Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phẩm XXII: Địa ngục

15/04/201311:11(Xem: 14951)
Phẩm XXII: Địa ngục

Kinh Pháp Cú

Phẩm XXII: Ðịa ngục

1. Cái Chết Của Tôn Ðà Lỵ

Nói láo đọa địa ngục...

Câu chuyện xảy ra khi đức Thế Tôn ở tại Kỳ Viên, liên hệ đến một nữ du sĩ ngoại đạo tên Tôn-đà-lỵ.

Khi đức Thế Tôn cùng Tăng đoàn ở tại Kỳ Viên, Ngài nhận được sự cúng dường trọng vọng của dân chúng nhiều ngang bằng một trận lũ lụt do nước các sông Ngũ Hà dâng cùng một lượt (five great rivers), và các giáo phái ngoại đạo trước sự hiện diện của Ngài, trở nên lu mờ như ngọn đèn trước ánh sáng mặt trời. Họ mất hết cả lợi lộc và danh tiếng. Ngày nọ, họ họp nhau bàn tán:

- Từ khi Sa-môn Cồ-đàm xuất hiện, chúng ta bị mất hết lợi lộc và danh dự, trước kia chúng ta còn được dâng cúng, bây giờ chẳng ai thèm biết đến chúng ta. Chúng ta phải tìm cách phá vỡ danh tiếng và lợi lộc mà y đang có. Ai sẽ là người có thể làm được việc này?

Họ bàn tán du sĩ một hồi và bảo nhau:

- Có nữ du sĩ Tôn-đà-lỵ, cô ấy sẽ làm được việc.

Và khi Tôn-đà-lỵ đến tu viện của họ, chẳng ai nói với cô một lời. Cô hỏi đến hai, ba lần mà họ vẫn lặng thinh. Cô bèn hỏi:

- Thưa các vị, có ai đã gây tổn thương các vị?

- Chị không thấy Sa-môn Cồ-đàm đã làm thiệt hại chúng ta, tước đoạt mọi lợi lộc, danh tiếng, mà chúng ta có từ trước?

- Con có thể làm gì đây?

- Chị có nhan sắc tuyệt vời, khả ái, hãy làm mất danh dự Sa-môn Cồ-đàm, hãy khiến dân chúng đồn đại không tốt và làm mất thanh danh quyền lợi của ông ấy.

- Ðược thôi.

Tôn-đà-lỵ chấp nhận.

Sau đó, mỗi buổi chiều, khi dân chúng đi nghe pháp trở về thành, họ lại thấy Tôn-đà-lỵ trang điểm lộng lẫy đi về hướng Kỳ Viên, với hương hoa, dầu thơm, kem, phấn, long não, trái cây. Và khi họ hỏi:

- Cô đi đâu?

Cô trả lời:

- Ðến chỗ ngài Cồ-đàm, tôi có thói quen ở lại một mình trong hương thất suốt đêm.

Và sau đó, cô đến một tu viện ngoại đạo ở lại. Sáng hôm sau, lại ngược đường trở về thành. Nếu có ai hỏi:

- Tôn-đà-lỵ, cô đi đâu thế?

Cô ta trả lời:

- Tôi đã ở lại đêm trong hương thất của Cồ-đàm, chỉ một mình và bây giờ trở về.

Vài ngày sau, nhóm ngoại đạo đưa tiền cho một số du đãng và bảo:

- Hãy giết Tôn-đà-lỵ, rồi ném thi hài cô ta nơi đống rác gần hương thất của Cồ-đàm.

Bọn du đãng làm theo mệnh lệnh. Và các ngoại đạo bắt đầu rêu rao:

- Tôn-đà-lỵ bị mất tích.

Họ tâu sự việc lên nhà vua. Vua hỏi:

- Các người có nghi ngờ ai không?

- Vài ngày trước, cô ta hãy còn ở đêm tại tinh xá Kỳ Viên, từ đó xảy ra chuyện gì, chúng tôi không biết.

- Như thế, hãy đi tìm.

Ðược lệnh nhà vua, họ tập hợp đồ đệ kéo vào Kỳ Viên lục lọi, và thấy thi hài Tôn-đà-lỵ nằm ở đống rác trong tinh xá. Họ khiêng tử thi về thành, tâu lên nhà vua:

- Ðám đệ tử của Sa-môn Cồ-đàm đã tự nhủ: "Chúng ta sẽ che đậy được việc xấu Thế Tôn đã làm". Do đó họ giết Tôn-đà-lỵ và vất thi thể vào đống rác.

