Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Điều phục thân tâm

01/09/201503:38(Xem: 3757)
Điều phục thân tâm
Cetiya-buddha1
Điều phục thân tâm
HT.Thích Thanh Từ



Theo thông lệ vào mùa an cư, tôi có ít lời sách tấn chư Tăng Ni và nhắc nhở Phật tử nỗ lực tu học. Người xuất gia mang trọng trách dìu dắt Phật tử cho nên đường hướng phải nắm cho thật vững. Hiểu lờ mờ, thực hành không đến nơi đến chốn, hướng dẫn người khác lệch đường, công đức không có, lại trở thành tội. Phật tử cũng cần biết định hướng tu hành cho đúng đắn để đạt lợi lạc cho bản thân, gia đình và xã hội.

Trước tiên, chúng tôi nhận định đạo Phật không phải là một tôn giáo. Điều này khiến nhiều người ngạc nhiên, thắc mắc vì sao chúng ta cũng thờ cúng lễ lạy nhưng không phải là tôn giáo? Ở đây xin giải nghĩa “tôn” là kính trọng, “giáo” là lời dạy của bề trên. Lời phán dạy của đấng tối cao, phải quý kính tuân hành không thể sai khác. Đó gọi là tôn giáo. Đệ tử Phật tôn kính Đức Bổn Sư vì sự hướng đạo của Ngài đem đến lợi ích trong hiện tại và tương lai, không phải để được ban ân hay bị giáng tội. Hai khái niệm khác biệt rõ rệt.

"Lâu nay chúng ta nghĩ rằng ngồi thiền, bỗng dưng hôm nào đó phát hào quang sáng rực, biết được quá khứ, vị lai là giác ngộ. Quan niệm như vậy là sai lầm, không phải mục tiêu đúng đắn của người đệ tử Phật. Ý nghĩa chữ giác ngộ rất rõ ràng: Hiểu sai sự thật là mê, biết đúng như thật là giác ngộ. Cho nên trọng tâm của đạo Phật là phải thấy đúng lẽ thật."

Theo cách nhìn của chúng tôi, “đạo” là con đường, “Phật” là giác ngộ. Thực hành lời Phật chỉ dạy đi con đường giác ngộ giải thoát, đó là tu. Mê lầm là nguồn gốc của mọi đau khổ. Muốn hết khổ thì phải giác ngộ, từ đó đi đến giải thoát sanh tử. Mục tiêu của đạo Phật là cứu khổ, đưa chúng sanh từ bờ mê lên bến giác. Nếu chưa giác ngộ thì chưa thể giải thoát.

Đặt câu hỏi giác ngộ điều gì là tối yếu? Đạo Phật nhắm thẳng vào con người. Thấy thân thật, thân quý là mê. Biết nó không thật, giả tạm gọi là giác. Người xuất gia cạo tóc cho xấu, mặc đồ lam lũ cho xấu thêm chút nữa, ăn uống đạm bạc không quá chú trọng chăm sóc cơ thể. Cho nên phải giác ngộ mới can đảm xuất gia. Dù vậy cũng chỉ là giác ngộ bên ngoài.

Vào chùa thời gian đầu chúng ta chưa thể giác ngộ hết những điều Phật dạy đâu, còn mù mờ lắm. Bởi vì chỗ hết sức thiết yếu chúng ta lại không dám nhìn nhận.
Cuộc đời này, thân mạng này là không thật, mà thiên hạ cho là thật. Như trong gia đình có người thân bệnh chết, những vị còn lại than khóc não nề, họ không chấp nhận được. Điều này xưa nay như thế, ai không chấp nhận thì khổ. Người hiểu sự thật ấy thì bình thường trước mọi được mất đổi thay.

Vì vậy người trí khi nhìn thấy thân nhân từ giã cuộc đời ra đi biết rằng lúc nào đó cũng đến lượt mình. Người lớn tuổi đi trước. Mình nhỏ hơn sẽ đi sau. Có khi người nhỏ tuổi đi trước, chúng ta càng giật mình tỉnh lại, nhớ rằng người ta giả thì mình thật sao được. Đó là tỉnh giác. Hằng nhớ như vậy thì xuất gia, tại gia tu đều lợi lạc.

