Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tám pháp thế gian

01/04/201314:57(Xem: 6157)
Tám pháp thế gian

Tám pháp thế gian

Bình Anson

---*---

Bài nầy viết dựa theo tập sách "The Eight Worldly Conditions", do Hòa thượng Nàrada viết năm 1970, và bác Phạm Kim Khánh dịch năm 1972 với tựa đề "Những Bước Thăng Trầm".

*

Biên tập nội dung: Tỳ kheo Thích Nguyên Tạng
Xin gởi bài mới và ý kiến đóng góp đến ban biên tập qua địa chỉ:
[email protected]

Tiếng Pali của "tám pháp thế gian" là "atthalokadhamma". "Attha"là tám, "loka"là thế gian, và "dhamma"là pháp. Atthalokadhammacòn được dịch là Bát Pháp, hay Bát Phong, là tám ngọn gió làm rung chuyển thế gian. Đó là: được (làbha) và mất (alàbha), danh thơm (yasa) và tiếng xấu (ayasa), ca tụng (pasamsà) và khiển trách (nindà), hạnh phúc (sukha) và đau khổ (dukkha).

Trong kinh "Tùy Chuyển Thế Giới", Tăng Chi Bộ, Chương Tám Pháp, Đức Phật dạy:

Này các Tỳ-khưu, có tám pháp thế gian làm tùy chuyển thế giới. Thế nào là tám? Đó là: lợi dưỡng và không lợi dưỡng, danh vọng và không danh vọng, tán thán và chỉ trích, an lạc và đau khổ.

Sau đó, Ngài nói lên bài kệ:

Lợi dưỡng, không lợi dưỡng,
Danh vọng, không danh vọng
Tán thán và chỉ trích
An lạc và đau khổ

Những pháp này vô thường
Không thường hằng, biến diệt
Biết chúng, giữ chánh niệm
Bậc trí quán biến diệt

Pháp khả ái, không động
Không khả ái, không sân
Các pháp thuận hay nghịch
Ðược tiêu tan không còn.

Sau khi biết con đường
Không trần cấu, không sầu
Chơn chánh biết sanh hữu
Ði đến bờ bên kia.

Ngài giảng rằng khi chúng ta gặp phải một trong tám sự kiện ấy (lợi dưỡng, không lợi dưỡng, danh vọng, không danh vọng, tán thán, chỉ trích, an lạc, đau khổ), chúng ta không nên bám theo các điều thuận lợi như: lợi dưỡng, danh vọng, tán thán, an lạc; và chúng ta cũng không nên sân hận với các điều bất thuận lợi như: không lợi dưỡng, không danh vọng, chỉ trích, đau khổ. Chúng ta không nên để các điều đó ngự trị và lấn áp tâm trí. Trái lại, chúng ta nên nhận biết rõ ràng rằng: "Sự kiện này đang khởi lên nơi ta. Tuy nhiên, sự kiện ấy là vô thường, khổ, biến hoại", để có một thái độ bình thản, tỉnh giác. Vị Thánh đệ tử nào đoạn tận thuận ứng, nghịch ứng như vậy, sẽ được giải thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết, sầu, não. Từ đó, vị ấy thoát khỏi mọi ô nhiễm ràng buộc, và tiến đến bờ giải thoát.

*

1. Ðược và Mất (LàbhaAlàbha)

Trên đường đời, chúng ta thường phải gặp cả hai điều: được và mất, hay nói cách khác, lợi lộc và lỗ lã. Dĩ nhiên, khi được lợi thì người ta thỏa thích, vui mừng. Nhưng đến khi lỗ lã thì phiền não bắt đầu khởi phát. Nhiều trường hợp lỗ lã quan trọng làm cho người ta loạn trí, lắm khi đưa đến cảnh quyên sinh mạng sống, nếu không còn chịu đựng được nữa. Chính trong những hoàn cảnh tương tợ, ta phải biểu dương tinh thần dũng cảm và giữ tâm bình thản, không để quá chao động. Trong lúc vật lộn với đời sống, tất cả mọi người đều phải gặp những lúc thăng, lúc trầm, và chúng ta phải sẵn sàng chịu đựng, sẵn sàng đối phó, nhất là trong nghịch cảnh.

