Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

[49-60]

13/12/201116:29(Xem: 5916)
[49-60]
VI TIẾU
Tác giả: Viên Minh

[49-60]

49. TRÀ TỲ

Dù đã đi theo thiền, một thiền sinh vẫn còn đầy ắp kiến giải về các luận A Tỳ đàm, Duy Thức, Trung Quán và triết học Đông Tây.

Sư nói:

- Con có biết không, trình tự sa đọa của con người là từ không còn khả năng sống với đạo mới đưa đến đạo lý. Từ không trực nhận đạo lý mới đưa đến triết lý. Từ không hiểu triết lý đưa đến triết học. Khi những hệ thống triết học được hình thành thì sự sống đạo cũng bị... trà tỳ!

۞

Lời góp ý:

Kết luận thì đã không còn là chân lý, huống chi lặp lại những kết luận thì chẳng khác người mù sờ voi. Người mù sờ voi còn có chỗ đúng, kẻ lặp lại ngôn ngữ nói về chân lý thì hoàn toàn mò trăng đáy biển.

Người giác ngộ hồn nhiên sống đạo, nhưng vì người mê mà nói đạo lý. đáng lẽ nương đạo lý để thấy đạo, người mê lại học được đôi ba điều rồi ba hoa triết lý. Nhưng triết lý vẫn còn là những suy luận mơ hồ chưa có gì xác định. Người mê sau lại phân tích, lý giải, phê phán, hệ thống hóa triết lý bằng thế trí biện tài mà thành ra triết học với những giả thiết, định đề, định luật, hệ luận, phương pháp,... rất ư là logic, để đo lường chân lý trong những kết luận thật sắc bén vững vàng như đinh đóng cột. Tưởng đã nắm đạo trong tay, hóa ra chỉ là đạo giấy.

Bịnh này, ngoài Phật, may ra theo Lão Tử mà“tỏa kỳ nhuệ, giải kỳ phân, hòa kỳ quang, đồng kỳ trần”mới mong“huyền đồng”mà trở về với Đạo.

An nhiên tâm lặng lẽ

Sáng suốt tuệ nhật soi

Nói Đạo còn xa Đạo

Huống kẻ mù sờ voi!


50. THIỀN ĐỊNH LÂU NHẤT

Sư hỏi các đệ tử:

- Trong các con, ai hành thiền định lâu nhất?

Các đệ tử lần lượt thưa:

- Con nhập định một giờ.

- Con nhập định hai giờ.

- Con nhập định một ngày.

- Con nhập định năm ngày.

- Con nhập định bảy ngày.

Cuối cùng, một người đệ tử thưa:

- Thưa Thầy, con không biết con nhập bao lâu, chỉ biết là con đang thở từng hơi thở mà thôi.

Sư mừng rỡ nói:

- Thế mà con thiền định lâu nhất đó.

۞

Lời góp ý:

Thiền định lâu nhất cũng còn xuất nhập, nên thiền định không phải là cứu cánh của Đạo Phật. Cao nhất của thiền định là cõi Sắc Giới và Vô Sắc Giới mà thôi.

Tuy nhiên, Đạo Phật không loại trừ thiền định, vì nếu sử dụng thiền định mà không dừng lại nơi thiền định, không xem thiền định là tối hậu mà chỉ tạm thời thoát khỏi sự chi phối đa đoan phiền nhiễu của cõi dục thì rất tốt. Vì vậy, thiền định vẫn được coi là hiện tại lạc trụ của các bậc Thánh (Ariyassa ditthadhamma-sukha vihàra).

Thiền Tuệ cũng không loại trừ thiền định, vì trong tuệ luôn luôn có định. Hơn nữa, thiền tông nói rằng đói ăn, khát uống, mệt nghỉ, thì sao lại không thiền định một chút cho khí dưỡng thần tồn?

Nhưng khi thiền định được rồi thì người ta thường ham mê hỷ lạc, do đó, đáng lẽ thiền định là quên thời gian, thì người ham mê thiền định lại tính thời gian để đó lường định lực.

Định lực không ở thời gian, mà ở chỗ bất loạn. Nếu trong từng hơi thở mà tâm bất loạn, quên hết thời gian thì sát-na định (khanika-samàdhi) lại chính là đại định (mahà-samàdhi).


51. VÃNG SINH

Người theo phái Tịnh độ tin rằng niệm Phật A Di đà sẽ được vãng sinh Tây Phương Cực Lạc, còn người theo Nam Tông thì niệm Araham là danh hiệu đầu tiên của Phật và cũng là quả Thánh tối cao trong hàng Tứ Thánh.

Một hôm, có người hỏi Sư:

-Thưa Thầy, không biết về sau con có được vãng sinh Tây Phương Cực Lạc không?

Sư hỏi:

- Anh niệm danh hiệu nào?

- Dạ, Araham.

Sư nói:

- Araham là vô sinh sao anh lại cầu vãng sinh?

۞

Lời góp ý:

Mục đích người tu Phật, kể cả bậc Đại Bồ Tát, đều là thoát lý luân hồi sinh tử, liễu ngộ tự tánh (Niết Bàn). Không luân hồi sinh tử tức tự tánh vô sinh diệt (A-la-hán).

