Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 20: Trò Chuyện Với Người Mẹ Đã Khuất Của Tôi

14/11/201215:24(Xem: 9485)
Chương 20: Trò Chuyện Với Người Mẹ Đã Khuất Của Tôi

Susan Moon

THẾ LÀ GIÀ!
Thiền Quán Về Tuổi Già Với Chút Tự Trào Và Tự Hào
This Is Getting Old
Zen Thoughts on Aging with Humor and Dignity
Chuyển Ngữ:
Diệu Liên Lý Thu Linh, Diệu Ngộ Mỹ Thanh, Giác Nghiêm Nguyễn Tấn Nam

Phần III:
Trong Cõi Tâm Linh

Chương 20: Trò Chuyện Với Người Mẹ Đã Khuất Của Tôi

Khi bà mẹ tám mươi bốn tuổi của tôi phải vào bệnh viện sau một tai nạn xe, tôi đã bay đến Chicago để có mặt bên bà. Trong khi vội vã ra đi, tôi không mang theo đôi giày nào khác hơn là đôi tôi đang mang trong chân, và chúng đã rách toang ngay khi tôi vừa đến nơi, khi tôi vội vã băng qua bãi đậu xe của bệnh viện. Ngày hôm sau, kỳ lạ thay, một đôi giày mới mà mẹ tôi đã đặt mua trước đó qua quảng cáo, cũng vừa được gửi đến nhà. Đôi giày da đen loại đi bộ vừa khít chân tôi; êm ái và bền chắc, chúng đúng là thứ tôi đang cần. Tôi bảo với mẹ là tôi mượn đôi giày mới của bà cho đến khi bà hết bệnh, nhưng bà đã chẳng bao giờ khỏe lại.

Tôi đã mang đôi giày này gần như mỗi ngày kể từ khi mẹ tôi mất. Tôi đã hai lần mang chúng đến một tiệm sửa giày gần nhà ở Berkeley để thay các dây buột hiệu Velcro. Tôi rất dị đoan về chúng. Tôi muốn đôi giày này chẳng bao giờ bị hư hoại, nhưng dĩ nhiên là chúng sẽ hư hoại.

Khi mẹ mất, tôi trở thành mồ côi. Ở tuổi sáu mươi ba, tôi đã quá lớn để cảm thấy bơ vơ như đứa trẻ, vậy mà tôi vẫn không thoát khỏi cảm giác đó. Khi còn nhỏ, tôi và các bạn chơi trò làm trẻ mồ côi; chúng tôi chơi cái trò, mà giờ tôi nghĩ ra, là thứ mà chúng tôi sợ nhất. Chúng tôi đã tỏ ra rất can đảm, mạnh mẽ. Trò đó là tàu bị đắm mà không còn cha mẹ nào sống sót trên một đảo hoang là vườn sau nhà tôi. Chúng tôi đã sống trong những căn nhà tưởng tượng trên cây, huấn luyện những con ngựa có lông và bườm màu vàng, làm võng từ những chùm dây leo, hái chuối và trái dâu hoang dại để ăn - cuộc sống thật thoải mái. Nhưng phải làm trẻ mồ côi thực sự thì không giống thế chút nào; từ khi mẹ mất, tôi chưa hề làm bất cứ thứ gì giống như thế.

Và, một nghịch lý kỳ lạ là chính việc khiến tôi thành kẻ mồ côi cũng biến tôi phải đóng vai trò nữ tướng. Tại đám cưới cháu trai, giữa những bà con quyến thuộc đông đảo, tôi lại là người trọng tuổi nhất. Làm thế nào mà điều này có thể xảy ra? Đó là vì tôi là chị cả trong bốn chị em, và giờ cả hai cha mẹ đều đã mất, cũng như tất cả các cô chú. Các thế hệ đã nối tiếp: hai tháng trước khi mẹ tôi mất, cháu nội của tôi ra đời, người đầu tiên trong thế hệ của các cháu trong gia đình tôi. Suốt nhiều năm, tiếng gọi chỉ dành cho mẹ tôi, người rất yêu và cũng được chín đứa cháu nội ngoại yêu thương. Vậy mà bây giờ tôi trở thành Bà. Mọi người phải đứng dậy khỏi ghế, chuyển đến cái kế cận để nhường ghế cho tôi. Tôi đang ngồi trong chiếc ghế của mẹ, điều đó đôi khi đúng cả trong nghĩa đen của nó. Tôi đang sở hữu chiếc ‘ghế tắm hơi’ mà bà yêu thích trong hiên sau nhà, và tôi cũng rất thích ngồi đó trong những ngày nắng ấm.