Người thế gian cho rằng thân mình là thật nên giành giật danh lợi, tài sắc, gây tội chịu khổ trầm luân muôn kiếp. Nếu thấy giả thì những điều làm thương tổn, phiền hà người khác nhất định không làm. Được như vậy việc tu rất dễ dàng, nhanh tiến. Ngược lại nếu lầm tưởng thân là thật, dù ham tu nhưng rồi cũng muốn thọ hưởng, rốt cuộc chẳng tu tới đâu.

Chúng ta vì giác ngộ cuộc đời tạm bợ nên xuất gia cầu giải thoát sanh tử. Con đường đã vạch sẵn, những ngăn trở, chướng ngại đều nhất định vượt qua. Quả quyết như vậy nên ngày nào còn có mặt thì phải nỗ lực tu. Luôn luôn tỉnh giác thấy thân giả, lời nói giả, cuộc đời cũng giả thì sự tu dễ biết chừng nào. Lời khen tiếng chê chung quanh chỉ là trò chơi. Không có gì đáng để bận tâm, phiền lòng.

Kinh Bát-nhã Phật dạy, Bồ-tát Quán Tự Tại chiếu kiến ngũ uẩn giai không độ nhất thiết khổ ách, nghĩa là Bồ-tát quán chiếu thân từ không, duyên hợp giả có, không thật liền vượt qua tất cả khổ ách. Cho nên nghèo cũng không khổ, làm bao nhiêu chi dùng bấy nhiêu, sống qua ngày. Bề ngoài khó coi một chút cũng không quan trọng.Thân không thật, đẹp xấu cũng không thật, có gì buồn. Chỉ một câu kinh chúng ta thấu suốt, chịu ứng dụng tu thì mọi khổ ách đều qua.

Đạo Phật đặc biệt hướng dẫn hành giả phải giác ngộ, không nên tin một cách mù quáng. Thông hiểu lời Phật dạy, áp dụng trong cuộc sống đạt được lợi lạc, đó là biết tu. Nhận rõ thân không thật, giả có, là chúng ta đã giác ngộ lẽ thật về thân.

Kế đến tâm. Lâu nay người ta lầm nhận rất nhiều về tâm, đa số người chấp suy nghĩ là tâm mình. Giác ngộ về thân dường như khó nhưng phân tích ra lại dễ. Giác ngộ về tâm rất sâu kín, khó thấy. Như trong đầu chúng ta có bao giờ được năm phút yên lặng không hề suy nghĩ đâu. Hết nghĩ chuyện này đến nghĩ việc kia, liên tục không ngừng nghỉ. Dòng nghĩ suy liên tục như nước trôi qua mất hút không tồn tại, không chỗ nơi lại chấp là tâm mình.

Tu thiền bắt phải ngồi nghiêm trang, đau chân gần chết vẫn phải chịu đựng một tiếng rưỡi, hai tiếng đồng hồ. Đó là để tự mình khắc phục cho được sự khó khổ trên thân. Thân cực khổ vẫn dễ thắng hơn tâm. Trong đầu lăng xăng muốn ngừng nhưng vẫn cứ chạy, nắm cái này nó tuột qua cái kia, không dừng bao giờ. 
 
Vọng tưởng là bóng dáng của các trần đã ghi sâu trong tàng thức, sẵn sàng xuất hiện bất cứ lúc nào, không thể ngăn cản, ngừa đón. Thực sự muốn thắng tâm vọng tưởng trước phải thắng thân. Hàng phục thân thành công mới có khả năng hàng phục tâm. Thân nhọc nhằn một chút chịu không nổi, sẽ không bao giờ hàng phục nổi tâm.

Từ lâu nay chúng ta làm nô lệ cho tâm lăng xăng điên đảo. Cả một cuộc đời bị nó câu thúc không yên. Bây giờ dừng lặng lại gọi là định. Tâm chân thật chính là cái thấy biết vọng. Chỉ có thật mới thấy được giả. Lăng xăng là giả, chợt có chợt mất không thể thấy cái thật. Cho nên trong lúc công phu, chúng ta khéo điều phục thân tâm, áp dụng lời chỉ dạy của Phật Tổ thì sự tu có kết quả.