Mất một vật gì, tất nhiên ta cảm thấy buồn. Nhưng chính cái buồn ấy không giúp ta tìm lại được vật đã mất. Ta phải nghĩ rằng ai đó có thể hưởng vật kia, mặc dầu họ hưởng một cách bất chánh. Ước mong người ấy được vui vẻ, an lành và hạnh phúc. Hoặc giả ta có thể tự an ủi: "Ðây chỉ là một mất mát nhỏ nhen, không quan trọng." Hoặc giả ta có thể chấp nhận một thái độ triết lý cao thượng: "Không có gì là 'Ta', không có cái gì là 'Của Ta'".

Ta phải dũng cảm chịu đựng những lỗ lã, thua thiệt, mất mát. Phải đương đầu với nó, và như câu "họa vô đơn chí"diễn tả, nó có thể đến một cách đột ngột, từng đoàn, từng đám đông, chớ không đơn độc. Ta phải điềm tĩnh đối phó, với tâm Xả (upekkhà) hoàn toàn, và nghĩ rằng: đây là cơ hội vàng ngọc để thực hành đức tánh Xả ly cao thượng nầy.

*

2. Danh Thơm và Tiếng Xấu (YasaAyasa)

Danh thơm và tiếng xấu là cặp thăng trầm khác mà ta phải đối phó hàng ngày.

Danh thơm, chúng ta hoan hỷ đón mừng. Tiếng xấu thì chúng ta không thích. Danh thơm làm phấn khởi tinh thần. Tiếng xấu làm cho ta phiền muộn, khổ đau. Chúng ta thích được trứ danh. Chúng ta rất thỏa thích thấy những hoạt động của mình, dầu không đáng kể, được tường thuật và được nhiều người nhắc nhở, nhiều người biết đến. Lắm khi ta cũng cố gắng, một cách bất chánh, làm cho người ta chú ý đến mình.

Thật ra, chúng ta không cần chạy theo danh thơm, tiếng tốt. Nếu ta xứng đáng, ắt nó sẽ đến mà không cần tìm. Khi hoa đượm mật đầy đủ thì ong, bướm sẽ đến. Hoa không cần mời ong, hay mời bướm.

Còn tiếng xấu thì sao? Chúng ta không thích nghe, hay nghĩ đến. Chắc chắn là khi những lời nói xấu lọt vào tai, nó sẽ làm cho tâm ta bàng hoàng, khó chịu. Nỗi khổ tâm càng sâu đậm hơn, nếu những lời gọi là tường thuật hay báo cáo ấy tỏ ra bất công và hoàn toàn sai lạc.

Nhưng cũng nên nhớ rằng cho dù ta có thể sống đời đạo đức trong sạch như một vị Phật, nhưng ta không thể tránh những lời chỉ trích, tấn công và nguyền rủa. Ðức Phật là vị giáo chủ trứ danh nhất thời bấy giờ mà cũng thường bị những người ác ý tìm cách vu oan, ám hại, nói xấu.

Ta không nên phung phí thì giờ để đính chánh những lời đồn đãi sai lạc, nếu hoàn cảnh không bắt buộc ta phải làm sáng tỏ vấn đề. Kẻ thù nghịch sẽ lấy làm thỏa thích mà thấy ta bực bội vì lời nói của họ. Ðó chính là điều mà họ mong muốn. Nếu ta thản nhiên, lời vu oan sẽ rơi vào tai điếc.

Giáo Pháp có dạy:

"Hãy như sư tử, không run sợ trước tiếng động.
Hãy như luồng gió, không dính mắc trong màn lưới.
Hãy như hoa sen, từ bùn nhơ nước đục mọc lên,
Nhưng không bị nước đục và bùn nhơ làm ô nhiễm.
Hãy vững bước, đơn độc một mình, như con tê giác."

Là chúa sơn lâm, sư tử không sợ hãi. Bẩm chất thiên nhiên của sư tử là không run rẩy giựt mình khi nghe tiếng gầm thét của các loài thú khác. Trên thế gian nầy, chúng ta thường nghe thuật lại những câu chuyện trái tai, bất lợi, những lời buộc tội giả mạo, những tiếng vu oan phỉ báng đê hèn. Như sư tử, ta không cần để tâm đến.

