- - Đôi lời giới thiệu
- - Lời đầu sách
- 1. Tượng Phật bị sứt mẻ có thờ được không?
- 2. Thọ bát quan trai có lạy bàn vong được không?
- 3. Tu ở nhà một mình có tiến bộ không?
- 4. Khuyên người khác quy y có lỗi không?
- 5. Tụng kinh niệm Phật mà tâm còn tán loạn có được lợi ích gì không?
- 6. Tâm ở đâu?
- 7. Ý nghĩa của hai chữ Lăng Nghiêm và nguyên nhân nào Phật nói Chú Lăng Nghiêm.
- 8. Ở nhà có tụng chú Lăng Nghiêm được không?
- 9. Phật tử đi chùa như thế nào mới đúng?
- 10. Thọ Bồ tát giới tại gia nuôi chó mèo có tội không?
- 11. Khi hộ niệm cho người sắp lâm chung phải tụng niệm như thế nào mới đúng?
- 12. Ý nghĩa của câu: Ý hòa đồng duyệt như thế nào?
- 13. Lạy sám hối có thực sự tiêu nghiệp không?
- 14. Làm sao trị được bệnh hôn trầm?
- 15. Như thế nào mới trị được bệnh vọng tưởng?
- 16. Làm sao phân biệt được Xá lợi Phật thật?
- 17. Tụng kinh như thế nào mới đúng cách thức?
- 18. Khi tụng niệm cảm động rơi lệ có lỗi không?
- 19. Khi nghe pháp tay vẫn lần chuỗi niệm Phật có lỗi không?
- 20. Niệm Phật chưa được nhứt tâm bất loạn, có được vãng sanh không?
- 21. Sau khi chết, rảy tro cốt xuống biển hoặc làm phân cho cây cỏ có lỗi gì không?
- 22. Làm sao xác định được một người sau khi chết đi về đâu?
- 23. Làm sao diệt trừ được tánh kiêu căng ngã mạn?
- 24. Trong lúc ngủ mê thần thức đi đâu?
- 25. Làm sao diệt trừ được ba thứ phiền não gốc: tham, sân, si?
- 26. Giữa sự và lý Tịnh độ có chống trái nhau không?
- 27. Trong lúc chấp tác hay làm việc Phật sự có tu không?
- 28. Sự khác biệt giữa các loại trí.
- 29. Làm sao giữ tròn chữ hiếu giữa mẹ chồng và nàng dâu?
- 30. Cả đời niệm Phật, nhưng bệnh gần chết thì lại không thích niệm Phật.
- 31. Giáo pháp của Phật trải qua nhiều đời có bị sai lệch không?
- 32. Danh hiệu Phật A Di Đà có mặt cõi nầy vào lúc nào?
- 33. Khi niệm hương cúng Phật, nên niệm danh hiệu Phật nào trước.
- 34. Bằng cách nào có thể khuyên cha mẹ tin Tam bảo tu hành.
- 35. Làm sao hóa giải được lời thề nguyền.
- 36. Thường chiêm bao thấy người thân, không biết có siêu hay không?
- 37. Người vào chùa xuất gia có bất hiếu hay không?
- 38. Thắp ba nén hương có ý nghĩa gì?
- 39. Làm sao niệm Phật để được nhứt tâm bất loạn?
- 40. Trong lúc sắp lâm chung không giữ được chánh niệm có được vãng sanh không?
- 41. Vấn đề xả tang theo ý muốn.
- 42. Sự báo hiếu giữa Kinh Vu Lan và Kinh Địa Tạng khác nhau như thế nào?
- 43. Dùng hoa quả giả chưng cúng Phật có lỗi không?
- 44. Vì bảo vệ đàn chim đuổi con mèo có lỗi không?
- 45. Con cái chưa xong bề gia thất, mình bỏ đi xuất gia có lỗi không?
- 46. Đồ ăn dư cho chim ăn có mang tội hủy của hay không?
- 47. Nhà có nhiều chuột phải giải quyết như thế nào không còn chuột mà khỏi phải mang tội sát sanh?
- 48. Ý nghĩa chơn tâm và bản tánh như thế nào?
- 49. Minh tâm kiến tánh là nghĩa gì?
- 50. Tụng kinh cầu siêu khác ngôn ngữ, người chết có nhận hiểu hay không?
- 51. Trong chiêm bao thấy sát sanh không biết có tội không?
- 52. Sau khi chết cái gì bị thọ hình hành phạt đau khổ trong địa ngục vô gián?