Ở đây tôi dẫn giải bài kệ hô thiền để Tăng Ni Phật tử ứng dụng tu cho đúng. Bài kệ đầu hôm bắt đầu bằng hai câu:

Canh một nghiêm trang ngồi tĩnh tu.
Tinh thần tịch chiếu đồng thái hư.

Dừng lặng gọi là “tịch”. Lặng mà biết gọi là “chiếu”. Khi tâm lăng xăng lóng yên thì tâm chân thật hiển lộ lặng lẽ, sáng suốt, trùm khắp hư không. Niệm dấy lên biến mất liên tục. Tâm thì thầm lặng, rõ ràng, thênh thang vô kể.

Muôn kiếp đến nay chẳng sanh diệt,
Đâu cần sanh diệt diệt gì ư?

Chân tâm tịch chiếu từ muôn kiếp đến nay chưa từng sanh diệt. Tổ dạy ngồi yên tịnh, tâm lặng thì trí sáng, từ đó sống trở lại với bản tánh sẵn có của chính mình. Nhưng làm sao để những vọng tưởng đảo điên dừng lặng? Nhiều vị hiểu lầm ngồi thiền là diệt vọng. Sự thực, vọng hư dối, nó đâu có thật mà diệt, nên tôi chủ trương “Biết vọng”. Thấy biết nó giả dối chỉ cần không chạy theo, không bị dẫn. Khi tâm hiện lên một bóng giả, biết giả không thèm theo, nó tự lặng, trở về bản thể. Câu kệ đánh thức thiền giả đừng nhầm lẫn thấy vọng liền diệt, không vọng lại cố tìm để diệt. Vọng lặng thì chân hiện, đầy đủ không cần tìm kiếm.

Gẫm xem các pháp đều như huyễn,
Bản tánh tự không đâu dụng trừ.

Người tỉnh giác thấy các pháp thế gian tánh Không, duyên hợp giả có, tạm bợ, huyễn hóa nên không sợ hãi muốn trừ bỏ. Đó là thấy biết bằng trí tuệ. Như người tỉnh táo đâu bao giờ cầm dao đâm bóng mình cho chết. Chỉ có kẻ ngu si không biết bóng là giả, mới cố công diệt bóng. Biết các pháp huyễn hóa thì những hồi tưởng buồn vui thương ghét dấy khởi, chúng ta chỉ cười, tự nhiên nó lặng.

Nếu biết tâm tánh không tướng mạo,
Lặng yên chẳng động tự như như.

Tất cả tướng mạo của vọng tâm đều hư dối. Chân tâm bản tánh không hình tướng nhưng hằng tri. Buông xả đến một lúc tâm lặng yên, tự nó như như. Tâm tánh luôn sẵn đó nên một khi sạch hết vọng tưởng, nó liền hiện bày đầy đủ.

Kết thúc lại, chúng ta nhờ Thế Tôn chỉ đường, hành theo lời Ngài dạy đi đến đích giác ngộ giải thoát. Đó là con đường của đạo Phật. Tăng Ni phải biết gặp Phật pháp, được xuất gia đó là duyên phúc rất lớn, đừng nên xem thường. Cố gắng nuôi dưỡng chủng tử lành mỗi ngày mỗi tăng trưởng. Chúng ta đừng để mang hình thức người tu mà tâm hồn phàm tục, như thế không xứng ở già-lam, thọ nhận của tín thí. Các vị cư sĩ không nên cầu xin ai ban phước, chỉ theo lời Phật dạy ứng dụng tu thì kết quả tự đến.

Đó là lời nhắc nhở của tôi dành cho chư Tăng Ni và quý Phật tử nhân mùa an cư.

