Tại sao “Tánh biết và bản ngã”
đang chơi Trò chơi “giác ngộ” kỳ diệu của Pháp?
Bản ngã là một chủ đề từ lâu các nhà chú giải và quý giảng sư thường nhắc đến. Người viết chưa đủ khả năng lạm bàn, nhưng sở dĩ bài viết này có được…đó nhờ mục hỏi đáp của Trung tâm Hộ Tông với tiêu đề “ BẢN NGà VÀ ĐẠI NGÔ qua các câu hỏi của tứ chúng từ khắp nơi trong và ngoài nước gửi về và đã được Hoà Thượng Viên Minh hồi đáp.
Do có nhiều câu hỏi lại trùng hợp với sự thắc mắc của người viết và đã được HT ban cho lời dạy đã khiến người viết tâm đắc mà sưu tầm lại tất cả những đáp án và soạn lấy riêng cho mình một bài giáo lý sâu sắc hầu chia sẻ cùng các bạn. Và xin nhắc được lại lần nữa chữ ta trong bài viết chỉ là một danh tự theo chế định của tục đế để xưng hô mà thôi.
Các bạn có khi nào tự hỏi mình như người viết với câu hỏi sau đây?
“ Kính bạch Thầy, có những lúc con cũng cảm thấy mình được ngộ đạo, tâm con cũng có lòng từ bi, yêu quý nhân loại biết buông bỏ, biết sống là tạm. Nhưng tâm con lại có lúc cũng rất ham hố cũng muốn làm đẹp cho đời cũng muốn có sự cống hiến về vật chất cho đời cho đạo. Nên con cứ trôi lăn trong vòng lăn lộn về kinh doanh. Mà ít được hưởng cái tu tập trong tĩnh lặng. Có những lúc con muốn buông đi tất cả công việc để trở về với cái tĩnh lặng. Nhưng con lại nghĩ rằng nếu mình ko làm đẹp cho đời thì đạo đâu có nghĩa gì. Bạch thầy nếu thế con nên thế nào“
Các bạn ơi, mình đã khóc khi nghe lời đáp như sau …
“Cả hai đều là biểu hiện của bản ngã, vì đó chỉ là hai khuynh hướng đối nghịch của bản ngã lý trí mà thôi, không phải là ngộ đạo đâu. Lý trí phân vân nghi hoặc giữa tịnh và động, giữa tự lợi và lợi tha... khi nghiêng về bên nào thì lý trí tìm lý lẽ để bênh vực cho khuynh hướng đó, nhưng rồi một thời gian sau nó lại theo chiều hướng ngược lại. Cả hai khuynh hướng đó chưa phải là Phật Đạo. Phật Đạo thấy ra cả hai mặt động tịnh, tự tha v.v... mà không rơi vào quan niệm nhi nguyên nên mới có thể sống tuỳ duyên thuận pháp vô ngã vị tha một cách tự nhiên ngay trong đời sống này - không có gì mâu thuẫn cả.”
Thì ra là thế …..thôi thì cùng nhau chúng ta học lại từ đầu nhé !
"Cái Ta", "Bản ngã", "Tánh biết" đều chỉ là tên gọi. Có nhiều cái gọi là "ta" khác nhau lắm: ta ảo tưởng, ta giả định theo vị trí (cha, chồng, quản lý...), ta đại danh từ (tôi, anh, nó, chúng ta...) v.v... trong đó vô ngã là không còn cái ta ảo tưởng thôi, còn mấy "ta" kia cứ dùng trong tục đế tự nhiên miễn đúng tốt là được.
Ta là ảo tưởng về cái tôi đối với anh em, chồng vợ, cha ông v.v..., của Ta là ảo tưởng về những gì mình sở hữu như thân của ta, nhà của ta, xe của ta v.v..., tự ngã của ta là cho rằng ta có linh hồn, tự tánh, tánh biết, tánh giác, Phật tánh, Đại ngã v.v... trường tồn bất biến.
Vậy thì cốt lõi của bản ngã là cái "ta, tôi" ảo tưởng trong pháp chế định.
- Ta, tôi từ chế định đại từ để xung hô như ông, anh, nó v.v...
- Ta, tôi từ vị trí của mỗi người trong đời sống như cha, mẹ v.v...
- Ta, tôi từ địa vị trong xã hội như chủ tịch, giám đốc v.v...