- 53. Tam bành lục tặc là gì?
- 54. Suối vàng và chín suối ý nghĩa giống nhau hay khác nhau?
- 55. Tại sao người tu pháp môn niệm Phật không thờ riêng Đại Thế Chí mà thờ đức Quán Thế Âm?
- 56. Thực phẩm chay nhưng thực đơn nêu toàn đồ mặn.
- 57. Cách thờ Phật và Quy y Tam Bảo như thế nào mới đúng?
- 58. Tại sao ngày 23 tháng chạp lại đưa Táo Quân về trời?
- 59. Thờ linh ảnh ở trong chùa, nhưng cúng kỵ giỗ ở nhà có được không?
- 60. Làm sao cho bớt cơn nóng giận?
- 61. Tự mình cầu siêu cho mình như thế nào?
- 62. Làm sao cho đứa con tự nguyện đi chùa một cách vui vẻ?
- 63. Treo hình tượng Phật và Bồ tát trên bàn thờ tổ tiên có được không?
- 64. Cha mẹ còn sống con có nên thờ Cửu huyền Thất tổ hay không?
- 65. Làm sao cho đứa con hướng về Tam bảo và sự cầu nguyện hồi hướng có tác dụng lợi ích hay không?
- 66. Tụng kinh cầu siêu có ảnh hưởng đến người mất đã lâu không?
- 67. Khuyên thân nhân tu học, bị phản ứng phải làm sao?
- 68. Đã lỡ phạm tội sát hại sinh vật nhiều quá giờ phải làm sao?
- 69. Nuôi cá kiểng trong nhà có mang tội hay không?
- 70. Làm sao có thể ứng dụng lý Bát nhã vào đời sống hiện thực?
- 71. Khi đến chùa thọ bát tu học, thọ dụng của đàn na tín thí có mang tội hay không?
- 72. Khi lâm chung tưởng nhớ Phật, nhưng không thấy Phật rước có được vãng sanh hay không?
- 73. Thờ người chết như cha mẹ hay ông bà nhiều nơi có được không?
- 74. Cúng dường trai tăng cho người đã mất như thế nào mới hợp lý?
- 75. Câu nói: “Đạo Phật đến đâu thì hòa bình đến đó” ý nghĩa như thế nào?
- 76. Thọ giới Bồ tát nhưng không đến chùa Bố tát kiểm giới có mang tội không?
- 77. Muốn thọ giới Bồ tát, có nên học giới trước rồi thọ sau được không?
- 78. Niết Bàn và Cực lạc ý nghĩa giống nhau hay khác nhau?
- 79. Mang chuỗi đeo tay vào toilet có mang tội không?
- 80. Ý nghĩa chánh báo và y báo.
- 81. Ý nghĩa cúng rước vía đức Phật Di Lặc đầu năm.
- 82. Vấn đề tịnh khẩu.
- 83. Nằm niệm Phật có lỗi không?
- 84. Ý nghĩa và chức năng tác dụng của một ngôi chùa.
- 85. Tại sao gọi là Kết kỳ niệm Phật mà không gọi là Phật thất?
- 86. Việc di chúc và ủy quyền trong lúc hấp hối và sau khi chết.
- 87. Có phải vì vô tình mà phạm tội sát sanh hay không?
- 88. Đã là người xuất gia tu hành tại sao còn có việc tranh giành y bát?
- 89. Một sự ngộ nhận về luật nhân quả.
- 90. Hoạnh tử là gì?
- 91. Vấn đề kết hôn khác tôn giáo.
- 92. Tập khí là gì?
- 93. Không quy y Tam bảo niệm Phật có được vãng sanh không?
- 94. Vấn đề oan gia trái chủ.
- 95. Giang san dời đổi, tánh nết khó dời.
- 96. Ý nghĩa uốn lưỡi bảy lần trước khi nói.
- 97. Vấn đề bói toán xem số tử vi.
- 98. Một người thường đi chùa nhưng tánh tình vẫn không thay đổi.
- 99. Làm sao khuyên người giảm bớt nô lệ cho sắc thân.
- 100. Ý nghĩa câu: “Trên lưỡi sen hồng phóng hào quang”.