Danh hiệu A-la-hán và A Di đà hoàn toàn đồng nghĩa. Một bên là chỉ thẳng tự tánh vô sinh diệt (A-la-hán) cho căn cơ trí tuệ, một bên là nhân cách hóa thành một vị Phật (A Di đà) cho căn cơ đức tin.

A-la-hán có ba đức:Minh cụ túc(Vijjà sampanno), Vô sinh diệt(Ajàtàmato) vàThanh tịnh vô nhiễm (Nikkilesa visuddho).

A Di đà cũng có ba nghĩa:Vô lượng quangtức Minh cụ túc, Vô lượng thọtức Vô sinh diệt và Tịnh độ bản tâm tức Thanh tịnh vô nhiễm. Vậy A-la-hán và A Di đà chỉ là một.

Người niệm Phật A Di đà tuy nguyện vãng sinh, nhưng thực ra mục đích cũng vẫn là vô sinh(Hoa khai kiến Phật ngộ vô sinh). Do đó, “Nhất cụ Di đà vô biệt niệm, bất lao đàn chỉ đáo Tây phương” nghĩa là, khi đã nhất tâm bất loạn thì đến cõi Tịnh độ mà không cần tốn một sát-na, bởi vì “tùy kỳ tâm tịnh tức Phật độ tịnh”thì ở đâu cũng là Tây Phương Cực Lạc, khỏi phải vãng sinh Tịnh độ.

Hơn nữa, “tự tánh Di Đà duy tâm tịnh độ”thì chỉ cần ngộ tánh vô sinh, giác tâm vô nhiễm tức đã là cõi Di Đà tịnh độ rồi.

A-la-hán và A Di Đà chính là tự tánh vô sinh. Vì thế, niệm A-la-hán hay niệm A Di Đà đâu phải cầu vãng sinh mà chính là vô sinh vậy.


52. THỰC SỰ HÀNH

Nhiều học giả cho rằng mônA-tỳ-đàm(Abhidhamma) tức Vi Diệu Pháphoặc Thắng Pháplà môn học cao siêu hơn cả Duy Thức Luận,nên họ còn gọi là môn Siêu Lý Học.

Sư nói với một học giả Siêu Lý:

- Ta có một môn hơn xa Siêu Lý Học, nhờ đó mà có thể biến hóa vô cùng, dung thông vạn pháp.

- Đó là môn gì mà siêu dữ vậy?

Sư nói:

- Không phải siêu mà là thực, vì đó là môn Thực Sự Hành.

۞

Lời góp ý:

Siêu Lý Học là tên gọi khác của môn học lấy Diệu Pháp Tạng (Abhidhamma Pitaka) làm đối tượng nghiên cứu. Chủ đề của Diệu Pháp là Tâm, Tâm Sở, Sắc và Niết Bàn.

Tâm hợp với Tâm Sở và Sắc tạo ra tâm giới, đồng thời cũng chính Tâm chứng ngộ Niết Bàn. Đó là nguyên lý tổng quát đã được mô tả và phân tích kỹ lưỡng trong môn Siêu Lý Học.

Nhưng pháp học chỉ là phương tiện để thấy ra pháp hành. Thấy pháp hành chưa đủ mà còn phải thực sự hành nữa mới được. Nếu không, người học pháp có thể rơi vào hai sai lầm:

1) Quá say mê pháp học để tích lũy sở tri, không ngờ chính sở tri vay mượn quá chi ly manh mún là trở ngại lớn lao cho việc hành trí.

2) Quá tin vào những công thức tạm lập (để diễn tả cho dễ hiểu) rồi đem ra áp dụng một cách máy móc không sáng tạo mà cho là tu. Có thể những công thức được mô tả đúng đắn, nhưng dầu sao cũng không có công thức nào phô diễn được trọn vẹn chân lý vốn rất linh động khó lường. Chưa kể qua lý trí vọng thức của người học, công thức đã được tiếp thu một cách méo mó. Công thức là phương tiện diễn đạt sự thật mà đã bị méo mó thì sự thật làm sao thấy được, nên khi đem ra áp dụng tưởng là thực hành chánh pháp, hóa ra chỉ thực hành tà đạo!

Người học giáo pháp đúng hướng phải biết “được ý quên lời”,phải biết nhìn vào sự thật chứ đừng nhìn vào công thức. Ví dụ, đừng phân tích tâm qua “công thức lộ trình tâm”, mà qua chính sự diễn biến đang xảy ra một cách sống động nơi tâm mình. Có thể lúc đầu ta không thấy được tâm như công thức gợi ý, nhưng về sau lại thấy vi tế hơn công thức diễn tả rất nhiều.