Chúng ta đang sống trong thế gian bùn nhơ, nước đục. Nhiều đóa hoa sen đã từ đó vượt lên, tô điểm đời sống, mà không bị nước đục và bùn nhơ làm hoen ố. Chúng ta phải cố gắng sống như hoa sen, một cuộc đời trong sạch và cao quý, không màng quan tâm đến bùn nhơ mà người khác có thể ném vào ta. Phải sẵn sàng đón nhận bùn nhơ, mà người khác có thể ném vào mình, thay vì mong đợi những đóa hoa hồng mà người ta có thể tặng. Như thế, ta sẽ không thất vọng.

Mặc dầu là điều khó khăn, chúng ta phải cố gắng trau giồi hạnh từ khước, buông bỏ, không luyến ái. Không cần để ý đến nọc độc của những lời nói ác ý. Ðơn độc một mình, chúng ta hãy ra đi đó đây, tận lực phục vụ và tạo an lành cho kẻ khác.

*

3. Ca Tụng và Khiển Trách (PasamsàNindà)

Ðược ca tụng và bị khiển trách là hai hoàn cảnh thăng trầm khác, hằng ảnh hưởng đến nhân loại. Lẽ dĩ nhiên, khi được ca tụng thì ta nở mặt nở mày, hân hoan thỏa thích. Lúc bị khiển trách thì tinh thần suy sụp, ủ dột buồn rầu. Ðức Phật dạy rằng giữa những lời ca tụng hay khiển trách, bậc thiện trí không thỏa thích, cũng không ủ dột ưu phiền, mà tựa hồ như tảng đá vững chắc, không lay chuyển dưới cơn bão táp phong ba của đời sống. Nếu chúng ta xứng đáng, những lời khen tặng quả thật êm tai. Nhưng nếu ta không xứng đáng, như trường hợp có người nịnh bợ, thì những lời ấy dù có êm tai, cũng sẽ làm cho ta thất vọng, và là một tai hại.

Người thực hành Giáo Pháp thì không tin vào những lời nịnh bợ, cũng không muốn được nịnh bợ. Khi khen tặng ai xứng đáng, người Hiền trí thật lòng khen tặng mà không ẩn ý ganh tị. Khi khiển trách, các Ngài khiển trách mà không ẩn ý khinh khi. Các Ngài chỉ khiển trách vì lòng bi mẫn, muốn cải thiện người lầm đường lạc nẻo.

Còn khiển trách thì sao? Ðức Phật dạy: "Người nói nhiều bị khiển trách. Người nói ít bị khiển trách. Người lặng thinh cũng bị khiển trách."

Ðức Phật cũng nói: "Người thế gian phần đông sống không kỷ luật. Như voi chiến ở trận địa, hứng lãnh lằn tên mũi đạn từ mọi hướng dồn dập bắn đến, cùng thế ấy, Như Lai hứng chịu mọi nguyền rủa của thế gian."

Kẻ si mê lầm lạc chỉ tìm cái xấu, cái hư của người khác mà không nhìn cái tốt cái đẹp của ai. Ngoại trừ Ðức Phật, không có ai hoàn toàn tốt lành. Cũng không có ai hoàn toàn xấu ác. Giữa chúng ta, bên trong con người tốt nhất, cũng có phần hư hỏng. Trong con người xấu nhất, cũng có điểm tốt đẹp. Ðức Phật dạy rằng người nào biết câm lặng như cái mõ bể khi bị tấn công, nguyền rủa, chửi mắng, thì, mặc dầu chưa chứng ngộ Niết Bàn, người ấy cũng đã đứng trước Niết Bàn.

Nguyền rủa, chửi mắng là chuyện thường tình. Càng hoạt động, càng phục vụ, chúng ta càng trở nên trưởng thành hơn, và càng phải chịu vu oan, nói xấu, phỉ báng nhiều hơn.

*

4. Hạnh Phúc và Ðau Khổ (SukhaDukkha)

Hạnh phúc và đau khổ là cặp thăng trầm cuối cùng. Nó cũng có nhiều năng lực nhất, ảnh hưởng đến đời sống nhân loại.