Phật lịch 2554
Dương lịch 2010 - Việt lịch 4889
THÍCH PHƯỚC THÁI
100 CÂU HỎI PHẬT PHÁP
TẬP 2
65. Làm sao cho đứa con hướng về Tam bảo và sự cầu nguyện hồi hướng có tác dụng lợi ích hay không?
Hỏi: Kính bạch thầy, con có hai câu hỏi kính mong thầy giải đáp:
1. Mấy đứa con của con đều có tâm từ biết làm phước, bố thí, nhưng chúng nó chưa có hướng tâm về Tam bảo. Điều mà con mong muốn cho chúng nó nên hướng lòng về Tam bảo để lo tu niệm, nhưng không có đứa nào làm theo như ý muốn của con. Có phải đó là do căn duyên của chúng nó không? Và con phải làm sao?
2. Con có đứa con bị mang tật bẩm sinh và một đứa ham mê cờ bạc, con nghĩ đây cũng là do nghiệp duyên của nó, nên mỗi khi tụng kinh, niệm Phật, thì con đều hồi hướng công đức về cho chúng nó. Xin hỏi, như vậy có lợi lạc gì cho chúng nó không?
Đáp: Tôi rất cảm thông nỗi lòng đau khổ của Phật tử và hơn thế nữa, với tâm tư sầu muộn lo âu trong trách nhiệm bổn phận của một người mẹ. Tôi xin được chia sẻ góp chút thành ý với Phật tử qua hai câu hỏi đã nêu trên.
1. Việc bố thí làm phước của các đứa con của Phật tử, thật đó là điều đáng khen ngợi vui mừng. Nếu các em không có thiện căn biết thương yêu người, thì làm gì các em có thể biết hành thiện như thế. Đó cũng là do nhiều đời các em đã có huân tập hạt giống lành vào trong tâm điền, nên nay các em mới có được phát tâm như thế. Phật tử chỉ nên khuyến khích các em cố gắng tu tạo thêm phước đức để được lợi mình và lợi người. Đó là điều cần khích lệ cho các em. Khích lệ chớ không phải là bắt buộc. Có nhiều người vì muốn cho con mình có phước, nên thường bảo các em phải cúng dường, bố thí v.v… Điều nầy, tất nhiên là có ý tốt, nhưng việc làm từ thiện không nên ép buộc. Có đôi khi, Phật tử sẽ bị phản tác dụng, gây nên tình trạng không mấy tốt đẹp giữa tình mẹ con với nhau. Tốt hơn hết, là hãy để cho các em tự ý thức và phát tâm lấy.
Còn việc Phật tử nói, các em chưa hướng tâm về Tam bảo, theo ý của Phật tử mong muốn các em phải hướng về Tam bảo như thế nào? Có phải là các em nên đến chùa quy y thọ giới hay phải đi chùa thường xuyên hoặc là hằng đêm phải lễ bái tụng niệm v.v… Điều nầy, theo tôi, Phật tử không nên mong muốn những gì ngoài khả năng tầm tay của mình. Việc hướng lòng về Tam bảo tu hành còn tùy thuộc vào căn duyên chủng tánh của mỗi người. Không phải ai cũng có thể làm được. Nếu người đó thiếu căn lành với Phật pháp, thì dù mình có muốn cho họ thọ giới quy y hay đi chùa nghe kinh, tụng niệm, lễ bái… đâu phải là chuyện dễ làm.
Thật ra, làm cha mẹ ai cũng mong muốn cho con mình đi theo con đường chánh giáo đạo đức tốt đẹp, chớ không ai muốn cho con mình phải hư hỏng lầm đường lạc lối, đi vào con đường tà giáo tội lỗi. Nhưng xin thưa với Phật tử, không phải cái gì mình muốn là được hết đâu. Muốn là một chuyện còn được hay không lại là chuyện khác. Nếu muốn cái gì cũng toại nguyện theo ý mình hết, thì cõi đời nầy chắc không còn một ai phải chịu nhiều đau khổ nữa. Vì mọi việc đều theo ý mình muốn hết rồi. Muốn trúng số độc đắc bạc triệu để mau làm giàu, mua vé số là trúng liền. Như thế, thì trần gian nầy sẽ trở thành cõi huỳnh kim thiên đường hạnh phúc. Người ta sở dĩ đau khổ thất vọng nhiều, chính là do những điều mong muốn mà không được toại ý. Đây là một trong tám nỗi khổ lớn của con người, đó là “cầu bất đắc khổ”.