Vua phán:

- Hãy báo cho dân chúng biết.

Các ngoại đạo đi rêu rao khắp thành:

- Hãy nhìn xem hành động của đám Sa-môn đệ tử dòng họ Thích.

Với những câu phỉ báng tương tự, họ truyền tín khắp thành, rồi trở về cung vua. Nhà vua ra lệnh đặt thi hài Tôn-đà-lỵ tr��n đất hỏa thiêu, cắt người canh gác. Phần đông dân cư thành Xá-vệ, trừ các thánh đệ tử, đều la ó:

- Coi kìa, đám đệ tử dòng họ Thích đã làm nên chuyện này.

Trong thành, ngoài thành, trong rừng, trong xóm, họ đều chửi mắng các Sa-môn. Các thầy đến bạch Phật, Phật dạy:

- Các ông chê trách họ làm gì. Ngài nói kệ:

(306) Nói láo, đọa địa ngục,
Có làm nói không làm,
Cả hai chết đồng đẳng,
Làm người, nghiệp hạ liệt.

Nhà vua ngầm cho thám tử điều tra về cái chết của Tôn-đà-lỵ. Khi ấy, bọn du đãng nhận tiền rồi nhậu nhẹt say sưa, gây gổ. Chúng lảm nhảm với nhau:

- Mầy đã giết Tôn-đà-lỵ, mầy ném xác ả vào đống rác. Mầy được tiền nhiều tha hồ uống. Ðược lắm! Ðược lắm!

Thám tử liền trói họ, giải đến trước vua. Vua hỏi:

- Các người giết Tôn-đà-lỵ?

- Tâu vâng.

- Ai mướn các người?

- Các thầy ngoại đạo.

Nhà vua cho đòi các ngoại đạo đến, bắt phải rao lên trong thành như sau:

- Chúng ta giết Tôn-đà-lỵ vì muốn hạ nhục Sa-môn Cồ-đàm. Sa-môn và đệ tử không có lỗi gì.

Họ phải thi hành lệnh trên, đám đông dân chúng ngờ nghệch lại nghe theo. Các ngoại đạo bị trừng phạt nặng nề, và từ đó, danh dự của Phật lại tăng thêm.

2. Con Quỷ Xương Khô

Nhiều người khoác cà sa...

Câu chuyện xảy ra khi đức Phật ở tại Trúc Lâm, liên hệ đến những chúng sanh bị quả báo xấu do ác nghiệp.

Một ngày nọ, khi xuống núi với Trưởng lão Lakkhana, Tôn giả Mục-kiền-liên nhìn thấy những con quỷ hình thù chỉ có bộ xương khô, Ngài bèn mỉm cười. Khi được hỏi, Tôn giả chỉ bảo:

- Này huynh, chớ hỏi điều ấy ở đây. Khi nào đến trước đức Thế Tôn chúng ta sẽ thảo luận.

Và khi về đến tinh xá, trước đức Phật, Trưởng lão Lakkhana hỏi lại chuyện ấy. Tôn giả Mục-kiền-liên trả lời rằng Ngài thấy những con quỷ xương khô. Ngài còn kể tiếp:

- Khi tôi xuống núi, tôi còn thấy một Sa-môn bay qua toàn thân bốc cháy.

Và còn thêm vài lần, Tôn giả thấy những con quỷ hình dáng Sa-môn với y bát, tất cả đều bốc cháy. Nhân đó, thời Phật dạy các Tỳ-kheo rằng: "Những tu sĩ ấy, thời Phật Ca-diếp đã xuất gia nhưng không làm tròn bổn phận của mình".

Ngài nhấn mạnh đến quả báo ác nghiệp cho các Tỳ-kheo đáng hiện diện được rõ, và nói kệ:

(307) Nhiều người khoác áo cà sa,
Ác hạnh không nhiếp phục.
Người ác, do ác hạnh,
Phải sanh cõi địa ngục.

3. Xảo Thuật Tìm Thức Ăn

Tốt hơn nuốt hòn sắt...

Câu chuyện xảy ra khi đức Thế Tôn ở tinh xá Ðại Lâm (Mahàvana) gần thành Tỳ-xá-ly, liên hệ đến các Tỳ-kheo Vaggumudàtiriya.