- Ta, tôi từ nghề chuyên môn như bác sĩ, kỹ sư, giáo viên v.v...
- Ta, tôi từ hợp đồng như vợ, chồng, chủ, tớ v.v...
Như vậy, Chính mình là bản ngã, là vô ngã, là không gì cả... tuỳ vào thái độ nhận thức của mỗi người, nên không cần xác minh định nghĩa qua ngôn từ, chỉ sinh ra tranh cãi, mà nên thấy nó như nó là.
Ổi là ổi, xoài là xoài, xoài không cần thành ổi hay ngược lại đó là chính mình. Chính mình là vô ngã thì liền có sự tương giao tự nhiên.
Chính mình là bản ngã thì tạo mối quan hệ hữu ý.
Chủ yếu là thấy ra cái gọi là chính mình đó thực sự là gì.
Và như thế “Cái tôi” chỉ là một nội dung hiện hữu một dòng tâm thức đang vận hành liên tục. “Cái tôi” chỉ còn là ý niệm mà thôi. Trong Kinh Kim Cang Phật đã dạy:
“Nhất thiết hữu vi pháp Như mộng, huyễn, bào, ảnh Như lộ diệc như điện Ưng tác như thị quán”
Các luận sư Phật học giảng giải bốn câu kinh như sau: Ở đây Phật muốn nói rằng những gì chúng ta thấy không phải là tự thân của sự vật, tưởng rằng mình đã nắm được thực tại, kỳ thực mình đang nắm những hình bóng huyễn mộng của nó. Phải quán chiếu sâu sắc như thế để thoát khỏi ảo giác về thực tại, Phật cũng là con người nhưng với tuệ giác siêu phàm đã thấy được các hiện hữu như mộng, huyễn, bào, ảnh. Đức Phật vẫn sống, vẫn ăn và uống nước như chúng ta, nhưng Phật sống với tinh thần vô chấp và vô tướng. Còn chúng ta thì không như thế. Vạn vật tồn tại không phải như ta tưởng, cũng không phải là không tồn tại, “cái tôi” cũng như tất cả các hiện tượng có vẻ như tồn tại nhưng thực ra chỉ là ảo ảnh. Thái độ bám chấp vào cái ngã (cái ta) là đi liền với khổ đau cho mình và cho cả người khác. Buông xả định kiến về hình ảnh riêng tư không cho “cái ta” là quan trọng sẽ giúp chúng ta tạo dựng một không gian nội tâm tự tại.
Và các bạn ơi xin thú thật tôi càng thấy mình cần phải nghe nhiều pháp thoại hơn nữa để hiểu được thế nào là Tánh biết và bản ngã đang chơi trò chơi "giác ngộ" kỳ diệu của Pháp.
Vì cái "ta" vẫn luôn muốn khẳng định mình, nó muốn người khác phải hiểu nó, tôn trọng nó, nếu không được như ý nó cứ ấm ức mãi. Đó là lý do vì sao người ta cứ muốn giải toả được ấm ức trong lòng bằng cách tâm sự với bạn bè. Đo đó mọi người lúc nào cũng đang tham dự trò chơi này, cũng đừng xuất ly trò chơi sớm quá vì có lẽ ….Luật chơi là khi nào Tánh biết thấy hết mọi biến hoá của bản ngã thì bản ngã tự biến mất, đơn giản chỉ thế thôi.!
Và tôi cũng có đồng suy nghĩ với một bạn đạo khi nghe nhiều bài pháp thoại về Bản Ngã của HT Viên Minh như sau:
“Chúng ta không biết Bản Ngã hình thành từ khi nào, dường như là từ những trải nghiệm yêu ghét lấy bỏ trong quá khứ. Bản Ngã khi còn non yếu thường hay bị đè nén hoặc cấm cản, song điều này thường là phản tác dụng và chỉ khiến cho nó càng kiên cố hơn. Chỉ đến khi Bản Ngã phải nhận lãnh đầy đủ quyền hạn và trách nhiệm đối với chính nó thì nó mới tiếp cận được với những giới hạn, bất toàn, và bất lực của mình trước các diễn biến của Nghiệp quả và tự nhiên của các quy luật vận hành thời gian và không gian, để rồi phải điều chỉnh cho phù hợp với các diễn biến đó thôi.