Ðiều gì làm được dễ dàng là hạnh phúc. Cái gì khó chịu đựng là đau khổ. Thông thường, thỏa mãn điều mong ước là hạnh phúc. Nhưng, liền khi vừa đạt được điều mong ước ấy, ta đã ước mong một loại hạnh phúc khác. Phần đông chúng ta thỏa thích trong sự thọ hưởng những lạc thú của đời sống. Nhưng cũng có hạng người thỏa thích trong sự từ khước, buông bỏ các lạc thú ấy. Không luyến ái, hay vượt lên trên mọi khoái lạc vật chất, là hạnh phúc đối với người đạo đức. Hạnh phúc Niết Bàn -- tức trạng thái thoát ra khỏi mọi đau khổ -- là hình thức hạnh phúc cao thượng nhất.

Chúng ta vui vẻ đón mừng hạnh phúc. Nhưng đau khổ thì không được niềm nở tiếp nhận. Ðau đớn (vật chất) và phiền muộn (tinh thần) đến với ta dưới nhiều hình thức. Chúng ta đau khổ khi phải chịu bệnh hoạn, già yếu, đó là lẽ tự nhiên. Phải điềm tĩnh chịu đựng những khổ đau đó.

Lắm khi chúng ta phải xa lìa thân bằng, quyến thuộc. Cảnh biệt ly vô cùng đau khổ. Chúng ta phải nhận thức rằng mọi kết hợp đều phải chấm dứt trong cảnh biệt ly. Đó là luật Vô thường, và đây là cơ hội quý báu để ta thực hành tâm Xả.

Trên bước thênh thang trong vòng luân hồi, chết là mối ưu phiền trọng đại nhất mà chúng ta phải đối phó. Ðôi khi cái chết không đến lẻ loi cho một người thân, mà đến trùng hợp cho nhiều người thân trong một lúc. Cái chết không thể tránh, đến với tất cả mọi người, không trừ ai. Và ta phải bình thản đối phó.

*

Ðức Phật dạy rằng:

"Cũng như trên đất, ta có thể vứt bất luận vật gì, dầu chua, dầu ngọt, dầu sạch, dầu dơ. Ðất vẫn thản nhiên một mực trơ trơ, không giận cũng không thương. Vậy, cùng thế ấy, trong hạnh phúc, trong phiền muộn, lúc thăng lúc trầm, ta phải giữ tâm bình thản như đất."

Trước những thăng trầm của thế gian, tâm của các vị Thánh A-la-hán không bao giờ chao động. Vì vậy, noi theo gương các Ngài, giữa những hoàn cảnh được và mất, danh thơm và tiếng xấu, ca tụng và khiển trách, hạnh phúc và đau khổ, chúng ta hãy cố gắng giữ tâm bình thản.