Các Tỳ-kheo Vaggumudàtiriya thường khen ngợi lẫn nhau rằng người này chứng quả, người kia chứng quả khi có mặt cư sĩ, để họ dâng cúng thức ăn ngon. Ðức Phật biết chuyện, bèn hỏi các thầy:

- Này các ông! Có thật phải là chỉ vì cái bao tử mà các ông ca tụng lẫn nhau trước mặt cư sĩ để họ dâng cúng thức ăn ngon?

- Thưa vâng, bạch Thế Tôn!

Phật bèn quở trách các thầy, và nói kệ:

(308) Tốt hơn nuốt hòn sắt,
Cháy đỏ như lửa bừng,
Hơn ác giới, buông lung,
Ăn đồ ăn quốc độ.

4. Kẻ Ðào Hoa

Bốn nạn chờ đợi người ...

Câu chuyện xảy ra khi đức Thế Tôn ở tại Kỳ Viên, liên hệ đến Khema, con trai Trưởng giả, cháu Cấp Cô Ðộc.

Khema là một chàng trai tuấn tú khôi ngô. Các bà các cô khi gặp mặt chàng đều yêu mến mê mệt. Khema thì lại đeo đuổi vợ người. Một đêm nọ, người của nhà vua bắt chàng ta, giải đến trước mặt vua. Nhà vua cảm thấy ái ngại thay cho danh tiếng của Trưởng giả nên không nói gì, thả chàng ra. Khema vẫn cứ chứng nào tật nấy.

Lần thứ hai, lần thứ ba, chàng vẫn bị bắt, và nhà vua cũng trả tự do cho. Chuyện đến tai Trưởng giả, ông đem con đến gặp đức Thế Tôn, trình bày câu chuyện và bạch:

- Xin đức Thế Tôn giảng dạy cho nó.

Ðức Phật khơi dậy lương tri của Khema và chỉ cho chàng thầy lỗi lầm khi theo đuổi vợ người bằng Pháp Cú:

(309) Bốn nạn chờ đợi người,
Phóng dật theo vợ người,
Mắc họa, ngủ không yên,
Bị chê là thứ ba,
Ðọa địa ngục, thứ bốn.


(310) Mang họa, đọa ác thú,
Bị hoảng sợ,ít vui,
Quốc vương phạt trọng hình,
Vậy chớ theo vợ người.

Chuyện quá khứ:


4A. Lời Nguyền Của Khema

Thời đức Phật Ca-diếp, Khema là một tay đô vật quán quân, ngày kia chàng treo hai cây cờ giải thưởng của mình bên ngôi tháp vàng của đức Phật, và nguyện: "Xin cho tất cả mọi phụ nữ, trừ các nữ nhân thân quyến và bà con ruột thịt của tôi, khi nhìn thấy tôi đều say mê". Vì thế, dù tái sanh ở đâu, chàng cũng được tất cả các bà yêu mến.

5. Thầy Sa Môn Tự Phụ

Như cỏ sa vụng nắm...

Câu chuyện xảy ra khi đức Thế Tôn ở tại Kỳ Viên, liên hệ đến một thầy Tỳ-kheo tự phụ.

Chuyện kể rằng, có một vị Tỳ-kheo lỡ tay làm đứt một cọng cỏ. Lương tâm thầy áy náy bèn tìm đến một huynh đệ, thuật lại câu chuyện và hỏi:

- Thưa huynh, Tỳ-kheo làm đứt cỏ, có sao không?

Thầy kia trả lời:

- Ðừng quan trọng khi cho rằng làm đứt cỏ cây sẽ bị hậu quả. Chỉ cần xưng tội ra là được khỏi tội thôi.

Nói xong, thầy nhổ luôn một bụi cỏ, vứt đi. Các Tỳ-kheo đến bạch Phật. Phật quở trách thầy Tỳ-kheo tự phụ nặng nề, và nói Pháp Cú:

(311) Như cỏ Sa (Kusa) vụng nắm,
Tất bị họa đứt tay.
Hạnh Sa-môn tà vạy,
Tất bị đọa địa ngục.


(312) Sống phóng đãng buông lung,
Theo giới cấm ô nhiễm,
Sống Phạm hạnh đáng nghi,
Sao chứng được quả lớn.


(313) Cần phải làm, nên làm,
Làm cùng tận khả năng.
Xuất gia sống phóng đãng,
Chỉ tăng loạn bụi đời.

