Tác giả tác phẩm này là Tỳ Kheo Sujato, thường được ghi tên là Bhikkhu Sujato, một nhà sư Úc châu uyên bác, đã dịch bốn Tạng Nikaya từ tiếng Pali sang tiếng Anh. Bhikkhu Sujato cũng là Trưởng Ban Biên Tập mạng SuttaCentral.net, nơi lưu trữ Tạng Pali và Tạng A Hàm trong nhiều ngôn ngữ -- các ngôn ngữ Pali, Sanskrit, Tạng ngữ, Hán ngữ, Việt ngữ và vài chục ngôn ngữ khác – trong đó có bản Nikaya Việt ngữ do Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch từ Tạng Pali, và bản A-Hàm Việt ngữ do hai Hòa Thượng Tuệ Sỹ và Thích Đức Thắng dịch từ Hán Tạng.
17/11/2021(Xem: 23161)
Nghiệp, phổ thông được hiểu là quy luật nhân quả. Nhân quả cũng chỉ là mối quan hệ về tồn tại và tác dụng của các hiện tượng tâm và vật trong phạm vi thường nghiệm. Lý tính của tất cả mọi tồn tại được Phật chỉ điểm là lý tính duyên khởi.266F[1] Lý tính duyên khởi được nhận thức trên hai trình độ khác nhau. Trong trình độ thông tục của nhận thức thường nghiệm, quan hệ duyên khởi là quan hệ nhân quả. Chân lý của thực tại trong trình độ này được gọi là tục đế, nó có tính quy ước, lệ thuộc mô hình cấu trúc của các căn hay quan năng nhận thức. Nhận thức về sự vật và môi trường chung quanh chắc chắn loài người không giống loài vật. Trong loài người, bối cảnh thiên nhiên và xã hội tạo thành những truyền thống tư duy khác nhau, rồi những dị biệt này dẫn đến chiến tranh tôn giáo.
13/11/2021(Xem: 12326)
“Bát Thánh Đạo” là phương pháp tu hành chơn chánh cao thượng đúng theo qui tắc Phật giáo mà đức Thế Tôn đã có lời ngợi khen là quí trọng hơn tất cả con đường tu hành, là con đường không thẳng cũng không dùn, không tham vui cũng không khắc khổ, vừa thành tựu các điều lợi ích đầy đủ đến hành giả, hiệp theo trình độ của mọi người. Cho nên cũng gọi là “TRUNG ĐẠO” (Majjhimapaṭipadā) là con đường giữa. Ví như đàn mà người lên dây vừa thẳng, khải nghe tiếng thanh tao, làm cho thính giả nghe đều thỏa thích. Vì thế, khi hành giả đã thực hành đầy đủ theo “pháp trung đạo” thì sẽ đạt đến bậc tối thượng hoặc chứng đạo quả trong Phật pháp không sai. Nếu duyên phần chưa đến kỳ, cũng được điều lợi ích là sự yên vui xác thật trong thân tâm, từ kiếp hiện tại và kết được duyên lành trong các kiếp vị lai. Tôi soạn, dịch pháp “Bát Thánh Đạo” này để giúp ích cho hàng Phật tử nương nhờ trau dồi trí nhớ và sự biết mình. Những hành giả đã có lòng chán nản trong sự luân hồi, muốn dứt trừ phiền não, để
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com 
KHÁCH VIẾNG THĂM
50,000,000