Tôi cũng mặc lại một số quần áo của mẹ. Khi các em gái và tôi soạn tủ quần áo của mẹ sau khi bà mất, tôi đã chọn lấy mấy cái áo sơ-mi, áo lạnh mà trước đây tôi cho là quá lụng thụng đối với tôi: thí dụ một cái áo sơ-mi xanh bằng vải jean, với những bông hoa cúc thêu chạy dọc theo thân áo. Sự thôi thúc của lòng trung thành đối với mẹ đã khiến tôi chọn nó, ngoài ra nó cũng rất thoải mái, đúng như thời trang chuộng sự thoải mái hiện nay. Tôi cũng lấy một đôi bao tay da đen, một áo khoác nỉ đen với những nút bằng đồng, do người tỵ nạn Tây Tạng may. Đôi khi đang rảo bước trên đường phố ở Berkeley vào một ngày chớm lạnh, tôi nhìn xuống để thấy cả thân mình đang được bao bọc bởi áo khoác của mẹ, bao tay của mẹ và giầy của mẹ. Ở tuổi mới lớn, tôi thường bực bội vì có những cái giống mẹ. Tôi đã theo học cùng cái trường nữ trung học nhỏ bé mà mẹ tôi từng học hai mươi năm trước đó. Hai trong số các thầy cô của tôi - một thầy dạy tiếng Anh và một thầy dạy tiếng Latin - đôi khi gọi tôi bằng tên của mẹ tôi, ‘Alice”. Năm cuối khóa, tôi rất vui được chọn làm biên tập viên cho tạp chí văn học của trường trung học, trừ việc là mẹ tôi cũng từng làm việc đó, và tôi đã sợ rằng có thể do một lời nguyền nào đó mà tôi phải sống cuộc đời của mẹ trở lại lần nữa. Nhưng chẳng phải là tôi đã đến thế giới này để làm một người khác sao?

Sau thời trung học, qua nhiều thời vận và nhiều bất hạnh của riêng mình, tôi kết luận chắc nịch rằng tôi không phải là mẹ, và không còn lo lắng về điều đó nữa. Nhưng giờ một lần nữa, nhân dạng (identity) của tôi lại trùng lấp với mẹ. Nhiều khi người ta bảo là tôi giống mẹ, và giờ khi bà đã ra đi, tôi không còn để tâm đến điều đó nhiều như trước đây. Tuy nhiên, tôi không thích việc tôi hay làm dính đồ ăn trên áo, giống như mẹ tôi trước đây - dấu của yaourt rớt trên ngực áo và các đốm của kem sô-cô-la dây trên ống tay áo.

Cũng lạ là những sự giống nhau trong gia đình đã nổi bật lên khoảng cuối đời như thế nào, nhất là sau khi cha mẹ đã qua đời. Các em gái tôi cũng vậy, ngày càng giống mẹ, và sau khi cha tôi mất, em trai tôi bỗng nhìn giống ông một cách lạ lùng. Sau khi bà nội tôi mất, cô tôi mang dáng dấp, khuôn mặt của bà tôi. Dường như cô còn cố làm cho giống nữa, cũng cắt ngắn mái tóc bạc quăn quít như bà tôi đã làm, cũng mặc chiếc váy xanh đậm và áo khoác giống như bà tôi từng mặc. Có lần, gặp cô tại một buổi họp mặt gia đình sau một thời gian vắng mặt, tôi thoáng nghĩ trong một giây phút sợ hãi rằng cô chính người bà đã mất của tôi. Có lẽ DNA[1]của chúng ta là một viên thuốc phát tán theo thời gian, ở một thời điểm nào đó, tế bào di truyền phát lệnh: những người trong gia đình bạn sẽ nhìn giống như thế này khi họ về già.

Tôi nhớ mẹ tôi nhiều hơn tôi tưởng. Tôi cũng buồn vì bà mất do tai nạn, trước khi bà sẵn sàng ra đi, và trong ba tuần cuối cùng trong đời bà lại phải ở trong bệnh viện, đau đớn, nặng nề vì cái máy thở mà lý ra phải cứu bà sống, nhưng nó đã thất bại. Tôi muốn xóa đi nỗi muộn phiền của mình - để mẹ tôi không phải chết, hay để cho tôi không còn nhớ nghĩ nữa - nhưng sự thanh thản đó chắc khó đến với tôi khi nào tôi còn sống trên đời.