6. Người Vợ Ghen Tuông

Ác hạnh không nên làm...

Câu chuyện xảy ra khi đức Thế Tôn ở tại Kỳ Viên, liên hệ đến một bà vợ ghen.

Một ông chồng dan díu với một nữ tỳ giúp việc nhà. Vợ ông biết được, bèn trói người nữ tỳ, cắt tai, cắt mũi, nhốt vào phòng kín đóng cửa lại. Ðể che giấu tội ác, bà rủ chồng đi nghe pháp. Hai vợ chồng đến tinh xá, ngồi vào hội chúng. Khi ấy, có vài người bà con bên vợ đến nhà thăm. Họ mở cửa, chứng kiến cảnh tàn nhẫn trong nhà, bèn mở trói cho cô tớ gái. Cô này đến tinh xá, tố cáo mọi việc với Phật và Tăng chúng. Nghe xong, Phật dạy:

- Không nên làm việc ác dù nhỏ, nghĩ rằng chẳng ai biết. Với việc lành, dù không người biết vẫn nên làm. Hành động ác dù che giấu ân hận về sau. Còn hành động tốt sẽ khiến ta an vui.

Ngài nói kệ:

(314) Ác hạnh, không nên làm,
Làm xong chịu khổ lụy,
Thiện hạnh, ắt nên làm,
Làm xong, không ăn năn.

Cuối bài pháp, hai vợ chồng chứng quả Dự-lưu. Họ trả tự do cho cô tớ gái và hướng dẫn cô theo chánh pháp.

7. Tự Canh Phòng Như Giữ Thành

Như thành ở biên thùy...

Câu chuyện xảy ra khi đức Thế Tôn ở tại Kỳ Viên, liên quan tới một số Tỳ-kheo.

Một số các Tỳ-kheo đến an cư ở một thị trấn biên giới. Tháng đầu trôi qua hết sức an ổn. Nhưng tháng thứ hai, bọn trộm cướp tấn công thị trấn và bắt một số người làm con tin. Từ lúc ấy, mọi người phải bận rộn phòng thủ, chống lại trộm cướp, và không còn thì giờ chăm sóc đến thức ăn vật dụng cho các thầy. Các thầy trải qua những tháng thật bất an.

An cư xong, các thầy trở về tinh xá Kỳ Viên, đảnh lễ Phật, lui ngồi một bên. Ðức Phật hỏi thăm thân mật:

- Các ông có được an ổn không?

- Bạch Thế Tôn, tháng đầu thật an ổn. Nhưng những tháng sau trộm cướp hoành hành, dân chúng chẳng còn thì giờ đâu lo lắng cho chúng con. Thời gian đó thật khốn đốn.

Phật dạy:

- Không sao. Các ông đừng phiền muộn. Không dễ gì lúc nào cũng tìm được nơi an cư hoàn toàn như ý. Nhưng hãy như dân cư phòng thủ trị trấn của họ, mỗi thầy Tỳ-kheo phải tự canh phòng mình.

Ngài nói kệ:

(315) Như thành ở biên thùy,
Trong ngoài đều phòng hộ,
Cũng vậy, phòng hộ mình,
Sát na chớ buông lung,
Giây phút qua, sầu muộn,
Khi rơi vào địa ngục.

8. Các Ðạo Sĩ Lõa Thể

Không đáng hổ lại hổ...

Câu chuyện xảy ra khi đức Thế Tôn ở tại Kỳ Viên, liên hệ đến các đạo sĩ phái Kỳ-na, lõa hình ngoại đạo Ni-kiền-tử. Một hôm các thầy Tỳ-kheo nhìn thấy các đạo sĩ phái Ni-kiền-tử, đã bàn tán với nhau.

- Này chư huynh, các Ni-kiền-tử này dễ nhìn hơn các đạo sĩ phái Acelaka (Lộ-già-na). Mấy ông kia hoàn toàn trần trụi, còn ác Ni-kiền-tử này ít ra cũng có một tí vải che thân, nhìn đỡ xấu hổ.

Các Ni-kiền-tử nghe chuyện đã nói:

- Không phải vì xấu hổ mà chúng tôi che thân. Chỉ vì bụi đất cũng là những hữu tình chúng sanh có sự sống, vì sợ chúng rơi vào thức ăn mà chúng tôi mang một mảnh vải.