Đừng đem công thức áp dụng lên thực tại, trước khi muốn nhìn thực tại phải biết vất bỏ công thức đi. Vì thực hành là trực tiếp thể nghiệm chân lý chứ không phải mô phỏng, áp dụng hay so sánh công thức với chân lý. Từ chân lý, bậc Giác Ngộ nói ra lời để chỉ bày chân lý, mượn lời để nhìn thẳng vào sự thật được chỉ bày chứ không phải đem lời áp đặt lên chân lý. Chân lý là sự sống nên chỉ có thể sống chứ không thể áp dụng. Ap dụng tức áp đặt một khuôn mẫu đã có trước lên trên thực tại đang là, trong khi thực tại đó chính là sự sống luôn luôn linh động và mới mẻ, chỉ có một trí tuệ sâu lắng bất động (acalà gambhìtà pannà) mới có thể hội nhập. Trí tuệ đó hoàn toàn trong sáng (visuddhanana), hoàn toàn ngược lại với dòng thác lý trí vọng thức (anoghanìyà pannà).

Vậy phải biết quên đi bài học về Siêu Lý kinh điển để thể hội bài học Siêu Lý trên thực tại hiện tiền luôn luôn sinh động mới mẻ. Đó chính là thực sự hành vậy.


53. NIẾT BÀN

Một thiền sinh tự cho mình là đã suốt thông kinh tạng, chỉ còn tinh tấn hành trí là sẽ đạt được Niết Bàn. Nhưng anh hành đến sốt ruột cũng chưa thấy Niết Bàn đâu. Anh bèn đến cầu kiến Sư:

- Lý sự con đều đã trải qua mà vẫn chưa được Niết Bàn, bây giờ phải làm sao?

Sư nói:

- Niết Bàn là tịch tịnh(santi), là nguội lạnh(sìta) mà ngươi nôn nóng như thế làm sao đạt được?

۞

Lời góp ý:

Ai đi tìm Niết Bàn? Nếu bản ngã đi tìm Niết Bàn thì Niết Bàn chỉ là ảo tưởng của bản ngã.

Ai đạt đến Niết Bàn? Nếu bản ngã có đến ngồi chễm chệ trên Niết Bàn thì bản ngã vẫn là bản ngã chứ không bao giờ Niết Bàn được.

Còn đi tìm Niết Bàn... tức chưa biết Niết Bàn là gì và ở đâu. Vậy không bao giờ tìm được Niết Bàn, vì dù có gặp thì làm sao biết đó là Niết Bàn?

Còn đạt đến Niết Bàn tức chưa phải Niết Bàn, vì Niết Bàn không phải là nơi (cõi giới) để đi để đến. đến đi tức nhân quả, thời gian và sinh tử.

Niết Bàn không phải là trạng thái lý tưởng, dù là hư vô, ngoan không hay thường - lạc - ngã - tịnh, vì trạng thái lý tưởng chỉ là phóng ảnh của vô minh ái dục.

Niết Bàn không đoạn nên chẳng thường, không khổ nên chẳng lạc, không năng sở nên chẳng ngã pháp, không dơ nên chẳng tịnh, chớ có mưu toan tô son vẽ phấn.

Niết Bàn cũng không phải là kết quả của một quá trình tu luyện, vì tu luyện chỉ đến sở đắc. Còn sở đắc là còn được còn mất, còn thành còn bại. Sở đắc có sinh nên sở đắc có diệt. Niết Bàn không sinh nên Niết Bàn không diệt. Chớ có manh tâm chiếm đoạt Niết Bàn.

Xưa có gã nằm mơ thấy mình giàu sang phú quý, danh vọng tột bực, hạnh phúc tuyệt đỉnh. Thế rồi vật đổi sao dời, một ngày kia bỗng nhiên tán gia bại sản, thân bại danh liệt, khốn khổ tận cùng. Trong khi đang bị tù tội tra khảo, gã mơ tưởng đến một viễn ảnh tự do và ngày đêm tìm phương vượt ngục. Kiên trí đào hang khoét lỗ, một hôm gã cũng thoát được ra ngoài, thấy mình thật là tự do thoải mái. Nhưng đi chưa được bao lâu, gã lại thấy trước mắt tường kín rào cao trùng trùng điệp điệp... Giật mình thức dậy thì tất cả thành bại, được mất, hơn thua, vui khổ đều bỗng tiêu tan, bấy giờ gã mới thở phào nhẹ nhõm.

Bản ngã, vô minh, ái dục, khổ vui v.v... đều toàn là mộng. Cho nên, với những người đang nằm mơ, Đức Phật không đưa ra thêm một “Niết Bàn trong mộng”, Ngài chỉ giúp họ tỉnh giấc thì tất cả mộng mơ đều tự tiêu tan. Đó là lý do vì sao Ngài Sàriputta trả lời du sĩ ngoại đạo Jambukhàdaka:“Này hiền giả! Đoạn tận tham, đoạn tận sân, đoạn tận si là Niết Bàn”.Và khi nói Niết Bàn là tịch tịnh, thanh lương cũng đồng một nghĩa: mộng mị tiêu tan thở phào nhẹ nhõm vậy.


54. THIÊN THỦ THIÊN NHÃN

Một thiền sinh hỏi:

- Thưa Thầy, theo Mật Tông, Đức Chuẩn Đề có ngàn tay ngàn mắt là ý nghĩa gì?

Sư nói:

- Ngươi cũng có ngàn tay ngàn mắt nhưng chưa vô ngại đại bi đó thôi.

