Đức Phật Thích Ca: Lịch Sử và Huyền Thoại.
Thích Nữ Hằng Như
Trước khi ôn lại Tiểu Sử Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, để người đọc nhận định dễ hơn về ngày tháng ghi trong tiểu sử của Ngài, chúng tôi xin nhắc lại là Đức Phật Thích Ca sanh vào năm 624 trước Tây Lịch. Ngài nhập Niết Bàn lúc 80 tuổi vào năm 544 trước Tây Lịch. Sáu trăm hai mươi bốn năm sau, Tây Phương mới bắt đầu chọn năm sinh của Đức Chúa Jesus Christ làm khởi điểm cho Dương lịch. Như vậy tính đến nay là năm 2015 thì Đức Phật đã ra đời được 2,639 năm và chiếu theo Phật lịch khởi đầu từ năm Đức Phật viên tịch (năm 544 trước TL) thì Ngài đã nhập Niết Bàn được 2,559 năm.
Việt Nam và các quốc gia thuộc khu vực Đông Á như Nhật Bản, Trung Hoa, Triều Tiên ... từ xưa đều làm Lễ Phật Đản vào ngày mồng 8 tháng Tư Âm Lịch. Tên gọi tắt dành cho ngày Lễ Phật Đản là "Ngày mồng Tám tháng Tư" đã lưu truyền hằng bao thế kỷ, trở thành phong tục tập quán cổ truyền, ghi đậm vào tâm khảm của mọi người kể cả người theo hay không theo Phật giáo.
Vào thế kỷ thứ 20, trong kỳ Đại lễ kỷ niệm Phật Giáo Thế Giới tổ chức tại Tích Lan năm 1954-1956, Hội Liên Hữu Phật Giáo Thế Giới (The World Fellowship of Buddhists) quyết định lấy ngày trăng tròn 15 tháng 4 Âm lịch làm ngày kỷ niệm Đức Phật Đản Sanh. Đó là lý do tại sao có 2 ngày kỷ niệm Đức Phật ra đời là Mồng 8 tháng Tư Âm lịch (trước kia) và Rằm tháng Tư Âm lịch (bây giờ).
***
Nhân ngày Lễ Khánh Đản của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, chúng ta hãy cùng nhau ôn lại tiểu sử của Ngài để có sự hiểu biết về một vĩ nhân đã để lại cho hậu thế một kho tàng văn hoá Phật học vĩ đại gồm 12,601 bài pháp thoại trong suốt 45 năm hoằng hoá, mà đã 2,559 năm trôi qua kể từ ngày Đức Phật viên tịch, nền minh triết đó vẫn còn được dân gian trên thế giới kể cả những người theo đạo Phật và những người không theo đạo Phật nghiên cứu và học hỏi.
Trình bày về tiểu sử Đức Phật, người Phật tử có hai cách nhìn. Một là Đức Phật huyền thoại được ghi lại đầy đủ trong bộ kinh Phật Tổ Thống Ký (Bắc Tông) Bộ kinh này diễn tả rất chi tiết về sự kiện đản sanh của Đức Phật, thậm chí còn kể rõ Ngài là một vị Bồ Tát ngự trên cõi trời, đản sinh xuống cõi người. Cái nhìn thứ hai khoa học hơn, cũng theo kinh sử để lại thì Ngài là một người bình thường như bao nhiêu người khác, có cha mẹ, vợ con, có những ưu tư về cuộc sống đau khổ của con người nên muốn tìm phương pháp để thoát ra khỏi cái vòng luân hồi sanh tử. Giai đoạn học đạo với 2 vị đạo sĩ nổi tiếng thời ấy là đạo sĩ Alãra Kãlama và Uddaka Ramãputta cũng như nhập đoàn với năm anh em đạo sĩ Kiều Trần Như suốt 6 năm tu khổ hạnh cũng không có gì khác biệt giữa vị Phật huyền thoại và vị Phật lịch sử.
Cho nên trong bài viết này chúng tôi mạn phép lấy tựa đề là "Đức Phật Thích Ca: Huyền Thoại (tôn giáo) và Lịch Sử". Bài viết chỉ giới thiệu sơ lược về lịch sử đản sanh của Ngài, chứ không khai triển các chi tiết khác, bởi chỉ có mấy ngàn chữ theo quy ước này, thì làm sao có thể diễn đạt được hết cuộc đời của một bậc đại Giác Ngộ như Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.