HT.Thích Thanh Từ
 
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
06/03/2014(Xem: 8515)
So với cấp “Phát tâm tín thành tựu” thì sự phát tâm của Bồ Tát Giải Hạnh nầy được minh thị bằng hai chữ “CHUYỄN THẮNG”. Nghĩa là chuyễn biến và thù thắng hơn trước. Luận viết: “Qua sự phát tâm của Giải Hạnh thì nên biết là đã trở thành thù thắng hơn. Vì Bồ Tát nầy từ sơ phát tâm Chánh Tín đến nay, khi a tăng kỳ kiếp đầu sắp hết, thâm giải pháp tánh chân như, tu phép Ly tướng. Vì biết thể của pháp tánh xa lìa xan tham, cho nên tùy thuận mà tu hành bố thí ba la mật. Vì biết pháp tánh không nhiễm ô, xa lìa tội lỗi ngũ dục, cho nên tùy thuận mà tu hành trì giới ba la mật. Vì biế
23/02/2014(Xem: 12625)
Tôi nói đến việc đạt đến đời sống hạnh phúc như thế nào trong phạm vi thế tục. Tôi thật vui mừng có cơ hội để nói chuyện với nhiều người ở đây. Trước tiên tôi muốn cảm ơn ban tổ chức cũng như ông thống đốc
23/02/2014(Xem: 10674)
Buổi sáng như thường lệ, ngài đắp y, cầm y bát vào thành Vương Xá khất thực thì thấy Thi Ca La Việt – một gia chủ – với áo thấm ướt, tóc thấm ướt, đang đứng chấp tay đảnh lễ các phương. Hết đông sang tây, hết tây sang nam v.v… Cứ thế mà lạy đủ sáu phương. Thấy vậy đức Phật hỏi:
23/02/2014(Xem: 6838)
Chúng ta hãy tạo động lực bằng cách nghĩ rằng ta đã tạo nhiều ác nghiệp ở kiếp này và trong vô lượng kiếp trước. Những ác nghiệp này, khi kết trái, sẽ trở thành những nỗi đau khổ liên tục nếu ta không thanh lọc (rửa sạch) chúng.
22/02/2014(Xem: 5247)
Cuối năm 1992, chúng tôi suy yếu đi Vũng Tàu dưỡng bệnh, ở nhờ nhà của một Phật tử. Chủ nhà vì chúng tôi mới xây cất xong. Nhà nằm trên mảnh đất bằng phẳng, bên cạnh sườn núi đá, dưới chân là biển cả mênh mông. Gió biển thổi vào mát rượi
22/02/2014(Xem: 9285)
Nhân quả là đạo lý căn bản của người học Phật. Người tu, nhất là tu Thiền cần phải hiểu rõ, nhận kỹ điểm này, không để sảy chân sa đọa phải hối hận kiếp kiếp lâu dài. Bời người tu Thiền thường nghe nói: “Xưa nay không một vật”, thì nhân quả để ở chỗ nào? Nhân quả có hay không ?
20/02/2014(Xem: 9404)
Mùa đông năm 1991, tôi ra Vũng Tàu dưỡng bệnh ở nhờ thất Thích Ca của Quan Âm Phật đài. Trước cưả thất nhìn xuống mặt biển có cây bồ đề sum sê che rợp, râm mát cả thất. Tôi thường ra đứng dưới tàng cây nhìn xuống biển. Một hôm, tôi đứng nhìn ra biển thấy biển cả thênh thang sóng bủa trắng xóa, lúc đó có chú thị giả đứng bên cạnh, nhìn sang chú tôi hỏi: "Ðố chú nước có dậy sóng không?"
19/02/2014(Xem: 6456)
Bần cùng và giàu có là 2 danh từ nói về hai thân phận khác nhau. Phần lớn trong nhận thức của con người đều cho rằng: người nghèo cùng thì không có cái giàu có hiện hữu, và ngược lại, giàu có thì không có cái nghèo khổ hiện hữu.
19/02/2014(Xem: 5235)
Tại sao an ủi lớn nhất của đời người là bố thí? Vì người nghèo đang thiếu thốn, khó khăn được sự giúp đỡ sẽ có thể vượt qua cơn hoạn nạn. Bố thí theo nghĩa thông thường là giúp đỡ, sẻ chia
19/02/2014(Xem: 4178)
Tất cả việc làm của Phật giáo đều tập chú vào lợi ích cho chúng sanh. Chúng sanh là đối tượng duy nhất của Phật giáo. Thế nên sự truyền bá của Phật giáo vì lợi ích chúng sanh. Nếu không vì lợi ích chúng sanh,
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]