Và tôi khám phá ra một điều đáng ngạc nhiên: ngay cả sau khi mẹ tôi mất, tôi vẫn còn giữ mối liên hệ với bà, đó là một mối liên hệ biến chuyển, linh động, dầu bà đã mất. Tôi liên hệ với mẹ như thế nào là tùy tôi.

Tôi có một người bạn thường dẫn cha cô đến một công viên nước ở Berkeley, và ngồi với ông trên một chiếc băng ghế đặc biệt để ngắm cảnh. Ông mất mười lăm năm trước, vậy mà cô vẫn thường đến đó để ngồi trên ‘băng ghế của Phật’ để chuyện trò với ông. Sau khi mẹ tôi mất, tôi treo một bức ảnh của bà cạnh cầu thang để mỗi lần lên xuống thang lầu tôi đều có thể nhìn thấy gương mặt bà. Đôi khi tôi bắt gặp mình buột miệng nói lớn: “Chào Mẹ!”

Mẹ tôi đã xuất bản một số sách thơ với vài nhà xuất bản nhỏ, và lúc cuối đời, bà muốn xuất bản một tuyển tập những tự truyện ngắn của mình. Bà đã nhờ tôi biên tập, điều mà tôi rất sẵn lòng, vì thế tôi đã giúp bà chọn các truyện để bỏ vào sách, và tôi đã có những gợi ý để bà sửa đổi chúng. Bà cũng có viết vài truyện ngắn mới cho tuyển tập này. Chúng tôi đã cùng thực hiện công việc này một cách vui vẻ. Tôi ngưỡng mộ văn của mẹ, và rất xúc động về cuộc đời mà mẹ đã kể lại trong các câu truyện, ngược lại mẹ cũng hoàn toàn tin cậy vào các ý kiến biên tập của tôi.

Năm trước khi mẹ tôi mất, tôi đưa mẹ đến dự một hội trại viết văn do một người bạn cũ phụ trách ở Glenstal Abbey, một tu viện Thiên Chúa giáo, phía tây của Ái Nhĩ Lan. Đó là một chuyến du hành lớn cuối cùng của hai chúng tôi. Chỉ có bảy người học: mẹ, tôi, bốn vị tu sĩ văn chương ở tu viện và một phụ nữ đến từ Dublin. Ở đó mẹ tôi đã viết truyện cuối cùng của mình, về cuộc hôn nhân đầy đau khổ với cha tôi, và mỗi ngày, khi đến lượt mình, mẹ đã can đảm đọc lớn một phần câu truyện đó trước cả nhóm. Can đảm vì câu truyện kể lại những khổ đau thầm kín trong hôn nhân mà trong nhóm có cả các vị tu sĩ độc thân và con gái của bà. Mọi người đều lắng nghe kỹ và đã có những ý kiến phản hồi hữu ích cho bà. Vậy là cả tuần đó mẹ tôi lao vào công việc, viết lại bằng tay vì ở đó bà không có máy vi tính, rồi cắt, dán bằng kéo và băng keo. Một trong các vị tu sĩ, vị mà bà đặc biệt có cảm tình, đã làm copy cho bà trong thư viện. Đó là một câu truyện hay, mà mẹ còn làm cho nó hay hơn.

Đến giờ ăn, tôi đẩy mẹ trong chiếc xe lăn xuống con đường đầy đá sỏi đến phòng ăn - một sự di chuyển chậm chạp, nghiến qua sỏi đá - để dùng bánh pút-đinh (pudding)[2]màu huyết dụ, bánh mì nâu và trà trong những chiếc tô với các vị tu sĩ. Buổi chiều, trong ánh mặt trời chiều của mùa hè ở Ái Nhĩ Lan, tôi đưa mẹ ra khu vườn có tường bao bọc. Bà ngồi trên bờ triền đá của những luống hoa oải hương, và nhoài mình ngửi mùi hương hoa.

Lần căng thẳng duy nhất xảy ra giữa chúng tôi là vào một buổi sáng khi mẹ tôi nói, “Mẹ thích con chải tóc về phía sau hơn”. Đó cũng chỉ là một điệp khúc quen thuộc, nhưng lần này tôi nghĩ đó là một lời khen tặng, vì tôi vừa chải tóc xong trong phòng tắm.