- Làm sao con có ngàn tay ngàn mắt được?

- Sao lại không? Nóng lạnh, đói no, vui buồn, mừng giận, đẹp xấu, dở hay, phải trái,... cho đến ngàn chuyện ngươi đều biết, đó không phải ngươi có ngàn mắt hay sao? Lại còn làm lụng, đi đứng, ăn ngủ, nói năng, suy tính, tạo tác, động tịnh,... cho đến ngàn việc ngươi đều làm được, đó không phải ngàn tay là gì?

۞

Lời góp ý:

Nói đến Đạo là người ta mơ đến một cái gì siêu việt. Cái gì gợi lên trí tưởng tượng càng phong mới càng cao siêu mầu nhiệm.

Thế mà một quy luật có vẻ nghịch lý nhưng rất hiển nhiên, đó là, càng mơ cái huyền nhiệm phi thường lại càng tầm thường cạn cợt. Ngược lại, càng sống giản dị, bình thường, lại càng thâm sâu uyên áo.

Cho nên, Lão Tử nói:“Trí giả nhược ngu, tình thâm nhược đạm”.

Sở dĩ người ta“hướng ngoại cầu huyền”là ví chưa thấy ra cái cao siêu mầu nhiệm trong cái nhỏ nhặt bình thường.

Người ta đi đến một nơi đầy hứa hẹn, nhưng không thấy ý nghĩa tuyệt vời của một bước đi. Người ta ăn qua loa cho xong bữa để tranh thủ đi luyện thần thông pháp thuật, nên đâu thể biết rằng mỗi cái nhai là thần thông, mỗi hạt cơm là diệu dụng.

Kinh Thánh nói: “Mỗi sợi tóc trên đầu rơi xuống đều là ý của Đức Chúa Trời”,nghĩa là mỗi sự việc diễn ra trên đời, dù nhỏ nhặt đến đâu, đều có ý nghĩa nhiệm mầu của nó.

Vậy mà người ta vẫn cứ loay hoay trèo non lặn suối đi tìm sự huyền bí phi thường, không biết rằng “Thiên địa giai bị ư ngã, phản thân nhi thành lạc mạc đại yên”.

Nước Phật nằm trong hạt cát

Chúa Trời ngự khắp nơi nơi

Vạn pháp tiềm tàng Thái cực

Người xưa đâu phải nói chơi.


55. BẮT CHƯỚC THIỀN SƯ

Nhiều thiền sinh sau khi đọc hành trạng của các thiền sư cổ đức, mỗi người tâm đắc hành trạng của một vị thiền sư nào đó và bắt chước y hệt những gì ghi lại trong các ngữ lục.

Có thiền sinh đưa lên một ngón tay, thiền sinh khác chỉ cây tùng trước sân, có người toan chẻ tượng Phật, có người lại định giết cả mèo v.v...

Sư nói:

- Các sách vở chỉ ghi chép một điểm nhỏ trong đời sống phong phú của các thiền sư, các ngươi chỉ bắt chước được một điểm nhỏ đó thôi chứ làm sao bắt chước được đời sống toàn diện của các Ngài. Chẳng lẽ các Ngài suốt đời chỉ làm một chuyện đó thôi sao?

۞

Lời góp ý:

Tu không phải là tạo cho mình một phong cách độc đáo, bởi vì độc đáo tới đâu cũng chỉ là quái thai của bản ngã, huống hồ chỉ bắt chước phong cách của người, dù đó là tiên phong đạo cốt hay phong thái thiền sư.

Nietzsche nói: “Chẳng thà làm thằng điên cho chính mình còn hơn làm bậc Thánh cho tư tưởng của kẻ khác”.

Đạo không thể mô phỏng hay bắt chước nơi Thánh nhân. Thuở xưa, các vị đại Thánh Tăng chẳng có ai giống ai mà “mỗi người mỗi vẻ mười phân vẹn mười”.Các bậc thiền sư đạt đạo xưa nay cũng đều như vậy.

Cho nên, suốt ngày hét đến đinh tai cũng không là Lâm Tế, trọn đời thiêu hết Phật gỗ cũng chẳng phải Đơn Hà.

Lập lại ngôn ngữ thiền sư coi chừng mắc bẫy, làm theo cử chỉ thiền sư khéo kẻo bị lừa. Giống như người bắt chước vô vi của Lão tử, chính là người hữu vi cực kỳ lộ liễu.

Phật dạy:“Người ngu biết mình ngu ấy là kẻ trí”, còn kẻ mê mà bắt chước người ngộ thì không biết mê đến cỡ nào.

Vì vậy mà Tuệ Trung Thượng Sĩ thản nhiên nói:“Phật là Phật, anh là anh, Phật chẳng cần làm anh, anh chẳng cần làm Phật”.

Mới hay tự ngộ lấy mình

Chớ nên bắt chước chúng khinh bạn cười.


56. CHUYỆN BỰC MÌNH

Đời sống trong thiền viện không phải luôn luôn phẳng lặng như mặt nước hồ thu. Thỉnh thoảng cũng có vài chuyện bất hòa. Hai thiền sinh nọ bất đồng ý kiến về cách thể hiện kỷ luật. Một người thích nghiêm minh, một người thì ưa phóng khoáng. Họ thường tranh luận với nhau không ai chịu nhịn, vì vậy hay gây bực mình cho các thiền sinh khác.