Và khi mê thì bị bản ngã sai khiến, khi tỉnh bản ngã chỉ giúp phát huy nhất thiết trí (trí liễu thông tất cả pháp) mà thôi. Giống như người chăn trâu mê ngủ thì trâu mới phá, người chăn trâu biết rõ trâu thì trâu trở thành thiện dụng
Lời kết:
Cái Ta thật ra là không có thật, không có thực chất, từ thân thể cho tới tinh thần, tình cảm, sự nghiệp, cho tới cả địa cầu, mặt trăng, mặt trời, vũ trụ, nói chung là vạn pháp, đều không có thực chất.
Cái ta ảo tưởng đồng nghĩa với bản ngã.
Bản ngã chỉ là cái "ta" ảo tưởng, trên thực tế chỉ có pháp đang vận hành mà thôi, không có cái bản ngã nào trong đó.
Ngũ uẩn cũng không phải là bản ngã, nhưng bản ngã cho rằng ngũ uẩn là chính nó. Vì vậy ngũ uẩn làm giàu cho bản ngã và bản ngã tích luỹ ngũ uẩn.
Đó là lý do khi thành đạo, Đức Phật không nói ta đã tìm được căn nhà, mà nói đã tìm được "người thợ làm nhà", và đã phá bỏ toàn bộ căn nhà mà người thợ ấy đã xây trong bao kiếp luân hồi. Người thợ làm nhà đó là bản ngã, xây căn nhà ngũ uẩn.
Riêng Trung Quán luận lại tách ra hai cái ta:
– Cái ta bẩm sinh, bản năng (còn gọi là cái ta tương đối).
– Cái ta khái niệm huân tập theo thói quen và được con người gắn cho nhiều tính chất mà mỗi người tự cho đó là cốt lõi của mình, độc lập và trường tồn (gọi khác là cái ta tuyệt đối).
Cái ta bẩm sinh, bản năng, tương đối là một danh từ giả lập để chỉ cái thân năm uẩn; nó có tính quy ước trong việc xưng hô và chỉ định sự khác biệt giữa từng cá nhân trong xã hội. Chẳng hạn khi đi làm thì nói “Tôi đi làm” – cái tôi (ta) này thuộc loại giả lập vì thực tế có cái thân này đi chứ không phải cái thân người khác đi.
Cái ta khái niệm chỉ là một ảo tưởng, một lầm chấp, chúng sinh vô minh nên lầm tưởng là cái ta tuyệt đối, thật có. Từ khi chào đời cho đến lúc ra đi, thân thể của con người phải chịu đựng bao thay đổi liên tục và tâm thức là một sân khấu của vô số những trải nghiệm về nhận thức và về tình cảm. Đau xót hơn là con người vẫn lầm chấp gán cho cái ta đó những tính chất thường hằng, đặc thù và tự chủ , luôn bị cái ngã ảo tưởng tạo cho một ý nghĩ rằng chỉ có mình có thể “đội đá vá trời” hay “thế thiên hành đạo” nhưng thực ra ảo tưởng chỉ tạo ra cõi ảo mộng đầy huyễn hoá mà thôi, không ảnh hưởng gì đến sự vận hành của pháp tánh tự nhiên…..
Tuy nhiên, từ lời dạy của nhiều cao tăng, đôi lúc không cần phải truy cùng diệt tận bản ngã như thế.
Bản ngã có công dụng của nó. Nó là ảo tưởng, là giả định nhưng cũng như khoa học nhờ có những giả thuyết đưa ra dự đoán rồi mới thí nghiệm để khám phá sự thật. Cứ để bản ngã ma mãnh theo cách của nó thì con mới phát hiện ra nhiều sự thật thú vị. Đó chính là ý nghĩa câu "phiền não tức Bồ-đề".
Hơn thế nữa chúng ta không cần diệt trừ bản ngã, vì nó chỉ là ảo tưởng - không có thật, cũng đừng cố truy tìm hay huỷ diệt bản ngã, chỉ cần quan sát tự nhiên để thấy hành tung bản ngã và ý muốn của nó là được. Vì muốn thoát khỏi bản ngã cũng là bản ngã, nhưng khi sáng suốt thấy rõ những biểu hiện của bản ngã đang diễn ra thì cái thấy đó vô ngã.