“Cảm ơn mẹ”, tôi nói.

“Không”, bà nói, “không phải giống vậy. Con chải lại được không?” Tôi nổi giận, nhưng sau đó, xem lại những tấm hình của tôi trong chuyến đi đó, tôi thấy tóc mình thực sự là rất bù xù. Tôi không cắt tóc ngắn, gọn ghẻ, cho khỏi vướng vào mặt như mẹ tôi vẫn luôn muốn thế, cho đến khi sau khi bà mất. Hẳn đó là sự kình chống vô thức của con cái đối với cha mẹ, khiến tôi không muốn làm mẹ vui lòng trong việc đó. Giờ nếu mẹ nhìn thấy tóc tai tôi, hẳn là bà rất vui lòng.

Tôi có mặt trong phòng mẹ ở nhà khách của tu viện khi mẹ nhận được điện thoại của một ông cụ ở Chicago, người mới để ý đến mẹ gần đây. Giọng ông ở đầu dây đằng kia, ở bên kia bờ Đại Tây Dương, hét vang lên khắp phòng, “Tôi yêu em!”

“Em cũng vậy”, mẹ nói, quá ngượng ngùng với sự có mặt của tôi trong phòng nên không nhắc lại câu nói. Mẹ không biết rằng tôi đã nghe được người kia nói gì hoặc biết rằng những lời đó khiến tôi vui cho mẹ. 

Không lâu sau chuyến đi Ái Nhĩ Lan, mẹ tôi hoàn tất việc chỉnh sửa tất cả các câu truyện, vậy là chỉ còn phần biên tập cuối cùng của tôi. Tôi làm việc này hơi chậm, vì đang biên tập dở dang một dự án khác.

“Khi nào thì con hoàn tất việc biên tập sách của mẹ”, bà hỏi tôi, mỗi khi chúng tôi chuyện trò.

“Ngay sau khi con hoàn thành dự án đang dang dở”, tôi trả lời.

Rồi thì tôi cũng hoàn tất việc biên tập quyển sách kia, nên tôi dốc hết chú tâm vào quyển sách của mẹ. Tôi vừa gửi cho mẹ phiên bản cuối cùng thì mẹ bị tai nạn và đã ra đi ba tuần sau đó.

Tôi rất hối hận vì đã không hoàn thành quyển sách kịp để mẹ thấy nó được in ra. Nhưng đây là điều thường xảy ra khi người ta phải ra đi bất ngờ. Cái chết là một sự gián đoạn của cuộc sống. Công trình gì đó đang dang dở, công việc gì đó, lớn hay nhỏ, còn chưa hoàn tất, một số điều chưa được nói ra, một lá thư chưa gửi, một cái tách chưa kịp rửa, một chiếc áo chưa kịp xếp trên giường.

Tôi đã hứa lúc mẹ nằm viện rằng tôi sẽ hoàn thành việc biên tập và xuất bản quyển sách, và tôi đã thực hiện được điều đó. Khi từ nhà in trở về, tôi háo hức mở thùng sách và lôi ra một quyển. Bìa sách là một bức họa của một người bạn của mẹ. Tôi ôm sách vào lòng, đó là một quyển sách toàn mỹ. Tôi vòng tay trong cử chỉ - tựa như đặt quyển sách vào hai tay của mẹ tôi. Tôi tự khẳng định rằng niềm đau của việc không kịp hoàn tất công việc này trước khi mẹ tôi ra đi thuộc về tôi nhiều hơn, vì bà đã hoàn thành phần việc của mình đối với quyển sách, và trước giờ ra đi, mẹ tôi dường như quan tâm đến những vấn đề khác hơn: về gia đình, về bạn bè, về việc thở. Ngoài ra, việc sắp xếp lại quyển sách, rồi in ấn nó, tạo cho tôi phương tiện để có thể cảm thấy gần gũi với mẹ ngay cả sau khi bà đã ra đi. Dầu giờ bà là người cộng tác thầm lặng hơn là lúc sinh thời, nhưng tôi vẫn nhận ra được sự có mặt của mẹ khi tôi và các em đọc sách, gửi nó đi khắp mọi nơi, những nơi mà người ta hân hoan đón nhận nó.