Các thầy Tỳ-kheo, một số đồng ý với lý do trên, số khác không đồng ý, cứ bàn tán mãi. Sau cùng, tất cả đi đến chỗ Phật, thưa ra câu chuyện, Phật dạy:

- Này các Tỳ-kheo, người nào hổ thẹn khi không đáng hổ thẹn, và không cảm thấy hổ thẹn khi cần phải hổ thẹn, sẽ chịu khổ về sau.

Ngài nói kệ:

(316) Không đáng hổ, lại hổ,
Việc đáng hổ, lại không,
Do chấp nhận tà kiến,
Chúng sanh đi ác thú.
(317) Không đáng sợ, lại sợ,
Ðáng sợ, lại thấy không,
Do chấp nhận tà kiến,
Chúng sanh đi ác thú.

9. Trẻ Con Quy Y Phật

Không lỗi, lại thấy lỗi...

Câu chuyện xảy ra khi đức Phật ở tại Kỳ Viên, liên hệ đến một số cư sĩ ngoại đạo.

Có một đám trẻ chơi chung với nhau, con nhà ngoại đạo và con các Phật tử. Khi các trẻ em ngoại đạo về nhà, cha mẹ chúng cấm không cho chào hỏi các Sa-môn đệ tử Phật và không được vào tinh xá. Họ bắt chúng phải giữ lời thề. Và sang ngày khác, khi bọn trẻ chơi đùa gần tinh xá Kỳ Viên, chúng bị khát nước. Các trẻ con ngoại đạo phải nhờ một bạn Phật tử vào tinh xá xin nước uống. Em này vào tinh xá, gặp đức Thế Tôn và kể lại câu chuyện cho Ngài nghe

Phật dạy:

- Uống nước xong, các em ra kêu các bạn vào đây uống.

Tất cả bọn vào gặp Phật. Ngài kể cho các em nghe một câu chuyện dễ hiểu, giảng pháp, khiến các em có niềm tin vững mạnh rồi khiến các em quy y và giữ giới. Các trẻ em ngoại đạo về nhà, kể lại chuyện ba má. Họ giận dữ, khóc lóc rên rỉ:

- Con chúng ta đã theo thầy tà.

Khi ấy, một vài người láng giềng có trí tuệ ở gần đó, sang an ủi họ, giảng giải cho họ nghe. Chừng đó, họ nhận thấy Phật pháp lợi ích bèn quyết định:

- Chúng ta chỉ cho các con đi theo sự hướng dẫn của Ngài Cồ-đàm.

Với bà con dòng họ đông đảo, họ đưa nhau đến tinh xá lễ Phật, nghe pháp. Phật quan sát tâm tư của họ bèn giảng kệ:

(318) Không lỗi, lại thấy lỗi,
Có lỗi lại thấy không,
Do chấp nhận tà kiến,
Chúng sanh đi ác thú.


(319) Có lỗi, biết có lỗi,
Không lỗi, biết là không,
Do chấp nhận chánh kiến,
Chúng sanh đi cõi lành.