--- o0o ---

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
11/01/2019(Xem: 6654)
Sống chung với nghịch cảnh, đương đầu với chướng duyên, gẫm ra đó cũng chính là một pháp môn tu trong tám vạn bốn ngàn pháp môn của Đức Phật truyền dạy. Người đã tu học theo Pháp Phật thì chẳng còn lạ gì chuyện “sống chung” và “đương đầu” này! Nhờ chướng duyên mà ta mới thấm thía được lý nhân quả. Nhờ nghịch cảnh mà ta mới nhận thấy rõ vô thường.
09/01/2019(Xem: 5541)
HƯƠNG NHẠC ĐẠI NGÀN Ngàn mùi hương, chỉ có hương giới hạnh mới bay ngược làn gió; vạn âm ba, gió rít đại ngàn hay sóng âm biển khơi mới tồn tại miên trường. Âm nhạc đời thường chỉ là cơn sóng xô giạt tiếp nối theo từng thời đại, có lúc chìm lặng lãng quên, có lúc mơ hồ thổn thức.
09/01/2019(Xem: 5522)
Thơ Báo Ơn Khóa Tu Báo Ơn năm nay Chúng con tu tập những ngày mùa đông Tại Chùa Tam Bảo ấm nồng Pháp thoại chia sẻ với lòng lạc an
09/01/2019(Xem: 10275)
Ngày 26/10/2018, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã rời Làng Mai Thái Lan về Đà Nẵng. Hai ngày sau, chiều 28/10, Thầy đã về chùa tổ Từ Hiếu trong sự chào đón của các học trò cũng như tăng ni, Phật tử ở Huế. Chuyện này thì ai cũng biết và các báo đài đã đưa tin rất nhiều.
08/01/2019(Xem: 8095)
Trong thời gian gần đây trên các phương tiện truyền thông đại chúng và mạng xã hội đã bàn tán xôn xao đến cuộc Cách mạng Công nghiệp lần Thứ tư (CC4) và đưa ra nhiều ý kiến là Việt Nam cần phải hành động để đón đầu cuộc CC41. Trước những thách thức mới ấy, trong lãnh vực giáo dục và đào tạo, Việt Nam cần có những kiến thức và kỹ năng gì để có thể đáp ứng nhu cầu lao động trong thời kỳ CC4?
08/01/2019(Xem: 7837)
TRÁI TIM RỘNG MỞ THỰC TẬP BI MẪN TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY Nguyên bản: An Open Heart: Practicing Compassion in Everyday Life Tác giả: Đức Đạt Lai Lạt Ma Thông dịch: Thupten Jinpa Biên tập và nhuận sắc: Nicolas Vreeland Chuyển ngữ: Tuệ Uyển Tác giả, dịch giả và người hiệu đính.
08/01/2019(Xem: 5113)
Kính thưa chư Tôn đức, quí vị hảo tâm Từ thiện và bạn lành. Trong tâm niệm hành thiện: ''Sáng cho người thêm niềm vui- Chiều giúp người vơi bớt khổ'', hôm nay (05.Jan-2019) chúng tôi vừa thực hiện xong một số giếng cần giục (Well hand-pump) cho những ngôi làng nghèo lân cận khu vực Bodhgaya- lưu vực sông Niranjana (Ni Liên Thuyền) và Nalanda tiểu bang Bihar India. Xin chia sẻ cùng quí vị một vài hình ảnh tường trình.
08/01/2019(Xem: 7681)
" Ê tụi mày ơi! Xem kìa, có ông thầy chùa đầu trọc đằng kia..." Khi vừa thoáng nghe, cơn giận từ đâu tràn đến và như xâm chiếm toàn bộ cõi lòng thầy. Thầy thấy mình bị xúc phạm, bị hủy nhục và chê bai. "Ta đây là đường đường một vị quốc sư, ngay cả vua cũng phải kính nể quỳ lạy, người người ai ai cũng tôn kính đảnh lễ, mà nay tụi nhóc này dám nói mình là thầy chùa đầu trọc".
07/01/2019(Xem: 6022)
Chùa Hương Từ Bi - Camp Metta được thành lập vào tháng 9 năm 2017 ở california; và đã ký giấy tờ mua nhà vào ngày 04/10/2018 tại số 14136 Long Ridge Road, thành phố Los Gatos, tiểu bang California, Hoa Kỳ. Hiện chùa có 2 căn nhà với diện tích 26 mẫu tây trong vùng núi Santa Cruz, làm nơi phạm vũ, hoằng pháp lợi sanh, hầu mong báo Phật ân đức qua các hoạt động hàng tuần: ngồi thiền, tụng kinh, pháp đàm, ăn cơm chánh niệm và đi hiking - sinh hoạt dã ngoại; cùng tổ chức những khóa tu học và các ngày đại lễ Phật giáo hằng năm.
06/01/2019(Xem: 7815)
Lời Ngõ Tập kỷ yếu mừng thọ 66 của Thượng-Tọa Thích Từ-Lực được thực hiện bởi một nhóm anh chị em Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử với sự cộng tác của quý thân hữu và môn đệ của Thầy. Đây là món quà tinh thần chúng con thương kính dâng lên Thượng tọa. Xa lộ 66 là xa lộ đầu tiên của nước Mỹ nối kết từ thành phố Chicago của tiểu bang Illinois đến thành phố Santa Monica của tiểu bang California. Như Xa lộ 66, Thầy là một chiếc cầu nối kết những sự cảm thông, sự thương yêu mến nhau giữa mọi người.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]