Đã từ lâu, ngay cả trước khi mất, mẹ tôi đã không còn chăm sóc các con theo ý nghĩa thông thường; vì chúng tôi đã là những người trưởng thành từ lâu rồi. Nhưng mẹ luôn khuyến khích tôi, khiến tôi cảm thấy được an ủi. Bà luôn lắng nghe tôi, luôn muốn được gặp tôi, và bà thường tán thán công việc tôi làm. Khi nào mẹ còn sống thì tôi còn tin tưởng rằng khi tôi gặp phải khó khăn gì, mẹ cũng có thể bằng cách nào đó xoa dịu cho tôi. Giờ trong cảnh mồ côi tôi phải chấp nhận sự thật là mẹ không còn có thể can thiệp được nữa rồi.

Giá mà tôi cũng có thể đáp lại tình thương yêu của mẹ bằng cách an ủi mẹ tốt hơn. Mẹ không đòi hỏi tôi chuyện đó, nhưng tôi ít khi lắng nghe khi mẹ buồn phiền về chuyện gì đó. Vì tôi nghĩ là mẹ, thì bà phải là người an ủi tôi. Tôi thường nhanh chóng kết luận, “Ấy, chuyện đó có là gì đâu. Con chắc là ông ấy không có ý làm mẹ buồn đâu”, và như thế là mẹ tôi càng buồn hơn, vì bà không được lắng nghe.

Giờ tôi đã trải qua một số điều mà mẹ tôi đã trải qua trong tuổi già, tôi cảm thông với bà dưới cái nhìn khác. Ngẫm nghĩ lại tôi thấy là mẹ rất ít khi than phiền, ngay cả với những vấn đề nghiêm trọng như lần bị đau ở lưng khiến bà phải giới hạn sự đi đứng. Nghịch lý thay khi bà càng yếu ớt, bà càng mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên bà có trách tôi không thường thăm viếng bà. Mỗi năm tôi bay qua Chicago thăm bà đôi lần, mỗi lần khoảng tuần lễ. Cha dượng đã mất trước mẹ tôi hai năm. Sau khi ông mất, những cuộc viếng thăm có vẻ thân mật hơn. Tôi cảm thấy hơi lúng túng khi chỉ có hai chúng tôi ngồi trong phòng khách, tôi thì đan móc, còn mẹ vuốt ve chú mèo hay gõ gõ tay trên môi, như chờ đợi những tâm sự mà tôi không muốn nói ra - như tôi nghĩ thế nào về cuộc đời mình và những người thân. Mẹ không hỏi, nhưng tôi có thể cảm nhận được sự thắc mắc của bà: Tôi đã yêu ai chưa? Tôi đang viết sách gì? Trời ạ! Sao mà khó gỡ bỏ sự che giấu mình đến thế? Tôi cảm thấy nhẹ nhõm khi đến 10 giờ đêm, theo thói quen mẹ thường vặn đài BBC để nghe tin tức. Nhưng bà nói, “Có con ở đây, mẹ không cần xem tin tức đâu. Lúc nào khác mà mẹ xem không được”.

“Không sao đâu mẹ,” tôi trả lời. “Để xem mấy vụ cháy rừng ở California ra sao”.

Tôi sợ rằng những đòi hỏi của mẹ nơi tôi quá lớn đến nỗi sẽ khiến tôi phải giữ khoảng cách với bà, do sự tự bảo vệ sai lầm. Giờ mẹ đã mất, dầu tôi không muốn thì khoảng cách giữa mẹ và tôi cũng đã quá xa.

Tôi thường gọi điện thoại cho mẹ mỗi chủ nhật. Chúng tôi nói về thời tiết, về quyển sách đang đọc, phim đã xem, tin tức về mấy đứa cháu, còn mẹ thì nói cho tôi nghe những gì bà đang nhìn thấy qua cửa sổ ở tầng lầu thứ sáu xuống hồ Michigan. “Mấy người thợ mũ vàng đang rải cát, để tạo một bờ biễn cạnh hồ - nhìn họ giống mấy chú kiến vàng”. Hay, “Có một bà mập đang chạy quanh hồ -mẹ không hiểu sao mập vậy còn đi chạy bộ. Thật quái dị!” Có lần mẹ hồ hởi nói với tôi về một vị nghị sĩ thượng nghị viện vừa được bầu ở Illinois, người đó trước ở Hyde Park, là khu vực bà đang sống ở Chicago - là Barack Obama.