Trình với Sư để xin hòa giải thì Sư chỉ cười không nói gì khiến họ càng bực mình thêm. Cuối cùng, Sư nói:

- Hai chú ấy bất hòa đâu phải cốt để các anh bực mình. Còn đã bực mình thì chính các anh cũng đã bất hòa nói gì đến hòa giải ai được!

۞

Lời góp ý:

Chuyện bực mình không xảy ra bên ngoài mà khởi lên trong tâm người... bực mình! Chuyện xảy ra bên ngoài chỉ là duyên, phản ứng khởi lên bên trong mới là nhân phiền não. Duyên là phụ, nhân mới chính. Nhưng khổ thay, vì người ta cứ nhìn ra ngoài nên duyên trở thành chính, còn nhân gây ra bao khổ não lại chẳng mấy khi thấy được.

Người ta có khuynh hướng giải quyết điều kiện bên ngoài, ít ai quan tâm giải quyết tận nguồn nội tại.

Bên ngoài là duyên nên cứ tùy duyên mà thuận. Thuận không phải là chạy theo, mà chỉ cần không chống trái, không thủ xả.

Đức Phật dạy:“Như núi đá kiên cố không bị gió lay, những lời khen chê không lay động bậc Đại Trí”.

Kinh Mangala Sutta cũng dạy:

Khi xúc chạm việc đời

Tâm không động không sầu

Tự tại và vô nhiễm

Là phúc lành cao thượng.

Kiên cố không lay động không phải là cố chấp, hay đã có chủ trương khăng khăng nhất định. Chính vì có chủ trương mà hai thiền sinh mới bất đồng ý kiến. Chính vì có chủ trương mà hai chú tiểu cứ mãi cãi nhau về phướn động hay gió động.

Ngài Huệ Năng nói:“Tâm các ông động”.Đó chính là“trực chỉ nhân tâm kiến tánh thành Phật”vậy.


57. KHÔNG CÓ ĐƯỜNG ĐẾN NIẾT BÀN

Ai cũng biết mục đích tối hậu của Đạo Phật là Niết Bàn. Như vậy, chẳng cần nghĩ bàn gì, người ta cứ việc khẳng định rằng Đạo Phật chính là con đường đi đến Niết Bàn đó.

Nhưng Sư lại nói:

- Chẳng bao giờ có con đường đến Niết Bàn, chỉ có đường vào luân hồi sinh tử mà thôi.

Các thiền sinh rất lấy làm lạ, thắc mắc:

- Như vậy, Đức Phật dạy Đạo để làm gì?

Sư nói:

- Đạo chỉ để xóa tan Tập đế, như ánh sáng xóa tan bóng tối chứ đâu phải đường đếnNiết Bàn. Ví như trong bóng tối anh không tự nhìn thấy mình, đến khi thắp đèn lên mới thấy được mình. Như vậy, anh không cần phải đi đâu mà tìm kiếm chính anh. Niết Bàncũng y như vậy.

۞

Lời góp ý:

Không phải hễ cứ gọi đạo thì tức là con đường. Con đường luôn luôn có khởi điểm và có chỗ đến. Niết Bàn không phải là chỗ đến theo nghĩa một địa điểm. Cho nên, không có đường đến Niết Bàn.

Từ Đạo được dùng rất nhiều nghĩa:

Đạotrong Lão Tử Đạo Đức Kinhlà chân lý rốt ráo.ĐạotrongThiên Chúa Giáolà lẽ thật và sự sống đời đời.Đạotrong Khổng Học là cách xử thế tiếp vật, minh đức thân dân và chí thiện.

Đạodùng trongĐạo Đếcó nghĩa là “sự thực hành nhằm vào khổ diệt”(Dukkha-nirodha-gàminì-patipadà), hoặc Đạo trongBát Chánh Đạođược định nghĩa là “tiêu tan phiền não”(kilesemàrento). Nói theo Kinh Bát Nhãthì Đạotức là “chiếu kiến ngũ uẩn giai không độ nhất thiết khổ ách” vậy.

Trong tất cả các thuật ngữ Đạo nói trên, không có thuật ngữ nào chỉ con đường có đi có đến cả. Đặc biệt trong Đạo Phật, Đạo chẳng liên hệ gì đến Niết Bàn, vì không cóĐạovẫn cứ có Niết Bàn. Nhưng không có Đạo thì không thể chứng ngộ Niết Bàn được.

Giống như người đang nằm trên giường có ảo giác bị rơi vào khoảng không không đáy, anh ta cảm thấy hụt hẫng và khiếp sợ. Chỉ cần ảo giác tiêu tan (hoặc thấy đó chỉ là ảo giác) thì người ấy trước sau vẫn nằm trên giường thoải mái bình yên. Niết Bàn cũng y như vậy.


58. ĐẠI BỊNH

Một thiền sinh nọ tự cho mình là đã thấy tánh.

Sư hỏi:

- Tự tánh ông thế nào?