Tại sao Phật tử lại bắt chúng nó phải theo ý của Phật tử? Nếu thế, thì chúng nó sẽ cho Phật tử là một người độc tài độc đoán. Nhứt nhứt cái gì cũng phải theo ý của Phật tử hết. Như thế, thì không nên. Vả lại, ở cái xứ sở văn minh vật chất máy móc khoa học kỹ thuật tân tiến nầy làm gì có chuyện đó. Còn lâu chúng nó mới nghe theo ý mình hết. Chính cái ý niệm mong muốn đó là nguyên nhân đưa đến cho Phật tử phải đau khổ. Hẳn Phật tử còn nhớ câu người xưa nói: “Sanh tử bất sanh tâm, sanh ngưu bất sanh giác”. Phật tử chỉ có thể sanh được cái hình hài thể xác của chúng nó thôi, chớ làm sao sanh được cái lòng dạ của chúng nó. Nghĩa là chúng nó muốn cái gì, suy tính nghĩ ngợi điều gì, thử hỏi làm sao Phật tử có thể hiểu biết hết được? Phật tử nên nhớ, tư tưởng và quan niệm sống của mỗi người mỗi khác, không ai giống ai. Mình không nên bắt buộc người khác phải làm theo ý mình. Nếu thế, thì còn gì là tinh thần tự do, độc lập và làm sao phát triển tư tưởng theo chiều hướng tiến bộ được? Chả lẽ Phật tử muốn cho con của Phật tử có những tư tưởng thoái hóa lạc hậu hay sao?
Xưa kia, đức Phật khi thuyết pháp độ sanh, Ngài không bao giờ bắt buộc ai phải theo đạo của Ngài. Chủ trương của đạo Phật từ xưa tới nay và có thể nói mãi mãi về sau cũng thế. Đạo Phật không bao giờ khuyến dụ hay bắt buộc một ai theo đạo Phật cả. Vì đạo Phật lúc nào và bao giờ cũng tôn trọng quyền tự do tin tưởng chọn lựa quyết định của con người. Đức Phật chỉ đóng vai trò của một vị Đạo Sư chỉ đường vạch bày hướng đi mà thôi. Phật chỉ rõ con đường nào đau khổ và con đường nào dẫn đến hoàn toàn an lạc hạnh phúc, rồi từ đó để cho mỗi người tự do quyết định chọn lựa lấy. Đi hay không là phần trách nhiệm của mỗi cá nhân, tuyệt đối, không bắt buộc ai cả.
Tôi thành thật khuyên Phật tử hãy để cho chúng nó tự quyết định chọn lấy con đường mà chúng nó thấy thích hợp. Chúng ta hãy tôn trọng quyền tự do tư tưởng của mỗi người. Vì điều nầy nó có tác dụng ảnh hưởng cả cuộc đời tinh thần của chúng nó sau nầy. Bổn phận làm mẹ mình chỉ có nhiệm vụ phân tích cân nhắc việc lợi và hại của những vấn đề tốt xấu, thiện ác, hay dở v.v… theo luật nhân quả và nghiệp báo. Từ đó, để tự chúng nó ý thức quyết định chọn lấy. Mình không nên xen vào việc quyết định của chúng nó. Điều tối kỵ, là mình không nên bắt chúng nó phải làm rập khuôn giống hệt theo ý mình.
Nói về việc tu hành như ở những câu trả lời của một vài câu hỏi trên, chúng tôi cũng đã có nói sơ qua. Nếu luận về sự tu hành, thì không nhứt thiết là chúng ta phải đi chùa mới gọi là tu. Tu nghĩa là sửa đổi. Sửa những điều xấu xa, hư tệ, hung dữ v.v… trở thành những điều tốt đẹp, hiền lương, thiện mỹ cả thân lẫn tâm. Hiểu thế, thì ở bất cứ nơi đâu hay trong hoàn cảnh thuận nghịch nào mình cũng có thể tu hành được cả. Điều quan trọng là mình có ý chí cương quyết thực sự tu hay không mà thôi.
Ở đời, càng mong muốn thì lại càng đau khổ. Nhất là những điều mong muốn đó ngoài khả năng tầm tay của mình. Mong Phật tử không nên mong muốn những gì ngoài ý lực khả năng của mình.