Mấy năm trước khi mẹ tôi mất, tôi bắt đầu nói con yêu mẹ, trước khi gác máy điện thoại. Tôi đã ngoài sáu mươi, còn mẹ đã ngoài tám mươi - một người con gái ở tuối xế chiều nói với bà mẹ già một điều đơn giản mà bà rất vui lòng khi được nghe. Đúng thế, vậy mà không hiểu tại sao khi tôi bắt đầu thực tập nó khó nói làm sao, mãi khi đã thành thói quen mới thấy dễ hơn, mấy năm cuối nó tự nhiên tuôn ra đầu lưỡi.

Biết bao điều xảy ra mà tôi rất muốn nói với mẹ nếu tôi có thể gọi bà chủ nhật tới. Tôi muốn cho mẹ biết là độc giả rất thích quyển sách truyện ngắn của bà. Tôi muốn mẹ biết là chắt gái của bà có thể nói cả tiếng Anh lẫn tiếng Mễ. Chắc mẹ sẽ rất thích dự đám cưới của cháu trai tôi diễn ra hồi hè năm ngoái, với sự có mặt của đông đủ người thân. Và hẳn là mẹ rất phấn khởi về ông Obama. Ước gì tôi có thể nói với mẹ -“Thử đoán xem ai là tổng thống của mẹ bây giờ!”

Thời gian càng trôi qua, càng có nhiều sự kiện mẹ không còn được chứng kiến: lễ ra trường, lễ cưới, lễ mừng sinh con, và mẹ càng lùi sâu về quá khứ, những đứa cháu của mẹ sẽ lập gia đình với những người mẹ chưa bao giờ gặp, theo đuổi những mục đích mà mẹ chẳng bao giờ biết chúng có, còn con cái của mẹ thì trở nên già nua, yếu đuối, phải thay khớp, hay có những bộ phận trong người không hoạt động phải bị cắt bỏ.

Giờ tôi có thể hàm ân mẹ nhiều hơn vì tôi không còn phản ứng một cách tự vệ đối với những nhận xét của mẹ về mái tóc rối bù của tôi, hay cảm thấy tội lỗi vì không thăm viếng mẹ thường xuyên. Khi nào còn sống, thì bà vẫn là Mẹ, còn tôi, con của bà, dầu có bao nhiêu tuổi, thì tôi vẫn trẻ dại.

Mẹ đã sinh tôi đến hai lần: lần đầu khi tôi được sinh ra, lần thứ hai khi mẹ mất đi. Giờ khi mẹ đã khuất, tôi không còn là con trẻ của ai cả. Vì thế tôi phải trưởng thành, ở thời điểm muộn màng này. Phải mất rất lâu con người ta mới có thể trưởng thành.

Một năm sau khi mẹ mất, khi tôi đang ngồi trong xe đậu ở một vùng quê California. Điện thoại di động để trên ghế ngồi cạnh tôi bỗng reo lên. Tôi mò mẫm chụp lấy nó, và chỉ vừa kịp trả lời đúng lúc. “A-lô?”

“A-lô, mẹđây”. Đó là cách mẹ tôi tự khẳng định mình khi bà điện thoại cho tôi, nhấn mạnh một cách mai mỉa chữ “mẹ” như thể đó là một cách đùa riêng của chúng tôi. Chưa ai có thể gọi được tôi qua điện thoại, ngay cả người sống, vì tôi chẳng bao giờ vặn nó lên, nên đây đúng là một phép mầu.

“Mẹ!” tôi kêu lên, quá vui mừng khi nghe được giọng nói của bà, “thật kỳ diệu khi mẹ tìm được cách để gọi con dầu mẹ đã mất rồi! Cảm ơn mẹ vô cùng vì đã gọi cho con”.

“Susan, con hãy bảo trọng,” bà nói với giọng trìu mến. Chỉ có vậy, nhưng khi bà nói điều đó, tôi biết đó đúng là điều tôi đang muốn được nghe. Rồi thì tôi mất liên lạc.

Nhưng vậy cũng đủ rồi. Tôi tràn đầy lòng biết ơn rằng mẹ đã cố gắng liên hệ với tôi từ bên kia thế giới. Và khi tôi tỉnh dậy, ý thức được rằng đó chỉ là một giấc mơ. Nhưng nó vẫn là một phép mầu. Mẹ đã có cách để kết nối với tôi: qua những giấc mơ.

* * *

[1]DNA: (Deoxyribonucleic Acid): cấu tử cơ bản của tế bào di truyền.