Thiền sinh khẳng định một cách rất tự tin:

- Hoàn toàn rỗng rang thanh tịnh.

Sư nói:

- Đó là bịnh tưởng!

Thiền sinh vô cùng tức giận, cho rằng chính thiền sư cũng không thấy được chỗ thậm thâm vi diệu mà anh đã chứng ngộ, bèn cật vấn:

- Sao gọi là bịnh tưởng?

Sư đáp:

- Cổ đức dạy: “Tri tâm thanh tịnh thời bất sanh thanh tịnh tưởng”.Nay anh lấy cái tướng thanh tịnh làm tự tánh thì không phải bịnh tưởng là gì.

Thiền sinh nhất mực phản đối:

- Đó là sự thật mà tôi chứng ngộ chứ đâu phải là tưởng tượng.

Sư than:

- “Sự thật đó” chỉ là một trong muôn ngàn tướng của Pháp (tâm) mà lại gán cho cái tên là tự tánh mới sinh ra bịnh tưởng, chứ còn giả tưởng của tưởng tượng thì còn nói làm gì.

Nói xong, Sư ngâm bài kệ của cổ đức:

“Thức đắc bổn tâm bổn tánh

Chính thị tông môn đại bịnh.”

۞

Lời góp ý:

Bất kỳ người ta khẳng định tự tánh là gì thì nó liền bị chụp cái mũ vọng tưởng hay ít nhất cũng là tục đế tướng (Sammùti sacca nimitta) hoặc thi thiết tướng (pannatti nimitta) thuộc về biến kế sở chấp, ngũ trược hoặc tam tế lục thô, rơi vào nhân duyên, ngũ uẩn.

Tự tánh “bổn lai vô nhất vật”thì còn ham xác định tướng để làm gì?

Kinh Kim Cang nói: “Nhược kiến chư tướng phi tướng tức kiến Như Lai”.Tướng còn thấy là phi tướng huống chi là tánh. Nhưng ngay khi thấy phi tướng tức là thấy tánh. Ngược lại, cố thấy tánh thì nhất định rơi vào hữu tướng. Đó là điều rất đơn giản mà những người mắc phải bịnh thiền không thể nào thấy được. Và đó cũng là lý do tại sao trong Phật Giáo Nguyên Thủy, Đức Phật chỉ nói đến Pháp tướng vô thường, khổ não, vô ngã, bất tịnh mà không nói Pháp tánh thường - lạc - ngã - tịnh như các luận phái về sau.

Đức Phật dạy:“Này Sàriputta, an trụ của bậc đại Nhân tức là không tánh”(Mahàpurisa vihàro h’esa, Sàriputta, yadidam sunnatà).

Nhưng tánh không, vô nhất vật hoặc phi tướng không có nghĩa là không có gì cả (Natthità). Không có gì cả tức rơi vào ngoan không hoặc hư vô luận (Natthivàda).

Không có đây là không có tướng vọng, không có nhất tướng vô minh (Ekàvijjà nimitta) che lấp thực tướng của pháp. Nói“thực tướng vô tướng” chính là nói với nghĩa này.

Vậy không phải tánh không có tướng, mà tướng của tánh là thực tướng vô tướng, cho nên bậc trí chỉ cần thấy như thị tướng thì đã là thấy tánh mà không rơi vào đại bịnh.


59. TÌNH NGUYỆN ĐI THEO

Trong buổi lao tác mệt mỏi, một chú tiểu đang mơ được nghỉ ngơi thoải mái, bỗng nghe chú tiểu bạn hỏi:

- Hỏi thiệt nghe, nếu có một điều ước, chú sẽ ước gì?

- Ư, thế thì hay lắm! Tôi sẽ ước được tái sanh vào một cảnh giới chỉ có ăn, chơi và ngủ chứ không làm lụng gì cả.

-Ê, tôi tình nguyện theo chú đó!

- Ủa, chú cũng đồng minh với tôi hả?

- Không đâu, tôi chỉ theo chữa bịnh cho chú kẻo tội nghiệp chú mà thôi!

۞

Lời góp ý:

Đôi lúc những người tu hành cũng có những ý nghĩ thật tầm thường: đạt đến một cõi giới an lạc như ý muốn của mình. Nhưng coi chừng, đạt đến cõi giới như ý là bịnh hoạn đó nghe!

Nguyên nhân sai lầm này là người ta không phân biệt được khổ đế với khổ thọ bình thường.

Khổ đế là ảo giác do ảo tưởng tập đế tạo ra, còn thọ khổ là cảm giác do duyên pháp tự nhiên tạo ra. Bậc giác ngộ chỉ thoát khỏi khổ đế chứ không cần giải thoát khỏi khổ thọ bình thường tự nhiên.

Khi làm việc nhiều thì mệt, đói, khát v.v... Đó là khổ thọ tự nhiên chứ không phải khổ đế. Chỉ cần nghỉ ngơi ăn uống là xong chứ đâu cần phải tu hành giải thoát làm gì cho thêm khổ.