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
15/03/2014(Xem: 8394)
Nhà tâm lý học Paul Ekman thừa nhận rằng ông chỉ hơi thích thú với Đạo Phật khi ông được mời đến Dharamsala, Ấn Độ, trong năm 2000 cho một cuộc đối thoại của Đức Đạt Lai Lạt Ma với những nhà khoa học, được bảo trợ bởi Viện Tâm Thức và Đời Sống. Nhưng Ekman, một khoa học gia chức năng nổi tiếng là một chuyên gia hàng đầu về những biểu hiện trên mặt, đã mê mẫn về đề tài được bàn thảo: những cảm xúc tàn phá. Sự tiếp xúc với Đức Đạt Lai Lạt Ma đã chuyển hóa đời sống của ông, đến một mức độ mà ông ngạc nhiên vô cùng.
15/03/2014(Xem: 7617)
Bốn pháp tế độ phát xuất từ cụm từ saṅgāha vattha nghĩa là sự thu phục, nhiếp hóa, cảm hóa, tế độ. Đây là 4 pháp, 4 nguyên tắc sống mà tiền thân chư Phật, tức chư Bồ-tát thường áp dụng để nhiếp hóa, cảm hóa chúng sanh, hướng dẫn chúng sanh trên con đường phước thiện, đạo đức. Bốn pháp này liên hệ hữu cơ, gắn bó thiết cốt với nhau, như một cái bàn có bốn chân, thiếu một thì cái bàn sẽ khập khiễng. Cũng vậy, bốn pháp tế độ mà thiếu một thì sự cảm hóa chúng sanh sẽ giảm hẳn hiệu năng. Vậy 4 pháp ấy là gì?
15/03/2014(Xem: 6783)
Thật cần yếu để học hỏi và thành đạt trong sự học vấn. Rèn tâm là một tiến trình làm cho quen thuộc. Trong phạm vi Phật Giáo, việc làm quen thuộc, hay thiền tập, liên hệ đến sự chuyển hóa tích cực tâm, đấy là, sự loại trừ những phẩm chất khiếm khuyết và việc trau dồi những phẩm chất tích cực của nó.
14/03/2014(Xem: 33146)
Nhiều người đến với đạo Phật để tìm cách giải trừ phiền não, khổ đau, họ đọc tụng kinh chú, ăn chay, niệm Phật, làm công quả, cúng dường, bố thí, nhưng không biết diệt trừ bản ngã. Trải qua bao nhiêu năm trong đạo vẫn chấp vào cái Ta, kiêu căng, ngạo mạn, khoe khoang, chạy theo danh lợi, đến khi cái ngã bị trái ý, tổn thương thì giận dữ, sân si tạo khẩu nghiệp mắng chưởi, mạ nhục kẻ khác.
14/03/2014(Xem: 11370)
Đọc Kim Dung, thấy có một nhân vật Hoà thượng tên là "Nói Không Được" rất thú vị. Thú vị không vì tính cách của ông mà vì cái tên của ông. Thật ra, trong nguyên bản gọi là Hoà thượng Bất Khả Thuyết. "Bất Khả Thuyết" hay "Nói Không Được" ta đã gặp nhiều khi học Phật, không chỉ là Bất khả thuyết mà còn Bất khả tư nghì, Bất khả đắc, Bất khả thủ, Bất khả...
13/03/2014(Xem: 6938)
Tâm linh là sự khát khao của những tâm hồn hướng thượng, vật dục là sự thèm khát của những ai thích thụ hưởng cảm thọ vật thể.. Những dân tộc có nền văn hóa sâu đậm, thâm thúy, cho dù dân tộc đó già cổi hay non trẻ, cũng đều có chiều kích tâm linh đáng kính
13/03/2014(Xem: 11244)
“Sáng cho nguời thêm niềm vui, chiều giúp người bớt khổ.”, đó là một trong những lí do thiết yếu để đạo Phật có mặt ở thế gian. Bởi vậy, cho vui cứu khổ đã trở thành một nhiệm vụ chánh yếu của mọi người tu học theo Phật pháp – dù xuất gia hay tại gia, ở bất cứ phương trời nào,
13/03/2014(Xem: 7718)
Ta nhìn xuyên suốt lịch sử phát triển của xã hội loài người, thì không có bất cứ một xã hội nào, mà chính quyền không chủ trương và nỗ lực trừ diệt nạn trộm cắp, nhưng mà nạn trộm cắp thì không có xã hội nào diệt sạch. Xã hội kém phát triển và kém văn minh, thì việc trộm cắp cũng xảy ra theo cách kém phát triển và kém văn minh như xã hội ấy
13/03/2014(Xem: 7321)
Trong đạo Bụt, đối tượng của sự quy y là Bụt, Pháp và Tăng. Chúng ta thường nghĩ là mình đã hiểu nhưng thật ra có lẽ ta chưa hiểu rõ thế nào là quy y Tam Bảo. Nếu thực sự quy y Tam Bảo thì ta sẽ có hạnh phúc ngay lập tức, ta không còn do dự hay nghi ngờ nữa và ta có rất nhiều năng lượng. Chúng ta phải hiểu rõ thế nào là Bụt, Pháp, Tăng thì ta mới có chỗ nương tựa đàng hoàng.
13/03/2014(Xem: 6490)
Chúng tôi tình cờ gặp Florian tại quán cơm 5.000 Thiện Phước (Q.11) vào một buổi chiều tháng 2, khi anh mang đến một bao gạo 50kg cùng 5 bình dầu ăn. “Tôi là Thích Đồng Hòa, đến từ chùa Định Tâm, có một chút quà nhỏ góp cho những người nghèo”, Florian nói rồi ra về. Hành động này khiến ai cũng ngạc nhiên vì chàng Tây trẻ tuổi, vóc dáng cao to lại khoác áo tu hành và nói tiếng Việt rất sõi.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]