[2]Một loại bánh giống như bánh Flan.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
01/10/2023(Xem: 1261)
Rồi tôi đi sâu vào vườn trầm, đi mãi vào ...rừng trầm để mong tìm những cây trầm đại thụ, và tôi đã gặp bao cao Tăng tu hành tại đây, không chỉ các sư tại Âu Châu mà còn từ Hoa Kỳ, Úc, Canada ...nữa cơ. Các vị đã trao cho tôi bao trầm hương qua lời giảng của quí Sư dựa theo lời dạy của Đức Phật. Những thỏi trầm quí mang tên: Lăng Nghiêm, Pháp Hoa, Bát Nhã, Phổ Môn, Chú Đại Bi, Thập Chú, Thần Chú..v.v..và.v.v.Ôi, nhiều lắm, rồi với thời gian, nếu thành tâm trân quí và nắm giữ những thỏi trầm, thì hương trầm của nó cũng ít nhiều tỏa hương thơm ngát đánh bạt những sú uế mà bụi đời đã phủ lên người chúng ta.
15/03/2023(Xem: 5190)
Từ khi con người bắt đầu quy tụ sống thành nhóm, thành đoàn, và sau này phát triển đông đảo thành cộng đồng, xã hội, quốc gia, người ta đã biết tổ chức phân quyền, đưa ra những nguyên tắc luật lệ chung để mọi người dân sống trong cộng đồng quốc gia phải tuân theo. Những ai phạm tội phá rối trị an sẽ bị đem ra xét xử và trừng phạt theo nội quy luật lệ của quốc gia nơi họ cư ngụ. Có như thế thì mọi sinh hoạt trong cộng đồng xã hội mới giữ được trật tự, đời sống cá nhân mới được bảo đảm an toàn.
23/09/2022(Xem: 2764)
Giáo lý Bốn thánh đế là giáo pháp quan trọng nhất của những người học và tu tập theo lời dạy của Đức Phật. Cho dù chúng ta thuộc truyền thống Nguyên Thuỷ hay truyền thống Đại Thừa cũng đều tu học từ nền tảng giáo pháp này. Trong Bốn thánh đế thì đạo thánh đế gồm 37 pháp và thường được gọi là 37 phẩm trợ đạo. Trong đó thì Bát chánh đạo là căn bản nhất vì “Bát chánh đạo gồm có hữu lậu và vô lậu” (Trong Tạp A-hàm, Kinh Quảng Thuyết Bát Thánh Đạo, số 785 và Trong kinh Trung Bộ III, Đại Kinh bốn mươi, do Hòa thượng Minh Châu dịch).
17/11/2021(Xem: 25313)
Nghiệp, phổ thông được hiểu là quy luật nhân quả. Nhân quả cũng chỉ là mối quan hệ về tồn tại và tác dụng của các hiện tượng tâm và vật trong phạm vi thường nghiệm. Lý tính của tất cả mọi tồn tại được Phật chỉ điểm là lý tính duyên khởi.266F[1] Lý tính duyên khởi được nhận thức trên hai trình độ khác nhau. Trong trình độ thông tục của nhận thức thường nghiệm, quan hệ duyên khởi là quan hệ nhân quả. Chân lý của thực tại trong trình độ này được gọi là tục đế, nó có tính quy ước, lệ thuộc mô hình cấu trúc của các căn hay quan năng nhận thức. Nhận thức về sự vật và môi trường chung quanh chắc chắn loài người không giống loài vật. Trong loài người, bối cảnh thiên nhiên và xã hội tạo thành những truyền thống tư duy khác nhau, rồi những dị biệt này dẫn đến chiến tranh tôn giáo.
13/11/2021(Xem: 13375)
“Bát Thánh Đạo” là phương pháp tu hành chơn chánh cao thượng đúng theo qui tắc Phật giáo mà đức Thế Tôn đã có lời ngợi khen là quí trọng hơn tất cả con đường tu hành, là con đường không thẳng cũng không dùn, không tham vui cũng không khắc khổ, vừa thành tựu các điều lợi ích đầy đủ đến hành giả, hiệp theo trình độ của mọi người. Cho nên cũng gọi là “TRUNG ĐẠO” (Majjhimapaṭipadā) là con đường giữa. Ví như đàn mà người lên dây vừa thẳng, khải nghe tiếng thanh tao, làm cho thính giả nghe đều thỏa thích. Vì thế, khi hành giả đã thực hành đầy đủ theo “pháp trung đạo” thì sẽ đạt đến bậc tối thượng hoặc chứng đạo quả trong Phật pháp không sai. Nếu duyên phần chưa đến kỳ, cũng được điều lợi ích là sự yên vui xác thật trong thân tâm, từ kiếp hiện tại và kết được duyên lành trong các kiếp vị lai. Tôi soạn, dịch pháp “Bát Thánh Đạo” này để giúp ích cho hàng Phật tử nương nhờ trau dồi trí nhớ và sự biết mình. Những hành giả đã có lòng chán nản trong sự luân hồi, muốn dứt trừ phiền não, để