Chỉ cần soi sáng lại mọi sự mọi vật ngay nơi thân tâm và cuộc sống để thấy thực tánh của nó thì ảo tưởng bản ngã tự biến mất. ( Như khi tưởng sợi dây là con rắn thì đừng cố mà diệt con rắn, chỉ cần soi sáng sợi dây thì ảo tưởng con rắn liền tự biến mất,
Và cũng nên khắc ghi nhớ trong tâm rằng “Càng trốn tránh cuộc đời chỉ là trốn trong ảo tưởng của chính mình. Bản ngã là thứ chỉ bị bào mòn khi va chạm với 2 mặt của cuộc sống” .
Hãy tưởng tượng “Nếu ta là ly nước đầy cặn bã mà chỉ thấy cặn bã không phải ta, của ta, tự ngã của ta thì con liền giác ngộ giải thoát.
Nếu ta là ly nước tinh khiết mà thấy đó là ta, của ta, tự ngã của ta... thì vẫn không thoát khỏi cái ta ảo tưởng.”
Và nếu lý luân rằng vô ngã là không làm gì được ở đời thì đức Phật và các bậc thánh sao lại có thể làm lợi lạc quần sinh vô ngã vị tha đến mấy ngàn năm vẫn còn như thế được?
Sân vì không như ý
Muốn như ý càng sân
Đó chính là đạo lý
Bản ngã chỉ phù vân!
Viên Minh
Phần đông ai trong chúng ta đều nhầm khi tư duy và cố hiểu về bản ngã, tựu chung là 4 điều sau đây:
-Thứ nhất là ta cố sống tốt để thể hiện bản ngã, nên khi bị cho là xấu thì bản ngã thấy bế tắc muốn thoát ra, tức muốn công nhận là tốt.
Thứ hai: Thật ra đôi khi một điều đối với ta cho là tốt chưa chắc đã tốt đối với người khác. Vì Thiện và ác cũng xuất phát từ cái ta ảo tưởng nên vẫn còn trong thế gian (lokiya). Thoát khỏi thiện ác của bản ngã mới là cái thấy vô ngã (alokiya). Khi thấy tư tưởng chỉ là pháp sinh diệt như nó đến và đi giữa hư không thì cái thấy đó vô ngã, còn tư tưởng thiện ác vẫn hữu ngã, từ cái ta ảo tưởng
Thứ ba: Nếu thật sự ta đã sống tốt với mọi người thì dù khi không được công nhận ta vẫn tiếp tục tốt với họ, thông thường ta chỉ muốn tốt với người công nhận mình tốt thôi... thì vẫn chưa tốt đâu.
Thứ tư: nhiều khi ta không thấy có sự đối nghịch của đối phương vì chính lúc đó có thể đang giúp ta xem lại chính mình thử đã "khi xúc chạm việc đời tâm không động không sầu" chưa. Nếu chưa đủ thì cần họ giúp tiếp nữa
Đừng nhầm lẫn giữa cái "ta ảo tưởng" với cái "cá thể duyên sinh" rồi! Vì
bản ngã của một tỷ phú và binh nhì ……trong ảo tưởng thì rất rất khác, nhưng trong bản chất thì hoàn toàn giống nhau.
Và người giác ngộ thật sự dù ở trong chân đế - vô ngã - nhưng cũng không xả tục đế vì ở đó cái "cá thể duyên sinh" hoạt động bình thường mà vẫn không có cái "ta ảo tưởng".
Thật ra bản ngã không tự nhiên vì nếu hiểu tự nhiên là cái gì sẵn có trong trời đất không do con người tạo tác mà thành, thì bản ngã không phải tự nhiên vì do tư tưởng con người tác thành qua tiến trình ngũ uẩn. Thí dụ: Nếu trong thấy chỉ thấy, trong nghe chỉ nghe, trong xúc chỉ xúc, trong biết chỉ biết thì không có tưởng, hành, thức hình thành bản ngã.
Trong cuộc sống, tại sao ta thường thấy khổ đau, những đấu tranh trong xã hội, hận thù, rồi chiến tranh tàn phá cuộc sống. Đấy là do con người ta còn tham đắm sắc tài danh lợi, ngũ dục lục trần. Vì còn chấp ngã, cái “ta” và cái “của ta” luôn luôn ngự trị trong cuộc đời vì thế họ chẳng bao giờ thỏa mãn với những gì mình có, hạnh phúc lại như cái bóng khi họ vừa chạm tay vào nó, nó liền tuột mất, nhường chổ cho khổ đau xâm chiếm.