2. Việc Phật tử tụng kinh niệm Phật cầu nguyện cho đứa con hư hỏng hiện đam mê trụy lạc vào con đường bài bạc, thật ra, việc cầu nguyện hồi hướng đó, tuy không phải là hoàn toàn không có ảnh hưởng, nhưng chỉ có được chút ít nhỏ nhoi phần nào thôi. Điều quan trọng là phải chính ở nơi đứa con đó. Làm sao cho nó phải tự thức tỉnh, cai nghiện bài bạc, thì nó mới hết khổ được. Nếu cầu nguyện được hết, thì thế gian nầy, chắc không còn ai đau khổ nữa cả. Nghĩa là không còn một ai phải chịu đau khổ vì những vấn nạn nghiện ngập bài bạc, rượu chè say sưa, hút chích xì ke ma túy. Nói tóm lại, là xã hội sẽ không còn những tội phạm gây nên những thảm họa và bị tù đày đau khổ như hiện nay. Và thế giới loài người sẽ trở thành một thế giới Cực lạc hết rồi.
Thiết nghĩ, là người Phật tử tu học chơn chánh, chúng ta cần phải tu tập hiện thực, không nên cái gì cũng tin tưởng hoàn toàn ỷ lại vào chư Phật, Bồ tát hết. Vì chư Phật, Bồ tát các Ngài cũng phải nỗ lực quán chiếu tự tu hành không ngừng, nên các Ngài mới thành tựu được đạo quả. Tuyệt đối, không ai tu thế cho ai, vì không thể người nầy ăn mà người khác no bụng được. Ai tu nấy thành ai hành nấy đắc. Nguyên tắc xưa nay là như thế. Còn việc cầu nguyện mong các Ngài gia hộ, đó là điều trợ duyên giúp sức phần nào thôi, chớ không phải đó là nguyên nhân chánh yếu. Mà việc chánh yếu là mỗi người phải tự tỉnh ngộ lo tu hành chuyển hóa hết vô minh phiền não, những tập khí xấu ác đầy dẫy trong tâm thức, có thế thì mới mong được hoàn toàn giải thoát vậy.
Sự có mặt của chúng ta ở đời, là do báo nghiệp mà chúng ta đã gây tạo từ trước. Do đó, nên mỗi người có mỗi báo thân tốt xấu và hoàn cảnh sống khác nhau. Trường hợp đứa con bị khuyết tật bẩm sinh của Phật tử cũng thế. Đó là do nghiệp quả của em. Theo luật nhân quả, tất cả khổ vui đều do mình tạo lấy. Làm lành làm dữ cuối cùng rồi cũng phải trả. Hiểu thế, thì chúng ta nên an vui mà trả nghiệp. Trong truyện Kiều có câu:
“Đã mang lấy nghiệp vào thân
Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa..”
Tóm lại, việc thành tâm cầu nguyện của Phật tử chỉ giúp được một phần nhỏ nhoi nào đó thôi, điều quan trọng là đương sự phải ý thức tự từ bỏ cái thói hư tật xấu nghiện ngập của chính mình. Không ai cứu thoát mình, mà chính mình phải tự cứu thoát lấy mình. Có thế, thì mới mong tiêu nghiệp hết khổ được. Bằng trái lại, không có một bàn tay thần thánh nào cứu thoát mình được cả. Đạo Phật hướng dẫn chỉ dạy cho con người rất ích lợi thực tế trong đời sống. Nếu con người y theo đó mà thật hành. Phải dựa trên nền tảng của triết lý duyên sinh, nhân quả, nghiệp báo, luân hồi, mà Phật Tổ đã chỉ dạy. Đó là những triết lý đạo đức căn bản nhằm xây dựng đời sống hướng thượng tròn phẩm cách của một con người. Nếu người Phật tử chịu khó áp dụng hành trì theo nguyên lý đạo đức căn bản qua 5 giới cấm của đạo Phật, thì chắc chắn người Phật tử sẽ không còn đau khổ nữa.
Phật tử một mặt nên thành tâm cầu nguyện, mặt khác và thực tế cụ thể hơn, là nên tìm mọi phương cách để giúp đỡ cho đứa con của mình sớm được cai nghiện cờ bạc. Xin nhắc lại, nếu mọi việc cầu nguyện đều theo như ý mình muốn hết, thì trần gian nầy chắc không ai dại khờ gì mà tu hành chi cho nó khổ sở mệt xác. Vì tất cả đều có chư Phật, Bồ tát lo hộ độ cho mình hết rồi. Nghĩa là ta muốn cái gì được cái nấy. Hiểu đạo Phật theo kiểu đó, tức vô tình ta mắc phải cái tội là dìm đạo Phật vào con đường mê tín. Kính mong Phật tử lưu ý điều nầy. Kính chúc Phật tử thân tâm thường lạc, trí huệ sáng suốt, nghị lực dồi dào để vượt qua mọi chướng duyên thử thách trên bước đường tu học Phật pháp.