Nhưng khi bản ngã nói: “Sao ta lại phải làm việc mệt nhọc thế này, phải chi ta đi chơi cho khỏe!” Bấy giờ, ảo tưởng đi chơi chống đối với thực tế làm việc (Tập đế) tạo ra một ảo giác khổ sở, chán nản, bực bội (Khổ đế). Thực tế thì bản ngã làm biếng này cũng chưa có gì nên mệt cả mà đã thấy khổ rồi, còn người siêng năng chú tâm làm việc tuy có mệt thật mà thấy vui nữa là khác. Vậy cái khổ của anh chàng làm biếng hay vọng tưởng chỉ là ảo giác trong ảo tưởng mà thôi.

Cho nên cần phải biết rằng hễ còn ảo giác ảo tưởng thì dù có lên cõi Cực Lạc Tây Phương cũng vẫn cứ khổ đế như thường, phải không các bạn?


60. CẢNH GIỚI LÝ TƯỞNG CỦA THIỀN

Một thiền sinh nói:

- Cảnh giới lý tưởng nhất của thiền là hoàn toàn tự do thoải mái. Tất cả luật lệ, khuôn phép,, giáo điều, lễ nghi, quy tắc v.v... đều chỉ là những ràng buộc, nên chúng hoàn toàn vắng bóng trong thế giới thiền.

Một thiền sinh khác cãi lại:

- Cảnh giới lý tưởng nhất của thiền là hoàn toàn nghiêm túc. Anh không nghe người ta nói “trang nghiêm Phật Quốc”hay sao? Vì vậy theo tôi, cái gì thiếu quy củ, thiếu điều độ, thiếu nghiêm chỉnh, thiếu mực thước đều là buông lung phóng dật, nên chúng hoàn toàn không có mặt trong thế giới thiền.

Sư nói:

- Các anh đều đúng, nhưng đó là những cảnh giới lý tưởng nhất trong ý niệm của mỗi người, chứ thiền làm gì có cảnh giới mà nhì với nhất!

۞

Lời góp ý:

Thiền chẳng bao giờ có cảnh giới lý tưởng, nhưng tất cả cảnh giới đều là cảnh giới thiền.

Thiền không phải là một cuộc đổi chác giữa lý tưởng này với lý tưởng khác.

Thiền cũng không có thì giờ đâu mà chọn lựa thị phi. Cho nên:

Mắt rợ hồ nở tròn xoe xanh biếc

Lão thiền tăng chống gậy ngắm trần gian

Hai chú gà mãi tranh nhau thắng bại

Ánh mắt thiền xanh biếc vẫn còn xanh


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
30/07/2016(Xem: 15942)
Đại Trưởng lão Bửu Chơn, một bậc cao tăng, đạo cao đức trọng của Phật giáo Nguyên Thủy, ngài có hơn 10 năm tu hạnh đầu đà ở núi rừng Campuchia. Trở về Việt Nam, ngài là người tu học khá sớm ở Tổ đình Bửu Quang vào khoảng thập niên 40. Ngài là thành viên sáng lập Giáo hội Tăng già Nguyên Thủy Việt Nam và Tăng thống nhiệm kỳ Ban Chưởng quản lâm thời vào năm 1957
24/04/2016(Xem: 35287)
Qua mạng Amazon.com, tôi đặt mua cuốn sách tiếng Anh “In The Buddha’s Words” của Bhikkhu Bodhi ngay sau khi xuất bản năm 2005. Đọc sơ qua phần đầu rồi để đó. Mỗi lần đi đâu, tôi mang theo để đọc từ từ vài trang, trong lúc chờ đợi, trước khi đi ngủ. Cứ thế dần dần qua năm tháng. Rồi cũng không thẩm thấu được bao nhiêu.
09/03/2016(Xem: 14374)
Tôi cầm trên tay bộ sách 2 cuốn “Phật pháp vấn đáp” của Hòa thượng Thích Giác Quang. Và tôi đọc ngay. Đọc ngay lập tức. Sách xuất bản sát tết âm lịch để chào mừng Tết Sách và là sách lỳ xì nhân năm mới.
18/12/2015(Xem: 16539)
Thuở xưa, đức Phật với nắm lá trong tay, hỏi chư tỳ-khưu rằng: “Số lá trong bàn tay của Như Lai, so với lá trong rừng, ở đâu nhiều hơn?” Khi chư tỳ-khưu đáp“Lá trong rừng nhiều hơn”, đức Phật bèn nói tiếp: “Cũng vậy, những thấy biết của Như Lai nhiều như lá cây trong rừng, nhưng những điều Như Lai đem ra giảng nói chỉ như nắm lá ít ỏi trong bàn tay này thôi! Tại sao vậy? Vì những điều không cần thiết, những điều không đem đến cho chúng sanh thấy khổ và diệt khổ, không đem đến giải thoát tham ưu và phiền não ở đời, Như Lai không nói, Như Lai không thuyết!”
23/09/2015(Xem: 4848)
Đức Phật Bản Sư Thích Ca Mâu Ni đã giảng kinh chuyển pháp luân tứ thánh đế, tại vườn Lộc Uyển, cho năm anh em Kiều Trần Như, tứ thánh đế hay tứ diệu đế là bốn chân lý chắc thật về khổ đế, tập đế, diệt đế, đạo đế. Đức Thế Tôn đã tam chuyển thập nhị hành, là thị chuyển, khuyến chuyển, chứng chuyển. Thị chuyển tứ thánh đế là việc giới thiệu về bốn chân lý chắc thật khổ, tập, diệt, đạo, để giúp cho chúng ta hiểu thấu được bản chất của nó. Khuyến chuyển tứ thánh đế là việc khuyên bảo chúng ta tu hành theo pháp tứ thánh đế để sớm đoạn diệt được hết khổ đế, được giải thoát giác ngộ chân lý chứng đắc tứ thánh quả. Chứng chuyển tứ thánh đế đó là cảnh giới chứng đắc tứ thánh quả. Khi nghe xong bài pháp chuyển pháp luân tứ thánh đế trên, năm anh em Kiều Trần Như liền giác ngộ chân lý, chứng đắc tứ thánh quả. Như vậy, đức Thế Tôn chuyển pháp luân tứ thánh đế, giúp ích cho chúng ta hiểu thấu được bốn chân lý khổ đế, tập đế, diệt đế, đạo đế, biết được chúng ta cũng như tất cả chúng sinh từ đâu đến
01/07/2015(Xem: 29037)
Trên bước đường tu học Phật, ít nhiều gì, Phật tử cũng thường hay gặp phải những thắc mắc, nghi vấn các vấn đề mà tự mình chưa có thể tìm ra giải đáp. Có những nghi vấn mang tính chất thuần túy kinh điển, nặng về phần nghiên cứu học thuật. Bên cạnh đó, cũng có những nghi vấn liên quan thiết thân trong đời sống sinh hoạt hằng ngày mà bất cứ người Phật tử nào cũng gặp phải trong khi tu học. Khởi đi từ yếu tố thiết thực đó và cũng muốn để trao đổi trong nhu cầu nghiên cứu, học hỏi Phật pháp, nhứt là đối với những người hằng quan tâm đến Phật giáo, suốt thời gian qua, trong các khóa tu học ngắn hay dài hạn, đều có đề ra mục Phật Pháp Vấn Đáp, để cho quý Phật tử nêu ra những nghi vấn thắc mắc. Và những nghi vấn thắc mắc nầy, đã được thầy Phước Thái gom góp lại để giải đáp thành 100 Câu Hỏi Phật Pháp. Năm 2010, 100 Câu Hỏi Phật Pháp tập 2 đã được ấn hành 1500 bản. Sách ấn hành chỉ trong khoảng thời gian rất ngắn thì số lượng sách đã không còn. Từ đó đến nay (2015), trải qua thời gian 5 năm
15/06/2015(Xem: 23376)
Yếu chỉ tu tập & hành đạo. Tác giả Thích Thái Hòa
26/05/2015(Xem: 7582)
Cuốn sách này được dịch nguyên văn từ tác phẩm Buddhism key stage one của Jing Yin Ken Hudson. Tôi dịch cuốn sách này và gửi đến Thư viện Hoa Sen với các lý do : - Đạo Phật được truyền bá rộng rãi cho mọi người. Đặc biệt là các em thiếu nhi. Những mầm non cho tương lai mai sau. Các em cần phải hiểu biết Đạo Phật. - Đây là món quà thành kính dâng lên Đức Phật, mong ngài ban phước lành cho mọi người; cho gia đình tôi; cho bạn bè; cho tất cả mọi người. Rất mong Thư viện Hoa Sen duyệt và chọn đăng để làm tài liệu cho các em thiếu nhi học tập.
26/05/2015(Xem: 9511)
Lúc thiếu thời, Đức Phật đã có những suy nghĩ giống thiếu nhi hôm nay. Các cháu tự hỏi tại sao bị sốt. Tự hỏi tại sao ông bà các cháu lại chết. Tại sao những ước mơ của các cháu không phải là sự thật. Các cháu tự hỏi về vẻ đẹp và hạnh phúc của cuộc đời. Bởi vì Đức Phật biết rõ suy nghĩ của trẻ em nói riêng và loài người nói chung, Ngài dạy chúng ta làm thế nào để sống hạnh phúc và có cuộc sống thanh bình. Đạo Phật không phải là niềm tin mù quán vào nơi xa lạ nào đó.
15/05/2015(Xem: 25979)
Thể theo lời yêu cầu của các bạn Đạo, tôi chọn một số bài nói chuyện về Phật pháp của tôi tại Tổ Đình Từ Quang ở Montréal và một vài nghi thức tụng niệm để in thành cuốn sách này, với hy vọng phổ biến Phật pháp. Cuốn sách được hình thành trong dịp Tết Canh Thìn, nhưng phải đợi đến Tết Dương Lịch 2001 mới đánh máy xong. Trong thời gian chờ đợi này, tôi đã cẩn thận kiểm điểm lại nội dung từng bài, nhưng chắc chắn không tránh khỏi thiếu sót, những mong các bậc cao minh từ bi chỉ điểm cho. Montréal, Tết Dương lịch 2001 Hiển Mật, Đỗ Hữu Trạch
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]