Vì vậy, nếu tâm không chấp ngã thì lòng tham không tồn tại, sẽ không có những thủ đoạn lọc lừa, những toan tính tàn ác ngự trị.
Phải chăng đến tuổi thu đông trải qua nhiều cay đắng của cuộc đời ta mới nhận ra rằng …Mỗi người khi sinh ra liền xuất hiện một bản ngã (mà ta hay gọi là cái ta ảo tưởng) giống như trung tâm ảo trong vùng không gian ý thức của người đó. Bản ngã này ngày càng dày lên thêm theo những kinh nghiệm mà người đó góp nhặt theo thời gian sống. Mặt khác bản ngã chỉ là những giả thiết lúc đầu được cho là đúng nhưng khi trải nghiệm thực tế mới thấy là sai. Buông hết sai này đến sai khác, cho đến khi không còn gì để giả thiết và cũng không còn gì để sai thì cũng không còn bản ngã nữa
Người giác ngộ là người nhận ra sự chi phối của cái bản ngã này tới nhận thức, hành động của họ và khi nhận ra rồi họ không còn bị bản ngã cuốn đi nữa. Tức là người giác ngộ vẫn có những điều mong muốn/không mong muốn của họ nhưng không bị bản ngã đẩy những muốn/không muốn đó thành nỗi khổ của người . Tất nhiên khi chưa giác ngộ giải thoát hoàn toàn thì cái ngã vẫn còn, nhưng nếu có rõ biết chính mình thì miễn sao bản ngã tốt là được. Nhiều người lầm lẫn "bản ngã" với "chính mình". Chính mình là hoạt động riêng biệt của mỗi cá thể, trong khi bản ngã chỉ là cái "ta" ảo tưởng.
Chân lý ở ngay nơi thực tại, nếu không học ngay đây và bây giờ để thấy Sự Thật thì muôn đời vẫn chạy theo bánh vẽ hay lập trình của bản ngã mà thôi.
Trộm nghĩ nằn mọi người trong chúng ta đều công nhận ý muốn luôn đi trước hành động, và nếu chưa hoàn toàn giác ngộ thì đàng sau ý muốn hầu như luôn có cái ta ảo tưởng. Tất cả mọi hoạt động của thân tâm đều theo quy trình vận hành của pháp. Lẽ ra chúng ta chỉ quan sát để sống thuận pháp thôi, thì chúng ta lại làm theo quan niệm của mình nên đi lệch hướng và chuốc lấy hậu quả khổ đau.
Bạn hữu thân mến, hy vọng bài tổng hợp này đã tóm gọn tất cả lời dạy về bản ngã của HT Viên Minh.
Con kính tri ân Ngài đã ban cho chúng con những bài pháp thoại tuyệt vời và những lời giải đáp thật sâu sắc. Kính chúc Ngài pháp thể khinh an và kính nguyện sẽ suy nghiệm một cách cách nghiêm túc, tìm hiểu, đối chứng thực tế, so sánh với khoa học, so sánh với lẽ thật thế gian (trạch pháp).
Trân trọng,
Nhiều năm trước, bạn đồng môn thường khuyên nhủ,
“Đừng biến tiểu ngã thành đại ngã” ….nhớ cho
Tin tưởng mình …sống theo lý trí …chẳng hề lo
Không đo lường, “Lương tri Tánh Biết”…vĩ đại!!!
Trong khi “Lương tri bản ngã” …có đi có lại
Chúng luôn ma mãnh đùa cợt trêu ta
Chỉ khi cẩn trọng, thấu hiểu thấy ra
Bình tĩnh sáng suốt luôn là thần hộ mạng !!!
Dù bước trải nghiệm trong cuộc sống …có giới hạn
Ý luôn đi trước hành động .. đúng quy trình
Quan sát, điều chỉnh… tam độc hiện thình lình
Đừng để chệch định hướng …rơi vào bẫy !!!
Đôi khi nghiệp duyên, nhân quả lại thúc đẩy
Có nhận thức rồi…nhưng pháp lại vận hành
Việc gì cũng có hai mặt phát sanh(1)
Học được gì từ sự lựa chọn ấy ???
Huệ Hương
————————————
(1) tích cực và tiêu cực
Gửi ý kiến của bạn