03/09/2021(Xem: 7242)
Có những người làm gì cũng hay, viết gì cũng hay. Tôi luôn luôn kinh ngạc về những người như vậy. Họ như dường lúc nào cũng chỉ ra một thế giới rất mới, mà người đời thường như tôi có ngó hoài cũng không dễ thấy ra. Đỗ Hồng Ngọc là một người như thế.
08/10/2020(Xem: 8999)
1- Hãy khoan hồng tha thứ, biết thiện thì làm, tới đâu thì tới. 2- Sống trong cuộc đời, muốn được thong thả rảnh rang thì đừng dính đến quyền lợi. 3- Làm việc hễ thuận duyên thì làm, không thuận thì phải khéo léo nhẫn nhịn để vượt qua. 4- Ăn chay, thương người, thương vật, tụng kinh. 5- Việc ác chớ để phạm, điều lành phải nên làm. 6- Thương người cùng thương vật, niệm Phật và tham thiền. 7- Chánh niệm đứng đầu là 3 niệm : Niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng. 8- "Hằng ngày ăn thịt chúng sanh mà mong giải thoát, điều đó không bao giờ có điều đó được". 9- Mót thời gian để tu, đừng bỏ qua, gặp việc thì làm; rảnh việc thì nhiếp tâm: Niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng. 10- Thông minh hiểu biết nhiều, coi chừng không bằng ông già bà lão ăn chay niệm Phật.
01/03/2020(Xem: 13649)
Kinh Viên Giác là kinh đại thừa đốn giáo được Phật cho đó là “Con mắt của 12 bộ kinh”. “Con mắt” ở đây theo thiển ý có nghĩa là Viên Giác soi sáng nghĩa lý, là điểm tựa, là ngọn hải đăng cho các bộ kinh để đi đúng “chánh pháp nhãn tạng”, không lạc vào đường tà và tu thành Phật. Khi nghe kinh này, đại chúng kể cả chư Phật và chư Bồ Tát đều phải vào chánh định/tam muội, không bình thường như những pháp hội khác.
28/11/2019(Xem: 8128)
Ấn độ là một trong những quốc gia nổi tiếng trên thế giới vì đất rộng, người đông, có dãi Hy mã lạp sơn cao nhất thế giới, có một nền văn minh khá cao và lâu đời, con số 0, số Pi (3,1416...) do người Ấn sử dụng đầu tiên trong toán học, Kinh Vệ Đà đã được người Ấn sáng tạo từ 1800 đến 500 năm trước công nguyên, Ấn Độ là quê hương của đức Phật, hay nói khác hơn đó là nơi đạo Phật phát sinh, ngày nay đã lan tràn khắp thế giới vì sự hành trì và triết thuyết của đạo Phật thích ứng với thời đại. Do đó việcTime New Roman tìm hiểu về Ấn Độ là một điều cần thiết.
17/04/2019(Xem: 5811)
Những pháp thoại của Lama Yeshe là độc nhất vô nhị. Không ai thuyết giảng được như đức Lama. Tự nhiên lưu xuất trong tâm, trực tiếp ngay bây giờ; mỗi lời nói của ngài là một cẩm nang hướng dẫn để thực tập. Tiếng anh của đức Lama rất tốt. Khó có người sử dụng nhuần nhuyễn như ngài. Với tính sáng tạo cao, đức Lama đã biểu hiện chính mình không chỉ qua lời nói, mà còn thể hiện tự thân và trên khuôn mặt. Làm sao để chuyển tải hết sự truyền trao huyền diệu này trên trang giấy? Như đã đề cập ở chỗ khác, chúng tôi trình bày với yêu cầu này cách tốt nhất có thể.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]